Pages - Menu

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO 7

                                Suy Niệm 7 :  NGƯỜI LỮ HÀNH
Không mấy người hiểu được vị thế “không luôn dễ hiểu” của nhà truyền giáo, khi được sai đi rao giảng và làm chứng Đức Giêsu vừa như tông đồ, và thầy dậy, vừa như người lữ khách đồng hành với người được rao giảng.
Cái “không luôn dễ hiểu” hệ tại ở một khúc mắc khó hiểu, đó là : đã là tông đồ thì niềm tin vào Đức Giêsu tất phải vững chãi, trung kiên ; đã là thầy dậy “những gì liên quan đến Thiên Chúa” (x. Lc 24,27) ắt cũng phải hiểu biết thâm sâu, thấu đáo về Thiên Chúa. Vậy mà trong thực tế, các tông đồ của Đức Giêsu, cũng như các nhà truyền giáo nối tiếp sứ vụ loan báo Tin Mừng của Nhóm Mười Hai đã không luôn đạt được đòi hỏi này.
Trước hết, Tin Mừng cho chúng ta biết các tông đồ là những người được chính Đức Giêsu kêu gọi và tuyển chọn để làm môn đệ thân tín, “bạn hữu tri âm tri kỷ” (Ga 15,15), “kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17), “người thu phục người khác” (Lc 5,10), người được sai đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), và các vị  được Đức Giêsu ban cho quyền chăn dắt như mục tử nhân lành (x.Ga 10), quyền giáo huấn để “dậy bảo muôn dân tuân giữ điều Thầy đã truyền” (Mt 28,20), và  quyền tha tội, thánh hoá (x. Ga 20,19-20).
Qủa thực, Đức Giêsu không những đã tín nhiệm, mà còn trực tiếp huấn luyện các vị, để các vị trở thành mục tử chăn dắt, thầy dậy và tư tế, và ước mơ của Ngài là các vị  trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài trong mọi sự.
Nếu chỉ dừng ở đây, chúng ta sẽ khó có thể lý giải : tại sao có những môn đệ, nhà truyền giáo sống không xứng đáng với ơn gọi của nhà truyền giáo, môn đệ ? Cắt nghiã thế nào hiện tượng suy thoái đạo đức, xa rời lý tưởng, kể cả xa lạ với sứ vụ được trao phó ? Giải thích làm sao hiện trạng không chỉ suy thoái mà còn phản Tin Mừng, đối nghịch với giáo lý đức tin, và luân lý Kitô giáo của một số ít nhà truyền giáo ? Và hiểu thế nào cho đúng khi có những môn đệ tuyệt vọng trên đường truyền giáo, thất vọng, tiếc nuối vì đã “bỏ mọi sự đi theo Đức Giêsu”, bất mãn, công kích Giáo Hội là Mẹ đã cưu mang, nuôi lớn và sai đi ?
Vâng, chúng ta không thể dừng lại ở ơn gọi tông đồ, sứ vụ truyền giáo, chức vụ thầy dậy, mục tử của nhà truyền giáo, mà quên các vị vẫn mãi là người Lữ Hành như bất cứ người Kitô hữu nào nói riêng, và toàn thể nhân loại nói chung, bởi tất cả đều được mời gọi cùng bước đi trên hành trình về Đất Hứa, cùng lên đường về Nước Trời, cùng đi theo một Đức Giêsu, Mục Tử duy nhất và đời đời.
Vì còn là người lữ hành trên đường lữ thứ đầy cám dỗ, thử thách, mà Phêrô, tông đồ trưởng, người được Đức Giêsu đăc biệt yêu thương và tín nhiệm đã nhiều lần to tiếng nào là : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16), “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), nào là “cho dù tất cả có vấp phạm đi nữa, thì con cũng nhất định là không” (Mc 14,29), và ngon lành hơn nữa khi  “gan cùng mình” qủa quyết một “câu xanh dờn, hết ý” : “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14,31), nhưng rồi không lâu sau đã công khai chối phăng Thầy mình ba lần liên tiếp: “Tôi thề là không biết người các ông nói là ai” (Mc 14,71).
Tin Mừng Máccô còn ghi thêm : “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (Mc 14,31), nghiã là cùng thề thốt sống chết, cùng tuyên xưng nẩy lửa, cháy bỏng, ngoạn mục, nhưng kết qủa là tất cả, ngoại trừ Gioan : người thì chối bỏ, phản bội, người thì chỉ điểm lấy tiền (x. Mc 14,10-11) người thì bỏ trốn để bảo toàn tính mạng, như thánh sử Máccô đã ghi rõ : “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 14,50).
Vì còn mang phận người Lữ Hành trên đường dài nhiều chông gai, thách đố, nhà truyền giáo, hay môn đệ Đức Giêsu cần ý thức : tuy mang sứ vụ cao cả, mang ơn gọi cao siêu, mang quyền tha tội cao trọng, các vị cũng vẫn không dứt  bỏ được thân phận Lữ Khách, nên bất cứ lúc nào cũng có thể ngã qụy, “vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38) ; bất cứ ở đâu cũng có thể “lỡ bước sa chân”, vì chính Đức Giêsu đã cảnh báo : “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép : “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác” (Mc 14,27) ; bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể bị “sa chước cám dỗ”, vì “Xatan xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31) ; bất cứ tình huống nào cũng có thể lạc đường, mất hướng, vì “đây là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53) ; bất cứ tình trạng nào cũng có thể dẫn tới nguy cơ làm điều bất công, bất chính, vì “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Vì còn phải làm người lữ khách đến hết đường đời, nên dù là môn đệ chính danh, dù được chọn làm tông đồ đích thực, nhà truyền giáo vẫn có lúc bâng khuâng nghi nan, có lúc lầm lũi sau màn sương dầy đặc, có khi ngao ngán trong đường hầm tăm tối, có hồi mệt mỏi, chùn chân, sờn lòng bên vệ đường đói lả, như ngôn sứ Êli ngày xưa trên đường lên núi Hôrép.
Và hình ảnh người Lữ Hành vật vã vì vất vả, bải hoải vì thất bại, bàng hoàng vì phút chốc tất cả đều tan hoang, dở dang, lỡ làng đã thể hiện rõ nét ở hai môn đệ trên đường Emmau :
“Cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu chết và an táng trong mồ, “có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những việc mới xẩy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,13-16).
Hai ông kể cho người bạn đường mới là Đức Giêsu : “chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá » (Lc 24,19-20).
Hai ông đã kể cho Đức Giêsu nghe những gì các ông đã biết về Đức Giêsu, và những gì thượng tế và thủ lãnh dân Do Thái đã làm cho Ngài. Và tất cả điều đó đều thật, đúng như các ông biết. Nhưng có một điều quan trọng mà các ông đã nghe, đã biết, nhưng quên hẳn, đó là “Lời Hứa sẽ sống lại từ cõi chết”, mà Đức Giêsu đã nói đi nói lại đến ba lần với các ông : “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21 ; 17,23 ; 20,18-19).
Quên Lời Hứa sống lại là dấu chỉ của thiếu sót, là hậu qủa của cơn chấn động sợ hãi, là khủng hoảng tột cùng khi hy vọng đột ngột tan vỡ. Các môn đệ của Đức Giêsu từ mấy năm nay, tuy có lúc căng thẳng vì bị người Do Thái chống đối, nhóm Pharisêu khích bác, gây sự, nhưng  không ai bỏ cuộc, vì hy vọng vào vương quốc  sắp đến của Thầy, hy vọng ai nấy sẽ được vinh hiển với danh phận, chức tước ngất ngưởng cao sang (x.Mc 10,35-40). Nay mọi việc xẩy ra hoàn toàn trái ngược làm tiêu tan hy vọng quan lộ, làm sụp đổ hy vọng một đời vinh quang, và dồn các ông vào ngõ bí, đẩy các ông vào thế kẹt, hoàn toàn bế tắc.
Đây chính là lúc các ông nhận ra phận lữ hành, thân lữ khách của mình, mà thất vọng là dấu ấn chính hiệu, không thể chối cãi, khi chính miệng các ông thú nhận : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen” (Lc 24,21).
Trước đây tuy vẫn hy vọng, nhưng hy vọng này không là hy vọng của đức tin “tin một lần là xong”, không là hy vọng của đức tin “gỗ đá, chỉ cần được đục đẽo, tạo hình một lần là trọn vẹn”, nhưng là hy vọng của đức tin phải được lớn lên từng ngày, đức tin liên lỷ chịu thử thách để trưởng thành, đức tin trôi nổi, xây sát, trầy trợt, bị tung lên dìm xuống tơi tả để  có sức dẻo dai chịu đựng. Đó là đức tin của lữ khách nên trong niềm hy vọng có nghi nan, phân vân, thắc mắc, do dự, có khả thể bỏ đi, hay ở lại, có tự do đi tiếp hay bỏ cuộc, như những thách đố cần thiết của đức tin, như thử thách để lớn lên của hy vọng.  
Vì thế, các môn đệ đã có lần nghi ngờ về giáo lý của Thầy mình, thậm chí  nhiều môn đệ đã nói với Đức Giêsu : “Lời này chướng tai qúa. Ai mà nghe nổi ?” (Ga 6,60), khi Ngài mặc khải : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55), hoặc hồ nghi, thắc mắc về phần thưởng dành cho các ông, khi Phêrô, đại diện anh em lên tiếng hỏi Đức Giêsu : “Thầy coi, phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?” (Mt 19,27). Và rất nhiều lần các ông đã do dự, phân vân trước cám dỗ bỏ Ngài, như “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66).   
Vì đức tin là đức tin của người sống, nên đức tin phải sống động, và vì sống và động, nên đức tin có thể hy vọng trước đây, nhưng bây giờ thất vọng. Hy vọng trước đây khi được thấy tận mắt những phép lạ nước hoá thành rượu ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12), bánh hoá nhiều nuôi cả đám đông hàng vạn người (x.Mt 15,32-39), người què đi được, người mù được sáng mắt, người bị qủy ám được giải thoát (x. Mt 4,23-24) kể cả kẻ chết được sống lại (x. Ga 11,1-44), nhưng hôm nay thì thất vọng và đầy ngờ vực, nghi nan, khi Thầy bị kết án tử đóng đinh (x. Lc 24,21-24).  
Vâng, thất vọng, ngờ vực, thắc mắc, nghi nan là dấu ấn chính hiệu khi đường đời không luôn thênh thang của người lữ hành, khi thuyền đời không luôn thuận buồm xuôi gió của lữ khách ; là dấu ấn không thể chối cãi, vì người lữ hành không thể biết hết những gì sẽ xẩy ra, lữ khách không thể nắm chắc, tiên liệu mọi sự, mọi việc của chặng đường ngày mai, và đường dài tương lai sắp tới.
Con đường đức tin “vững chắc, thênh thang” của các môn đệ hôm nào khi cùng thầy lên núi Tabo biến hình, hay cùng Thầy vào thành thánh giữa tiếng hoan hô vang trời của dân chúng hâm mộ nay bỗng chênh vênh, gập ghềnh, quanh co, đầy bất trắc, chướng ngại nguy hiểm, và hoàn cảnh bi đát này đã đánh thức các ông ra khỏi giấc mộng vàng khanh tướng, để trở về với thân lữ khách, kiếp lữ hành dong duổi, gian lao, còn phải  trường kỳ chiến đấu cam go, cực khổ mới mong đạt đích, đi đến cùng đường.
Giấc mộng đức tin “một lần hoàn thành cho tất cả”, “một lần hoàn hảo cho cả đời” của hai môn đệ đã vỡ toang trên đường Emmau, khi các ông phải thẹn thùng nghe Đức Giêsu trách móc : “Các anh chẳng hiểu gì cả. Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ !” (Lc 24,25). Và hai môn đệ đã nhận ra ơn gọi lữ khách phải luôn đồng hành với mọi người, khi “lòng họ bừng cháy lên” mắt họ mở ra nhận ra Đức Giêsu khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, khi đồng bàn với họ (Lc 24,30-31).
Như thế, nhà truyền giáo ngoài sứ vụ loan báo và làm chứng Đức Giêsu, còn mang một nghiã vụ khác nữa, đó là đồng hành với mọi người không chỉ như anh em, mà còn như người lữ hành cùng một thân phận, lữ khách cùng một điều kiện, bạn đường cùng một hoàn cảnh.
Nếu Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài cũng sai các ông lên đường và đồng hành với mọi người, đặc biệt với người được các ông loan báo Tin Mừng, giới thiệu Đức Giêsu.
Vì thế, tinh thần chủ nhân của Tin Mừng, não trạng độc quyền Lời Thiên Chúa, thái độ của kẻ thánh thiện vượt trội trên mọi người, kiểu sống của người giầu có bố thí, thi ân, ảo tửởng đức tin của mình là số một, tất cả đều không xứng hợp với nhà truyền giáo, vì như mọi người, nhà truyền giáo vẫn còn phải cùng mọi người bước đi trên đường, vẫn mãi là lữ khách đường xa, vẫn chưa hết chông gai, khó khăn, thử thách của người lữ hành trên hành trình gặp Chúa và anh em.
Hơn thế nữa, hành trình của nhà truyền giáo luôn mang hai đòi hỏi có cùng một giá trị : đòi hỏi là người hướng đạo, và đòi hỏi là lữ khách, bạn đường của mọi người. Thiếu một trong hai, bước chân truyền giáo không thăng bằng, nhưng khập khiễng, sẽ làm chao đảo, vấp ngã nhà truyền giáo ; chỉ dựa vào quyền được trao để chăn dắt, dậy dỗ, tha tội, thánh hoá, mà quên bổn phận đồng hành của người lữ hành, nhà truyền giáo sẽ từ xa lạ đến xa cách, từ phân biệt đến biệt lập, từ cao ngạo đến lố bịch, từ lập dị đến kệch kỡm. Và như thế, nhà truyền giáo không thể chu toàn sứ vụ truyền giáo được Giáo Hội trao.
Con đường Emmau của hai môn đệ khi niềm tin đổ dốc như bóng chiều sụp đổ chính là con đường truyền giáo của những người được sai đi. Trên con đường này, Đức Giêsu có mặt và cùng đi : đi để giảng dậy, giải thích cho các ông những gì liên quan đến Thiên Chúa (x. Lc 24,27) ; đi như “một người lữ hành, lữ khách” đồng hành bên các ông để nâng đỡ, an ủi, làm phấn chấn tinh thần và đốt cháy lên niềm hy vọng  sắp tắt như “ngày sắp tàn” trong tim các ông (Lc 24,29) ; đi với sứ vụ của nhà truyền giáo vừa rao giảng, hướng đạo, vừa đồng hành chia sẻ.
Ngài chia sẻ nỗi buồn, chia sẻ thất vọng, chia sẻ những xót xa của môn đệ mất thầy, chia sẻ u uất của con mất cha, chia sẻ  cay đắng của một niềm tin từ nay không dám nuôi niềm hy vọng. Như lữ khách khi trời đã xế chiều, Đức Giêsu vui lòng ở lại, và cùng chia sẻ cơm canh với hai môn đệ sau quãng đường dài đức tin nhiều thử thách.  
Và như Đức Giêsu đã giảng dậy, giải thích “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27) trên đường Emmau, nhà truyền giáo cần đuợc trang bị những gì thuộc về Thiên Chúa, cũng như các nhân đức siêu nhiên, cảm nghiệm thiêng liêng để hướng dẫn mọi người đến gặp Thiên Chúa. Đồng thời, nhà truyền giáo không quên xây dựng cho mình những đức tính nhân bản cần thiết, để trở thành người  bạn đường tử tế, nhân hậu, công bình, dễ mến, đáng tin, hào hiệp, qủa cảm, hy sinh, có tinh thần đồng đội, để đồng hành với mọi người đi hết con đường Chúa muốn mọi người cùng đi, và qủang đại chia sẻ ơn huệ của Ngài cho tất cả những ai biết yêu thương và đồng tâm nhất trí đi tìm Ngài.     
Xin Chúa thương các nhà truyền giáo và ban cho các vị học với Đức Giêsu phục sinh trên đường Emmau, khi biết rao giảng, giải thích “những gì liên quan đến Thiên Chúa”, đồng thời biết đồng hành như người lữ khách, bạn đường của mọi người, để cảm thông, nâng đỡ và chia sẻ đến tận cùng những đau buồn, cay đắng, thất vọng của những tâm hồn khắc khoải, thao thức trên hành trình đi tìm Chúa là Chân Thiện Mỹ  tuyệt đối, và đốt  lên trong trái tim họ lửa Hy Vọng của Niềm Tin vào Đức Giêsu, Đấng đã sống lại thật  từ cõi chết như lời Người đã hứa để đem Sự Sống đời đời và Hạnh Phúc đích thực cho hết mọi người. Alléluia !
Jorathe Nắng Tím

ĐƯỜNG SỐNG



        Đời sống mỗi người là một hành trình, vì đời sống không tĩnh lặng, ù lì, đứng yên một chỗ, nhưng sinh động, biến chuyển, di dời, thay đổi liên tục : từ hôm qua sang hôm nay để đến ngày mai, từ tuổi thơ ở đầu đường sống đến tuổi già ở cuối đường sống. Vì thế sống là lên đường, sống là chân không ngừng bước tới từ khởi điểm đến đích điểm, nên đời sống chính là đường sống. Trên con đường sống này, ai nấy đều muốn và cố giữ sự sống ; ai nấy đều tìm mọi cách để bảo toàn mạng sống ; ai nấy đều đầu tư cho hạnh phúc cuộc sống ; và ai nấy đều ước mơ đường sống của mình có một ý nghiã và giá trị tuyệt vời.
Chính vì đời sống là đường sống, mạng sống là hành trình sống, sự sống là những bước chân trong đời sống, nên người ta có thể không cần dùng đến súng đạn, gươm đao, thuốc độc, ghế điện để giết người, để tước đọat mạng sống, tiêu diệt sự sống của người khác, mà dùng một phương cách khác bề ngoài xem ra rất sạch sẽ, văn minh, nhân văn, nhưng thực chất là sát nhân chính hiệu, giết người đích danh và cũng tàn bạo, dã man, ác độc như bao vụ giết người máu me, thê thảm, tàn nhẫn, kinh hoàng khác, đó là chặt đường sống, cắt đường sống, bịt đường sống của người khác.
Cắt đường sống của người đàn bà bị bắt qủa tang ngoại tình vừa bị giải đến, chúng ta chỉ cần chiếu theo luật Môsê, rồi ung dung, thanh thản gật đầu, và oai phong, nghiêm nghị phất tay cho xứng danh người lãnh đạo có uy quyền và khôn ngoan. Và chỉ cần có bấy nhiêu từ người lãnh đạo « vị luật mà không vị nhân », chỉ lo bảo vệ luật lệ, nguyên tắc mà không quan tâm đến sự sống con người, thì tức khắc làn mưa đá sẽ giập vùi tấm thân liễu yếu đào tơ « lỡ ngoại tình vì trót yêu », khi cắt đứt không tiếc thương con đường sống của một con người rất đáng thương đang thống thiết nài xin lòng thương xót của đồng loại để được tiếp tục bước đi trên « hành trình sống » với chồng con (x. Ga 8,1-11).
Qủa thực, chiếu theo Luật sẵn có mà làm thì dễ hơn trăm ngàn lần như Đức Giêsu đã phải « se dạ thắt lòng », phải gồng mình đối phó với đám thượng tế giả hình và kỳ hào ác ôn đang nhao nhao đòi ném đá người đàn bà có tội, trong khi chính họ đầy tội để tìm ra một luật trừ, một kẽ hở cho người đàn bà sắp bị thi hành án tử một lối thoát, một lỗ nhỏ chui ra khỏi tử lộ tìm lại con đường sống.
Họ hoàn toàn khác Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót đã vượt lên Lề Luật để cứu sống người đàn bà tưởng phải chết trong vài phút tới, khi mở cho chị con đường sống với ơn bình an của Ngài : « Con hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa » (Ga 8,11).
Chặt đường sống của cô gái điếm tìm đường hoàn lương khi cô lấm lét mon men đến gặp người có quyền để xin một lối nhỏ trở về làm người tử tế, chúng ta chỉ cần dựa theo dư luận, nghe theo đám đông, nghiêng theo ban cố vấn gồm toàn những « diều hâu » đói xác người, những trái tim cạn máu thương xót, những đao thủ mặt lạnh tanh nguyên tắc, điều lệ, những cặp mắt vô hồn, vô cảm để đanh thép lườm thẳng mặt người phụ nữ tội lỗi và hét to cho mọi người cùng nghe: « Cô là hạng người trắc nết, không nên đến gần chúng tôi là những người đã được thánh hiến ». Và chỉ cần thái độ lạnh lùng, nghiêm khắc, khinh bỉ của kẻ có quyền « tha tội » như thế thôi cũng đã đủ chặt đứt phăng đường sống của cô gái « đứng đường » đang sướt mướt khóc, ăn năn .
Chọn lựa này hoàn toàn khác chọn lựa đầy trắc ẩn và kính trọng tội nhân của Đức Giêsu, Đấng thực sự có quyền tha tội, chứ không chỉ có quyền vì được ủy quyền bởi người có quyền như chúng ta, khi Ngài mở cho chị một con đường sống : « Ai yêu nhiều thì được tha nhiều » (Lc 7,47), và « lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an » (Lc 7,50).
Bịt đường sống của người con phung phá « thân tàn ma dại » trở về thì chỉ cần đanh nét mặt lại, gầm gừ một chặp, rồi thẳng tay xua đuổi : « Đồ con mất nết, hoang đàng. Cút đi khỏi mặt tao. Thà mày đừng sinh ra thì hơn ! ». Chỉ cần những lời chua chát, cay độc, đắng đót như thế từ miệng của người được người khác gọi là cha cũng đã quá đủ để bịt đường sống của đứa con đang « dở sống dở chết » cố lết thân về để tạ tội, xin được thứ tha. Vì qủa thực, nếu nhân danh uy tín gia đình, danh dự gia tộc, truyền thống giáo xứ để xua đuổi, loại trừ người con lỡ làng, tội lụy, chúng ta sẽ được khen là cứng rắn, có lập trường, có kỷ cương, có đường lối, dám nói dám làm, mà không mang tiếng là người cha nhu nhược, yếu đuối, lụy con ; không bị những đứa con « ngoan » khác trong nhà so bì, trách móc, hờn dỗi ; không bị hàng xóm « tiếng chì tiếng bấc » cho là chiều con, sợ con ; không bị họ hàng thân thuộc chê cười là « đã không biết dậy con, lại còn bị con xỏ mũi »
Một lần nữa, thái độ chọn lựa này hoàn toàn khác với những gì mà người cha nhân hậu của Đức Giêsu đã làm khi con ông trở về sau những ngày đi hoang : «Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng : « Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… ». Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : « Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy » ( Lc 15, 20 -23).
Sự khác biệt càng rõ nét giữa Đức Giêsu và chúng ta và trước anh mù từ lúc mới sinh vừa được Đức Giêsu chữa lành (x. Ga 9, 1 - 41).
Ai trong chúng ta cũng biết, người mù đi đường khổ sở thế nào, mà sống là phải từng ngày bước đi trên đường sống, nên mù loà là một mất mát, thiệt thòi, thử thách lớn. Vì thế khi được sáng mắt, người mù như tìm lại con đường sống mới và anh ta ngập tràn hạnh phúc. Thế mà những người Pharisêu như chúng ta đã không vui khi thấy người mù được sáng, nhưng giận dữ khi anh ta từ nay được thấy rõ, nhìn rõ con đường sống của mình.
Không vui, nhưng giận dữ trước hạnh phúc của người khác tức là muốn phá hoại hạnh phúc đang có của họ ; không hài lòng vì người mù được sáng mắt để thấy đường đi tức muốn triệt phá đường sống vừa bừng sáng của người này ; không chấp nhận việc Đức Giêsu cho ngtười mù được nhìn thấy là một phép lạ tức muốn người mù phải đầy đọa mãi trong bóng tối, và không bao giờ được thấy rõ con đường sống.
Rất nhiều lần, chúng ta đã cùng các ông Pharisêu trưng dẫn luật Thiên Chúa của sự sống để giết chết sự sống ; quy chiếu điều khoản này, chú thích kia trong bộ Giáo Luật dầy cộm được nâng niu, giữ kỹ để ngang nhiên đặt con người thấp hơn ngày Sabát khi lên án Đức Giêsu : «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát » khi Ngài mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh rất tội nghiệp, đáng thương (Ga 9,16).
Vâng, đường sống chính là sự sống, vì khi cắt đường sống, người ta không thể tiếp tục sống, như người đàn bà ngoại tình đang run rẩy trước « đường trở về với đời sống làm vợ làm mẹ » sắp bị cắt đứt bởi những người đàn ông nắm giữ thần quyền nhưng thiếu từ tâm, nghiã khí, cao thượng. Vâng, đường sống chính là con người sống, vì khi đường sống bị chặt, con người đang sống sẽ phải chết, như những người « thấp cổ bé miệng » bị cường quyền dồn vào đường cùng đã phải chọn cái chết để tự giải thoát. Vâng, đường sống bảo đảm sự sống, nên người ta không thể sống, nếu không còn một ngõ ngách, một lối nhỏ, một khe rãnh được bố thí cho, để có thể đi đến ngày mai, đi về một nơi có bình minh sự sống.
Và vì thế, giết người kiểu văn minh nhất chính là bịt kín đường sống của đối phương ; sát nhân kiểu tân kỳ, ngoạn mục nhất là đóng kín đường sống của người mình muốn tiêu diệt ; đánh gục người khác cách « nhân văn, có học » nhất chính là khoá kín đường sống của họ. Với cách này, chẳng ai sẽ cho ta là gian ác, bất nhân, tàn nhẫn ; chẳng người nào nhận ra bàn tay nhuốm máu và lòng dạ nham hiểm, ác thú của ta ; nhất là chẳng ai đủ nhậy bén để nhìn ra con người thật « sát nhân » đáng sợ và rất kinh tởm của ta.
Trong cuộc sống, bạn cũng như tôi, chúng ta đã ít nhiều nghe nói, chứng kiến, hoặc đối diện với những con người dùng quyền lực để đóng đường sống của kẻ không cùng phe cánh ; dùng thế lực để cắt đường sống của người bị nghi ngờ không cùng quan điểm, đường lối ; dùng ảnh hưởng bao trùm trời đất để bít kín đường sống của người không gập lưng, cúi đầu « nâng bi », nịnh bợ, xông hương, thuần phục ; dùng thủ đọan ma mãnh để triệt phá không thương tiếc đường sống của người dám lên tiếng nhắc nhở, cảnh tỉnh mình. Và chắc chắn, tôi cũng như bạn, chúng ta cũng đã gặp trong cuộc đời đầy bất công, bạo lực này những thân phận ngắc ngoải chết, ngậm ngùi chết, tức tưởi chết, quằn quại chết vì hết đường sống, vì đường sống bị phong toả, triệt hạ bất công, bất chính, bất nhân.
Và cũng như chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận diện cả kẻ đóng đường sống của anh em và người bị anh em đóng đường sống khi nói về Giuđa, người môn đệ đã bán Thầy mình, trong bài giảng ngày 11.04.2016 tại nhà nguyện thánh Mátta : Ngài đã lên án thái độ đóng đường sống của các thượng tế và luật sĩ trong đạo Do Thái ở Giêrusalem, khi thẳng thừng từ chối lời xin « trả lại tiền » của Giuđa , và thay vì đưa tay cho Giuđa bám trong khi tuyệt vọng, đã tạt vào mặt Giuđa gáo nước « lạnh lùng, đầy khinh bỉ » khi sẵng giọng xua đuổi: « Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh », mặc dù Giuđa đã tự thú với họ: « Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan » (Mt 27,4).
Chính thái độ đóng đường sống của các thượng tế và luật sĩ đã đẩy Giuđa đến đường cùng, ở đó, ông đã phải « ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ » (Ga 27,5), bởi đừng quên : Giuđa « khi thấy Người », tức Đức Giêsu, Thầy mình, « bị kết án, thì hối hận » (Ga 27,3). Đây là dấu chứng không thể chối cãi Giuđa đang muốn được cứu sống bằng một bàn tay nâng đỡ, bằng một lời có thể là lời trách móc nhưng chia sẻ, có thể là lời với cung giọng nóng giận nhưng rộng lượng thứ tha. Nói đúng hơn, Giuđa đang đợi chờ một bàn tay dắt ông trở về con đường sống vừa đánh mất. Nhưng rất tiếc và rất đáng thương, Giuđa, tuy hối hận và nhận mình có tội vì làm người vô tội phải chết oan, đã không tìm được một bàn tay nâng đỡ, một lời ủi an, chia sẻ cực kỳ cần thiết mang tính cứu sinh trong lúc « thập tử nhất sinh » vì tuyệt vọng.
Chia sẻ không rụt rè, mặc cảm của Đức Thánh Cha muốn nói lên rằng : ngay trong Giáo Hội hôm nay vẫn không thiếu những « thượng tế, luật sĩ » chai cứng lòng thương xót, cằn cỗi tình huynh đệ, khô héo tình mục tử nên sẵn sàng giải quyết mau chóng, ruốt ráo vấn đề của con người bằng đóng luôn đường sống của con người. Và nếu trong đạo, hiện tượng đóng đường sống vẫn còn nhan nhản , thì ngoài đời không biết « đường sống » bị đóng nhiều và đe dọa kinh khủng đến mức nào ?
Jorathe Nắng Tím