Pages - Menu

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG Chuá Nhật 22 TNB : Mc 7,1-23


      Tin Mừng Máccô cho chúng ta thấy Đức Giêsu là người thầy luôn bênh vực môn đệ của mình khi các ông không làm theo những  gì Luật Môsê quy định. Ngài đã làm như thế không phải một lần, nhưng rất nhiều lần. Vì thế mâu thuẫn giữa Ngài và các Biệt Phái, Kinh Sư  Do Thái ngày càng căng thẳng.

     Các ông Biệt Phái và Kinh Sư là giai cấp lãnh đạo, được trọng vọng trong xã hội tôn giáo Do Thái, và tất nhiên họ phải bảo vệ Luật Môsê một cách triệt để, nếu không nói là cực đoan, vì chỉ có Luật Môsê mới đảm bảo hữu hiệu vị thế và lợi thế của họ. Chính vì thế, bất cứ ai vi phạm Luật Môsê đều bị họ lên án, không kể gì Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai.

     Thực ra Đức Giêsu không chủ trương, cũng không kích động các tông đồ chống lại Luật Môsê và Truyền Thống của cha ông; trái lại Ngài công nhận và tuân giữ. Nhưng Ngài muốn đặt lại cho xã hội tôn giáo lúc bấy giờ, cũng như cho các ông Biệt Phái, Kinh Sư Do Thái  ý nghiã, mục đích của Truyền Thống, Lề Luật :

1. Truyền Thống, Lề Luật phải phục vụ hạnh phúc của con người:
    Điểm thiết yếu Đức Giêsu đặt ra cho các ông Biệt Phái, Luật Sĩ là mục đích của Truyền Thống, Lề Luật. Nếu Truyền Thống, Lề Luật không đem lại hạnh phúc cho con người, không làm cho con người được sống xứng danh con người, không tạo điều kiện để nhân phẩm được bảo vệ và phát triển, không xây dựng đời sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp, thoải mái hơn, nhất là không phát huy tình huynh đệ, tương trợ giữa người với người thì Truyền Thống, Lề Luật ấy không đáng được tồn tại, gìn giữ.

      Có rất nhiều Truyền Thống, Lề Luật không góp phần xây dựng đời sống con người, không tạo điều kiện cho cuộc đời đáng sống hơn, nhưng  nghiền nát, xóa bỏ con người và làm cuộc sống trở nên ngột ngạt, nặng nề. Dưới áp lực này, con người và hạnh phúc của con người không còn là mục tiêu phục vụ của Truyền Thống, nhưng Truyền Thống là ông chủ khắc nghiệt của con người, mà mọi ý muốn của ông chủ khó tính phải được  đầy tớ là con người thoả mãn, đáp ứng chính xác, trọn vẹn, từng chi tiết. Cuộc sống làm người và hạnh phúc của xã hội loài người không còn là đích điểm của Lề Luật, nhưng Lề Luật truy sát, khống chế xã hội và biến những con người sống trong xã hội đó thành những tù nhân bất hạnh.

   Chủ nghiã vị luật, nghiã là chủ nghiã thượng tôn Lề Luật, thần tượng Lề Luật, coi Lề Luật là chân lý tuyệt đối, uy lực tuyệt đối, phán quyết tuyệt đối và cho Lề Luật  quyền  sinh sát trên con người là chủ nghiã cực kỳ phi nhân, vì hoàn toàn loại bỏ con người, phủ nhận chỗ đứng không thể thay thế, hoán nhượng của con người, và sẵn sàng nhẫn tâm khước từ hạnh phúc của con người để mù quáng phục vụ  một hệ thống Lề Luật, một cơ chế Truyền Thống  lạnh lùng, vô cảm, xa rời nhu cầu và khắc khoải đích thực của con người.

     Con người ở trong cơ cấu vị luật, cơ chế suy tôn Truyền Thống ấy sẽ chỉ còn là những thân phận nô lệ của Lề Luật, tôi đòi của Truyền Thống, bởi chủ nghiã và khuynh hướng vị luật cực đoan, mù quáng này thường nhân danh con người để củng cố Lề Luật, Truyền Thống, khi con người vừa được  gọi tên, tuyên dương là công chính, đạo đức theo tiêu chuẩn đánh giá của Truyền Thống, Lề Luật, vừa bị Truyền Thống, Lề Luật phủ nhận, quật ngã, chà đạp.

   Đức Giêsu chống lại chủ nghiã vị luật này, vì con người bị xúc phạm, nhân phẩm bị tổn thương, hạnh phúc bị chối bỏ. Với Ngài, con người là quan trọng hơn hết dưới mắt Thiên Chúa, và Lề Luật, Truyền Thống, tuy cần thiết nhưng phải nhắm đến hạnh phúc của con người:

   Sau khi chữa lành một người bất toại đã ba mươi tám năm bên hồ nước tại Bétdatha, “hôm đó là ngày sabát, người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh” : “Hôm nay la ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy vác chõng mà đi”!.. “Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát” (Ga 5, 9-10.16).

   Luật  Môsê quy định cả đến vác chõng về nhà, sau khi được chữa lành cũng không được làm trong ngày sabát. Tinh thần vị luật quá đáng khi nghiêm cấm làm việc trong ngày sabát đã bị Đức Giêsu chống lại khi Ngài qủa quyết : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17)  trước đám đông người Do Thái đang phẫn nộ lên án Ngài vì Ngài đã chữa bệnh này sabát, trái với  Lề Luật.

   Đức Giêsu cũng cho những người Do Thái thời đó hiểu rằng : việc tốt lành, thiện hảo là điều Thiên Chúa mong ước con người thực hiện cho nhau, nên Luật ngày sabát không thể ngăn cấm  những việc làm bác ái, tương trợ , khi Ngài đặt cho họ câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi”? (Mc 3, 4), khi Ngài chữa người bị bại tay trong ngày sabát.

   Nhưng rõ nét hơn là khi Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua một cánh đồng lúa. 

“Dọc đường, các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisiêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát!” (Mt 12,1-2). Sau khi trưng dẫn cho  người Pharisiêu câu chuyện vua Đavít đã cho phép các thuộc hạ vì đói được ăn bánh đã cung tiến Thiên Chúa, bánh mà chỉ các tư tế mới được ăn và là điều Lề Luật nghiêm cấm, Đức Giêsu đã khẳng định : “Con người làm chủ ngày sabát” (Mt 12,8), chứ không phải ngày sabát làm chủ con người. Điều đó có nghiã Lề Luật được làm nên để phục vụ con người, để con người được sống trong trật tự, an bình, hạnh phúc, chứ không để  khống chế, áp đảo, giam hãm, hủy diệt con người.



      Tóm lại, Đức Giêsu không chủ trương hủy bỏ Lề Luật, nhưng Lề Luật, Truyền Thống chỉ có giá trị khi phục vụ con người, giúp con người sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc. Lề Luật là phương tiện để con người trưởng thành trong đức ái, huynh đệ.  Lề Luật cần cho xã hội, với điều kiện Lề Luật không vi phạm, làm tổn thuơng con người trong xã hội ấy. Vì thế, Lề Luật phải luôn giữ được tính nhân văn, để luôn luôn có thể khéo léo uyển chuyển trong những trường hợp cần thiết hầu giữ được ý nghiã, mục đích của Lề Luật là phục vụ con người, thăng tiến đời sống con người và  mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người.

2.Tinh thần vị Truyền Thống, Lề Luật có thể làm phân liệt nhân cách :
     Khi dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói với những người Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô  ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7) , Đức Giêsu đã nói lên nguy cơ phân liệt nhân cách, nói cách khác,nguy cơ giả hình ngay tự bản thân  của người sống tinh thần vị luật cách mù quáng, cực đoan.

   Thực vậy, một khi quá đóng khung vào hệ thống rườm rà, trói buộc và mang tính trình diễn hời hợt bên ngoài của Truyền Thống, Lề Luật, người ta sẽ dễ dàng và mau chóng bỏ quên những gì chân thực từ trái tim, những sự thật  đáng trân trọng của tâm hồn, những rung cảm trung thực của tấm lòng, những tốt đẹp  khó tìm thấy của tim óc. Bị cuốn hút vào chủ nghiã duy Lề Luật, người ta sẽ chỉ chăm chú soi từng nét chữ trong Lề Luật, cẩn thận giữ từng dấu phẩy của quy tắc, nghiêm khắc với từng chi tiết vụn vặt, cỏn con của Truyền Thống, mà quên đi chính con người của mình và anh em. Tình trạng phân liệt giữa bên ngoài và bên trong, giữa hành động và ý nghĩ, giữa đòi hỏi của Lề Luật và thao thức vi tha thầm kín làm nên mâu thuẫn nội tại rất căng thẳng. Để làm dịu căng thẳng của mâu thuẫn nội tại này, người ta bắt buộc phải giả dối, sống nhiều mặt, và đó là hiện tượng giả hình mà Đức Giêsu đã nhiều lần lên án (x. Mt 23).

    Cũng vì giả hình mà môi miệng bai bải yêu mến Chúa, lải nhải các điều răn, nhưng tâm hồn thì trống vắng, trái tim thì lạnh nhạt.Cũng vì giả hình mà bên ngoài thì cung kính lễ nghi, nhưng bên trong thì thờ ơ, chai đá. Cũng vì giả hình mà chu chắm tuân giữ truyền thống, nhưng lại “khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa” (Mc 7,9).Chính Đức Giêsu đã công khai lên tiếng : “Như thế là các ông lấy truyền thống các ông đã  truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lờI Thiên Chúa” (Mc 7, 13).

    Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta: điều làm chúng ta bất hạnh, và ngăn cản chúng ta hiến thân cho nhau, chính là chúng ta sống giả dối và giả hình là thứ giả dối đã đi vào chiều sâu của bản ngã. Chính Đức Giêsu đã muốn xua đuổi vi trùng giả hình này ra khỏi đời sống chúng ta khi Ngài phân tích sự thật bên trong và bên ngoài của con người:

- Bên ngoài là vùng của những gì được biểu lộ, trình diễn; cũng là vùng của mặt nạ, những mặt nạ mà chúng ta muốn đeo cho mình, những hình ảnh mà chúng ta mơ ước và tự phóng các hình ảnh lý tưởng ấy qua lời nói, việc làm của chúng ta.
- Bên trong là vùng của sự thật, vùng của chính hiệu, chính gốc, vùng ở đó con người thật của chúng ta được xuất hiện “nguyên con” trước mặt Thiên Chúa, là nơi hạt giống Lời Thiên Chúa được gieo vãi. Bên trong còn là nơi của những quyết định, chọn lựa. Nhưng bên trong cũng là sào huyệt của ganh ghét, hận thù, ích kỷ, tham vọng thống trị, ham muốn sở hữu : “Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tang, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20-23).

  Vâng, mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, giữa sự thật chúng ta là và những điều chúng ta mơ ước, giữa những gì chúng ta có và những điều chúng ta khát khao và tự khoác lên mình là sự thật không thể chối cãi.Vì thế, giả hình là cám dỗ nặng nề và liên lỷ của mỗi người, vì ai cũng cần một dáng vẻ ăn khách, một nhân thân hấp dẫn, một quá khứ thành tích, một hiện tại vinh quang, một tương lai hứa hẹn để sống được với đời nhiều tranh giành, đấu đá. Chúng ta cũng dễ rơi vào giả hình, vì thường xuyên chúng ta cũng cần giả hình với chính mình, khi mình chẳng có gì để có thể tự tuyên dương, tự biện minh, tự bào chữa. Đó là thảm cảnh rất bi đát của đời sống con người, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta ra khỏi.

      Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi tình trạng phân liệt vì giả hình, khi chúng ta nhận ra: sẽ không có sự thật toàn diện, bao lâu con người không lắng nghe Thiên Chúa hằng sống và chân thực; sẽ không có tình yêu đích thực, bao lâu tình yêu của chúng ta không gắn kết vào  chính Chúa là nguồn Tình Yêu; sẽ không có đời sống chính hiệu, nguyên gốc Tự Do, bao lâu chúng ta không để Thiên Chúa hành động và dẫn dắt định mệnh đời chúng ta. Được dựng nên cho Thiên Chúa, chúng ta không thể hạnh phúc nếu không thuộc về Ngài, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho chúng ta thực sự tự do, khi giao hoà trong chúng ta nhũng gì bên ngoài với những gì bên trong, những gì được trình ra bề ngoài và những gì được giữ kín ở trong.Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấy khỏi chúng ta những mặt nạ mà không làm chúng ta thất vọng; cũng chỉ một mình Ngài mới có thể chữa lành căn bệnh  ảo tưởng, giả hình trong chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những tạo vật mới có đủ khả năng và nhiệt huyết để yêu mến. Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường, tuy hẹp, nhưng là con đường chân thật dẫn đến Hạnh Phúc thật (x. Mt 5,1-12).
     Để kết luận, chúng ta cần lưu ý sự cần thiết của Truyền Thống, Lề Luật, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng trước cám dỗ của chủ nghiã vị Truyền Thống, vị Lề Luật, nghiã là chỉ biết Lề Luật, chỉ tôn thờ Lề Luật,  mà không quan tâm đến con người và ích lợi nhân sinh cũng như thiêng liêng của con người. Vì Lề Luật có thể trở thành nguyên nhân của tình trạng giả hình, phân liệt nhân cách, nhất là miệng ca tụng Chúa, nhưng lòng thì xa Chúa ngàn dặm.
      Xin Chúa cho chúng ta ý thức chúng ta được gọi vào đời để “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người”, nên con người trong tất cả chọn lựa phải được yêu mến vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa .Thế nên, cho dù là Lề Luật nào đi nữa, chúng ta cũng không thể bỏ quên hay làm tổn thương con người, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương.
Jorathe Nắng Tím

Bài Tin Mừng và Các Bài Đọc Chúa Nhật XXII, TNB quý Độc Giả có thể tham khảo tại đây : https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/13990-chua-nhat-xxii-thuong-nien-nam-b.html

ĐÔI MĂT VÀ TRÁI TIM CỦA MẸ


ĐÔI MĂT VÀ TRÁI TIM CỦA MẸ
(Mừng kính thánh Monica và Augustinô)
   Mẹ tôi qua đời đã lâu, nhưng tôi vẫn không quên được ánh mắt Mẹ nhìn tôi chiều hôm ấy, cái buổi chiều mà nỗi buồn tàn phá của nó vẫn theo tôi ám ảnh.
 Tôi nhớ chiều hôm ấy Mẹ nhìn tôi, không nói, không thở dài thất vọng, không trách móc cằn nhằn, không gắt gỏng bực bội, không bức xúc sốt ruột. Mẹ chỉ nhìn, lặng lẽ nhìn với ánh mắt rất nhẹ, rất êm, rất hiền, rất lành, như âu yếm mơn trớn, vỗ về  thân xác hầu như đã bại liệt của đứa con ngông ngênh ngạo mạn vừa gục ngã, rũ rượi, tang thương.
  Chiều hôm ấy là buổi chiều tôi đã rơi tự do xuống tận đáy sâu tuyêt vọng. Tuyệt vọng đến đơ cứng môi mắt tê dại, chân tay co quắp, không còn sức  rên rỉ, nguyền rủa, chửi bới.
 Ở đáy sâu thất bại, tôi thấy mình thực sự trơ trụi, trần truồng vì không còn gì : lý tưởng, lẽ sống, công danh sự nghiệp, tương lai, bè bạn, môn sinh và một giây tình nhân đủ loại, đủ cỡ... Một thời giáo sư đại học là một thời hào hoa, hãnh tiến ; tháng năm nghiên cứu triết học là những ngày có môn sinh tiền hô hậu ủng, và chung quanh đã chẳng mấy người trạc tuổi, cùng trang lứa đã có thể thành đạt như tôi.
                                                                     ****** 
  Thoáng chốc mà đã hơn bốn mươi năm! Hôm nay nhớ Mẹ, tôi nhớ ánh mắt Thiên Chúa của Mẹ buổi chiều tuyệt vọng ấy, ánh mắt đã nhìn tôi từ trên cao. Nhìn từ trên cao, rất cao nên đôi mắt ấy thấy rất rõ, rất đầy đủ : thấy rõ những yếu đuối, tội lụy của cuộc đời thành công nhưng trác táng, hoang đàng, ngạo ngược ; thấy đủ và tường tận từng ngóc ngách mánh khóe đáng kinh tởm của đời tôi trụy lạc. Đôi mắt nhìn từ trên cao nên rất sáng. Đôi mắt chiếu sáng từ cao nên chẳng có gì đã tránh né, lấp liếm, che đậy được. Nhưng lạ thay, mắt sáng của Mẹ vẫn hiền, ánh sáng mắt Mẹ vẫn êm, vẫn dịu dàng, và chưa bao giờ làm mắt tôi chói, hay làm tôi mù loà !
 Hôm nay thì tôi hiểu rồi, chiều buồn năm ấy, mắt mẹ đã không hề và không thể  rực lửa nghi ngờ, hằn học, trừng phạt, lên án vì mắt mẹ bao la một biển tình dung thứ ; mắt mẹ đã không dò xét, tra khảo, đe dọa vì mắt Mẹ dạt dào đại dương xót thương ; mắt mẹ đã không xuyên tạc, tuyên án, buộc tội vì suối lệ yêu thương đã dàn dụa, đong đầy đôi  mắt Mẹ.
  Nước mắt mặn hôm ấy đã làm mắt mẹ mờ, nên Mẹ chỉ còn biết xót xa con. Nước mắt nồng làm mắt Mẹ cay ngày ấy đã làm Mẹ say tình con.
   Ôi những giọt lệ yêu thương cầu xin ơn trở về cho con đã làm cay mờ mắt Mẹ ngày ấy mà con không hề biết! Giòng nước mắt dài như  đời Mẹ đã hờ hững, lạnh lùng, thản nhiên, vô tình đến tàn nhẫn cuốn  trọn đời Mẹ đau khổ vào đời con tội lụy, để hồi sinh con, mà con nào có hay! Chỉ đến hôm nay, khi đã trở về, con mới hiểu chính phép lạ của tình yêu Mẹ hiền đã sinh lại đời con vô phúc, như giọt nước  xa nguồn được Mẹ chuộc lại, cho trôi về  đại dương ơn phúc của lòng Mẹ. 
 Ngoài đôi mắt, Mẹ còn có trái tim của Thiên Chúa, trái tim luôn cẩn thận cất dấu, bao che những thiếu sót, lỗi lầm, tội ác của con, mà chưa môt lần hé răng tố cáo. Trái tim bênh vực, bầu chữa. Trái tim êm ái, ngọt ngào có sức chữa lành mọi vết thương. Mẹ có trái tim của Thiên Chúa, nên không căng thẳng, cường điệu hay trầm trọng bất cứ lỡ làng, hụt hẫng, qụy ngã nào của con, nhưng ân cần an ủi, động viên, và vô điều kiện trở nên nơi nương náu, bờ vai cho con dựa. 
                                                      *****
 Trên đây là tâm tình viết thay con trai Augustinô gửi  Mẹ Monica, người mẹ có đôi mắt và trái tim Thiên Chúa . Cặp đôi Mẹ - Con thánh này không người Công Giáo nào đã không biết và yêu mến. Người mẹ thánh đã biến đổi con trai tội lỗi của mình thành thánh : thánh Giám Mục - Tiến Sĩ Hội Thánh. Augustinô, con người một thời  phá đời, quậy đời: thông minh nhưng kiêu  ngạo, nghiã  hiệp nhưng  phóng túng , say mê tìm chân lý nhưng tự cao, tự phụ. Vì thế, đã  không có gì  biến đổi được Augustinô, ngoài người mẹ có đôi mắt nhân hậu và trái tim thương xót, bao dung của Thiên Chúa.
  Với ánh mắt nhân hậu, bà Mẹ thánh thiện Monica đã làm rực sáng tình phụ tử  của Thiên Chúa nơi đứa con hoang đàng ; bằng trái tim bao dung, hiền mẫu, bà đã thay máu ô nhiễm trong tim con bằng dòng máu tinh tuyền,  cứu độ của Đấng là Tình Yêu Thương Xót , bởi chỉ có đôi mắt mang ánh sáng Thiên Chúa của người mẹ, chỉ có trái tim mang sự sống Thiên Chúa của tình mẹ mới  biến đổi những trái tim vô cảm, chai đá thành những trái tim bằng thịt biết chạnh lòng, biến những con mắt trợn trừng đe doạ, rực lửa hận thù, ngầu đục mưu mô trở nên những đôi mắt trẻ thơ, ngây thơ, sáng ngời ơn Cứu Độ.
  Mừng lễ “hai Mẹ Con thánh” của Giáo Hội “Monica và Augustinô”, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những người mẹ, là dung mạo Thiên Chúa yêu thương và hiện thân sống động của Lòng Thương Xót.
 Xin cho mẹ hiền mãi là Đôi Mắt của Thiên Chúa từ cao dõi bước con đi, và là Trái Tim Thiên Chúa cho con nương thân, ẩn náu bình an.
Jorathe Nắng Tím