Pages - Menu

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

HẠT LÚA “THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI”

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay, năm B

Trong Tin Mừng nhất lãm, Đức Giêsu đã công khai nói với các môn đệ ít là ba lần về cuộc tử nạn và phục sinh sắp tới của Ngài : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19). Nói điều này, Đức Giêsu đã làm sợ hãi và nản lòng các môn đệ, vì không ai đi theo Ngài đã nghĩ đến thảm cảnh Thầy mình sẽ bị kết án tử và đóng đinh là hình phạt nặng nề nhất chỉ dành cho tội phạm nguy hiểm. Chính vì thế Phêrô, tông đồ trưởng, tuy ở gần và yêu mến Thầy hơn các anh em khác cũng không đủ bình tĩnh cầm lòng, nhưng đã bức xúc lên tiếng can ngăn : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”, và ông đã bị Đức Giêsu quở trách : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23). 

Hôm nay Tin Mừng Gioan kể lại câu chuyện giữa Đức Giêsu và hai ông Philipphê, Anrê cùng những người  Hy Lạp được hai ông dẫn đến. Trong dịp này, Đức Giêsu cũng đề cập đến việc Ngài sẽ phải chết trong tay những kẻ chống đối, quyết tâm tiêu dệt Ngài, nhưng khác những lần loan báo trước, lần này, Ngài dùng hình ảnh hạt lúa : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).

Hình ảnh hạt lúa thật gần gũi với mọi người, và là hình ảnh gây nhiều ấn tượng, bởi ai cũng biết hat lúa phải được chôn vùi trong đất mới nẩy mầm, sau khi thối rữa. Nhưng chính từ tình trạng thối rữa của hạt lúa mà “sự sống mới” được trổ sinh, và đem lại nhiều bông hạt. Khi dùng hình ảnh hạt lúa, Đức Giêsu không chỉ loan báo việc Ngài sẽ phải chết và sống lại mà thôi, mà còn cho các môn đệ thấy “Con Người Thiên Chúa” của Ngài, mầu nhiệm nhập thể làm người của Ngài. Nói cách khác, Ngài mạc khải cho chúng ta : Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, với hai bản tính Thiên Chúa và con người :

1.   Như hạt lúa sẽ bị thối rữa đi, Đức Giêsu mang lấy số phận phải chết của con người :

Phận người đáng thương nhất là “biết mình phải chết”. Mọi loài thụ tạo đều phải chết, trừ các thiên thần là thụ tạo thiêng liêng, nhưng con người đáng thương hơn tất cả, vì biết mình sẽ chết, biết thân xác tươi tốt, vạm vỡ, xinh đẹp của mình sẽ thối rữa, tiêu tan một ngày, trong khi con vật tuy cũng chết nhưng không biết mình phải chết. Chính vì “biết” mà phận người đắng đót, đau thương!

Đức Giêsu mang lấy phận người, khi xuống thế làm người. Như mọi người, Ngài lệ thuộc những điều kiện, và giới hạn của kiếp người, và chết là sự thật khủng kiếp đáng kinh sợ nhất, như chính Ngài đã xao xuyến, bồi hồi, hoảng hốt trước giờ lên đường đi chịu chết (x. Ga 2,27).

Nhưng số phận phải chết ở con người không đơn thuần tự động như cỗ máy đến thời hạn phải ngưng, vì con người có quyền và bổn phận trên cái chết của mình, khi cho nó một hướng đi, một đích tới, một giá trị, một ý nghiã mà ngoài bản thân mình, không ai có thể thay thế đảm trách quyền lợi và nghiã vụ tuyệt đối riêng tư này. Chính Đức Giêsu đã khẳng định : “Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Như thế, bản thân mỗi người có quyền yêu hoặc không yêu mạng sống ; có quyền chọn cho mạng sống mình một tuyến đường, một đích điểm ; có quyền định đoạt tương lai đời đời cho mạng sống, bởi nếu sự chết toàn quyền định đọat mạng sống như toàn quyền trên thân xác, thì Đức Giêsu đã không nói với chúng ta về những khả thể yêu - ghét, mất - còn, tạm bợ - đời đời của mạng sống.   

2.   Như hạt lúa vâng phục chấp nhận bị chôn vùi, thối rữa, Đức Giêsu mang tất cả sức mạnh toàn năng và sự sống viên mãn của Thiên Chúa :

Hạt lúa thối rữa, nhưng không tiêu tan “vô tích sự”. Trái lại, nó thối rữa để nẩy mầm, đội đất mọc lên thành cây lúa, trổ sinh những bông hạt. Tiếng nói từ trời của Chúa Cha : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”, khi Đức Giêsu ngước mắt cầu nguyện : “Lậy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến. Lậy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27-28) đã làm chứng thiên tính của Đức Giêsu, chứng thực Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu nhân loại trước nhiều người, nên cũng từ Ngài, từ bản tính Thiên Chúa của Ngài, sự sống trỗi dậy từ cõi chết, sức sống bùng phát từ “thối rữa” của hạt lúa bị chôn vùi, bởi ở nơi Ngài luôn hiện diện Ba Ngôi Thiên Chúa, trong Ngài luôn đầy tràn sức mạnh và sự sống viên mãn, đời đời của Đấng Toàn Năng.

Thánh Phaolô đã qủang diễn “hạt lúa vâng phục” là Đức Giêsu trong thư gửi cộng đoàn Do Thái : “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã đến mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Qủa thực, chính trong Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta được chết với Thiên Chúa, vì Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã chết với chúng ta ; chính cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta cho cái chết của mình  những giá trị và ý nghiã đời đời, khi được cùng với Thiên Chúa tiến về vương quốc vĩnh cửu của Ngài, vì Con Một Thiên Chúa đã  đích thân dắt chúng ta đi với Ngài đến tận mộ phần tăm tối của sự chết ; chính nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta được sống lại và hưởng vinh quang phục sinh với Ngài, vì “nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11) .

Vâng, Đức Giêsu là Hạt Lúa của Thiên Chúa nuôi sống nhân loại, Hạt Lúa tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha xuống thế làm người để chịu chôn vùi, thối rữa với con người phải chết, Hạt Lúa Thiên Chúa là “sự sống lại và sự sống” (Ga 11,25) cho con người đáng phải chết được sống lại và sống đời đời.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

TIẾN VỀ ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ

 

Suy niệm Tin Mùng Chúa Nhật 4 Muà Chay, năm B

 Muà Chay không là mùa tang thương, thất vọng nhưng là mùa của Yêu Thương, Hy Vọng, muà Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, bao dung, và tội nhân được nhìn thấy và tiến về ánh sáng  cứu độ.

Bài đọc thứ nhất ghi lai bối cảnh lịch sử của Ítraen vào năm 586 trước công nguyên, thời điểm Đền Thờ Giêrusalem bị tàn phá bởi quân đội Babylon với cảnh tượng thật đau thương, kinh hoàng: Vua Canđê tiến đánh Ítraen ; “vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương, bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc… Quân Canđê đốt nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá hủy mọi đồ đạc qúy giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon ; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị” (2 Sb 36,17.19 -20). Và suốt 70 năm bị lưu đầy trên đất Babylon, người dân Ítraen đã không một ngày nguôi ngoai nỗi đau mất nước, nỗi nhớ quê hương, nỗi tủi nhục không còn Đền Thánh, nỗi khổ làm thân nô lệ, nên thường rủ nhau ra bờ sông Babylon nức nở khóc tưởng nhớ Xion (x. Tv 136).

Trong nước mắt ngậm ngùi trên đất Babylon những năm tháng dài nô lệ, Ítraen vẫn được các ngôn sứ của Thiên Chúa nhắc bảo : “Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ hằng thương xót dân và thánh điện của Người” (2Sb 36,15). Và này, Thiên Chúa đã dùng tay Kyrô, vua Ba Tư cất gánh nô lệ, và trả tự do cho dân, đồng thời cho họ được trở về quê hương, xây dựng lại Đền Thờ, như chính lời vua phán : “Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!” (2Sb 36,23).

Ai có thể tả được niềm vui của một dân tộc từ bẩy mươi năm nay phải sống trong cảnh tang thương vì mất nước, trong sầu muộn vì phần lớn đã bị tiêu diệt, trong vất vả, nhục nhằn vì những ai sống sót phải biệt xứ làm nô lệ bỗng dưng  được trả tự do, được hồi hương, và xây dựng lại đất nước? Ai hiểu được nỗi sung sướng của những người ở tận cùng bất hạnh bỗng nhiên được Thiên Chúa xót thương, ban lại hạnh phúc đã mất?

Thực vậy, những gì Thiên Chúa đã thực hiện với dân Ngài trong Cựu Ước, Ngài cũng làm như vậy với mọi dân tộc trong Tân Ước. Nếu vì lòng thương xót, Thiên Chúa Giavê đã cứu dân Ngài khỏi những năm tháng dài nô lệ ở Babylon, thì Thiên Chúa của Đức Giêsu, Đấng “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta”, cũng cứu chúng ta khỏi chết vì sa ngã và “cho chúng ta được sống với Đức Kitô” (Ep 2,4.5). Đây chính là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được đón nhận trong Đức Giêsu, niềm vui mà không mấy khi chúng ta thấy được tầm vĩ đại, lớn lao, và giá trị vô cùng cao qúy ; niềm vui mà rất ít người cảm được sự dịu ngọt vô tận, không gì so sánh được, vì không nhận ra gánh tội rất nặng nề đáng ghê tởm và kinh sợ đè trên đời mình. Cũng như dân Ítraen năm xưa, nếu đã không phải sống bẩy thập niên nô lệ dài đẵng đẵng trên đất người, phải chịu cảnh áp bức, đầy đọa của dân mất nước, không còn quê hương, thì chưa chắc họ đã cảm nhận niềm vui được cứu thoát, hạnh phúc được về lại quê cha đất tổ, và xây dựng lại Đền Thờ.    

Đó là lý do Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng tiến về gặp gỡ Đức Giêsu là  niềm vui của tội nhân được tha bổng, của phạm nhân được trắng án, khoan hồng, của người con yếu đuối, hoang đàng được tình Cha thương xót, bao dung, khi sống niềm hy vọng của  Mùa Chay, bằng đi tìm và tiến về ánh sáng cứu độ là Đức Giêsu, như ông Nicôđêmô, để được biết mình đang hạnh phúc bơi lội trong đại dương ơn cứu độ, khi nghe từ chính miệng của Ngôi Lời : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).  

Vâng, ánh sáng cứu độ phải là ngọn hải đăng cho hành trình đức tin của mỗi người, bởi không thiếu những lúc lòng ta tan nát, thất vong như tâm hồn sầu muộn  của kẻ lưu đầy “bên bờ sông nức nở khóc, trên cành dương liễu treo cây đàn, đến cả bài ca kính Chúa, cũng không sao hát nổi” (x. Tv 136,1.2.4).

Jorathe Nắng Tím 

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

ĐỨC GIÊSU : ĐỀN THỜ MỚI CỦA THIÊN CHÚA

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay, năm B

Với người Do Thái, Đền Thờ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo, nơi tất cả các chi tộc Ítraen tụ tập về, nơi mỗi người tín hữu đến gặp Đức Chúa, bởi Đền Thờ là dấu chỉ của Giao Ước Giavê Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài (x. Xh 20,1-17), là nhà của  Đức Chúa giữa dân riêng, và là đền thánh của Lề Luật. Chẳng thế mà khi nhắc đến Giêrusalem, tâm hồn người Do Thái nào cũng phấn khởi, vui mừng như lời thánh vịnh : “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi : Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa. Và giờ đây Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ítraen. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đavít… Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô” (Tv 121,1-5.9).

Như mọi con trẻ Do Thái khác, Đức Giêsu ngay từ buổi đầu đời đã được cha mẹ đem lên đền thờ để dâng tiến cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-24), và hằng năm Ngài đều theo cha mẹ “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41), cũng như khi bước vào hành trình công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài thường xuyên lên Đền Thờ, vì đền thờ là “nhà của Cha Ngài”, và Ngài có bổn phận, như Ngài đã trả lời cha mẹ, khi hai ông bà tìm thấy Ngài sau ba ngày lac mất : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Cũng như mọi năm, “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem” (Ga 2,13), nhưng lần này thì một biến cố lớn xẩy ra, khi “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ” (Ga 2,14-15).

Thật khủng khiếp cơn lôi đình của Đức Giêsu, nhưng còn dữ dội, táo bạo hơn khi Ngài lớn tiếng thách thức : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Và tất nhiên, Đức Giêsu đã gây sốc, khi chạm đến niềm tự hào vô cùng vĩ đại của người Do Thái, bởi “Đền Thờ đã phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong” (Ga 2,20), và được xây hai lần : lần thứ nhất từ thời vua Salômôn thế kỷ X trước công nguyên, và bị quân Babylon phá hủy năm -586 trước công nguyên, ; được xây lại lần thứ hai 70 năm sau, nhưng đến năm 70 sau công nguyên lại bị quân Rôma tàn phá bình địa một lần nữa. 

Chính trong cơn lôi đình và gây sốc này, Đức Giêsu đã báo trước Đền Thờ mới sắp được xây lại là “chính thân thể Người” (Ga 2,21).

Cũng như Đền Thờ Giêrusalem là dấu chỉ của Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân riêng của Ngài là Ítraen, Đền Thờ mới là Thân Thể Đức Giêsu, dấu chỉ của Giao Ước mới được ký kết với Thiên Chúa bằng chính máu Ngài, qua hy lễ  Thánh Giá. Giao Ước mới  đã không chỉ được ký kết với một dân tộc, một mầu da, một tiếng nói, nhưng với toàn thể nhân loại, vì Đức Giêsu đã tự hiến mình để cứu chuộc tất cả mọi người, bất phân mầu da, ngôn ngữ, văn hoá, chính kiến, giai tầng, hoàn cảnh… như chính Ngài đã nói với các môn đệ trước khi lên đường đi chịu chết: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).

Vì thế, loan báo Tin Mừng ở người Kitô hữu chính là “rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23), bởi chỉ ở nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, tội lỗi của  mọi người mới được tẩy xóa ; chỉ trong máu của Đức Giêsu, loài người mới được thánh hoá, cứu chuộc, trở nên công chính và được hiện hữu trong Thiên Chúa (x .1 Cr 1,30) ; chỉ trên khuôn mặt của Đức Giêsu, tội nhân mới nhận ra và nhận được sức mạnh cứu rỗi toàn năng của Thiên Chúa được biểu hiện và thể hiện nơi Tình Yêu được trọn vẹn dâng hiến. 

Thực vậy, Đức Giêsu từ nay là Giao Ước mới giữa loài người tội lụy cần được thương xót và Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng xót thương, đồng thời, thân thể của Đức Giêsu trở nên  Đền Thờ của Thiên Chúa giữa loài người, như dấu chỉ của Giao Ước mới, điều Đức Giêsu đã muốn nói, khi lớn tiếng thách thức : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”, mà các môn đệ của Ngài chỉ hiểu được sau khi “Người từ cõi chết sống lại sau ba ngày chôn trong mồ” (x . Mc 8,31 ; 9, 31 ; 10,34).

Vâng, Đền Thờ mới, dấu chỉ của Giao Ước mới  là Thân Thể của Đức Giêsu, mà Thân Thể ấy chính là Giáo Hội, như thánh Phaolô đã khẳng định : “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 13,12-13.27).

Vì Thân Thể Đức Giêsu là Đền Thờ, và mỗi người chúng ta là chi thể của Thân Thể ấy, nên cũng là những hòn đá sống động xây dựng Đền Thờ của Thiên Chúa giữa loài người…

Vì Thân Thể Đức Giêsu là Hội Thánh, và mỗi Kitô  hữu là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu, nên cũng là những viên gạch xây dựng Giáo Hội, là Nhà Thiên Chúa giữa nhân loại.

Vì là chi thể của Thân Thể  mầu nhiệm, nên mỗi người chúng ta khi lãnh nhận “Bánh được bẻ ra” sẽ được trở nên Thân Thể của Đức Giêsu, và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, như thánh Phaolô qủa quyết : “Nào anh em đã chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16 -17).

Ước gì trong Mùa Chay thánh, chúng ta tâm niệm và xác tín : “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11), và trên nền móng này, Giao Ước giữa Thiên Chúa với con người được thiết lập và Đền Thờ Thiên Chúa được xây dựng bền vững trên đất người, và trong tâm hồn mọi người.  

Jorathe Nắng Tím