Pages - Menu

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Chương 5 : Một số hiệp hội và phong trào phò Satan, chống phá Đức Giêsu

 

Chống phá Đức Giêsu và công cuộc cứu rỗi toàn thể nhân loại là lẽ sống, lý do tồn tại của ma quỷ trong thế giới. Cùng lúc chống phá Đức Giêsu, chúng tìm tiêu diệt con người, vì Đức Giêsu là Đấng Cúu Độ mọi người.

Như thế, điều chúng ta phải nằm lòng và đừng bao giờ lãng quên, đó là mục tiêu của ma quỷ là đem lại sự chết, và bất hạnh đời đời cho chúng ta. Cũng vì lầm tưởng ma quỷ sẽ giúp ta thành công, tiếp tay xây dựng hạnh phúc, mà nhiều người đã chạy theo chúng. Có thể chúng làm cho đời ta “lên” trong một thời gian, “bốc” trong một thời điểm, hoặc có khi chúng cho ta cả đời thịnh đạt, nhưng kết quả sau cùng, thành quả chung kết vẫn luôn là tội lỗi, tai ương, hình phạt đời đời ở chốn chỉ có lửa hận thù, khóc lóc và nghiến răng.

Một số người bị ma quỷ lừa phỉnh đã trao gửi trọn vẹn thân xác, linh hồn cho chúng. Những người này quy tụ lại với nhau dưới sự hướng dẫn của chính Satan để cùng nhau làm công việc chống phá Đức Giêsu, phá hoại Giáo hội của Ngài hầu cướp khỏi tay Ngài, khỏi nhà Giáo hội các linh hồn đang cần được cứu rỗi.

1. Hội Tam Điểm

a. Nguồn gốc

Nhiều người gọi Hội Tam Điểm là hội kín, vì thấy họ rất kín đáo, dè dặt với người khác, và chỉ hoạt động rất êm nhẹ, nếu không nói là bí mật. Thực ra, hôm nay Tam Điểm không còn quá kín như ngày xưa, vì ngày xưa, chính quyền và giáo quyền còn nhiều quyền trên cá nhân, nên những thành viên Hội Tam Điểm còn e ngại, nhưng nay với phong trào tự do cá nhân, tự do tin và không tin, tự do sinh hoạt hội đoàn, người ta không còn ngần ngại công khai hóa sinh hoạt vốn từ lâu vẫn được duy trì trong vòng liên đới khép kín.

Tên gọi Tam Điểm là tên gọi Việt Nam muốn nhấn mạnh ba điểm lớn trong chủ trương của họ, đó là: Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ, lấy từ lý tưởng của Cách mạng Pháp năm 1789, hoặc cuộc Cách mạng Pháp lấy lý tưởng này từ Tam Điểm? Tên chính của Hội tiếng Pháp là Franc Maçonnerie, tiếng Anh là Free Masonry.

Nguồn gốc sâu xa của Hội Tam Điểm bắt nguồn từ phong trào đòi tự do của công nhân xây dựng các nhà thờ xuất xứ từ Lombardia vào thế kỷ thứ VIII, bành trướng mạnh ở Âu châu vào thế kỷ XI và XII. Các hội viên kết ước với nhau phải giữ kín bí mật nghề nghiệp, từ đó dẫn đến việc hình thành “hội kín thợ xây dựng”. Những hội viên nhất trí giữ bí mật cho nhau, bằng ám hiệu ba dấu chấm ở chữ ký. Đây cũng là lý do mà người ta gọi họ là những người Tam Điểm. Họ cũng dùng hình tam giác ba cạnh đều nhau, thước “êke, compa” như dấu hiệu của Hội.

Để bành trướng, Hội cố xây dựng cho mình một huyền thoại, bằng tự bao phủ mình bởi một màn che bí mật: Càng bí mật, càng hấp dẫn; càng bí mật, càng cho người khác cảm tưởng họ là những bậc siêu phàm, vượt xa thiên hạ; càng bí mật, càng tạo giá trị, và tò mò. Nhờ thế, tuy bị coi là hội kín đáng nghi ngờ, hội viên Tam Điểm vẫn có được một sự ngưỡng mộ nào đó của nhiều người, nhờ may được cho mình chiếc áo kỳ bí, huyền thoại..

Năm 1015, huynh đoàn Tam Điểm đầu tiên được chính thức thành lập tại Strasbourg, Pháp quốc.

Thời Phục hưng, ở Âu châu là thời Hội Tam Điểm bành trướng mạnh trong giới quyền quý, len lỏi sâu trong hoàng gia, giới quý tộc và tạo được tiếng nói có ảnh hưởng không nhỏ trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội, kể cả tôn giáo.

Ngày 24 tháng 6 năm 1717, Hội Tam Điểm được khai sinh chính thức ở Anh quốc, và vài năm sau, James Anderson đã viết cuốn “Điều lệ của Hội” mà người Tam Điểm trân trọng như sách thánh. Cuốn điều lệ quy định chi tiết tổ chức của Hội Tam Điểm. Từ đây, Tam Điểm chính thức là một hội lớn có đường lối, kỷ luật, điều lệ, quy định rõ ràng. Cũng từ thời điểm này, Tam Điểm phát triển mạnh khắp Âu châu, và lan nhanh đến các quốc gia khác. Đến nay thì Tam Điểm có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới.

Để được nhận làm hội viên, Tam Điểm cũng đặt ra những giai đoạn phải trải qua, và những điều kiện phải đáp ứng như phải có hội viên bảo lãnh, giới thiệu, phải tình nguyện đóng góp vật chất cho sinh hoạt của Hội, phải tuyệt đối giữ bí mật sinh hoạt và thông tin nội bộ, phải tuân phục cấp trên, phải chu toàn bổn phận được trao, phải trung thành với tổ chức.

Họ tổ chức thành từng “loge”, chi hội, mà người viết xin được dùng chữ “Huynh Đoàn” cho dễ hiểu. Nhiều huynh đoàn địa phương hợp thành huynh đoàn miền. Họ hội họp thường xuyên trong nhà họp riêng của Hội để học hỏi, nghe thuyết trình, chia sẻ những đề tài được cấp trên chọn và hướng dẫn, thường là những đề tài liên quan đến xã hội, chính trị như những chuẩn bị cần thiết cho hội viên hành động sau đó với mục đích khống chế, và điều khiển mọi sinh hoạt của cộng đồng. Họ hay mời những nhân vật nổi tiếng, những người có chức vụ lớn trong xã hội đến diễn thuyết, trình bày quan điểm. Tam Điểm rất nổi bật trong nghệ thuật chiêu dụ những “tai to mặt lớn” trong xã hội.

Về con số hội viên Tam Điểm, đó là một bí mật, vì họ không bao giờ công bố hay có một danh sách chính thức của hội viên. Nhưng một điều chắc chắn là hội viên Tam Điểm không ít, và có mặt trong hầu hết mọi lãnh vực, thành phần, hàng ngũ, ngay cả trong hàng ngũ tín hữu Công giáo.

b. Chủ trương của Tam Điểm

Chủ trương của Tam Điểm là “xây dựng một toà nhà lý tưởng cho nhân loại, và tái lập một trật tự thế giới mới”.

Xây dựng một tòa nhà lý tưởng cho nhân loại, tức khẳng định: Nhân loại đã được tạo dựng, và đang tồn tại là một nhân loại còn nhiều thiếu sót. Và bằng một cách nói tế nhị, Tam Điểm nhận mình là người sẽ tái thiết, xây dựng lại thế giới nhân loại này: một trách nhiệm thật cao cả, vất vả, và khó khăn.

Tâm lý thợ nề, thợ xây khiến họ quay quắt với thế giới loài người còn nhiều việc phải làm, nhiều công trình nhân loại còn dang dở. Những quay quắt đó tự thân rất đúng và đầy ý nghĩa nhân bản, nhưng khi quay quắt không dừng ở tiếp tay, tiếp sức xây dựng, mà đi xa, quá xa đến kiêu căng, ngạo mạn với tham vọng thay Trời làm lại tất cả, thì quả thực quay quắt ấy không còn mang tính nhân bản nữa.

Nghiên cứu Tam Điểm, chúng ta đừng hời hợt, ngây thơ, mê mãn ngưỡng mộ những đường hướng như đổi mới xã hội, thăng tiến con người, bảo vệ nhân quyền, xây dựng tự do, mà quên rằng cốt lõi của những chủ trương, động lực của những hoạt động Tam Điểm là muốn xóa bỏ chỗ đứng của Thiên Chúa.

Khôn khéo, tinh vi hơn các tổ chức triệt hạ Thiên Chúa khác, Tam Điểm không để lộ ý đồ vô thần của họ, bằng cách đặt Thiên Chúa là “kiến trúc sư tuyệt vời”, và họ là những kiến trúc sư nối nghiệp trong công trình xây dựng thế giới.

Mới nghe qua, chúng ta dễ tin rằng: họ là người hữu thần, vẫn tôn thờ Thiên Chúa khi cho Ngài danh dự “Kiến trúc sư số một”. Thực ra, Tam Điểm đã truất phế Thiên Chúa khỏi vị thế Chủ Tạo, Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa yêu thương, Cứu Độ của loài người, khi đóng khung Ngài vào một lồng kính “kiến trúc sư”. Truất phế Thiên Chúa khỏi chỗ đứng là Cha, là Đấng Cứu Độ, Tam Điểm đã loại bỏ nhanh chóng và gọn nhẹ Thiên Chúa của Đức Giêsu, một Thiên Chúa đã được mặc khải trong Tân ước, qua chính miệng Đức Giêsu. Thiên Chúa của Đức Giêsu ấy không là thiên chúa “kiến trúc sư”, nhưng là Cha giàu lòng yêu thương, khoan nhân, thương xót, quan phòng, cứu độ.

Đây là đòn thâm độc vô cùng lợi hại của Tam Điểm trong công cuộc tàn phá đức tin Kitô giáo, khi giảm thiểu vai trò của Thiên Chúa trong thế giới, và với loài người. Chỉ còn là một kiến trúc sư tài tình, Thiên Chúa chỉ là một bàn tay đóng góp cho tạo dựng, một công trình đã hoàn tất, cần được đóng sổ, sang trang, quên đi. Bản chất vô thần của Tam Điểm rất tinh vi, khó mà nhận ra đối với những người vẫn vương vấn, lưu luyến đức tin Kitô giáo, nhưng đồng thời mon men muốn trở thành hội viên Tam Điểm. Chính vì không nhận ra, những người này, vì tin vị thế Kiến Trúc sư tuyệt vời, tối thượng của Thiên Chúa đã đủ bảo đảm tính hữu thần của Tam Điểm, nên đã nhẹ dạ xin gia nhập Tam Điểm, một tổ chức của Satan.

Tại sao chúng ta gọi Tam Điểm là tổ chức của Satan, do Satan điều khiển, giật dây?

Bởi Tam Điểm hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa của Đức Giêsu, và khi chối bỏ Thiên Chúa, họ chối bỏ Đức Giêsu, chối bỏ Giáo hội của Ngài, và chối bỏ toàn bộ Tin mừng cứu độ. Cần nhắc lại một điều quan trọng, đó là vai trò của “Kiến Trúc sư số một” theo Tam Điểm đã hoàn toàn chấm dứt, không còn ảnh hưởng, không thể tiếp tục can thiệp trong thế giới, vũ trụ. Nói cách khác, Thiên Chúa đã chết với công trình sáng tạo, và giấy khai tử của Ngài là ngày khai sinh của nhân loại ánh sáng với “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ”.

Vì chối bỏ Thiên Chúa, nên Hội Tam Điểm có mục tiêu rõ ràng là đánh phá Giáo hội của Ngài bằng đẩy Giáo hội ra khỏi mọi sinh hoạt của con người, xóa bỏ sự hiện diện mang tính hướng dẫn của Giáo hội trong mọi lãnh vực, giảm thiểu ảnh hưởng của Tin mừng trong đời sống. Tam Điểm cố gắng làm nhạt nhòa khuôn mặt của Đức Giêsu, phai mờ hiến chương Nước Trời, tẩy xóa khỏi lòng người điều răn mới Yêu Thương của Phúc âm: Đồng thời làm mất uy tín Đức Giáo hoàng, các Giám mục, và bôi bác công việc mục vụ của hàng giáo sĩ, đời sống hoạt động tông đồ và chiêm niệm của tu sĩ, sự dấn thân cho Nước Trời của giáo dân. Bằng tất cả mọi phương tiện, và ảnh hưởng trong mọi tầng lớp xã hội, nhất là ở cấp độ lãnh đạo có quyền lập chính sách, thay đổi luật pháp, hủy bỏ truyền thống, phong tục, Tam Điểm tìm cách bứng rễ cây Thánh giá mang lại ơn cứu độ, và các bí tích, lễ nghi phụng vụ là phương tiện kín múc nguồn sống thiêng liêng. Nói tắt một lời, Tam Điểm là vô thần, và kiên quyết chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, khử trừ Đức Giêsu khỏi tâm hồn mọi người.

Như thế, để xây dựng một tòa nhà nhân loại theo lý tưởng của Tam Điểm, người ta phải bắt đầu đặt nền móng bằng khai tử Thiên Chúa, xóa tên Giáo hội của Đức Giêsu là thành trì bảo vệ chân lý đức tin, và là nơi kín múc mọi ân sủng. Đặt được nền móng vô thần rồi, Tam Điểm mới xây được tòa nhà như họ muốn.

Tòa nhà nhân loại mà Tam Điểm ước mơ và cố thực hiện là tòa nhà có Satan độc quyền, bá chủ nhân loại, khi Thiên Chúa không còn, và cùng với Satan, hội viên Tam Điểm lãnh đạo, điều khiển thế giới.

Khi nuôi tham vọng xây lại tòa nhà lý tưởng cho nhân loại, Tam Điểm học theo Satan kiêu căng, ngạo mạn, muốn bằng Thiên Chúa. Họ thực sự là cánh tay nối dài của Satan, cánh tay nối dài rất văn minh, hiện đại, có khả năng len lỏi vào mọi ngõ ngách sinh hoạt của thế giới loài người để chống lại Đức Giêsu, theo chương trình phá hoại các linh hồn của Satan và bè lũ. Và theo họ, lý tưởng của một thế giới mới là Tự Do, hiểu theo nghĩa ai muốn làm gì thì làm, và không một quyền lực nào, dù từ Thiên Chúa có quyền ngăn cản, hạn chế: Bình Đẳng, nghĩa là ai cũng như ai, không quyền bính, không phẩm trật và Giáo hội là pháo đài quyền bính, phẩm trật điển hình cần phải triệt hạ: Huynh Đệ khi loài người đủ cho loài người, con người lo được cho con người, nhân loại tự giải quyết được những vấn đề của nhân loại, mà không cần đến Thiên Chúa, không cần tìm sự trợ giúp, chở che, quan phòng của bất cứ Đấng Thiêng Liêng, Toàn Năng nào.

Phần hai chủ trương của Tam Điểm là “tái lập một trật tự thế giới mới”. Tái lập trật tự mới, tức phải hủy bỏ trật tự cũ, trật tự đang có, mà trật tự đang có, theo quan điểm của Tam Điểm, chính là trật tự của Tin mừng. Ở đó, Thiên Chúa là Chúa, là Cha, là Đấng Cứu Độ, và loài người là con cái Thiên Chúa, và anh em của nhau.

Một cách cụ thể, Tam Điểm, dưới sự hướng dẫn, và bảo kê của Satan không bao giờ chấp nhận trật tự có Đức Giêsu


 

 

là trung tâm của lịch sử, trật tự có Đức Giêsu là mục đích, là “Trưởng Tử trong các thụ tạo” (Cl 1,15), trật tự mà ở đó tất cả đều quy về duy nhất một mình Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Trong trật tự này, mọi sự được tạo dựng nhờ Đức Giêsu, và đang trông đợi Đức Giêsu ngự đến: cũng như “nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

Nếu nhìn mọi sự và lịch sử nhân loại trong ánh sáng của đức tin, chúng ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi sự “nhờ Đức Giêsu và hướng về Đức Giêsu”. Vì thế, Satan, tên Cám dỗ, tên Tố cáo tồi tệ đã du nhập sự dữ, tội lỗi, sự chết vào thế gian khi cám dỗ loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa. Cũng chính trong bối cảnh cứu vớt con người đã sa ngã, và chuộc lại ân tình đã mất vì phản nghịch, mà chúng ta nhìn ra công trình khôi phục lại kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, kế hoạch mà Đức Giêsu đã thực hiện nhờ giá máu của Ngài.

Tóm lại, Tam Điểm theo lệnh của ma quỷ phải đập tan trung tâm lịch sử là Đức Giêsu, và làm lại một trật tự mới theo kiểu Satan, ở đó Đức Giêsu bị xóa tên, Giáo hội của Ngài không được hoạt động, và thủ lãnh của loài người sẽ là Satan.

Trật tự mới của một thế giới không có Thiên Chúa, mà chỉ có ngẫu nhiên, tình cờ đã làm nên vũ trụ và con người; một thế giới không có Thiên Chúa, ở đó con người vừa là chủ tế, vừa là bầy tôi vừa là người thống trị; vừa là kẻ bị trị, vừa là chủ vừa là nô; vừa là mục đích vừa là phương tiện; vừa là khởi điểm vừa là cùng đích. Trong trật tự mới chỉ có con người, và không có Thiên Chúa này, cái tôi hữu hạn cứ tưởng mình vô hạn, cái tôi tầm thường cứ nghĩ mình phi thường, cái tôi yếu đuối cứ mơ mình vĩ đại, cái tôi cát bụi cứ cao ngạo cho mình là thượng đế. Một thế giới với trật tự mới nhưng ảo, vì tất cả đều đặt trên và quy về con người vốn dĩ là thụ tạo bất toàn, hữu hạn, yếu đuối, mong manh. Một thế giới với trật tự mới nhưng viển vông, vì con người làm sao chắp nổi đôi cánh để bay lên cao hơn kiếp người vốn dĩ tầm thường, được tạo nên từ đất. Một thế giới mới nhưng mơ hồ, vì đã có ai biết được ngày mai mình sẽ ra sao, khi nào mình chết, chết rồi đi đâu.

Tam Điểm đòi cho bằng được trật tự mới này, và kiêu hãnh cho rằng: chính họ sẽ thực hiện trật tự mới không có Thiên Chúa đó. Bằng mọi nỗ lực của loài người có sự trợ giúp của Satan, Tam Điểm liên kết mọi lực lượng chống phá Đức Giêsu, và huy động tất cả những cảm tình viên, những người không thiện cảm với Giáo hội để làm thành một làn sóng cuốn trôi thành trì đức tin là Giáo hội. Trật tự cũ, dưới mắt hội viên Tam Điểm chính là Giáo hội, với cơ cấu, trật tự của Tin mừng. Tin mừng là một trật tự cứu độ, một trật tự được xây dựng trên lòng hiếu thảo, biết ơn của con người đối với Thiên Chúa, và tình yêu thương, tha thứ dành cho anh em đồng loại. Nền tảng tình yêu của trật tự Tin mừng được bảo đảm bởi chính Thiên Chúa là Tình Yêu, và từ Tình Yêu Thiên Chúa, mọi niềm vui, bình an, hạnh phúc được phát sinh.

Khi chủ trương đánh phá Giáo hội là trật tự của Tin mừng, Satan mượn tay Tam Điểm và những hội kín, hở khác làm lung lay, xáo trộn trật tự đã được chính Đức Giêsu xây dựng cho vương quốc Tình Yêu của Ngài.

Như thế, tận căn bản của chủ trương, Tam Điểm là một hội phục vụ Satan, làm theo chỉ thị của Satan để chống phá Đức Giêsu, trung tâm của lịch sử, và phá đổ trật tự của Tin mừng đã được Đức Giêsu loan báo và thực hiện qua Giáo hội của Ngài. Tính cách bí mật, kín kín hở hở của Tam Điểm đã tạo nhiều huyền thoại có lợi cho ma quỷ, những huyền thoại này đã mê hoặc nhiều người, đánh lừa nhiều người, và nhiều người đã mắc bẫy Tam Điểm, vì cứ ngỡ đó chỉ là một hội có tính khoa học, một tổ chức thăng tiến con người, một đoàn thể nỗ lực bảo vệ nhân quyền, một đường lối vị nhân sinh. Vỏ bọc hoàn hảo của Tam Điểm đã tiếp tay cho Satan thực hiện hữu hiệu mục tiêu của chúng: đánh phá Giáo hội, xóa tên Đức Giêsu trong lịch sử và trong tâm hồn mọi người.

c. Phương án hoạt động của Tam Điểm

Xâm nhập, len lỏi vào mọi cơ cấu, tầng lớp, lãnh vực của đời sống

Phương án đầu tiên Tam Điểm dùng chính là phải tìm mọi cách để có mặt trong mọi sinh hoạt xã hội. Cụ thể là đặt người, cấy người, trồng người Tam Điểm trong mọi cơ cấu, tổ chức, hàng ngũ, lãnh vực để nắm vững tình hình, và ảnh hưởng trên mọi quyết định liên quan đến sinh hoạt của cộng đồng nhân loại. Trong lãnh vực chính trị, hội viên Tam Điểm phải len lỏi vào quốc hội, chính phủ để tham dự vào những quyết định liên quan đến quốc gia, làm sao cho các quyết định đó bị uốn theo đường hướng của Tam Điểm.

Hội viên Tam Điểm có nhiệm vụ kín đáo tạo mọi điều kiện để tiến cử các hội viên khác vào các cơ sở quan trọng có khả năng và quyền lực quyết định những công việc hệ trọng của xã hội. Điểm nhấn của tình Huynh Đệ Tam Điểm hệ tại ở công tác “đưa người, luồn người” vào các cơ quan, cơ sở, cơ chế, cơ cấu này.

Gieo rắc khuynh hưóng Tự Nhiên vô đạo, và Tương Đối thuyết

 

Tam Điểm là vô thần, và chủ trương tất cả là tự nhiên: Tự nhiên có, tự nhiên mất. Vì thế, không có Thiên Chúa nào hết, chỉ có con người là Thiên Chúa của mình, hay đúng hơn Thiên Chúa là con người, nên phải tức khắc chà đạp tất cả việc sùng bái, tôn thờ Thiên Chúa của Kitô giáo, mở màn cho một kỷ nguyên tôn thờ vẻ đẹp nơi con người.

Như thế, Tam Điểm tự cho mình là một tôn giáo Tự Nhiên, phát huy những gì tự nhiên, ngưỡng mộ tự nhiên, và tất nhiên từ chối và xóa bỏ những gì thuộc siêu nhiên để làm một thời đại mới rất tự nhiên.

Để củng cố khuynh hướng Tự Nhiên, Tam Điểm cổ vũ thuyết Tương Đối, nghĩa là: không có gì tuyệt đối, không có gì là không thể thay đổi, thay thế. Thiên Chúa trong trường hợp này là đối tượng bị loại đầu tiên vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thánh thiện, tuyệt đối chân thực, tuyệt đối tốt đẹp, tuyệt đối yêu thương, tuyệt đối toàn năng, tuyệt đối trung tín. Thuyết Tương Đối đặt tất cả trong một trạng thái vô thường, không bền vững, không ổn định, và hệ luận là không có gì là đời đời, vĩnh cửu.

Tôn giáo vì thế đối với Tam Điểm không có giá trị gì, vì Tự Nhiên thuyết và Tương Đối thuyết đã ngang nhiên loại bỏ mọi ý niệm về tuyệt đối, thánh thiêng, tạo dựng là những ý niệm căn bản của tôn giáo.

Phá hủy mọi quyền bính, phẩm trật, nhất là trật tự luân lý trong gia đình và tôn giáo

Vì chủ trương tự do, Tam Điểm không chấp nhận bất cứ trật tự luân lý nào, dù đó là luân lý gia đình, nhưng chủ trương san bằng mọi đẳng cấp quyền bính, phẩm trật trách nhiệm. Một trật tự mới sẽ được tái lập đặt trên nền tảng vô thần, và tham vọng thống trị thế giới.

Loại bỏ mọi ý niệm thần thiêng, mầu nhiệm và ý thức về tội lỗi

Tam Điểm mong lập một trật tự mới đặt trên nền tảng Tự Nhiên, nghĩa là dựa hẳn vào lý trí của con người, mà không cần đến bất cứ một can thiệp, bàn tay nào của thần thánh từ trên cao. Phủ nhận Thiên Chúa trong đời sống con người, Tam Điểm cố gột rửa mọi ý niệm về Thiên Chúa, tội lỗi và mầu nhiệm. Họ nghĩ rằng: khôn ngoan của trí tuệ con người đã quá đủ để mang lại hạnh phúc viên mãn cho con người, mà Tam Điểm là những người có khôn ngoan đó, như những người tiên phong của nhân loại mới.

Tóm lại, phương án của Tam Điểm rất “trí thức, tế vi, sâu sắc”, nên không để lộ một cách quá thô thiển, và lố bịch chủ trương vô thần. Họ khéo dùng những cách thức bề ngoài rất nhân bản, để che giấu mục đích tôn thờ con người, đúng hơn là chính họ và báng bổ Thiên Chúa, Giáo hội.


Mục đích “tôn thờ con người”, thoạt nghe, ai cũng tưởng nhân bản, vị nhân sinh, phục vụ con người, tranh đấu cho nhân quyền cách chính đáng, nhưng thực chất là hạ thấp con người, chà đạp con người vì lấy khỏi con người một trời mầu nhiệm, thánh thiêng, cướp con người khỏi vòng tay âu yếm, chở che của Thiên Chúa, và biến con người thành những đứa mồ côi đói rách, mất quân bình.

Tuy thế, không mấy người đủ nhạy bén để khám phá mục đích phi nhân của Tam Điểm ngay những phút đầu, và nhiều người, kể cả người Công giáo cũng dành cho Tam Điểm cảm tình và coi Tam Điểm chỉ là một hội trí thức, nhân bản, không có gì đáng ngại, và có thể giao lưu, gia nhập. Đó là lý do làm cho nhiều người Công giáo đã trở thành hội viên của Tam Điểm.

d. Giáo quyền và Tam Điểm

Giáo hội Công giáo khẳng định: Tam Điểm là tổ chức vô thần có mục đích chống phá Đức Giêsu và Giáo hội của Ngài. Đó là cánh tay nối dài của Satan, là lực lượng của ma quỷ. Chính vì thế, sẽ không bao giờ có hợp tác, hòa hoãn, thương lượng giữa Công giáo và Tam Điểm. Lập trường này rất dứt khoát, và nhiều Đức Giáo hoàng đã lên án, cùng ra vạ tuyệt thông cho những tín hữu gia nhập hội Tam Điểm:

    Đức Giáo hoàng Clêmentê XII, ngày 28.4.1738 với tông hiến “In Eminenti” đã kết án hội Tam Điểm và ra vạ tuyệt thông cho những ai gia nhập hội vô thần này.

    Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XIV lên án Tam Điểm với tông hiến “Providas” năm 1751.

    Đức Giáo hoàng Piô VII tái khẳng định việc lên án Tam Điểm và vạ tuyệt thông cho những ai gia nhập hội với tông hiến “Ecclesiam a Jesu Cristo” năm 1821.

    Đức Giáo hoàng Lêo XII với tông hiến “Quo Graviora” ngày 13.3.1825 cũng gay gắt lên án Tam Điểm.

    Đức Giáo hoàng Piô VIII với tông hiến “Traditi” ngày 21.5.1829 quả quyết sai lầm và nguy hại của Tam Điểm.

    Đức Giáo hoàng Piô IX nhắc lại phán quyết về Tam Điểm, và án lệnh tuyệt thông dành cho những ai gia nhập Tam Điểm của các vị tiền nhiệm.

    Đức Giáo hoàng Lêô XIII với Tông hiến “Humanum Genus” ngày 20.4.1884 tái khẳng định Tam Điểm là hội của Thần Dữ, và cấm mọi tín hữu giao lưu, gia nhập.

 

    Các Đức Giáo hoàng Piô X (1903-1914), Bênêđíctô XV (1914-1922), Piô XI (1922-1939) đều đồng thanh lên án Tam Điểm, và duy trì vạ tuyệt thông.

    Đức Giáo hoàng Piô XII đã quả quyết trong diễn từ ngày 23.5.1958 khi nói về Tam Điểm tại hội nghị mục vụ: “Cội rễ của lạc giáo nằm trong các chủ thuyết khoa học vô thần, duy vật biện chứng, duy lý thuyết, phong trào tục hóa và tổ chức Tam Điểm là Mẹ của tất cả những chủ thuyết sai lạc này”.

    Đức Giáo hoàng Piô XII cũng đưa vào Giáo Luật năm 1917, khoản 2335 vạ tuyệt thông cho tất cả những ai gia nhập hội Tam Điểm, và những hội tương tự. Vạ tuyệt thông này chỉ có thể được giải bởi Tòa Thánh.

    Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong Bộ giáo luật mới được tu chỉnh năm 1983 cũng tái khẳng định lập trường cứng rắn của Giáo hội đối với Tam Điểm. Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin do Đức Hồng y Joseph Ratzinger, sau này là Giáo hoàng Bênêđíctô XVI ngày 26.11.1983 trong “Tuyên ngôn về Tam Điểm” đã nêu rõ: các nguyên tắc của tam Điểm hoàn toàn không phù hợp với giáo lý Đức Tin của Giáo hội, nên việc gia nhập Tam Điểm bị nghiêm cấm. Tín hữu nào gia nhập Tam Điểm thì rơi vào tình trạng mắc tội nghiêm trọng, và cấm không được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, theo tinh thần của khoản 1374 của Giáo Luật: Bất cứ ai gia nhập vào tổ chức chống lại Giáo hội đều bị phạt vạ với hình thức tương xứng. Ai đề cao những tổ chức này hay điều hành: tham gia đều bị nghiêm cấm.

Tóm lại, Giáo hội mãi mãi lên án Tam Điểm và cấm con cái mình gia nhập, hoạt động trong tổ chức này, vì đó là công cụ hữu hiệu, tay sai đắc lực của Satan nhằm chống phá Giáo hội của Đức Giêsu. Một lần nữa, chúng ta đừng để mình bị lừa bởi Tam Điểm, bởi họ có thể trình bày các chân lý thánh thiện, nhưng lại dựa trên thuyết Tự Nhiên, và Tương Đối, nên không bao giờ phù hợp với chân lý Đức Tin của Giáo hội. Satan có thể đánh lừa chúng ta qua những nhãn hiệu “chân lý thánh thiện, lý tưởng nhân bản”. Chúng ta phải tỉnh táo, vì Tam Điểm là tổ chức có đường hướng, bài bản, năng lực, ảnh hưởng, kỹ thuật, kỷ luật chặt chẽ, cộng thêm sức hấp dẫn mang tính huyền thoại nên lôi cuốn nhiều người.

2. Hội kín “Vương quốc Satan”

Khác với Tam Điểm với vỏ bọc nhân bản, ôn hòa, hội “Vương Quốc Satan” thành lập vào năm 1923 tại Luân Đôn chủ trương thô bạo, hung dữ, quá khích, cuồng tín, say máu khi hoạt động chống phá Đức Giêsu và Giáo hội của Ngài. Hội này thuộc hội kín, rất ít người biết về hội này. Hội viên phải thề trung thành và tuyệt đối giữ bí mật về sinh hoạt của hội. Đa số thuộc lớp trẻ lao động, ít học, nhưng cấp lãnh đạo lại là những người trí thức, nhưng căm thù Đức Giêsu và toàn tâm toàn lực làm việc cho Satan.

Hội chủ trương đánh phá Công giáo, và tìm cách lật đổ ngôi vị Giáo hoàng bằng mọi cách, kể cả làm hại thân xác ngài như đầu độc, hãm hại, giết chết. Chủ trương công khai bạo lực, hội xúi bẩy người ta gây đổ máu. Máu đổ càng nhiều, vương quốc Satan càng lan rộng, vì máu con người, sự đau khổ, chết chóc chính là thành quả hoạt động của Satan và những người làm tay sai cho hắn.

Hội đặt Đức Giêsu là kẻ thù, và kết án Ngài là kẻ đã phá hoại thế giới loài người khi đem đến Tin mừng. Với họ Tin mừng là thuốc độc đã làm con người ngu muội, u mê, trở nên những con người mất tự do, mất quyền làm chủ đời mình, mất hạnh phúc, khoái lạc. Đức Giêsu với họ là người đã ngăn cản bước tiến của nhân loại, và triệt phá mọi cố gắng vươn lên của con người.

Giáo hội là tay sai của Đức Giêsu, nên cùng số phận bị tiêu diệt như Ngài. Vì thế, mọi công tác của hội đều nhắm vào Giáo hội để triệt hạ sớm bao nhiêu có thể pháo đài đức tin và luân lý, như tường chắn cản trở bước tiến của nhân loại.

Hội này hoạt động theo từng tiểu tổ thường là năm người. Họp mỗi tuần một lần, và nội dung cuộc họp chỉ là báo cáo thành quả đánh phá Giáo hội Công giáo. Bất cứ hành động đánh phá nào cũng được ghi như chiến công lừng lẫy, dù đó là việc viết một lá thư nặc danh cáo gian, tố oan một giáo dân, tu sĩ hay linh mục. Hội không chủ trương đánh phá lớn, nhưng chủ trương đánh nhỏ, nhưng nhiều để làm hoang mang đối phương qua những phiền nhiễu thường xuyên và liên tục.

Nghi thức thề nguyền được diễn ra một năm một lần, địa điểm không bao giờ được báo trước. Các hội viên tụ tập chung quanh một thiếu nữ trần truồng, biểu tượng của Satan là mẹ của quyền lực. Thiếu nữ được chọn trong số các hội viên do cấp lãnh đạo theo lệnh của Satan. Thiếu nữ trần truồng nằm ngửa trên một bàn thờ trải khăn đỏ, nến đốt quanh bàn thờ, và các hội viên thứ tự nghiêm trang cúi mình thờ lạy, vừa đi chung quanh bàn thờ vừa đọc lời thề: “Tôi xin thề phục vụ vị lãnh đạo thế giới có tên là Satan, chỉ có ngài mới thực là thủ lãnh tối cao, chỉ có ngài mới thực là vị thủ lãnh tối cao, chỉ có ngài mới thực là vị thủ lãnh tối cao…”. Đây là công thức, và nghi thức thề nguyền nhận Satan làm chúa tể, và hứa trung thành với Satan. Hội viên đọc mãi câu: “Chỉ có ngài là thủ lãnh tối cao” cho đến khi người cuối cùng làm xong nghi thức thề nguyền. Kết thúc nghi thức là tất cả các hội viên đồng loạt quỳ và sấp mặt xuống đất khi thiếu nữ trên bàn thờ ngồi dậy và bước xuống khỏi bàn thờ. Thiếu nữ thong thả đi vào buồng trong và mặc đồ, rồi trở lại sinh hoạt bình thường như các hội viên khác. Hội viên nữ nào được chọn làm “mẹ quyền lực” sẽ được kính trọng như hội viên có đẳng cấp, và rất hãnh diện.

Một năm một lần, hội viên tuyên hứa lại niềm tin và lòng trung thành phục vụ của mình với Satan, và họ làm nghi thức trong bầu khí rất huyền bí, trang nghiêm, trịnh trọng.

3. Hội “Thánh lễ đen của Satan”

Hội này, ngoài những lời thề như từ bỏ tin vào Thiên Chúa duy nhất, từ bỏ mầu nhiệm đức tin Kitô giáo, tự nguyện tận hiến thân xác, linh hồn cho một mình thủ lãnh Satan, hứa sống và hành động như ý muốn của Satan, nhất là nhân danh Satan quyết tâm tiêu diệt Đức Giêsu, Giáo hội Công giáo và các bí tích, hội còn đặt trọng tâm vào việc cử hành thánh lễ thờ phượng Satan được gọi là thánh lễ đen. Thành lễ đen được rập khuôn theo thánh lễ của Giáo hội Công giáo, do phát xuất từ sáng kiến của một linh mục bất mãn Giáo hội và tự nguyện bán linh hồn cho Satan. Ông này chứng tỏ lòng căm phẫn cao độ của mình đối với Giáo hội bằng cách biến thánh lễ mà trước đó ông dâng khi còn là linh mục thành lễ đen thờ phượng Satan.

Lễ đen được bắt đầu bằng tuyên xưng lòng trung thành với Satan và ý chí tuân phục hắn, tiếp là những bài đọc bốc lửa căm thù Đức Giêsu, có khi là bài giảng bôi bác Giáo hội Công giáo. Phần hiệp lễ, chủ tế sẽ làm tình với một hội viên nữ được chỉ định trước đó trên giường được trải khăn trắng có rải đều bánh thánh của thánh lễ Công giáo. Nữ hội viên này đại diện cho Nữ Thần Bóng Tối, thần được thủ lãnh Satan đặc biệt sủng ái. Thường lễ đen được tổ chức vào ngày thứ sáu đầu tháng, cũng có thể được tổ chức thường xuyên hơn, vài lần trong tháng.

Đây chỉ là một trong số nhiều hội kín có mục đích chống phá Đức Giêsu và Giáo hội. Chúng ta biết được những hội này qua những hội viên đã may mắn thoát ra khỏi hội. Những người này đã kể lại, nhưng danh tính của họ, cũng như chứng từ của họ thường được giữ kín, vì lý do an toàn cá nhân, bởi kỷ luật của những hội kín thờ Satan này giống nhau ở điểm: phải triệt hạ những kẻ đào ngũ, tự ý ra khỏi hội.

4. Những phong trào phò Satan và chống Đức Giêsu

Có rất nhiều phong trào phò Satan và chống Đức Giêsu cho từng thành phần, lứa tuổi, lãnh vực: Người trẻ thì có phong trào trẻ, trí thức có phong trào trí thức, lao động có phong trào lao động, phụ nữ có phong trào phụ nữ… Thường những phong trào chống Đức Giêsu và Giáo hội Công giáo có chung một điểm: tôn sùng cá nhân, bảo vệ triệt để nhân quyền, và tục hóa những lễ nghi phụng vụ của Giáo hội Công giáo:

a. Tôn sùng cá nhân

Vì cho rằng: Đức Giêsu và Giáo hội của Ngài xúc phạm đến cá nhân, đàn áp cá nhân, hủy diệt cá nhân khi đề cao cộng đoàn, làm nổi bật Hội Thánh. Cá nhân bị quên lãng, chưa kể bị hành hạ, như điều kiện phải có để là người tín hữu: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8,34), một thứ điều kiện phi nhân, một thứ lệnh truyền ác độc, một thứ đòi hỏi dã man, xúc phạm cá nhân, làm tổn thương nhân vị. Chỗ khác, Ngài nhắc nhở: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25).

Vì thế, Đức Giêsu, đối với những phong trào này, thực là người phế bỏ nhân vị, coi thường nhân phẩm khi chỉ chăm lo lợi ích chung của cộng đoàn, mà hy sinh không thương tiếc cá nhân. Hình ảnh các tín hữu của Giáo hội sơ khai, thời các tông đồ một lần nữa làm những người này phẫn nộ khi “Các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44). Tất cả đều không thể chấp nhận được, vì cá nhân bị tan biến trong cộng đoàn, và đánh mất chính mình cách toàn diện. Với những người chủ trương phong trào chống Đức Giêsu, thì cá nhân phải là thượng đế của chính mình, và không ai, không quyền lực nào có quyền trên cá nhân, bởi theo chủ trương của Satan: “Cái Tôi” là tất cả, là thượng đế của chính mình và chúng ta phải tôn thờ “Cái Tôi”.

b. Bảo vệ triệt để nhân quyền

Nghe qua, chúng ta tưởng phong trào này thực sự bảo vệ nhân quyền, nhưng nội dung bảo vệ không như chúng ta nghĩ. Trái lại, bảo vệ nhân quyền được định nghĩa như bảo vệ quyền muốn làm gì thì làm, quyền sống sa đọa, trác táng, quyền hủy bỏ chính đời sống, quyền sát hại sự sống của con người. Nhân quyền được hiểu một chiều tiêu cực, nghĩa là hủy hoại, tàn phá, hưởng thụ vô lối cuộc đời. Nhân quyền được hiện thực hóa qua việc thoải mái phá thai, hủy bỏ sự sống, với lý luận: tôi có quyền trên thân xác tôi, tôi có quyền trên sự sống của tôi, trên sự sống tôi đã làm nên, tạo thành.

Khi cổ vũ nhân quyền, từ những quyền của trẻ em, phụ nữ, người già, các phong trào này loại bỏ hình ảnh bác ái của Giáo hội, khi gán cho Giáo hội khuôn mặt gian ác luôn vi phạm nhân quyền. Đặc biệt họ tấn Công giáo hội trong luật hôn nhân Công giáo với ràng buộc Bí tích không gì có thể tháo gỡ giữa vợ chồng. Phong trào ly dị đã lợi dụng cơ hội này để lên án tính khắt khe, phi nhân của Giáo hội khi Giáo hội cương quyết giữ lập trường “hôn nhân bất khả phân ly”.

Đời sống độc thân của tu sĩ, giáo sĩ cũng là đích nhắm của nhiều chống đối, khi họ lên án sự chậm tiến, lạc hậu, xơ cứng của Giáo hội trong việc duy trì luật độc thân đối với tu sĩ, giáo sĩ. Họ cho rằng: Nhân quyền bị chà đạp khi người đi tu phải sống tình trạng căng thẳng vì nhu cầu sinh lý, là nhu cầu rất bình thường của con người không được thỏa mãn. Bằng mọi giá, phong trào chống Đức Giêsu lôi kéo dư luận ủng hộ một cuộc giải phóng đời tu bằng liên tục và đều đặn khơi dậy vấn đề độc thân, như một đề tài ăn khách, cốt tạo ra những khủng hoảng mới cho những tâm hồn tận hiến.

Như thế, nhân quyền được bảo vệ bởi những phong trào phò Satan, chống Đức Giêsu chỉ là quyền con người được tự do xúc phạm Thiên Chúa, quyền hận thù đồng loại, quyền tiêu diệt chính bản thân mình, vì hệ quả của tất cả các thứ nhân quyền ấy đều quy chiếu vào việc tôn thờ Satan, phục vụ “cái tôi” tham lam, kiêu căng, hưởng thụ, và phủ nhận, khai tử Thiên Chúa là nguồn mạch của Chân-Thiện-Mỹ, Ơn Cứu Độ, Sự Sống, Tình Yêu, Bình An, và Hạnh Phúc đời đời.

c. Chuyển tải sứ điệp của Satan qua các phương tiện truyền thông đại chúng

Satan tuy biết mình đã thua, nhưng vẫn cố vùng vẫy chống lại Đức Giêsu. Hắn chống lại Đức Giêsu bằng chuyển tải đến mọi người, nhất là người trẻ qua những phương tiện, đặc biệt các phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền thanh, truyền hình, internet, cả âm nhạc, nghệ thuật đều được chúng khai thác qua tay những người đi theo chúng để lồng vào đó sứ điệp của Satan. Nhiều lời ca biểu lộ lòng ngưỡng mộ Satan, nhiều phóng sự, truyện phim quảng bá sức mạnh của ma quỷ.

d. Đồng hóa tôn giáo với mê tín dị đoan

Các phong trào này đồng hóa mầu nhiệm tôn giáo với mê tín, đồng hóa việc phụng thờ Thiên Chúa như bổn phận hiếu thảo của thụ tạo đối với Đấng Chủ Tạo với sinh hoạt dị đoan. Họ không nhìn nhận sinh hoạt phụng vụ là bổn phận của con người ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa, Đấng hằng thương yêu, chăm sóc, che chở mình. Trái lại, tất cả những nghi thức Phụng vụ, Bí tích, sinh hoạt đạo đức đều bị coi là cổ hủ, lạc hậu, chậm tiến, cản trở văn minh nhân loại.

Một khi đã gieo được vào lòng mọi người hạt cỏ dại “tôn giáo là thuốc phiện”, người ta sẽ không còn gặp khó khăn trong việc loại trừ, xóa bỏ tôn giáo ra khỏi tâm hồn, và đời sống con người. Quần chúng thì ngại suy nghĩ, tìm tòi, nhận định, nên chỉ cần biết sử dụng kỹ thuật tuyên truyền một cách nhuần nhuyễn, người ta sở hữu, và cống nộp các linh hồn cho ma quỷ cách dễ dàng, mà không mất nhiều công sức. Chiến thuật đồng hóa phụng vụ với mê tín, dị đoan là chiến thuật tinh vi, và hữu hiệu có khả năng đánh gục nhiều linh hồn nhẹ dạ.

e. Tục hóa những nghi lễ Phụng vụ

Phụng vụ là sinh hoạt thờ phượng của con người đối với Thiên Chúa, mà nội dung là tâm tình yêu mến, biết ơn, phó thác, nài xin ơn cứu độ nơi Thiên Chúa là Cha từ ái. Tâm tình con thảo được diễn tả bằng lời ngợi khen, tiếng hát cảm tạ, cử chỉ tôn kính, thờ lạy, thái độ cung kính, quy phục. Phụng vụ còn bao gồm các Bí tích là những dấu chỉ bên ngoài của một thực tại ơn sủng. Hơn thế nữa, Thánh lễ là cao điểm, và là trung tâm của sinh hoạt đức tin, ở đó chính Đức Giêsu vừa là chủ tể, vừa là lễ tế dâng lên Chúa Cha để đền tội cho mọi người. Vì thế, Phụng vụ không là hình thức tế tự suông, nhưng là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm Đức Giêsu, mầu nhiệm hiệp thông của mọi thành phần trong Giáo hội, nên các lễ nghi Phụng vụ của Giáo hội hiện thực sự hiện diện sống động của Thiên Chúa ở giữa con người, với nguồn tình yêu và ơn sủng phong phú, dồi dào của Ngài. Đời sống tín hữu qua Phụng vụ được Kitô hóa, nghĩa là được biến đổi để trở nên sự sống của Đức Giêsu như thánh Phaolô viết: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.

Chủ trương tục hóa nghi lễ Phụng vụ của Giáo hội Công giáo, các phong trào chống phá Đức Giêsu cố gắng trình bày cho mọi người: Phụng vụ chỉ là trò lừa gạt người già, con nít, lễ nghi trống rỗng, vô nghĩa, không ích lợi, vì không có gì là thánh thiêng, mầu nhiệm.

Để thực hiện mau chóng mục tiêu “tục hóa Phụng vụ”, các phong trào này cố gắng biến Phụng vụ thành lễ hội, Thánh lễ thành buổi họp mặt bình thường, và những việc đạo đức khác được coi như phong tục, sinh hoạt truyền thống dân gian.

 

Một vài thí dụ điển hình tục hóa thánh lễ:

    Họ đề nghị các linh mục thay những bài đọc trong thánh lễ trích từ Kinh thánh bằng những bài viết của danh nhân, cổ nhân, với mục đích làm cho cộng đoàn phụng vụ quen dần những bài đọc không phải Lời Chúa, và với thời gian, những tư tưởng lệch lạc, không phù hợp tín lý sẽ được công bố thay cho Tin mừng của Đức Giêsu.

    Họ đề nghị hát thêm trong Thánh lễ những bài hát ca tụng lòng yêu nước, tình huynh đệ, nghĩa đồng bào, tình cha mẹ với mục đích biến Thánh lễ trở thành cuộc biểu dương thuần túy những đức tính nhân loại.

    Các ngày lễ phụng vụ cũng bị thay thế, sửa đổi ý nghĩa, như lễ các Thánh, và lễ các Linh Hồn ngày nay đã bị tục hóa để trở thành Halloween, lễ của Ma quỷ, lễ “xưng hùng xưng bá” của Satan, biểu dương lực lượng của hỏa ngục, khi trẻ em hóa trang thành quỷ dữ từng đoàn đi khắp xóm làng, đường phố rộn ràng nhảy múa, la hét inh ỏi.

Người viết muốn dừng lại ở lễ hội Halloween để cùng bạn đọc đào sâu về nguồn gốc và chủ trương của lễ hội mới lạ này: Như chúng ta biết, Tam Điểm đề cao chương trình tục hóa các lễ Công giáo bằng nỗ lực thúc đẩy công luận ủng hộ đường hướng xóa bỏ bao nhiêu có thể dấu vết của Kitô giáo trong văn hóa Âu châu. Họ tìm mọi cách giảm thiểu, làm lu mờ văn minh Kitô giáo trong đời sống xã hội. Cụ thể là người ta đề nghị thay tên các ngày lễ nghỉ trong năm, như lễ Hiện Xuống, lễ Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ hồn xác về trời bằng những tên trần tục khác. Bên cạnh đó, người ta tìm cách làm cho những ngày lễ này không còn là dịp thuận tiện cho các sinh hoạt Kitô giáo, chẳng hạn như thủ tướng Pháp Jean Pierre Raffarin đã đề nghị người Pháp đi làm ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà trước đó là ngày lễ nghỉ, để lấy tiền làm “qũy tương trợ” giúp người già, trong khi các giáo phận từ xưa đến nay có truyền thống tổ chức những cuộc gặp gỡ quan trọng, và quy mô của giáo dân trong giáo phận vào cuối tuần của lễ Hiện xuống, vì là cuối tuần dài gồm ba ngày nghỉ: Thứ bảy, Chúa nhật, Thứ hai, và thời tiết thường rất đẹp. Cắt mất ngày Thứ hai sau lễ Hiện Xuống như thế sẽ cản trở trầm trọng sinh hoạt của Giáo hội Công giáo.

Riêng lễ hội Halloween, xuất xứ từ người Celtes từ thế kỷ thứ VIII, được Tam Điểm ở Bắc Mỹ rầm rộ phát động khoảng đầu thế kỷ XIX, nhưng không mấy thành công, đến năm 1921, nhờ sự tiếp tay của Tam Điểm Âu châu, lễ hội Halloween đã lan rộng khắp nơi với một tốc độ chóng mặt.

Sở dĩ, người viết dùng chữ “chóng mặt” là vì Halloween đã thành công đến nỗi rất nhiều thiếu nhi, thiếu niên Công giáo ở Việt Nam cũng ra sức mừng lễ Halloween năm nay 2014 một cách hoành tráng, tưng bừng với sự ủng hộ của quý vị phụ huynh. Nhiều người Công giáo đã không biết đây là công trình của Satan đang tìm cách xóa khỏi tâm óc người trẻ hình ảnh các Thánh của Thiên Chúa, vương quốc Nước Trời, và thay vào đó vương quốc của Satan với thần dân của hắn là ma quỷ, bởi mục đích của lễ hội Halloween - 31 tháng Mười, một ngày trước lễ các Thánh của Giáo hội Công giáo, là biểu dương sức mạnh của Satan và hỏa ngục.

Tham gia lễ hội Halloween, chúng ta tưởng mình văn minh, theo kịp thời đại, nhưng thực ra, chúng ta là những người nhẹ dạ đã sa bẫy Satan, mà không biết:

    Sa bẫy khi từ nay lễ kính các Thánh, và cầu nguyện cho các linh hồn không còn trọng lượng bên cạnh lễ Halloween là lễ “hiển linh” của Satan và bè lũ. Bằng chứng là con em Công giáo ngày càng mất ý thức về hai ngày lễ mùng 1 và mùng 2 tháng 11 của lịch Phụng vụ, vì đã tập trung tất cả vào Halloween, ngày 31 tháng Mười là lễ mừng Satan và ma quỷ.

    Sa bẫy khi các Thánh và các Linh Hồn bị lãng quên: đúng hơn bị đồng hóa với ma quỷ.

    Sa bẫy khi người có đạo tiếp tay phổ biển “văn hóa Satan”, giới thiệu vương quốc và sức mạnh của thần dữ, đồng thời đóng góp phát huy sự bành trướng công khai của ma quỷ trong sinh hoạt đời sống con người.

    Sa bẫy khi vô tình để con em không còn xa tránh, ghét bỏ, sợ hãi ma quỷ vì chúng đáng kinh tởm, nhưng làm cho ma quỷ trở nên thân thiện, gần gũi, khi để con em “làm quen” những hình ảnh kinh dị, hung bạo, dữ tợn, gớm ghiếc của ma quỷ, qua hành động chấp nhận cho con em hóa trang làm ma quỷ trong đêm lễ hội Halloween: ngày của quỷ. Và “cái nhìn” thân thiện sẽ mở lối cho tất cả các chung chạ thân mật khác dồn dập tiếp nối.

    Sa bẫy Satan khi gián tiếp thỏa hiệp với Satan trong công trình của hắn, mà quên đi lời thề hứa: Từ bỏ Satan và mọi việc của hắn. Halloween với nội dung “giới thiệu, loan báo Satan, và biểu dương sức mạnh của ma quỷ, hỏa ngục” nếu không phải công việc của Satan thì là công việc của ai? Không lẽ của Thiên Chúa? Chúng ta sẽ trả lời thế nào về lời tuyên xưng Đức Tin và từ bỏ ma quỷ của chúng ta ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo hội Đức Giêsu?

Vì thế, người tín hữu theo Đức Giêsu phải tỉnh táo, bén nhạy trước những mưu mô của ma quỷ, vì không tỉnh thức, chúng ta khó có thể thoát được cạm bẫy của chúng.

Thực vậy, phong trào tục hóa ngày lễ Phụng vụ, lễ nghi phụng vụ ngày càng lan rộng đã làm mất đi ý thức tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng, mầu nhiệm nơi nhiều người, đồng thời xóa bỏ ý niệm về tội lỗi, thưởng phạt, thiên đàng, hỏa ngục, và hẳn nhiên Thiên Chúa là mục tiêu cuối cùng phải đánh đổ.

Tóm lại, có rất nhiều tổ chức lớn nhỏ, kín hở, ít ảnh hưởng, hay nhiều thế lực nhưng cùng một mục đích: tiêu diệt Hội Thánh của Đức Giêsu và chính Ngài từ thời này đến thời kia tiếp nối nổi lên trong lòng thế giới loài người. Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ về viễn cảnh này:

“Tôi tớ không hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa sẽ đến giờ kẻ giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2). “Thầy đã nói với anh em những điều này, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói trước với anh em” (Ga 16,4). “Họ” chính là những tay sai của Satan. “Họ” chính là những hội viên của tổ chức chống Đức Giêsu, phò ma quỷ. “Họ” chính là những người thuộc Tam Điểm, Vương Quốc Satan, Lễ đen, Kỷ nguyên của Satan… “Họ” chính là cảm tình viên của những phong trào tục hóa mọi điều thánh thiêng, phá đổ trật tự của Tin mừng, triệt hạ thành trì Đức Tin là Giáo hội. “Họ” chính là những con người chấp nhận bán linh hồn cho Satan để hoạt động cho Satan. “Họ” chính là những trái tim rực lửa hận thù Đức Giêsu là Ánh Sáng, Tình Yêu, Bình An, Ơn Cứu Sống đời đời.

Cuộc chiến giữa con người và ma quỷ là cuộc chiến khốc liệt, khốc liệt vì ma quỷ đã dùng chính con người để nghênh chiến chống lại con người, sau khi tuyên chiến với Đức Giêsu. Thánh Gioan trong thị kiến đã thấy con Mãng Xà là hình ảnh của Satan ban quyền cho Con Thú là những người bán linh hồn cho ma quỷ khi gia nhập các hội chống phá Đức Giêsu và phò Satan. Những “Con Thú” ám chỉ những người hoạt động cho ma quỷ trong các tổ chức, hội đoàn, phong trào được Thần Dữ điều khiển, bảo trợ:

“Bấy giờ, tôi thấy một Con Thú từ dưới biển đi lên: nó có mười sừng và bảy đầu: trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa. Con Thú tôi trông thấy thì giống như con báo, chân nó như chân gấu, mõm như mõm sư tử. Con Mãng Xà ban cho nó quyền năng và ngai báu của mình cũng như một quyền hành lớn lao. Một trong các đầu của nó dường như đã bị giết chết, nhưng vết tử thương của nó đã được chữa lành. Bấy giờ toàn thể trái đất thán phục đi theo Con Thú. Họ thờ lạy con Mãng Xà vì nó ban quyền hành cho Con Thú, và họ cũng thờ lạy Con Thú mà rằng: “Ai sánh được với Con Thú, và ai có thể giao chiến với Con Thú?”. Nó đã được ban cho cái mồm ăn nói huyênh hoang và phạm thượng… Nó mở miệng nói phạm thượng đến Thiên Chúa, đến danh Người, đến Lều thánh của Người, và những Đấng ở trên trời… Mọi người trên mặt đất sẽ thờ lạy nó, đó là những người từ thuở tạo thiên lập địa không được ghi tên trong Sổ Trường Sinh của Con Chiên đã bị giết… Tôi thấy một Con Thú khác từ đất đi lên. Nó có hai sừng giống như sừng chiên, và nói năng như một Con Mãng Xà. Nó thi hành tất cả quyền bính của Con Thú thứ nhất, trước mặt Con Thú ấy, và làm cho đất, cũng như những người sống trên mặt đất thờ lạy Con Thú thứ nhất, mà vết tử thương đã được chữa lành. Nó làm những dấu lạ lớn lao, khiến cho ngay cả lửa từ trời cũng rơi xuống đất trước mặt người ta. Nhờ những dấu lạ mà nó được quyền làm trước mặt Con Thú, nó mê hoặc những người sống trên mặt đất, bảo họ tạc tượng thờ Con Thú mang vết thương gươm đâm mà nay đã hồi sinh. Nó được quyền thổi thần khí vào tượng Con Thú, khiến tượng Con Thú cũng nói được và ra lệnh giết những ai không thờ lạy mình. Nó bắt mọi người, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, tự do hay nô lệ, phải tích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu tích đó, tức là tên Con Thú hoặc con số tương đương với tên nó (Kh 13,1-17).

Đó là toàn cảnh về Satan tức Con Mãng Xà và hoạt động của hắn trên những người thuộc về hắn: “Con Thú từ biển” tượng trưng các thế lực thù nghịch, tay sai của Satan bách hại Giáo hội và “Con Thú từ đất đi lên” chỉ các ngôn sứ giả hiệu, trá hình.

Satan dùng những Con Thú để thực hiện kế hoạch lôi kéo loài người tôn thờ mình, và xa lìa Thiên Chúa. Và trong thực tế đã có rất nhiều người chạy theo Con Thú, các tổ chức tay sai ma quỷ để phụng sự Con Mãng Xà Satan. Thật khủng khiếp cảnh tượng con người bị bó buộc khắc tên Satan trên trán, trên tay, nếu không muốn bị ma quỷ quấy nhiễu. Hình ảnh này cũng thật đáng sợ, vì không ít người đã vì sợ quyền lực của Satan mà phải tôn thờ Satan và chạy đến cầu cứu Satan. Vì thế, Kinh thánh không ngừng cảnh báo chúng ta: “Đây là lúc dân thánh cần phải có lòng kiên nhẫn và đức tin”, (Kh 13,10), đồng thời “phải có sự khôn ngoan” (Kh 13,18).