Pages - Menu

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

THAM VỌNG - ƯỚC VỌNG


Nhà Chùa dậy phải biết chế ngự dục vọng, tức ham muốn, để bớt khổ ; Nhà Chúa cũng khuyên nhủ phải biết “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá”, tức hạn chế những ham muốn không chính đáng, để được hạnh phúc. Như thế, cả nhà Chúa, nhà Chùa đều đặt ham muốn là đối tượng phải quan tâm, chế ngự, be bờ để đời sống  đạo đức không bị lũ dữ “dục vọng” cuốn trôi.
Nhưng nếu vậy, thì con người sẽ thăng tiến làm sao được, khi không còn khát vọng thành công, không còn ham muốn đạt được điều mơ ước ?
Vâng, đã là người thì ai cũng phải “muốn”, vì người không biết mình muốn gì, không có khả năng “muốn”, cũng chẳng biểu lộ ý mình muốn, và lười biếng không cố thực hiện điều mình muốn, thì qủa thực người này là người ở hành tinh khác đi lạc vào thế giới loài người chúng ta đang sống, bởi sống là muốn, và ước muốn trên hết và trước hết, chính là muốn sống. Phải muốn sống, người ta mới thấy cuộc sống có giá trị ; có muốn sống, cuộc sống mới trở nên đáng sống ; có muốn sống, cuộc sống mới được cải thiện, phát triển ; có muốn sống, cuộc sống mới mang lại niềm vui sống và hạnh phúc được sống. Bên cạnh ham muốn sống, là rất nhiều những ham muốn khác mà mục tiêu là làm cho cuộc sống mỗi ngày thêm phong phú, tốt đẹp, thoải mái, ý nghiã hơn.
Chúng ta cần phân biệt hai thứ “muốn, hai hình thái muốn, với bản chất, ý hướng, phương tiện, cách thế, mục tiêu và ý nghiã không giống nhau :
1.   Tham Vọng :
Tham vọng nôm na là “ham muốn một cách tham lam”. Người ta luôn có thể muốn, và được phép muốn, nhưng muốn một cách tham lam thì muốn ấy không còn được coi là chính đáng, nhưng trở thành bất chính. Bất chính vì tham lam, khi điều mình muốn  cho mình lại lấn sang sân nhà người khác, điều mình cố tìm cho mình lại đụng chạm, vi phạm quyền lợi của người khác, ý đồ mình muốn thực hiện để mưu lợi cho mình lại làm tổn thương thân thể, tinh thần, vật chất của người khác. Bất chính vì tự bản chất, tham vọng đã là ích kỷ, khi chỉ tính phần lợi cho mình, ki bo, chắt chiu, hốt sạch cho mình, mà bất chấp người khác, bất cần lợi ích chung, bất xét những thiệt hại người khác phải chịu vì tham vọng ngông cuồng, bất công của mình.
Người tham vọng, vì ham muốn những điều không hợp tình, hợp lý, do tính ích kỷ, sẽ rơi vào tình trạng biến người khác, và cộng đồng thành phương tiện phục vụ tham vọng của mình. Người khác có chịu thiệt thòi đến đâu, cộng đồng có bị phiền phức đến mức nào cũng không làm người tham vọng ngần ngại, do dự thực hiện ý đồ tham vọng cá nhân.
Và tất nhiên mục tiêu của tham vọng chỉ là “cái tôi” mà họ luôn cho là vĩ đại, duy nhất, bất khả xâm phạm, trường tồn, bền vững.
Như thế, người tham vọng cũng “ham muốn” như đòi hỏi của con người bình thường, cũng “muốn” như nhu cầu của con người đang sống, nhưng vì muốn một cách tham lam, tham lạm, khi bỏ quên quyền lợi của người chung quanh, bỏ qua giới hạn của công lý, công bằng, bỏ sót định chế của luân lý xã hội, mà ham muốn của họ đã trở thành tham vọng xấu, tham vọng bất công, tham vọng bất chính, tham vọng gây thiệt hại cho người khác.
Quan sát một người tham vọng, chúng ta dễ nhận ra ở họ tính kiêu căng, say mê danh vọng, và thái độ ma lanh, ăn người. Họ kiêu căng vì tham vọng vượt xa người ; say mê danh vọng, vì tham vọng trổi vượt hơn người ; ma lanh, thủ đọan, vì tham vọng đạp đầu, đạp cổ người để lên nhanh, lên cao ; ma giáo, ăn người vì tham vọng  lên xuống đúng nơi, đúng thời để “vinh thân phì da”. Và ở người tham vọng, chúng ta chỉ thấy bão táp của ích kỷ, sóng dữ của tham lam, lửa thiêu hủy của dục vọng bất chính .      
2.   Ước Vọng :
Nếu tham vọng làm con người thu hẹp lại sau hàng rào ích kỷ, choắt bé lại trong bộ áo ki bo, cằn cỗi, khô héo trong lửa tham lam chiếm đoạt, thì ước vọng làm con người mở ra trong công lý, lớn lên trong nhân ái, vị tha, và trưởng thành trong liêm chính, khiêm nhường.
Tại sao vậy ?
Thưa vì ước vọng là lòng muốn được công lý hướng dẫn, là ham muốn có ý hướng ngay lành, là khát vọng có lòng nhân, là ước mơ có đích tới nhân văn, là thành công của bản thân luôn mang theo hạnh phúc của mọi người.
Người có ước muốn không nuôi tham vọng chiếm hữu, thống trị, nhưng bước đi và hành động theo lẽ công bằng, khi mưu tìm thành qủa cho mình cùng lúc với cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Người khác không bao giờ là những viên sỏi lót đường, những nấc thang bị lợi dụng cho thành công, danh vọng cá nhân của họ, nhưng ước muốn thành công, hạnh phúc ở họ luôn hoà nhịp với ước muốn hạnh phúc, thành công nơi người khác. Đây chính là nét đẹp cao qúy của người có ước vọng, khi họ không bao giờ sử dụng người khác như phương tiện, nhưng tự thân cố gắng bằng những phương tiện chính đáng và luôn đón nhận người khác như bạn đồng hành trong mọi hoàn cảnh, để vui cùng vui, buồn cùng buồn với mọi người.
Người có ước vọng không nuôi tham vọng “lấn sân”, chiếm đóng nhà người khác, sự nghiệp của người khác, chỗ đứng của người khác, vì họ ý thức : chỉ ước vọng chân chính mới dẫn đến hy vọng đích thực, chỉ ước vọng vị tha mới đem đến hạnh phúc lâu dài, chỉ ước vọng nhân ái mới mang lại niềm vui sống. Với họ, ước vọng luôn mang một ý hướng xây dựng nhân vị, ý nghiã nhân văn, giá trị nhân bản, và mục tiêu đạo đức.
Tóm lại, ước vọng là lòng muốn chân chính, trong khi tham vọng luôn bất chính ; ước vọng không quên hạnh phúc của tha nhân, trong khi tham vọng thường phi nhân ; ước vọng sánh vai cùng người khác như bạn đồng hành, đang khi tham vọng loại trừ và sử dụng người khác như phương tiện ; ước vọng hướng đến Chân Thiện Mỹ, còn tham vọng lại tìm đến những gì xấu xa, như triệt để khai thác thủ đoạn đê hèn, và hài lòng với những sản phẩm của ham muốn bất chính.
Sự khác biệt giữa ước vọng và tham vọng trong bản chất, ý hướng, phương tiện thực hiện và mục đích tất nhiên cũng sẽ mang lại kết qủa khác nhau : người tham vọng  sẽ gặt về thất vọng, vì lòng tham không đáy, vì tham lam không bao giờ biết đủ, biết dừng, hơn nữa tự thân tham vọng đã là điều xấu, nên khổ đau sẽ là hậu qủa không thể tránh, hoặc khổ đau vì không đạt được tham vọng, hoặc đau khổ, vì dù tham vọng có đạt được, tâm hồn cũng không có bình an, bởi  bản chất, ý hướng, phương tiện, mục đích của hành động “tham vọng” đã bất chính, nên hậu qủa của tham vọng chắc chắn sẽ là bất ổn, bất an.
Ngược lại, ước vọng được xây trên lòng tự trọng và tôn trọng người khác, được nuôi lớn bằng tâm tình khiêm tốn biết mình có giới hạn, được phát huy từng ngày bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh, được hướng dẫn bởi lý tưởng công bình, bác ái, và được vun xới bằng tình yêu nhân loại của những con người cùng chia sẻ cuộc sống sẽ mang lại kết qủa tốt đẹp là niềm Hy Vọng chính đáng và đích thực : chính đáng khi ước vọng thúc đẩy con người thăng tiến chính mình và giúp người khác cùng thăng tiến ; đích thực khi ước vọng mang lại hạnh phúc cho cả bản thân và tha nhân, vì ước vọng không bao giờ có khuynh hướng biến người khác thành phương tiện cho mục tiêu ích kỷ của riêng mình.
Ước mong Năm Mới sẽ mang đến cho qúy bạn nhiều ước vọng mới, những ước vọng đẹp “làm đẹp đất nước”, những ước vọng tốt “làm tươi tốt đồng lúa quê hương”, những ước vọng cao cả làm tâm hồn dân Việt ngày càng cao thượng, cao qúy, cho một ngày mai rực sáng niềm Hy Vọng “Thanh Bình, Ấm No”.
Jorathe Nắng Tím

ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT I, Năm A
Tin Mừng Mátthêu thuật lại : Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3,16-17).
Qủa thực, đây là buổi tỏ mình hết sức long trọng không chỉ của Đức Giêsu mà thôi, nhưng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình, Đức Giêsu đã muốn công khai tỏ mình ra cho đám đông thiện tâm kéo đến với Gioan. Họ là những người lắng nghe lời cảnh báo của Gioan về hình phạt sắp đến, nếu không sám hối : Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa (Mt 3,10), và đã thú tội, chịu phép rửa, để tỏ lòng sám hối (x. Mt 3, 6-8). Có mặt và cùng chịu phép rửa với đám đông thiện tâm đang sám hối, Đức Giêsu đã tỏ cho họ : Ngài là Con của Thiên Chúa Cha, và chính Chúa Cha đã chứng thực sự thật này, khi từ trời ban ra Lời yêu thương, trìu mến : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. (Mt 3,17).
Về phần Chúa Cha, Ngài hài lòng về Đức Giêsu, Con yêu dấu của Ngài, vì người con không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lậpcông lý trên địa cầu(Is 42,1-4) ; Người được Thiên Chúa chọn để làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm. (Is 42,6-7), bởi Ngài hiền lành và khiêm nhường, thương xót và bao dung, trung tín và vâng phục, như lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả : Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29). 
Khi lên tiếng bầy tỏ tình yêu của mình với Chúa Con, Chúa Cha đã tỏ mình cho nhân loại để chứng thực nguồn gốc từ trời và sứ mạng Cứu Thế của Đức Giêsu, Con yêu dấu của mình. Sứ điệp Chúa Cha ban cho nhân loại ấy, chính là Ngài đã yêu thương chúng ta, nên đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (1 Ga 4,9).
Cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng tỏ mình ra khi đáp xuống như him bồ câu và ngự trên Đức Giêsu (x. Mt 4,16). Ngôi Ba Thiên Chúa, ngay từ buổi đầu tạo dựng đã có mặt, và Ngài có mặt trong mọi lúc với Đức Giêsu trong nhiệm cuộc cứu thế, và tiếp tục ở lại với Giáo Hội của Đức Giêsu cho đến tận thế.
Trong cuộc tỏ mình của Ba Ngôi Thiên Chúa, khi Đức Giêsu chịu phép rửa, có hai sự kiện quan trọng, đó là khi Đức Giêsu vừa ở dưới nước lên thì tầng trời mở ra, và chim bồ câu ngự trên Ngài (Mt 4,16).
Tầng trời mở ra, vì từ nay, nhờ có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, mà trời mở ra cho đất, trời mở lòng tha thứ cho đất, trời mở rộng tay yêu thương đất, trời đất không còn biền biệt xa cách, nhưng thân tình nối kết, vì đất trời đã được giao hoà nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, khi Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội (Rm 3,25), và nhờ máu Đức Kitô đổ ra, chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa..., bởi  Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người (Rm 5, 9-10) như  thánh Phaolô đã khẳng định.
Sự kiện thứ  hai là Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người (Mt 3, 16) chứng thực Đức Giêsu là Đấng Trung Gian Hoà Giải Thiên Chúa với con người, nhịp cầu nối liền trời và đất. Chim bồ câu là biểu tượng của Hoà Giải, Hoà Bình, và Đức Giêsu chính là ơn Bình An của Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
Như Đức Giêsu, mỗi người chúng ta khi chịu phép rửa cũng nhận được tình yêu và sự hài lòng của Chúa Cha, và cùng một lời trìu mến đã dành cho Đức Giêsu, Chúa Cha cũng nói với từng người : Đây là con yêu dấu của Ta, bởi phép rửa cho chúng ta được trở nên con của Ngài, được Thần Khí làm cho trở nên nghiã tử, nhờ đó được kêu lên : Ápba !  Cha ơi ! với Thiên Chúa (Rm 8,15), bởi khi được dìm vào nước thanh tẩy, chúng ta thuộc về Đức Kitô (x. Rm 6,3) để được nên một với Đức Kitô, nhờ được chết như Người…, sống lại như Người đã sống lại (Rm 6,5).
Hơn thế nữa, với phép rửa, chúng ta đã chết đối với tội lỗi để nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu (Rm 6,11), nên chúng ta được kêu gọi và tuyển chọn để tham dự vào sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu, khi trở nên tôi tớ trung tín, khiêm nhường, hiền hậu, biết chạnh lòng thương cảm và phục vụ đồng loại như ý muốn của Thiên Chúa.   
Ước gì khi mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, chúng ta suy nghĩ về hồng ân vô cùng trọng đại, mà chúng ta đã nhận được khi chịu phép rửa tội : hồng ân được Thiên Chúa tha thứ, giao hoà, yêu thương, hồng ân được làm con Thiên Chúa, hồng ân được tham dự vào sứ vụ cứu thế với Đức Giêsu, và đừng bao giờ quên : chúng ta đã trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi, khi được dìm mình vào trong cái chết của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Rm 6,3).
Jorathe Nắng Tím