Pages - Menu

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

MỘT TÌNH YÊU DUY NHẤT

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A



Nét độc đáo của Tình yêu trong Kitô giáo chính là duy nhất tính của tình yêu khi Mến Chúa và Yêu người là một, điều mà người ta rất khó chấp nhận, nhưng lại là điều Thiên Chúa muốn.

Là điều rất khó chấp nhận, vì ai cũng muốn phân biệt rõ rệt Thiên Chúa là Thiên Chúa và con người là con người : Thiên Chúa chí thánh chí tôn, con người yếu đuối, tội lụy ; Thiên Chúa toàn năng, cao cả, con người bất toàn, bất xứng, và một khi rành rọt phân biệt như thế, người ta sẽ có thể yêu Thiên Chúa mà không phải yêu con người ; có thể tử tế với Thiên Chúa mà không  tử tế với những người không cần phải được đối xử tử tế ; có thể “mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22,37), mà vẫn bình an tự cho phép ghét những người làm hại mình, và khinh những ai bị coi là đáng khinh ; có thể phụng sự Thiên Chúa bằng hết sức lực, tiền của, mà vẫn không áy náy khi ki bo, bần tiện, keo kiệt với người thân và tham lam, lọc lừa chiếm đọat tài sản của người xa lạ ; có thể hiến mình cho Thiên Chúa, mà chẳng bận tâm, nặng lòng khi cùng lúc “hy sinh” người khác vì vinh quang, quyền lợi của bản thân mình ; có thể chết sống với Nước Trời, nhưng cùng lúc phá họai nước đời, cộng đồng nhân loại ; có thể là con Chúa, nhưng đồng thời là kẻ thù của con người, bởi giữa tình yêu dâng Thiên Chúa và tình yêu cho đồng loại được phân ranh cẩn thận, và hai tình yêu không qua lại, ảnh hưởng trên nhau.

Nhưng đó là phiá con người, về phiá Thiên Chúa thì khác hẳn, và chủ trương Yêu Thương của Thiên Chúa đã bị nhiều người lên án là “huyên thuyên, nhập nhằng, lẫn lộn Thiên Chúa với con người” khi nghe Đức Giêsu đã công bố : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, khi một người thông luật hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36-39).

Đây là cốt lõi giáo lý mới của Đức Giêsu, điều mà người Do Thái còn xa lạ và bỡ ngỡ khi nghe Ngài công bố, bởi Luật Môsê chỉ dừng lại ở công bình trong tương quan giữa người với người, mặc dù với Thiên Chúa thì phải “mến yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, khi cho phép trong tương quan con người với nhau thì “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38), yêu người thương mình và ghét kẻ thù mình (x. Mt 5,43), nghiã là “ăn miếng trả miếng, ân oán sòng phẳng”, trong khi Luật mới của Đức Giêsu lại dậy : “Đừng chống cự người ác… Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,39.44).

Đức Giêsu còn đi xa hơn khi “đồng hoá” Thiên Chúa với những con người bé mọn, nghèo hèn, ốm đau, tù đầy, vô gia cư, tha phương cầu thực, và tuyên bố tình yêu cũng như việc làm tốt được thực hiện cho những con người yếu đuối, bần hàn, vô danh tiểu tốt, sa cơ thất thế này là làm cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25,31-46). Cũng vậy, Thiên Chúa lấy chính con người làm thước đo tình yêu đối với Ngài và mức độ ân sủng, lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta cũng tùy thuộc vào lòng qủang đại và thương xót của chúng ta đối với người khác, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng : “Anh em đong cho ai đấu nào, sẽ được Thiên Chúa đong lại đấu đó”, “Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con” (Mt 6,12), “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Thực vậy, mầu nhiệm tình yêu trong Kitô giáo là chân lý được mặc khải từ Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu (1 Ga 4,16). Mầu nhiệm tình yêu ấy tuy là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm nhập thế, nhập thể, nên được biểu hiện sống động và cụ thể trong đời sống thực sự và thường ngày của con người. Mầu nhiệm tình yêu từ Thiên Chúa đến trong thế giới loài người  không mơ hồ, viển vông, mây khói, nhưng có chỗ đứng, bãi đáp hộ khẩu trên da thịt, trong tâm hồn, ngay giữa sinh hoạt của con người, những con người bằng xương bằng thịt, cá vị, độc lập. Mầu nhiệm Tình Yêu ấy đã được Cựu Ước xây dựng nền tảng khi đòi hỏi tín hữu Do Thái : “không được ngược đãi và áp bức người ngoại kiều, không được ức hiếp mẹ goá con côi, không được cho vay nặng lãi người nghèo” (x. Xh 22,20-24) để rồi khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn Giới Luật duy nhất và đời đời của Thiên Chúa : Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương anh em như mình vậy, bởi “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40).

Vâng, là người Kitô hữu, chúng ta thuộc về và được tháp nhập vào Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, và tình yêu Thiên Chúa được thực hiện khi chúng ta yêu thương anh em mình, nhất là những anh em hèn mọn, kém cỏi, yếu đuối, xấu số, bất hạnh nhất, bởi đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta xác định và làm chứng tình yêu đối với Ngài bằng yêu thương anh em, nếu không chúng ta là những kẻ xảo trá, lừa lọc, như thánh Gioan tông đồ đã viết : Nếu ai nói : “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).   

Vẫn biết yêu Thiên Chúa dễ hơn yêu anh em cận kề chung sống với bao nhiêu chuyện không hài lòng, vừa ý, bao nhiêu điều chướng tai gai mắt và yếu đuối, lỗi lầm, trong khi Thiên Chúa vô hình, lại toàn năng, thánh thiện, có quyền sinh tử trên mọi loài, nhưng Chúa muốn tự đồng hoá mình với người anh em hèn yếu ; Chúa muốn lấy người anh em bất xứng, bất toàn làm thước đo tình yêu của ta với Ngài ; Chúa muốn chọn người anh em nghèo khó, cơ bần làm đấu đong ơn phúc ; Chúa muốn ta chuẩn bị hành trang để ra trước tôn nhan Ngài ngày chung thẩm nơi người anh em bị coi là đồ bỏ, vô tích sự, không sinh lợi cho ai, không giúp ích được người nào, có khi còn là gánh nặng của mọi người, nên chúng ta hãy vui vẻ  tập sống mỗi ngày Yêu Chúa trong Anh Em, Yêu Thương anh em vì Yêu Mến Chúa, vì đó là Ý Muốn thánh thiện của Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím