Pages - Menu
▼
Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019
HỒN NHIÊN – ĐƠN SƠ
Lễ Kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
(01-10), và Tháng Mười là tháng của Mẹ Mân Côi
Em bé dễ thương trước hết
phải là em bé ngây thơ, hồn nhiên, bởi mới nứt mắt, “ăn chưa no, lo chưa tới” mà đã chảnh chọe, đa đoan, linh tinh, nhiều
chuyện thì chẳng có chút đáng yêu nào của tuổi thơ. Người lớn cũng không ra ngoài
tiêu chuẩn định giá này, nên người đơn sơ ở đâu, thời nào cũng luôn là người được
mọi người trân trọng, qúy mến.
Tuy thế, hồn nhiên và đơn
sơ không chắc đã được hiểu đúng và trong thực tế, rất nhiều người đã tưởng lầm
mình đơn sơ, trong khi mình rắc rối, phức tạp ; nghĩ mình hồn nhiên, nhưng
kỳ thực mình khờ dại, ngây ngô, cả tin, nhẹ dạ.
Trước hết, người hồn
nhiên, đơn sơ không phải là người vô lo, cẩu thả, lơ đãng, “ruột ngựa”, thả trôi đời mình một cách vô trách
nhiệm ; người đơn sơ cũng không là người ăn nói tuyệch tạc, bừa bãi, vô ý vô tứ ;
và hồn nhiên không bao giờ là nếp sống buông thả, liều lĩnh, phóng đãng, a dua,
“đồng bóng”, thiếu cân nhắc hơn thiệt, không phán đoán,
chọn lựa. Trái lại, người hồn nhiên, đơn sơ là người đáng yêu vì vượt lên trên
những tầm thường, đáng trọng vì biết giữ lại phần cốt yếu, đáng tin vì trưởng
thành, và xứng đáng là bến đỗ, nơi nương tựa của người khác, vì dễ gần, dễ cảm
thông, dễ “sống
với”,
dễ đồng hành với mọi người.
Đức Giêsu cũng gián tiếp
đặt “đơn
sơ, hồn nhiên”
là điều kiện để được nhận vào Nước Trời, khi tuyên bố : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14), và Tin Mừng cho chúng
ta nhận rõ dung mạo đích thực của người hồn nhiên, đơn sơ luôn được Thiên Chúa
chúc phúc và loài người mến chuộng :
1. Người
hồn nhiên, đơn sơ là người hiền lành, khiêm nhường :
Trong cuộc sống, có khi
nào chúng ta gặp người hung bạo, dữ tợn, kiêu căng, cao ngạo, tự phụ, tự mãn mà
đơn sơ, hồn nhiên không ? Chắc chắn không, bởi chỉ người hiền lành mới
có thể hồn nhiên, khi tâm hồn bình an, vì không tìm kiếm danh - lợi - thú ;
chỉ người khiêm nhường mới đơn sơ, khi thanh thản, bình an, vì trái tim không là
sào huyệt của mưu mô, thủ đoạn do ganh ghét, tị hiềm, tham vọng. Sở dĩ Đức Giêsu đã chọn em bé như gương mẫu của công dân Nước Trời là vì em
bé hồn nhiên, đơn sơ, là hoa trái của tuổi thơ hiền lành, khiêm nhường, khi biết
mình bé nhỏ, cần mọi người thương yêu, giúp đỡ để tồn tại.
Biết mình bé nhỏ, cần mọi
người là đức tính căn bản của tuổi thơ và nền tảng của hiền lành, khiêm nhường,
bởi bé nhỏ mới được Thiên Chúa yêu thương (x. Mt 11,25), bé nhỏ mới có thể học
với Đức Giêsu bài học “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29), bé nhỏ mới có thể làm bước
chân thứ nhất, như khởi điểm của con đường Nước Trời : hồn nhiên, đơn sơ.
2. Người
hồn nhiên, đơn sơ là người tín thác ở Thiên Chúa quan phòng :
Cuộc sống vô thường, nên
không tín thác, cuộc sống sẽ quay tít mù như con vụ, choáng váng, chóng mặt, mất
phương hướng. Giòng đời với biết bao nhu cầu, đòi hỏi, áp lực đủ kiểu, đủ phiá,
đủ thể loại, đủ mức độ, trọng lượng, và con người hụt hơi từng ngày, từng giờ
trong đó, đến nỗi đánh mất chính mình vì bon chen, tranh giành, đấu đá. Rơi vào
cảnh hỗn chiến hơn thua từng phân li quyền lợi này, hỏi sao người ta có thể giữ
được tâm hồn hào sảng, trái tim nhân hậu, tinh thần bao dung, ước mơ cao thượng
để có thể hồn nhiên, đơn sơ trong tương quan với người khác ?
Khi chọn em bé là mẫu ứng
viên lý tưởng của Nước Trời, Đức Giêsu đã đặt hồn nhiên, đơn sơ như tiêu chuẩn,
nhưng không là tiêu chuẩn khơi khơi, ngạo nghễ đứng một mình, nhưng cắm chặt trong niềm tín
thác tuyệt đối ở Thiên Chúa yêu thương, quan phòng, như bảo chứng vững chắc :
“Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo
cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì
mà mặc.. Hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích
vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng qúy giá hơn
chúng sao ?”
(Mt 6,25-26).
Chúng ta không thể đơn
sơ, hồn nhiên nếu không có niềm tín thác sâu thẳm ở Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng
yêu thương và “thừa
biết chúng ta cần gì” (x Mt 6,37), và đã dậy chúng ta : “anh em đừng qúa lo lắng cho ngày
mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Nhiều người lầm tưởng :
đơn sơ phó thác, hay hồn nhiên trông cậy ở Chúa đồng nghiã với lười biếng, ỷ lại
vô trách nhiệm, không cần phải cố gắng, nỗ lực, cũng không cần phải phấn đấu
lao nhọc. Trái với ý nghĩ của họ : đơn sơ phó thác hay hồn nhiên trông cậy của những người thuộc
về Chúa chính là kết qủa của cuộc sống dấn thân, tận tụy “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” và cuộc đời hy sinh “từng ngày vất vả, lao nhọc” đi tìm “đức công chính của Người” (x. Mt 6,33), như Đức Giêsu đã công bố,
bởi đó chính là điều kiện tất yếu để có được đời đơn sơ phó thác, và trái tim hồn
nhiên trông cậy được Thiên Chúa chúc phúc.
Như thế, tín thác ở Thiên
Chúa là Cha yêu thương, quan phòng không chỉ là điều kiện, mà còn là nền tảng,
lý do có mặt và tồn tại của đời sống hồn nhiên, đơn sơ, như đòi hỏi phải đáp ứng
để được nhận vào Nước Trời.
3. Người
hồn nhiên, đơn sơ là người biết mình được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ :
Biết mình được Thiên Chúa
yêu là hạnh phúc lớn nhất của con người, bởi nếu không biết mình được yêu, cho
dù có tín thác, chúng ta vẫn nơm nớp một nỗi lo âu, bâng khuâng một niềm lo lắng,
xao xuyến một nỗi lo sợ về hạnh phúc đời đời của mình. Nhưng khi ý thức và xác
tín được Thiên Chúa yêu thương bằng tình cha nhân hậu, bao dung vô cùng, chúng
ta sẽ không còn lo âu, lo lắng, lo sợ, mà thay vào đó là niềm vui được làm con,
hạnh phúc mang hình ảnh của Cha trên trời và hy vọng được hưởng “gia nghiệp Cha đã dành sẵn cho các con từ
tạo thiên lập địa”
(x. Mt 25,34).
Tháng
Mười là tháng của Mẹ mân côi. Hình ảnh đơn sơ phó thác và hồn nhiên Xin Vâng của
Mẹ lại trở về đậm nét trong tâm hồn các
con của Mẹ.
Vâng, trong ngày Truyền
Tin, vì đơn sơ, nên Mẹ đã “bối rối và tự hỏi lời chào có nghiã gì” (Lc 1,29), khi sứ thần Gabrien vào nhà
và nói : “Mừng
vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) ; vì đơn sơ, Mẹ đã hồn
nhiên thưa với sứ thần : “Việc ấy xẩy đến thế nào được, vì tôi không biết đến
việc vợ chồng !” (Lc 1,34), khi sứ thần báo tin : “Và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối
Cao..”
(Lc 1,31-32) ; cũng vì đơn sơ, mà Mẹ đã hồn nhiên trả lời : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm
cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Qủa thực, Mẹ đã đơn sơ
với ý thức tròn đầy về trách nhiệm vô cùng lớn lao và thách đố vô cùng cam go
trước lời mời gọi làm Mẹ Thiên Chúa được sứ thần đề nghị. Mẹ “bối rối và tự hỏi”, vì đơn sơ và hồn nhiên trước Ơn Gọi,
khác với những con người tham vọng, thủ đọan, tính toán đã chẳng thèm bối rối và
tự hỏi để phân định khi cơ hội thuận lợi, thời cơ đến, và có lợi, có danh… Mẹ đã
đơn sơ trình bầy điều mình nghĩ khi hồn nhiên cho sứ thần biết : “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không
biết đến việc vợ chồng”, mà không úp mở, lấn cấn, ngượng ngùng, che đậy
do tính toán, mưu mô trước vinh dự làm mẹ Đấng Cứu Thế được đề nghị. Và cuối cùng,
khi nhận ra thánh ý Thiên Chúa, Mẹ đã đơn sơ
thưa Xin Vâng mà không chút nghi nan, ngờ vực, bởi hồn nhiên tín thác vào
“Thánh Thần và quyền năng của Đấng
Tối Cao đang rợp bóng” trên mình
(x. Lc 1,35), và triều đại của lòng thương xót Chúa trải dài vô cùng vô
tận (x. Lc 1,33).
Ngước trông lên Mẹ, chúng
ta nhận ra tâm hồn đơn sơ tín thác và cuộc đời hồn nhiên “xin vâng” của Mẹ hoàn toàn không phảng phất hay
giăng mắc một chút gì là buông xuôi, ươn lười, ỷ lại, hèn yếu, bồng bột, ngốc
nghếch, dại khờ, ngu ngơ, hay nhẹ dạ. Trái lại, đơn sơ của tâm hồn Mẹ là đơn sơ
của “năm
cô trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang dầu theo”
(Mt 25,3), để khi chàng
rể đến trễ, các cô vẫn sẵn sàng với đèn đầy
dầu và “được
đi theo chàng rể vào tiệc cưới” (Mt 25,10) ; đơn sơ của cuộc đời Mẹ là khôn
ngoan của người được Đức Giêsu hết lời ca ngợi : “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người
ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35) ; đơn sơ của nếp sống Mẹ là chọn lắng
nghe Lời Thiên Chúa, như “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” mà Đức Giêsu, Con Mẹ đã khẳng định (Lc
10,42).
Noi gương đơn sơ, hồn
nhiên trong đức tin, đức ái và lòng trông cậy của Đức Maria, thánh nữ Têrêsa Hài
Đồng Giêsu đã sống tinh thần hồn nhiên, đơn sơ của trẻ thơ trước Thiên Chúa,
Cha mình. Chị rất đơn sơ và hồn nhiên trong suy nghĩ, lời nói, hành động vì biết
mình được Thiên Chúa yêu thương, nhận mình là con thơ bé nhỏ, và tuyệt đối tín
thác ở Cha mình.
Như Đức Maria, chị thánh
đã sống đòi hỏi đơn sơ, hồn nhiên của Nước Trời khi sống triệt để Hiến Chương Bát
Phúc, như gương sáng cho tất cả chúng ta cũng đang được Thiên Chúa mời gọi sống
hồn nhiên, đơn sơ để được nhận làm công dân Nước Trời bằng :
·
Không
dính bén của cải để đơn sơ có Nước Trời làm gia nghiệp ;
·
Không
kiêu hãnh, hung bạo để đơn sơ hiền lành ;
·
Không
háo danh, ham lợi để đơn sơ chia sẻ ;
·
Không
bất công, bất chính để đơn sơ phục vụ ;
·
Không
ganh ghét, hận thù để đơn sơ cảm thương ;
·
Không
gắn bó với những giá trị nhất thời để đơn sơ chiêm ngưỡng một mình Chúa ;
·
Không
hiếu chiến, chiếm đoạt để đơn sơ xây dựng hoà bình ;
·
Không
sợ khổ, sợ nhục vì Tin Mừng để đơn sơ hưởng hạnh phúc làm con Thiên Chúa
Ước gì tâm hồn mỗi người
chúng ta ngày càng trở nên đơn sơ trên đường theo Chúa và gặp gỡ anh em, như em
bé hồn nhiên nắm chặt tay Cha hiền yêu thương trên đường về mái nhà hạnh phúc.
Jorathe Nắng Tím