Pages - Menu

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

THÁNH GIUSE, ĐẤNG BẢO VỆ SỰ SỐNG

 

Trong Tin Mừng, hai lần thánh Giuse bị đặt vào tình huống “khó khăn và khó xử” trước sự sống : một lần trước mầm sống khi Đức Maria có thai  Đức Giêsu do quyền phép Chúa Thánh Thần mà ngài không hề hay biết ; lần khác khi vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, sau khi gặp ba đạo sĩ  đến từ phương đôngn và biết Bêlem là nơi “vua dân Do Thái” mới ra đời.

Thánh Mátthêu kể lại : “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính, và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà đi cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kià sứ thần Chúa hiện đến báo mộngt cho ông rằng : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,18-21).

Một hoàn cảnh rất khó khăn và khó xử đối với bất cứ người chồng nào trên thế gian này, khi vợ mình có thai, mặc dù hai người chưa một lần quan hệ. Còn khó khăn, khó xử hơn gấp bội, nếu vợ mình là người không chỉ “được tiếng đạo hạnh” mà đích thực là người đạo đức, tốt lành, chung thủy, “công dung ngôn hạnh” vẹn toàn như Đức Maria.

Trong thực tế, khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu trên, rất hiếm những người tình, người chồng đã có thể bình tĩnh tìm một giải pháp tốt đẹp cho bào thai và cho người mẹ, mà không làm tổn thương cả hai mẹ con. Trái lại, để đơn giản hoá vấn đề, hầu hết đã chọn giải pháp hủy bỏ bào thai, hoặc từ chối nhận làm vợ người đàn bà có thai với người khác mà giấu diếm mình.

Đây là hiện trạng của thời đại “sống thử” và thực dụng mà chúng ta đang sống, ở đó nhiều bạn trẻ nam nữ sống thử trước khi cưới, và tất nhiên, hậu qủa khó tránh trong thời gian sống thử là có thai, và “giải pháp đương nhiên” theo trình tự không dễ thay đổi và thoát ra, đó là phá thai, vứt bỏ mầm sống, hủy diệt sự sống mới được thành hình.

Sở dĩ phần đông bạn trẻ chọn giải pháp phá thai, vì họ bị bế tắc, mắc kẹt trước hoàn cảnh kinh tế, do áp lực gia đình, và  đòi hỏi của tương lai, nghề nghiệp, mà trong bấn loạn, hoảng hốt khi mầm sống do họ tạo ra vừa xuất hiện, họ chỉ thấy trước mắt một vùng đen đe dọa, một ngõ tối nguy hiểm, mà chỉ có thể thoát ra để tồn tại bằng xử lý không gớm tay, không xót dạ, đau lòng sự sống của một “con người”,  là “người con” của họ.    

Thánh Giuse cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khó xử trước sự sống con người như nhiều người, nhưng giải pháp được ngài chọn không là giải pháp dễ dàng nhưng tàn nhẫn, nhanh chóng nhưng dã man, gọn nhẹ nhưng nặng nề độc ác, không phiền lụy ai nhưng cực kỳ phi nhân : phá thai, hủy bỏ mầm sống, tiêu diệt sự sống. Trái lại, ngài đã bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại đợi chờ một giải pháp cho sự sống con người từ Thiên Chúa.

Để có thể bình tĩnh trước cú sốc cực mạnh : vợ có thai mà chưa một lần quan hệ, thánh Giuse đã phải là Người Công Chính khi tuyệt đối tin tưởng rằng Thiên Chúa mới thực là Chủ Tể của sự sống, là Sự Sống, Đấng thông ban sự sống cho muôn loài, như Lời Thiên Chúa : “Ta chính là Ta, bên cạnh Ta chẳng có thần nào khác, Ta cầm quyền sinh tử” (Đnl 32,3), “Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta ; mạng sống của cha, cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta” (Ed 18,4), vì “Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài… Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự” (Cv 17,24.25).

Chính vì tin tưởng Thiên Chúa làm chủ mọi sự sống, và mọi sự sống nằm trong chương trình của Ngài, nên dù chưa biết bào thai trong bụng vợ mình đến từ đâu, do người nào, thánh Giuse vẫn có thể bình tĩnh mà không giận dữ, ghen tức, nổi khùng, chửi mắng, xua đuổi, bạo hành như nhiều “đấng mày râu” khác, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn như ngài.

Để có thể khôn ngoan tìm giải pháp xứng hợp trước một chuyện “không hề dám nghĩ tới”, đó là vợ có thai không phải với mình, thánh Giuse đích thực là Người Công Chính, như ông Gióp, cũng là người công chính trong thử thách, gian khổ vẫn “luôn giữ vững đường lối của mình”, và tin rằng “kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được thêm sức mạnh” (G 17,9), nên dù có phải chịu thiệt thòi, người công chính vẫn không đăt điều cáo gian, hồ đồ lên án, đoán già đoán non theo cảm xúc nhất thời, bất nhất, nhưng “chính trực ghét lời dối trá” (Cn 13,5), và sống đời “chứng nhân ngay thật để cứu sống bao mạng người” (Cn 14,25). Bởi thánh Giuse có thể tố cáo vợ mình là người lăng loàn, và xã hội sẽ đồng tình với ngài, vì ngài ở thế mạnh, “kèo trên” do Đức Mẹ có thai “trước khi hai ông bà về chung sống”, nhưng đức khôn ngoan của người công chính đã dậy thánh Giuse tìm gặp Thiên Chúa và thân thưa, đối thoại với Ngài để nhận được từ Ngài giải pháp tốt nhất và đẹp lòng Ngài hơn cả (x. G 23,7). 

Tin Mừng Mátthêu vắn tắt ghi lại : “sứ thần Chúa hiện đến báo mộng” cho thánh Giuse trong giấc ngủ, mà không ghi thêm chi tiết : thánh Giuse đã suy nghĩ, cầu nguyện rất nhiều để nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Vì thế mà giấc ngủ của ngài  chập chờn do tha thiết cầu nguyện, do liên lỷ bầy tỏ tâm sự và thỉnh ý Thiên Chúa, bởi người công chính được tràn đầy ơn khôn ngoan để nhận ra từ Thiên Chúa điều Thiên Chúa muốn.   

Để có thể khiêm tốn, nhẫn nại trước biến cố nghịch lòng, khi yên lặng nuốt nước mắt vào bên trong, nén nỗi buồn tận đáy sâu tâm hồn, mà không hạch hỏi, tra khảo, hay nói xa nói gần với giọng khiêu khích, khinh bỉ Đức Mẹ, thánh Giuse thực sự phải là Người Công Chính, vì chỉ người công chính mới dũng cảm đặt giá trị sự sống con người lên trên tất cả, vì sự sống thuộc quyền Thiên Chúa, sự sống là quà tặng qúy giá của Thiên Chúa, và chuyện sinh tử không thuộc quyền con người ; đàng khác, chỉ người công chính mới hiền lành và chạnh lòng xót thương, mới dám hy sinh mình vì người khác, mới rộng lượng bao dung, tha thứ và nỗ lực xây dựng tình thân, kiến tạo hoà bình với mọi người  (x. Mt 5,4.7.9).

Thánh Giuse đã khiêm tốn chiu đựng mọi cay đắng, thiệt thòi của một người chồng, vì ngài nhìn thấy rõ Thiên Chúa có mặt nơi sự sống đang lớn lên trong lòng Đức Mẹ, nhận ra trách nhiệm của người công chính trước sự sống, như Ápraham, cũng là  người công chính đã tin tưởng Thiên Chúa, “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4,17).        

Thực vậy, với tinh thần và thái độ bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại của người công chính, thánh Giuse đã thực hiện hoàn hảo thánh ý Thiên Chúa, bằng “làm như sứ thần Chúa dậy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24), và sự sống của Ngôi Lời đã được tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ an toàn.

Tiếp đến là trình thuật thứ hai của thánh Mátthêu về việc Hêrôđê tìm truy diệt Hài Nhi Giêsu: Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng : “Này ông dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13).   

Lần này thì thánh Giuse không “nhẫn nại” suy nghĩ, tìm thánh ý, vì thánh ý đã được sứ thần báo rõ, nên ngài tức tốc hành động, mau chóng thực hiện cuộc vuợt biên : “đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14). Đây là thái độ qủa cảm, quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ sư sống con người, khi thánh Giuse đã mau mắn, bất chấp mọi nguy hiểm, đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu đi trốn, vì yêu mến, tôn trọng, trân qúy sự sống của những người mình yêu thương và có trách nhiệm. Tấm lòng và thái độ ấy, người ta chỉ gặp được ở người công chính, vì kẻ bất chính thì coi nhẹ, khinh thường, không ngại làm tổn thương sự sống của chính mình và của người khác.

Sở dĩ kẻ bất chính coi nhẹ sự sống, vì tiên thiên chúng đã coi thường Thiên Chúa, là nguyên ủy của mọi sự sống, là Đấng ban cho tất cả sự sống và gìn giữ sự sống. Vì khinh mạn Đấng tạo nên sự sống, nên kẻ bất chính không ngại ngùng đe dọa sự sống, không gớm tay vi phạm quyền sống, không tự hổ thẹn tiêu diệt sự sống dưới mọi hình thức và phương tiện, như Hêrôđê đã nhẫn tâm “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi han cặn kẽ các nhà chiêm tinh”, để nắm chắc trăm phần trăm đã khử được Hài Nhi Giêsu, “Vua Ítraen” hầu ngăn ngừa hậu họa bị truất phế, lật đổ.

Tóm lại, hai trình thuật của Tin Mừng Matthêu 1,18-25, và 2,13-18, mà trong đó thánh Giuse là nhân vật quan trọng đã giữ trách nhiệm giải quyết vấn đề, đối phó  tình thế đều có đối tượng là sự sống con người, sự sống của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, và trong cả hai tình huống, thánh Giuse đã luôn xử lý như một người công chính của Thiên Chúa, khi đặt sự sống lên trên lợi ích, cảm xúc cá nhân vì ý thức sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa, sự sống là giá trị cao cả, hồng ân qúy giá được Thiên Chúa ban cho con người.

Với ý thức và lòng tôn trọng sự sống con người, thánh Giuse đã tìm ra giải pháp cho những hoàn cảnh khó khăn, đáp số cho những nan đề khó giải bằng đi tìm Thánh Ý Thiên Chúa qua tâm tình và thái độ bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại, và khi đã nhận ra Thánh Ý thì dứt khoát, mau mắn, quyết tâm và dũng cảm thực hiện, vì với thánh Giuse, người công chính, sự sống con người phải luôn được trân qúy, gìn giữ, bảo vệ bằng mọi giá, bởi đó là dấu ấn của Thiên Chúa hằng sống, biểu chứng của Tình Yêu tạo dựng, và là vinh quang của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài.

Noi gương thánh Giuse, Đấng yêu mến và bảo vệ sự sống, chúng ta tập sống mỗi ngày tinh thần và thái độ của người công chính để trong mọi hoàn cảnh, tình huống, dù khó khăn, bi đát, bế tắc đến đâu cũng không coi thường, chối bỏ sự sống con người, dù sự sống ấy còn bé nhỏ trong lòng mẹ, đồng thời dũng cảm hành động để không quyền lực bất chính, phi nhân nào làm tổn thương sự sống, vi phạm quyền sống của con người.

Ước gì gương bảo vệ sự sống của thánh Giuse, người công chính, mang lại cho chúng ta nghị lực để phấn đấu chống lại lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ của thời đại để không một con người nào, dù còn là thai nhi bị cưỡng đoạt, cướp đi sự sống là hồng ân vô cùng qúy giá của Thiên Chúa hằng sống ban cho nhân loại.

Jorathe Nắng Tím