Pages - Menu

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Lễ Cưới!


Lễ cưới là lễ tình yêu, vì trước hết đó là lễ của hai người yêu nhau muốn công bố với mọi người thân yêu tình yêu của họ. Thánh lễ tình yêu với  nến hồng, hoa thắm rực rỡ trên bàn thờ. Thánh lễ tình yêu với của lễ là tình  của hai người trọn đời trao dâng, là muôn lời nguyện cầu của hai họ, của cộng đồng dân Chúa khẩn khoản nài  xin cho tình yêu hai người được Thiên Chúa  chúc phúc. Một bầu khí ngây ngất yêu thương, một sức sống  chan hoà yêu thương, một cộng đoàn phụng vụ sốt sắng trong hồng ân yêu thương của Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch của mọi tình yêu trên trời, dưới đất. 
Chúng ta đang hiệp dâng thánh lễ tình yêu này với Đức Giêsu. Ngài hiện diện giữa chúng ta hôm nay, để thánh hoá tình yêu hôn nhân  của hai con người,  chúc mừng hạnh phúc lớn của hai họ, và chung niềm vui  của Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài. 
Ngài ở đây để tình yêu đời đời của Ngài đóng ấn cho tình yêu nhiều thách đố bởi thời gian của đôi tân hôn. Ngài có mặt để tình yêu vô cùng của Ngài bảo kê cho tình yêu không ngừng bị thử thách của đời sống vợ chồng. Ngài hiện diện để tình yêu đến cùng của Ngài gìn giữ, nâng đỡ tình yêu vốn yếu đuối của con người. Ngài đồng hành để tình yêu bao dung, thương xót của Ngài chữa lành, và nuôi lớn tình yêu hôn nhân tuy nồng nàn, nhưng không ngừng bị đe doạ nhạt phai. Và sau cùng, Ngài ở với gia đình mới để thương yêu, chia vui sẻ buồn , và  dậy dỗ, nhắc nhở mọi thành viên của gia đình  sống yêu thương như Ngài. 
Ngài muốn đôi tân hôn xác tín điều này, đó là tình yêu nhân loại của hai người, nếu muốn được viên mãn, tròn đầy, đích thực, phong phú và bảo đảm ơn cứu độ thì tình yêu ấy phải được ở trong tình yêu Thiên Chúa, tình của một Thiên Chúa đến trong thế giới để yêu thương, cứu độ mọi người. Vì thế, trước hết và trên hết, đôi tân hôn hãy tín thác tình yêu lứa đôi của mình trong trái tim nhân hậu, giầu xót thương của Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu. 
Đức Giêsu cũng sẽ dậy hai người yêu thương như Ngài bằng sống bởi nhân hậu, có lòng cảm thương, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ nữa, và bài học nằm lòng Ngài sẽ luôn kín đáo, ân cần nhắc nhở hai người yêu nhau, đó là Hy Sinh ; bởi tình yêu không  hy sinh là tình yêu giả dối, tình yêu hời hợt, tình yêu qua đường, qua đêm, tình yêu mây bay, hoang tưởng ; bởi tình yêu chỉ sống được nhờ máu hy sinh của hai người, và dấu chỉ duy nhất của tình yêu chân thực là hy sinh chính mình vì người mình yêu, vì thế, sẽ "không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu". 
Hy sinh cho nhau chính là ỡ vác thánh giá của nhau mỗi ngày ữ, và có thể là vác từng giờ, từng phút. Sẽ  không chỉ là thánh giá mình, mà thánh giá của chúng mình, của vợ mình, chồng mình, gia đình hai bên nội ngoại của mình, và con cháu mình nữa. ỡ Vác Thánh Giá đủ thứ  mình ữ này chính là điều kiện để đi theo Đức Giêsu, và là đòi hỏi của người tín hữu trong đời sống hôn nhân. 
Hy sinh cho nhau vì yêu nhau, đôi tân hôn sẽ khám phá : hy sinh của nhau, cho nhau sẽ  không là hy sinh thừa thãi, hy sinh vô duyên, hy sinh vô nghiã, nhưng là hy sinh vì người mình yêu, hy sinh cho một tình yêu vĩ đại của hai người, và đồng thời hy sinh vì yêu Thiên Chúa, là Tình Yêu tuyệt đối. Hy sinh của hai người yêu nhau qủa thực sẽ được gọi là hy sinh cao cả, hy sinh thánh thiện, hy sinh đem lại ơn cứu độ cho mình và người khác. 
Hy sinh cho nhau, hai người cũng sẽ cảm nghiệm gánh nặng cuộc đời sẽ nhẹ hơn, gánh gồng cuộc sống vợ chồng sẽ bớt nhọc nhằn hơn, vì đó là hy sinh cho tình yêu, hy sinh có tình yêu nâng đỡ, như Đức Giêsu đã khẳng định : "Hỡi những ai vất vả, khó nhọc, hãy đến, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì  êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". 
Hy sinh cho nhau từng ngày, từng giờ, chị sẽ được gọi là người đàn bà có phúc, vì tình yêu sẽ làm tươi trẻ đời làm vợ của chị, sẽ cho chị trở thành người vợ hiền, đảm đang, nết na, vui tươi, duyên dáng, khôn ngoan, tiết hạnh, được chồng  kính trọng, yêu dấu, và được mọi người  qúy mến, tin tưởng. 
Liên lỷ hy sinh cho nhau, anh sẽ là người chồng tốt, rường cột của gia đình, sức mạnh của xã hội, gương sáng cho con cái. Anh sẽ được mọi người trân qúy và được hạnh phúc tràn đầy. 
Và sau hết, khi hy sinh cho nhau,  anh chị sẽ củng cố đức tin, đức mến,  đức cậy  cho nhau, để gia đình sẽ là mái ấm của chính Thiên Chúa, như Nazareth, Bêtania xưa.      
Xin cho ngày cưới hôm nay của anh chị là khởi điểm hành trình Ơn Gọi gia đình được Thiên Chúa chúc phúc. Xin cho thánh lễ hôn phối hôm nay là điểm xuất phát của nhánh sông từ đại dương tình yêu của Thiên Chúa, trên đó anh chị  thuận hoà ỡ tay chèo tay lái ữ đem hạnh phúc đến cho nhau và con cái, cũng như cho hết mọi người anh chị sẽ gặp trên giòng  đời. Xin cho của lễ hy sinh  là Tình yêu trên thánh giá của Đức Giêsu trong thánh lễ hôm nay thánh hoá tình yêu đang học hy sinh của anh chị để đời sống hôn nhân sẽ là đường đưa anh chị và con cháu  đến gặp Đức Giêsu, Đấng đã được sinh ra từ một hôn nhân, lớn lên trong một gia đình, và không ngừng yêu mến, chúc lành cho tình yêu hôn nhân, và hạnh phúc gia đình. Và xin máu thánh từ Tình yêu hy sinh, hiến mình của Đức Giêsu rửa sạch mọi thiếu sót, lỗi lầm trong tình yêu hôn nhân, và biến đổi con tim vô cảm, chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt, biết  chạnh lòng, và yêu thương bằng tình yêu  "vác thánh giá", hy sinh cho nhau, quên mình vì nhau mỗi ngày.   
                                                 Chia sẻ của Nắng Tím với các đôi tân hôn 

Chứng Nhân Nước Trời



 CHỨNG NHÂN NƯỚC TRỜI
Gọi ai đó là chứng nhân khi người ấy làm cho mình tin một việc, một sự kiện, một biến cố, một thực trạng hay một con người mà mình không biết, chưa quen hay chỉ biết một cách mông lung, mơ hồ… Vì thế, uy tín  của chứng nhân và tính khả tín của chứng cứ rất quan trọng vì là yếu tố quyết định niềm tin nơi người nghe.
Tin Mừng thứ tư được bắt đầu bằng hình ảnh sống động của người làm chứng :
« Ông được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về Ánh Sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là Ánh Sáng, nhưng ông đến để làm chứng về Ánh Sáng. Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa » (Ga1, 6-12).
Được chọn để làm chứng cho Đức Giêsu là Ánh Sáng muôn dân (Lux Mundi)  đã có mặt trong đời mà người đời không hay biết, người chứng Gioan đã dõng dạc, hân hoan giới thiệu Đức Giêsu trước đám đông từ khắp nơi kéo đến xin ông làm phép rửa, vì họ nghĩ ông là Đấng Cứu Thế, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu dân.
Ông đã giới thiệu Đức Giêsu là « Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian » (Ga 1,29). Như thế, Ánh Sáng cứu độ nhân loại mà ông có nhiệm vụ làm chứng cũng là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh và xoá tội nhân loại. Hai hình ảnh trái ngược, tương phản trong cùng một con người : Đức Giêsu : Ánh Sáng biểu hiệu của uy lực, vinh quang, vương quyền và Chiên biểu tượng của yếu đuối, nhỏ bé, tầm thường. Hai hình ảnh: Ánh Sáng và Chiên, hai bản tính : Thiên Chúa và con người ; cả hai cùng hiện diện trong Đức Giêsu Kitô.
Tuy được  say mến, suy tôn như thần tượng, nhưng người chứng Gioan không giấu diếm nhân thân của mình : « Tôi đây làm phép rửa trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa anh em, mà anh em không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi dây giầy cho Người » (Ga 1,26).
Ông cũng thành thật cho mọi người biết : ông không biết Đức Giêsu, nhưng Đấng sai ông đến làm phép rửa cho dân Ít-ra- en đã bảo cho ông biết: « Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn » (Ga 1, 33-34).
Gioan Tẩy Giả là nhân chứng về Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người,  nhưng không hề biết Đức Giêsu trước. Ông chỉ làm chứng những gì ông được Thần Khí mặc khải về Đức Giêsu và qua dấu chỉ « chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người » (Ga 1,32)
Tiếp liền sau trình thuật về người chứng Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng thứ tư kể lại cảnh tượng Đức Giêsu  kêu gọi và chọn các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-43), và  họ cũng là những nhân chứng về Ngài :
« Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : «  Đây là Chiên Thiên Chúa ». Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : « Các anh tìm gì thế ? ». Họ đáp : «Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? ». Người bảo họ : «Đến mà xem ». Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người… Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói : « Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia», rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu… Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philipphê và nói : « Anh hãy theo tôi. ».. » (Ga 1,35- 42). 
Những môn đệ đầu tiên, hoặc do giới thiệu, hoặc được dẫn đến, hoặc tình cờ trên đường, tất cả đều được gặp Đức Giêsu, được Ngài mời « đến mà xem » và kêu gọi đi theo Ngài.
Khác với Gioan Tẩy Giả đã được Thần Khí soi dẫn để nhận ra Đức Giêsu và làm chứng về Ngài dù không biết Ngài truớc đó, những nhân chứng - môn đệ tiếp theo Gioan  sẽ làm chứng Đức Giêsu sau khi đã biết Ngài, vì được theo Ngài, ở với Ngài, lắng nghe Ngài và chiêm ngưỡng  Ngài. Lời chứng của các vị sẽ là những lời chứng sống động của  chứng nhân sống động đã sống kinh nghiệm là môn đệ. Chứng từ của các vị sẽ là những  cảm nghiệm rất thực của tình yêu nhập thế, nhập thể trên da thịt, trong máu xương. Lý chứng  của các vị sẽ gần gũi, thiết tha, thân mật  như tấm bánh, ly rượu sẻ chia từng bữa đói no của những  tháng ngày thầy trò chung sống. Bởi các vị không làm chứng cho một lý thuyết suông, một giáo điều lạnh lùng, một tôn chỉ cứng nhắc, hay một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng làm chứng một « con người - Thiên Chúa » đã chết và đã sống lại.
Như thế cả Gioan Tẩy Giả và các tông đồ đều làm chứng Đức Giêsu vừa là con người vừa làThiên Chúa : Ánh sáng và Chiên, chịu chết và sống lại, bởi chỉ một mình Thiên Chúa mới là Ánh sáng và tự mình sống lại.
Làm chứng về « Thiên Chúa - Con người » này, chứng nhân không thể hời hợt, mơ hồ, mông lung, phất phơ, loáng thoáng; cũng không  làm theo kiểu  thời vụ, khi được khi không, lúc ẩn lúc hiện, tùy thời, tùy hứng, vì Đức Giêsu Thiên Chúa chỉ sai đi làm chứng về Ngài những ai đi theo, và ở lại với Ngài như môn đệ thiết thân của Ngài; vì Thánh Thần Tình Yêu  và Chân Lý chỉ soi dẫn và phù trợ những ai thuộc về Đức Giêsu và được chính Ngài sai đi.
Vì thế, không thể có chứng nhân ở ngoài Thánh Thần như Gioan đã được Thánh Thần bảo cho biết ai là Đức Giêsu Kitô, Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; cũng không thể tìm gặp nhân chứng đích thực  ở ngoài  Đức Giêsu, vì điều kiện tiên quyết để trở thành nhân chứng của Đức Giêsu chính là gặp gỡ Ngài, đi theo Ngài, ở với Ngài để yêu mến và trở nên giống Ngài.  


Phần I
CHỨNG NHÂN
Trong suốt tập chia sẻ này, chúng ta hiểu  hai chữ Chứng Nhân  trong ý nghiã chứng nhân  Nước Trời, chứng nhân Tin Mừng, chứng nhân Đức Tin,  chứng nhân của Đức Giêsu, chứng nhân của Thiên Chúa.
1.    Làm chứng đời một « Thiên Chúa làm người »
Tất cả mọi Kitô hữu b ất kể người đó là ai, ở vị thế, hoàn cảnh nào đều là chứng nhân của Đức Giêsu, có trách nhiệm sống Đức Giêsu và giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người. Sứ mệnh làm chứng là sứ mệnh căn bản của ơn gọi Kitô hữu. Chính sứ mệnh này làm cho người đi theo Đức Giêsu trở thành người có Đức Giêsu, người yêu Đức Giêsu, người mang Đức Giêsu, người sống Đức Giêsu. Bởi có mang, có yêu có sống, người có Đạo mới được gọi là Kitô hữu: người có Đức Kitô.
Như thế, chứng nhân của Thiên Chúa, chứng nhân của Nước Trời, chứng nhân của Tin Mừng, hay chứng nhân của Giáo Hội cũng chỉ làm chứng duy nhất một Đức Giêsu, « Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống » (Ga 14,6), vì không ai đến với Chúa Cha mà không qua Ngài, cũng như ai biết Ngài là biết Chúa Cha, vì chính Ngài là Thiên Chúa (x. Ga 14,7).
Ngài cũng là Nước Trời, là Đầu Giáo Hội, và người tín hữu như những chứng nhân sống sẽ “sống và làm chứng” bằng “loan truyền Đức Giêsu chịu chết, tuyên xưng Đức Giêsu sống lại cho tới khi Ngài đến”. Lời tuyên xưng long trọng trong thánh lễ đã khẳng định sứ mệnh và nội dung làm chứng của mọi tín hữu, môn đệ của Đức Giêsu: Làm chứng về đời Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa - làm người.
Như thế, chứng nhân không làm chứng những sự việc, hay sự kiện loanh quanh, ngoài vòng, nhưng làm chứng một con người - Thiên Chúa là Đức Giêsu. Đời  Đức Giêsu là đối tượng duy nhất, là nội dung duy nhất chứng nhân phải làm chứng. Bỏ quên Đức Giêsu, lẫn lộn Ngài với đối tượng khác, hay loại bỏ Ngài trong lời chứng là tự mâu thuẫn, tự phản bội chính ơn gọi và sứ mạng làm nhân chứng của mình. Nhiều người tự nhân là chứng nhân Nước Trời, nhưng không nhắc gì đến Đức Giêsu; có người hăng say làm chứng về Thiên Chúa, nhưng rất tiếc thiên chúa ấy lại  xa lạ với Đức Giêsu; người khác nhiệt tình. Tất cả những người này đều không làm chứng gì, vì trật đường rầy khi làm chứng, lẫn lộn, lầm lạc trong chứng từ, nhất là không biết gì về đối tượng mình phải loan truyền, tuyên xưng, làm chứng. Họ đáng thương hơn đáng trách vì  phí phạm thiện chí và nghị lực dấn thân làm chứng những điều viển vông, mơ hồ, sai lạc.    
Vì thế, điều quan trọng hơn tất cả mọi điều quan trọng là xác tín: đối tượng phải làm chứng, đối tượng phải được giới thiệu, đối tượng phải được loan truyền và tuyên xưng chính là Đức Giêsu, và chỉ có Đức Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa làm người, nơi Ngài có ánh sáng và tình yêu cứu độ.
Khi làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, đã chết và sống lại, chứng nhân tin, sống và làm cho mọi người sống và tin:  
·       Đức Giêsu là Tình Yêu cứu độ.
Thế giới loài người, do tội lỗi đột nhập lộng hành đã làm cho con người trở nên ích kỷ, ghen ghét, hận thù. Người ta không còn nghĩ đến nhau, nhưng chỉ nghĩ về mình, cho mình. Người ta không hy sinh mình vì người khác, nhưng hy sinh người khác vì mình. Tai ương, bất hạnh phần lớn do con người thiếu tình thương yêu nhau. Chính trong thế giới ích kỷ, thù hận này mà Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu  đã đến và cắm lều ở giữa con người.  
Sự chết của Ngài là bằng chứng của tình yêu tuyệt hảo: “Không có tình yêu nào vĩ đại hơn chết cho người mình yêu” (G 15,13). Sự chết của Ngài là dấu ấn của tình yêu đến cùng: “Ngài đã yêu những kẻ thuộc về Ngài và yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Sự chết của Ngài chuộc hết lỗi lầm, tội lụy của nhân loại : “Một người chết cho toàn dân được nhờ ” (Ga 12,50). “Khi bị treo, ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”.
Khi loan truyền Đức Giêsu chịu chết, các chứng nhân loan truyền Thiên Chúa là Tình Yêu đã yêu con người đến ban Con một yêu dấu của Ngài cho thế gian, để chết và chuộc tội cho thế gian được sống. « Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta » (1 Ga 4,10).
·       Nơi Ngài có sự sống và sự sống lại, vì Ngài là Thiên Chúa.
Không ai không phải chết, vì chết là hậu qủa của tội lỗi. Đứg trước cái chết, con người thấy mình bất lực và cuộc đời  vô nghiã, bởi kết thúc qúa bi đát, phi lý. Con người có thể không sợ chết vì có thể chết khốn nạn, chết đau đờn, chết không toàn thây, nhưng sợ những ý nghi về một lần chết vô nghiã và một đời sống hoàn toàn phi lý khi chết rồi là hết, chết rồi là hư vô, cát bụi.
Để con người không phải sống một đời vô nghiã, và chết một cái chết phi lý, Đức Giêsu đã đến trong đời người để ban cho con người sự sống đời đời, để thần chết không còn uy lực tuyệt đối trên con người, để sau cuộc sống này sẽ nối tiếp một cuộc sống vĩnh cửu, đời đời.   
Khi làm chứng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, các chứng nhân giới thiệu Đức Giêsu là Thiên Chúa, vỉ chỉ một mình Thiên Chúa mới tự mình sống lại và làm sống lại người khác; chỉ một mình Thiên Chúa mới chiến thắng tội lỗi; chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên thần chết, điạ ngục. Từ trong mồ, Đức Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã hứa là lời chứng quan trọng mà tất cả các chứng nhân phải tuyên xưng, loan báo, vì sự phục sinh của Ngài là bảo đảm chắc chắn cho niềm tin, sứ mệnh làm chứng và sự sống đời đời, như thánh Phaolô đã viết:
 “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng, hão huyền…Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn ai hết » (1 Cr  15,14.19)
·       Đức Giêsu là phần thưởng đời đời:
Cuộc đời khóc nhiều hơn cười, khổ nhiều hơn sướng do hậu qủa của tội lỗi. Để con người không tuyệt vọng, Đức Giêsu hứa phần thưởng đời đời cho những ai tin yêu Ngài. Đời khổ đau và cuộc sống lam lũ, vất vả từ nay không đưa con người vào ngõ cụt vô vọng, nhưng được Đức Giêsu trả công bội hậu, ban thưởng gấp trăm và dẫn vào hạnh phúc đời đời.
Như thế, chứng nhân không chỉ làm chứng Đức Giêsu đã chết, sống lại, mà còn làm chứng “Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Ngài sẽ không bao giờ cùng”.
Tuyên xưng “Ngài sẽ đến” là làm chứng cuộc sống con người không kết thúc vô nghiã bằng cái chết vô lý, đời người không vô vị đến độ sẽ trở về hư không, tương lai con người không sầu buồn, thê lương vì sẽ thành hư vô, cát bụi; nghiã là sau khi chết sẽ chẳng còn gì.
Đứng trước vấn nạn bi kịch này, câu trả lời của chứng nhân sẽ là : Cuộc sống con người không vô nghiã vì hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng khi tuyên xưng “Đức Giêsu sẽ đến”.
“Đức Giêsu sẽ đến, Đức Giêsu sẽ trở lại” là lới hứa tràn đầy hy vọng, là hạnh phúc đời đời đang hình thành hôm nay, là niềm vui vô cùng đang lớn dần mỗi ngày, là phần thưởng vô giá Thiên Chúa hứa ban trong vương quốc của Ngài. Sự chết từ nay không còn là đe doạ đáng sợ, là dấu chấm tuyệt vọng, là kết thúc kinh hoàng; nhưng chết chỉ là một bước đi qua, một nhẩy vọt từ sự sống chóng qua vào sự sống vĩnh cửu, từ cuộc sống sớm nở tối tàn vào cuộc sống đời đời, là sự chiêm ngắm Thiên Chúa từ tình trạng như thấy trong gương sang hiện thực « diện đối diện ». Chết với Đức Giêsu là gặp Ngài trong vinh quang Thiên Chúa của Ngài. Chết trong Đức Giêsu là chung hưởng ánh sáng phục sinh của Ngài. Chết cho Đức Giêsu sẽ được thống trị cùng Ngài trong vương quốc Nước Trời, quê hương hạnh phúc của chứng nhân.     
2.    Một đời làm chứng:
Vì làm chứng đời của Đức Giêsu, nên chứng nhân không thể làm chứng trong chốc lát, một lúc rồi thôi, hay vui thì làm, buồn thì bỏ, hoặc bất mãn, không hài lòng thì quay đầu “phản chứng”. Trái lại, chứng ấy là chứng một đời, nên phải dài lâu, liên lỷ, toàn diện một đời làm chứng. Điều  đó có nghiã: chứng nhân sẽ làm chứng về đời Đức Giêsu suốt đời mình, suốt cuộc sống trần gian của mình cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay, khi Đức Giêsu trở lại, bởi ngày trở về của con người là ngày Chúa đến, giờ chết của mỗi người là lúc Chúa đích thân đến gặp  trong vinh quang của Ngài.
Khi “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”, mỗi chứng nhân đã tự nguyện hiến cả đời mình để làm chứng Đức Giêsu và làm chứng cho tới khi Ngài trở lại, tức đến hơi thở cuối cùng của đời nhân chứng.
Vì thế, làm chứng Đức Giêsu là làm chứng “suốt đời”, không chỉ suốt đời với thời gian xuyên suốt, mà còn “cả đời” trong không gian toàn diện, nghiã là ở đâu, đi đâu, trong hoàn cảnh, tình huống nào, ở vị thế, điều kiện nào, dưới thể chế  thuận lợi hay bất lợi, dễ dàng hay khó khăn, chứng nhân cũng vẫn hăng say làm chứng.
Một đời làm chứng còn là làm chứng bằng chính cuộc đời. Người làm chứng về Đức Giêsu sẽ không khoanh vùng đời mình, không giới hạn sinh hoạt cuộc sống mình, không tách biệt từng chiều kích, bình diện của nhịp sống khi làm chứng Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu chiếm lĩnh toàn diện, bao phủ toàn thể đời người làm chứng, và họ loan truyền, giới thiệu đời Đức Giêsu với tất cả niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại, đặc lợi đặc quyền hay bất công, thua thiệt. Họ không đặt Đức Giêsu ở một góc đời, trong một khoảng khắc thời gian được định rõ trên thời khoá biểu, nhưng Đức Giêsu là tất cả với họ và như thánh Phaolô, các chứng nhân sẽ hạnh phúc thốt lên: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.
3.    Làm chứng một Thiên Chúa là Tình Yêu:
Đức Giêsu mà chứng nhân làm chứng là Thiên Chúa Tình Yêu (1 Ga 1,8). Vì tình yêu mà Thiên Chúa ấy đã làm người, chịu chết và sống lại. Vì tình yêu mà Thiên Chúa ấy đã si mê con người và muốn cứu sống mọi người, bất kể ai. Vì tình yêu mà Thiên Chúa ấy ở lại với con người đến tận thế. Vì tình yêu mà Thiên Chúa ấy mời gọi con người làm chứng nhân tình yêu của Ngài để mọi người được hưởng hạnh phúc của Tình Yêu ấy.
Thực vậy, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ để dậy các ông “yêu mến nhau như Thầy đã yêu chúng con” (Ga 15,12), để huấn luyện các ông “khiêm tốn phục vụ trong yêu thương” (Mt 20, 24-28), để tập cho các ông biết “hy sinh quên mình và sẵn sàng chết cho người mình yêu” (Ga 15,13)  như Ngài sẽ thực hiện trên thánh giá, để các ông ý thức: chỉ có tình yêu mới có khả năng cứu độ mình và cứu rỗi người khác.
 Hình ảnh ngày chung thẩm trong Tin Mừng Mátthêu đã được chính Đức Giêsu trình bầy tỉ mỉ (x. Mt 25, 31- 46): Khi  yêu thương và làm phúc cho những anh em bé nhỏ nhất là làm cho chính Thầy”. Khi sai các môn đệ đến với muôn dân, Đức Giêsu đã sai các ông làm chứng cho mọi người ở mọi nơi, mọi thời duy nhất một sứ điệp tình yêu: Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài yêu nhân loại đến cùng. Ngài đã đến trong nhà con người, sống giữa con người, chết như con người để con người được sống và sống dồi dào qua sự phục sinh của Ngài.   
Nếu Đức Giêsu, Đấng mà các chứng nhân phải làm chứng là Tình Yêu và sứ điệp Ngài muốn chứng nhân loan báo cũng là sứ điệpTình yêu thì chắc chắn những chứng nhân của Ngài không thể làm khác hơn là loan báo Thiên Chúa Tình Yêu và sứ điệp Yêu Thương của Ngài cũng bằng đời sống yêu thương, qua ngôn ngữ yêu thương, với cung cách yêu thương, trong tâm tình yêu thương. Nói cách khác, chứng nhân , tức môn đệ của Đức Giêsu phải làm chứng Đức Giêsu là Tình Yêu bằng sống yêu thương như Ngài, bởi “Người ta cứ dấu này mà  nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Làm cho người khác nhận ra chính xác người mình làm chứng, chấp nhận tin yêu người mình rao giảng, chân nhận Đấng mà mình loan báo, đó là mục tiêu của người làm chứng. Và Đức Giêsu đã chỉ cho các chứng nhân của Ngài cách thế hữu hiệu để đạt mục đích này. Đó là “Yêu Thương”. Theo Ngài, sẽ không có cách nào hay hơn, tuyệt vời hơn, mang lại nhiều kết qủa bằng sống yêu thương, và suốt những năm sống làm người, Ngài đã chỉ say mê mời gọi các môn đệ, và mọi người sống yêu thương: yêu Thiên Chúa và thương người cùng sống.   
Tóm lại, sứ mệnh loan báo Tin Mừng là làm chứng Đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa Tình yêu, Đấng đã đến cư ngụ giữa con người để  yêu thương, cứu độ con người. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên lời chứng sẽ chỉ có giá trị, và sức thuyết phục nếu chứng nhân sống giới luật yêu thương như Đức Giêsu đã ân cần căn dặn: Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng  con là môn đệ, chứng nhân của Thầy là “chúng con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).


Phần II
ĐỂ TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC

Không phải chứng nhân nào cũng làm chứng đúng, làm chứng hữu hiệu. Có những chứng nhân giả, những chứng nhân làm chứng sai, làm chứng thiếu sót, làm chứng hời hợt, làm chứng cẩu thả, làm chứng trái ngược sự thật, méo mó dung mạo người phải làm chứng, sai lệch sứ điệp phải loan báo, rao truyền. Đức Giêsu đã chẳng cảnh báo các môn đệ của Ngài về tình trạng chứng nhân “phản chứng” đáng ngại này sao? 
“Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ” (Lc 21, 8).
Họ có thể nói rất hay, nhưng điều họ nói không đem lại ơn đổi mới. Họ có thể nói rất nhiều, nhưng không thuyết phục, vì không sống điều mình nói. Họ có thể trình bầy nhiều kiến thức, nhưng không làm chứng về một con người. Họ có thể tỏ ra hiểu biết, nhưng không toả sáng yêu thương. Họ có thể lý luận chặt chẽ, nhưng lỏng lèo cảm nghiệm. Họ trình bầy nhiều sáng kiến, giầu tưởng tượng, nhưng nghèo hy vọng, thiếu niềm tin. Họ có thể nắm vững lý thuyết, nhưng trống rỗng tinh thần và kệch cỡm vì tri - hành bất nhất.
Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu đã nặng lời trách móc, lên án những kinh sư và Pharisêu giả hình, bôi bác, trịch thượng, kiêu căng, buôn thần bán thánh, bất lương. Những người này là hình ảnh của những chứng nhân “phản chứng” đã lợi dụng vị thế chứng nhân và nhân danh Đức Giêsu để làm ô uế dung mạo của Ngài khi chống lại con người, làm tổn thương con người, vi phạm quyền sống  của con người. Họ là những chứng nhận giả hiệu, giả hình, giả dối, giả dạng mà chính Đức Giêsu đã vạch mặt, lên án (x. Mt 23)  
Đức Giêsu không mong đợi những chứng nhân kiểu này. Ngài cần những chứng nhận đích thực biết mau mắn đi theo, kiên trì ở lại, chăm chú lắng nghe, và tin yêu ngước nhìn một mình Ngài, bởi chính Ngài sẽ đích thân huấn luyện họ theo giáo trình riêng, rất đặc biệt của Ngài:
1.    Trưởng thành nhân bản:
Hơn ai hết, chứng nhân phải là người trưởng thành trong đời sống nhân bản. Họ phải được nhận là người tử tế, đáng tin cậy, có trách nhiệm, đạo hạnh, bởi người ta cần họ, cần con người đức độ của họ để tin được những gì họ nói, tin vào con người họ làm chứng. Họ cần uy tín để bảo kê cho điều họ loan báo, cho con người họ giới thiệu, cho chân lý họ làm chứng. Các thánh tử đạo là những mẫu gương chứng nhân tuyệt vời ấy khi lấy chính mạng sống mình làm chứng cho điều mình tin, cho người mình yêu, cho sự thật mình làm chứng.
Để là người trưởng thành, người ta cần được trang bị những đức tính tốt làm nền cho đời sống con người. Thiếu những đức tính nền tảng, người ta không thể sống xứng danh con người, và trong đời thường, danh hiệu “người tử tế” được dùng để chỉ những người có đời sống trưởng thành nhân bản gương mẫu.
Người tử tế được hiểu là người sống tốt như nhân vị, nhân phảm, nhân cách đòi hỏi; có nghiã là sống xứng đáng một con người. Người sống xứng đáng danh phận người là người có nhân nghiã, có đức độ, có lương tâm, là người thực hành những đức tính căn bản như công bằng, chính trực, vị tha, hiếu thảo, trung tín, thành thật trong đời sống.
Đức Giêsu không hủy bỏ hay miễn trừ đời sống nhân bản nơi những chứng nhân của Ngài. Giáo Hội theo ý muốn của Chúa cũng rất thận trọng trong việc tuyển chọn các chứng nhân Tin Mừng. Các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên để được trao phó tác vụ trước hết và trên hết đều phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đạo đức làm người. Thiếu những đức tính căn bản của con người, ứng viên không thể đón nhận tác vụ để trở thành chứng nhân phục vụ Giáo Hội, vì  đời sống siêu nhiên phải được xây trên đời sống nhân bản là nền móng vững chắc để không lung lay, sụp đổ thảm hại.
Tóm lại, chứng nhân phải có một đời sống nhân bản trưởng thành, nghiã là có những đức tính làm người tử tế: là người tốt của cuộc đời trước khi là chứng nhận đích thực của Nước Trời.   
a.    Đa số các tông đồ là ngư phủ, dân chài.
Để nhận ra chứng nhận là ai, không gì chính xác hơn là nhìn vào các tông đồ là những chứng nhân của Nước Trời đã được Đức  Giêsu huấn luyện.
Thánh Matthêu tường thuật rất kỹ cuộc kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Các Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật cuộc tuyển chọn này: 
« Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn , cũng gọi là Phêrô và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: « Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em  khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người » (Mt 5, 18- 22 ; x. Mc 1, 16-20 ; Lc 5, 1-11).
Tại sao Đức Kitô lại chọn phần đông các tông đồ là những người chài lưới ?
Các nhà chú giải đã đồng ý: Đức Kitô đã cố ý chọn các tông đồ từ giai tầng chài luới, đánh cá:
·       Qua tường thuật: chọn các môn đệ đầu tiên  bên biển hồ  (Mt 5,18-22). Galilê không chỉ có biển hổ, mà còn vùng đất trồng trọt, buôn bán và Ngài đã gặp nhiều người ở các tầng lớp xã hội khác nhau, chẳng hạn người thanh niên giầu có (Mt 19,16-22)
·       Nhiều trình thuật cho thấy phần đông nhóm 12 là ngư phủ :
-         Trình thuật sai Mười Hai Tông đồ đi giảng, trong đó kể tên các tông đồ : « Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Simôn cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông ; sau đó là ông Giacôbê, con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông ; ông Philipphê và ông Batôlômêô ; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế ; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô ; ông Simôn thuộc nhóm Qúa Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người… » (Mt 10,2-4). Ta thấy chỉ có ba tông đồ là Matthêu , người thu thuế, Simôn thuộc nhóm Quá Khích và Giuđa Ítcariốt, người nộp Đức Giêsu là được kể rõ nghề nghiệp, và chính kiến. Sự kiện này nói lên đa số còn lại thuộc hàng ngũ dân chài đã được gọi trên bờ biển. (x. Mc 3,13-19 ; Lc 6,12-16).
-         Trình thuật Đức Kitô dẹp sóng gió Mc 4, 35- 41 « Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ : « Chúng ta sang bờ bên kia đi !». Bỏ đám đông ở lại, các ông chở người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền… ».
Các môn đệ phải là dân chài mới có sẵn thuyền và mới biết chèo thuyền để đưa Ngài qua bờ bên kia (x. Mt 8,23-27 ; Lc 8,22-25).
·       Nhiều lần Đức Kitô hiện ra sau khi sống lại bên bờ biển với các tông đồ : Ga 21, 1-14 : Đức Kitô hiện ra với các ông khi các ông đánh cá và đã ban cho các ông mẻ cá lớn. Điều này nói lên
-         Các tông đồ thường gặp nhau ở bờ biển, vì phần đông làm nghề đánh cá.
-         Bờ biển là nơi Đức Kitô thường đến gặp các ông.
Quan trọng trong trình thuật này là Ngài cho các ông thấy bắt các linh hồn cũng như đánh cá, nghiã là cũng phải vất vả ra khơi, thức đêm quăng lưới, nhưng khác với đánh cá, đó là thành qủa bắt các linh hồn hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ tin tưởng của người tông đồ nơi một mình Chúa. Thái độ : « Vâng lời Thầy, con thả lưới » của Phêrô đã dẫn đến trình thuật tiếp theo ở đó Đức Giêsu hỏi Phêrô « Có yêu Ngài không» và trao cho ông quyền chăm sóc đàn chiên của Ngài  (x.Ga 21,15-17).  
b.    Dân chài có những đức tính gần với đòi hỏi của chứng nhân :
Đức Kitô đã không vô tình chọn phần đông các tông đồ từ đám dân chài :
·       Tinh thần tự thoát khỏi ràng buộc vật chất:
Ngư phủ ra đi không có gì hết và cũng không biết sẽ được gì khi trở về, vì đàn cá lớn nhỏ đâu có thuộc về ông. Bằng chứng là các tông đồ xuất thân từ nghề biển  đã than thở : « Đánh suốt đêm mà chẳng được con nào » (Ga 21, 3). Đàng khác, các ông đâu có biết chỗ nào có cá, chỗ nào không ; cũng chẳng đoán được lúc nào đàn cá bơi qua.
Cá trong biển thì vô số, nhưng không thuộc quyền sở hữu của người đánh cá. Chẳng có gì thuộc về họ, cũng chẳng có gì được gọi là chắc chắn sẽ có. 
c.     Phó thác, cậy trông:
Thuyền đánh cá như chiếc lá nhỏ giữa mênh mông vô tận của trời và nước. Họ thấy mình rất bé nhỏ, mong manh, dễ chết vì sóng lớn, gió to,  nắng cháy da khát cổ. Ngư phủ thực sự bé nhỏ, yếu đuối, mong manh giữa bao la, vô tận của trời và đại dương. Họ có thể ra đi không trở  về, và mất xác trong sóng biển, đại dương.
d.    Sống giây phút hiện tại :
Họ không  tích trữ cá như nông dân  trữ luá trong kho lẫm, nhưng cập bờ là cá phải bán ngay cho người đến mua trên bãi, nếu không cá ươn thối ngay. Họ không tích trữ để bảo đảm ngày mai, mà chỉ sống từng ngày, từng giây phút hiện tại.
e.     Khiêm tốn
Vì không làm chủ được điều gì : cá thì không biết được hay không, nhiều hay ít ? ; sóng lớn, gío to, thuyền nhỏ nên không biết có về bến bình an ? ; không tích trữ, nên không biết ngày mai sẽ đói, no thế nào ?  Chính vì thế, dân chài khiêm nhường, không kiêu hãnh, tự phụ. Bởi người ta chỉ tự phụ, kiêu hãnh khi không cần ai, và dư thừa, đầy đủ.
f.      Lạc quan, yêu đời :
Vì không bon chen, tranh giành, ma giáo nên tâm hồn thư thái, vui tươi. Người dân chài rất hào sảng và lạc quan, yêu đời. 
Chính vì không có gì, không tích trữ được gì, bé nhỏ giữa đại dương mà họ luôn bám víu vào Trời, ký thác đời mình vào Trời, cầu khẩn với Trời  để Trời thương gìn giữ,  Trời thương  cho nhiều cá, Trời thương cho đi về an toàn. Tóm lại, người đánh cá có :
·       Tinh thần khiêm tốn, phó thác ở Thiên Chúa hơn những người khác
·       Tinh thần tự thoát, khó nghèo.
·       Tâm hồn đơn sơ, quảng đại, thông thoáng, cởi mở, bao dung vì quen  sống với mênh mông, bao la của Trời và Biển.
·       Thái độ lạc quan, vui vẻ : Người đánh cá, vì không nặng lòng với mưu mô, thủ đoạn; không mệt trí, bận tâm bởi bon chen, tranh giành ; không mất ăn mất ngủ vì  tham vọng, ích kỷ nên tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, yêu cuộc sống, qúy thiên nhiên, và thương mọi người. Họ là người hạnh phúc vì tâm hồn bình an và niềm vui bình an luôn rạng rỡ trên  môi mắt và trong cuộc sống.  
Và đó cũng là những đòi hỏi của người đi theo Đức Kitô :
a. Khó nghèo, tự thoát khỏi vật chất : Nhờ không vướng mắc, bị ràng buộc vật chất như người thanh biên giầu có, các tông đồ đã dễ dàng « bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu ». Cũng có thể lúc đầu các ông muốn đi theo Đức Giêsu, đấng đang được nhiều người ngưỡng mộ, khâm phục và tôn là Đấng Cứu Thế để được đổi đời, vì nghèo.
- «  Bỏ mọi sự mà theo tôi…Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. » (Lc 9,58) (x. Mt 8,19-22).
- « Anh em hãy ra đi, đừng mang theo túi tiền, bị gậy, giầy dép… » (Lc 10,4)
b. Quảng đại : « Vào bất cứ nhà nào, hãy chúc họ bình an» (Lc 10,5). Chúc bình an là ban tặng món quà lớn nhất, đẹp nhất vì bình an chính là Hạnh Phúc. Làm người là mong đạt hạnh phúc, nên khi đem đến hạnh phúc cho ai là Yêu thương họ rất nhiều, vì tình yêu là « thao thức, ước mong và mưu tìm, kiến tạo hạnh phúc cho người khác ». Người quảng đại là người rộng rãi trao ban hạnh phúc cho tha nhân bằng tư tưởng, lời nói, hành động làm thai nghén, phát sinh, phát triển niềm vui, bình an, hạnh phúc.
c. Đơn sơ, cởi mở, hoà mình : « « Ai cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức ấy » (Lc 10,7). Ăn uống là cách dễ nhất để đánh giá một con người. Người đạo đức, bác ái không đòi hỏi chủ nhà những món ăn riêng, những « cao lương mỹ vị », nhưng  luôn tế nhị, nhìn thấy những khó khăn của gia chủ, như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana đã nhìn thấy chủ nhà hết rượu …     
d. Vui vẻ, lạc quan vì  tin tưởng ở Thiên Chuá quan phòng
Vui vẻ, lạc quan biểu hiện tâm hồn bình an. Có bình an là do ký thác và hy vọng tuyệt đối ở Đấng toàn năng có quyền trên tất cả mọi loài, mọi sự.
Vì có Chúa là gia nghiệp, « vì tên anh em đã được ghi trên Trời » (Lc 10,20),  các chứng nhân luôn vui  với niềm vui  của Tin Mừng cứu độ.  Họ là những chứng nhận hạnh phúc của Hiến chương Nước Trời : « Phúc cho anh em là những người nghèo khó, buồn sầu, khóc lóc bị bỏ rơi, bị bách hại… Anh em sẽ được Thiên Chúa lau khô nước mắt, cho đất làm gia sản, cho Nước trời làm phần thưởng » (x. Mt 5, 1-12).
Họ không rao giảng Tin Mừng bằng bộ mặt đưa đám, « mất sổ gạo », không công bố Tin Vui cứu độ với dáng dấp người bi quan, tuyệt vọng, can kiệt sức sống, tình yêu. Trái lại, họ vui vẻ, lạc quan, hào sảng để Tin Mừng đừng biến dạng thành tin buồn, tin dữ, tin sét đánh. 
Như thế, căn bản của đời sống siêu nhiên vẫn luôn là đời sống nhân bản : từ « ngư phủ lưới cá biến thành chứng nhân lưới người », để  không thể trở thành  chứng nhân thánh thiện nếu đã không là người tử tế ; bởi nhờ những đức tính nhân bản mà người tông đồ đáp ứng dễ dàng và trọn vẹn những đòi hỏi của đời tận hiến.   

2.     Đi theo một mình Đức Giêsu
Thánh Phaolô đã xác tín : đi theo một mình Đức Giêsu mà thôi, vì « nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Ngài, anh em được sung mãn : Ngài vốn là Đầu mọi quyền lực thần thiêng » (Cl 2,9 -10). « Vì thế, anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô, hãy dựa vào Đức Tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân, cảm tạ » (Cl 2,7). Phaolô còn nhấn mạnh : « Hãy coi chừng, chớ để ai gài bẫy bằng những triết lý, tư tưởng rỗng tuyếch theo người phàm, chứ không theo Đức Kitô » (Cl 2,8). Đi theo một mình Đức Giêsu đối với Phaolô là mục đích duy nhất, không gì có thể thay thế được của chứng nhân.
Chứng nhân đi theo một mình Đức Giêsu vì Đức Giêsu đích thân và đích danh gọi từng người. Tiếng gọi của Ngài không mông lung, bàng bạc, xa xôi, mơ hồ, bất định, nhưng mang tính cá nhân, riêng biệt, đặc thù, có tên tuổi, lý lịch, hoàn cảnh chính xác, như Ngài gọi tên Simon, con ông Gioan, nghiã là rõ ràng đến cả nguồn gốc, tông chi, họ hàng…
Đi theo Đức Giêsu và chỉ một mình Đức Giêsu mà thôi, để đời làm nhân chứng  không bị lẫn lộn với chỗ đứng xã hội, nghề nghiệp.
Đi theo một mình Đức Giêsu để  chứng nhân không lạc hướng vào tham vọng quyền lực để trở thành người được trọng vọng, tôn kính, ăn trên ngồi trước, có một đời sống vật chất được bảo đảm.
Đi theo một mình Đức Giêsu để người loan báo Tin Mừng không biến chất thành một đời tù hãm trong những bon chen, kèn cựa, tranh giành ngôi vị, chức tước, quyền bính, ảnh hưởng thế lực.
Đi theo một mình Đức Giêsu để người tông đồ không trở thành kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng lòng tin đơn sơ, và lòng quảng đại không giới hạn của tín hữu để vinh thân phì gia, tạo cho mình những pháo đài của cải, quyền lực.
Nhưng theo Đức Kitô, và một mình Đức Kitô để  chứng nhân không mất hướng Sự Thật, Sự Sống, Bình An, vì Đức Giêsu là « Đường, Sự Thật, Sự Sống và Bình An thật ». Và hành trình đó là:
·       Thao thức và  ước mơ  như Ngài :
 « Lậy Cha, xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời » (Mt 6,9-10). Đó là  thanh gỗ thẳng của thập giá khi hướng lên Chúa Cha.
·       Hành động như Ngài:
 « Thầy đến để thực thi thánh ý của Cha Thầy ». Vâng lời và thực hiện thánh ý là việc làm của Đức Giêsu. Suốt cuộc đời của Ngài là vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha.
Bài sai của Chúa Cha gửi Đức Giêsu có ghi rõ điạ điểm: Golgotha, nhiệm vụ: chịu chết, sứ mạng : cứu độ nhân loại.
Các chứng nhân cũng phải hành động như Đức Giêsu khi nhận bài sai: « Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người» (Mc 10,45)
 Các chứng nhân  nhận cùng bài sai của Đức Giêsu, vì chứng nhân  được Ngài nhận là bạn, « vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết » (Ga 15,15)  hầu chia sẻ với Ngài sứ mạng phục vụ, và hiến mình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Chứng nhân không nhận một phần ba, một phần mười hay một phần trăm sứ mạng, nhưng toàn phần sứ mạng như Đức Giêsu trong thề giới hôm nay, vì môn đệ - chứng nhân là  bản chụp của Đức Kitô khi trở thành « hiện thân sống động của chính Đức Kitô »; bởi « Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy» (Ga 13,35) ; nói cách khác, người ta sẽ nhận ra Thầy qua chúng con, vì Thầy với trò là một, nên Đức Kitô với chứng nhân của Ngài không khác nhau.
Trong mọi hoàn cảnh, tình huống, Đức Giêsu đều lấy thánh ý Chúa Cha làm tiêu chuẩn, mục đích và không làm gì ngoài thánh ý  Cha mình: « Lậy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha » (Mt 26,39), người làm chứng Đức Giêsu trong đời mình cũng không thể từ chối thánh ý được thể hiện qua ý muốn, và quyết định của Bề Trên, nếu bài sai ấy không vừa ý, không thuận lợi.

Như thế, đi theo Đức Kitô, người tông đồ phải ôm lấy Thánh Giá mà thao thức, ước mơ Thánh Ý là thanh gỗ dọc và  vâng lời phục vụ, hiến mình cho tha nhân là thanh gỗ ngang. Nói cách khác, hành trình thánh giá chính là thao thức, ước mơ thánh ý của Chúa Cha và thực hiện thánh ý khi yêu thương, hiến mình phục vụ con người. Đó là ý nghiã câu Tin Mừng : « Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thánh giá mà theo Ta » (x Mt 16,24-28 ; Lc 9,23-27 ; Mc 8,34-36).
    
3.     Ở với Đức Giêsu :
Nhiều người đi theo Đức Giêsu nhưng không muốn ở lại với Ngài; bằng chứng là rất đông người đã đi theo Đức Giêsu, nhưng chỉ có nhóm Mười Hai đã ở lại và sống với Ngài.
Đám đông ấy đã có những người đi theo vì hiếu kỳ, tò mò; đi theo vì có chút cảm tình; đi theo vì a dua, hoặc được người khác rủ rê; cũng có người đi theo để khích bác, phê bình, châm chọc, bôi bác, hạ uy tín Đức Giêsu như các ông Biệt Phái.
Thế giới hôm nay cũng vẫn là đám đông ấy, và thành phần đám đông cũng không khác ngày xưa trên đất Palestine cách đây hơn hai ngàn năm. Trong số những người này có các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, giáo dân là những tông đồ của thế kỷ hai mươi mốt, những người Chúa Cha đã trao ban cho Đức Giêsu và đã được Đức Giêsu cầu nguyện cho : « Lậy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con  để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành» (Ga 17,24).
Nếu Đức Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho người thuộc về Ngài ở mãi với Ngài thì « ở với Ngài » ắt phải là nhu cầu cấp bách, là điều kiện không thể thiếu và là đảm bảo chắc chắn.

a.     Là nhu cầu cấp bách của tình yêu luôn hối thúc :
Đức Giêsu yêu người Ngài chọn và muốn được hiệp nhất nên một với người Ngài yêu.
Tình yêu luôn đòi gần gũi, kết hiệp, hợp nhất. Không ai yêu mà muốn xa người mình yêu. Như Chúa Cha yêu Chúa Con đã kết hiệp nên một và Thánh Thần là kết qủa của Tình Yêu vô cùng của Cha và Con, người thuộc về Đức Giêsu cũng được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu để nên một với Ngài trong Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa : « Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta » (Ga17,20-21)
Người làm chứng  Đức Giêsu là người ở lại trong tình yêu Đức Giêsu : « Hãy ở lại trong tình yêu Thầy » (Ga 15,9), vì chỉ ở lại trong trái tim của nhau, người ta mới thuộc về nhau trọn vẹn và mãi mãi. Ở trong trái tim Đức Giêsu là gắn bó thiết tha, chia sẻ tận tình, tận cùng sống chết với Ngài và để  đời sống  mình được biến đổi thành đời sống của chính Đức Giêsu như giọt nước tan trong chén rượu để không còn là nước nữa, nhưng được hoàn toàn biến đổi thành rượu.
b.    Ở lại với Đức Giêsu là điều kiện không thể thiếu của sứ mệnh truyền giáo :
Tông đồ là người « loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến ». Tông đồ loan truyền và tuyên xưng bằng chính đời sống của mình, nghiã là lấy đời mình ra để làm chứng điều mình tuyên xưng, dùng  kinh nghiệm sống của mình để minh chứng điều mình loan truyền, đem cảm nghiệm chân thực và niềm xác tín mãnh liệt, sâu sa của mình để thuyết phục. Vì thế, điều chứng nhân nói về Chúa phải là điều người ấy đã nói với Chúa trước đó ; điều nhà truyền giáo rao giảng phải là điều người này đã trải nghiệm trong qúa trình đi theo và ở với Đức Giêsu ; điều Linh Mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên chia sẻ với con chiên, bổn đạo, người khác phải là điều các vị đã sống và thấm thiá trên từng đường gân, thớ thịt ; và khổ đau các chủ chăn muốn tỏ ra đồng cảm với đàn chiên cũng  phải là đau khổ các vị đã quay quắt trong ruột gan và xót xa trên khoé mắt của những đêm dài không ngủ. Có như thế, lời chứng của các vị truyền giáo, lời huấn đức của các thầy giúp xứ, bài giáo lý của giáo lý viên, “câu chuyện đạo đức dưới cờ” của các vị lãnh đạo tinh thần mới có sức thuyết phục và thay đổi lòng người.
Nhưng để đạt được điều này, người đi theo Đức Giêsu phải ở lại với Ngài, phải lang thang, dong duổi với Ngài, phải buị bờ ăn ngủ với Ngài, phải đến dự tiệc cưới Cana, cũng như phải vào vườn Cây Dầu, lên Giêrusalem và chịu đóng đinh với Ngài.
 Ở với Đức Giêsu không có nghiã là ghé thăm ăn cơm với Ngài rồi về, hay qua loa vài câu chuyện, uống ly càphê cho ấm môi, ấm bụng  rồi nhà ai nấy ở, đường ai nấy đi ; trái lại, ở với Đức Giêsu là thuộc về Ngài trọn vẹn, ở với Ngài từng phút giây cuộc đời và không bao giờ rời xa Ngài dù là đêm đen Ghết-sê- ma-ni hãi hùng, toà án Philatô bất công, roi sắt, mạo gai rợn người, thập giá lê gót nặng nề hay  chiều buồn hấp hối Golgotha.
·       Chứng nhân phải ở với Đức Giêsu  để thế gian nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa :
« Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con » (Ga 17,23). Vì thế, nếu nhà truyền giáo không ở với Đức Giêsu thì công việc truyền giáo của họ sẽ vô ích, bởi không ai sẽ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa qua lời rao giảng, và hành động làm chứng của họ, chỉ vì trong họ « thiếu Đức Giêsu ».
·       Chứng nhân phải ở với Đức Giêsu  để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho các linh hồn :
 Vì công việc thánh hoá người khác, biến đổi tâm hồn, hoán cải người tội lỗi là công việc của Thiên  Chúa, cần ơn Chúa, chứ không hệ tại ở khả năng của con người, dù người đó thông thái, đạo hạnh đến đâu. Lý do: « Không có Đức Giêsu -Thiên Chúa, nguồn ơn sủng » ở với họ, vì họ không ở lại với Ngài: 
« Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được » (Ga 15,4-5).
c.     Ở lại với Đức Giêsu là bảo đảm chắc chắn cho lời cầu xin:
Chứng nhân là người cầu nguyện: cầu nguyện cho mình và những người cho họ, vì họ mình đang làm chứng , như Môsê đã không ngừng lên núi thân thưa, tâm sự với Giavê Thiên Chúa về mọi người, mọi sự việc và chi tiết tình hình, sinh hoạt của dân trong sa mạc.
Người môn đệ Đức Giêsu cũng là người được mọi người xin cầu nguyện, nhờ năn nỉ, “nói khó” với Chúa. Họ là trung gian, gạch nối, nhịp cầu, máng thông ơn giữa Thiên Chúa và loài người. Đời họ một đầu được cắm sâu vào Thiên Chuá, đầu kia ăn rễ trong nhân loại.
Vì thế, chứng nhân sẽ không làm được nhiệm vụ “cầu thay nguyện giúp” cho người khác, nếu quên cắm đời mình vào đời Chúa, quên gắn tim mình vào tim Chúa, quên cột chặt đời mình vào đời Chúa. Chính Đức Giêsu đã minh định: để lời cầu nguyện  được bảo đảm hữu hiệu,  người đi theo Đức Giêsu phải ở lại và kết hiệp nên một với Ngài là nguồn mạch mọi ơn sủng:
“Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15, 7).
“Ở lại trong Thầy” là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong chương 15 của Tin Mừng theo thánh Gioan khi Đức Giêsu tâm sự với các tông đồ trước khi lên đường chịu khổ nạn. Ở vào giây phút trọng đại và bi hùng trước khi rời xa các môn đệ Ngài yêu, Đức Giêsu đã thiết tha nhắc nhở các vị: “Hãy ở trong tình yêu của Thầy”. Điều này nói lên tính cách rất quan trọng của việc “ở lại trong Chúa” đối với những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Ở lại trong Chúa tức là sống đời sống của chính Đức Giêsu: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ở lại trong Chúa, các  chứng nhân sẽ không phân tâm bởi những việc trần thế  “không đâu” nặng thói đời như tìm lời khen, kéo phe cánh, kiếm ảnh hưởng, lôi cuốn người hâm mộ, gây phong trào để nổi tiếng.
Ở lại với Đức Giêsu, các môn đệ Đức Giêsu sẽ không phân biệt thất bại với thành công, vì thành công hay thất bại cũng thuộc về Chúa, cũng đều do ý Chúa muốn, bởi một khi đã gắn bó với Chúa, đã nói với Chúa về công việc của mình sắp làm, đang làm, đã làm rồi, các vị bình an phó thác tất cả trong tay Chúa, và chẳng màng gì đến  thành công với tiếng khen, lời tuyên dương, chúc tụng; cũng như không bận tâm đến sơ sót, khiếm khuyết, thất bại với tiếng chê, chỉ trích, phê bình vì “tôi tớ vô ích  đã làm hết sức điều chủ muốn”.
Ở lại trong Đức Kitô, nhà truyền giáo sẽ không phân chia, phân rẽ, phân luồng người khác thành nhóm này, phe nọ; người giầu, kẻ nghèo; gia đình bề thế với đám khố rách áo ôm; ông cố, bà cố có con làm cha, làm nữ tu  với những người bị coi là khô khan, rối rắm; đạo gốc và tân tòng; cư dân và di dân…Nhưng trở nên “Tất cả cho mọi người trong Đức Kitô – Omnia omnibus in Christo”; bởi có Đức Kitô trong lòng, có Đức Kitô là lẽ sống và nguồn sống, các chứng nhân sẽ gặp gỡ, yêu thương, phục vụ được tất cả mọi người trong cùng một tình yêu là Đức Kitô.  
Ở lại với Đức Giêsu, người được sai đi sẽ không kinh hãi ai, hay lo sợ gì, dù người đó là ai đi nữa và sự dữ có lớn lao, nguy hiểm đến thế nào; vì có Thiên Chúa ở cùng và ơn bình an của Thiên Chúa bao phủ. Sự sợ hãi, nghi ngại là dấu hiệu của thiếu lòng tin và sa sút niềm cậy trông, hy vọng nơi Chúa. Đừng để sợ hãi chiếm đóng tâm hồn. Đừng để nghi ngại đóng chốt trái tim. Hãy buông lỏng đời  mình trong lòng thương xót của Đức Giêsu. Hãy thả  nổi đời làm chnứg Tin Mừng Nước Trời trong trái tim giầu bao dung, nhân hậu, ờ đó Đức Giêsu sẽ đổi mới tất cả, thánh hoá tất cả, cả những yếu đuối, tội lụy đáng thương, kinh tởm nhất.
Khi chia sẻ với nhau về lý tưởng thánh thiện phải đạt của đời chứng nhân, chúng ta không tránh được cảm tưởng “sẽ khó có thể thực hiện được”, và bàng bạc ý nghĩ cho điều đó là ảo tưởng.
Tin Mừng chúa nhật “Lòng Chúa Thương Xót” đã kể lại chuyện Tôma khi ông  gián tiếp cho là ảo tưởng, ảo giác, ảo mộng điều mà các anh em tông đồ khác đã qủa quyết: “Chúng tôi đã thấy Thầy” (Ga 20, 25) khi cứng lòng thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Tôma có lý, vì chuyện sống lại là chuyện khó tin, nên vội tin có thể bị chê là nhẹ dạ, mê tín. Nhưng Tôma quên một điều quan trọng, đó là chính Đức Giêsu đã nói trước: “Ngài sẽ sống lại”. Lời hứa “sống lại” của Đức Giêsu phải là điểm tựa cho niềm tin nơi ông. Lời tiên báo sẽ ra khỏi mồ sau ba ngày của Thầy đáng lẽ đã phải là nền tảng cho niềm tin phục sinh nơi ông; nhưng ông đã vô tình hay cố ý không quan tâm. Chính vì thế, ông đã không được xếp vào hàng ngũ những người được Đức Kitô đặc biệt chúc phúc vì “ không thấy mà tin” (Ga 20, 28).
Cũng như Tôma, các chứng nhân có thể rơi vào tâm trạng  nghi ngờ về tính khả thi của lý tưởng đời làm chứng; nói cách khác, họ không dám nghĩ mình sẽ phải nên thánh như Cha trên Trời là Đấng thánh, mà chỉ mong giữ đủ điểm trung bình và làng nhàng vừa đủ xài, vừa đủ sức “qua cầu”. Thái độ thiếu nhiệt thành, thiếu nồng nàn, không tha thiết với Đức Giêsu  ở chứng nhân là nguy cơ làm sụp đổ đời sống thiêng liêng, vì không thể làm chứng Đức Giêsu bằng tình yêu loáng thoáng mây bay, hời hợt, lơ mơ, tạm bợ ; tương quan giữa Đức Giêsu và người làm chứng về Ngài không thể mang tính ngoại giao, hình thức, nghi lễ, thiếu chiều sâu tâm tình. Đó cũng là lý do Đức Giêsu bằng chất giọng thân tình nhưng nghiêm trọng đã hỏi Phêrô nhiều lần: “Simôn, con ông Gioan, con có yêu Thầy hơn  những người khác không ? ” (Ga 21, 15).      
Nếu “ở lại” với Đức Giêsu là điều kiện của chứng nhân thì “trở lại” với Đức Giêsu cũng là đòi hỏi của đời làm chứng, bởi đường đi đến với Đức Giêsu là con đường người làm chứng phải trở đi trở lại không ngừng, vì còn nhiều giới hạn, tội lụy, dòn mỏng, yếu đuối của thân phận người.
“Trở lại” hàm chứa một lần ra đi, lưu lạc, lầm đường, lạc lối trước đò. Trở lại cũng là ở lại, bởi trong trái tim vô cùng nhân hậu, bao dung, thương xót của Đức Giêsu, môn đệ của Ngài như đàn chiên được dẫn đến đồng cỏ bên bờ suối mát, ở đó chúng được  “ăn uống thoả thuê, no say và nhẩy vui”.
4.    Lắng nghe Đức Giêsu:
Không thể làm chứng Đức Giêsu, nếu không hiểu rõ Đức Giêsu và yêu mến Ngài. Để hiểu thấu đáo, hiểu sâu sắc, không gì hơn là trao đổi, đối thoại . Thế nên, người môn đệ Đức Giêsu phải khao khát lắng nghe  Ngài nói và nói với Ngài.
Lắng nghe Ngài nói trước hết phải trở thành hạnh phúc của người môn đệ: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Qủa thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13, 16-17).
Người lắng nghe Đức Giêsu còn được gọi là thân nhân của Ngài: “Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21), vì họ chia sẻ với Ngài mọi tâm tình, thao thức, ước mơ.
Người lắng nghe Đức Giêsu thuộc về đàn chiên của Ngài, vì chiên nghe và nhận ra tiếng của chủ chiên (Ga 10,3.16).
Lắng nghe Đức Giêsu còn là hạnh phúc lớn lao : “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), vì được Lời Ngài biến đổi, được sống nhờ Lời hằng sống của Ngài, được nhận ra Tôn Ý rất thánh thiện và tuyệt hảo của Ngài, đồng thời “thông dịch” Thánh Ý cho người khác.
Như thế, chứng nhân sẽ an lòng vững dạ, vì bám chặt vào Lời cứu rỗi của Đức Giêsu, và gắn bó đời mình vào Lời hằng sống. Họ sẽ không e ngại, lo lắng khi làm chứng, vì nhờ lắng nghe Đức Giêsu, họ được tràn đầy Thánh Thần chân lý, Thánh Thần tình yêu và  cũng là Đấng ủi an,  phù trợ (x. Ga 16,7).
5.    Ngước nhìn Đức Giêsu:
   Sau cùng, chứng nhân  được mời gọi năng ngước nhìn Đức Giêsu để được ơn trở về, ơn thống hối, ơn cứu sống cho mình và cho những người đang lắng nghe mình làm chứng.
Ngước nhìn Đức Giêsu như dân Do Thái xưa trong sa mạc đã ngước nhìn  rắn đồng treo cao để được cứu chữa. Ngước nhìn như Phêrô đã chạm vào ánh mắt nhân hậu, bao dung, tha thứ của Thầy mình; nhờ thế, ông đã “ra ngoài khóc lóc thảm thiết, thống hối ăn năn” (x Lc 22, 60 - 62). Giuđa cũng phản bội Thầy như Phêrô, cũng hèn nhát, bất trung như Phêrô, nhưng rất tiếc Giuđa đã không ngước nhìn lên Thầy, không đi tìm ánh mắt trìu mến, xót thương của Thầy như Phêrô, và vì thế, Giuđa đã đi thắt cổ vì tuyệt vọng (x. Mt 27,1-10).
Ngước nhìn Đức Giêsu để chứng nhân luôn hy vọng ở lòng thương xót, luôn cậy trông ở tình cha nhân hậu, luôn vững tin ở ơn cứu độ dồi dào, lai láng, như ánh mắt thiết tha khẩn khoản ở gìờ lâm tử của người trộm lành trên thập giá bên cạnh Đức Giêsu chịu đóng đinh (x. Lc 23, 42- 43)

Phần III
THÁI ĐỘ ĐỨC TIN CỦA CHỨNG NHÂN
Chứng nhân không làm chứng một lý thuyết, một sự việc, một phát minh khoa học thấy được, “cân, đo, đong, đếm” được; nhưng làm chứng một Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa làm người ấy tuy đã sống, đã chết, và đã sống lại, nhưng người chứng không còn thấy được, sờ được, và chứng nhân chỉ thấy Ngài, gặp Ngài, nghe Ngài, cảm nghiệm Ngài qua Đức Tin; nghiã là nhờ ơn của chính Ngài để có thể tin nhận Ngài là Thiên Chúa làm người để yêu mến, phụng sự, và làm chứng về Ngài.
Như thế, người làm chứng  cũng như người nghe nhân chứng, cả hai đều cần đến đôi mắt Đức Tin, đôi tai Đức Tin, trái tim Đức Tin... để tin yêu và làm chứng đối tượng Đức Tin là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Cũng vì đòi hỏi của Đức Tin, chứng nhân phải có thái độ Đức Tin, thái độ của người sống Đức Tin, thái độ thấm nhuần Đức Tin trong đời sống.
Thái độ Đức Tin của chứng nhân là nhìn tất cả mọi biến cố, sự việc quanh sứ mệnh loan truyền Đức Giêsu, làm chứng Đức Giêsu dưới lăng kính hồng ân, và đặt để sứ mệnh ấy trong chương trình mầu nhiệm của Đức Giêsu. Điều đó có nghiã: chứng nhân làm chứng  như đầy tớ trung tín và siêng năng làm điều chủ muốn và khiêm tốn đặt để mọi thành qủa trong tay chủ, vì xác tín: mình chỉ là đầy tớ vô dụng, bất xứng. Thái độ này sẽ giữ chứng nhân trong khiêm tốn, phó thác là điều kiện không thể thiếu đối với người làm chứng Đức Giêsu, Đấng đã qủa quyết: “Không có Thầy, chúng con không làm được gì”.
1.    Thái độ tuyệt đối phó thác:
Tin Mừng Gioan 21, 1-11 kể:
“Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này: Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Đyđimô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông:”Này các chú, không có gì ăn ư ? ”. Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông : “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô rằng: “Chúa đó !". Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhẩy xuống biển…
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây !”. Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưói vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều vậy mà lưới không bị rách”.
Tin Mừng gợi lên cho chúng ta:
·       Đức Kitô đã đến với các môn đệ khi các vị bất lực ngay trong chính khả năng, chuyên môn của mình: Là dân chài lưới  chuyên nghiệp, cha truyền con nối  thế mà “ thả lưới suốt đêm chẳng bắt được con cá nào”.
·       Đến với các môn đệ trong khi các ông đói, mệt sau một đêm dài vất vả, Đức Kitô đã đến và chuẩn bị sẵn lửa, cá và bánh cho các ông: “.’Thái độ tế nhị, ân cần, nghĩ đến nhu cầu thiết thực của người khác đã đem lại hạnh phúc cho các ông.
·       Đến với các môn đệ khi các ông không còn biết bắt cá ở đâu, Đức Kitô đã chỉ cho các ông “bên phải mạn thuyền” là chỗ có nhiều cá và các ông đã thu hoạch một mẻ cá lạ lùng, ngoài sức tưởng tượng.
·       Về phiá các môn đệ, các ông đã không  bực bội khi Đức Kitô hỏi : “Chúng con có bắt được con cá nào không ?”, nhưng  đã khiêm tốn tiếp tục thả lưới theo ý Đức Kitô, mặc dù các ông là ngư phủ chuyên nghiệp và biết Đức Kitô không biết gì về  nghề chài lưới; nhưng vì tin tưởng, tín thác, các ông đã thả lưới vì “vâng lời Thầy”.
Vì tín thác vâng lời, các môn đệ đã đánh được mẻ cá lớn với 153 con cá to. Vì tin tưởng phó thác, các ông đã thành công vượt mức và thu hoạch ngoài sức tưởng tượng. Khả năng đánh cá, kinh nghiệm  chài lưới của các ông xem ra không còn hữu hiệu trước sức mạnh toàn năng của Đức Kitô Thiên Chúa.
·       Nhưng có một chi tiết không thể bỏ quên, đó là trong số bẩy môn đệ, chỉ một mình Gioan, người môn đệ mà Đức Kitô yêu đặc biệt, và cũng là người môn đệ luôn đi theo và ở với Đức Kitô trong suốt hành trình cứu thế của Ngài: từ Galilê, Tabo, Cana, Bêtania  đến vườn Cây Dầu và dưới chân thánh giá trên đồi Golgotha đã nhận ra Đức Kitô khi Ngài đến gặp các ông. Sở dĩ chỉ một mình người môn đệ được yêu hơn tất cả đã nhận ra Thầy là vì tình yêu đã mở mắt ông, tình yêu đã mặc khải Đức Kitô là Thiên Chúa, tình yêu đã cho thấy Đức Kitô hiện diện trong cuộc đời, trong anh em, nơi những người bé nhỏ, nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Nói cách khác, chỉ duy tình yêu mới có khả năng cho ta nhận ra Đức Kitô, vì “Ai yêu mến thì biết Thiên Chúa, ai yêu mến thì  ở trong Thiên  Chúa, ai yêu mến thì thấy Thiên Chúa” (x. 1Ga 4,7-16).
Đời làm chứng nhân cũng như ra khơi đánh cá. Nếu cậy vào khả năng, tài cán, đức hạnh của mình thì chúng ta sẽ chỉ mất công, “vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào”. Nếu ỷ vào thế lực, ảnh hưởng của thế gian, chúng ta sẽ bôn ba, quay cuồng mà chẳng sinh được hoa trái thiêng liêng cho ai, kể cả cho mính. Trái lại, chỉ khi nhận mình bất lực, yếu đuối và hoàn toàn vâng phục thánh ý, như các môn đệ đã  “vâng lời Đức Kitô thả lưới bên phải mạn thuyền”, dù suốt đêm đã giăng lưới mà chẳng bắt được con cá nào, chúng ta mới “lưới” được nhiều linh hồn như mẻ cá lạ lùng trên biển hồ Tibêriát năm xưa.
2.    Thái độ kiên trì, nhẫn nại:
Thánh Phaolô  đã  khuyên nhủ  môn đệ  của ngài  là Timôtê:
“Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, cảnh cáo, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ. Thật vậy sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình …Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình” (2 Tm 4, 2 -5).
“Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm, bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” (1 Cr 16, 58).
Như thế, làm chứng không dễ dàng, xuông xẻ, cũng không thaỏi mái, dễ chịu; nhưng  đời làm chứng là đời thánh giá, đời hy sinh, quên mình vì Tin Mừng, vì Nước Trời, đúng hơn  là vì “tình yêu Đức Giêsu thúc bách”, nên không có chứng nhân hưởng thụ, lè phè, chứng nhân ra vào xênh xang, bệ vệ. Cũng không có chứng nhân bàng quan, vô cảm, dửng dưng, bất cần. Trái lại, đã là chứng nhân là tất tả một đời xuôi ngược tìm kiếm như chủ chăn đi tìm chiên lạc, là mòn mỏi một đời trông ngóng như người cha nhân hậu đợi bước chân trở về của đứa con hoang đàng, là có mặt ân cần, là sẻ chia tình nghiã, là thông cảm sâu sắc, ngút ngàn, là qủang đại trao ban, là mệt nhoài vác thập giá, là trơ trụi , trần truồng, cô đơn, là lặng lẽ chôn vùi không dấu tích, là chìm lỉm ẩn mình “không sủi bọt”.
3.    Thái độ chân thành hợp tác với các chứng nhân khác:
Nếu Đức Giêsu đã nhắc chúng ta: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35), thì thái độ của chứng nhân đối với anh em “đồng nghiệp” phải là thái độ yêu mến, tôn trọng và chân thành hợp tác. Lòng ghen ghét, tỵ nạnh, kiêu căng, mê quyền bính, say danh vọng, thích ảnh hưởng, tìm kiếm  “fan” hâm mộ là kẻ thù phá hoại tanh bành  đời chứng nhân. Thánh Phaolô khuyên chúng ta:
“Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có Đức Tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau…. Chúng tôi chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1 Cr 3,5-9).
4.    Thái độ hân hoan, vui mừng của con cái biết cha mình sẽ ban thưởng:
Người tín hữu đi theo Đức Giêsu, chứng nhân làm chứng Đức Giêsu, tất thẩy đều chung một đợi chờ, một hy vọng được hạnh phúc đời đời, được chia sẻ vinh quang trong vương quốc của Đức Giêsu. Không ai không nuôi niềm hy vọng và đợi chờ phần thưởng  vô cùng lớn lao ấy như khát vọng tiềm tàng, bốc cháy: “ Nếu ta cùng chết với Đức Giêsu, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (2Tm 2, 11-12).  
Các môn đệ cũng đã bạo dạn đặt vấn đề với Đức Giêsu: “Lậy Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì ?”. Và Đức Giêsu đã khẳng định :”Chẳng có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Trời, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18, 28-29).
Chỗ khác, Đức Giêsu mong muốn các môn đệ vui mừng vì tên họ đã được ghi trên trời (Lc 10, 20).
Như thế, phần thuởng lớn mà các chứng nhân phải ưu tiên mong đợi  chính là cuộc sống mai hậu vĩnh cửu trên trời. Đây là phần thưởng  lớn hơn tất cả mọi phần thưởng. Nhưng với những người tự nhận là khôn ngoan kiểu thế gian, thì phần thưởng này là điều điên rồ, dại dột; bởi đã bỏ hạnh phúc đang có trước mắt, sẵn trong tầm tay để mơ một hạnh phúc xa vời, viển vông, mơ hồ, không chắc sẽ có.
Không thiếu những đàm tiếu, châm chọc, khích bác từ phiá những người chống Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài khi họ gọi những người đi theo Đức Giêsu và mơ ước phần thưởng thiên đàng là đám cuồng tín, yếm thế, ảo tưởng. Họ nghĩ mình khôn ngoan và cho là ngu xuẩn, điên rồ những chứng nhân của Nước Trời. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã phân tích sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan của những người thuộc về Đức Giêsu:
“Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Ngài. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng, dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi…, thì Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa con hơn cái mạnh mẽ của nhân loại” (1 Cr 1,21-25). Cũng vậy, hạnh phúc đời đời như phần thưởng được Thiên Chúa hứa ban  cho những ai thuộc về Đức Giêsu bị coi là chuyện hoang đường, bánh vẽ, không tưởng. Trước những mũi tấn công của thế gian , ma qủy, chứng nhân của Đức Giêsu phải  luôn tâm niệm: “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1 Cr 2,9).
Thật vậy, thế gian không  thể cảm nghiệm  hạnh phúc được phục vụ Đức Giêsu, yêu mến Đức Giêsu và làm chứng về Đức Giêsu. Thế gian cũng không  nếm được sự ngọt ngào, êm ái khi ở với Đức Giêsu, lắng nghe Đức Giêsu, chiêm ngưỡng Đức Giêsu. Kinh nghiệm hạnh phúc này chỉ có nơi các chứng nhân, những người say mê Đức Giêsu, hết tình với Đức Giêsu và được tình yêu Ngài thúc bách dấn thân làm chứng về Ngài. Chẳng thế mà  không gì có thể tách chứng nhân  ra khỏi Đức Giêsu Kitô, dù đó là thiên đàng, điạ ngục, đòn vọt, khốn khó, tai ương, kể cả giam cầm, chết chóc …., bằng chứng là dọc lịch sử Giáo Hội  có biết bao chứng nhân đã đổ máu, đã lấy chính sinh mạng để làm chứng tình yêu Đức Giêsu.
Bên cạnh những chứng nhân được biết đến, còn rất nhiều  chứng nhân âm thầm, vô danh đã và đang dâng hiến cuộc đời mình để làm chứng Tin Mừng cứu độ. Bằng cuộc đời hy sinh, với tình yêu nồng nàn, gắn bó, họ “đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng chỉ dựa  vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Họ cũng không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và nếu có tự hào, họ cũng chỉ dám tự hào trong Đức Giêsu, Đấng đã cho họ được ở trong Thiên Chúa, đã ban cho họ sự khôn ngoan, đã làm cho họ trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc họ. (x. 1 Cr 1,30-31; 2,1-5).
Sau hết, chúng ta xin ký thác tất cả trong tình mẫu tử của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ các tâm hồn tận hiến, Mẹ các nhà truyền giáo, Mẹ các Giáo Lý viên, và Mẹ của mỗi người. Hơn ai hết, Mẹ luôn có Chúa, đi theo Chúa và ở lại với Chúa  suốt đời Mẹ đã không để sót, phí phạm, bỏ qua  một giây phút ngắn ngủi nào vắng Chúa, xa Chúa, không có Chúa trong bất cứ tình huống thuận lợi hay nguy hiểm nào của đời Mẹ.
Cũng hơn ai hết, Mẹ đã biết đi theo và sống mật thiết, ân tình với Đức Giêsu con Mẹ. Xin Mẹ dậy các chứng nhân Tin Mừng biết giá trị của việc đi theo và ở lại với Đức Giêsu; biết sự cần thiết của lắng nghe và ngước nhìn  Chúa.
Và xin Mẹ đồng hành với các tâm hồn tận hiến để nâng đỡ họ trên hành trình Thánh Giá hướng về vinh quang Phục Sinh với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và con Mẹ.    
N¡ngTím