Pages - Menu

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (9)

HẠNH PHÚC
Hạnh phúc là ước mơ của mọi người, và không ai muốn mình, cũng như người mình thương yêu phải bất hạnh, bởi ngay từ buổi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã cho con người được hạnh phúc viên mãn đời đời. Vấn đề là chính con người đã đánh mất hạnh phúc qúy báu ấy, vì bất trung, kiêu ngạo không nghe lời Thiên Chúa.
Nhưng vì được tạo dựng với bản tính khao khát hạnh phúc, nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm hạnh phúc, mặc dù hạnh phúc không dễ tìm giữa một thế giới đầy cực nhọc, bất hạnh, mà nguyên nhân là tội lỗi (x. St 3,16-19).
1.   Hạnh Phúc của con người:
Hạnh phúc là không bất hạnh. Nhiều người chọn câu trả lời này, vì không biết định nghiã thế nào cho đúng, vì rất khó nhận diện và định nghiã hạnh phúc.
    Thực vậy, không có hạnh phúc đứng một mình, nên sẽ thật vô nghiã khi nói về một hạnh phúc lơ lửng khơi khơi, trống trơn biệt lập, bởi “hạnh phúc” là trạng thái nổi trôi trên giòng đời của một con người không mấy lúc không lo âu, sợ hãi, bi quan, trái ý, và thường xuyên bị ám ảnh bởi rủi ro, tai họa. Do đó, người ta chỉ có thể có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà không có hạnh phúc như hạnh phúc là, và như lòng mong uớc, đó là tình trạng bình an sâu lắng, lâu dài, bền vững.
Chính tình trạng “bình an” bền vững và lâu dài mới đủ điều kiện để được gọi là hạnh phúc, khác với những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi, chóng qua, như hạnh phúc ngày đầu làm mẹ, bữa tiệc đoàn tụ gia đình sau bao nhiêu năm xa cách, giây phút ái ân của vợ chồng sau những tháng dài xa nhau…    
Sở dĩ hạnh phúc không dễ tìm, dễ đạt như lòng mong ước vì:
a.   Nặng lòng với qúa khứ của bản thân:
Ai cũng có qúa khứ, và qúa khứ luôn làm nặng lòng, bởi có mấy người quên được kỷ niệm vui ít buồn nhiều của qúa khứ; mấy người không buồn, không tủi, không hận khi nhớ lại dòng đời trôi qua, với những khuôn mặt đã làm mình đau, hoặc mình làm đau, và bao nhiêu biến cố đã để lại trên cuộc đời những vết hằn khó phai, những vết thương sâu hoăm khó rịn.
b.  Đau khổ trong tương quan với người khác:
Không ai sống một mình, không phải vì không muốn, nhưng vì không thể, do những nhu cầu thiết yếu của chính bản thân chỉ được đáp ứng nhờ những tương quan, liên đới với người khác. Nhưng những tương quan chằng chịt, những liên đới giăng mắc từ gia đình đến xã hội ấy không luôn mang lại hạnh phúc, mà thường là cơ hội và lý do của đau khổ, bất hạnh, điều mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm.
Những bất hoà, bạo hành gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, những màn chơi xấu, chơi hèn của bạn hữu, đồng nghiệp, đồng chí, đồng hương, đồng bào, những trò lật lọng, lừa đảo, tiêu lòn, tháo cáy, phản bội được lập trình và thực hiện bởi chính cộng sự viên thân tín, và vô số những cú đấm, cú đá, cú đâm của người khác nối đuôi nhau làm nên chuỗi dài những “trái ý, bực bội, căng thẳng, chán nản, thất vọng, sầu buồn” không cho con người hạnh phúc.
c.    Bị đe dọa bởi cái nhìn của người khác:
Ngay cả với người sống khép kín, không muốn giao du, thân thiện với người chung quanh để tránh “nhiều chuyện”, nặng lòng, mệt óc cũng không tránh khỏi cái nhìn của người khác, bởi ai cũng có thể và có quyền nhìn người khác để nhận định, đánh giá, ca ngợi, thần tượng, suy tôn, hoặc khinh bỉ, tẩy chay, ném đá.
Thực vậy, nhìn mình thì dù sao cũng còn “có cửa” để “khoan hồng, châm chước, nhưng bị người khác nhìn thì vô phương “thủ thân, tự vệ”, bởi người khác hoặc không biết rõ, không hiểu cặn kẽ, không thông cảm, hoặc  ác ý, cố tình “đánh cho chết, đập cho nát, bứng cho sạch, nhổ tận gốc”, thì cái nhìn đa phần sẽ rất tiêu cực và làm ta sợ hãi khi rơi vào tầm ngắm, lọt vào tầm nhìn đe dọa của họ.  
Tóm lại, hạnh phúc không luôn trong tầm tay vì những rủi ro đưa đến bất hạnh  thì hầu như lúc nào và ở đâu cũng đeo đuổi, bám gót con người. Chúng là những ám ảnh của qúa khứ, và những tương quan phức tạp, nhiêu khê, khó đo lường giữa người với người.
2.   Hạnh Phúc của người Kitô hữu:
   Nếu hạnh phúc với con người đã khó đạt, thì với người con Chúa, hạnh phúc sẽ dễ hay khó hơn ?
Các thánh trả lời chúng ta qua kinh nghiệm thiêng liêng của các vị khi khẳng định: cho dù tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa nhiều đến đâu, và tình yêu của Thiên Chúa đổ trên chúng ta tràn trề đến mức nào, chúng ta vẫn không thể nói: “tôi bơi lội trong hạnh phúc viên mãn”, bởi một lý do đơn giản: hạnh phúc ấy chỉ có ở thiên đàng.
Đó là lý do Đức Giêsu đã không ngừng nhắc nhở, động viên các môn đệ Ngài về  “phần thưởng của anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12), về hạnh phúc vinh hiển, ở thời tái sinh, khi Con Người ngự đến (x.Mt 19,28), về “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11), khi được ở trong Thầy, như Thầy ở trong Chúa Cha (x.Ga 15,9-10).  
Đó là lý do trong Hiến Chương Nước Trời, Đức Giêsu đã hứa Hạnh Phúc đích thực và viên mãn là “Đất hứa làm gia nghiệp, được Thiên Chúa ủi an, được Thiên Chúa cho thỏa lòng, được Thiên Chúa xót thương, được nhìn thấy Thiên Chúa, được sở hữu Nước Trời, được phần thưởng lớn lao trên trời” cho những ai “bất hạnh” trong cuộc đời này vì nghèo khó, và khóc lóc sầu khổ, bị “vu khống đủ điều xấu xa”, và bị “sỉ vả bách hại” vì thực thi Công Lý của Thiên Chúa và sống lý tưởng Tin Mừng (Mt 5,2-12). Bởi nếu con người có thể tìm thấy, gặp được ngay trên trần gian này hạnh phúc đích thực, tròn đầy, viên mãn, vĩnh cửu thì Đức Giêsu đã chẳng hứa một Hạnh Phúc đời sau trong Vương Quốc của Ngài.  
Nhưng chúng ta có thể đặt vấn đề: Nếu ngay ở thế gian này, chúng ta đã có Thiên Chúa ở cùng, thì tại sao chúng ta không đạt được hạnh phúc trọn vẹn, đích thực như ở thiên đàng?
Câu trả lời rất đơn sơ: vì tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa không là tương quan khép kín, đóng chặt, nhưng là tương quan mở ra cho tha nhân, tương quan hướng đến người khác, nghiã là tương quan  giữa ta với Thiên Chúa và tương quan giữa ta với anh em là hai tương quan đồng thời, cùng lúc như hai mặt của một thực thể, hai điều khỏan của cùng một giới răn như Đức Giêsu đã dậy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn của ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).
Chính vì có tha nhân tham dự, chính vì phải đặt tha nhân vào tương quan giữa ta với Thiên Chúa, chính vì không thể có Chúa mà thiếu tha nhân, chính vì không được loại trừ tha nhân ra khỏi tương quan giữa Chúa với ta, mà hạnh phúc không thể trọn vẹn, không bao giờ hoàn hảo bao lâu ta còn ở với tha nhân, bởi như ta, tha nhân dễ ganh ghét, tha nhân nhiều tham vọng, tha nhân lắm lầm lỗi, tha nhân vốn tội lụy, tha nhân mang bản tính con người bất toàn, có giới hạn, yếu đuối hay sa ngã, và đó chính là nguyên nhân gây ra bất hạnh, lý do hạnh phúc viên mãn, tròn đầy không thể gặp được ở trần gian.
Như thế, tương quan giữa ta với Chúa không đủ để cho hạnh phúc tròn đầy, hoàn hảo, như ý muốn ban đầu của Thiên Chúa, vì tương quan của ta với Thiên Chúa không cho phép chúng ta quên mình đang sống giữa anh em cùng thân phận yếu đuối, tội lụy. Họ vừa  là cơ hội mang lại nhiều hạnh phúc, vừa là nguyên nhân của không ít khổ đau, bất hạnh.     
Thực vậy, khi nhìn các linh mục, tu sĩ sống đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta muốn tin rằng các vị không bao giờ bất hạnh, vì đã đạt đến hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa, và thế gian chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc “riêng tư”, tuyệt vời giữa Thiên Chúa với các vị. Nhưng khi được các vị chia sẻ, chúng ta mới biết các vị cũng đau khổ, cũng gặp nhiều trái ý, bất hạnh như mọi người, mặc dù trong khi thi hành sứ vụ, các vị luôn cố gắng tỏ ra hạnh phúc, lạc quan để không làm thất vọng những người đang được các vị nâng đỡ, ủi an…
Chúng ta cũng đừng quên, các linh mục, tu sĩ cũng được tạo dựng cùng bản tính con người, nên cũng sợ hãi, nghi nan, chịu thử thách và đau khổ như chúng ta. Tuy vậy, những yếu đuối của phận người nơi các vị không làm giảm đi ý nghiã, cũng không hạ thấp giá trị của ơn gọi và sứ vụ của đời tận hiến. Trái lại, chính những  đau khổ nơi các vị đã giúp các vị hoàn thành tốt đẹp hơn sứ vụ được trao phó: “ở giữa mọi người để phục vụ mọi người”.
Nói như thế không có nghiã phủ nhận những cảm nghiệm thiêng liêng lâng lâng, ngây ngất, xuất thần trong hạnh phúc được Thiên Chúa hoàn toàn “sở hữu, làm chủ”, khi linh hồn đi vào kết hiệp hoàn hảo với Thiên Chúa, nhưng chỉ muốn nói lên giới hạn của hạnh phúc “được gọi là viên mãn, tròn đầy” mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai được cùng Ngài hiển trị trong vinh quang Nước Ngài, sau hành trình dương gian.
3.   Hạnh phúc của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người
Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người những lúc Ngài buồn, để nhận ra một điều rất quan trọng, đó là hành trình dương thế giữa nhân loại đã không luôn làm Ngài hạnh phúc: Ngài đã không hạnh phúc khi thấy đám đông “lầm than, vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36); Ngài đã không hạnh phúc khi “phải quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11,20); Ngài đã không hạnh phúc  trước những người Pharisêu, kinh sư, luật sĩ cứng lòng, kiêu căng luôn tìm mọi  kẽ hở, cơ hội để hạ uy tín, lên án, hãm hại Ngài (x. Mt 12,2.24); Ngài đã không hạnh phúc khi phải nặng lời khiển trách các kinh sư và người Pharisêu giả hình (x. Mt 23); Ngài đã không hạnh phúc khi phải thốt lên: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi” (Mt 23,37); Ngài không hạnh phúc khi “các thượng tế và kỳ mục trong dân họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt và giết Ngài” (x. Mt 26,3-4); Ngài không hạnh phúc khi “một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì qúy vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (Mt 26,14-16); Ngài không hạnh phúc khi cảnh báo Phêrô: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,34).
Cũng hãy chiêm ngắm Đức Giêsu xao xuyến, lo sợ trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt, và bồi hồi nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”, rồi trong nước mắt thổn thức, Ngài sấp mặt xuống đất thống thiết cầu nguyện: “Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,38-39), và giờ phút sau cùng chịu treo trên Thánh Giá, trong nỗi đau tận cùng của Con Thiên Chúa bị mọi người, và cả Chúa Cha bỏ rơi, Đức Giêsu đã  rướn mình nức nở khóc với Thiên Chúa Cha: “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).  
Qủa thực, không chỉ con người bất hạnh, không chỉ người Kitô hữu đau khổ, mà cả “Thiên Chúa làm người” cũng không hạnh phúc, vì bản tính con người đã bị tội lỗi gieo mầm ganh ghét, tham lam, kiêu căng, gian ác, hận thù, bạo lực là nguyên nhân của mọi đau khổ, bất hạnh.
Làm người giữa nhân loại, Đức Giêsu đã đón nhận đau khổ và bất hạnh như  bao thân phận con người khác vốn không tránh khỏi bất hạnh, khổ đau. Ngài đã không tìm cách tránh đau, diệt khổ, cũng không dùng quyền năng Thiên Chúa phát minh, sáng chế “máy hạnh phúc tự động”. Trái lại, Ngài cùng chịu thử thách giập vùi, chịu sầu buồn, xao xuyến, lo âu, nghi nan với con người, và cũng rấm rức, nức nở, nghẹn ngào khóc như mọi người. Chỉ một điều khác với con người là Ngài đã đặt tất cả đau khổ, bất hạnh trong tình yêu vô cùng và đến cùng của Ngài cho hạnh phúc được cứu sống của con người; đã hướng tất cả trái ý, nghịch lòng đến tình yêu thương xót dành cho nhân loại; đã dùng tất cả đau đớn của thân xác, nát tan của tâm hồn để làm nên của lễ xóa tội muôn dân, mà không để đau khổ của tinh thần biến thành lửa hận thù, không để đau đớn của thân xác trở thành bạo lực.
Tắt một lời, Đức Giêsu đã không hứa lấy đi khỏi thân phận người hết mọi đau khổ, cũng không loan báo một kế sách bứng gốc cây “bất hạnh” khỏi mặt đất, nhưng với tình yêu, và bằng tình yêu, Ngài làm cho bất hạnh trở thành con đường dẫn về hạnh phúc, biến đau khổ thành niềm hy vọng, bình an. Không diệt hết đau khổ, nhưng với tình yêu, đau khổ sẽ không còn sức mạnh phá hoại, tiêu diệt của nó, bất hạnh mất hẳn mãnh lực đánh gục con người. Trái lại, đau khổ, bất hạnh được bàn tay Thiên Chúa  biến đổi, “thánh hoá” để trở nên của lễ sinh ơn cứu rỗi, mang lại bình an, hạnh phúc cho nhân loại.
Vì thế, dù khao khát hạnh phúc, dù say mê, hăng hái đi tìm hạnh phúc đến đâu, người trẻ cũng không bao giờ toại nguyện với lý tưởng hạnh phúc mình ước mơ, vì trong cuộc đời này, hạnh phúc luôn bị đe dọa bởi tội lỗi của chính mình, và của mọi người. Bởi bao nhiêu hạnh phúc đã bị bức tử từ trong trứng nước vì ích kỷ của nhau? Bao nhiêu hạnh phúc đã bị chặt ngang lưng, chém bay đầu vì lòng tham vô đáy của nhau? Bao nhiêu hạnh phúc đã phải “cao bay xa chạy” vì sự độc ác của nhau? Bao nhiêu hạnh phúc đã xơ xác, tàn lụi vì tính kiêu căng, độc tài, độc đóan, độc quyền của nhau? Bao nhiêu công trình hạnh phúc đã dầy công xây dựng nay bị phá sập trong nháy mắt vì thiếu tín nhiệm và phản bội nhau? Bao nhiêu mái ấm hạnh phúc đã cháy rụi, không để lại tàn tích, khi tình yêu hoảng sợ “bỏ chạy mất dép”, vì vợ chồng đấu đá, bất hoà? Và còn vô số những “bao nhiêu bất hạnh” khác, không thể kể xiết trong cõi đời ô trọc, bể dâu vô thường này.
Vâng, vì cuộc đời là hành trình nhiều vất vả, cực nhọc, nguy hiểm, rủi ro, và người trẻ Kitô hữu như “những chiên con giữa bầy sói dữ”, nên không ngạc nhiên có những lúc người trẻ cảm thấy hụt hẫng, ngao ngán, chán nản, muốn bỏ cuộc, buông xuôi, đào ngũ trên đường theo Đức Giêsu; không lạ lẫm khi người trẻ bức xúc, nổi giận vì bất mãn trước những tiêu cực của cuộc đời và ngang ngược, “đổi trắng thay đen” của người đời. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy trước: đường Ngài đi không là đường thênh thang, dễ đi, vì sẽ chẳng có trên thế gian này con đường thênh thang nào dẫn đến hạnh phúc đích thực, mà chỉ duy nhất con đường hẹp, con đường Từ Bỏ chính mình và vác thập giá mình” (Mt 16,24). Đó là con đường từ bỏ “Cái Tôi” ích kỷ, kiêu căng, ganh ghét, tham lam, gian dối, sở hữu, thống trị, hưởng thụ là nguyên nhân đem đến bất hạnh cho mình và cho người khác; con đường từ bỏ những gì phá hoại hạnh phúc là vênh vang tự đắc, vu khống hàm hồ, kết án oan sai, người hơn mình thì ghét, kẻ kém mình thì khinh, “trên đội dưới đạp”, ăn gian nói dối, kiếm tìm tư lợi…
Vâng, hạnh phúc đích thực chỉ có thể tìm được, khi người trẻ can đảm theo Đức Giêsu bước đi trên con đường hẹp mang tên Từ Bỏ. Chỉ trên con đừơng Từ Bỏ này, chúng ta mới hy vọng nắm bắt được hạnh phúc tròn đầy, viên mãn ở ngày Đức Giêsu “đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần theo hầu” và chúng ta được nghe Ngài phán: “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36), bởi  chúng ta đã vâng lời Đức Giêsu đặt để tất cả những trái ý, phật lòng, đau khổ, bất hạnh vì bị ganh ghét, lợi dụng, hiểu lầm, miệt thị, vu khống, kết án oan uổng  khi phục vụ anh chị em mình; đã noi guơng Ngài chọn yêu thương trong mọi sự, mọi cảnh huống, để tình yêu từng ngày làm dậy men hạnh phúc của Thiên Chúa giữa anh em.
Thực vậy, men mà Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” muốn chúng ta, những môn đệ của Ngài chôn trong đấu bột nhân loại đầy bất hạnh vì tội lỗi chính là tình yêu, vì chỉ tình yêu mới cho đau khổ một ý nghiã cứu độ, chỉ tình yêu mới đem lại cho đời người bất hạnh vì phải chết hạnh phúc được cứu sống, chỉ tình yêu mới ban cho con người niềm vui ơn cứu độ giữa biển đời đầy sóng gió đe dọa.
Và chúng ta bình an theo Ngài đi trên đường hạnh phúc của tình yêu giữa cuộc đời nhiều rủi ro bất hạnh do tội lỗi, vì có Ngài, Đấng đã ân cần khguyến khích, động viên: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
Xin Đức Giêsu ban cho người trẻ nghị lực qủa cảm và tình yêu dồi dào để cùng mọi người bước đi trên “con đường Từ Bỏ” đến gặp Chúa là Hạnh Phúc đích thực, viên mãn, đời đời.
Jorathe Nắng Tím