Pages - Menu

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

NHỮNG KHUÔN MẶT DỄ THƯƠNG THỜI COVID-19

Không ai ngờ ở thời đại văn minh với khả năng gần như tột bậc của  y khoa, mà thế giới lại rơi vào cơn khủng hoảng rất trầm trọng của Covid-19 như những ngày này, khi con số tử vong và lây nhiễm ngày càng tăng đến chóng mặt, tạo nên cơn sốt cấp tính  toàn cầu.
Nhưng có lẽ cái không ngờ đáng nhớ là những khuôn mặt dễ thương toả sáng tình người, và rạng rỡ lòng nhân ái xuất hiện ngày càng nhiều giữa những thách đố như muốn vượt sức người có hạn của sóng thần Covid-19.
Đó là khuôn mặt dễ thương của những em bé nắn nót từng chữ trên lá thư mộc mạc, đơn sơ gửi những bệnh nhân Covid-19 và các bác sĩ, y tá, y công trong các bệnh viện. Những dòng chữ non nớt, nghiêng ngả, xiêu vẹo, chưa đủ sức thẳng hàng, thẳng lối được bao bọc bởi nhiều trái tim to nhỏ muôn mầu rực rỡ.
Những khuôn mặt nghệ sĩ chỉ quen vớí ánh đèn mầu và hào quang sân khấu, nay cũng lũ lượt đến “làm quen” những khu ổ chuột, chân cầu, ở đó có những người rất nghèo không có gì để sống những ngày không còn được ăn xin, bán vé số vì nạn dịch Covid. 
Những khuôn mặt học sinh, sinh viên tạm xa ghế nhà trường, dấn thân trong các phong trào cứu hộ, phòng dịch - chống dịch trên toàn quốc.
Những khuôn mặt doanh nhân thường ngày tất tả, bận bịu làm tiền, nay trở thành những mạnh thường quân, ân nhân làm từ thiện cứu những mảnh đời nổi trôi, bờ bụi từng ngày chiến đấu với số phận để được sống còn.
Những khuôn mặt tu hành thánh thiện thường ngày chỉ quanh quẩn với thánh đường, thánh thất, chùa chiền nay cũng sắn cao tay áo tu phục lao mình vào đời chia sẻ thân phận bọt bèo với chúng sinh.
Những khuôn mặt chính khách quen nhăn nhó trầm trọng với những tính toán chiến lược, chiến thuật, đường lối, kế hoạch, vĩ mô, quy mô nay cũng bình dân, bình dị hơn trong cách ăn mặc, thái độ, cung cách đến gần quần chúng trong cơn đại dịch.
Nhưng nổi bật hơn cả là khuôn mặt dễ thương của người đàn bà nghèo chắt chiu những đồng xu rất ít oi, bé nhỏ để chia sẻ nỗi thương đau của những người nghèo đáng thương hơn mình, vì hơn ai hết, bà hiểu thế nào là nỗi đau, nỗi khổ, nỗi nhục của người vừa nghèo đói, vừa đau bệnh, vì chính bà đã cảm nghiệm, trải qua.
Nổi bật hơn là khuôn mặt dễ thương của những cha mẹ đã dậy con biết tằn tiện, chắt góp từng đồng để mỗi buổi sáng có trước nhà mình một tủ nhỏ với những ổ bánh mì kẹp trứng, những nắm xôi đậu cho người nghèo cần lót dạ những ngày không còn có thể tự kiếm sống, vì không còn ve chai, bọc nhựa.
Nổi bật hơn là khuôn mặt dễ thương của những ông bà chủ nhà hàng, với những hộp đồ ăn gửi tặng nhân viên y tế trong các nhà thương, bệnh xá đang vất vả chăm sóc bệnh nhân Covid, như những chiến sĩ đang qủa cảm chiến đấu ở tuyến đầu chống lại “dịch giặc” đe dọa an sinh của nhân loại.
Nổi bật hơn là khuôn mặt dễ thương của hàng triệu người vào 20 giờ mỗi ngày cùng ra “ban công”, cửa sổ vỗ tay để biểu lộ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ “y tế” đang hết lòng hy sinh vì an toàn sức khỏe của mọi người.
Nổi bật hơn là khuôn mặt trầm tư nhưng sốt sắng, thánh thiện của ông bà, cha mẹ nghiêm trang thầm thĩ cầu nguyện cho con cháu, lối xóm, và mọi người được bình an qua cơn đại dịch.
Và mãi mãi nổi bật khuôn mặt dễ thương của những con người đã hy sinh an toàn tính mạng của mình vì người khác trong cơn đại dịch. Họ là những người đã nằm xuống vì lên tiếng cảnh báo mọi người nguy hiểm của đại dịch, mặc dù bạo quyền cấm lên tiếng báo động; họ là những người không bỏ người bị lây nhiễm một mình, nhưng cống hiến tình yêu nâng đỡ, chữa lành; họ là những người mang trái tim của Thiên Chúa chấp nhận bị lây nhiễm để có mặt với người bệnh Covid giờ hấp hối để an ủi, ban ơn trợ giúp thiêng liêng; họ là những người âm thầm, kín đáo, tận tụy làm việc đêm ngày để chống đại dịch, đem lại an toàn sinh mạng cho mọi người; họ là những người quảng đại chia sẻ những gì mình có, nhưng luôn khiêm tốn và kính trọng những người nghèo khổ, thiếu thốn, bất hạnh hơn họ mà họ đang giúp đỡ; họ là những người không ồn ào, huyên náo khi phục vụ, không huyênh hoang kể công khi đóng góp, không đòi hỏi phải được khen thưởng, đáp đền khi công việc hoàn thành; họ là những người tiên vàn và mãi mãi chỉ sống với một ý thức, và một lý tưởng: đã là người thì phải có lòng nhân, muốn làm người xứng đáng thì phải yêu thương và phục vụ đồng loại. Tất cả những con người này đều dễ thương, mang những khuôn mặt dễ thương, bởi tim họ tràn đầy tình yêu thương.
Nhưng bên cạnh vô số những khuôn mặt dễ thương, cũng không tránh khỏi những điều khó coi. Khó coi như chuyện “nhà giầu” lấy xe lén lút chở về nhà mình những bao gạo tình nghiã của khu xóm đóng góp để giúp đỡ những người nghèo trong cơn đại dịch, vì không còn ai thuê mướn làm việc; khó coi trước những lợi dụng thời cách ly để khủng bố tinh thần, “làm tiền” dân nghèo bằng mọi cách ở một số viên chức phường xã thiếu lương tâm, vô trách nhiệm, bất tuân đường lối, chính sách; khó coi trước những người giầu “dư ăn, dư mặc” ùn ùn xếp hàng cả cây số để nhận mỗi người một thùng mì, quà dành riêng cho người túng thiếu thời đại dịch; khó coi truớc những lạm dụng tiền trợ cấp, những chứng từ giả để trục lợi làm người nghèo đã nghèo còn nghèo hơn vì bị quan tham bóc lột; khó coi trước những tố cáo hồ đồ, bừa bãi với công an: “nhà này có người mắc bệnh Covid, người kia bị dương tính”, với mục đích “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng cơ hội để chơi xấu, trả thù; khó coi vì cảnh bạo hành gia đình, khi chồng đánh vợ, nạt nộ con, vì bực bội phải ở nhà, không được ra ngoài nhậu nhẹt, hát karaoke, ăn chơi, thăm bồ nhí… Và còn nhiều khó coi khác, bên cạnh những dễ thương đáng nhớ, đáng noi gương.
Vâng, ở mỗi thời, hoàn cảnh, mỗi tình huống, nhân loại đều có những thánh nhân và ác nhân xuất hiện. Thánh nhân giúp đời, ác nhân hại đời; thánh nhân yêu đời, yêu người, ác nhân ghét người, hận đời, và khác biệt ngàn đời, ở mọi nơi giữa thánh nhân dễ thương và ác nhân khó coi, khó nhìn mãi là một bên thiếu lòng nhân, một bên đầy nhân ái: thánh nhân có trái tim biết chạnh lòng, ác nhân chỉ là cõi lòng vô cảm, héo khô, cằn cỗi tình người.
Jorathe Nắng Tím

TÌNH NGHĨA

Suy niệm “Sáng Sớm Phục Sinh
Hạnh phúc sâu thẳm và bền bỉ nhất của một người là biết mình không bị bỏ rơi trong khủng hoảng thử thách, bị quên lãng trong tang thương thất bại, bị bạc đãi khi sa cơ thất thế, nhưng trong hoàn cảnh bi đát nhất, tận đường cùng thê lương nhất vẫn có người chia sẻ tình nghiã. Và Tin Mừng Gioan đã thuật lại hạnh phúc của hai người rất tình nghiã vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, ngay bên phần mộ, đã gặp gỡ, âu yếm gọi tên nhau.
“Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần măc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu”… Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”. Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. Đức Giêsu gọi bà: “Maria!”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghiã là ‘Lậy Thầy!’) (Ga 20,11-16)
Đọan Tin Mừng trên đã không chỉ tình nghiã ở khung cảnh, mà còn tình nghiã ở con người và thái độ:
1.   Khung cảnh tình nghiã:
Người ta vẫn nói: khi họan nạn, gian nan mới biết ai tình nghiã, nên đến với nhau ở những hoàn cảnh đau ốm, chết chóc, tìm nhau ở khung cảnh của bệnh viện, nhà xác, mộ phần thì chắc chắn khó có thể tình nghiã hơn, bởi người đời thường tìm nhau chốn vinh quang, quyền thế, khi người này còn hy vọng được người kia cất nhắc, người tìm cơ hội còn đặt kỳ vọng ở người có khả năng “ban ơn mưa móc”.
Thực vậy, hầu hết người ta tìm đến nhau, qua lại “thân thiết” với nhau, tỏ ra “tình nghiã” với nhau khi hai bên còn có lợi, nhưng chỉ cần một bên nhìn ra bất lợi sẽ về mình, nhận ra nguy hiểm sẽ dạt trôi theo mình thì lập tức “tình nghiã đôi ta chỉ thế thôi”. Và đó là câu chuyện thường tình của tình đời, mà ai cũng một lần thấm thía cảm nghiệm.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức vào ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu chết, bà Maria Mácđala hối hả ra thăm mộ Ngài. Chắc chắn bà thương nhớ Đức Giêsu lắm, và lúc này tình yêu trong bà đột nhiên cháy bùng, khi bà nhớ lại khung cảnh tình nghiã trước mộ phần của Ladarô, em trai bà hôm nào ở Bêtania.
Hôm ấy, Đức Giêsu, người bà thương mến, và cũng thương mến bà đã đến tận Bêtania, nơi chị em bà cư ngụ, cũng là nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ thường ghé nghỉ ngơi trên đường truyền giáo. Nghe tin Ladarô bệnh nặng, nhưng Đức Giêsu chỉ về chia buồn cùng hai chị em, sau khi đã an táng Ladarô.
Tuy không về kịp khi Ladarô còn nằm bệnh, nhưng trở về chia buồn hôm ấy, sau khi Ladarô đã chết được bốn ngày, Đức Giêsu đã biểu lộ một tình cảm đặc biệt như Tin Mừng Gioan kể: Trên đường ra viếng mộ, thấy cô Maria “khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng, và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc. Người Do Thái mới nói:“Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” (Ga 11,33-36).  
Nhớ lại con người tình nghiã đã đến tận nghiã trang, trước phần mộ, và gọi em mình ra khỏi mồ hôm ấy (x. Ga 11,43), Maria Mácđala bỗng nghe trào dâng trong hồn niềm thương nỗi nhớ, và quặn thắt trong tim cơn đau mất Đức Giêsu, con người tình nghiã, cũng là người bà đã trao dâng hết tình yêu, và sống trọn vẹn tình nghiã của một người môn đệ.
2.   Con người tình nghiã:
Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết: “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5). Và chị em của gia đình này cũng rất tình nghiã với Ngài, đặc biệt là cô Maria. Bằng chứng là Ngài chọn gia đình cô là nơi thân tín, chỗ đáng tin cậy, và năng lui tới nghỉ ngơi.  
Tình nghiã với Đức Giêsu, cô Maria Mácđala không chỉ là người tâm giao, môn đệ trung tín luôn khao khát lắng nghe Đức Giêsu (x. Lc 10,39), mà còn thường xuyên cùng Đức Maria, thân mẫu của Đức Giêsu có mặt trên hành trình truyền giáo của Ngài. Nhưng tình nghiã hơn cả là suốt đường Thương Khó, cũng như dưới chân Thánh Giá giờ hấp hối của Đức Giêsu, cô Maria Mácđala đã luôn có mặt với Mẹ Ngài, và không rời Đức Giêsu một bước (x. Ga 19, 25).    
Qủa thực, không thể chối cãi tình nghiã của cô Maria Mácđala đối với Đức Giêsu, và cũng không thể phủ nhận tình nghiã sâu thẳm Đức Giêsu dành cho người môn đệ nữ này, điều mà Tin Mừng đã cho chúng ta biết, mặc dù có giả thuyết cho rằng có ba cô Maria khác nhau đã được nói đến trong Tin Mừng: Maria người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt lau chân Chúa và được Chúa tha thứ, Maria quê ở Bêtania, em của cô Mácta và chị của anh Ladarô, người được Đức Giêsu cho sống lại, và Maria Mácđala.
Về vấn đề này, truyền thống của Giáo Hội công giáo từ thế kỷ thứ sáu đã chính thức nhìn nhận Maria Mácđala và Maria quê ở Bêtania, em gái của Mácta và chị của Ladarô là một người, dựa vào những điểm chung giữa “Maria Mácđala, người đàn bà tội lỗi” và “Maria quê ở Bêtania”. Đó là tính đôn đả, mau mắn, chăm chú lắng nghe, và tình cảm sâu đậm gắn bó với Đức Giêsu.
Nhưng điểm quan trọng Giáo Hội dựa vào để qủa quyết Maria Mácđala, người đã lấy nước mắt và tóc lau chân Đức Giêsu và Maria quê Bêtania, em gái Mácta là một, đó là những gì nhận được từ Tin Mừng Gioan:
Phần đầu của trình thuật Ladarô được Đức Giêsu gọi ra từ mồ, thánh sử Gioan đã viết: “Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng là em cô” (Ga 11,1-2).
Và ngay sau đó, ở chương 12, thánh Gioan kể về sự kiện xức dầu thơm tại Bêtania: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng  dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và qúy giá  xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,1-5).
Trả lời Giuđa khi ông phàn nàn về việc cô Maria đã lấy dầu thơm đắt tiền mà rửa chân mình, Đức Giêsu đã nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12,7-8).
Nói với mọi người đang dự tiệc điều này, Đức Giêsu đã công khai trao phó cho Maria Mácđala sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là trở lại “tuần tới” để an táng Ngài. Và đó cũng là lý do cô Maria Mácđala đã khóc sướt mướt, khi không thấy xác Đức Giêsu tảng sáng Phục Sinh, khi cô ra mộ với “dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (x. Lc 24,1).
Riêng Tin Mừng Matthêu còn nhấn mạnh hơn sứ mệnh của Maria Mácđala, như củng cố những gì Tin Mừng Gioan qủa quyết qua lời Đức Giêsu: “Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26,12)
3.   Thái độ tình nghiã:
Đức Giêsu luôn tỏ ra tình nghiã với Maria Mácđala. Ngoài những việc làm với tình cảm đặc biệt dành cho cô và gia đình, như cho em trai cô được sống lại, Đức Giêsu còn công khai bênh vực cô trước mọi người, khi họ bực tức, gắt gỏng với cô, vì cô lấy dầu thơm qúy giá, rất đắt tiền đổ trên mình Ngài và lấy tóc mà lau: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghiãĐiều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,6-8).
Cũng với thái độ tình nghiã, Đức Giêsu đã âu yếm gọi tên cô “Maria! sáng sớm phục sinh, khi cô mếu máo, sụt sùi năn nỉ: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20,15), vì tưởng Đức Giêsu phục sinh là người làm vườn.
Phần Maria Mácđala, có lẽ không thể tìm thấy người môn đệ nào tình nghiã với Đức Giêsu hơn cô: tình nghiã khi sống, tình nghiã cả khi đã chết rồi; tình nghiã khi còn dong duổi rao giảng cho đám đông khao khát Tin Mừng, tình nghiã cả khi thất thế, bị theo dõi, truy lùng, bắt bớ, hành hình; tình nghiã trong những ngày êm ả, bình an, tình nghiã cả khi sóng gió phũ phàng, ở đó môn đệ phản bội, đồng bào lên án, thế quyền, thần quyền hợp đồng tiêu diệt.
Vì tình nghiã, cô bất chấp mọi nguy hiểm, đe dọa trong những ngày Đức Giêsu bị bắt bớ, tra tấn, đóng đinh, nhưng có mặt trên từng cây số của đường Thánh Giá, và cô là người môn đệ nữ đã sống những giây phút hấp hối kinh hoàng trên Thánh Giá của Thầy mình.
Hôm nay, tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, hơn ai hết cô đã biểu hiện tận cùng của tình nghiã đối với Đức Giêsu đã chết và mai táng trong mồ, và những giọt nước mắt đầm đià tình nghiã trên khuôn mặt gầy sọm vì thương nhớ Thầy của cô đã bất chợt biến thành những nụ hồng hạnh phúc khi cô nhận ra Đức Giêsu, qua tiếng Ngài gọi cô, và niềm vui phục sinh đã vỡ toang trong trái tim ngập tràn tình yêu của người môn đệ đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy, vì tha thiết yêu mến Thầy, khi cô mừng rỡ kêu lên “Rápbuni! - Lậy Thầy!”.
Tuần Thánh, con đường Thương Khó gập ghềnh những ganh ghét, dối trá, hận thù đã dẫn đến Núi Sọ chết chóc với cây thập tự sần sùi những bạo lực vu khống, bất công như được  khép lại, và kết thúc tất cả trong im ắng, thinh lặng của mộ phần thê lương, sầu thảm.
Tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, nghiã trang vẫn vắng vẻ, buồn thương, lặng lẽ. Chỉ có một điều không ai ngờ là “tảng đá đã lăn khỏi mộ”, và Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết như Lời Ngài đã hứa.
Chính giây phút không ngờ ấy, tình nghiã giữa Đức Giêsu phục sinh và người môn đệ trung tín Maria Mácđala đã gọi tên nhau: “Maria!” - “Rápbuni, Lậy Thầy!”.
Tên nhau cũng là tên của Thiên Chúa Tình Yêu và tên của con người Tình Nghiã, để từ nay, một kỷ nguyên phục sinh được khai mở, ở đó Thiên Chúa biểu lộ tình nghiã dành cho nhân loại qua ơn cứu rỗi tuôn đổ từ sự chết và sống lại của Ngài, cũng như con người  đáp trả bằng thao thức tìm gặp “Đức Giêsu sống lại” với tình nghiã của con thơ đối với Cha, môn đệ đối với Thầy mình.
Jorathe Nắng Tím

Ở với nhau mùa cách ly Covid


Một hiện tượng “tích cực” thời cách ly Covid là gia đình được trăm phần trăm đoàn tụ, khi cha mẹ không đi làm, con cái không đi học, ai ở nhà nấy, và bạn bè không rủ rê bỏ cơm nhà, kéo nhau đi la cà ăn nhậu, bởi có những gia đình quanh năm suốt tháng không có bữa cơm đầy đủ thành viên, từ rất lâu không có một ngày cả nhà thong thả, thư giãn, chuyện trò, nấu nướng, vì ai cũng tất bật kiếm ăn, ai cũng vội vã với miếng cơm manh áo, công danh, sự nghiệp.
Nhưng từ hiện tượng tích cực vừa kể lại vô phúc phát sinh một hiện tượng tiêu cực mới, đó là xung đột vợ chồng gia tăng, căng thẳng giữa cha mẹ - con cái nhẩy vọt, bạo lực gia đình nổi sóng đến nỗi nước Pháp phải báo động và thiết lập ngay một số điện thoại đặc biệt 114 dành riêng cho những phụ nữ bị bạo hành gia đình trong thời cách ly Covid.   
Thế mới biết “ở với nhau” không dễ, và không luôn là điều người ta mong đợi.
“Ở với nhau” không dễ vì có những hôn nhân “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, nên tạm thời nhân nhượng, hoà hoãn sống chung, vì con cái, vì uy tín gia tộc, danh dự gia đình, ràng buộc của tổ chức, nhưng thời gian “ở với nhau” không được  dài, để tránh đụng chạm, gây gỗ. Nay Covid “triệt buộc” hai người, và họ  phải “ở với nhau” suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, và thời gian  đã làm họ căng thẳng đến phát cuồng. Từ đó sinh sự, phát sinh bạo lực gia đình…
“Ở với nhau” không luôn là điều người ta mong đợi, vì ở với nhau kiểu “thoang thoảng hoa nhài” thì còn đẹp, còn tình, còn thơm, còn dễ thở, nhưng “ở với nhau” sát qúa, gần quá, bao trùm qúa, lấn sân qúa thì “ở với nhau” trở nên nặng nề, ngán ngẩm, gượng ép, ngộp thở, và khao khát cháy bỏng của hai người, nhiều người trong gia đình lúc bấy giờ sẽ là “xa nhau ra một chút”, bởi, thỉnh thoảng gặp nhau vẫn hay hơn cả tuần, cả tháng phải gồng mình “ở với nhau”.
Sở dĩ “ở với nhau” không dễ và không luôn là điều mong đợi, vì chấp nhận nhau là việc làm rất khó, đòi phải quên mình, bỏ mình rất nhiều trước người khác, và vì người khác.   
1.   Chấp nhận người khác là phải từ bỏ một phần của mình:
Người khác “khác” mình, bởi giống mình trọn vẹn, như mình từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài thì không còn “người khác”, và không xẩy ra những xung đột trong đời sống chung, vì những khác biệt giữa mình và người khác.
Vì khác nhau rất nhiều từ nguồn gốc gia đình, trình độ, sinh hoạt cuộc sống đến suy nghĩ, tính tình, chọn lựa, nên chấp nhận người khác không luôn dễ, vì khi chấp nhận ai chính là giảm thiểu một phần của mình, từ bỏ một phần thuộc về mình, mà trên đời mấy ai chịu mất mình, quên mình, bỏ mình, nhận thiệt thòi về mình.
2.   Vì khó chấp nhận, nên tìm cách thay đổi người khác:
Chấp nhận cái khác của người khác, bằng chịu hạ mình, nhân nhượng, xuống nước là một cố gắng phi thường ở mọi người, vì ở đời, thiệt thân luôn là điều tối kỵ cần phải tránh. Vì thế, thay vì chấp nhận, phần đông có khuynh hướng thay đổi người khác như ý mình, thay đổi nếp nghĩ, lối sống của người khác cho hợp với sở thích của mình hơn là ép mình, gồng mình chấp nhận “cái khác” của người khác, cho cuộc sống chung êm đẹp, bình an.
Thực vậy, những ngày phải “ở trong nhà”, phải “ở với người nhà”, phải sinh hoạt trong không gian “mái nhà” tuy có “ấm cúng” nhưng không thiếu những lúc “nóng nẩy, nực nội” khiến chúng ta cảm thấy  ngao ngán “ở với nhau”, mệt mỏi ra vào nhìn mãi những khuôn mặt quen thuộc, và có thể bất thình lình nổi quạo, bực bội không chỉ vì căng thẳng, lo âu do đại dịch, mà còn vì những nặng nề, ngột ngạt khi phải “ở với nhau” lâu ngày trong một không gian qúa chật hẹp, nhiều giới hạn.
Để vượt qua khó khăn “ở với nhau” giữa mùa cách ly vì đại dịch, có lẽ không gì tốt hơn là can đảm chọn “chấp nhận nhau” hơn “thay đổi nhau”, vì thay đổi nhau không bao giờ có thể thực hiện, nếu trước đó đã không chấp nhận nhau. Hơn nữa, giữa thay đổi và chấp nhận, mức độ khả thi của chấp nhau vẫn cao hơn thay đổi nhau rất nhiều.
Nhưng để chấp nhận người khác, chúng ta phải khởi đi từ chấp nhận mình, bởi mình mới là nguyên nhân của tất cả thành công, thất bại, cũng như chấp nhận mình mới thực là chià khóa để thành công trong công trình chấp nhận người khác.
Chấp nhận mình trước hết là nhận mình có nhiều giới hạn, kể cả giới hạn của khả năng chấp nhận người khác, và sống chung với họ. Khi nhận mình có giới hạn, thái độ của chúng ta sẽ mềm mỏng, nhẹ nhõm hơn trước những “chướng tai, gai mắt” người khác gây ra. Nhận mình có giới hạn, chúng ta sẽ khiêm tốn, quảng đại hơn để dễ thông cảm, tha thứ, bao dung trước những thiếu sót, chuệch chọac, hậu đậu của người khác. Nhận mình có giới hạn còn giúp chúng ta bình tĩnh, bình tâm hơn khi “ở với nhau” mà không ăn ý, sống với nhau mà cao thấp so le, ở cùng  nhau mà ngang dọc, lên xuống khác chiều.    
Chấp nhận mình chưa đủ, để chấp nhận người khác, chúng ta còn được mời gọi chấp nhận cuộc sống, chấp nhận những biến cố đang xẩy ra quanh mình, chấp nhận cả tình huống làm sợ hãi, hoang mang, bởi khi chấp nhận cuộc sống một cách trung thực và can đảm, chúng ta không còn khó khăn với người đang cùng chung số phận với ta trước cùng một biến cố, cũng không gay gắt đòi hỏi những gì vượt qúa giới hạn của người cùng ta chung sống, bởi cũng như ta, họ có nhiều giới hạn và cuộc sống với những bất ổn, khủng hoảng cũng đè nặng  tâm hồn và khuấy động, đảo lộn sinh hoạt vốn bình thường, bình an của họ, như ta đang bị bủa vây, công kích.     
Những ngày cách ly vì Covid cho chúng ta cơ hội ở nhà, sống trong nhà, ở với người nhà. Tuy cơ hội phát sinh từ tình huống bất đắc dĩ “chống dịch như chống giặc, và ở trong nhà là vũ khí tốt nhất”, nhưng chúng ta vẫn có thể biến cách ly thành cơ hội tích cực: đoàn tụ xum vầy, với tinh thần khiêm tốn, nhẹ nhàng, tế nhị chấp nhận nhau, mà không vì ích kỷ, háo thắng đòi thay đổi nhau bằng mọi giá, bởi không ai có thể thay đổi ai, nếu không yêu thương chấp nhận họ trước đó; không người nào có thể thay đổi được người nào, dù ý chí thay đổi  bốc cao ngùn ngụt, quyết tâm thay đổi cuồng nhiệt như  lửa hoả diệm sơn, hào khí thay đổi hừng hực, hối hả như bước chân ánh sáng.
Mong dịch Covid chóng qua, để mỗi người rút ra nhờ chấp nhận mình, chấp nhận cuộc sống để có thể chấp nhận nhau, từ những ngày ở nhà vì cách ly xã hội, những niềm vui, hạnh phúc từ bấy lâu khép mình, ẩn mình, giấu mình ngay trong nhà, ở người nhà, dưới mái nhà mà chúng ta vô tình không hay biết…
Jorathe Nắng Tím