Pages - Menu

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

ĐẤT HY VỌNG

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT I, MÙA VỌNG, Năm A
Ngay khi dựng nên Ađam và Evà, Thiên Chúa đã ban cho hai ông bà Đất : “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, ở phiá đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Một con sông từ Eđen chảy ra tưới khu vườn…Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,8-17). Và Ađam, Evà sống hạnh phúc trên đất Thiên Chúa ban. “Ađam gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt… Cả hai trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 24-25).   
Sách Sáng Thế cho chúng ta hình ảnh địa đàng, đất hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho con người, ở đó, con người có mọi sự, nhất là có tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đồng loại. Họ được an vui, sung sướng và không chút vướng víu phiền muộn bởi mặc cảm, hay tội lỗi, bởi họ trong trắng, hồn nhiên trên Đất của Thiên Chúa.
Nhưng rồi Đất hạnh phúc “bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất” (St 3,17-19).
Vâng, tai hoạ đã ập đến trên đất người, sau khi Ađam, Evà bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cây biết điều thiện điều ác mà Thiên Chúa cấm (x. St 3,6) : địa đàng bị lấy lại, đất lành biến thành đất dữ và cả hai thấy mình trần truồng phải kết lá làm khố che thân (x. St 3,7), họ không dám giáp mặt Thiên Chúa, nhưng lẩn trốn Ngài (x. St 3,8-9), và bị trục xuất ra khỏi vườn hạnh phúc (x. St 3,24).
Qủa thực, chỉ một hình ảnh thấy mình trần truồng và xấu hổ kết lá làm khố che thân cũng đã đủ nói lên những mất mát kinh khủng và tận cùng của ông bà nguyên tổ sau khi phạm tội. Ông bà đã mất hết, và một trong những cái mất quan trọng chính là mất Đất sống, mất Đất lành, mất Đất tình yêu, mất Đất hoan lạc, mất Đất hạnh phúc, mất Đất bình an, mất Đất mà Thiên Chúa chúc phúc và đặt con người vào ở. Mất Đất của Thiên Chúa, con người trở thành vô gia cư, vì không đất ở khi sống, không nơi an nghỉ khi theo đất trở về .
Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa “giầu lòng thương xót” sẽ làm “từ gốc tổ Giesê đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này… Sẽ không còn tai ác và tàn phá trên khắp núi thánh, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,1-2.9). Với lòng bao dung, tha thứ, Thiên Chúa sẽ cho “dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước lũ lượt kéo nhau đi mà rằng : Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết đường lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (Is 2,2-3). Và mọi người nhận ra : “Ơn phù trợ đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121,2). 
Trước ánh sáng của niềm hy vọng được thương xót, thánh Phaolô đã đặt cho tín hữu Rôma câu hỏi : “Anh em biết chúng ta đang ở thời nào không ?”, và ngài khẳng định : “Đã đến lúc  anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia” (Rm 13,11).
Ngày ấy đã gần khi Thiên Chúa trả lại Đất hứa cho con người, và ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế, bởi trong lòng thương xót vô bờ bến, “sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15). Ngài sẽ ban cho nhân loại trở nên công chính, nghiã là được sống và sống đời đời (x. Rm 5,18-20) trên Đất, và trong Nhà của Thiên Chúa, như ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo : “Thành sẽ được dựng nên trên nơi phế tích, dinh thự sẽ tọa lạc trên chính chỗ xưa. Từ các nơi ấy sẽ vọng ra lời cảm tạ và tiếng reo mừng… Con cái nó sẽ lại được như xưa, và cộng đoàn của nó sẽ đứng vững trước nhan Ta” (Gr 30,18-20).
Và cũng như thời Nôe, vào ngày cứu độ, Thiên Chúa tẩy sạch tội lỗi và thực hiện một sáng tạo mới, như thánh Gioan đã viết trong sách Khải Huyền : “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người là Thiên Chúa - ở - cùng - họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-4).
Họ đây chính là “những người có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3), nghèo khó để làm giầu hạnh phúc của đồng loại, nghèo khó để không ai chung quanh họ phải khổ vì nghèo, phải nhục nhằn, tủi phận vì túng thiếu ; họ đây là “những ai hiền lành” (Mt 5,4), hiền lành như Chiên Thiên Chúa, để cùng Thiên Chúa gánh tội trần gian, cùng Thiên Chúa mang lấy hết bệnh hoạn, tật nguyền của nhân loại, hiền lành để không ai sống gần họ bị từ bỏ, bị ruồng rẫy, hay bị lên án, khai trừ như Thiên Chúa  bao dung, rộng lượng luôn yêu thương, đón nhận mọi người ; họ là “những người bị bách hại vì sống công chính” (Mt 5,10) để trở thành tiếng nói của người không tiếng nói, nơi ẩn náu an toàn của người cô qủa, vô gia cư, bị truy lùng, và chính họ sẽ nhận đuợc “Đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4), “Nước Trời là sở hữu” (Mt 5,3), và vương quốc Thiên Chúa là nơi cư ngụ.
Vâng, Mùa Vọng đến với niềm hy vọng tìm lại Đất hứa đã mất, gặp lại địa đàng đã từ đó bị đuổi ra, và niềm hy vọng ấy chỉ trở thành sự thật khi Thiên Chúa từ trời cao đến cư ngụ trên đất đã bị chúc dữ, nguyền rủa, và ở lại trên đất ấy với con người.
Vì thế, mầu nhiệm Nhập Thể cũng chính là mầu nhiệm Nhập Thế, khi “Thiên Chúa làm người” xuống trên đất này, ở giữa thế giới này, cư ngụ ngay trong nhà của những con người tội lỗi này để yêu thương, chữa lành, cứu chuộc. Với “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”, đất đã bị nguyền rủa, chúc dữ xưa, nay được tẩy rửa để nên đất mới, đất lành, đất sinh mầm ơn cứu rỗi. Với Thiên Chúa đến và cắm lều cư ngụ trên đất của con người, từ nay con người không còn sợ bị Thiên Chúa xua đuổi, trục xuất (x.St 3,24), cũng không như Cain bị Thiên Chúa qưở trách : “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra” (St 4,10-11), và Cain cay đắng thở than : “Hình phạt dành cho con qúa nặng, không thể mang nổi. Đây, hôm nay, Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4,13-15).
Mùa vọng về với niềm hy vọng “đất người” được đón Thiên Chúa đến “làm người và cư ngụ giữa loài người”, để đất người cằn khô được ơn Cứu Độ tưới mát, đất chết chóc được trở nên “đất hứa”, “một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất chảy sữa và mật ong” (Xh 3,8), đất sinh gai góc tội lỗi được trở thành vườn nho tuyệt vời (x. Mt 20,1-16), và đất hoang, không sự sống trở thành đồng cỏ xanh tươi có dòng nước trong lành (x. Tv 23), nhà của con người có Thiên Chúa, nhà của Thiên Chúa ở giữa con người (x. Ga 1,11.14).   
     Jorathe Nắng Tím

ĐƯỜNG HY VỌNG

    Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG VỌNG, Năm A
Không ai vào đời mà không đi trên đường đời, bởi đời là những con đường, những lối ngõ chằng chịt, đan dệt thành cuộc đời mỗi người. Sở dĩ đường đời đan dệt thành cuộc đời, vì số phận cuộc đời mỗi người hệ tại ở những bước chân đi : có những bước chân sai lạc vì giận dữ, rủ em ra ngoài đồng để giết chết em của Cain đã làm cuộc đời tan nát vì bị nguyền rủa (x. St 4,1-16) ; có những bước chân yêu mến vâng phục “rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1) của Ápraham để “ngươi sẽ thành một dân lớn, tên tuổi ngươi được lừng lẫy và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,2).
Như thế, quyết định đi đâu, đi trên con đường nào là việc của mỗi người, bởi chọn một con đường, chọn một hướng đi, chọn một lối về hoàn toàn thuộc quyền tự do của mỗi người, và ai nấy tự mình trách nhiệm trên chọn lựa ấy.
Vì tự do chọn và tự trách nhiệm trên chọn lựa, mà con đường được chọn của mỗi người trở nên tương lai, số phận của họ. Và vì là số phận, nên việc chọn một con đường, chọn một hướng đi luôn là việc hệ trọng, lôi kéo sự quan tâm của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương con cái Ngài đang lạc lõng, hay dong duổi trên các lối ngõ đường đời.
Kinh Thánh cho chúng ta biết : “con đường ác nhân khác nào ngõ tối, chúng không biết mình sẽ vấp vào đâu” (Cn 4, 19), những con đường của “kẻ hả hê khi làm điều ác, thích thú khi làm điều tồi tệ xấu xa. Đường chúng đi đầy uẩn khúc, lối chúng về thật quanh co” (Cn 2,14-15), “nhà nó ở nghiêng về cõi chết, lối nó đi dẫn tới các âm hồn. Kẻ theo nó rồi, không hề trở lại, chẳng ai tìm được đường về cõi sống” (Cn 2,18-19). “Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu, cứ bước đi giữa tăm tối, mịt mù” (Tv 82,5), “đường chúng đi trở nên trơn trượt ; chúng bị đẩy vào nơi tăm tối và té nhào trong đó. Vì Ta sẽ khiến tai họa ập xuống trên chúng” (Gr 23,12).
Sở dĩ con đường ác nhân là con đường tai họa, dẫn đến sự chết, vì đó là con đường chống lại Thiên Chúa, đi ngược lại thánh ý của Thiên Chúa như ngôn sứ  Xôphônia đã tuyên báo : “Chúng sẽ bị Ta vây hãm, và sẽ bước đi như những kẻ mù, vì đã đắc tội với Đức Chúa. Máu chúng sẽ đổ ra chan hoà, và thịt chúng rữa ra như rác rưởi” (Xp 1,17), hoặc như sách Đệ Nhị Luật đã ghi lại lời nguyền rủa của Đức Chúa đối với người không nghe tiếng Chúa và  không đi trên đường của Ngài : “Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị điên khùng, mù loà, loạn trí. Anh em sẽ mò mẫm giữa trưa, như người mù mò mẫm trong bóng tối, và sẽ không thấy đường mà đi” (Đnl 28,28-29).
Từ nay, ánh sáng và con đường gắn liền nhau, bởi đường tăm tối, đường không đèn, đường không ánh sáng, người đi đường sẽ dễ vấp ngã như Tin Mừng Mátthêu đã viết về những người Pharisêu kiêu căng, cứng lòng : “Cứ để mặc họ. Họ là những nngười mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù. Cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14) 
Nhưng ánh sáng không soi đường, chỉ lối cho những ai chối bỏ ánh sáng, như Tin Mừng Gioan đã khẳng định : “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Qủa thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng, và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc người ấy đã đươc thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,19-21) ; cũng như Tin Mừng Luca đã reo mừng ánh sáng : “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi trong tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” (Lc 1, 78-79).             
Mùa Vọng đem về Lời Hứa ánh sáng của Thiên Chúa, để đường đời trở thành đường hy vọng ; để không một ai đi trên đường mà bị vấp ngã, lọt hố, rơi vào nơi chết chóc, kể cả kẻ mù loà như ngôn sứ Isaia đã nói : “Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi. Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ, và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng” (Is 42,16).
Với Lời Hứa mở ra con đường Hy Vọng cho muôn dân, Đức Giêsu là con đường hy vọng đến trong thế gian để dẫn nhân loại mù loà đang bước đi trong tối tăm đến hoan lạc, bình an của sự thật, tình yêu và sự sống. Ngài chính là con đường Thiên Chúa đi, con đường của Thiên Chúa, vì chính Ngài là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), đế ai nấy đều sẽ phấn khởi thốt lên : “Bấy giờ con sẽ hiểu thế nào là công bình, thế nào là chính trực công minh : đó là đường đưa tới hạnh phúc” (Cn 2,9).
Mùa Vọng về, mở ra một trời hy vọng cho khách lữ hành trên đường hy vọng được Thiên Chúa đến thăm. Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa, thánh thiện vì bao dung, nhân hậu, giầu lòng thương xót, “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời người khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở” (Is 11,3-4) ; Ngài chúc phúc cho những ai hiền lành, khiêm nhu, hay chạnh lòng thương xót, những người vất vả, nghèo đói, sầu khổ, khóc lóc, bị vu khống, bách hại trên đường đời và hứa ban cho họ Đất Hứa, Nước Trời làm gia nghiệp (x. Mt 5,3.4.5.7.11).
Mùa Vọng về, mang đến từng tâm hồn niềm hy vọng  của “đường về yêu thương” có Cha Nhân Hậu là Thiên Chúa vẫn ngàn đời trung tín trong tình cha ; vẫn ngọt ngào xót thương, tha thứ ; vẫn giầu có, hào sảng với đứa con hoang đàng, một thời bất hiếu, phản phúc, vô ơn (x. Lc 15,11-32).
Mùa Vọng về, mở ra con đường hy vọng, trên đó, Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” cùng đi với mỗi người, bởi chính Ngài là Đường của Thiên Chúa cho nhân loại : đường tự do, đường công chính, đường ân sủng, đường ánh sáng, đường yêu thương, đường tha thứ, đường sự thật, đường bình an, đường hạnh phúc, đường  cứu độ, đường về sự sống đời đời.
Và để niềm Hy Vọng Cứu Độ được thực hiện trên mọi nẻo đường đời, và “để mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6), Mùa Vọng mời gọi chúng ta  cùng với thánh Gioan Tiền Hô : “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3), để mọi thung lũng gian tham, bất chính phải lấp cho đầy, mọi núi đồi kiêu căng, thủ đọan phải bạt cho thấp, mọi khúc quanh co gian dối phải uốn cho ngay, và đường lồi lõm thị phi, đố kị phải san cho phẳng (x. Lc 3,5).
Ước gì đường đời chúng ta đi mãi mãi là Đường Hy Vọng, Đường của Thiên Chúa, Nguồn Hy Vọng Cứu Độ của chúng ta.  
     Jorathe Nắng Tím