Pages - Menu

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 Thường Niên, Năm C


Sứ Vụ và Hồng Ân (Lc 5, 1-11)
    Tuy không phải là khánh nhật Ơn Gọi, nhưng các bài đọc và Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ năm thường niên đều quy chiếu về Ơn gọi, đặc biệt là thái độ đón nhận ơn gọi của người được gọi.


   1/ Thái độ khiêm tốn vì thấy mình bất xứng:
   Bài đọc một, ngôn sứ Isai đã nói về tình trạng bất xứng của mình khi Thiên Chúa tuyển chọn ông : “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6, 4).
   Tông đồ dân ngoại Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô đã không ngại nói về mình: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” ( 1 Cr 15, 9).
   Tin Mừng Luca thì kể lại một đêm dài vất vả mà không bắt được con cá nào của Simôn Phêrô và mấy anh em ngư phủ chuyên nghiệp. Đức Giêsu đến gặp họ và bảo: “Hãy chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” ( Lc 5, 4), và khi “bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”, “Phêrô đã sấp mình dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ có tội” ( Lc 4, 6. 8).
   Cả ba con người được gọi đều cùng một tâm tình khiêm tốn khi thấy mình hoàn toàn bất xứng. Cả ba đều tự khám phá giới hạn của mình: tội lỗi, thiếu khả năng. Và qua các vị, chúng ta có thể khẳng định: điều kiện thứ nhất và quan trọng ở người được Thiên Chúa gọi, đó là ý thức tình trạng bất xứng của mình để có được tâm tình khiêm tốn trước hồng ân Ơn Gọi.


   2/ Tin tưởng ở sứ vụ và hồng ân:
   Người được Thiên Chúa kêu gọi biết mình bất xứng, nhưng không dựa trên tình trạng bất xứng mà thoái thác, trốn chạy lời mời gọi  của Thiên Chúa, nhưng đáp trả bằng tín thác tuyệt đối vào Đấng chọn mình và tin tưởng sứ vụ sẽ được ơn Ngài phù trợ.
    Isai đã thưa với Thiên Chúa: “Này con đây, xin hãy sai con đi” ( Is 6, 8), sau khi Thiên Chúa lấy than hồng mà chạm vào miệng ông, để ông “được tha tội và xá tội” ( Is 6, 6). Phaolô cũng đã hân hoan đón nhận sứ vụ tông đồ dân ngoại, vì “nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” ( 1 Cr 15, 10). Riêng Phêrô thì tin vào lời Đức Giêsu: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Và chỉ vì lời ấy của Đức Giêsu, Phêrô “đã bỏ mọi sự mà theo Người” ( Lc 5, 10 -11).
   Và cũng ba người biết mình tội lỗi, không có khả năng nhưng được gọi này đã tín thác theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và lên đường đi theo Ngài, thi hành sứ vụ được trao. Ở bất cứ thời nào, ở đâu, những người được Thiên Chúa gọi đều là những con người bất toàn, có giới hạn, yếu đuối. Và một khi đã dấn thân đi theo phục vụ Thiên Chúa, họ đều nhận ra ơn Chúa thực sự bao phủ họ, và không ơn Chúa, họ sẽ gục ngã và không thể chu toàn sứ vụ được trao.
   Như thế, sẽ không có sứ vụ nếu vắng bóng hồng ân, và không có hồng ân, nếu không có Đấng kêu gọi và sai đi. Người được gọi vì thế sẽ chẳng có lý do để tự hào, tự mãn; càng không có cơ sở để kiêu căng cho mình là hoàn hảo, xứng đáng, “chuẩn không cần chỉnh” trước sứ vụ, bởi “không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì” ( Ga 15, 5), và nếu không có ơn phù trợ ở nơi danh Chúa sẽ không có người được sai đi. 


   3/ Sứ vụ được trao là phục vụ:
   Thiên Chúa không gọi người Ngài muốn để họ được người khác hay cộng đoàn phục vụ, hầu hạ, phục dịch, ngược lại, để họ phục vụ người khác, phục vụ cộng đoàn, như chính Đức Giêsu đã “đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20, 28) .
   Vì thế, không có ơn gọi nào khác ngoài ơn gọi phục vụ, và không có sứ vụ nào khác ngoài sứ vụ làm tôi tớ, như ý muốn của Đức Giêsu khi Ngài rửa chân các môn đệ của Ngài: “Anh em gọi Thầy”  là “Thày”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13,13-15). Rửa chân người khác là việc làm của tôi tớ, kẻ hầu người hạ, đời nào chủ lại đi rửa chân cho ai bao giờ ? 
   Xin Chúa ban cho mọi người Kitô hữu ý thức tính mỏng dòn, và tình trạng bất xứng của mình trước hồng ân được Chúa gọi và sai đi phục vụ, để dù ở trong chức vụ, phẩm trật nào, sẽ không quên sứ vụ duy nhất được trao phó là phục vụ. Chỉ với phục vụ, ơn gọi và sứ vụ của người Kitô hữu mới có giá trị và mang ý nghĩa cứu độ, vì thực thi đúng điều Chúa muốn khi được kêu gọi và sai đi.
Jorathe Nắng Tím