Pages - Menu

TÔN VINH MẸ LA VANG, NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM

Suy niệm 4 :      ĐỨC MARIA, MẸ CỦA NGƯỜI CÓ TỘI

Trong tất cả các kinh đọc hằng ngày, tôi yêu nhất lời kinh “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử, Amen.
Ôi lời kinh dễ thương và an ủi cho người có tội làm sao ! Cảm động và đem lại niềm hy vọng cho tội nhân đang tuyệt vọng dường nào !  Bởi là lời kinh nài xin tình mẫu tử bao la của Mẹ Thiên Chúa hồi sinh thân phận phải chết của con người tội lụy.
Thực vậy, ba mươi năm được Đức Maria nuôi dưỡng và đào tạo ở Nadarét, Đức Giêsu đã học ở Mẹ mình rất nhiều : học tin ở Thiên Chúa Giavê, là Thiên Chúa duy nhất và nhân ái, Đấng đã chọn Ápraham, một người cao niên để sinh ra một dòng dõi trong tuổi già và chọn làm dân riêng (St 17,1-3) ; học lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Thiên Chúa, để trở nên người đơn sơ, chất phác, thanh bạch, được gọi chung là “người nghèo khó của Đức Chúa”, và đối với những người này, Thiên Chúa là tất cả, còn mọi sự chỉ là hư không, và Lề Luật, cũng như đức khôn ngoan, công chính thì cao trọng, qúy giá hơn tất cả vàng bạc châu báu.
Đức Giêsu còn được Mẹ dậy lòng yêu quê hương, dân tộc, và truyền thống đức tin của tổ tiên, cha ông. Ngài đã học với Mẹ tinh thần “tương thân tương ái” giữa họ hàng, làng xóm bằng chia sẻ đời sống vất vả, cơ cực nhưng chân chất, thân thiện với mọi người.
Ngài còn học với Mẹ Kinh Thánh với lời các ngôn sứ tiên báo thời Cứu Thế sắp đến, thời mà Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa cứu độ được thực hiện trọn vẹn.
Và bài học quan trọng hơn tất cả mà Đức Giêsu đã học được ở Mẹ mình, chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên Dân Ngài.  
Đức Maria đã dậy con trai Giêsu của mình  bài học rất quan trọng của Lòng Thương Xót với những điểm chính yếu:
·          Thiên Chúa thật chí thánh chí tôn, vì Ngài hằng thương xót những ai kính sợ Ngài ;
·          Thiên Chúa đã tỏ uy quyền của lòng thương xót ấy trên những kẻ bé nhỏ, khiêm nhường trải dài từ đời nọ đến đời kia, và liên tục cho đến tận thế, bởi Thiên Chúa là Đấng trung tín sẽ không quên Lời Hứa thương xót của Ngài (x. Lc 1,46-55).
Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa đã không chỉ là lời kinh sống động của cả cuộc đời Đức Maria, như Mẹ đã cất tiếng ngợi khen trong buổi gặp gỡ bà chị họ Êlisabét, mà còn là nội dung căn bản và phong phú của những bài học Mẹ dậy Đức Giêsu, con mình từ thuở ấu thơ đến ngày rời mái ấm Nadarét đi vào đời công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Và chúng ta có thể khẳng định : Đức Giêsu đã thuộc lòng và thấm nhuần bài học Lòng Thương Xót của Mẹ dậy, và đã sống Lòng Thương Xót ấy trong cuộc sống thường ngày ở Nadarét bên cha mẹ, họ hàng, làng xóm.
Khẳng định này có nền tảng khi được thánh sử Luca ghi lại, sau biến cố Đức Giêsu ở lại Giêrusalem giữa các thày dậy trong Đền Thờ, dịp hành hương lễ Vượt Qua của gia đình ngài : “Sau đó, Người cùng cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài… Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghiã đối với Thên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52).
Như thế, Đức Giêsu đã lãnh hội được rất nhiều điều hay lẽ phải, trong đó lòng thương xót là nổi bật nhất, nơi Đức Maria. Nói cách khác, con người Đức Giêsu với tư cách thanh cao, tính tình hiền hậu, tâm tình yêu thương, cảm thông, tinh thần bao dung, phục vụ và thái độ thân thiện, cởi mở đã được rèn luyện, xây dựng bởi Mẹ Ngài. Ngài là phiên bản của Mẹ : một trái tim tràn đầy tình yêu thương xót, một con người hy sinh phục vụ, một ý chí kiên cường làm những gì Thiên Chúa muốn, một đời sống thâm trầm cầu nguyện và đằm thắm, vâng phục Thánh Ý. Bằng chứng là trong ba năm rao giảng Tin Mừng, hai mẹ con như hình với bóng, tuy hai là một : một tinh thần, một tâm tình, một chọn lựa, một con đường, một đời sống, và cao điểm là chung một của lễ hy sinh Thánh Giá trên đồi Canvê buổi chiều tử nạn.
Qủa thế, nếu Đức Giêsu đã không ngớt rao giảng về Thiên Chúa của lòng thương xót, qua các dụ ngôn “con chiên bị lạc mất, đồng bạc bị đánh rơi, người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca chương 15, cũng như  không ngừng tỏ lòng thương xót đối với những người đau yếu, tật nguyền, bị qủy ám, như Tin Mừng ghi lại : “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Qủy cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng : Ông là Con Thiên Chúa !” (Lc 4,40-41) là do đã học được ở Mẹ mình.
Trong nhiều trường hợp khác như với người phụ nữ tội lỗi đã được tha nhiều vì yêu nhiều (x. Lc 7,36-50), hoặc người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang (x. Ga 8,1-11) để khẳng định chân lý : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17), và dẫn đến kết luận chất ngất niềm vui, hy vọng : “Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7), Đức Giêsu gián tiếp cho chúng ta thấy, đó là thành qủa giáo dục của gia đình thánh, và kết qủa những năm tháng được đào tạo nhân bản và siêu nhiên bởi Đức Maria, Mẹ mình, như có lần Ngài đã tế nhị tuyên dương Mẹ Ngài : “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,49), khi có kẻ thưa với Ngài : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn nói chuyện với Thầy” (Mt 12,47).  
Vâng, Đức Maria đã chu toàn bổn phận sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục Đức Giêsu, vì Mẹ thực sự là Mẹ của Đức Giêsu “Con Người và Thiên Chúa”. Vì thế, nếu Đức Giêsu đã có những tâm tình, ngôn từ, hành động, thái độ thương xót  những người đau yếu, bất hạnh, đặc biệt những người tội lỗi, là vì Ngài đã học được ở Mẹ mình lòng thương xót trong suốt ba mươi năm ở Nadarét. Mầu nhiệm nhập thể cho phép chúng ta khẳng định điều này, vì như thánh Gioan và Phaolô đã viết : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), và Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7).
Và nếu Đức Giêsu đã được Đức Maria huấn luyện thành con người của lòng thương xót, thì môn đệ của Ngài cũng phải học bài học thương xót ấy, bài học mà Đức Maria vẫn tiếp tục dậy những người muốn đi theo Đức Giêsu, dung mạo của Chúa Cha giầu lòng thương xót.
Vâng, hơn ai hết, Đức Maria hiểu rõ chương trình cứu độ do lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Mẹ cưu mang, nuôi dưỡng, giáo dục Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, và Thiên Chúa của lòng thương xót ; hơn mọi người, Mẹ thực thi và sống triệt để lòng thương xót, vì Mẹ tích cực và trọn vẹn chia sẻ con đường Thương Xót của Đức Giêsu, con Mẹ. Đó chính là lý do cho phép chúng ta, những kẻ có tội dám chạy đến kêu cầu Mẹ để nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, như đôi tân hôn và gia đình hai họ ở tiệc cưới Cana xưa đã nhận được món quà vĩ đại của lòng thương xót khi Đức Giêsu, vì có Mẹ can thiệp, đã làm phép lạ cho sáu chum nước lã biến thành sáu chum rượu ngon, khi  rượu hết giữa tiệc (x. Ga 2, 1-11).  
Kêu cầu Mẹ là Mẹ của người có tội đang cần lòng Chúa thương xót, chúng con xin Mẹ dậy sống lòng xót thương anh em, bởi đây là điều kiện không thể thiếu để được thương xót, như ông chủ kia đã nói với tên đầy tớ không có lòng thương xót : “Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ  ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33), bởi “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). 
Kêu cầu Mẹ là Mẹ của tội nhân đang cần được Chúa thương xót, chúng con xin Mẹ củng cố đức tin để chúng con dám tin rằng : lòng thương xót Chúa tuyệt đối, và  vô cùng, vượt xa cõi lòng tương đối và thước đo giới hạn của con người, để không bao giờ lấy thước đo là “lòng người” ki bo, nhỏ mọn, chật hẹp mà đo trái tim vô cùng bao dung, tấm lòng vô cùng độ lượng, và tình yêu vô cùng sâu thẳm, cao vời của Thiên Chúa, bởi khi lấy “thước con người” mà đo “lòng Thiên Chúa”, chúng con không khỏi sợ hãi, ngã lòng, tuyệt vọng, khi phải đối diện với tội lỗi chồng chất nặng nề của mình.    
Kêu cầu Mẹ là Mẹ của kẻ  có tội đang cần được Chúa thương xót, chúng con xin Mẹ chỉ dậy chúng con là kẻ có tội sự khác biệt “một trời một vực” giữa công lý của loài người và công lý của Thiên Chúa : công lý của loài người thì “răng đền răng, mắt đền mắt”, nợ máu thì phải trả bằng máu, vay mạng thì lấy sự sống mà đền, trong khi công lý của Thiên Chúa thì “ai yêu nhiều, được tha nhiều” (Lc 7,47), “yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có công chi ?”, nhưng “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5,46.44), vì công lý của Thiên Chúa đặt trên nền móng tình yêu thương xót để tội nhân được xóa tội, phạm nhân được  thứ tha, ác nhân có cơ hội sám hối trở về làm người lương thiện, vì “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan” (Rm 5,20).
Kêu cầu Mẹ là Mẹ của người tội lỗi luôn cần được lòng Chúa thương xót, chúng con nài xin Mẹ cho chúng con đừng bao giờ quên một điều rất quan trọng, đó là Mẹ luôn có mặt trong cuộc đời, và đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường, để nhờ Mẹ can thiệp, cầu bầu, tội nhân là chúng con không bị Thiên Chúa đoán phạt, người tội lỗi là chúng con không bị Thiên Chúa xua đuổi, gạt ra một bên, kẻ tội đồ khốn nạn là chúng con không “bị đuổi ra ngoài” và rơi vào nơi “khóc lóc nghiến răng” (Lc 13,28).   
Và ở giờ lâm tử, khi sự chết thập thò, rình rập, xin Mẹ đến bên giường khuyên răn, an ủi, vỗ về những đứa con tội lỗi đáng thương của Mẹ, để chúng con an tâm, vững dạ, đừng phân tâm, rối trí, đừng ngã lòng trông cậy, nhưng tuyệt đối tín thác vào lòng thương xót Chúa, và bám chặt áo Mẹ, để “sau cõi đời này, chúng con được thấy Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ đầy phúc lạ. Ôi khoan thay ! Ôi nhân thay ! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen” (Kinh Lạy Nữ Vương).   
Jorathe Nắng Tím

TÔN VINH MẸ LA VANG, NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM

Suy Niệm 3 :
ĐỨC MARIA ĐÓN NHẬN VÀ THỰC HIỆN THÁNH Ý THIÊN CHÚA TRONG  MỌI BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI

Cuộc sống là dòng sông cuồn cuộn những biến cố nhỏ to : có những biến cố vui buồn, sướng khổ ; có biến cố làm chênh vênh, chao đảo, sụp đổ một phần hoặc toàn phần gia nghiệp tinh thần hay gia sản vật chất ; có biến cố chắp cánh cho đời lên hương, vút bay tận trời cao, chỉ trong phút chốc trở thành người thần thế, quyền lực, được tôn vinh, trọng vọng ; có biến cố ở xa, ít tác dụng, bên cạnh là những biến cố kề cận ảnh hưởng nặng nề, trầm trọng. Vấn đề là thái độ của mỗi người trước những biến cố thuộc đủ thể loại, tầm cỡ theo giòng sông cuộc đời liên tục đổ về.
Có nhiều thái độ trước những biến cố cuộc đời. Có thái độ bất bình, vì biến cố đến không do lỗi mình, nhưng do người chung quanh ; có thái độ bất an, bất ổn trước nguy cơ, nguy hiểm phát sinh từ biến cố ; có thái độ bất mãn, khi biến cố bị coi là hình phạt đối với con người trong kiếp sống vô thường, vô định. Cũng có những thái độ tương đối nhẹ nhõm hơn, như bất chấp, bất cần, vì biết mình chẳng điều khiển, quản lý được giòng sông biến cố, hoặc bất đắc dĩ phải chấp nhận sống với biến cố như hằng ngày phải sống với lũ, vì không còn khả thể, lối thoát nào khác tốt hơn.
Sự thường thì người ta hoặc khó chịu, bực bội, thất vọng với các biến cố buồn, hoặc khoái trá trước những biến cố vui được tóm gọn vào hai chữ hên, xui, nên cuộc sống theo hên xui mà lên xuống, trồi sụt, tạo nên tình trạng bất an, bất ổn kinh niên, mãn tính làm đời sống không hạnh phúc, vì thiếu bình an sâu lắng, thiếu tâm an, thân tịnh.
Như thế, thái độ đón nhận biến cố trong cuộc sống đóng góp không nhỏ vào hạnh phúc cuộc đời của mỗi người. Nói cách khác, mỗi người phải biết đón nhận biến cố thế nào, để cuộc sống không bất hạnh, cuộc đời không tiêu điều, héo úa, tàn phai một cách vô lý, phí phạm.  
Với người Kitô hữu, điều mà Đức Giêsu đời hỏi, chính là đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của hiện tại, nghiã là nhìn ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự việc xẩy ra, mọi tình huống ở đây và lúc này, với một thái độ của người tin vào tình yêu Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Đấng ngự trên trời luôn  ban những sự tốt lành cho những kẻ kêu xin Người  (x. Mt 7,11), và một khi đã nhìn ra Thánh Ý, người môn đệ Đức Giêsu sẽ bình an, hạnh phúc, bởi biến cố dù vui buồn, sự việc dù xấu tốt, tình trạng dù thuận lợi hay trắc trở, khó khăn cũng không tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta như  thánh Phaolô khẳng định (Rm 8,39).    
Và Đức Maria là người tín hữu lý tưởng đó, một tấm gương luôn thuận thảo trước Thánh Ý Thiên Chúa mà chúng ta phải học hỏi, noi theo, vì Mẹ là người nữ có phúc hơn mọi phụ nữ, người tín hữu đầy ơn phúc, và hạnh phúc hơn hết mọi tín hữu. Với Đức Maria, chúng ta học đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống hiện tại để trở thành con người hạnh phúc, người tín hữu được Thiên Chúa chúc phúc, người con được Chúa Cha nhận là con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng (Mt 3,17), và được đứng vào hàng ngũ những người được thừa hưởng Vương Quốc đã được Chúa Cha dọn sẵn từ thuở tạo thiên lập địa (x. Mt 25,34).
1.       Cuộc đời  Đức Maria là cuộc đời đầy những biến cố :
Có người ngây thơ nghĩ rằng : Đức Maria, vì là Mẹ Đức Giêsu, lại không vướng mắc tội nguyên tổ, nên không vất vả, khổ đau nhiều như chúng ta, và lúc nào đời Mẹ cũng êm đềm, bình an như dòng nước hiền hoà nhẹ trôi.
Tin Mừng cho chúng ta biết điều ngược lại, điều ngược lại mà chúng ta không ngờ mà hai thánh sử Luca và Mátthêu đã kể lại, đó là một số biến cố kinh khủng bên cạnh nhiều biến cố khác của đời Đức Mẹ, mà có lẽ ít người trong chúng ta đã phải một lần đối mặt  :
a.        Biến cố truyền tin (Lc 1,26-38) : Một biến cố Đức Maria không thể ngờ trước, cũng không bao giờ nghĩ có thể xẩy ra cho mình, nên Mẹ đã sợ hãi, bối rối, vì bị đặt trước những mâu thuẫn không thể lý giải : đồng trinh mà sinh con, con người phàm tục mà thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, phận nữ tỳ hèn mọn mà sinh ra Con Thiên Chúa.
b.       Biến cố thánh Giuse toan tính bỏ Đức Maria cách kín đáo (Mt 1,18-25).
Không gì đau khổ hơn cho người vợ chưa chung sống, ăn ở với chồng mà đã có thai. Thế mà Đức Maria đã rơi vào hoàn cảnh cay đắng, khắc nghiệt, éo le này, chỉ vì chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,20).
c.        Biến cố hạ sinh Đức Giêsu ở hang lừa Bêlem (Lc 2,1-7) :
Tuy đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Đức Giêsu chào đời, nhưng biến cố kiểm tra dân số do chiếu chỉ của hoàng đế Augúttô đã thay đổi toàn bộ kế hoạch, và hậu qủa là : thánh Giuse và Đức Maria đã phải về Bêlem, miền Galilê, là thành của vua Đavít để làm tờ khai, vì thánh Giuse thuộc dòng tộc vua Đavít. Vì qúa đông người kéo về, nên hai ông bà đã không tìm được nhà trọ, ngay khi  Đức Maria chuyển dạ sinh con. Thế là máng cỏ đơn sơ, hang lừa hôi thối đã là nôi đón Ngôi Lời nhập thể.
d.       Biến cố trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13-18) :
Vừa sinh con chưa được bao lâu, thì Hêrôđê  cho lệnh truy lùng và giết Đức Giêsu. Lại một phen bỏ quê chạy trốn sang Ai Cập, bỏ lại phía sau hàng trăm con trẻ từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và toàn vùng phụ cận bị tàn sát thảm thương, trong tiếng khóc than rền rĩ của các bà mẹ khóc thương con mình.
e.        Biến cố lạc mất con suốt ba ngày (Lc 2, 41-50) :
Ai lạc con rồi mới hiểu nỗi lo tột cùng và cơn hốt hoảng không gì có thể diễn tả của người mẹ. Đức Maria đã trải nghiệm nỗi lo âu, hốt hoảng này, khi lạc mất Đức Giêsu ba ngày liền, trong dịp hành hương lễ Vượt Qua ở Giêrusalem.
f.         Những biến cố trên đường truyền giáo và đường Thánh Giá của Đức Giêsu, con mình :
Là Mẹ của Đức Giêsu, Đức Maria hiệp thông trọn vẹn với con mình trong mọi biến cố trên đường truyền giáo, cũng như trên đường thánh giá và cuộc tử nạn. Nếu Đức Giêsu đau khổ vì bị môn đệ phản bội, từ chối, thì Đức Maria cũng đau khổ như con mình ; nếu Đức Giêsu kiệt lực dưới sức nặng của thập tự, thì Mẹ Ngài cũng chết ngất vì đòn vọt, xỉ nhục báng bổ trên thân xác con mình ; nếu Đức Giêsu thở dốc, quằn quại, rướn mình trút tàn hơi, thì Đức Maria dưới chân Thánh Giá cũng tan nát cõi lòng mẹ hiền, và trong vòng tay  Đức Mẹ, xác Đức Giêsu đã  được tháo xuống, buông lơi hạnh phúc trong nước mắt ngọt ngào của lòng Mẹ bao la.  
g.       Những biến cố của Giáo Hội sau khi Đức Giêsu về trời :
Không ai có thể chối cãi sự hiện diện và vai trò quan trọng của Đức Maria giữa Nhóm Mười Hai, sau khi Đức Giêsu chịu chết.
Tình cảnh các tông đồ và những môn đệ khác của Đức Giêsu những ngày tang thương ấy thật khó khăn, phức tạp, do dư chấn cuộc tử nạn kinh hoàng của Thầy, do bầu khí thừa thắng xông lên, tiếp tục truy sát, xóa sổ nhóm tà đạo Giêsu của  quan chức đạo đời ở Giêrusalem, và do chính tâm lý còn hoảng sợ, chưa hoàn hồn của các ông. Do đó, các ông rất cần sự nâng đỡ, ủi an, nhắc bảo của  Đức Maria, và Mẹ đã luôn có mặt, đồng hành với các ông như sách Công Vụ các Tông Đồ đã ghi lại (x ; Cv 1,14).

2.       Đức Maria luôn nhìn thấy trong mọi biến cố Hồng Ân của Thiên Chúa :    
Khác với nhiều người không nhìn thấy hồng ân của Thiên Chúa trong những biến cố xẩy ra ở hiện tại, nhưng coi đó là những chuyện ngẫu nhiên, hên xui may rủi, hoặc do tài năng hay sơ sót của con người, nên chẳng có ý nghiã mầu nhiệm gì, Đức Maria thì ngược lại, vì trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, nên không sự gì, việc gì trong cuộc đời của Mẹ có thể lọt khỏi vùng phủ sóng của Ân Sủng, có thể ra ngoài tầm bao phủ của Hồng Ân.
Vì thế, dù vui hay buồn, thành hay bại, được hay mất, tất cả các biến cố nhỏ to đều được  Đức Maria nhìn với đôi mắt đức tin, để thấy ở đó hồng ân của Chúa, vì Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người (Rm 8,28).
Nhưng để có thể nhìn thấy Hồng Ân trong mọi biến cố của hiện tại, nghiã là chân nhận trong mọi giây phút hiện tại, bất cứ sự gì, việc gì xẩy ra đều được xẩy ra dưới mắt nhìn yêu thương, quan phòng của Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn dành cho con cái những gì tốt đẹp, ích lợi nhất, Đức Maria đã chọn cho mình một lẽ sống, và lẽ sống ấy chính là yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong mọi người.
Như thế, cuộc đời của Đức Maria không bao giờ trệch khỏi qũy đạo : Yêu mến Đức Giêsu và phục vụ mọi người trong Đức Giêsu. Lẽ sống này Mẹ đã chọn và đã triệt để sống trong mọi biến cố, để không lúc nào Mẹ không có tình yêu Đức Giêsu, và không lúc nào tình yêu Đức Giêsu trong Mẹ không hướng đến người khác.
Hướng đến người khác để giới thiệu Đức Giêsu, hướng đến người khác để làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ, hướng đến người khác để tất cả nhận được ơn bình an của Đức Giêsu là Tình Yêu thương xót, hạnh phúc đích thực của con người  được yêu thương, cứu chuộc.
Học với Đức Maria, gương mẫu của người môn đệ luôn sẵn sàng đón nhận và thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong từng giây phút hiện tại, cụ thể qua tinh thần Phó Thác, tâm tình Tạ Ơn và thái độ Khiêm Nhường.
Với tinh thần Phó Thác như Đức Maria, chúng ta đón nhận Thánh Ý trong mọi biến cố ; với  tâm tình Tạ Ơn, chúng ta chân nhận tất cả là Hồng Ân, và với thái độ Khiêm nhường, chúng ta thực hiện Thánh Ý trong bình an.
Xin Đức Maria, Mẹ rất nhân lành ban cho chúng ta những ơn cần thiết để đón nhận và thực thi Thánh Ý Chúa từng giây phút hiện tại giữa giòng đời ngập tràn biến cố.
Jorathe Nắng Tím