Kinh Sư và Bà Góa!
Có
thể nói : hai nhân vật, đúng hơn là hai tầng lớp trong xã hội được Đức Giêsu
nêu lên và làm nổi bật trong đọan Tin Mừng Máccô (13,38- 44) mà Giáo Hội chọn
cho Chúa Nhật 32 hôm nay là Kinh Sư và Bà Góa. Chúng ta cùng chia sẻ và suy niệm
điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta qua hai nhân vật này.
Chúng ta thừa biết : Kinh Sư là những người
lãnh đạo trong xã hội tôn giáo thời Đức Giêsu. Gọi là xã hội tôn giáo, vì xã hội
Do Thái được hướng dẫn và điều hành bởi tôn giáo Do Thái và Luật Môsê ảnh hưởng
sâu đậm trong mọi lãnh vực sinh hoạt của người Do Thái. Do Thái giáo không chỉ
bao trùm xã hội Do Thái ở thời Đức Giêsu, mà ngay hôm nay, tôn giáo ở quốc gia
Do Thái cũng vẫn giữ vai trò trọng yếu và có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng. Nói một
cách dễ hiểu hơn : tâm thức của người Do Thái là tâm thức tôn giáo, và tâm thức
này mang yếu tố quyết định mọi sinh hoạt xã hội, chính trị.
Chính trong xã hội tôn giáo này, những người
lãnh đạo tôn giáo giữ vai trò rất quan trọng và có nhiều quyền quyết định trên
đời sống người khác. Ở vào vị thế ngất ngưởng quyền lực, tất nhiên họ được mọi
người, kể cả những người không ưa thích, kính phục phải nể sợ, trọng vọng, phục
dịch.
Hình ảnh về Kinh Sư trong Tin Mừng thì
không thiếu, nhưng hầu hết đều là những hình ảnh tiêu cực như trong Tin Mừng
Mátthêu chương 23 : Họ nói mà không làm, dậy người khác mà không giữ (x. Mt
23,2-3); “họ bó gánh nặng mà chất lên vai người ta, mà chính họ thì lại không
buồn động ngón tay vào ; họ làm việc cốt để thiên hạ thấy” (Mt 23,4- 5) ; họ
diêm dúa, khoe khoang : “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật
dài ; họ ưa ngồi chỗ cao nhất trong đám tiệc, ưa được người ta chào hỏi ở những
nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy” (Mt 23, 5-7). “Khốn cho các ngươi,
hỡi các Kinh Sư và Pharisêu giả hình ! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho
thiên hạ vào !” (Mt 23,13) “Khốn cho các ngươi, những kẻ dẫn đường mù quáng !”
(Mt 23,16) “Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà” (Mt 23,24). “Các
ngươi rửa sạch bên ngoài chén diã, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp
bóc và ăn chơi vô độ” (Mt 23, 25); “bên ngoài
thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả
hình và gian ác !”(Mt 23, 28), “các ngươi đúng là con cháu của những kẻ đã giết
các ngôn sứ” (Mt 23, 31).
Tin Mừng Máccô hôm nay sau khi chấm phá
vài nét về Kinh Sư như : “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được
người ta chào hỏi..., chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất
trong đám tiệc” (Mc 13,38-39), đã đặt trọng tâm vào việc các Kinh Sư chiếm đoạt
tài sản của những ngườI được xem là nhỏ bé, yếu đuối, nghèo khổ nhất trong xã hội,
đó là các bà goá.
Câu 40 của đọan Tin Mừng đã nặng lời vạch trần
và lên án việc làm bất công, bất chính của Kinh Sư : “Họ nuốt hết tài sản của
các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12,40).
Câu 40
được tiếp nối như lời giải thích mức độ nặng nề của việc chiếm đoạt tài
sản cỏn con, ít ỏi của người nghèo khổ, bằng vẽ lên chân dung của bà góa nghèo
và tấm lòng quảng đại của bà: “Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng
cho Đền Thờ... Có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, giá trị một
phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ và nói : Thầy bảo thật anh
em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Qủa vậy, mọi người đều
rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này, thì rút từ cái
túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi
mình”. (Mc 12, 41-44).
Đức Giêsu đã xác định rất rõ : bà góa
nghèo, vì có những bà góa giầu, do thừa hưởng tài sản của chồng đã qua đời. Bà
góa nghèo này đại diện cho giai cấp thấp hèn trong xã hội của bất cứ thời nào
và ở đâu. Goá bụa là thân phận đáng buồn của phụ nữ, khi mất chồng, bởi mất chồng
thì nương tựa vào ai, đơn thân đơn chiếc, tự mình xoay sở để tồn tại. Cảnh góa
bụa còn kéo theo nhiều phức tạp, khó khăn, khốn khổ trong gia đình cũng như
ngoài xã hội và số phận của người goá bụa thường vất vả, hẩm hiu, mà cảnh nghèo
là điều làm họ tội nghiệp hơn cả.
Đức Giêsu đã can đảm nói cho mọi người biết
có những Kinh Sư giả hình: “nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc
kinh lâu giờ” (Mc 12,40). Vạch trần sự thật không mấy tốt đẹp của giai cấp lãnh
đạo ở thời nào và ở đâu cũng là một liều lĩnh dễ mất mạng. Ở đây Đức Giêsu đã
chấp nhận tất cả rủi ro có thể đến với Ngài, để cảnh báo các môn đệ và đám đông
đi theo Ngài cơn cám dỗ của tham lam của cải và thói giả hình trong việc thờ
phượng :
1. Thói tham lam của cải:
Lòng tham của con người thì không đáy, nên bất
cứ ai, ở bất cứ địa vị, vai trò nào đều bị cám dỗ làm giầu. Và khi cơn cám dỗ
làm giầu nổi sóng, thì người ta không còn biết ai là người có thể rút tiả tiền
bạc, và ai là người phải chừa ra, không nên lợi dụng. Bằng chứng là Kinh Sư
trong Tin Mừng Máccô hôm nay, tuy là người có của, có danh, được cơ chế lo ăn
lo mặc, và mọi người trọng vọng, nể sợ, nhưng vẫn tìm nuốt tài sản của những bà
goá nghèo kiết xác, túng bấn mạt rệp. Họ không thương hại cả những người nghèo
không còn gì để sống, những bà goá nghèo đơn thân, cơ cực với hiện tại bấp
bênh, và tương lai mù mịt.
Hình ảnh người nắm giữ quyền lực tận thượng
tầng của cơ chế nhẫn tâm vơ vét, chiếm
đoạt đến đồng tiền cuối cùng ki cóp để sống qua ngày của người nghèo “tận số”
ít nhiều cũng làm sôi lên trong chúng ta cảm xúc giận dữ trước bất công. Cũng
chính những bất công này phá hoại tất cả mọi tương quan giữa người với người và
tạo nên cảnh hỗn loạn dẫn đến tình trạng bành trướng đến chóng mặt của bạo lực
trong xã hội loài người.
Cùng với việc cảnh báo thói tham lam của cải,
và tội chiếm đoạt tài sản của người nghèo nơi Kinh Sư, Đức Giêsu đã tuyên dương
lòng quảng đại của người đàn bà goá bụa nghèo khó. Với Ngài, bà goá nghèo đã
cho nhiều hơn tất cả mọi người, vì bà đã cho chính bản thân mình.
Cho đi là việc làm khó, vì đòi quên mình,
hiến mình, như bà goá nghèo đã quên cái túng thiếu cùng cực của mình, mà dâng
vào Đền Thờ hai đồng tiền kẽm bé nhỏ, “nhưng là tất cả tài sản và tất cả những
gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,44).
Đức Giêsu cũng muốn nói lên một sự thật trong đời sống, đó là người nghèo thường
quảng đại hơn người giầu. Họ dễ cho đi, vì dễ quên mình, bởi không bị của cải, tiền bạc trói buộc, bao vây.
2. Thói giả hình trong phụng tự :
Đức Giêsu nhiều lần trong Tin Mừng đã tỏ ra
ngao ngán thói giả hình. Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến nỗi ngao ngán ấy, nhưng
đi xa hơn, khi Ngài cứng rắn lên án thói giả hình trong việc thờ phượng : “Họ
nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”
(Mc 12, 40).
Qủa thực, giai cấp Kinh Sư đã bị Đức
Giêsu nhiều lần nặng lời lên án và hầu như lần nào Đức Giêsu cũng nhấn mạnh
thói giả hình của họ. Theo Ngài, giả hình sẽ làm con người xa Thiên Chúa và xa
anh em mình, bởi tương quan từ đó sẽ hoàn toàn xây trên gian dối, khi không còn
gì là thật, là đúng, là chính xác. Và một khi tương quan không thật, người ta
không thể tiếp tục giao lưu, liên đới với nhau, vì bất cứ gian dối nào cũng sẽ dẫn đến đổ vỡ,
tai họa.
Ở đây, điều làm Đức Giêsu bực bội và lên
án, đó là Kinh Sư đã giả hình ngay khi
làm việc thờ phượng Thiên Chúa, trá hình ngay trước mặt Thiên Chúa là Đấng
thông biết mọi sự và thấu suốt mọi cõi lòng. Người giả hình quên rằng Thiên
Chúa không có mặt nơi gian dối, cũng như không hiện diện trong tâm hồn kẻ giả hình, vì Thiên Chúa là Sự Thật và gian dối
thuộc về ma qủy.
Chia sẻ Tin Mừng với tâm hồn cởi mở để đón nhận
ý Chúa và ơn Chúa, công việc đầu tiên
chúng ta phải làm là nhìn mình trong nhân vật Chúa cảnh cáo, như Kinh Sư ở đây,
để biết mình còn nhiều yếu đuối, ngạo mạn, gian tham, bất công, bất chính ; còn
nặng trí trá giả hình, đóng kịch, hoá trang ngay trong khi phụng sự Chúa, để
thay đổi tư duy, và cải thiện lối sống. Đừng quên rằng : Đức Giêsu lên án Kinh
Sư giả hình cũng là trách móc chúng ta chưa đủ chân thành với Chúa và anh em,
nên việc chúng ta phải làm là can đảm soi mình trong gương “người khác” để
khiêm tốn sửa đổi, khẩn khoản lòng xót thương, và nài xin ơn thứ tha, hơn là dựa
hơi Đức Giêsu ném đá người khác ; diễn dịch lời quở trách của Đức Giêsu để miệt
thị, khinh bỉ anh em ; đồng hoá các Đấng Bậc trong Giáo Hội với Kinh Sư để soi
mói, bôi bác, coi thường, bất hợp tác.
Với tâm tình của người có tội cần lòng
thương xót và ơn tha thứ, chúng ta cầu nguyện cho nhau, cho mọi thành phần Dân
Chúa ý thức và sống Yêu Thương - Hiệp Thông - Tương Trợ như các chi thể của một
Thân Thể duy nhất.
Jorathe Nắng
Tím