Pages - Menu

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

COVID-19 VÀ KỲ THỊ TÔN GIÁO

Thực sự người viết không ngờ phải bận tâm suy nghĩ về đề tài không mấy vui này: Covid-19 và kỳ thị tôn giáo, mặc dù đã viết về kỳ thị, nhưng là nguy cơ kỳ thị chủng tộc, khi chủ nghiã dân tộc cực đoan ở nhiều quốc gia hiện đang bùng phát phong trào lên án Trung Quốc, bài Trung Quốc, tẩy chay người Trung Quốc đang sinh sống trên đất nước họ, vì những nghi vấn về một ý đồ bá vương, bá chủ thế giới, bằng tiêu diệt các quốc gia của nhà cầm quyền Trung Quốc, khi tung ra từ Vũ Hán vũ khí vi khuẩn cực nguy hiểm tiêu diệt loài người mang tên Corona, nay được đổi thành Covid-19.
Một chuyện ngoài sức tưởng tượng của người viết khi đọc những giòng sau được nhiều  bạn không cùng tôn giáo gửi từ Việt Nam, với tâm trạng rất bức xúc và thất vọng về tác giả của những giòng này: 

“Linh Mục chết nhiều ở Ý là do đi xức dầu, vì họ tin là sẽ chữa khỏi bệnh”, “Tây Ban Nha số ca nhiễm chỉ sau Trung Quốc, Ý số ca nhiễm thứ hai thế giới, hai  nước này theo công giáo”, “Nước Mỹ là nước phát triển, dân số theo đạo Tin Lành nhiều nhưng 80% là mê tín dị đoan”, “Iran là quốc gia trong thế giới Hồi Giáo đứng top 5 về số ca nhiễm”.
Cùng một tác giả mà đến ba tôn giáo lớn bị kết án treo cổ tức tưởi bởi Covid-19: Ý và Tây Ban Nha chết nhiều vì theo đạo công giáo, Linh Mục Ý chết vì đi xức dầu chữa dịch Corona cho giáo dân; Mỹ theo đạo Tin Lành, nhưng phần đông mê tín, nên hiểu ngầm bị Covid-19 “ăn tươi nuốt sống”; cả đến Iran, vì theo Hồi Giáo cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của Covid-19.
Tác giả “Phật tử” trên đã mặc nhiên cho mọi người biết: chỉ có Phật Giáo là số một, là tôn giáo không hề hấn trước nạn dịch, nên đương nhiên được hiểu là tôn giáo duy nhất đích thực, và Phật Giáo là duy nhất chính đạo, trong khi các tôn giáo khác là tà giáo, tà đạo, bởi kiểu nói “u mê, mập mờ, dẫn dắt kiểu dụ dỗ, thôi miên người nghe, người đọc” của tác giả bắt buộc phải được hiểu như thế.
Hiểu như thế, theo ý tác giả là chủ trương phỉ báng các tôn giáo khác, coi thường giáo lý của các tôn giáo không phải của mình, nhất là bôi bác giá trị thánh thiêng của việc phụng tự nơi tôn giáo khác mà mình không biết hay hiểu hoàn toàn sai, như tác giả đã tỏ ra ngây ngô, chẳng hiểu gì ý nghiã của bí tích xức dầu bệnh nhân trong công giáo, khi cho rằng linh mục công giáo ở Ý chết nhiều, vì muốn xức dầu chữa bệnh Covid-19 cho giáo dân, trong khi chủ đích và ý nghiã của bí tích này là đem lại sự nâng đỡ thiêng liêng cần thiết cho người đang phải chiến đấu ác liệt với cơn bệnh, ở giờ sinh tử. 
Hiểu như thế, theo ý tác giả là ngạo mạn coi thường niềm tin thiêng liêng của các tín hữu không thuộc tôn giáo mình, và tinh ma đánh lừa quần chúng dễ tin, khi xếp niềm tin của những tín hữu không cùng tôn giáo với mình xuống hàng mê tín dị đoan, với một tỷ lệ vừa nghe qua cũng đã biết là vô căn cứ, và hoàn toàn không đáng tin cậy. Chỉ cần hỏi nhỏ tác giả: dựa vào đâu ngài có thể qủa quyết mà không ngượng miệng số liệu khủng khiếp: 80% tín hữu Tin Lành Mỹ mê tín, dị đoan?
Hiểu như thế, theo ý tác giả là công khai ủng hộ ý đồ chia rẽ khối đoàn kết liên tôn, nghiã là âm mưu làm suy yếu sức mạnh dân tộc, bằng khơi dậy đố kị, tỵ hiềm, thù hận giữa những người không cùng niềm tin tôn giáo; là kích động phong trào kỳ thị tôn giáo trong lòng quần chúng, tạo nên căng thẳng và mau chóng dẫn đến bạo lực, vì không ai sẽ không sẵn sàng đổ máu để bảo vệ đức tin, bảo vệ đạo pháp, bảo vệ những giá trị thiêng liêng của tôn giáo mình, khi qủa bom “kỳ thị tôn giáo” bất ngờ bùng nổ.
Hiểu như thế, theo ý tác giả là chuẩn bị một cuộc thánh chiến đẫm máu, bằng khơi dậy căm phẫn giữa tín đồ các tôn giáo, khi dùng những lời lẽ khích bác, châm chọc, chế diễu, chống báng với mục đích hạ uy tín, đốn gục danh dự của các tôn giáo khác, và suy tôn, thần tượng tôn giáo mình.
Hiểu như thế, theo ý tác giả là phát tán chương trình độc quyền đức tin, độc chiếm tín hữu, bằng tung những đòn hạ nhục, bôi nhọ các tôn giáo khác, bằng chụp cho Covid-19 cái mũ “thanh trừng, tiêu diệt” các tôn giáo khác không phải của mình được coi như tà giáo, tà đạo. Bằng chứng là tác giả đã không biết mình nói gì khi đưa số liệu tử vong, lây nhiễm Covid-19 ở các quốc gia có những tôn giáo khác với tôn giáo của tác giả, như những chứng cớ hùng hồn và hiển nhiên của sự trừng phạt vô hình từ đấng thiêng liêng nào đó, mà chắc chỉ tác giả mới biết và gọi tên.
Hiểu như thế, theo ý tác giả là phát động phong trào mở rộng tôn giáo mình bằng đánh phá các tôn giáo khác; mở mang bờ cõi đạo mình bằng vùi giập, đốn hạ những đạo khác; làm tăng số tín đồ của giáo hội mình bằng mạt sát, miệt thị tín hữu các giáo hội khác khi coi họ là đám mê tín, cả tin, dại khờ, ấu trĩ. Truyền giáo theo kiểu này thì qủa thực không còn tôn giáo, không còn ý nghiã tâm linh, không còn giá trị thiêng liêng, nhân bản, vì tín hữu, tín đồ vô phúc lọt vào tay tác giả này đã không còn một chút tự do trong chính niềm tin riêng tư, độc đáo, cá vị của mình.
Và sau cùng, hiểu như thế, theo ý tác giả là dứt khoát đi ngược đường lối chính danh, chính nghiã, chính trực của tôn giáo, mà người viết, và rất nhiều bạn đọc của mọi tôn giáo sẽ phải đồng ý, đồng lòng chủ trương, thực hiện:
1.   Niềm tin tôn giáo là giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mọi người:
Nên khi niềm tin ấy bị bất cứ ai làm tổn thương, dưới bất cứ hình thức nào thì người gây nên tổn thương ấy đều là kẻ phá họai niềm tin tôn giáo và phải mang trách nhiệm nặng nề.
Vì thế, bất kỳ tín hữu, tín đồ của tôn giáo nào thiếu lòng trân trọng đối với tôn giáo của mình và của người khác, cũng như không tôn trọng tôn giáo của mình và của người khác đều bị coi là người tín hữu không xứng đáng, tín đồ không thuần thành, vì hành động coi thường niềm tin của người khác tự nó đã là vô tôn giáo, và người có hành động vô tôn giáo phải bị coi là người không có tâm hồn tôn giáo, không trái tim tôn giáo, đúng hơn là không niềm tin thiêng liêng, và bề ngoài “tôn giáo” cũng như niềm tin bên ngoài của họ chỉ là bung xung trá hình, chiêu bài đạo đức cho một mục tiêu thấp hèn nào đó.
Do đó, niềm tin tôn giáo của mỗi người phải được bắt đầu bằng tâm tình và thái độ tôn trọng niềm tin tôn giáo riêng của người khác, nên để đánh giá một tín đồ, tín hữu, giáo dân có nhân ái, từ bi, bác ái, đạo hạnh, xứng danh người có đức tin hay không, người ta chỉ cần nhìn vào thái độ, cung cách của người ấy đối với những anh chị em không cùng tôn giáo với họ, bởi một đòi hỏi căn bản của bất cứ niềm tin tôn giáo nào là tính cách “vị nhân sinh”, nghiã là vì hạnh phúc của con người, nên khi tôn giáo không hướng đến phục vụ sự sống và hạnh phúc của con người, mà chỉ lo đấu đá, chia rẽ, kỳ thị, đố kị, mạt sát người ngoài tôn giáo mình, người không cùng chính kiến, đường lối với mình, thì mức độ đáng tin của tôn giáo ấy phải được đặt lại tận gốc rễ.
2.   Niềm tin tôn giáo thuộc quyền tự do của mỗi người:
Các tôn giáo như những con thuyền với mục đích đưa con người qua biển đời nhiều sóng gió, thử thách, và trước những con thuyền, mỗi người hoàn toàn tự do chọn cho mình con thuyền nào thích hợp, con thuyền nào vừa ý, con thuyền nào có khả năng vượt biển bình an.
Việc truyền giáo của các tôn giáo vì thế phải được hiểu là những chứng từ được kể lại, những kinh nghiệm tâm linh được chia sẻ, những cảm nghiệm đức tin được nói với người chung quanh, với mục tiêu cùng đi tìm chân lý, cùng chung hưởng hạnh phúc, hoan lạc trong niềm vui của đức tin.
Hiểu như thế, việc truyền giáo, giảng đạo sẽ không bao giờ trở thành thủ đọan “dành dân, chiếm đất” kiểu hung hãn xâm lăng, cũng không bao giờ được phép biến thành âm mưu, ý đồ, chiến lược, kế sách “thôi miên, dụ dỗ, mua chuộc, mồi chài, chiếm đoạt, đe dọa, đàn áp, khống chế” người khác, bắt họ đi theo tôn giáo mình, gia nhập đạo mình, vì niềm tin là giá trị thiêng liêng không dựa trên con số, tỉ lệ hay thành qủa “cân, đo, đong, đếm”. 
Nhưng cũng chính vì tự do chọn hoặc không chọn cho mình một tôn giáo, mà việc làm lên án những người cải đạo, tức những người đi từ đạo này sang đạo khác, bỏ Phật Giáo theo Công Giáo hoặc ngược lại, ở bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào trong cuộc đời họ đều là việc làm xâm phạm tự do tôn giáo của người khác, và là hành động bất công, bất chính, bất nhân.
Ở đây, chúng ta cần nêu rõ vấn đề cải đạo vì hôn nhân mà nhiều người hiểu lầm giáo lý công giáo. Thực ra, công giáo không ép ai phải bỏ đạo mình nếu muốn kết hôn với người công giáo, cũng không đặt hôn nhân công giáo dưới điều kiện cả hai phải cùng có đạo công giáo. Trái lại, hai người nam nữ trong mọi trường hợp vẫn có thể thành hôn với hôn nhân khác đạo, và vẫn nhận được sự chứng giám của Giáo Hội trong nhà thờ, bởi hôn nhân thành sự là do hai người nam nữ tự do đón nhận nhau làm vợ chồng với những quyền lợi và nghiã vụ của vợ chồng đối với nhau, và cha mẹ đối với con cái của họ sau này.
Thú thực với Bạn, đây là bài viết ngao ngán nhất đối với người viết, vì là những điều không bao giờ người viết dám và muốn nghĩ tới, bởi hơn một nửa bạn hữu thâm giao, lâu dài của người viết đều là người ngoài công giáo. Người viết và bạn bè không cùng tôn giáo rất trân qúy nhau, không chỉ trân qúy con người, gia đình của nhau, mà còn qúy trọng niềm tin tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng riêng tư của nhau trong từng chi tiết, chẳng hạn, hằng năm chúng tôi gửi thiệp hoặc tin nhắn chúc mừng nhau lễ Giáng Sinh, Phật Đản, cùng nhau lên Chùa, đến nhà thờ và cung kính, trang nghiêm ở những nơi thờ phượng của nhau, nhất là tuyệt đối tôn trọng giáo lý, hàng giáo phẩm, tổ chức tôn giáo của nhau. Nhờ thế mà “tình bạn liên tôn” của chúng tôi mãi mãi bền vững và phong phú, tốt đẹp. 
Chia sẻ với Bạn nỗi đau “kỳ thị tôn giáo” đang xẩy ra trên quê hương Việt Nam, ngay giữa tâm đại dịch Covid-19, người viết rùng mình khi thấy virút “kỳ thị tôn giáo” ngàn lần nguy hiểm hơn Covid-19. Và bên cạnh niềm đau, nỗi sợ này, còn là nỗi buồn khi phải chứng kiến cảnh “người là lang sói của người”, khi người ta nhẫn tâm đến độ có thể “vui với ai đang khổ sầu, và buồn bã, khóc lóc khi người khác được may mắn, bình an”. Bằng chứng là có những người Trung Quốc  qúa khích căm thù đế quốc Mỹ đã vui mừng, liên hoan, căng biểu ngữ “chúc mừng nước Mỹ gặt hái nhiều ca tử vong và lây nhiễm Covid-19”.
Tuy thế, việc làm không nhân ái, thiếu nhân văn của một số ít người Trung Quốc vẫn còn có thể hiểu được, nếu so với những khích bác, diễu cợt hoàn toàn không thể hiểu và chấp nhận được của người đã tung ra những ý nghĩ kỳ thị tôn giáo mà người viết đã bất đắc dĩ phải trình bầy và phản biện.
Ước mong dân tộc Việt Nam không phải khổ thêm với nạn “kỳ thị tôn giáo” trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” vì đại dịch, bởi dân đã khổ vì nghèo vật chất, mong ai đấy đừng làm đau đớn tinh thần họ; đồng bào đã khốn đốn vì dịch Covid, mong tác giả “kỳ thị tôn giáo” ngừng tay đừng đẩy họ xuống đáy sâu tuyệt vọng của thánh chiến phi lý, phi nhân, phi đức tin, phi thần thánh.
Jorathe Nắng Tím         

NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG ĐỨC TIN GIỮA NHỮNG BẤT AN

Không ai chối cãi tình trạng bất an đang bao trùm thế giới, làm xao xuyến mọi tâm hồn, khi nhà nhà đóng cửa tránh dịch, nước nước phong toả biên giới chống nguy cơ dịch xâm lăng, chiếm đóng. Một thế giới hoàn toàn bất an, vì không còn làm chủ được vận mệnh của mình trước một vi khuẩn bé tí teo nhưng sức lan toả và công phá thì vô cùng kinh khủng. Chung số phận của mọi người, người tín hữu không tránh khỏi bất an, và trước nỗi bất an, bất ổn như đang phải đương đầu, chọn lựa nào chúng ta phải có để sống đức tin?
1.   Nhiều nỗi bất an, bất ổn:
Đại dịch không chỉ làm chúng ta bất an về sức khỏe, về việc học của con cái, về  kinh tế gia đình, về tương lai rất đen tối của đất nước thời hậu dịch, mà còn cảm thấy bất ổn về những rủi ro xã hội, khi người dân rơi vào tình trạng “túng làm liều, cùi không sợ lở”… Trong vô số bất an, bất ổn có thể thấy được, chúng ta còn những bất an thầm kín, những bất ổn không nói ra được liên quan đến chính niềm tin của mình.
Thực vậy, phải khiêm tốn nhận rằng chúng ta không thể khá hơn các tông đồ năm xưa. Tuy được Đức Giêsu trực tiếp tuyển chọn làm môn đệ, được sống với Ngài, được Ngài đào tạo, dậy dỗ, chia sẻ, nhưng khi tình thế trở nên bất an, bất ổn, vào những ngày đầu của mùa thương khó, khi mà các mũi dùi tấn công của đối phương đồng loạt chĩa thẳng vào Thầy, các ông đã không còn giữ được những lời thề thốt trung thành, không còn bình tĩnh để nhớ lại những lời căn dặn “sau ba ngày Thầy sẽ sống lại”, và các ông đã hoang mang, sợ hãi trước thử thách tưởng vượt sức người có hạn, và tự ý kết thúc công trình Đức Giêsu đang gầy dựng dang dở với các ông bằng phản bội, chỉ điểm, chối từ, bỏ rơi Thầy mình.
Như thế mới biết khi lâm vào tình huống khó khăn, hoàn cảnh bế tắc, khủng hoảng cùng độ, đức tin của chúng ta rất thường bị thử thách. Bị thử thách vì chúng ta cần được bình an, nhưng lúc nguy nan, thì người mà chúng ta tuyệt đối phó thác, tin tưởng lại xem ra không còn đủ sức bảo đảm bình an cho chúng ta; bị thử thách vì chúng ta không muốn chết tức tưởi, oan uổng, vô cớ, trong khi người mà chúng ta cậy trông, bám víu, dựa dẫm khi bị đe dọa  xem ra còn thê lương, yếu đuối hơn cả chúng ta; bị thử thách, vì chính lúc chúng ta cần tiếng nói bênh vực của người chúng ta tin để sóng gió cuộc đời phải im hơi lặng tiếng, thì người ấy lại chỉ gục đầu thinh lặng, như bất lực; bị thử thách, vì chúng ta muốn có “điềm thiêng dấu lạ” từ tay Đấng chúng ta tôn thờ, nhưng điềm thiêng, dấu lạ đâu chẳng thấy, chỉ thấy “ba chìm, bẩy nổi, chín long đong” thi nhau làm đời ta te tua, tơi tả, rách bươm như tầu lá chuối trước cuồng phong.
Thế nên càng bất an, chúng ta càng đứng ngồi không yên; càng bất ổn, chúng ta càng đi tìm người này người nọ để được trấn an; càng lo lắng, chúng ta càng cuống cuồng đôn đáo chạy vái tứ phương; càng hốt hoảng, chúng ta càng nhẹ dạ, vồ vập, dễ tin, và bán đứng niềm tin chính đáng của mình cho bất cứ ai xem ra có thể làm nhẹ nỗi lo sợ, làm giảm bớt hoang mang, và mau chóng tháo cởi mọi đe dọa đang làm chúng ta đứng tim, ngộp thở.
2.   Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ tâm trạng bất an và tình trạng đi tìm điềm thiêng, dấu lạ và tiên tri giả:
Thời Đức Giêsu, người ta cũng đã nhiều phen điên đảo vì những biến cố chính trị, xã hội, khiến nhiều người lo lắng ngày tận thế đang đến gần. Ngay các môn đệ của Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng “ngồi trên lửa” và tâm trạng xao xuyến, lo âu này. Và trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: ‘Này, Đấng Kitô ở đây’ hoặc ‘ở đó’, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24,23-25).
a.   Đức Giêsu cảnh báo: sẽ có nhiều người tự nhận là Đấng Thiên Chúa sai đến để lừa gạt những ai nhẹ dạ, cả tin trong cơn quẫn bách, lo sợ:
Ngay hôm nay, giữa cơn đại dịch Covid-19, trên mạng xã hội, chúng ta đọc nhan nhản những tin chống phá Đức Giêsu, bôi bác Đức Thánh Cha, mạ lị hàng giáo phẩm, lên án Giáo Hội công giáo, và thay bằng những “người của Thiên Chúa” khác, những giáo hội khác, với đức tin hoàn toàn khác.
Đó là những giáo phái hoàn toàn mới lạ với Giáo Hội được Đức Giêsu thành lập trên Tảng Đá Phêrô, hoàn toàn xa lạ với giáo lý của Đức Giêsu, hoàn toàn khác lạ với Tin Mừng của Ngài, nhất là hoàn toàn đi ngược đường lối yêu thương của “Thiên Chúa làm người”, Đấng đến cứu độ nhân loại bằng thập giá hiến mình chuộc tội.    
Đức Giêsu đã lập Giáo Hội của Ngài trên Nhóm Mười Hai Tông đồ, mà Phêrô là tông đồ trưởng, nên niềm tin của người công giáo là niềm tin từ Nhóm Mười Hai tông đồ, thường gọi là Tông Truyền, nghiã là đức tin được truyền từ các Tông Đồ trực tiếp của Đức Giêsu. Đây là điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý, bởi người  Công Giáo tin với niềm tin của Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), chứ không tin với niềm tin vu vơ, bâng quơ, vá víu, chắp nối nào khác.
Khi cảnh báo các môn đệ về nguy cơ sẽ có những Kitô giả, Đức Giêsu cũng muốn nhắc nhở chúng ta ở thời đại này phải thận trọng giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mà Phêrô, tông đồ trưởng đã thay mặt các tông đồ tuyên xưng, để không nhẹ dạ chạy theo bất cứ một “ngôn sứ, tiên tri, thiên sai, thiên chúa” giả hiệu nào khác, với bất cứ lý do, luận chứng, giải thích nào.
b.   Đức Giêsu cảnh báo khả năng tuyệt vời của những Kitô giả này, nên không chỉ người nhẹ dạ, cả tin sa lưới, mà cả “những người được tuyển chọn” cũng có thể bị sập bẫy:
Đây là điều rất đáng ngại và gây nhiều tổn thất lớn cho niềm tin của tín hữu, khi  một số những người của Giáo Hội, có chức tước, quyền bính trong Giáo Hội cũng nghiêng ngả trước đường mật của Kitô giả, cũng lung lay trước “điềm thiêng, dấu lạ” của tiên tri giả, cũng nghi ngờ chân lý đức tin tông truyền, và chạy theo ngôn sứ giả.
Không thiếu những người đã được tuyển chọn trong Giáo Hội, những người tín hữu được coi là có đức tin vững mạnh, kiên cường, từng hăng say “bảo vệ Giáo Hội” nay hăng say lên mạng qủang bá những tin chống phá chính Giáo Hội của mình đại để với nội dung: “Hội thánh Công Giáo hiện nay là hội thánh giả, giáo hoàng là giáo hoàng của Satan, hàng giáo phẩm là những kẻ đại bội giáo, linh mục, tu sĩ nam nữ là những con chó câm, hèn nhát trước bạo quyền thế gian, không dám mở miệng nói cho mọi người hiểu điều Thiên Chúa muốn”.
Chỗ khác, có người trưng dẫn:“Đức Mẹ dậy: từ nay không được gọi là Đức Thánh Cha, hay Đức Hồng Y, Đức Cha gì cả, chỉ gọi họ theo chức vụ thôi, vì bọn họ chẳng ai là người có đức độ, hay đạo đức nữa, cũng như từ sau ngày 21.06.2017, các thánh lễ bọn họ làm chỉ còn là thánh lễ thờ phượng Satan, nên ai đi lễ sau ngày ấy là thờ Con Thú, và rước lễ là rước lấy Satan vào lòng. Tất nhiên tất cả sẽ phải xuống hoả ngục với Satan”.
Thật không còn gì kinh dị hơn, khi những dòng chữ này lại được viết từ tâm hồn của những người được tuyển chọn…! Chẳng thế mà có lần Đức Giêsu đã than thở: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
c.    Phương thức của Đức Giêsu đề ra cho chúng ta trong cơn bất an, bất ổn:
Vậy, nếu người ta bảo anh em: ‘Này, Người ở trong hoang địa’, anh em chớ ra đó; ‘Kìa, Người ở trong phòng kín’, anh em cũng đừng tin” (Mt 24,26).
· Không tin ai ngoài tin một mình Ngài: Ngôi Lời của Thiên Chúa.
· Không chạy đôn đáo chỗ này chỗ nọ tìm đấng cứu tinh mới, vì không có Đấng Cứu Độ nào ngoài  Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Còn một vấn đề gai góc khác, đó là có nên tin Giáo Hội, tin Đức Thánh Cha, tin các Giám Mục, Linh Mục không?
Qủa thực, khuynh hướng thời đại là tin Chúa, mến Chúa nhưng không tin Giáo Hội, không thương mến người của Giáo Hội, vì nhiều lý do rất khác nhau, mà người viết sẽ chia sẻ trong một dịp khác.
Ở đây, chúng ta cần xác định ý muốn của Đức Giêsu, khi cảnh báo chúng ta nguy cơ “đánh mất, từ bỏ đức tin vào Ngài”, và đề ra phương thức cứu giúp chúng ta trước hoàn cảnh bị thử thách, ở đó lòng tin dễ bị chao đảo, lung lay:
· Đức Giêsu muốn chúng ta tin Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội duy nhất được lập ra trên nền tảng các Tông Đồ, mà đại diện là Phêrô chính là Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội do chính Ngài thiết lập, mà không một thế lực ác thần nào có thể đánh phá, làm sụp đổ (x.Mt 16,18), vì Ngài ở với Giáo Hội của Ngài mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
· Vì là Giáo Hội của Ngài, nên Giáo Hội có sứ mạng giữ gìn trọn vẹn và tinh tuyền Chân Lý của Ngài đã mặc khải cho nhân loại, để Chân Lý không bị bóp méo, làm lệch lạc, phai mờ. Và để bảo đảm cho sứ mạng  gìn giữ Chân Lý này, Ngài đã xin Chúa Cha ban cho Giáo Hội Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật… Đấng ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17). Cũng Thánh Thần sẽ là Đấng “dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Như thế ngay trong những lúc “hỗn quân hỗn quan”, khi có nhiều người tự xưng mình là ngôn sứ, tiên tri, người được Thiên Chúa sai đến với giáo lý này, chân lý nọ, chúng ta sẽ không phải suy nghĩ, băn khoăn, phân vân, lo sợ lầm đường, lạc lối, vì biết chắc một điều: ở ngoài Giáo Hội Công Giáo không có chân lý tinh tuyền và trọn vẹn của Đức Giêsu, bởi một lý do đơn giản, đó là Đức Giêsu đã chỉ ký thác Chân Lý và sứ mạng gìn giữ Chân Lý của Ngài cho Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập trên tảng đá Phêrô, và Nhóm Mười Hai Tông Đồ của Ngài.         
Nhưng có một vấn đề khác được đặt ra: có khi nào chính Giáo Hội của Đức Giêsu sẽ phản bội Đức Giêsu, và đâu là dấu chỉ cho phép chúng ta biết Giáo Hội này phản bội?
Chúng ta sẽ chỉ cần nhìn vào Giáo Hội để biết Giáo Hội ấy có Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm, và có Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật và là Đấng ban sự sống cho Giáo Hội hay không… Cụ thể là:
· Giáo Hội có tin thờ Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, dung mạo đích thực của Chúa Cha, con đường dẫn nhân loại đến với Thiên Chúa, Đấng đã xuống thế làm người để yêu thương và cứu chuộc con người không? (x. Ga 3,16-17).
· Giáo Hội có tuyệt đối yêu mến và tín thác vào Đức Giêsu, Phu Quân trung tín và là Đấng Cứu Độ duy nhất đã hiến mình vì Giáo Hội không? (x. Ep 5,25-26).
· Giáo Hội có ở lại trong Đức Giêsu như chi thể trong “thân thể Đức Kitô” (1 Cr 12,27), như cành nho gắn liền cây nho trong đời sống cầu nguyện và bí tích không? (x. Ga 15,1-5).
· Giáo Hội có trung thành với sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” không? (x. 1 Cr 11,26)
· Giáo Hội có làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu, và cố gắng từng ngày trở nên dấu chỉ sống động sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa giữa nhân loại bằng yêu thương, phục vụ tha nhân đến hy sinh mạng sống mình không? (x. Ga 13,34-35).
Và nếu Giáo Hội trung thành sống lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, cùng tông đồ đoàn trước mặt Đức Giêsu năm xưa, ở vùng Xêdarê Philípphê: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), thì dù có lúc đã sao lãng, hững hờ, thờ ơ, ngay cả yếu đuối phản bội như Phêrô đã chối Thầy nhưng vội vã ăn năn trở lại, thì Giáo Hội vẫn là Giáo Hội của Đức Giêsu, Giáo Hội có Đức Giêsu và Thần Khí sự thật của Ngài. Và chúng ta vẫn có đủ lý chứng để xác tín tính đích thực, trọn vẹn và tinh tuyền của Chân Lý Đức Tin được gìn giữ trong Giáo Hội, như ý muốn của Đức Giêsu.
Vâng, trong hoàn cảnh bất an, niềm tin của chúng ta không tránh được gian nan, thử thách, vì chúng ta còn là con người, và Đấng mà chúng ta tôn thờ là Đấng chúng ta chỉ nhìn thấy được bằng đôi mắt đức tin, chứ không thấy được Ngài bằng con mắt xác thịt. Đó là thách đố của đức tin, khi chúng ta được mời gọi sống như “đang thấy Đấng Vô Hình”.
Đức Giêsu biết chúng ta phải trải qua những thử thách của đức tin, để trưởng thành trong tình yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, nên đã cảnh báo rất rõ ràng, chi tiết và cho chúng ta phương thức đối phó, đương đầu trong giông bão. Ngài còn hứa ban bình an cho tất cả những ai trung thành yêu mến Ngài bằng giữ giới luật yêu thương của Ngài (x. Ga 14,15): “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Với Bình An của Đức Giêsu, bình an đến từ tình yêu hy sinh mạng sống vì người mình yêu, chúng ta sẽ không còn lý do xao xuyến, sợ hãi, vì trong thuyền là Giáo Hội, luôn có Đức Giêsu, Ơn Bình An của Thiên Chúa hiện diện, Đấng luôn ở với Giáo Hội, ở với mỗi người và không ngừng động viên, an ủi, nâng đỡ: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27).
Jorathe Nắng Tím