Pages - Menu

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

Giáng Sinh là lễ của toàn thể nhân loại, hạnh phúc cho hết mọi người, không trừ ai, vì Tin Thiên Chúa yêu thuơng loài người là Tin Vui cho mọi người ở mọi thời, mọi nơi ; Tin con người được Thiên Chúa cứu là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, không trừ người nào. Vì thế, bất luận chủng tộc, sắc dân, giai cấp, thành phần, hoàn cảnh nào trong xã hội cũng đều có chỗ đứng, có tên, có phần trong sứ điệp, niềm vui, và phúc lành của Thiên Chúa Giáng Sinh. Vấn đề là mỗi người có nhận ra mình có mặt trong niềm vui, hạnh phúc Giáng Sinh hay không ?  
Nếu hình ảnh các mục đồng là hình ảnh người trẻ trong niềm vui Giáng Sinh, thì hình ảnh Ba Vua, còn gọi là Đạo Sĩ hay các nhà chiêm tinh được coi là hình ảnh người trí thức, nhà khoa học trong hạnh phúc của sự thật nhận được từ Thiên Chúa làm người.
Tin Mừng Mátthêu làm nổi bật chân dung ba đạo sĩ từ bên phương đông theo ngôi sao chỉ đường đã tìm đến Bêlem bái thờ Hài Nhi Giêsu, mặc dù bị vua Hêrôđê âm mưu gài bẫy. Chân dung các vị thật tuyệt vời với những nét đẹp tiêu biểu của người trí thức, nhà khoa học :
1.    Tinh thần khao khát tìm kiếm sự thật :
Ba nhà đạo sĩ, thoạt thấy ngôi sao lạ, khi quan sát vận hành của các vì sao trên bầu trời, đã lập tức đặt vấn đề. Quan sát hiện tượng và đặt vấn đề trước các hiện tượng, sự kiện và nhận định cách khách quan để tìm ra chân lý, đó là đức tính căn bản của người trí thức.
Người trí thức khác người, và đáng yêu ở chỗ không ỷ mình nhiều kiến thức mà lười biếng tìm tòi, học hỏi ; không dựa vào vinh dự của khoa bảng mà chủ quan tự mãn ; không coi mình là thầy thiên hạ mà tiên thiên phủ nhận giá trị suy tư và chân lý ở người khác, nhưng luôn khiêm tốn trước bao la của hiểu biết, biết nép mình bé nhỏ trước kho tàng dường như vô tận của con người và vũ trụ, và hoà mình, thân thiện đồng hành trên đường tìm gặp chân lý với mọi người. Vì khiêm tốn nên chăm chỉ tìm tòi, thận trọng quan sát và khách quan nhận định ; vì hiền hoà, nhã nhặn, nên không độc đoán, thành kiến ; vì hào hiệp, cởi mở nên xởi lởi cho đi và trân trọng đón nhận tất cả mọi sự thật.
Với tinh thần tìm kiếm chân lý, ba nhà đạo sĩ đã từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi : Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu ? (Mt 2,2). Chính tinh thần khao khát chân lý đã giúp các vị không ngần ngại hỏi thăm người này người nọ trên đường. Cũng như tại Giêrusalem, các vị đã không ngượng ngùng đi tìm sự thật nơi những người kém hiểu biết hơn mình, không mắc cở khi được chỉ đường, dẫn lối bởi những người thua mình rất xa ở kiến thức, học vị, bằng cấp, bởi chân lý với người trí thức là đối tượng có giá trị cao, và là biển cả bao la không ai có thể thấu suốt, nên dù suốt đời miệt mài tìm kiếm, họ vẫn xác tín : hiểu biết của mỗi người chỉ là giọt nước trong đại dương mênh mông, sâu thẳm.      
2.   Tinh thần tôn trọng sự thật :
Sự thật của các vị là chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người (Mt 2,2).
Nếu là người kiêu căng, các vị đã phải nói : chúng tôi tự mình biết Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu, mà không cần vì sao dẫn lối, vì chúng tôi là người khoa bảng, học thức, có trình độ ; nếu là người xảo trá, lưu manh, các vị đã phải lừa dối thiên hạ, đại loại như : đây là chuyện nhỏ và chúng tôi thừa biết, đó là chuyện bình thường chúng tôi nắm trong tay ; nếu là người tìm vinh quang riêng mình, tìm tâng bốc cái tôi, các vị đã chẳng nói rõ cho mọi người : nhờ thấy vì sao của Đấng Cứu Thế, chúng tôi mới biết Ngài sinh ra, nhờ dõi theo ánh sao của Đấng Cứu Tinh, chúng tôi mới đến được nơi này ; nếu là người nhiều thành kiến, kỳ thị chủng tộc, các vị đã không nhận mình là những người từ phương Đông đi tìm Đức Vua dân Do Thái  mới sinh, hiện ở đâu ? … và chúng tôi đến bái lậy Người (Mt 2,2).  
Nhưng vì trung thực, các vị mới nói lên sự thật đã thấy vì sao Cứu Thế, mới thành thực kể cho người khác chúng tôi đã thấy vì sao của Người, mới chân thực không đánh lận con đen, lấy của người làm của ta, và tinh thần tôn trọng sự thật đã là nét đẹp của người trí thức được vinh danh trong trình thuật Ba đạo sĩ đến bái lậy Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,1-12).
3.   Tinh thần mạo hiểm vì sự thật, và bất khuất  trước mọi uy lực :    
Con đường đi tìm Hài Nhi Giêsu, Đức Vua dân Do Thái của ba đạo sĩ đã là một cuộc mạo hiểm liểu lĩnh, khi các vị dò hỏi nơi sinh của Hài Nhi ngay tại thủ đô Giêrusalem, nơi có dinh Hêrôđê, vua đương vị của dân Do Thái. Chẳng thế mà ngay khi nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối… liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu ? (Mt 2,3-4).
Không những liều lĩnh mạo hiểm, các vị còn bất khuất, không sợ uy lực của  vua Hêrôđê, nên đã đến gặp ông, dù  ít nhiều đã nghe về sự nham hiểm, độc ác của ông, khi Hêrôđê bí mật cho vời các đạo sĩ đến, hỏi cặn kẽ ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện (Mt 2,7). Qủa thực, Hêrôđê đã khéo léo giả nhân giả nghiã ân cần dặn dò : Xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Ngài (Mt 2,8). Nhưng các vị đã về bằng con đường khác, như được báo mộng (Mt 2,12). Phần Hêrođê, để tránh hậu họa bị chiếm ngôi, ông cho lệnh giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh (Mt 2,16).   
Vâng, sở dĩ các vị được yêu mến như những nhà trí thức uy vũ bất năng khuất, vì dù biết vua Hêrôđê không chấp nhận Hài Nhi các vị đang đi tìm, càng không  kham nổi những điều viết về Hài Nhi trong sách ngôn sứ : Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Íraen dân Ta sẽ ra đời (Mt 2,6), ba đạo sĩ vẫn không run sợ trước uy lực của Hêrôđê mà giấu diếm sự thật, không nịnh bợ Hêrođê vì ông là vua, mà bỏ dở hành trình đi tìm Hài Nhi, không hèn nhát khi bị đe dọa xa gần mà từ bỏ nét đẹp cao qúy của người trí thức là bảo vệ và làm chứng cho sự thật về Đấng Cứu Thế, Vua Dân Do Thái đã sinh ra, dù có phải hy sinh.    
4.   Tinh thần khiêm tốn trước Thiên Chúa, là Sự Thật tuyệt đối :  
Đến hôm nay, ở thế kỷ XXI, vẫn không thiếu những người mang ý nghĩ : dân trí thức, nhà khoa học, đám khoa bảng thường không có đức tin, nếu có thì rất hời hợt, yếu kém, vì óc thực nghiệm làm họ khó tin Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Ngài. Người ta còn cho rằng đức tin đối nghịch với khoa học, vì  khoa học thì thực tế, đòi được thí nghiệm, kiểm nghiệm, cân, đo, đong, đếm, trong khi đức tin thì thiêng liêng, gần ranh giới của mơ hồ, không tưởng, vô thực, nên đức tin xem ra chỉ thích hợp và dành cho những ai  ngu dốt, đần độn, u mê, ngây ngô, khờ dại.
Chiêm ngắm các đạo sĩ từ phương Đông trong trình thuật Giáng Sinh của Tin Mừng Mátthêu, chúng ta thấy ý nghĩ trên không có nền tảng đứng vững, và không thể được coi là tính cách của người trí thức, khoa học, khoa bảng, bởi con người trí thức vì được sinh ra cho sự thật nên thuộc về Sự Thật tuyệt đối, để đôi chân trí thức không bao giờ mệt mỏi trên đường tìm Sự Thật tuyệt đối, đôi mắt trí thức không bao giờ rời xa đối tượng là Sự Thật tuyệt đối, trái tim trí thức không bao giờ ngừng nhịp đập yêu mến Sự Thật tuyệt đối, đôi tay trí thức không bao giờ khép lại trước hồng ân của Sự Thật tuyệt đối, và đầu gối trí thức luôn biết khiêm tốn quỳ phục bái lậy Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, như ba vị đạo sĩ vừa đến Bêlem, vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lậy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2,11).
Giáng Sinh về, Ngôi Lời là Sự Thật của Thiên Chúa xuống thế làm người, và ở giữa loài người. Ngài là Sự Thật yêu thương, Sự Thật giải phóng, Sự Thật cứu độ mà mọi người khao khát đi tìm, trong đó, người trí thức, nhà khoa học, dân khoa bảng là những người tiên phong, hăng hái nhất. Mang sứ mệnh yêu mến sự thật, người trí thức không thể quay lưng từ chối Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, Nguồn Mạch của mọi sự thật trên trời, dưới đất. Giữ trọng trách bảo vệ, gìn giữ sự thật, nhà khoa học không thể chống lại Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, Nguyên Ủy của mọi sự thật. Gánh vác sứ vụ truyền bá, phát huy sự thật, dân khoa bảng không thể phản bội Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, lẽ sống và nền tảng cho mọi sự thật được đứng vững, tồn tại. 
Mừng Thiên Chúa Ngôi Hai là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống nhập thể (Ga 14,6), để con người khỏi lầm đường lạc lối, chúng ta cầu xin cho mọi người ơn biết tôn trọng sự thật : sự thật của bản thân, sự thật của người khác, sự thật của cộng đoàn, sự thật của Thiên Chúa. Bởi không tôn trọng sự thật, chúng ta không thuộc về Thiên Chúa, và không được hưởng ơn Bình An của Thiên Chúa làm người, vì không là người thiện tâm có tấm lòng ngay thẳng, như Thiên Chúa muốn chọn để ban Bình An của Ngài (x. Lc 2,14).
Jorathe Nắng Tím         

GIÁNG SINH : NIỀM VUI THIÊN ĐÀNG


Tuy cuộc đời bị coi là thung lũng nước mắt, chốn khổ ải, bến sầu thương, nhưng cuộc đời vẫn không thiếu niềm vui. Có niềm vui, con người mới sống được và đủ nghị lực để vượt qua giòng đời cuồn cuộn nhiều thách đố, dập dồn lắm gian truân, bồng bềnh bao thử thách.
Có niềm vui của hai người yêu nhau đã trở nên vợ chồng sau nhiều năm tháng bị gia đình hai bên phản đối, có niềm vui của người mẹ hiếm muộn ngày con chào đời, có niềm vui của cha mẹ tìm lại được đứa con sau hơn ba mươi năm bị thất lạc trên đường chạy loạn, có niềm vui của những người vượt biển vừa được tầu lớn vớt lên thì cánh thuyền mỏng manh vỡ tan tành giữa biển cả, có niềm vui của người bệnh gặp thầy gặp thuốc, có niềm vui của người chồng thất nghiệp nhiều năm nay có người nhận đi làm, có niềm vui của người chiến sĩ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nơi trận mạc, có niềm vui của sinh viên ngày ra trường, có niềm vui của học sinh thấy tên mình trên bảng trúng tuyển thi tốt nghiệp, có niềm vui của bác sĩ sau ca mổ cực khó nhưng thành công vượt bậc, có niềm vui của tân linh mục ngày chịu chức và niềm vui của nữ tu ngày vĩnh khấn, có niềm vui của toàn dân ngày đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, và có nhiều niềm vui, rất nhiều niềm vui kích cỡ, trọng lượng khác nhau đan quyện trong cuộc đời, giăng kín trên đường đời để người đời có nghị lực vượt qua, và sống hạnh phúc.
Nhưng ngoài những niềm vui của cuộc sống tự nhiên, còn một niềm vui siêu nhiên ; bên cạnh những niềm vui của đời thường, còn một niềm vui phi thường ; giữa những niềm vui của cuộc sống hôm nay, còn niềm vui thiên đàng ở cuộc sống mai hậu.
Thực vậy, con người không thể  hoàn toàn và trọn vẹn hạnh phúc với niềm vui tự nhiên của đời thường hôm nay và ở đây, mà còn khao khát niềm vui siêu nhiên, phi thường và thuộc đời sau, bởi con người biết mình sẽ phải chết, nghiã là sẽ phải bỏ những niềm vui đang có để đi đến một thế giới, vào một cuộc sống khác, với niềm vui mà con người không thể cho nhau, không thể tự mình sản xuất, chế tạo. Vì thế đã không thiếu những lúc ta vẫn thấy mình thiếu một cái gì, một cái gì lớn và quan trọng lắm, dù ta không thiếu những niềm vui có thể kể tên trong đời thường. Làm như trong ta vẫn trống vắng, thênh thang một nỗi buồn siêu nhiên vô hình rất lớn lao !
Đúng thế, trong ta vẫn mãi một nỗi buồn của người bị thất sủng vì phản bội của Ađam, Evà (x. St 3) ; vẫn mãi một nỗi buồn bị nguyền rủa vì ganh ghét và bạo lực của Cain (x. St 4,1-16) ; vẫn mãi một nỗi buồn bị trừng phạt vì dục vọng bất chính chiếm vợ thuộc cấp của Đavít (x. 2 S 11,26) ; vẫn mãi một nỗi buồn của dân tộc bị phân tán khắp nơi làm nô lệ ; vẫn mãi một nỗi buồn của thân phận tội nhân không hy vọng được ân xá ; vẫn mãi một nỗi buồn của kẻ bị giam cầm chẳng biết ngày nào được tha ; vẫn mãi một nỗi buồn của người nghèo, thấp cổ bé miệng bị bóc lột, đàn áp mà chẳng bao giờ dám nghĩ có ngày được giải phóng (x. Lc 18-19) ; vẫn mãi một nỗi buồn của kiếp không nhà, không quê hương, suốt đời du thử du thực ; vẫn mãi một nỗi buồn biết mình phải chết, mà không hề biết chết là gì, tại sao phải chết, chết rồi đi đâu, thưởng phạt thế nào ; vẫn mãi một nỗi buồn xác thân này sẽ trở về tro bụi, mà không một tia sáng hy vọng được hồi sinh, cứu độ ; vẫn mãi một nỗi buồn  của con người thao thức Tuyệt Đối nhưng bị đóng cũi trong tương đối, hữu thể khát khao Chân - Thiện - Mỹ nhưng không sao ra khỏi chiếc lồng chật hẹp của tham - sân - si, thụ tạo mang hình ảnh của Đấng Chủ Tạo nhưng gẫy cánh sa đà trong đêm tối u mê.
Vâng, chính trong đêm tối của nỗi buồn thiêng liêng, nỗi buồn thân phận phải chết, nỗi buồn không được cứu độ, Thiên Chúa đã xuống thế làm người để đem lại Niềm Vui siêu nhiên, Niềm Vui Thiên Đàng cho mọi người, không trừ ai. Niềm Vui ban Bình An, Niềm Vui An Bình của Thiên Chúa cho con người như tiếng hát các thiên thần đêm Giáng Sinh : Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình An dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2,14).
1.    Bình An của Niềm Vui được biết : Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ :
Sở dĩ con người không nguôi ngoai nỗi buồn trước tương lai đời mình, vì con người nhận ra mình rất đáng tội trong ý nghĩ, lời nói, việc làm, và xem ra cả cuộc đời chỉ là những tội lỗi nối tiếp, chồng chất ngày một dài, mỗi ngày mỗi cao. Biết mình là tội nhân, nên lo âu cho số phận sẽ bị trừng phạt : trừng phạt thế nào không biết, nhưng lý trí cho biết : đã làm tội thì phải chịu phạt theo luật nhân qủa, đã mang nợ máu thì phải trả nợ bằng máu, đồng thời biết mình chìm sâu trong tội ác, con người lo sợ vì không trốn tránh được những quở trách của lương tâm và viễn tượng một hình phạt sẽ kinh khủng ập tới, nặng nề vùi dập.
Trong nỗi buồn đắng đót nỗi lo âu bị trừng phạt, Đức Giêsu đã làm người để đem cho nhân loại Niềm Vui, như sứ thần đã loan báo cho các mục đồng năm xưa ở Bêlem : Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa (Lc 2,10-11).
Sứ điệp cho các mục đồng năm xưa cũng là sứ điệp cho mỗi người chúng ta hôm nay : Thiên Chúa bảo chúng ta Đừng sợ, đừng sợ bị Thiên Chúa nguyền rủa, xua đuổi, khước từ, trừng phạt ; đừng sợ Thiên Chúa xử với ta như ta đáng tội và trả cho ta theo lỗi của ta, nhưng hớn hở mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (Lc 1,47), vì lòng thương xót của Ngài trải qua từ đời nọ đến đời kia, và Ngài đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài dành cho tổ phụ chúng ta (Lc 1,50.55) ; vì từ nay có Ngài cư ngụ và ở giữa chúng ta, bởi tên Ngài là EMMANUEL ; vì từ nay ơn cứu độ ngập tràn như thánh Phaolô đã khẳng định : Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ơn huệ chứa chan (Rm 5,20) ; vì từ nay chúng ta được Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu sống, bởi nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 5,21).
Qủa thực Niềm Vui vô cùng vĩ đại Thiên Chúa ban cho con người trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ, nên từ nay, con người không còn buồn vì sẽ phải chết, vì có Thiên Chúa là sự sống lại và sự sống (Ga11,25) ; không còn sợ phải mất linh hồn, sa hoả ngục, vì Thiên Chúa đến để cứu những tâm hồn thống hối, và đi tìm cho kỳ được con chiên bị lạc mất (Lc 15,4) ; không còn lo lắng đời này đã khổ vì nghèo đói, bệnh tật, thất học, không vị thế xã hội, bị đời khinh bạc, nguyền rủa, ngược đãi, vu khống, tiêu diệt, và có khi đời sau còn bất hạnh hơn, vì không quen ai thần thế, không biết ai mà chạy chọt, cầu cạnh, mua chuộc, đút lót, khi được Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa hứa ban Nước Trời làm gia nghiệp, Thiên Đàng làm gia sản, Thiên Chúa là Hạnh Phúc (x. Mt 5,3-12 ).
2.   Bình An của Niềm Vui có Nhà Thiên Chúa là Giáo Hội:
Không ai không yêu mái nhà mình, không người con nào không mơ ước về lại tổ ấm gia đình những năm lưu lạc xa xứ, không đứa con hoang đàng nào ở buổi sa cơ thất thế, thân tàn ma dại lại không ước ao được trở về nhà cha mẹ, và niềm vui ngập lòng trong vòng tay ấm áp, nụ hôn yêu thương, tiếng cười rạng rỡ mãi là giấc mơ tuyệt vời của mỗi người.
Biết con người là những lữ khách trên đường đời dong duổi, lắm lúc lạc lõng, cô đơn, nhiều khi xao xuyến, nản lòng, Thiên Chúa đã đến làm người không những để đồng hành với con người. Ngài là Đường, Sự Thật, Sự Sống (Ga 14,6), và mái ấm hạnh phúc  cho nhân loại, ở đó mỗi người tìm được Thiên Chúa là Cha nhân hậu và gặp gỡ anh em có cùng một Cha trên trời.
Khi lập Giáo Hội, Đức Giêsu đã ban cho chúng ta gia đình của Thiên Chúa ngay ở trần gian, mái ấm Thiên Đàng tại đây và lúc này, để  chúng ta có Lời hằng sống và Bánh hằng sống cho niềm vui của chúng ta được trọn vẹn, vì trong Giáo Hội, nhà của Thiên Chúa, chúng ta không bị lạc đường, không bị đói khát, không bị đe dọa bởi bất cứ thế lực nào, như Đức Giêsu đã hứa : Không quyền lực ma qủy nào có thể đánh phá, làm lay chuyển (Mt 16,18), vì chúng ta có Chúa và có nhau trong mầu nhiệm Hiệp Thông của Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu và tất cả chúng ta là chi thể.    
Giáng Sinh về, Niềm Vui Nhập Thể đến, và Bình An của Ngôi Lời làm nức lòng những ai khao khát Thiên Chúa và đi tìm Ngài. Họ được gọi là những người thiện tâm, những tâm hồn ngay lành, những người được Thiên Chúa yêu thương. Chắc chắn chúng ta cũng được ở trong số đó, vì chúng ta đang vui mừng với Tin Mừng : Thiên Chúa yêu loài người và đoái thương nhìn tới phận hèn tôi tớ của mỗi người (x. Lc 1, 48) ; vì chúng ta đang bình an với Tin Mừng : Thiên Chúa không còn nhớ tội xưa, nhưng tha thứ và viếng thăm, cứu chuộc dân Người (Lc 1,68) ; vì chúng ta đang hạnh phúc với Tin Mừng : Chúng ta sẽ không phải chết đời đời, nhờ ơn cứu chuộc của Thiên Chúa làm người, Đấng hiến mạng sống cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Nhưng bên cạnh, và chung quanh chúng ta còn rất nhiều anh chị em chưa gặp được Thiên Chúa với Tin Vui cả thể, với Tin Mừng vĩ đại, với Mái Ấm tuyệt vời như chúng ta. Không lẽ chúng ta ích kỷ, nhỏ mọn đến độ không hào sảng, và quảng đại chuyển đến họ sứ điệp Giáng Sinh : Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, Bình An dưới thế cho người Chúa thương qua tin nhắn, qua điện thoại, qua facebook, qua Email, nhất là qua chính con người bằng xương bằng thịt của chúng ta với lời nói dễ thương, thái độ thân thiện, hành động khiêm tốn phục vụ, tâm tình cởi mở, chia sẻ, cảm thông, nhất là trái tim không bao giờ loại bỏ, khai trừ, nhưng bao dung, đón nhận, hiệp nhất tất cả trong Thiên Chúa là Niềm Vui cứu độ.
Như chúng ta biết, thế giới hôm nay không vui, khi bị cắn xé bởi các chủ thuyết, thế lực luôn gây sầu buồn vì chủ trương đố kị, ganh ghét, chia rẽ, hận thù, gian dối,  bạo lực ; người đời ở đây không vui, vì căng thẳng, xì trét do tham lam của cải, thèm khát danh vọng, mê man sắc dục bất chính, nên Tin Mừng, Tin Vui của Thiên Chúa Nhập Thể cứu độ là phao cứu hộ cho nhiều người  khỏi chết đuối trong biển khổ ; là núi đá chở che trước giông bão bất hạnh ; là bến đỗ an toàn cho thuyền đời mong manh trước sóng thần của Hoả Ngục ; là bảo đảm an toàn của sự sống đời đời trước đe dọa của tội lỗi và sự chết.
Qủa thực, thế giới chúng ta sống đang rất buồn, không buồn vì thiếu quán nhậu, vắng cơ sở ăn chơi, nhưng buồn vì không lẽ sống, mất hướng đi, cuộc đời chẳng còn ý nghiã, sự sống đối diện hư vô. Thế giới ấy không buồn vì thiếu tiền bạc, thiếu  đàn em, thiếu lính lác túc trực phục dịch, nhưng buồn vì hằng ngày phải sống giả, nghĩ giả, nói giả, làm giả, vì sự thật chỉ còn là ý niệm không tưởng, là câu chuyện huyền thoại vu vơ. Thế giới đang rất khổ, vì tình yêu chân chính, đích thực nhờ có hy sinh ngày càng qúy hiếm, nên tình chỉ còn là món hàng đổi chác, sản phẩm kinh doanh ; nhân nghiã cũng không còn giá trị trong cuộc sống, vì đời sống ngày càng giống canh bạc lừa, nên chẳng mấy người cần đến nhân, lễ, nghiã, trí, tín ; và cuộc sống mỗi ngày mở rộng hơn bãi chiến trường của những lật lọng, phản bội, bon chen, đấu đá, nên tìm nổ mắt cũng khó thấy hiền nhân quân tử, đấng trượng phu. Đó là chưa kể nỗi buồn bi thảm, thống thiết khi ở vào đường cùng của sự sống, lúc mà Thần Chết đột nhiên xuất hiện, và ai nấy chỉ còn có thể bám víu vào duy nhất một Đấng có quyền nói Lời ban niềm vui cứu sống : Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (Lc 23,43).
Ước gì, Giáng Sinh về mang đến cho mỗi người chúng ta Niềm Vui Thiên Đàng, Niềm Vui của Thiên Chúa ban cho những ai thành tâm thiện chí được Thiên Chúa thương. Ý thức Niềm Vui Thiên Chúa ban, khi Ngôi Lời xuống thế làm nguời, chúng ta sẽ không còn lo âu, sợ hãi, nghi ngờ con đường chúng ta đang đi và tương lai chúng ta sẽ tới dưới ánh sáng của Tin Mừng Cứu độ. Bởi có Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta, chúng ta được sống đậm đà, sâu thẳm, tròn đầy hơn mỗi ngày Niềm Vui Thiên Đàng đã được ban ngay ở đời này, khi Ngôi Lời xuống thế.
Vâng, chính Đức Giêsu đã không ngừng nhắc nhở : Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (Mt 5,12), Anh em hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,20), và qủa quyết : Cả triều thần thiên quốc cùng hân hoan, mừng rỡ, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối, ăn năn (Lc 15,7), nên chúng ta, những con người tội lỗi, có quyền hy vọng và vui mừng vì được yêu thương, cứu rỗi trong Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, vô cùng nhân hậu, bao dung.
Jorathe Nắng Tím