Pages - Menu

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (8)


                                         THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG
Sự sống con người luôn là đề tài nóng bỏng và sôi nổi, nhưng hầu như các buổi tranh luận đều có khuynh hướng dẫn đến một kết luận chung đó là con người muốn toàn quyền trên sự sống của mình, toàn quyền quyết định sự sống của mình, và tìm mọi cách toàn quyền tạo nên sự sống theo ý mình muốn. Và tất nhiên, khuynh hướng khẳng định con người toàn quyền trên sự sống của mình đồng nghiã với khuynh hướng  phủ nhận quyền của Thiên Chúa trên sự sống và sự chết của con người.
Khẳng định quyền trên sự sống của mình, con người xác định chủ quyền bất khả xâm phạm trên thân xác khi chủ trương tự do tính dục, hủy bỏ mọi luật lệ, cấm kị trong sinh hoạt tình dục, và tự do phá thai. Tự cho mình toàn quyền trên sự sống, con người cũng cho mình quyền chấm dứt sự sống, khi đồng tình ủng hộ tự do tử tự, và kỹ thuật trợ tử theo ý muốn.
Đứng trước trào lưu loại bỏ sự có mặt và quyền can thiệp của Thiên Chúa trong sự sống của con người, người trẻ Kitô hữu là thành phần có nhiều liên quan và chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, và sinh hoạt xã hội ngày càng không mấy thuận lợi và phù hợp với Tin Mừng. Vì thế, người trẻ thường phải đối diện với những thách đố khó vượt qua, để có thể trung thành với giáo huấn của Giáo Hội về sự sống, những thách đố mà chúng ta cùng chia sẻ sau đây:
1.   Thách đố trước chân lý Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống:
Giữa một xã hội không còn phò sự sống, nhưng ủng hộ tự do tính dục, cởi trói tình dục, tự do phá thai, người trẻ sẽ không khỏi giao động và tự hỏi: Thiên Chúa có còn được can thiệp vào đời sống và sự sống của con người nữa không?
Câu hỏi ấy cũng là thắc mắc của Ápraham, người được Thiên Chúa Giavê chọn  làm tổ phụ dân riêng khi Thiên Chúa truyền cho ông đem giết  Isaác, con trai duy nhất của ông làm của lễ dâng Ngài. Ông không hiểu Thiên Chúa muốn gì, khi bảo ông giết con, đứa con duy nhất nối dòng, để ông có thể trở thành tổ phụ một dân “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển”.
Tuy không dám nghi ngờ Thiên Chúa, nhưng ông phân vân tự hỏi không lẽ Thiên Chúa ông mới gặp và tôn thờ cũng không khác các thần mà trước đây ông đã thờ, bởi các thần ấy đều ưa thích của lễ là sinh mạng con người, lễ tế phải là máu của  chúng sinh. Nhưng đúng lúc ông vung dao chém Isaác bị trói trên đống củi, thì sứ thần gọi tên ông và nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa… Ông Ápraham ngước mắt nhìn thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Ápraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình” (St 22,12-13).
Qua thách đố và sự can thiệp bất ngờ ở phút chót, Thiên Chúa đã mặc khải cho Ápraham: Ngài là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa của người sống, Thiên Chuá tuyệt đối tôn trọng sự sống. Không như các thần khác, Thiên Chúa Giavê không “khát máu” con người, nhưng nuôi dưỡng, gìn giữ, bênh vực, bảo vệ sự sống mà Ngài đã ban cho con người. Là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa muốn dân riêng của Ngài tuyệt đối tôn trọng sự sống như hồng ân vô giá Ngài ban, và không được làm bất cứ điều gì tổn thương, nguy hại đến sự sống con người.
Người Kitô hữu hôm nay cũng như Ápraham ngày xưa bị đặt trước thách đố rất cam go khi phải chọn lựa giữa quyền tối thượng của Thiên Chúa trên sự sống và tiến triển của khoa học xem ra như đang tranh giành vị thế làm chủ sự sống của Thiên Chúa.   
Cách riêng người trẻ, với tinh thần và lòng ngưỡng mộ khoa học đang bị cám dỗ nặng nề đi vào lựa chọn: con người có quyền tối thượng quyết định mọi vấn đề liên quan đến sự sống của mình, mà quên rằng không phải bất cứ việc gì, sự gì người ta có thể làm là người ta phải làm, và được phép làm, như khi vừa phát minh kỹ thuật “nhân bản vô tính” với con lừa Dolling (cloning), người ta muốn thực hiện ngay cho con người, khi phát minh kỹ thuật chọn phái tính, chọn kích thước, chọn mầu tóc, mầu da, mầu mắt, cha mẹ muốn áp dụng ngay để sản suất những đứa con “hoàn toàn ưng ý” như người ta chế tạo các búp bê.
Giáo Hội không nói “không”, không phủ nhận một cách cực đoan, mù qúang  công việc và thành qủa của khoa học. Trái lại, Giáo Hội khuyến khích, ủng hộ khoa học để khoa học làm công việc của mình với mục đích phục vụ chính đáng hạnh phúc của con người, nhưng đồng thời Giáo Hội cảnh báo khoa học những rủi ro tiềm tàng, những nguy hiểm có thể xẩy ra cho toàn thể nhân loại nếu những phát minh không được sử dụng và hướng đến phục vụ con người một cách toàn diện, nghiã là không tôn trọng toàn thể con người với tất cả quyền sống làm người. Nói cách khác, khi cảnh báo khoa học không được lạm dụng những phát minh trong lãnh vực sự sống, Giáo Hội nhắc nhớ khoa học phải khôn ngoan không vì cuộc chạy đua điên cuồng của các công trình phát triển mù quáng, mà bản tính con người, giá trị con người không còn được bảo vệ, tôn trọng.
Bởi một khi không tôn trọng bản tính con người với mầu nhiệm được sinh ra làm người của mỗi con người, chúng ta sẽ không nhận quyền tối thượng là quyền tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa trên con người nữa. Thái độ từ chối này sẽ không chỉ mang tính cách “vô thần” mà còn mang tính “phi nhân”, bởi khi phủ nhận đấng tạo dựng, người ta cũng phủ nhận luôn giá trị và mầu nhiệm của thụ tạo là con người.
Thực vậy, khoa học có lãnh vực và giới hạn của khoa học, và khoa học chỉ có giá trị khi tôn trọng toàn thể, toàn diện, toàn phần con người gồm hồn và xác, giá trị thân xác và giá trị tinh thần, mặt nổi thấy được, và chiều sâu huyền nhiệm, nên bất cứ một phủ nhận, một tổn thương, một vi phạm dù nhỏ đối với bất cứ phần nào của con người cũng là hành vi phạm tội chống lại con người, mà chúng ta phải luôn cẩn trọng.  
2.   Thách đố trước sứ mạng đồng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình của sự sống:
Một sứ mạng vô cùng cao cả mà con người được Thiên Chúa ký thác, đó là “được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng những con người mới”, một sứ mạng mà con người hoặc sơ ý không nhận ra hoặc cố tình không quan tâm, chú ý.
Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã ban cho họ khả năng sinh ra những con người mới, khi chúc lành cho Evà, Ađam, và nói: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 1,28). Đây là mầu nhiệm tạo dựng được nối dài, khi con người trở thành cung lòng của Thiên Chúa để cưu mang và ban cho thế giới những con cái mới của Ngài.
Ý thức vai trò và sứ mạng cao cả và quan trọng này, con người nói chung, và người Kitô hữu nói riêng sẽ không xem chuyện sinh ra những con người là chuyện bình thường, và chuyện giết bỏ con người cũng bình thường, bình thường như chuyện “có bầu, dính thai” khi nam nữ ăn ở, gần gũi nhau.
Qủa thực, không có chuyện gì dễ hơn chuyện nam nữ có con với nhau, vì thân thể của hai người nam nữ được Thiên Chúa cấu tạo tuyệt vời cho sứ mạng cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra những con người mới. Chính vì qúa dễ khi tất cả đã được lập trình, chuẩn bị, nên người ta dễ hạ bậc, giáng cấp chuyện phi thường vì từ tay Thiên Chúa xuống hàng tầm thường, để rồi không ngại ngùng, không tiếc xót, không hối hận khi bỏ đi những sự sống bị coi là “không vừa ý, không đúng lúc, không thuận lợi”.
Hãy nhìn ra chung quanh để thấy có bao nhiêu thai nhi bị trục ra khỏi lòng mẹ, bao nhiêu bào thai vô tội bị chính mẹ mình từ chối và đào thải như vứt bỏ một cái gì rất nhơ nhớp, ghê tởm, kinh dị; bao nhiêu “cha mẹ” không xứng đáng với thiên chức và danh xưng cao qúy Cha - Mẹ đã chau mày, chặt lưỡi, lắc đầu, thở dài bực bội, khó chịu, nổi giận khi nghe tin “có thai, có bầu”; bao nhiêu tổ chức nhân đạo thu gom mỗi ngày hàng trăm thai nhi đủ cỡ tháng tuổi bị giết chết trong các nhà thương, phòng khám phụ khoa, cơ sở “Kế họach gia đình”.
Vì “tạo ra” sự sống qúa dễ, “chế ra” con người qúa nhanh mà “sản phẩm con người” trở thành rẻ rúng, mất giá trầm trọng, để khi cần hủy bỏ những sản phẩm “bất đắc dĩ, ngoài kế hoạch hoặc thặng dư”, người ta không chút ngượng ngùng, bận tâm, nhưng cho đó là công tác bình thường, không ảnh hưởng đến ai.
Qua những nghiên cứu tâm lý cũng như những tâm sự của rất nhiều bà mẹ đã phá thai, chúng ta biết thêm một sự thật rất buồn, đó là không bà mẹ nào đã “vui vẻ” phá thai, nhưng tất cả đều đã trải qua những giây phút một mình vô cùng căng thẳng trước khi đi đến quyết định loại bỏ con, và nỗi ám ảnh giết con ấy đằng đẵng đeo bám và ảnh hưởng trầm trọng đời sống tâm lý của các bà mẹ đáng thương nhiều hơn đáng trách.      
Ở đây, chúng ta cần ghi nhận tâm tình chia sẻ, lòng thương xót và thái độ tôn trọng của Giáo Hội đối với những bà mẹ tuy làm điều không đúng, nhưng rất đáng thương này. Là Mẹ nhân từ, Giáo Hội luôn cảm thương con cái mình, nhất là khi con cái rơi vào tình trạng bế tắc đưa đến sai phạm. Giáo Hội cũng hiểu biết với tình Mẹ thương con những phụ nữ có thai vì bị hãm hiếp, và mang lại cho chị em những hướng dẫn cần thiết cũng như nâng đỡ, đồng hành với chị em trên chặng đường không luôn dễ dàng vượt qua.      
Bên cạnh nạn phá thai, như thách đố phải lựa chọn trước sứ mạng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng con người, chúng ta còn bị đặt trước cám dỗ tự cho phép mình kết liễu sự sống của mình cũng như của người khác khi họ yêu cầu. Đó là trường hợp tự tử và giúp người bệnh được chết sớm.
Với cả hai trường hợp, lập trường của Giáo Hội rất cứng rắn và không thay đổi, đó là không ai có quyền quyết định sự sống và sự chết của con người, bởi sự sống, sự chết thuộc quyền Thiên Chúa, và Thiên Chúa luôn ban cho con người đủ ơn để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình cuộc đời, và trong mọi thử thách, gian truân, Giáo Hội có nhiệm vụ nâng đỡ niềm tin và hy vọng của dân Chúa, nhân loại.
Chúng ta cũng đừng quên: tự do của mỗi người không bao giờ được coi là quyết định có giá trị tuyệt đối, khi tự do đó vi phạm chính bản tính con người và giá trị con người, như khi quyết định tự tử, hoặc giúp người khác kết liễu sự sống theo yêu cầu của họ, dựa vào tự do, người ta đã hủy diệt tự do cùng với sự sống, hủy diệt khả năng lựa chọn cùng với sự tồn tại của hữu thể. Đó là điều hoàn toàn phi lý, không thể chấp nhận được, vì là một giải pháp không giải quyết gì, nhưng hủy diệt mọi khả năng, khả thể “giải quyết”.
Về những người bệnh muốn chết sớm và yêu cầu bác sĩ giúp họ kết thúc sớm cuộc đời, chúng ta nên nghe những chia sẻ của các bác sĩ trong cuộc. Các bác sĩ này đã kể lại: Hầu hết các bệnh nhân xin được trợ tử, tức xin được giúp chấm dứt sớm sự sống đều liên tục thay đổi ý kiến, quyết định. Cũng chính bệnh nhân đã nài nỉ được kết thúc sớm cuộc đời khi cơn đau ào tới tưởng như không còn có thể chịu đựng đã lại khóc lóc van xin các bác sĩ khẩn trương chữa trị, cứu sống.
Vì thế, không được phép dựa vào yêu cầu của bệnh nhân, vì quyết định của họ trong tình trạng đau ốm không đủ điều kiện và lý do khả tín. Đàng khác, chúng ta phải hiểu rằng khi xin chúng ta giúp kết  liễu nhanh cuộc đời, chính là lúc họ gián tiếp nài xin chúng ta giúp họ xoa dịu nỗi đau.  
Thực vậy, khi không ủng hộ những hành vi tự chấm dứt sự sống của mình hoặc giúp kết thúc sự sống của người khác theo yêu cầu của họ, người Kitô hữu không thể bị coi là thờ ơ, lạnh lùng trước đau khổ tinh thần và đau đớn thể xác. Trái lại, chúng ta được mời gọi đóng góp mọi nỗ lực để xoa dịu cơn đau của chính mình, cũng như giúp người anh em vượt qua khủng hoảng, thử thách ở giai đọan cuối đời, làm thế nào để chính chúng ta, cũng như người anh em tìm lại được bình an để tiếp tục sống hoặc bình an để ra đi. Đây là sứ vụ rất khó khăn đòi chúng ta một niềm tin tưởng rất mãnh liệt vào ơn phù trợ của Thiên Chúa cho chúng ta cũng như cho người anh em đau khổ mà chúng ta đang phục vụ, đồng hành.
Do đó, những phát minh khoa học liên quan sự sống con người ngày càng tuyệt vời thì thách đố tin nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, nắm giữ quyền tối thượng và tuyệt đối trên sự sống và sự chết của con người càng trở nên cam go, khó vượt qua, do cám dỗ “thần tượng khoa học”, sùng bái con người, với niềm tin tuyệt đối vào khả năng vượt xa Thiên Chúa của con người, điều mà phong trào “đòi Thiên Chúa phải chết” chủ trương, cổ động. Điển hình là phong trào khuyến khích “thụ thai ống nghiệm” đang được nhiều người tán thành, ủng hộ.
Ở đây, người viết không đi vào chi tiết, mà chỉ ghi lại câu chuyện của một sinh viên Pháp, qua những chia sẻ rất thực của anh: trong ba năm đại học, để có tiền sống, anh làm việc bán thời gian trong “nhà băng tinh trùng” với công tác lấy tinh trùng của những người đàn ông tự nguyện đến bán. Sau này, chính anh vì lợi  nhuận đã bán tinh trùng của mình hai lần một tuần… Phần đông, không ai quan tâm đến tinh trùng đã được bán, và theo điều luật, cũng không ai được biết tinh trùng của mình được cấy cho ai, và kết qủa như thế nào. Nhưng riêng anh, vì tò mò, và nhờ quen biết, anh được một bác sĩ của nhà băng tinh trùng tiết lộ: tinh trùng của anh đã được cấy cho hai trăm phụ nữ, và tạo ra hơn một trăm em bé. Nghe vậy, anh đã bị sốc nặng, trầm cảm và nhiều năm phải ở trong bệnh viện tâm thần.
Tóm lại, không phải Giáo Hội không biết và không cảm thông nỗi buồn của những người mẹ hiếm muộn, hoặc không thể có con, cũng như Giáo Hội không ngây thơ trước những vần đề nghèo đói ở nhiều quốc gia, được dùng làm tiền đề cho chủ trương ngừa thai và phá thai tự do, nhưng Giáo Hội không thể đồng loã với những chủ trương lạm dụng mọi phát minh khoa học để vi phạm quyền sống của con người, và hạ thấp, làm tổn thương nhân vị, nhân phẩm. Giáo Hội cũng không thể  hèn nhát nhượng bộ vì áp lực của những tổ chức chủ trương tuyển lựa con người ngay từ bào thai, để tạo một thế giới chỉ  gồm những “siêu sao, ưu tú, ưu việt, đỉnh cao trí tuệ loài người”, khi chủ trương diệt ngay trong lòng mẹ những bào thai “có vấn đề”, bởi theo Giáo Hội, thế giới không thể bị phân chia làm hai loại người: một bên là siêu nhân phải gìn giữ, một bên là rác rưới, gánh nặng của xã hội phải dẹp bỏ.
Vâng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần ý thức bổn phận của người Kitô hữu trong việc tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ sự sống trong xã hội loài người, vì Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa giữ quyền sống chết của con người, và chúng ta, tất cả đều được kêu gọi hoặc trực tiếp cộng tác vào công trình “tạo dựng” những con người mới, hoặc giáo dục, xây dựng những con người tử tế cho xã hội, và công dân của Nước trời.
Bởi nếu chúng ta xác tín Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của đời sống con người, chúng ta sẽ không nhân danh tự do để tranh giành với Ngài quyền tối thượng và tuyệt đối trên sự sống sự chết của con người; nếu chúng ta tin Thiên Chúa tín nhiệm con người và chọn con người làm cộng sự viên của Ngài trong sứ mạng sinh sản cho đầy mặt đất những con người mới, chúng ta sẽ tự biết phải làm gì để sự sống con người được tuyệt đối tôn trọng, giá trị con người được đề cao, nhân vị, nhân phẩm không bị hạ giá, chà đạp; nếu chúng ta nhận ra chính thân xác mình đã được thánh hoá để trở thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không coi thường, làm ô uế, nghèo nàn thân xác mình, nhưng biết tôn trọng, gìn giữ để xứng đáng là Nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ (x. 1 Cr 6,19).
Vẫn biết giữa một xã hội vô thần, vật chất, thực dụng, hưởng thụ, tôn trọng thân xác mình và thân xác người khác, cũng như tôn trọng sự sống và sự chết con người là những thách đố cam go, khó vượt qua. Đặc biệt người trẻ trong thế giới nhiều khuynh hướng, chủ trương đan xen, chồng chéo, đa chiều sẽ rất khó phân định để có những chọn lựa đúng.
Chính trong hoàn cảnh và giai đọan khó phân định, Đức Giêsu có mặt trong Giáo Hội của Ngài để soi sáng, hướng dẫn chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta đến với Giáo Hội của Ngài, ở đó Chúa Thánh Thần là sự sống, tình yêu và sự thật sẽ dậy chúng ta phải làm gì, như Ngài đã dậy chúng ta cầu nguyện và gọi đúng tên Thiên Chúa: “Ápba, Cha ơi”! (x. Gl 4,6)
Jorathe Nắng Tím

NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC GIÊSU

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 Phục Sinh, năm A
Trước khi lên đường đi Giêrusalem, sau khi đã căn dặn các môn đệ, Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha với tâm tình đặc biệt tha thiết  nói lên tình yêu gắn bó giữa Con và Cha trong vinh quang của giờ sắp đến, giờ mà công trình cứu chuộc được hoàn tất, giờ mà Thánh Ý Chúa Cha được trọn vẹn thể hiện, giờ mà kế hoạch của Ba Ngôi Thiên Chúa được hoàn thành.
“Lậy Cha, giờ đã đến.  Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha  đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời  cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,1-3).
Trong giờ phút trang trọng này, Đức Giêsu đã nhấn mạnh nhiều lần động từ “tôn vinh”, và danh từ “vinh quang”: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con. Vậy giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,4-5), để nói lên vinh quang của Thiên Chúa chính là con người được cứu độ, được sống đời đời, được hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa, khi con người nhận biết Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến trong thế gian để cứu độ loài người.
Trong lời cầu nguyện này, Đức Giêsu đã khẳng định Ngài được tôn vinh nơi những người được Chúa Cha ban cho Ngài (x. Ga 17,10), những người mà Ngài đã ban cho họ Lời của Thiên Chúa, những người đã tin nhận Ngài được Chúa Cha sai đến (x. Ga 17,8). Tóm lại, tất cả những ai đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đều sẽ đi vào đời sống hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa, bởi họ nhận được ân huệ của Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến, tin thờ Ngài, và “nên một” với Đức Giêsu.
Động từ “cho” cũng được dùng đến mười lần trong đọan Tin Mừng này, để nói lên ân huệ Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Giêsu để “Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và Con được tôn vinh  nơi họ” (Ga 17,10).
Sau cùng, lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã trở thành nền tảng xây dựng cộng đoàn tín hữu đầu tiên, khi “tất cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14), hợp nhất trong vui mừng, hy vọng, và hăng say loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại, là ơn Cứu Độ đem đến sự sống đời đời và hạnh phúc trong Thiên Chúa cho mọi người. 
Cũng chính vì tin tưởng lời cầu xin Chúa Cha “gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” của Đức Giêsu (Ga 17,11), mà người Kitô hữu vui mừng vì “được chia sẻ những xỉ nhục, đau khổ của Đức Kitô”, để khi vinh quang của Ngài “tỏ hiện” cũng sẽ được “vui mừng, hoan hỷ” với Ngài (x. 1P 4,13-14).
Xin Chúa cho chúng ta nhận ra ơn huệ được là người Kitô hữu, người có Đức Kitô trong cuộc đời, để sống hay chết, vinh hay nhục, sướng hay khổ, thất bại hay thành công, chúng ta vẫn “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”
Jorathe Nắng Tím