Pages - Menu

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Chương 3 : Những mũi nhọn hoạt động của ma quỷ

Ma quỷ được phép hoạt động để cám dỗ con người làm điều xấu, điều ác, hành động ngược lại đường lối và giáo huấn của Thiên Chúa, mà Giáo hội là hiện thân của Ngài không ngừng cảnh báo, nhắc nhở, khuyên răn, cấm cản.

Sở dĩ ma quỷ được quyền tiếp tục hoạt động bằng cám dỗ con người, là vì Thiên Chúa muốn con người dùng tự do của mình để biểu lộ và chứng minh tình yêu, lòng trung tín của mình với Ngài. Có như thế, hình ảnh Thiên Chúa trong mỗi người mới sáng chói, rực rỡ, và mỗi người mới đáng hưởng công nghiệp của mình ở ngày chung thẩm (x. Mt 25,31-46). Không dựng nên con người như những thụ tạo khác không có tự do, ngoài thiên thần, Thiên Chúa muốn con người là những con cái tự do, có toàn quyền nói “có, không” với Thiên Chúa, và giá trị đích thực của con người hệ tại ở trách nhiệm tự do này.

Cũng chính vì có tự do, nên con người có thể bỏ Thiên Chúa nghe theo ma quỷ, khi chúng lân la rủ rê, cám dỗ. Có tự do, nên mới có bi kịch nguyên tổ loài người sa ngã, từ đó, tội lỗi xâm nhập vào thế gian làm con người phải đau khổ và phải chết.

Nhận diện ma quỷ, chúng ta thấy chúng có đủ những đặc tính của tên phỉnh gạt, cám dỗ. Ngoài những đặc tính thuận lợi cho “nghề” cám dỗ, ma quỷ còn giữ lại những khả năng của hữu thể thiêng liêng để củng cố cho công tác cám dỗ này. Những quyền năng thiêng liêng giúp chúng làm mù loà đôi mắt, làm mê hoặc trái tim, làm tăm tối tâm hồn, làm mù loà lý trí, làm mê mệt thân xác, để con người chỉ còn biết vâng dạ, đi theo chúng vào tử lộ.

Trong chương này, chúng ta bóc trần hoạt động và chiến thuật cám dỗ của ma quỷ, bằng cách lật tẩy những mũi nhọn xung kích trong hoạt động mờ ám của chúng trong thế giới loài người:

1. Cám dỗ cá nhân tuyệt vọng

Ma quỷ cám dỗ mỗi người mỗi khác, tùy theo điểm yếu của mỗi người: Người tham lam thì chúng đem của cải, nhà đất, kim cương, hột xoàn, vàng, đôla ra nhử; người ham danh vọng thì đem “danh gia vọng tộc”, bằng cấp, huân chương, tiếng khen, chức tước ra mồi chài; người đam mê nhục dục thì đã có gái đẹp, bia ôm, em út miệt vườn, “massage body” kèm theo khuyến mãi đặc biệt làm mồi câu; người thích hưởng thụ đã sẵn siêu thị, quán xá gần bên với đủ mọi tiện nghi, phương tiện đáp ứng mọi nhu cầu; người say mê thống trị thì đã để sẵn những chức vụ quan trọng, những ghế ngồi lãnh đạo, những cơ hội ăn trên ngồi trước. Ma quỷ đều nghiên cứu lý lịch từng người và bố trí cho mỗi người một chiến thuật riêng, hoàn toàn khác nhau, miễn sao đạt mục đích. Nói tắt một lời: muốn sao chiều vậy, thích gì chiều nấy, miễn sao bỏ Thiên Chúa, và tôn thờ Satan.

Tiến trình của sa ngã luôn bắt đầu bằng những cám dỗ của ma quỷ đẩy đưa con người vào dịp tội, đến những nơi thuận tiện để phạm tội, giao lưu với cơ hội phạm tội, gặp gỡ những người đồng hành, dẫn dắt phạm tội, và một khi bị đưa vào vòng vây “phạm tội” rồi, thì hành động phạm tội không sớm thì muộn sẽ được thực hiện, nếu đương sự không tỉnh thức và khẩn trương tìm cách thoát ra. Ma quỷ chỉ cám dỗ thôi, còn hành vi phạm tội là thuộc tự do của con người, nhưng “chỉ cám dỗ thôi” cũng đã quá đủ để làm con người lao đao, chao đảo trong cơn lốc tội lỗi rồi.

 

Tất cả tiến trình phạm tội đều trải qua một thời kỳ ngây ngất hạnh phúc, ngất ngưởng vinh quang do ma quỷ can thiệp để đánh lừa, nhưng tiếp ngay sau những thăng hoa này là chán chường, đau khổ, vô vị, nhàm chán, trống trải, hoang mang, vô nghĩa. Đây chính là hậu quả không thể tránh của tội lỗi, hệ quả tất yếu của tình trạng không còn Thiên Chúa là sự thật, sự sống, tình yêu.

 vào giai đoạn nhận về “phần thưởng của tội lỗi” và “quà tặng của thần dữ” này, ma quỷ không chỉ làm cho ta đau khổ, cũng không chỉ tìm kiếm những đau khổ của ta, nhưng chúng tìm tình trạng tuyệt vọng của ta: Nghĩa là, chúng đẩy ta đến tình trạng của một tâm hồn hoàn toàn không còn tin Thiên Chúa là tình yêu thương cứu độ, của một trái tim không còn dám nghĩ lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn, cao hơn tội lỗi của mình, và kết quả là chính ta tự gỡ đời mình ra khỏi bàn tay cứu chữa của Thiên Chúa, vì tuyệt vọng cho rằng: Thiên Chúa không thể giải thoát, cứu độ ta.

Chúng cũng dồn lực tấn công tâm hồn người có tội để họ tưởng rằng: ma quỷ vĩ đại hơn Thiên Chúa, và đây thực sự là chiến thắng của ma quỷ, vì Thiên Chúa đã quên con cái của Ngài. Sức mạnh của ma quỷ không phải ở chỗ đánh gục ta, vì chúng không có quyền đụng chạm đến ý chí tự do của ta. Ý chí tự do là của ta, thuộc hoàn toàn về ta, bởi ngay cả Thiên Chúa cũng tôn trọng ý chí tự do đó, vì chính Ngài đã dựng nên ta với ý chí tự do quý báu này, là hình ảnh của chính Ngài.

Quả thực, giây phút phân định thắng bại, quyết định thua - được, chính là lúc con người dùng ý chí tự do để nói “không”, hay nói “có” với Thiên Chúa. Nói có khi tín thác, trông cậy vào tình Ngài bao la; nói không khi bỏ nhà Thiên Chúa ra đi tuyệt vọng, như Giuđa đã bỏ Thầy, bỏ anh em ra đi thắt cổ tự tử. Tuyệt vọng là chối bỏ tình xót thương. Tuyệt vọng là mục đích ma quỷ mong tìm, vì tuyệt vọng là lời từ chối vĩnh viễn ơn cứu độ vốn luôn bao la, dạt dào có sức ngập tràn bao phủ, và cuốn đi tất cả núi đồi tội lỗi.

Như thế, mũi nhọn xung kích thứ nhất của hoạt động cám dỗ loài người nơi ma quỷ chính là làm cho con người tuyệt vọng, không còn tin vào tình thương bao dung của Thiên Chúa, mất hết hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, Đấng không quên bất cứ con cái nào do Ngài đã sinh ra. Tuyệt vọng của con người cũng cột tay Thiên Chúa không cho Ngài cứu con người, bởi “tạo dựng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến, nhưng để cứu chuộc ta, phải có sự đồng ý, đồng tình của ta”, như thánh Augustinô đã nói.

 


2. Cám dỗ gia đình hủy bỏ sự sống

Mũi nhọn xung kích thứ hai của ma quỷ là gia đình, vì gia đình là nền tảng của xã hội, và nhất là gia đình là chiếc nôi của sự sống.

Chân lý quan trọng được mặc khải cho Ápraham, chính là: Thiên Chúa là sự sống, Thiên Chúa của người sống. Ngay từ khi chọn Ápraham làm tổ phụ dân của Ngài, Thiên Chúa đã mặc khải cho ông: Ngài là Thiên Chúa của sự sống, một Thiên Chúa trân quý, gìn giữ, bảo vệ sự sống khi sai thiên thần ngăn cản lưỡi gươm hiến tế đang giáng trên người Isaác, con trai duy nhất của ông (St 22,11-12). Và ông nhận ra: Thiên Chúa của ông tôn thờ không là Thiên Chúa khát máu người, thèm mạng sống con người như những thần ngoại bang, nhưng là Thiên Chúa yêu mến sự sống, và tuyệt đối tôn trọng, gìn giữ sự sống con người.

Vì Thiên Chúa là sự sống, yêu mến sự sống, nên ma quỷ tìm phá hoại sự sống, tiêu diệt sự sống, dù đó mới chỉ là mầm sống vừa được thai nghén trong lòng mẹ. Ma quỷ tự bản chất là chết chóc, diệt vong, nên sự sống với chúng là sự xúc phạm, khiêu khích tột độ. Chính vì thế, gia đình là điểm tấn công quan trọng mà ma quỷ nhắm, để xóa bỏ toàn bộ sự sống. Là kẻ gieo chết chóc, ma quỷ chỉ mong mọi người phải chết. Chúng chủ trương phong trào tiêu diệt sự sống, phát động chiến dịch phá thai, đầu độc giới trẻ bằng tuyên truyền văn hóa sự chết. Ở đó, con người gần gũi, thân thiện với thần chết, và hoạt động chống lại Nguyên Ủy của sự sống, khinh mạn Đấng ban sự sống là Thiên Chúa đời đời hằng sống, Đấng là Khởi Đầu và Tận Cùng của tất cả.

Có những bạn trẻ lý luận thế này khi phá thai: “Thân xác là của tôi, và tôi có toàn quyền trên thân xác này. Có thai hay không có thai, phá thai hay giữ thai, tất cả là do tôi quyết định. Không một lề luật, quyền lực nào dù cao cả, vĩ đại đến đâu có thể chi phối, ảnh huởng, hạn chế tự do của tôi. Trên tất cả, vẫn là tôi, “cái tôi toàn năng, toàn quyền” trên thân xác của chính “cái tôi” này”.

3.  Cám dỗ cộng đồng xã hội ghen ghét, chia rẽ, bất công

Ma quỷ rất sợ con người đoàn kết, cùng ngồi lại với nhau và đồng tâm nhất trí. Chúng còn biết Thiên Chúa ở giữa hai hay ba người khi họ nhân danh Ngài cầu nguyện. Thế nên, ma quỷ luôn gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết, tình thân, và kịch liệt chống những người xây dựng công lý, hòa bình. Là chuyên viên gây chia rẽ, gieo đố kỵ, ma quỷ làm cho xã hội xáo trộn điên đảo vì không ai làm việc được với ai, không ai nghe ai, không ai phục ai, không ai tin ai, không ai yêu thương ai.

 

Để thực hiện mưu đồ phá hoại đoàn kết, an bình của xã hội, ma quỷ chĩa thẳng mũi súng vào công lý, và làm cho bất công lan tràn, hoành hành đời sống xã hội. Ma quỷ khéo khai thác lòng tham vô đáy của con người bằng thúc giục họ tham nhũng, vơ vét của công, tích trữ tiền bạc, bốc hốt, trấn lột người khác dưới mọi hình thức. Xã hội sẽ điên đảo, băng hoại vì không còn công lý, công bằng, và phân phối quyền lợi hợp lý. Người ta không còn nghĩ đến nhau, vì chủ nghĩa ích kỷ thống trị: không còn biết tương trợ nhau, vì chủ nghĩa ki cóp, mánh mung bao trùm: người ta không còn cộng tác được với nhau, vì mọi niềm tin đều bị đốn hạ, kể cả niềm tin ở chính mình. Công lý là nền tảng của hòa bình bị cày bới: an bình là điều kiện của hạnh phúc bị triệt tiêu, chỉ còn lại tham lam, đấu tranh vì quyền lợi riêng tư, gây hấn vì tranh giành bất chính. Tất cả mang đến hỗn loạn toàn diện.

Ma quỷ có tài chia rẽ. Nó cũng có tài khiêu khích, kiếm chuyện. Vì thế, ở đâu có ma quỷ, ở đó có giành giật, bất công, xáo trộn. Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa sẽ là một xã hội bất hạnh, khi mọi người trở nên hỏa ngục cho nhau, vì ở đó công lý và hòa bình không ôm nhau nhảy muá. Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa là tình yêu, người ta sẽ chỉ thấy chiến tranh, bạo lực và sợ hãi bao trùm đời sống, vì chỉ duy nhất Bình An của Đức Giêsu mới là Bình An thật, quà tặng của Thiên Chúa, mà thế gian không ban được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa: “Thầy để bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Và hệ quả tất yếu của một xã hội không công lý, không công bằng sẽ là sự bành trướng của nền văn minh mánh mung, bạo lực, ở đó con người trở thành lang sói của nhau.

4. Cám dỗ giới trẻ lao mình vào vật chất

Không ai mạnh bằng trẻ, khỏe bằng trẻ, năng nổ bằng trẻ, hy sinh bằng trẻ, và trẻ là tương lai của nhân loại, ngày mai của thế giới. Cũng vì tầm quan trọng của người trẻ, mà ma quỷ tìm cách nắm giữ người trẻ trong tay chúng. Trẻ thì nhiều tham vọng, ma quỷ khích tham vọng trở thành kiêu căng bất chính. Trẻ nhiều nghị lực, ma quỷ ranh mãnh lái nghị lực xây dựng trệch sang hướng phá hoại. Trẻ nhiệt tình, nhiệt huyết, ma quỷ đem nhiệt huyết, nhiệt tình của người trẻ vào mục đích hưởng thụ, sa đọa. Trẻ nhiều sáng kiến, ma quỷ mở ra cho người trẻ kỷ nguyên mới với vô vàn nhu cầu vật chất. Trẻ chân thành, ma quỷ đầu tư lòng thành thật của trẻ vào một niềm tin giả hiệu, căn cứ ở những gì thấy được, nghe được, sờ mó, kiểm chứng được: nghĩa là một niềm tin “không tin”, niềm tin trá hình, vô nghĩa, phi lý tột cùng.

Tóm lại, đường ma quỷ dắt người trẻ bước vào là tử lộ vật chất, ở đó vật chất là lý tưởng của người trẻ, mục đích tối thượng của người trẻ, lẽ sống duy nhất của người trẻ, phương tiện sinh hoạt của người trẻ. Vật chất trở thành Thiên Chúa của người trẻ, và người trẻ tự nguyện thay thế niềm tin tôn giáo chính danh, đích thực của mình bằng chủ nghĩa tôn thờ vật chất. Người trẻ bị đầu độc qua truyền thông, qua đời sống ngày càng nhiều nhu cầu vật chất, đến một lúc, người trẻ không còn nhận ra sự khác biệt giữa mình và vật chất, nói cách khác, người trẻ không thể sống được nếu thiếu vật chất, và chỉ vật chất mà thôi. Tinh thần không còn chỗ đứng trong đời sống người trẻ, và khi vật chất lộ nguyên bản chất, và giới hạn “phải tan biến, hư hao, héo tàn” của nó, người trẻ mới thực sự hụt hẫng, chới với, sụp đổ.

Ma quỷ thành công khi người trẻ liều lĩnh với cuộc chơi mạo hiểm tìm vật chất, bởi cuối đường hầm, ở phút chót cuộc chơi, người trẻ sẽ chẳng còn gì, vì những chóng vánh tiêu tan, nhất thời tồn tại, mong manh hiện hữu của tất cả những gì là vật chất, thuộc thế giới vật chất chóng tàn, mau qua, trong đó có chính bản thân đã quen vật chất, và xa lạ tinh thần.

5.   Cám dỗ tín hữu nghi ngờ bản tính Thiên Chúa và nhân loại của Đức Giêsu và Thánh Giá của Ngài

Tín hữu là đối tượng số một cần chống phá, bởi những người này thuộc về Đức Giêsu, nên đánh phá được họ, kết quả sẽ được nhân lên nhiều lần, và ảnh hưởng sẽ mau chóng bao trùm, lan rộng.

Ma quỷ cám dỗ tín hữu về ba nhân đức đối thân: Tin, Cậy, Mến, bằng cách làm cho người tín hữu nghi ngờ thiên tính của Đức Giêsu, hoặc hoài nghi bản tính nhân loại của Ngài. Chối bỏ một trong hai đều đưa đến phủ nhận Đức Giêsu, từ khước Đức Giêsu, xé đôi Đức Giêsu, vì Ngài là “Thiên Chúa làm người” chứ không chỉ là Thiên Chúa, hay chỉ là người. Là người và là Thiên Chúa, đó là niềm tin căn bản của người tín hữu ở Đức Giêsu, và đó cũng là yếu điểm ma quỷ không ngừng tấn công nơi những người đi theo Đức Giêsu.

Ma quỷ ma mãnh dùng lý luận lịch sử để chứng minh Đức Giêsu chỉ là con người xuất chúng, một ngôn sứ như bao ngôn sứ khác: Satan cũng khôn khéo vẽ ra một thiên chúa không cần phải “làm người” để cứu con người, bởi tin một Thiên Chúa làm người căn bản là một điều không thể lý giải, đúng hơn là phi lý. Mánh lới của Satan là lấy đi ý niệm mầu nhiệm, và loại bỏ những gì thần thiêng trong thực tại Thiên Chúa.

Đã có những người Kitô hữu chao đảo, hoang mang khi giáp mặt với những giáo thuyết phủ nhận một phần, bán phần hay toàn phần Đức Giêsu. Ngài bị phân năm xẻ bảy để không ai còn nhận ra Ngài là “Thiên Chúa làm người”. Đây là độc chiêu của ma quỷ đánh người đi theo Đức Giêsu, khi đặt lại sự có mặt của Đức Giêsu trong lịch sử nhân loại và mổ xẻ, giải phẫu Ngài như xét nghiệm tử thi dưới lưỡi dao, mũi kéo khoa học.

Mầu nhiệm Thánh Giá cũng là điều ma quỷ muốn người tín hữu bỏ ra ngoài công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, để công cuộc cứu chuộc của Ngài không còn là cuộc chịu nạn, chịu chết, và đương nhiên không có sống lại, là then chốt của công trình cứu thế, bởi Thiên Chúa đã “dùng thánh giá, khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Ngài” để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Một khi loại bỏ Thánh Giá, Đức Giêsu sẽ không còn là của lễ hiến tế chuộc tội, và sự có mặt của Ngài trên trần gian sẽ chẳng còn ý nghĩa cứu độ nào. Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu sở dĩ là tin vui, tin hạnh phúc, tin hoan lạc, vì tin ấy là tin được loan báo từ cuộc tử nạn của Ngài. Chính trong cuộc thương khó, và chịu chết này, Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ, tội lỗi, hỏa ngục, và bằng Thánh Giá, Ngài đã đánh bại thần dữ Satan và phá hủy vương quốc gian ác, tội lỗi của hắn.

Có nhiều khuynh hướng muốn thay thế tượng chịu nạn bằng những tượng khác vui hơn, dễ đón nhận hơn, nhất là để bớt màu sắc thê lương, thảm hại, sầu buồn. Chủ trương này không chỉ tháo gỡ cây Thánh Giá, mà còn giảm thiểu giá trị của mầu nhiệm cứu chuộc. Người ta quên rằng: Thánh Giá là phương tiện Thiên Chúa chọn để tỏ tình yêu tuyệt đối và đến cùng của Ngài đối với con người: Thánh Giá cũng là cách tốt nhất để chuộc lại kiêu căng, phản nghịch, bất tuân của nguyên tổ và mọi người, là bằng chứng của một tình yêu hy sinh, tận hiến cho người mình yêu.

Vì không hiểu được sự khôn ngoan cao siêu của mầu nhiệm Thánh Giá, người thời nay cũng không khác những người đồng thời với các tông đồ muốn nhổ bỏ cây Thánh Giá trong cuộc đời họ, và coi Thánh Giá là một điều đáng ghê tởm, phải tránh xa, như thánh Phaolô đã mô tả:

“Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để Thập Giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại chẳng để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,17-31).

Chúng ta cần biết: ma quỷ rất mong bứng gốc cây Thánh Giá trong xã hội loài người. Nhiều xã hội vô thần đã làm mọi cách để Thánh Giá không ai còn thấy và tôn kính Thánh Giá. Thực tế không biết người ta sợ hay khinh chê Thánh Giá? Không lẽ cả hai.

Bên cạnh đó là phong trào đánh phá Phêrô, và các đấng kế vị. Ma quỷ ý thức: Giáo hội là thành trì vững chắc ngăn cản, và vô hiệu hóa những hoạt động tăm tối của chúng. Vì thế, triệt hạ Giáo hội luôn là mục tiêu hàng đầu. Cụ thể là Đức Giáo hoàng, hàng Giáo phẩm, các Linh mục, tu sĩ nam nữ, là những đối thủ không thể đội trời chung. Chúng đánh phá bằng bêu rếu, vu oan, bôi bác, khai thác đời tư, bóp méo sự thật, cắt xén điều các vị viết và nói. Nhưng có lẽ, công tác quan trọng nhất của ma quỷ chính là phân hóa, chia rẽ hàng ngũ những người hiến thân theo Đức Giêsu, bởi chúng biết: Không gì phá Giáo hội hữu hiệu hơn là làm cho người của Giáo hội trở thành đối thủ, địch thù của nhau. Ma quỷ biết rất rõ điều Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ của Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35), và “Ai không yêu thương, người ấy không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

Thực vậy, Giáo hội không ngừng bị thần dữ tấn công, và trải dài theo dòng lịch sử, Giáo hội luôn là điểm nhắm của quyền lực Satan. Chúng làm tất cả những gì có thể để tảng đá Phêrô là Giáo hội phải lung lay, nhưng quyền lực của bóng tối sẽ không bao giờ thắng được, vì Giáo hội có Đức Giêsu: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18)

Tóm lại, ở đâu có con người ở đó có ma quỷ, vì ma quỷ mải mê tìm kiếm, và cám dỗ con người sa đọa, kiêu căng, phản nghịch, chống lại Thiên Chúa. Con người là đối tượng cám dỗ của ma quỷ. Chúng ghen tức với con người, cần con người sa ngã, phạm tội để mất hạnh phúc đời đời, và bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục như chúng: Trái ngược với Đức Giêsu, Ngài đến để yêu thương, cứu chữa, và ban cho con người sự sống đời đời, hạnh phúc đời đời trong vương quốc bình an của Thiên Chúa. Ghen tuông, gian dối, chia rẽ, bạo lực là đặc tính của ma quỷ, và cũng là sở trường hoạt động của chúng. Tuy hoạt động toàn bộ trong thế giới loài người, nhưng ma quỷ cũng nhắm những mũi nhọn mang tính chiến lược để tấn công, xung kích cho mục đích sau cùng là một thế giới hoàn toàn hư hỏng, bất hạnh đời đời, vì trụy lạc, kiêu căng, phản nghịch Thiên Chúa.