Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 20 Thường Niên,
Năm A
Trước
khi Đức Giêsu đến trong thế giới, Itraen, dân riêng được Thiên Chúa chọn với tổ
phụ Ápraham giữ một vị thế “độc tôn” Giavê Thiên Chúa, độc quyền tôn giáo thờ một
Thiên Chúa duy nhất giữa các tôn giáo đa thần. Tính ưu việt và ưu thế “dân
riêng của Thiên Chúa” vừa là niềm kiêu hãnh của Ítraen, nhưng cũng là cớ cho
các quốc gia lân bang và các tôn giáo khác ganh ghét, gây hấn, tấn công.
Thực
ra, Cựu Ước đã loan báo: ơn Cứu Độ của Thiên Chúa là ơn phổ quát hướng đến muôn
dân, muôn nước, và không giới hạn ở biên giới Ítraen, không co mình cố thủ ở
Giêrusalem, như ca khúc tạ ơn của thánh vịnh 65 : “Cả trái đất hãy tung hô
Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời. Muôn dân hỡi, hãy chúc tụng
Chúa chúng ta, trổi vang lên lời tán dương, chúc tụng Người” (Tv 65,1-2.8).
Ngôn sứ Isai cũng tuyên sấm vinh dự được làm tôi tớ Thiên Chúa của những người
ngoại quốc, không thuộc dân Ítraen : “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức
Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh cùng trở nên tôi tớ của Người »
(Is 56,6). Và tất cả “đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu
nguyện của Ta. Trên bàn thờ của ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ
chúng dâng, vì nhà của ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is
56,7).
Trong
Tân Ước, Đức Giêsu đến và Ngài đã loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho tất cả
mọi dân tộc, và trong suốt hành trình rao giảng, Ngài luôn quan tâm, và tỏ lòng
trân trọng, yêu mến những người ngoại giáo, tức những người không thuộc dân
riêng Ítraen.
Tin
Mừng Matthêu kể lại câu chuyện người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan “lẽo đẽo, lèo
nhèo” van xin Đức Giêsu chữa con gái bà “bị
qủy ám khổ sở lắm!” (Mt 15,22). Thái độ “qúa nhây” của bà đã làm các môn đệ của
Đức Giêsu bực bội, khó chịu, khi các ông lại gần và xin Đức Giêsu: “Xin Thầy bảo
bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi!” (Mt 15,23).
Và
chúng ta thật bất ngờ với phản ứng xem ra mâu thuẫn của Đức Giêsu, khi Ngài nói
với bà: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen”, rồi còn
nặng lời hơn khi bà cứ năn nỉ ỉ ôi xin Ngài dủ lòng thương chữa con bà : “Không
nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt
15,24.26).
Những
lời trên của Đức Giêsu qủa sẽ làm đắng lòng người đàn bà ngọai đạo, và làm
chúng ta sốc nặng, nếu không đặt mình vào bối cảnh giai đọan đầu của hành trình
rao giảng, khi Đức Giêsu phải đối mặt và đối phó với não trạng “dân riêng” rất nặng nề do
tính ưu việt, biệt lập và nhiều ảo tưởng “kiêu căng” khác của dân tộc được Chúa
chọn trong tâm thức và đời sống của họ. Vào thời đó, và ở bước đầu trên hành
trình loan báo Nước Trời phổ quát cho các dân tộc, Đức Giêsu cần một thời gian
và áp dụng sư phạm đặc biệt của Ngài để dần dà giúp dân Do Thái hiểu được rằng
để tin thờ Thiên Chúa chân thật, người
ta sẽ không nhất thiết phải tuân giữ những tập tục dành riêng cho người Do
Thái, như giáo quyền đạo Do Thái bó buộc, bởi “đã đến giờ các người sẽ thờ phượng
Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và
chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa
Cha trong thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí
và sự thật” (Ga 4, 21.23).
Đức
Giêsu đã nói điều trên với người đàn bà ngoại đạo ở Samari, cũng như nói với
nguời đàn bà ngoại đạo xứ Canaan, sau khi thử thách lòng tin của bà: “Này bà,
lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28).
Bà
muốn Ngài làm phép lạ chữa con gái bà khỏi qủy ám, và “từ giờ đó, con gái bà được
khỏi” (Mt 15,28).
Như
thế, khi đặt vấn đề một cách có vẻ “mâu thuẫn, gây sốc nặng”, Đức Giêsu đã không
làm giảm bớt tính phổ quát của Nước Trời, Nhà Thiên Chúa cho muôn dân là giáo
lý Ngài đang rao giảng, cũng không phân biệt, kỳ thị người ngoại đạo. Trái lại,
đây là cách làm nổi bật ơn Cứu Độ phổ quát cho muôn dân, là cơ hội công khai ra
khỏi pháo đài dân riêng để mở cửa Nước Thiên Chúa cho các dân tộc, mà đòi hỏi
căn bản, thiết yếu không còn là những luật lệ, tập tục, nghi thức, nhưng là Tin
vào Đức Giêsu Kitô, như thánh tông đồ dân ngoại đã viết: “Các dân ngoại
không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên
công chính nhờ đức tin. Còn dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính
thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công
chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm” (Rm 9,30-32).
Xin
cho đức tin của chúng ta được mạnh mẽ như đức tin của người đàn bà ngoại đạo xứ
Canaan, và cùng với bà, chúng ta ca ngợi Tình Yêu bao la của Thiên Chúa và dâng
lời cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan
rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết
ơn cứu độ của Người” (Tv 66,2-3).
Jorathe
Nắng Tím