Pages - Menu

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (4)


                                            KINH THÁNH
Kinh Thánh còn được gọi là Lời Thiên Chúa, Lời cho ánh sáng, Lời ban sự sống, Lời đổi mới tâm hồn, Lời mang đến hy vọng và ơn Cứu Độ đời đời.
Nhưng Lời Chúa trong lịch sử nhân loại đã không luôn được mọi người đón nhận như nhau, mà trở thành cớ của rất nhiều đối kháng, chia rẽ, ly khai. Và ngay  hôm nay, trên đất nước này, hiện tượng nhiều “giáo phái kinh thánh” có khi chỉ quy tụ được trên dưới vài chục người đã tự do giải thích Kinh Thánh cách rất kỳ lạ, phiếm diện, đầy thiếu sót và khéo léo áp đặt “người nghe” một giáo thuyết mới lệch lạc, khập khiễng, mâu thuẫn, phi lý tận gốc rễ.
Vì thế, người trẻ cần có một kiến thức về Kinh Thánh, là nguồn mặc khải của Kitô giáo, nguồn mặc khải mà bất cứ tín hữu nào cũng phải tìm về để gặp gỡ Đức Giêsu, Con Người Thiên Chúa cách mật thiết, sống động.   
Kinh nghiệm bước vào kho tàng Kinh Thánh cho thấy: có thể Bạn sẽ “sốc” nặng khi gặp ở đó đủ chuyện trên đời, dưới đất: văn chương thì đủ thể loại, nội dung cũng muôn mầu muôn sắc, từ những đọan văn mang tính “huyền thoại”, nếu nhìn dưới lăng kính khoa học thời đại, như câu chuyện tạo dựng, vườn địa đàng và trình thuật “trái cấm” ở phần đầu sách Sáng Thế đến những áng thơ trữ tình, lãng mạn, rồi lịch sử, tuyên sấm của các tiên tri, thư từ, ký sự truyền giáo của các tông đồ, cả những “thị kiến” khó hiểu của vị tông đồ trẻ tuổi nhất trong Nhóm Mười Hai; Bạn cũng có thể bị “sốc khủng”, khi khám phá bên cạnh những giá trị cao siêu, những giáo huấn đạo đức, những lề luật luân lý chuẩn mực, những lời khuyên cần thiết để sống đạo hạnh là những chuyện khó nghe, khó chấp nhận trong Cựu Ước, như anh trai cưỡng hiếp em gái ngủ với mình (x. 2 S,13,1-14),  con gái chuốc rượu cha, rồi làm tình với cha để bảo tồn nòi giống  (x. St 19,30-38), vua cướp vợ của thuộc hạ (x. 2S 11,2-26) hoặc những ganh ghét, tị hiềm, đấu đá, phản bội tàn nhẫn, trả thù dã man, tiêu diệt đẫm máu, chưa kể những mưu mô, thủ đọan không thua kém phường bá đạo, lưu manh.
Vì thế chúng ta cần người hướng dẫn có khả năng để giúp chúng ta bước vào đường tìm hiểu Kinh Thánh, hầu tránh những cú sốc có thể gây xáo trộn tâm lý, kiểu “tẩu hoả nhập ma” ngay từ phút đầu.
Thực vậy, nếu đọc Kinh Thánh như đọc một tác phẩm bình thường, chắc chắn Bạn sẽ thất vọng, vì tự bản chất: Kinh Thánh là Mặc Khải từ Thiên Chúa được con người viết ra. Do đó, Kinh Thánh không thể đọc như đọc một tác phẩm  thuần túy của con người, nhưng là “kiệt tác của Thiên Chúa” được viết bởi  những con người được Thiên Chúa linh ứng để viết điều Ngài muốn, viết sứ điệp Ngài gửi, vì Kinh Thánh là Mặc Khải từ Thiên Chúa, của Thiên Chúa cho con người.
Có những chià khóa quan trọng Bạn cần nắm trong tay khi bước vào kho tàng mặc khải Kinh Thánh:
a.   Thiên Chúa luôn cần sự hợp tác của con người:   
Thiên Chúa không thực hiện bất cứ một công trình cứu chuộc con người nào của Ngài mà không có sự hợp tác của con người. Ngài cần đến sự hợp tác ấy, vì Ngài tôn trọng tự do của con người, tôn trọng quyền chọn lựa của con người, bởi Ngài là Tình Yêu, mà tình yêu luôn đòi tự do: tự do yêu và tự do đón nhận “được yêu”: Thiên Chúa yêu con người nên tôn trọng tự do “được Thiên Chúa yêu” và tự do “đáp lại tình yêu của Thiên Chúa” nơi con người, mà tuyệt đối không o ép, cưỡng bức, bó buộc người nào, nên ngay cả khi mặc khải chính mình cho con người, Thiên Chúa cũng không tự mình làm hết tất cả, kiểu cô giáo đọc chính tả, đánh vần từng chữ cho học sinh tiểu học, nhưng điều Ngài muốn là cùng con người “làm việc”, khi linh ứng cho những người Ngài tuyển chọn để họ viết ra Lời Ngài bằng chính ngôn ngữ, với trình độ văn hoá, văn phong, lối diễn tả, cách trình bầy, và cử toạ của cá nhân người viết. Vì thế, yếu tố con người được nổi bật ngay trong Lời Thiên Chúa, nhờ vinh dự được cộng tác, đóng góp tích cực vào công trình mặc khải của Thiên Chúa.
Cũng như các phép lạ trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đòi sự cộng tác của con người, như khi hoá nước thành rượu ở tiệc cưới Cana, Ngài cần sự hợp tác của Đức Mẹ và các gia nhân (x. Ga 2,1-10); phép lạ chữa người bại liệt (x. Lc 5,17-20), hay những người phong hủi (x. Lc 17,11-19), Ngài luôn “thu xếp” để có phần đóng góp của con người khi nhận phép lạ hoặc được chữa lành, như bảo gia nhân ở Cana đổ nước đầy các chum, bảo những người phong hủi đi trình diện các tư tế, hoặc để người nhà người bại liệt dỡ  ngói trên mái nhà, thòng giây thả giường bệnh nhân xuống trước mặt Ngài, bởi Thiên Chúa muốn hoạt động với con người,  muốn con người cộng tác với Ngài, cụ thể với lòng tin, để thực hiện công trình cứu chuộc con người của Ngài, vì con người không là những vật thể vô tri, thụ động, nhưng là con cái tự do của Thiên Chúa.
b.  Kinh Thánh phải được đọc trong ý hướng nhận ra sứ điệp hơn là xét nét từng chữ, đào bới  từng câu riêng lẻ, đơn độc, ngoài ngữ cảnh:
Thí dụ, khi đọc trình thuật ông bà nguyên tổ Ađam, Evà ăn “trái cấm trong vườn địa đàng” (x. St 3), chúng ta không cố tìm cho kỳ được “trái cấm” là trái nào: táo hay ổi, cam hay quít, mang cụt hay sầu riêng, chuối hay xoài, chôm chôm hay mận, cũng không chia nhau đi tìm xem vườn địa đàng ở đâu, nhưng chỉ chú trọng đến sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, đó là sự bất tuân phục của con người trước lệnh truyền của Thiên Chúa, vì con người đã nghe theo Rắn độc ma qủy khi nó nói: ông bà sẽ cao cả bằng Thiên Chúa, thông biết mọi sự như Thiên Chúa.
Trình thuật tạo dựng, cũng như vườn địa đàng và sa ngã mà chúng ta đọc trong sách Sáng Thế chỉ là “dụ ngôn”, nghiã là hình ảnh được người viết hư cấu thành một câu chuyện để chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa. Sứ điệp Thiên Chúa là “Đấng dựng nên trời đất muôn vật hữu hình và vô hình” mới là chính yếu, trọng tâm.
c.    Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người là trung tâm điểm của Kinh Thánh:
Nếu đọc Kinh Thánh như đọc một pho sách với nhiều quyển rời rạc, mà không quy hướng về một tâm điểm là Đức Giêsu của Tân Ước, thì chúng ta không hiểu gì vì mất hướng, lạc đường, bởi tất những gì được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân Ước đều quy chiếu về một mình Đức Giêsu. Điều đó có nghiã thời đại của Đức Giêsu mới là thời kỳ viên mãn, thời kỳ hoàn thành trọn vẹn công trình cứu độ loài người của Thiên Chúa, thời của Nước Thiên Chúa.
Vì thế không có sự đối kháng, tách biệt, xa lạ giữa Cựu Ước và Tân Ước, bởi vai trò của Cựu Ước cũng như của Israel, dân riêng Thiên Chúa là chuẩn bị cho Đức Giêsu đến trong Tân Ước.
Đó là lý do toàn bộ Cựu Ước với nhiều trước tác, nhất là sách các ngôn sứ Ước đều quy chiếu, báo trước về Đức Giêsu và tiệm tiến chuẩn bị cho Ngài suốt ba ngàn năm trước, cho đến khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện như gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, để loan báo “Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2), và trân trọng giới thiệu Đức Giêsu với các môn đệ của ông và đám đông đến xin ông làm phép rửa bên sông Giođan: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).   
Vì thế, Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước là một, mặc dù có sự khác biệt về cách yêu thương của Ngài, như Thiên Chúa được mặc khải trong Cựu Ước có cung cách của một Thiên Chúa nghiêm khắc, trừng phạt, nhưng trung tín khi không ngừng làm mới lại giao ước liên tục bị Israel vi phạm, xé bỏ vì bất trung, trong khi Thiên Chúa được chính Đức Giêsu mặc khải trong Tân Ước là một người Cha nhân hậu gần gũi con cái (x. Lc 15,11-30), một Mục Tử nhân lành “sẵn sàng hiến mạng sống vì đoàn chiên”, chấp nhận hy sinh cho “đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), và là Đấng Cứu Độ bao dung, giầu lòng xót thương người có tội.
Về điểm này, chúng ta có thể mường tượng Thiên Chúa như người Cha trong gia đình: khi con cái còn nhỏ cần vào nề nếp thì người cha tỏ ra nghiêm khắc, nhưng khi con đã lớn khôn, trưởng thành thì thái độ của cha gần gũi, thông cảm, mềm mỏng hơn, mặc dù tình cha vẫn là một, tình yêu dành cho con không đổi thay, phôi pha, vơi cạn.
Tóm lại, chúng ta đọc Cựu Ước với tâm hồn hướng về Đức Giêsu như các ngôn sứ của Cựu Ước đã tuyên sấm về Đức Giêsu và thời đại Cứu Thế của Ngài, cũng như toàn bộ lịch sử dân riêng là bước chuẩn bị cần thiết cho mầu nhiệm Nhập thế, Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô.   
d.  Kinh Thánh không là chiếc hộp thần kỳ đựng những đáp số có sẵn:
Có người coi Kinh Thánh là một “máy đáp số” tự động cho mọi vấn đề, chỉ cần bấm vào hỏi là có ngay đáp số đúng, mà không cần phải làm gì.
Không, Kinh Thánh không cho chúng ta những đáp số kiểu tự động, tự nhiên như thế, vì Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, ở đó Thiên Chúa nói với chúng ta và chúng ta có quyền đáp lời Ngài hay khước từ Ngài, có tự do lắng nghe và đem ra thực hành Lời Ngài, hay bỏ qua, không quan tâm đón nhận. Vì thế, Kinh Thánh có thánh ý Chúa để con người tùy ý vâng nghe hoặc không nghe, nên khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đi tìm thánh ý Thiên Chúa và đợi chờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ơn này được ban tùy theo thiện chí của mỗi người, tùy theo mức độ vâng phục và đón nhận của từng người, tùy theo lòng quảng đại trước thánh ý của mỗi cá nhân.
Như thế, Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa  nói với những ai tìm đến và muốn lắng nghe Lời Ngài, và chính Thiên Chúa qua Lời hằng sống sẽ soi sáng, hướng dẫn họ con đường phải đi, việc phải làm.
e.    Giáo Hội có nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Kinh Thánh:
Đây là điểm quan trọng đối với người tín hữu, mà vô tình nhiều người đã không quan tâm, lưu ý, khi tự mình hoặc dễ dàng để mình bị lôi cuốn vào những lối giải thích của những “nhóm chú giải” ở ngoài Giáo Hội, khi Kinh Thánh không được giải thích phù hợp với nội dung chân lý đích thực. Chúng ta đừng quên một trong nhiệm vụ chính yếu của Giáo Hội được Đức Giêsu trao phó chính là gìn giữ kho tàng mặc khải đức tin, nên việc giải thích Kinh Thánh đúng theo ý Chúa thuộc quyền của Giáo Hội, mà tất cả chúng ta phải nghe theo.
Hiện nay, có rất nhiều giáo phái thiên về kinh thánh với những “chú giải” kỳ lạ vừa không chính xác vừa không hợp lý đang làm thành hiện tượng nổi cộm ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam được coi là miền đất “trù phú, phì nhiêu” cho các loại hình giáo phái này.     
Khi đã nắm chắc những chià khóa trên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa mở lòng để đón nhận từ Kinh Thánh những chân lý đức tin thánh thiện:  
1.   Lịch Sử Cứu Độ loài người của Thiên Chúa:
Đó là dòng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa khởi đi từ sau biến cố sa ngã của ông bà nguyên tổ. Lịch sử ấy là lịch sử của con người được Thiên Chúa thương xót đồng hành và cứu độ.
Thiên Chúa đi với con người trên từng bước thăng trầm của con người, những bước thăng trầm của trung tín, phản bội, của sốt sắng, năng nổ và ươn lười, biếng nhác, của khiêm tốn ăn năn và kiêu căng, ngạo mạn, của phung phá bỏ đi và thống hối trở về. Lịch sử ấy là lịch sử Thiên Chúa yêu thương và quyết tâm cứu chuộc con người, để con người lập lại vị thế con cái Thiên Chúa mà tội lỗi đã làm mất; lịch sử của tình yêu vô cùng và đến cùng của Thiên Chúa trải dài theo lịch sử “dật dờ, bấp bênh, lên xuống” vì yếu đuối của con người; là lịch sử của Giao Ước “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, và các ngươi là dân Ta” đã được làm đi làm lại nhiều lần, vì con người không trung tín giữ lời thề; là lịch sử con người được cứu rỗi nhờ máu của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Chính vì thế, những yếu đuối, sa ngã, đốn hèn, bất xứng của con người gặp được trong Kinh Thánh trở nên dễ hiểu, vì đó là lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện giữa con người, với con người và cho con người đày khiếm khuyết, tội lụy. 
2.   Dung mạo đích thực và ý muốn của Thiên Chúa:
Kinh Thánh cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa là ai, Ngài yêu con người đến mức nào, và đâu là ý muốn của Ngài.
Khi xuống thế làm người, Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã ở giữa con người, sống như con người, mang lấy trọn vẹn thân phận làm người phàm  như mọi người, trừ tội lỗi (x. Pl 2,6-8) để con người được nhìn thấy Thiên Chúa trong Đức Giêsu, được chạm vào Thiên Chúa qua Đức Giêsu, được trò chuyện, tâm sự với Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu, được đến với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu. Và chúng ta được biết Thiên Chúa là Tình yêu, là Cha nhân hậu, là Mục Tử nhân lành, Đấng Cứu Độ đã tự nguyện chết cho muôn người được sống.
Trong Đức Giêsu, chúng ta còn được biết Thiên Chúa muốn gì nơi mỗi người, đợi chờ gì ở cộng đoàn, mong ước gì ở toàn thể nhân loại. Và vì là Tình Yêu, Thiên Chúa cũng chỉ muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34).
3.   Lý do, ý nghiã và giá trị của con người trước Thiên Chúa:
Kinh Thánh không chỉ mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, mà còn mặc khải chính chúng ta cho chúng ta, bởi không có mặc khải của Đức Giêsu, chúng ta không biết sự sống của mình quan trọng như thế nào dưới mắt Thiên Chúa, không biết địa vị và vinh dự của mình cao đẹp đến đâu trong trái tim Thiên Chúa, không biết hạnh phúc của mình lớn lao cỡ nào trong nhà Thiên Chúa, không biết phần thưởng tương lai hằng phúc của mình qúy giá đến đâu trong vương quốc Thiên Chúa.
Không có mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, chúng ta cũng  không biết  ý nghiã và giá trị của cuộc đời trần thế chóng qua, tạm bợ với “ba chìm, bẩy nổi, chín long đong” của chúng ta trên hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực, và không có Đức Giêsu mặc khải, chúng ta hoàn toàn mù mờ về sự chết, phán xét, thiên đàng hoả ngục.
Còn một mặc khải khác cũng không kém quan trọng, đó là chúng ta được biết chúng ta là ai với người khác, tức tương quan giữa con người với con người, bởi không có Thiên Chúa mặc khải Ngài là Cha trên trời, chúng ta không thể nhận mình là anh em của nhau, cùng là con của một Cha trên trời. Và vì là anh em, chúng ta được mời gọi đi vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha, để yêu thương nhau như tình Cha đã yêu thương.  
Vâng, người trẻ chúng ta cần được Giáo Hội hướng dẫn để kín múc ở Lời Chúa tình yêu Đức Giêsu, và ơn cứu độ của Ngài, và để đạt  mục đích “biết lắng nghe và sống Lời Chúa”, không gì cần thiết và tốt hơn là khiêm tốn mở lòng cho Chúa Thánh Thần ngự đến và ở lại, vì Ngài là Thánh Thần Chân Lý, như chính Đức Giêsu đã qủa quyết với các tông đồ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).   
Jorathe Nắng Tím

Chương VIII: BẠO LỰC HẬU LY DỊ


Có con người là có bạo lực; nói cách khác, ở đâu có con người, ở đó có bạo lực. Kinh Thánh Thiên Chúa giáo kể chuyện bạo lực của hai con trai nguyên tổ loài người Ađam và Evà: Cain và Abel, hai anh em cùng dâng lễ vật lên Thiên Chúa, nhưng chỉ lễ vật của Abel được Thiên Chúa nhận, còn của Cain bị từ chối. Ghen tuông và căm phẫn, Cain đã giết chết em Abel.
Như thế, bạo lực gia đình đã xẩy ra ngay từ buổi đầu của loài người trong chính gia đình của hai ông bà  nguyên tổ. Thế nên không lạ gì, cũng chẳng phải bàng hoàng, ngạc nhiên khi bạo lực có mặt trước, trong khi, và sau ly dị. Phần lớn vợ chồng đã ly dị vì không chấp nhận bạo lực, nhưng như thứ vi trùng dai dẳng, bạo lực vẫn tiếp tục hăng say quấy nhiễu cả vào thời hậu ly dị.
Nếu bạo lực là nguyên nhân đã đưa đến nhiều cuộc ly hôn, thì bạo lực cũng là phương tiện được dùng để trấn áp, đe doạ, làm áp lực trên nhau trong thời kỳ làm thủ tục ly dị. Và cả khi mọi việc đã ngã ngũ sau khi đã ly dị, bạo lực xem ra cũng vẫn đeo đẳng, không chịu buông tha.
Có nhiều hình thức bạo lực: bạo lực tư tưởng, bạo lực  hành động, bạo lực ngôn ngữ. Tất cả đều quy về một mục tiêu là đốn hạ, truy diệt, làm tổn thương tinh thần và thể xác nạn nhân.
Sở dĩ ngay ở thời hậu ly dị, bạo lực vẫn hoành hành dữ dội là vì :
1.   Sở hữu mù quáng:
Sở hữu mù quáng khi không chấp nhận phán quyết của toà án về phân chia tài sản, và phương thức phân phối trách nhiệm đối với con cái.Vì thế, bạo lực được xử dụng để hiếp đáp đối phương, không cho thực hiện dễ dàng phán quyết của Toà. Những người có máu sỡ hữu mù quáng cố tình phủ nhận tính cách công bằng trong phán quyết, nhưng khăng khăng đòi về mình “toàn quyền, toàn phần, toàn thể”; nghiã là họ phải sở hữu tất cả, vì với họ, sở hữu chủ duy nhất chỉ là họ.
Họ muốn sở hữu tài sản, con cái và ngay cả người chồng, người vợ mới ly dị, mặc dù luật pháp đã chính thức và công khai tháo gỡ hôn nhân. Cũng vì tính sở hữu bệnh hoạn mà người vợ cũ, chồng cũ của họ sẽ khó có thể được sống yên lành và tự do làm lại cuộc đời.
2.   Ghen tuông, ganh tị:
Đã đành ghen tuông khi còn là vợ chồng, nhưng với người có máu ghen tuông mãn tính,  tính ganh tỵ truyền kiếp thì ngay cả khi đã ly dị rồi, họ vẫn dữ dội ghen tuông và điên cuồng ganh tị.
Ganh tị nên không cho người khác bén mảng quen biết vợ cũ, chồng cũ đã ly dị. Ghen tuông nên “quyết tử” với những ai mon men  gặp gỡ, rồi cùng người chồng cũ, vợ cũ của họ đi thêm một bước nữa. Tính ghen tuông kinh niên, tính ganh tị “không đội trời chung” với bất cứ ai biến họ thành hung bạo, tàn ác, nếu người cũ chạm đến cơn điên ganh tị, ghen tuông kinh dị của họ.
Nhiều người vì sợ chồng cũ, vợ cũ bạo hành, làm hại, trả thù đã không dám quen biết ai sau khi ly dị, và tất nhiên không bao giờ dám nghĩ đến chuyện làm lại cuộc đời, lập một gia đình mới, dù không thiếu cơ hội.
Tính sở hữu mù quáng, cũng như tính ghen tuông, ganh tị bệnh hoạn, cả hai đều xuất phát từ lòng ích kỷ: không muốn ai hơn mình, không muốn người đã cùng mình chung sống và ly dị được may mắn, sung túc, hạnh phúc hơn mình. Trong đầu, họ chỉ có một ý nghĩ bạo lực: bằng mọi cách dù thô bạo, dã man đến đâu cũng phải vùi dập, đánh gục kẻ đã phụ bạc và ly dị.
3.   Tính tham lam, lợi dụng:
Cũng không ít người khai thác bạo lực vì mục đích thủ lợi, tham lam và lợi dụng vật chất của người bạn đời cũ đã ly dị. Họ dùng những bí mật biết được về người bạn đời cũ trong thời còn chung sống để làm áp lực, tạo xì- căng- đan hầu triệt hạ uy tín, danh dự và phá hoại sự nghiệp, tương lai của người này. Những trò đe doạ qua điện thoại, chửi rủa, bôi bác trên mạng để gây hoang mang, tạo căng thẳng tinh thần với ý đồ bắt ép nạn nhân phải nhượng bộ cung ứng tiền bạc không giới hạn.
Những người này không thấy ngượng khi ngang nhiên làm tiền, trấn lột chính người đã một thời chung chăn chung gối. Họ vô liêm xỉ đến độ không ngại dùng bạo lực để cưỡi trên đầu trên cổ và sống đê tiện bằng mồ hôi, nước mắt lao động của người vợ cũ, chồng cũ.
Những hoàn cảnh đáng thương bị bạo hành xẩy ra nhan nhản, nhưng không được mấy người quan tâm che chở, bảo vệ, với lý do rất đơn giản, vô trách nhiệm: chuyện gia đình người khác, can dự làm chi cho mệt.
Chính vì thiếu tinh thần tương trợ và vì vô tâm, vô cảm mà xã hội xem ra đã không muốn can thiệp và bạo lực gia đình, kể cả ở thời hậu ly dị vẫn còn là vết thương sâu hoắm khó lành.      
4.   Tâm lý không quân bình:
Đây là tâm lý không lành mạnh thường thấy nơi những người ích kỷ, tâm địa hẹp hòi, gian ác. Vì hẹp hòi nên không nghĩ đến ai; vì gian ác, nên không làm cho ai điều tốt lành; trái lại, ai vui thì họ buồn; ai khóc thì họ vui; ai thành công thì họ tìm phá đổ; ai hạnh phúc thì họ quậy phá tanh bành.
Họ là người phá hoại hạnh phúc chuyên nghiệp. Nhiều khi phá để mà phá, phá cho thoả chí ngông nghênh, chứ chưa hẳn đã biết phá để làm gì và tại sao phá. Những cú đấm  vô cớ, những cú đá thình lình, những cơn phẫn nộ bất chợt không nguyên do, những lời thô tục chửi rủa  không cơ sở biểu hiện một tâm lý không quân bình và bất ổn. Chính tâm lý chao động bất thường được bạo lực không ngừng làm sôi sục đã gây ra không ít thảm cảnh gia đình rất đáng thương.      
Như thế, ly dị rồi cũng chưa được kể là xong, nếu phải ly dị với những người “sở hữu, ghen tuông, tham lam, không quân bình tâm lý”; bởi những người này không ngại dùng bạo lực như phương tiện để tiếp tục đòi quyền làm chủ, ganh tị, tham lam, lợi dụng, phá hoại, quấy nhiễu.
 Như thế mới biết, một khi đã bước chân vào hôn nhân, người ta mang vào mình nhiều hệ lụy nếu chẳng may hôn nhân đổ vỡ. May mắn là được ly dị bình an và hậu ly dị là chuỗi ngày yên lành, thong thả. Hạnh phúc hơn là xây dựng một mái ấm mới với người mới dễ thương, tử tế. Nhưng bất hạnh xem ra vẫn không buông tha hạnh phúc khi bạo lực vẫn lảng vảng, quanh quẩn đe dọa đâu đó…