Pages - Menu

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

TRÁI TIM BÉ NHỎ NHƯNG TUYỆT VỜI

              


    Trái tim là bộ phận trong yếu nhất trên thân thể con người, vì trái tim là bộ phận bảo toàn sự sống; tim cũng là hình ảnh được nhắc nhiều hơn cả khi nói về tâm hồn, vì tim là biểu tượng của Tình Yêu. 

    Y Khoa khẳng định khi tim ngừng đập là thân xác  không còn sự sống, nên việc đầu tiên phải làm khi nhận một bệnh nhân mới trong bất cứ tình trạng nào là kiểm tra nhịp đập của tim: tim đập loan xạ, dồn dập, hay lười biếng, thờ ơ, không chịu đập. Cả hai đều nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong… Cũng thế, trong sinh hoạt thường ngày, người ta cẩn trọng gìn giữ, chăm sóc sức khỏe của tim hơn các bộ phận khác, vì để “đứng tim” là mọi sinh hoạt đều dừng, để tim ngừng đập là toàn thể sự sống lập tức đình chỉ, kết thúc.

   Giữa thời buổi bạo lực, và các cuộc khủng bố ngày càng nhiều, các nhà lãnh đạo cũng như cảnh sát đều phải mặc áo giáp trong khi thi hành công vụ, mà bộ phận được che chở đặc biệt chính là trái tim, bởi bị bắn vào đầu, đâm vào bụng chưa chắc đã chết, nhưng bắn trúng tim, đâm thấu tim thì chỉ còn nước gục đầu tắt thở, không kịp trăn trối.  

    Tuy là bộ phận rất quan trọng của sự sống, nhưng tim lại rất mềm yếu, mong manh. Bằng chứng là hơi bất bình, nóng giận một chút là tim đập thình thịch; nhận tin vui bất ngờ, hay đi đón người yêu lâu ngày không gặp là tim nôn nao, nhảy nhót muốn vỡ tung, khi tin buồn, tin dữ không may ập về, thì  tim quằn quại, se thắt đến rã rời, nghẹt thở, nát tan.

   Như thế tim giữ vai trò quan trọng bậc nhất cho sự sống của thân xác con người, nhưng tim lại rất dễ vỡ, mỏng dòn như hơi thở không hình không sắc. Trái lại, với tâm hồn, tim mang một tầm bao la tuyệt đối và sứcvóc mạnh mẽ tuyệt vời.

   Thực vậy, tim mang tầm bao la, vì  tim nuôi tâm hồn bằng tình yêu thao thức kiếm tìm tự do, công bình, bác ái là những thực tại siêu hình; tim mở toang tâm hồn bằng tình yêu vị tha, quảng đại khi miệt mài, tận tụy xây dựng hạnh phúc của đồng loại; tim nâng đỡ tâm hồn bằng tình yêu phấn đấu, hy sinh, bất chấp gian khổ, nhọc mệt, thiệt thòi, vì tương lai của người khác; tim cất bổng tâm hồn lên cao tận  Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Tim còn cao cả tuyệt vời khi cho tâm hồn  chạm được những ước mơ vượt thời gian, không gian, và phóng mình vào vô tận, vô cùng . 

    Và  điều đã làm cho tim mang tầm tuyệt đối, mang vóc dáng đời đời, khi từ nhỏ bé trở nên vĩ đại, từ mong manh, dễ vỡ thành bền vững trường tồn, chính là  tim đã đón nhận Tình Yêu  được Thiên Chúa là  Nguồn Tình Yêu đổ vào. 

   Thực vậy, tất cả những cao cả, bao la, vĩ đại, sâu thẳm, tuyệt vời, kỳ diệu, vô cùng và siêu việt mà trái tim đạt được đều là hồng ân của Thiên Chúa, khi Ngài ban cho con người khả năng hướng tâm hồn lên tới Ngài, mở lòng ra với Ngài, và để trái tim được chạm vào trái tim Ngài hầu được Ngài biến đổi, và trở thành mái ấm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  Vì thế, điều cốt yếu mà mỗi người chúng ta cần ý thức và chân nhận khi luận về trái tim, đó là Thiên Chúa trân qúy trái tim bé bỏng của mỗi người, và vì bé bỏng mà Ngài làm cho nên vĩ đại; Thiên Chúa tìm kiếm trái tim yếu đuối, mỏng dòn của mỗi người, và vì mỏng dòn, yếu đuối, Ngài làm cho nên mạnh mẽ, quả cảm; Thiên Chúa yêu thích trái tim kín đáo, khiêm hạ của mỗi người, và vì khiêm hạ, kín đáo, Ngài làm toả sáng tình yêu của trái tim ấy trước mặt muôn dân; Thiên Chúa thương xót trái tim bị tổn thương, nghiền nát của mỗi người, và vì mang nhiều thương tích tình yêu, Ngài đích thân chữa lành, ban bình an.

    Vâng, trái tim con người  trở nên bao la, cao cả và tuyệt vời, vì trái tim ấy kết nối với Trái Tim Thiên Chúa, để tình yêu nghèo nàn trong trái tim bé nhỏ của con người được bơi lội trong tình yêu bao la của Trái Tim Thiên Chúa. Và một khi trái tim nhỏ bé, mỏng dòn, yếu đuối ấy đã tìm được nơi ẩn náu an toàn, chốn nương thân bình an, bến bờ hạnh phúc trong Trái Tim Thiên Chúa, nó sẽ không sợ hãi, hoang mang, nghi nan, thất vọng trước bất cứ thử thách, gian nan, đe dọa nào, như thánh Phaolô đã đặt câu hỏi: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8,35), và chính ngài đã trả lời thay cho những người có trái tim đã được chạm đến Trái Tim Thiên Chúa: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương, qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,38-39). 

     Xin Chúa thương xót đổi mới con tim mỗi người, để ơn Bình An của Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ luôn ở với tất cả chúng ta. 

    Jorathe Nắng Tím      



          

 

        

 

ĐỨC GIÊSU BỊ TẤN CÔNG!

 

Có người vừa liếc qua tựa đề liền chép miệng thở dài : Tưởng chuyện gì mới lạ, chứ Đức Giêsu bị tấn công thì xưa qúa rồi, vì đó là chuyện cũ xẩy ra từ năm thứ nhất  công nguyên, khi người Do Thái là đồng bào, đồng hương của Đức Giêsu  ngay từ thuở ấy đã ghét bỏ, tẩy chay, vu khống, chụp mũ rồi kết  án, đóng đinh Ngài vào thập gía như một phạm nhân trọng tội.


Thực vậy, Đức Giêsu đã không chỉ bị tấn công, mà còn bị kết án tử hình cách bất công ngay trong dòng lịch sử của nhân loại. Hơn thế nữa, ròng rã hai mươi mốt thế kỷ, tên Ngài luôn bị nguyền rủa, xúc phạm và môn đệ Ngài hàng hàng lớp lớp theo nhau bị ghét bỏ, nguyền rủa, công kích, cô lập, tiêu diệt, đúng như lời Ngài đã căn dặn trước khi lên Giêrusalem chịu chết : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng  nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em…” (Ga 15,18-20).

Khi căn dặn các môn đệ, Đức Giêsu đã cho các ông thấy rõ lý do các ông sẽ bị ghét bỏ và không ngừng bị đe dọa, truy lùng, tận diệt. Lý do duy nhất đó chính là các ông không thuộc về thế gian là những kẻ chống lại Đức Giêsu, nhưng các ông hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu.

Vì thuộc về Đức Giêsu, nên Ngài đã chọn và tách những ai theo Ngài ra khỏi thế gian ; vì thuộc về Đức Giêsu, nên Ngài đã yêu thương họ vô cùng và đến cùng (x. Ga 13,1), bằng chứng là Ngài ở lại với những ai thuộc về Ngài cho đến tận thế (x. Mt 28,20) ; vì thuộc về Đức Giêsu, nên Ngài làm cho họ được trở nên giống Ngài khi “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) ; vì thuộc về Đức Giêsu, nên Ngài dậy họ “hiền lành và khiêm nhường”, dậy họ yêu thương, và cầu nguyện cho cả những kẻ thù ghét, bách hại mình, mà không lấy “mắt đền mắt, răng đền răng”, hay lấy oán báo thù, lấy sự dữ đáp lại điều gian ác (x. Mt 5,38-48) ; vì thuộc về Đức Giêsu, nên Ngài muốn người môn đệ phải như Ngài khi chấp nhận mọi thiệt thòi vì hạnh phúc của người khác, vui nhận mọi gian nan, thử thách vì lẽ sống yêu thương, phục vụ con người như con Chúa, vui lòng gánh chịu mọi đau khổ, tủi nhục để làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ, vui vẻ đồng hành với tất cả mọi người, không trừ ai, vì tất cả là anh em có cùng một Cha trên trời.

Nhưng vì thuộc về Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu cứu độ, mà các môn đệ Ngài bị  thế gian ghét bỏ, căm phẫn, trả thù, bởi thế gian gồm thần dữ và những kẻ tình ngyện đi theo chúng. Chúng là kẻ thù của Tình Yêu, vì bản chất là Ganh Ghét, Hận Thù ; đối thủ của Sự Thật, vì chúng là Gian Dối, Xảo Trá, Điêu Ngoa ; là kẻ  khủng bố, phá hoại, tiêu diệt vì chúng là Bạo Lực, Bóng Tối, và Sự Chết.

Vì thế, sự khác biệt giữa môn đệ Đức Giêsu và thế gian qủa thực không thể “hoà hợp, hoà giải”, hay nhượng bộ, thương lượng, vì một bên là ánh sáng, một bên là bóng tối, vì Đức Giêsu là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8), là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), Satan và bè lũ là hận thù, lầm lạc, bạo lưc và sự chết, nên hai chiến tuyến giữa môn đệ Đức Giêsu và thế gian, ma qủy được phân chia rõ rệt, hai chọn lựa được phân biệt dứt khoát, hai con đường Thiên Chúa và Thế Gian không bao giờ có giao điểm hay đồng quy.

Do đó, sự kiện Đức Giêsu bị tấn công, biến cố người Kitô hữu bị bách hại, cảnh tượng cả làng công giáo bị vây chặt rồi phát lửa thiêu sống, linh mục đang dâng lễ bị cắt cổ, giáo dân đang cầu nguyện trong thánh đường bị đâm chết, và mới bốn giờ chiều hôm qua 31.10.2020, một linh mục chính thống 54 tuổi đã bị bắn trọng thương khi ngài đang đóng cửa nhà thờ ở thành phố Lyon, nước Pháp,  và rồi cho đến tận thế Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài sẽ mãi mãi là điểm ngắm của những tấn công, xúc phạm, ức hiếp, hãm hại, truy lùng, tiêu diệt mà thế gian tìm mọi cách thực hiện cho kỳ được, để rồi lịch sử của Giáo Hội Chúa Giêsu ngày càng rõ nét đối với mọi người là lịch sử của tử đạo, lịch sử của những chứng nhân quyết tâm đi theo  Đức Giêsu, vua Tình Yêu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót để yêu thương, phục vụ và sẵn sàng đổ máu, hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.

Vâng, thế gian vẫn tiếp tục tấn công Đức Giêsu, vẫn đằng đằng sát khí xả súng giết các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, vẫn rực lửa căm thù Giáo Hội, và  điên cuồng khát máu người có đạo. Chỉ khác thời đại càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến thì mưu đồ càng tinh vi, thủ đoạn càng nham hiểm, kế hoạch càng dã man, hành động sát nhân càng man rợ, do mãnh lực độc ác của Satan ngày càng đè nặng trên những người vô phúc vướng vào xiềng xích của hỏa ngục, đến nỗi nhiều người trong chúng ta có lúc đã hoảng hốt lo sợ khi nghĩ rằng thời đại của Satan đã đến, và ngày tận thế đã gần kề.

Thực vậy, chúng ta không  khỏi hoang mang trước hiện tượng xúc phạm, tấn công Đức Giêsu, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, và lo âu trước làn sóng khủng bố, truy diệt  người Kitô hữu ngày càng nhiều và liên tục trên thế giới. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi nhiều người thiện chí đang can đảm lên tiếng bênh vực chúng ta bằng đề nghị những biện pháp cứng rắn nhưng ít nhiều mang tính trả thù, báo oán, đòi nợ máu ; chúng ta cũng không phủ nhận nỗ lực của chính phủ các nước dân chủ, nhân quyền đang  huy động mọi khả năng, phương tiện  để bảo vệ  nhà thờ, và các cơ sở sinh hoạt phụng tự của Kitô giáo, mà tổ chức hồi giáo qúa khích đang chọn làm mục tiêu, tầm ngắm.

Tuy thế, Giáo Hội không bao giờ quên mình là Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập  để yêu thương, phục vụ, một Giáo Hội đến với muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ (x. Mt 28,19); Giáo Hội không bao giờ chịu thu mình, co quắp cuộn mình trong pháo đài kiên cố, sau tường thành có lính canh cẩn mật để được tuyệt đối an toàn ; Giáo Hội cũng không thay đổi đường lối tha thứ cho kẻ làm khổ mình, yêu thương kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bách hại mình, chúc lành cho kẻ sỉ vả, vu khống cho mình đủ điều xấu xa, và luôn tìm cách biện hộ cho kẻ ném đá, đóng đinh mình, như Đức Giêsu trên Thánh Giá đã xin Chúa Cha tha cho tất cả những người đã vu cáo, lên án, tra tấn, đóng đinh Ngài khi viện cớ “vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23,34).

Sau những cuộc khủng bố, đâm chém, cắt cổ, xả súng liên tục và dồn dập nhắm vào người Kitô hữu, Giáo Hội  vẫn  tha thiết cầu nguyện, vẫn nhẫn nại yêu thương, vẫn khiêm tốn phục vụ, vẫn hân hoan lên đường loan báo Tin Mừng “Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc loài người”, vẫn kiên trì làm chứng “Đức Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” ; vẫn miệt mài theo chân Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất đem đến cho nhân loại ơn cứu sống, hạnh phúc được làm con Thiên Chúa, và ánh sáng Bình An phục sinh của Ngài.

Ngay giữa cơn bão lửa của bạo lực, Giáo Hội vẫn kêu gọi con cái hãy biết “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”, mà không phân biệt kỳ thị, không lên án, “không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,5-6) ; ở tâm điểm của mọi chống đối bất công, Giáo Hội vẫn trung thành sống đức ái, để  có thể “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), hầu  sống ơn gọi là Ánh Sáng và Muối cho đời, khi “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn  lỗi lầm, đem niềm tin vào nơi nghi nan, đem hy vọng vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào nơi tăm tối, đem niềm vui đến chốn sầu buồn”, bởi đó là sứ vụ của người Kitô hữu khi được sai đi, là hạnh phúc của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc lành, là phần thưởng Thiên Chúa dành cho  những người có tâm hồn nghèo khó, và tấm lòng xót thương.

Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con, để chúng con tín thác vào Chúa trong gian truân, đe dọa, thử thách, khi bị tấn công, xúc phạm, nhất là để trái tim chúng con luôn mở cửa cho Chúa Thánh Thần ngự đến và đổ đầy trong chúng con tình yêu hiệp thông, tình yêu hiệp nhất, tình quên mình, tình yêu tha thứ, tình yêu gánh tội của Ba Ngôi chí thánh.

Jorathe Nắng Tím