Pages - Menu

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Chương VI: GIA ĐÌNH HAI BÊN


Ngày cưới của hai người năm xưa đã không chỉ là ngày vui của riêng hai người yêu nhau; lấy nhau làm vợ chồng, mà còn là niềm vui lớn của hai gia đình cô dâu, chú rể, mà từ nay được gọi là thông gia.
Thông gia là hai gia đình thông cảm, thông đồng, thông tin, thông thương, thông giao với nhau. Nhờ  hôn nhân của hai người con mà cha mẹ hai bên trở thành thân thuộc, gắn bó. Nhờ có hai người nam nữ của hai gia đình kết hôn mà hai gia đình từ nay có tương quan thân mật, thân ái, thân tình, thân thương. Người ta trân qúy thông gia và không muốn làm mất lòng thông gia, bởi vì ở bên nhà ấy có con của mình.
Nếu ngày thành hôn của con cái, cha mẹ hai bên hạnh phúc bao nhiêu khi trở thành thông gia, thì ngày ly hôn của hai đứa, thông gia sẽ đau buồn bấy nhiêu. Họ đau buồn vì từ nay mối giây liên kết hai gia đình đã bị đứt, nên dù muốn dù không, liên đới của họ không  còn thông thoáng, nhẹ nhàng, cho dẫu con cái của vợ chồng ly hôn vẫn mãi là cháu nội bên này, cháu ngoại bên kia.
Liên đới không còn thông thoáng, vì từ nay ra vào gặp mặt, hai bên thông gia như chạm phải nỗi đau của con gái, hay con trai mình và nổi cộm những than thở, trách móc có thể không thành tiếng, nhưng không hẳn không chua chát hằn học.
Quan hệ không còn nhẹ nhàng, vì sau ngày hai đứa ly dị, cha mẹ hai bên  mang  một mặc cảm lạ kỳ, thứ mặc cảm khó gọi tên nhưng  nặng chình chịch như khối đá cứ ngày đêm đeo đẳng.
Bởi ly hôn tách hai người, nên ly hôn của hai người cũng ngăn cách “thông gia”. Đó là điều tất nhiên, nên mới xẩy ra nhiều cảnh dở khóc dở cười khi thông gia đổ tội, bắt lỗi,  ăn vạ, trả thù nhau chỉ vì mù quáng bảo vệ quyền lợi của con gái, hay con trai mình. 
Nghe con trai, hay con gái  luận tội đối phương vừa ly dị, người ta sẽ bất kể phải trái, bất xét tình nghiã, bất chấp danh dự để gay gắt lên án, hay quyết một phen  “ăn thua đủ” với thông gia để đòi lại những gì con mình đã mất vì lấy vợ hoặc theo chồng. Người ta hạch nhau từng chuyện nhỏ, bới từng vết nám trên đời nhau, đồng thời thêu dệt, thổi phồng đủ thứ giai thoại có hại cho đối phương. Kết qủa là cuộc chiến của hai người  trở thành cuộc chiến giữa hai “thông gia”.
Nêu lên vấn đề này để  lưu tâm đến hậu qủa của thái độ nơi  vợ chồng ly dị đối với gia đình hai bên. Chính thái độ của hai người là yếu tố quyết định tương quan sắp tới và bầu khí giữa hai thông gia. Nếu vợ chồng, sau khi ly dị vẫn duy trì tương quan tình nghiã đối với gia đình hai bên bằng cách tránh để chuyện ly dị là chuyện riêng của hai người ảnh hưởng trên hai gia đình thì liên đới thông gia không bị xuống cấp. Trái lại, những lý do đưa đến ly dị nếu bị khai thác với ác ý bởi hai bên sẽ dẫn đến đổ vỡ tình thân giữa hai nhà, vì không bên nào chịu nhận con mình lỗi, nhưng quy trách nhiệm, đổ tội cho gia đình bên kia. Đại loại như: con ông bà chỉ ăn bám, lười biếng, bê tha, hoang đàng, vợ nọ con kia, không biết lo chồng con,  lẳng lơ, dâm đãng…Mỗi tiếng nói là mỗi phát súng, mỗi âm thanh là mỗi nhát dao, nhát búa bắn vào đời nhau, đập vào uy tín, danh dự của nhau.
Vì thế, cần tránh biến chuyện ly dị thành nguyên nhân những bất hoà mang tầm vóc gia tộc với tính cách truyền kiếp bằng ý thức trách nhiệm tình cảm của mình đối với cha mẹ, gia đình hai bên:
1.            Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh một thời là dâu, rể để không nhẫn tâm chà đạp tình cảm của cha mẹ, gia đình vợ hoặc chồng. Người tử tế không vội vô ơn, không nỡ phụ ơn, nhưng mãi mãi biết ơn, dù ơn ấy rất nhỏ. Thực ra không có ơn nhỏ, chỉ có tấm lòng người thụ ơn nhỏ. Sẽ nhỏ lắm nếu thẳng tay chặt đứt ân tình của cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng khi vợ chồng chia tay, ly dị. Cũng sẽ nhỏ đến lố bịch, nếu đang tâm phỉ nhổ vào tình thương của những người đã một thời tận tụy và ân cần gầy dựng  tình yêu, hạnh phúc của mình. Đừng quên: ly dị là quyết định riêng của vợ chồng mà cha mẹ hai bên đã không có quyền can dự.      
2.   Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh sự có mặt của con cái,  bởi chúng vẫn mãi là sợi giây huyết thống nối kết gia đình hai bên. Coi thường “thông gia” là bất công đối với con cái, vì xâm phạm đến ông bà, chú dì, cô cậu, anh em họ hàng của chúng. Nếu đã cho các con ra đời, cha mẹ, dù không còn ở với nhau, vẫn có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ  liên đới gia tộc, họ hàng của con cái. Chúng có quyền đòi hỏi được đặt trong bầu khí an toàn và hạnh phúc của gia tộc. Chúng có quyền được đáp ứng nhu cầu tình cảm gia tộc và quyền lưu giữ những chất tố của tổ tiên, nòi giống.
3.   Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh gia đình là nền tảng của xã hội loài người để không vì lý do ly dị mà phá bỏ tình yêu gia đình; trái lại, chính lúc không còn chung sống lại là thời người ta cần đến gia đình hai bên để bù đắp những thiếu hụt, khoảng trống tình cảm, nhất là tình trạng quân bình tình cảm  của con cái. Bao nhiêu ông bà đã có mặt để gánh đỡ gánh nặng con cái khi cha mẹ ly dị. Bao nhiêu chú dì, cô cậu đã kề vai chia sẻ những khó khăn của  những ngày hậu ly dị khi mọi sự đều xáo trộn, mọi việc đều dang dở, mọi người đều khủng hoảng, hoang mang.  
Nhờ ý thức trách nhiệm tình cảm đối với gia đình hai bên, vợ chồng sau ly dị vẫn giữ được chỗ đứng của mình trong lòng gia đình hai bên và đây chính là chỗ đứng an toàn, vững chắc nhất cho phép tâm hồn hai người ly dị tìm được bình an thực sự, nhờ tránh được những căng thẳng do mẫu thuẫn, đố kỵ giữa hai thông gia.   
Cũng trong ý hướng gìn giữ và bảo tồn tình cảm đối với gia đình hai bên mặc dù đã ly dị, người ta được mời gọi vượt lên những xích mích nhỏ mọn, những tranh chấp cỏn con giữa hai gia đình để hàn gắn bao nhiêu có thể những đổ vỡ do ly dị mà người nhận hậu qủa nhiều nhất vẫn luôn là con cái. Trong hoàn cảnh này, hai người trong cuộc nên tự hỏi:  Hôn nhân của chúng ta đã đổ vỡ  không lẽ sẽ kéo theo đổ vỡ  tình cảm của hai gia đình  chúng ta?  
Kéo theo đổ vỡ tình cảm giữa hai gia đình, vợ chồng ly dị sẽ mất điểm tựa thăng bằng không những của đời sống tình cảm, mà còn cho đời sống vật chất, xã hội; bởi hậu ly dị là lúc hầu như tất cả đều xáo trộn, thay đổi. Vì ly dị nên chỗ ở có thể phải thay đổi do đòi hỏi của việc làm, và điều kiện di chuyển; vật chất có thể thiếu hụt do chi phí sẽ nhiều hơn vì hai người hai chốn; khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày có thể  giảm sút. Vì thế, gia đình hai bên càng trở nên phao an toàn, chỗ dựa cần thiết cho những ngày giông bão. Đừng vì tự ái mà để rơi vào tình trạng cô đơn, trống trải trước phong ba bão tố thời hậu ly dị. Đừng giận chồng cũ, vợ cũ mà chém cha mẹ chồng, bố mẹ vợ. Cũng đừng lôi hết mọi người thuộc gia đình người xưa ra mạt sát. Làm như thế, cư xử như vậy là thiếu lương thiện, công bằng và nhân ái. Trái lại, phải lương thiện chân  nhận  công ơn của cha mẹ hai bên; phải công bằng nhìn nhận những thiếu sót của mình đã góp phần gây nên đổ vỡ và phải nhân ái để không bạc tình phụ nghiã đến độ “cạn tầu ráo máng” với những đấng bậc đã cưu mang, yêu thương, xây dựng đời mình.
Kéo theo đổ vỡ giữa hai gia đình là làm mất cơ hội thăng tiến bản thân của hai người ly dị, bởi hơn lúc nào hết, thời hậu ly dị, gia đình hai bên như  thành cầu rất an toàn để bám vịn cho dẫu những bước chân ly dị có chuyếnh choáng, chao đảo, liêu xiêu, điên dảo đến đâu.
Chia sẻ về nguy cơ đánh mất thông gia sau khi ly dị, người viết muốn đề nghị một cái nhìn cởi mở hơn, cái nhìn của những tâm hồn quảng đại không chấp nhất, câu nệ, gò bó vào bất cứ lề thói tiêu cực nào; bởi khi tâm thức bị trói buộc vào một định kiến, nó sẽ  không thông thoáng, thảnh thơi để vươn lên tầm nhân ái. Không biết bao nhiêu hôn nhân đổ vỡ đã kéo theo đổ vỡ tình nghiã thông gia. Có cần thiết và hợp lý để xoá tên nhau, phụ tình nhau như thế không ? Thiết tưởng là không để  không nhận chìm  con cái sau khi cha mẹ ly dị trong bầu khí căm phẫn độc hại vì những căng thẳng không nền tảng giữa gia đình hai bên; để không phí phạm tình cảm của cha mẹ, gia đình hai bên trong khi tình cảm “hôn nhân” đang cạn nguồn, khánh kiệt.
Ước mong ly dị không là tiền đề cho những hủy bỏ quan hệ tình cảm, liên đới yêu thương, kết nối ân tình giữa hai gia đình “thông gia”. Và thời hậu ly dị của hai người thôi chung sống như vợ chồng không là thời của bom đạn đổ trên mái ấm bình an của cha mẹ hai bên.               

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (1)

            Tương Quan giữa Đức Giêsu Thiên Chúa và Con Người
Không ai sống mà không tin, và niềm tin đầu tiên chính là tin mình được sinh ra bởi cha mẹ, dù cha mẹ mất rất sớm, có thể khi ta vừa sinh ra, chưa một lần được thấy cha mẹ; tin mình có linh hồn, có tình cảm, có ước mơ, có thao thức dù không biết linh hồn gầy béo thế nào, tình cảm đen trắng, cao thấp ra sao, ước mơ, thao thức  bao nhiêu thước dài mà ngày đêm, quanh năm bốn mùa bay bổng, vi vu.
Suốt cuộc sống, có rất nhiều người ta tin, như tin người tình với tình yêu muôn thuở, tin bạn thân với tình tri kỷ tri âm, tin người đã cứu mạng với lòng tốt không thể so sánh, tin ân nhân với trái tim qủang đại đã vực dậy đời ta tưởng đã trôi theo dòng nước lũ, tin nhà khoa học với những phát minh cho cuộc sống ngày càng tiện nghi, thoải mái. Bên cạnh những người ta tin là nhiều điều ta tin, như tin có mặt trăng, mà phi hành gia Amstrong là người đầu tiên đã đặt chân đến, tin virus Corona có sức tàn phá dữ dội, tin bom hạt nhân có thể tiêu diệt thế giới loài người.
Những người ta tin, điều ta tin thì nhiều vô số. Những con người, sự kiện, sự việc được tin, đáng tin, không thể không tin ấy có thể ta đã thoáng gặp, thoáng thấy, nhưng cũng có những người, những sự việc ta không thấy, không gặp, chỉ được nghe, nhưng đáng tin và ta đã tin.
Sở dĩ những con người và sự việc ấy đáng tin và ta đã tin, vì ta tin vào người nói với ta về những con người ta chưa gặp và kể cho ta những sự kiện, sự việc ta không biết. Ta tin họ, vì họ là những  người đáng tin, khả tín; ta tin họ vì họ có uy tín, không nói dối, không bóp méo sự thật, lại không lợi dụng nhưng muốn thông tri sự thật cho ta; ta tin họ, vì họ giới thiệu những con người vắng mặt, và những sự việc ta không biết với lòng tốt và tình yêu dành cho ta.
Tóm lại, vì tin là đón nhận sự thật về những con người, sự việc mà ta không gặp, không thấy, hoặc chỉ biết rất ít, nên người giới thiệu, người “kể lại” giữ một vai trò quan trọng mang tính quyết định, bởi nhờ họ, qua họ, vì họ mà ta tin người ấy có thật, việc ấy là việc thật.
Đi xa hơn, và vượt lên cao là niềm tin siêu nhiên, khi con người đặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy là nền tảng của tín ngưỡng, tôn giáo, bởi không có niềm tin, còn gọi là đức tin, sẽ không có tín ngưỡng, tôn giáo, vì không có đức tin, chúng ta ngưỡng mộ ai, tin tưởng Đấng nào; không tin, nhịp cầu nào nối kết Thiên Chúa là Hữu Thể thiêng liêng, vô hình với con người là hữu thể “hữu hình”, được định vị trong một không gian và thời gian nhất định, vì tôn giáo là tương quan nối  kết con người với Thiên Chúa.    
Qủa thực, giữa con người và Thiên Chúa không có gì nối kết được, ngoài đức tin; giữa Đấng Vô Hình và con người hữu hình không có gì liên lạc được, ngoài đức tin; giữa Đấng Chủ Tạo toàn năng và con người là thụ tạo yếu đuối không có gì thông tri, thông cảm được, ngoài đức tin; giữa Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối và con người bất toàn trong mọi sự không có gì thông ban được, ngoài đức tin.
Chỉ với đức tin, khi con người tin Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và mình là thụ tạo, thì tương quan Chủ Tạo - Thụ Tạo giữa Thiên Chúa với con người mới được thiết lập; chỉ với đức tin, khi con người tin Thiên Chúa hiện hữu và hoạt động trong lịch sử con người, thì tương quan Thiên Chúa là “Cội Nguồn và Cùng Đích của con người” mới hiện thực, đời sống con người mới có lý do, và cuộc sống con người mới có ý nghiã; chỉ với đức tin, khi con người tin Thiên Chúa là Cha, thì tương quan “Cha - Con” giữa Thiên Chúa với con người mới được thực sự hình thành, bởi đức tin là hành động hoàn toàn tự do của mỗi người, mặc dù tự thân là ơn của Thiên Chúa, nên tương quan giữa Thiên Chúa và mỗi người sẽ được thực hiện hay không hoàn toàn tùy thuộc vào đức tin của mỗi người.       
Bởi đức tin là con đường duy nhất cho con người tìm gặp Thiên Chúa, và để Thiên Chúa đến được với con người, nên chối bỏ đức tin, con người không còn đường nào khác để đến với Thiên Chúa; bởi đức tin là phương tiện duy nhất cho phép con ngươi chạm vào chính Thiên Chúa, nên thiếu đức tin, con người vô phương đạt đến Thiên Chúa là cùng đích cuộc đời; bởi đức tin là tiếng nói, ngôn ngữ duy nhất con người nói được với Thiên Chúa, nên không có đức tin, con người và Thiên Chúa không thể nghe được tiếng nhau; bởi đức tin là máng thông chuyển sự sống của Thiên Chúa cho con người, nên phủ nhận đức tin, con người không thể đón nhận sức sống siêu nhiên của Thiên Chúa; bởi đức tin là Giao Ước giữa Thiên Chúa với con người, nên loại bỏ đức tin, con người không hưởng được hạnh phúc của Lời Thiên Chúa hứa.     
Vâng, niềm tin cần thiết, vì kinh nghiệm cho thấy: nỗi khổ quay quắt của con người là khi không tin ai, không tin sự gì. Nỗi khổ ấy còn nhức nhối, tàn phá hơn nhiều lần khi con người sống mà không có bất cứ điểm tựa đức tin vào một Đấng thiêng liêng nào, bởi con người có hồn có xác, nên ngoài nhu cầu vật chất của thân xác, còn nhu cầu thiêng liêng của tinh thần, linh hồn. Nhu cầu thiêng liêng ấy cũng quan trọng như nhu cầu vật chất mà chỉ đức tin mói có thể đáp ứng, làm cho toại nguyện, thoả lòng. Đức tin làm toại nguyện khi cho con người hiểu được lý do sự có mặt của mình, ý nghiã cuộc sống, cùng đích cuộc đời khi đức tin “trả lời” cho con người những vấn nạn gay gắt và căng thẳng liên quan đến thiện ác, công bình -bất công, đau khổ - hạnh phúc, sự sống - sự chết, đời này - đời sau. Và vì là tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nên đức tin mở lối, khai phóng toàn thể những bế tắc của cuộc sống con người trên chính nền tảng của tương quan thánh thiện và tuyệt vời này.  
Nhưng tương quan ấy sẽ chỉ có thể khởi sự thành hình, nếu con người tin Thiên Chúa hiện hữu.
1.   Thiên Chúa hiện hữu:
Người trẻ của thời đại ngày càng bị lôi cuốn vào trào lưu không tin có Thiên Chúa khi lớn tiếng nói với nhau “Không có Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa chết rồi”. Khi nói như thế, không phải người trẻ không tin, vì tận thâm tâm, họ không nghĩ như vậy, bởi  từ chối, loại bỏ Thiên Chúa thì người ta có thể làm, nhưng không ai có thể chứng minh: không có Thiên Chúa, vì tất cả các thụ tạo đều nói lên vinh quang của Thiên Chúa; mọi loài, mọi vật trong vũ trụ đều mang dấu ấn thụ tạo “được tạo dựng” bởi một Thiên Chúa, “Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”.
Một số nhà khoa học vô thần ngang nhiên tuyên bố: tôi không chạm được Thiên Chúa khi bay lên các hành tinh ngoài trái đất, hoặc tôi không thấy Thiên Chúa sau lớp kính hiển vi trong phòng thí nghiệm, nhưng bên cạnh họ, đa số các nhà khoa học đều chân nhận có Thiên Chúa, và cùng kết luận: chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu là một việc làm bất khả thi.
Sở dĩ nhà khoa học vô thần tuyên bố “không chạm được, không thấy được” Thiên Chúa, vì họ đã muốn nhìn thấy Thiên Chúa bằng đôi mắt con người, đụng chạm vào Thiên Chúa bằng bàn tay con người của họ, mà quên rằng Thiên Chúa thiêng liêng, và mắt con người, tay con người không thể nhìn thấy, chạm vào. Và để được thấy Ngài, chạm vào Ngài, cảm nghiệm Ngài, chỉ có đức tin là ơn Ngài ban với sự cộng tác của bản thân mỗi người, bao lâu con người còn bị lệ thuộc vật chất trong cuộc sống trần gian.
Thực ra, không ai là vô thần đúng nghiã, vì chính cấu trúc sinh học, tâm lý của con người cũng không ngừng tôn vinh Đấng đã tạo dựng nên nó. Từ những tế bào cực nhỏ, nhưng cực tinh vi trong cơ thể đến những thao thức, khắc khoải, ước mơ bay xa ngút ngàn, vượt không gian thời gian đến vô tận, những đau khổ, hạnh phúc như chạm đến cung lòng Tuyệt Đối đã nói lên Thiên Chúa là Đấng vô cùng toàn năng; từ sinh hoạt cực phong phú của siêu vi khuẩn đến kỷ luật tuần hoàn không gì có thể nề nếp, quy củ, trật tự hơn của các vì sao trong giải ngân hà vô cùng vĩ đại không ngừng tỏ cho con người sự có mặt  rất quan tâm của Thiên Chúa đối với thụ tạo của Ngài, như lời Thánh Vịnh: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 18,2-3), bởi “Công trình Ngài, lậy Chúa, qủa thiên hình vạn trang! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 103,24).
Không ai là vô thần trong đời sống, bởi không ai tự mình làm nên tất cả, ngay cả những việc tưởng rất dễ làm, vì tự bản chất, con người vốn bất toàn, yếu đuối, cần dựa vào Đấng Chủ Tạo toàn năng, toàn mỹ, toàn thiện và yêu thương để được tồn tại và hạnh phúc; không ai bền vững thiên thu mà không có lúc khốn khó, ngặt nghèo, không cứu nổi mạng mình “khỏi môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ” (Tv 119,2) của phường tự mãn, của bọn kiêu căng và mũi tên, hòn đạn của ác nhân, kẻ thù; không ai trăm năm vững như núi đá,bàn thạch, mà không có ngày “vết thương nặng mùi rữa nát…, thân lom khom, kiệt sức, rã rời”, rồi quỵ ngã, “nỗi khổ đau hằng canh cánh bên lòng” (Tv 37,6.7.18), vì con người mong manh như hoa sớm nở tối tàn, và mỏng dòn như cây sậy trước gió, nên luôn “cần ơn phù trợ đến từ Thiên Chúa” (Tv 120,2) để được cứu chữa và giải thoát.                                 
Cũng không ai là vô thần cực đoan và triệt để, vì không có lý để mãi triệt để, cực đoan phủ nhận sự có mặt của Thiên Chúa trong chính tác phẩm tạo dựng của Ngài, cũng như không thể xóa dấu tích tư duy và cảm xúc của tác giả trong tác phẩm của ông, bởi bản tình ca nói lên tình cảm của nhạc sĩ, giọng ca truyền cảm làm rung động người nghe nói lên khả năng diễn đạt điêu luyện của ca sĩ, nét sống động của bức tranh nói lên nghệ thuật tinh xảo và tâm hồn thanh cao, lãng mạn của họa sĩ. Chẳng qua chỉ vì ganh ghét, đố kị, kiêu căng, thiếu lương thiện và công bình mà phần đông chúng ta đã cố tình phủ nhận tác giả và giá trị của tác giả trong tác phẩm của họ, như những người vô thần phủ nhận Thiên Chúa trong kỳ công tạo dựng của Ngài.

Do đó, phải dè dặt khi nghe người trẻ to tiếng từ chối Thiên Chúa, hùng hổ xuống đường biểu tình “khai tử Thiên Chúa”. Thực ra, họ “không biết việc họ làm”, vì tuổi trẻ bồng bột, dễ nghe lời dụ dỗ, dễ bị lôi cuốn vào những phong trào đang lên, những cao trào sôi nổi, nhất là dễ chạy theo những thần tượng nhất thời, mà chính họ cũng chẳng biết đường hướng, nội dung, mục tiêu của những cao trào, phong trào, làn sóng thời thượng đó. 
Ngoài ra, khi mạnh miệng đả đảo Thiên Chúa, người trẻ cũng muốn tỏ ra mình là người có suy tư, có phản tỉnh, có phán đoán, nhất là có quan điểm, và lập trường riêng tư, độc lập. Đây là tình trạng thường gặp trong những môi trường sống mà ở đó người trẻ đơn độc và mang mặc cảm bị bỏ rơi, coi thường, và là thiểu số “thấp cổ bé miệng”. Ở vào hoàn cảnh này, người trẻ muốn chứng tỏ “cái tôi đang có mặt, cái tôi hiểu biết, cái tôi dũng cảm, cái tôi dám nghĩ dám làm” của mình bằng phê bình, phản biện, đặt lại vấn đề, đi ngược những gì đa số đang đi, làm trái những gì số đông đang làm. Và đức tin, tôn giáo thường được chọn làm đối tượng, vì khi chối bỏ đức tin, đi ngược đức tin, làm trái đức tin, người trẻ sẽ không bị ảnh hưởng gì, trong khi làm trái luật pháp, đi ngược quy định dân sự, người trẻ không tránh được hậu qủa tai hại khó lường từ xã hội, nhất là trong một xã hội không có chỗ cho Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta cần lắng nghe để hiểu người trẻ nhiều hơn, rõ hơn, khi họ tự nhận mình là vô thần, vì phải biết rõ động cơ nào đã thúc đẩy họ vô thần, chúng ta mới có thể xác định họ vô thần “thật” hay vô thần “giả”, vô thần với quyết tâm hay vô thần hời hợt, chớp nhoáng, nhất thời, vô thần với lựa chọn nghiêm túc hay vô thần thời cơ, chiến thuật.
Vô thần thời cơ, chiến thuật, khi biết có Thiên Chúa, tin Thiên Chúa, nhưng không muốn Thiên Chúa có mặt lúc này, khi những tham vọng bất chính cần đến sự vắng mặt của Thiên Chúa, khi những tính toán bất công, hại người cần Thiên Chúa “bị đóng đinh yên vị” trên Thánh Giá, để Thiên Chúa không làm hỏng kế hoạch, khi dục vọng, tội lỗi yêu cầu Thiên Chúa không được can dự, khi chủ nghiã duy vật  không muốn cái nhìn “đe dọa, trừng phạt” của Thiên Chúa trước cao trào thực dụng, hưởng thụ, khi con người cần phạm tội và không muốn mang mặc cảm với Thiên Chúa khi phạm tội, như Evà đã lén lút với Rắn Satan, mà không dám gặp mặt Thiên Chúa khi ăn trái cây Thiên Chúa cấm.  
Người trẻ cũng có thể “vô thần hời hợt, chớp nhoáng, nhất thời, và giả hiệu” khi tận thâm tâm biết có Thiên Chúa, đồng thời biết mình không thể bình an nếu loại bỏ Thiên Chúa, không thể hạnh phúc nếu xóa tên Thiên Chúa trong cuộc đời, nhưng rất tiếc, có những lúc với họ Thiên Chúa trở nên nặng nề, phiền toái, phức tạp, khó gần, khó sống, “cản mũi kỳ đà”, và gần như trở thành “đối phương, đối thủ”, vì Luật Ngài nghiêm cấm, ý Ngài không cho phép, đường lối Ngài cản trở toan tính đang đeo đuổi, nên chỉ còn chọn lựa cuối cùng là “tạm thời” vô thần, từ chối Ngài trong chốc lát, khai tử Ngài một khoảnh khắc cần thiết vừa đủ để thực hiện ý đồ sai trái.
Sau hết là trường hợp tự cho mình là vô thần, và bị người khác coi là vô thần đang khi thao thức, băn khoăn đi tìm Thiên Chúa. Họ là những người trẻ thiện tâm, thực sự muốn tìm Thiên Chúa, và đang nỗ lực “truy tìm” Ngài bằng khả năng con người của họ. Và theo họ, để làm công việc này, trước hết phải loại bỏ, tẩy sạch tất cả những gì là Thiên Chúa, dính dáng đến Thiên Chúa chẳng may đã có trong họ, để cuộc truy tìm có giá trị theo ý họ, vì không muốn niềm tin chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, giáo lý, cơ cấu tôn giáo đã có sẵn. Họ mong đợi một cuộc khám phá Thiên Chúa đích thực tinh khiết do chính họ, mà không do bất cứ ai, bất cứ truyền thống nào, bởi đức tin với họ là khám phá riêng tư, hoàn toàn độc lập, tự họ làm được mà không cần đến ơn Chúa.
Tóm lại, phần đông chúng ta, đặc biệt người trẻ không đích danh, đích thực là người vô thần, nhưng hầu hết chỉ vô thần vì một động lực trái với thánh ý Thiên Chúa, chỉ vô thần vì muốn thực hiện những toan tính, ý đồ ngược lại Giới Luật yêu thương của Chúa, chỉ vô thần vì muốn “thoải mái tối đa” dục vọng xác thịt, muốn đi theo khuynh hướng xấu, bản năng thấp hèn không phù hợp với đường lối, giáo huấn của Thiên Chúa, chỉ vô thần vì hiểu sai ý nghiã của đức tin.
Và vì không được hướng dẫn đúng lúc, hoặc không cố gắng vượt qua, không can đảm chối từ điều xấu, bỏ đường gian ác để chọn Thiên Chúa, đồng thời vì không tìm được giải pháp thương lượng, “dung hoà” giữa  ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa và dục vọng bất chính của mình, mà chúng ta đành đầu hàng tội lỗi bằng chiêu bài nhận mình là vô thần, không tin Thiên Chúa để dễ bề ru ngủ lương tâm, và tự lừa dối trong an bình giả tạo.
Chia sẻ điều trên để chúng ta đừng vội vã lên án người trẻ khi thấy họ lơ là với sinh hoạt đức tin, đừng nóng ruột tẩy chay, trừng phạt người trẻ khi họ không mặn mà với đời sống tâm linh, đừng khắc nghiệt “truy sát” người trẻ khi nghe họ phản biện, bất đồng quan điểm trong lãnh vực giáo lý đức tin, đừng cứng nhắc phạt vạ người trẻ khi thấy họ lừng khừng, dửng dưng, hờ hững với Giáo Hội, nhưng cần giúp họ từng ngày thiết lập tương quan với Thiên Chúa, bởi đức tin không là kiến thức, cũng không là kho tàng bất di bất dịch, nhưng trước hết và trên hết là TƯƠNG QUAN sống động giữa mỗi người với Thiên Chúa.
2.   Con người đi vào tương quan với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô -Thiên Chúa làm người:
Một khi đã nhận Thiên Chúa hiện hữu, con người có điểm mốc để định vị mình khi tham chiếu với Thiên Chúa. Từ đây, con người sẽ nhận ra mình là ai, tại sao mình có mặt làm người, là người trong cuộc đời? Con người cũng sẽ quy chiếu vào điểm tựa đức tin là Thiên Chúa để nhận ra tương quan nào là tương quan giữa mình với Thiên Chúa, tương quan nào giữa mình với người chung quanh, bởi đức tin không trơ trọi, chơ vơ, bất động, nhưng đức tin nối kết, liên kết, tạo tương quan thân tình, làm nên tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người đến độ  con người được thông dự thiên tính của Thiên Chúa và Thiên Chúa mang lấy nhân tính của con người.
Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo chính là mầu nhiệm Thiên Chúa trở nên con người, để con người được biến đổi thành đời sống của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vì thế, đức tin luôn nhắm đến tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người, và tương quan ấy không vu vơ, mơ hồ, huyền ảo, không thể thực hiện, nhưng là tương quan cụ thể trong Đức Giêsu, người làng Nadarét đã bị đóng đinh; là tương quan sống động trong Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông, cũng là Đấng đã xin Chúa Cha ban Thánh Thần Chân Lý, Thánh ThầnTình yêu, Thánh Thần Sự Sống đến trên các ông và Giáo Hội; là tương quan “hiệp nhất, nên một” trong Đức Giêsu khi ăn thịt và uống máu Ngài; là tương quan của Giao Ước cứu độ trong hy tế Thánh Giá của Đức Giêsu “cho mọi người được tha tội”.
Là tương quan với Thiên Chúa trong Đức Giêsu, đức tin không bay bổng, vô định, nhưng ở Đức Giêsu, nơi Đức Giêsu, khi tất cả quy hướng về Ngài, tập trung ở Ngài, quây quanh quanh Ngài. Đó là lý do toàn bộ Cựu Ước đều chuẩn bị cho ngày đến trong thế gian của Đức Giêsu trong Tân Ước, Israel được tuyển chọn làm dân riêng để dọn đường cho Đức Giêsu đến, các ngôn sứ và toàn bộ lịch sử của dân riêng Thiên Chúa đều quy chiếu vào một mình Đức Giêsu, mà không là ai khác, bởi Đức Giêsu là Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Ngài không phải ngôn sứ như các ngôn sứ khác, bởi các ngôn sứ là con người được Thiên Chúa chọn để nói điều Thiên Chúa muốn, đang khi Đức là Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa và mặc khải cho nhân loại chính Thiên Chúa.
Do đó, loại bỏ Đức Giêsu trong đức tin tức loại bỏ tương quan giữa Thiên Chúa và con người, là giá trị và ý nghiã của đức tin; đẩy xa Đức Giêsu khỏi tương quan giữa Thiên Chúa và con người chính là hủy bỏ tương quan ấy, bởi tương quan giữa Thiên Chúa với con người “chỉ là” và “chính là” tương quan giữa con người với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Tin Mừng mặc khải cho chúng ta chân lý quan trọng này: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
Trong thực tế, có rất nhiều người lầm tưởng Đức Giêsu chỉ là ngôn sứ, tức con người, mà không cùng lúc là Thiên Chúa. Chính vì từ chối thiên tính, mà Đức Giêsu bị coi là thứ yếu, và người ta bay bổng mơ hồ đi tìm Thiên Chúa trong mây trời, mường tượng Thiên Chúa qua các hình ảnh huyền hoặc, li kỳ, vẽ vời Thiên Chúa thành những ý niệm, lý thuyết  thuần chất con người.
Vì thế không lạ gì khi người ta bảo Thiên Chúa ác độc, trong khi Thiên Chúa trong Đức Giêsu là người cha nhân hậu, giầu lòng xót thương và hay chạnh lòng (x. Lc 15); người ta quy tội Thiên Chúa là ông chủ hà khắc, tham lam, trong khi Thiên Chúa của Đức Giêsu là ông chủ tốt lành, quảng đại đã nhận vào làm vườn nho bất cứ ai, và trả lương hậu hĩnh cho mọi người đến sớm cũng như đến muộn (x. Mt 20,1-15); người ta trách móc Thiên Chúa chỉ rình rập để trừng phạt, trong khi Thiên Chúa của Đức Giêsu đã thương xót tha cho người mắc nợ Ngài món nợ rất lớn, và chỉ đòi một điều kiện để được mãi mãi thương xót, đó là biết xót thương anh em đang mắc nợ mình (x. Mt 18,23-35).
Và điều người ta thi nhau chỉ trích Thiên Chúa nặng nề hơn cả là bỏ bê con người, không quan tâm đến thụ tạo do Ngài dựng nên khi để đau khổ, sự chết hoành hành, làm khổ con người, trong khi Thiên Chúa trong Đức Giêsu đã không ngừng kêu gọi con người hãy tin tưởng ở tình yêu quan phòng của Ngài vì con người cao qúy hơn hoa huệ chim trời (x. Mt 6,25-34); không ngừng chia sẻ, cảm thông những đau khổ và chữa lành bệnh tật của con người (x. Mt 8,16-17); không ngại gần gũi người tội lỗi (x. Mt 8,10-13); không ngớt lên tiếng bênh vực, ủi an những người bị miệt thị, bị đàn áp, bóc lột, vất vả, cơ cùng (x. Mt 11,28-30). Ngài còn khóc nỗi đau mất con của người đàn bà góa bụa và cho con trai duy nhất của bà sống lại trên đường đưa xác ra nghiã trang (Lc 7,11-17); khóc nỗi đau mất em trai của chị em Mátta, Maria khi gọi Ladarô từ cõi chết sống lại sau bốn ngày chôn kín trong mộ phần (x. Ga 11,33-44), và khóc cả nỗi đau “bị Chúa Cha bỏ rơi” của chính mình trên Thánh Giá giờ hấp hối, khi rướn mình thốt lên “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).
Vâng, Thiên Chúa trong Đức Giêsu không là thiên chúa của óc tưởng tượng nơi người làm nghệ thuật, cũng không là thiên chúa của ý niệm, lý thuyết ở triết gia, nhà tư tưởng, càng không là thiên chúa của kỹ năng, kỹ thuật, phát minh ở nhà khoa học, hoặc thiên chúa độc đoán, độc ác của lãnh tụ và chế độ độc tài phi nhân nào đó, nhưng là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Đấng Cứu Độ đã sẵn sàng hiến mạng sống để chuộc tội loài người (x. Ga 3,17), Người Cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32), Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,1-18).
Bởi nhiều người không tìm gặp Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, không lắng nghe lời Thiên Chúa qua miệng Đức Giêsu, không chiêm ngắm Thiên Chúa trong Đức Giêsu, không tin và đón nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên đức tin của họ trống rỗng, vu vơ, huyền hoặc, vì không đặt để ở Đức Giêsu, con người Thiên Chúa sống động, cụ thể, thiết thực, có mặt trong lịch sử của nhân loại, và vì thế, đức tin ấy không là đức tin đích thực, vì không thiết lập được tương quan với Thiên Chúa, là đòi hỏi của đức tin, mà đòi hỏi ấy chính là tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và ở Ngài, duy nhất một mình Ngài, đức tin đem lại Tương Quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người, tức giữa Đức Giêsu và mỗi người.
Với người trẻ hôm nay, đức tin là tin vào Đức Giêsu đã có mặt trong lịch sử nhân loại, Đấng đã mặc khải Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa, từ Thiên Chúa mà đến, nên đi vào tương quan với Đức Giêsu chính là đi vào tương quan với Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định: “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), và “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), vì “Thầy trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy”, để ai ở trong Đức Giêsu cũng ở trong Thiên Chúa, ai nên một với Đức Giêsu cũng được nên một với Thiên Chúa (x. Ga 17,21-22).
Với người trẻ hôm nay, tin là tin vào Đức Giêsu sống lại, như thánh tông đồ trưởng Phêrô đã qủa quyết: “Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1P,21).
Và trong suốt hành trình đức tin, người trẻ luôn xác tín: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,14-15). 
Jorathe Nắng Tím