Pages - Menu

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

TIẾN VỀ ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ

 

Suy niệm Tin Mùng Chúa Nhật 4 Muà Chay, năm B

 Muà Chay không là mùa tang thương, thất vọng nhưng là mùa của Yêu Thương, Hy Vọng, muà Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, bao dung, và tội nhân được nhìn thấy và tiến về ánh sáng  cứu độ.

Bài đọc thứ nhất ghi lai bối cảnh lịch sử của Ítraen vào năm 586 trước công nguyên, thời điểm Đền Thờ Giêrusalem bị tàn phá bởi quân đội Babylon với cảnh tượng thật đau thương, kinh hoàng: Vua Canđê tiến đánh Ítraen ; “vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương, bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc… Quân Canđê đốt nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá hủy mọi đồ đạc qúy giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon ; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị” (2 Sb 36,17.19 -20). Và suốt 70 năm bị lưu đầy trên đất Babylon, người dân Ítraen đã không một ngày nguôi ngoai nỗi đau mất nước, nỗi nhớ quê hương, nỗi tủi nhục không còn Đền Thánh, nỗi khổ làm thân nô lệ, nên thường rủ nhau ra bờ sông Babylon nức nở khóc tưởng nhớ Xion (x. Tv 136).

Trong nước mắt ngậm ngùi trên đất Babylon những năm tháng dài nô lệ, Ítraen vẫn được các ngôn sứ của Thiên Chúa nhắc bảo : “Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ hằng thương xót dân và thánh điện của Người” (2Sb 36,15). Và này, Thiên Chúa đã dùng tay Kyrô, vua Ba Tư cất gánh nô lệ, và trả tự do cho dân, đồng thời cho họ được trở về quê hương, xây dựng lại Đền Thờ, như chính lời vua phán : “Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!” (2Sb 36,23).

Ai có thể tả được niềm vui của một dân tộc từ bẩy mươi năm nay phải sống trong cảnh tang thương vì mất nước, trong sầu muộn vì phần lớn đã bị tiêu diệt, trong vất vả, nhục nhằn vì những ai sống sót phải biệt xứ làm nô lệ bỗng dưng  được trả tự do, được hồi hương, và xây dựng lại đất nước? Ai hiểu được nỗi sung sướng của những người ở tận cùng bất hạnh bỗng nhiên được Thiên Chúa xót thương, ban lại hạnh phúc đã mất?

Thực vậy, những gì Thiên Chúa đã thực hiện với dân Ngài trong Cựu Ước, Ngài cũng làm như vậy với mọi dân tộc trong Tân Ước. Nếu vì lòng thương xót, Thiên Chúa Giavê đã cứu dân Ngài khỏi những năm tháng dài nô lệ ở Babylon, thì Thiên Chúa của Đức Giêsu, Đấng “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta”, cũng cứu chúng ta khỏi chết vì sa ngã và “cho chúng ta được sống với Đức Kitô” (Ep 2,4.5). Đây chính là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được đón nhận trong Đức Giêsu, niềm vui mà không mấy khi chúng ta thấy được tầm vĩ đại, lớn lao, và giá trị vô cùng cao qúy ; niềm vui mà rất ít người cảm được sự dịu ngọt vô tận, không gì so sánh được, vì không nhận ra gánh tội rất nặng nề đáng ghê tởm và kinh sợ đè trên đời mình. Cũng như dân Ítraen năm xưa, nếu đã không phải sống bẩy thập niên nô lệ dài đẵng đẵng trên đất người, phải chịu cảnh áp bức, đầy đọa của dân mất nước, không còn quê hương, thì chưa chắc họ đã cảm nhận niềm vui được cứu thoát, hạnh phúc được về lại quê cha đất tổ, và xây dựng lại Đền Thờ.    

Đó là lý do Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng tiến về gặp gỡ Đức Giêsu là  niềm vui của tội nhân được tha bổng, của phạm nhân được trắng án, khoan hồng, của người con yếu đuối, hoang đàng được tình Cha thương xót, bao dung, khi sống niềm hy vọng của  Mùa Chay, bằng đi tìm và tiến về ánh sáng cứu độ là Đức Giêsu, như ông Nicôđêmô, để được biết mình đang hạnh phúc bơi lội trong đại dương ơn cứu độ, khi nghe từ chính miệng của Ngôi Lời : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).  

Vâng, ánh sáng cứu độ phải là ngọn hải đăng cho hành trình đức tin của mỗi người, bởi không thiếu những lúc lòng ta tan nát, thất vong như tâm hồn sầu muộn  của kẻ lưu đầy “bên bờ sông nức nở khóc, trên cành dương liễu treo cây đàn, đến cả bài ca kính Chúa, cũng không sao hát nổi” (x. Tv 136,1.2.4).

Jorathe Nắng Tím