1. Người mẹ trẻ ngồi với cô con gái lớn từ sáng đến gần nửa
đêm. Hai mẹ con thủ thỉ tâm sự : cô xin phép mẹ cho làm giấy hôn thú và ra
sống với người yêu kể từ tháng tới, nhưng không làm phép cưới đạo, không tổ chức tiệc,
không in thiệp báo và sẽ không có con.
Người mẹ trẻ đạo hạnh chết lặng nghe “quyết định” của con gái được thông
báo chính thức dưới hình thức “xin phép”.
Thế là ước mơ bé nhỏ của bà có con gái lấy chồng công
giáo, có lễ cưới nhà thờ, có thiệp cưới gửi về cho gia đình bên Việt Nam, có tiệc
cưới cho đúng tục lệ, nề nếp, gia phong đã lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt.
Bà đã nói với con bằng tất cả tình mẫu tử, đã chia sẻ với con tất cả kinh nghiệm
của đời làm vợ, làm mẹ, đã khuyên con với tất cả lo lắng, quan tâm của một người
mẹ công giáo…nhưng đêm đã khuya, ngoài trời mưa giông đang ùn ùn kéo về, cô con
gái ngáp dài xin phép mẹ đi ngủ và người mẹ
trẻ, một mình ngồi nhìn mưa lặng lẽ khóc. Bà xót thương đời con và đời mình bất hạnh, nỗi xót thương bất lực trước
tương lai “xa Chúa, bỏ Đạo” của đứa con gái duy nhất, hy vọng duy nhất của một
đời làm mẹ.
Gặp được cha
thì bà mừng khôn tả, nhưng gặp bà thì cha ngao ngán, vất vả vì phải nghe những
xót xa, đắng đót của bà cố. Và lần nào cũng thế, nói xong với cha là bà cố lại chân
cao chân thấp từ nhà xứ ra đường đón xe về. Nhiều người kính cẩn “chào bà cố”,
nhưng bà không nghe vì quá nặng lòng xót thương đứa con linh mục đang giẫy giụa
trên “giòng đời hai mặt”. Đường về nhà còn xa, nhưng đường trở về của con
bà còn ngàn lần diệu vợi như nước mắt
xót xa của bà cứ thăm thẳm rơi đều trên những ngón tay gầy, nhăn nheo không ngừng
mân mê tràng hạt.
3. Con đường từ
chợ Hoà Hưng vào trại giam Chí Hoà bà có thể đi mà không cần nhìn, vì đã từ 6
năm nay, không tuần nào bà không đi qua. Có khi đi qua để thăm nuôi, cũng có
khi đi qua để đứng hàng giờ ngẩn ngơ nhìn trại giam nhốt con trai bà vì tội giết
người. Chồng mất sớm, hai mẹ con tưởng sẽ có nhau suốt đời để được hạnh phúc có dâu, cháu nội, bình yên tuổi
già…Nhưng ước mơ của người mẹ nghèo, một mình tần tảo nuôi con đã không thành
khi con bị bắt vì tội giết người. Không ai biết bà mẹ
đau khổ này nghĩ gì, nhưng cứ nhìn bà chốc chốc lại đưa tay quẹt vội đôi mắt ngấn
lệ trên đọan đường Hoà Hưng ngắn ngủi thì đủ biết lòng bà quay quắt, nát tan dường
nào.
Ba người mẹ,
ba hoàn cảnh, vì ba người con khác nhau, nhưng cùng một tình mẫu tử, cùng một
lòng thương xót. Tình mẹ đã không xua đuổi, tránh né, bỏ rơi con. Tình mẹ đã
không đăng báo từ con ; không ồn ào chạy tội, đổ lỗi cho con hay cuộc đời ; không xối xả lên án, nhiếc mắng, giận dữ, trừng
phạt, nhưng tình mẹ đằm thắm lắng nghe, nhẫn nại chịu đựng, đau đớn vì bất lực
và đặc biệt tôn trọng đời con. Tình mẹ ấy đẹp khi không nhân danh tình mẹ, quyền làm mẹ để nghiền nát đời con,
đàn áp tự do quyết định cuộc sống của con. Tình mẹ ấy cao vời khi không cưỡng
chế con phải làm theo mẹ và đặt con vào những điều kiện tưởng bình thường nhưng
thực rất phi nhân. Tình mẹ ấy thánh thiện khi đứng sững đau đớn trước tương lai của con. Tình mẹ ấy
tuyệt vời khi trung thành đi với con đến tận cùng của cuộc đời mà không hề than van, ca thán, mặc cả. Và tình
mẹ ấy thật vĩ đại khi dám trực diện với bất hạnh của con, bất hạnh mà chỉ tình
yêu rất vĩ đại mới dám nhìn thẳng, lại gần, ôm lấy và tìm cách hàn gắn, chữa lành.
Ngắm nhìn
tình yêu của người mẹ trong đời thường, ta có thể hiểu được thế nào là tình
thương xót. Nếu tình yêu là hoa thì lòng thương xót là trái. Nếu tình yêu là mặt
nổi thì lòng thương xót là mặt chìm. Tình yêu đã đẹp, nhưng lòng thương xót còn
đẹp hơn, sâu sắc hơn, thiết tha hơn. Thương xót là cao điểm của tình yêu, là
tình yêu ở cấp độ cao nhất, sâu nhất. Một khi đã đạt đến lòng thương xót, người
ta thực sự đã vượt qua ngưỡng cửa “dáng
dấp bên ngoài” của tình yêu để đến tận nguồn của tình yêu phong phú, bao la,
tuyệt vời. Người mẹ yêu con không bằng tình yêu thường, nhưng với tình yêu
thương xót. Tình mẫu tử luôn nặng tình xót thương ; vì chỉ có mẹ mới dám
mang trọn đời con mình, dù đời con bệ rạc,
dơ bẩn, nhớ nhớp đến đâu, như đã cưu mang con chín tháng mười ngày ; chỉ
có mẹ mới dám cúi xuống ôm tấm “thân tàn ma dại” mà dấu yêu, nựng nịu như đã từng
chăm đẵm, ấp ủ, dưỡng nuôi ; chỉ mẹ mới dám đứng thẳng, dõi đôi mắt ngấn lệ nhìn con đi vào một tương
lai vô định, nhiều nguy hiểm như đã từng lo lắng, xốn xang khi con khóc đêm,
đau bệnh. Không phải mẹ không thương con khi chỉ đứng lặng nhìn con ra đi, nhưng vì qúa thương
con, nên đành để con đi vì tình yêu đích thực đòi mẹ phải tuyệt đối tôn trọng tự
do làm người, tự do chọn cuộc sống của con, mặc dù tim mẹ nát tan, lòng mẹ se
thắt vì thấy trước đời con chọn, đường con đi là đường nguy hiểm, đời bất hạnh. Tình yêu bình thường chỉ đạt đến độ
can ngăn, nhưng nếu can ngăn không được thì tình yêu ấy có thể chùn bước, nhưng lòng xót thương thì trung
thành, gan lì và kiên nhẫn ở lại, có mặt để
yêu thương đến cùng. Và điều cần ghi nhận trong tình mẫu tử của ba người
mẹ trên là thái độ gan lì, kiên trì có mặt với con. Lòng xót thương của tình mẫu
tử mang sức mạnh của niềm Hy Vọng. Chính sức mạnh Hy Vọng đã làm
tình yêu xót thương nơi người mẹ trở nên vĩ đại, tuyệt vời trên cả tuyệt
vời. Cũng chính sức mạnh hy vọng trong tình xót thương đã cho tình mẹ được là phó bản của tình Thiên
Chúa xót thương, bởi tình ấy mang đến cho con người hạt giống hy vọng được cứu
rỗi.
Cả ba người
mẹ kể trên đều chung một niềm hy vọng con mình sẽ được cứu rỗi trong khi những
người khác nhìn vào, hay biết chuyện đều lắc đầu, thở dài, thất vọng. Cả
ba người mẹ, dù đau khổ, lo âu, choáng
váng, chao đảo, vẫn bám víu vào niềm hy vọng
và tin con mình sẽ được cứu ra khỏi bất hạnh. Cả ba bà mẹ đều hy vọng
phép lạ sẽ đổi mới đời con mình, mặc dù chưa biết tìm phép lạ ở đâu và nếu có
thì bao giờ mới được thực hiện. Tình xót thương của mẹ ban niềm hy vọng, lôi
kéo hy v†ng về và tận lực xây dựng niềm
hy vọng. Bằng những viên gạch nhỏ, hạt cát tí teo và nước mắt thương xót, các
bà kiên quyết, âm thầm xây từng ngày ngôi nhà Bình Yên cho tương lai của những
đứa con hôm nay chẳng muốn nghe lời mẹ, đang lao mình vào cơn lốc xóay “vong
thân” nguy hiểm.
Thực vậy, người
mẹ chia sẻ với Thiên Chúa trong tình xót thương con cái và tình mẫu tử phản ánh
rõ nhất tình xót thương của Thiên Chúa đối với con người, chính vì thế, Thiên
Chúa đã lấy hình ảnh người mẹ để biểu lộ tình Ngài : “Tình Ta yêu con lớn
hơn cả tình mẹ yêu con” (Sir 4,11). Như gà mẹ ủ ấp gà con, Ta luôn yêu
thương, ủ ấp, che chở con dưới cánh.
Tình xót
thương ấy là tình âu yếm, dịu dàng, cưng
chiều, nâng niu : Chẳng có người mẹ nào không cảm thấy hạnh phúc khi nựng
nịu con, vì con là máu thịt của bà, được
thành hình và lớn lên ngay từ trong bụng dạ bà. Không ai biết con hơn bà, vì bà
cưu mang con khi con còn trong trứng nước. Không ai hiểu con hơn bà, vì nhịp thở
tim bà là nhịp sống của con. Không ai thiết thân với con hơn bà, vì máu bà nuôi
con, thịt bà cho con lớn, tình yêu bà cho con vào đời và hạnh phúc của bà là nguồn vui sống của con. Không ai qúy
con hơn bà, vì chỉ một mình bà biết giá trị thực của sự sống và để con được sống,
bà đã đánh đổi biết bao hy sinh, quên
mình. Không ai thương con bằng bà, vì con là lẽ sống của bà và chính bà ban sự
sống cho con. Vì thế, bà chỉ muốn con mãi bé nhỏ để được cưng chiều, nựng nịu,
như Thiên Chuá không ngừng âu yếm, chiều chuộng con người và vì cưng chiều con
người, nên lắng nghe những thở than, rên xiết của trái tim đau khổ (Xh 22,22 ;
Tl 2,18 ), thấy ngay những vất vả, truân chuyên của kiếp người lầm than (Xh
7,7) và ra tay cứu chữa, bênh vực.
Tình xót
thương của Thiên Chúa là lòng bao dung,
dễ quên lỗi lầm và rộng lượng thứ tha. Tình ấy không muốn bắt tội ai,
nhưng dễ dàng xá tội. Tình ấy không luận phạt ai, nhưng mở lối trở về, mở đường
cứu rỗi. Tin mừng không ngừng nhắc đi nhắc lại tình Thiên Chúa dành cho người tội
lỗi và thái độ qủang đại, nhân từ của Ngài, thái độ của người cha cực kỳ nhân hậu,
xót thương con (Gr 31,34).
Tình xót
thương ấy rất kiên nhẫn, không ngại thời gian, bất chấp đợi chờ. Hình ảnh người
cha hằng ngày ra đầu ngõ ngóng con là
hình ảnh kiên nhẫn của tình xót thương. Thương xót ai là kiên nhẫn đợi chờ người
ấy trở về, kiên trì trong niềm hy vọng người ấy được cứu rỗi, kiên tâm nuôi niềm
hy vọng người ấy sẽ được giải thoát, bình an. Trái tim thương xót là trái tim
kiên nhẫn, trái tim không vội bỏ cuộc, không nản lòng, thối chí, nhưng gan lì,
vững chí trước lặng lẽ, nặng nề, lê thê của thời gian với niềm hy vọng được nuôi lớn mỗi ngày bằng hy sinh, nhẫn nại. (Kh 2,21).
Tình thương
xót thì bao la và đời đời. Đó là bảo chứng
quan trọng cho niềm hy vọng cúa con người. Với bao la của lòng thương xót,
không lỗi lầm, tội lụy nào sẽ chẳng được rửa sạch, xoá bỏ. Với lòng xót thương
đời đời, bất diệt, sẽ chẳng còn nỗi sợ : sẽ có một lúc Thiên Chúa chẳng
còn xót thương. Tình Thiên Chúa xót thương thì bao la và đời đời, nên kiếp người
yếu đuối hữu hạn và mong manh sẽ được chìm trong đại dương của tình xót thương
vĩnh cửu. Và hạt cát bé nhỏ trong đại dương, giọt nước mong manh trong biển cả sẽ như tội lỗi tan biến trong dạt dào, bao la
của tình Chúa. Trong biển tình bao la, sẽ chẳng có hạt cát hay giọt nước nào có thể ngang tàng, ngúng nguẩy đương đầu trước “bao la thương xót”.
(Tv 105,1 ; 99,5 ; 102,17)
Tình xót
thương của Thiên Chúa là tình toàn năng, vì tình ấy phát xuất từ trái tim Thiên
Chúa, Đấng toàn năng. Trái tim toàn năng mang tình thương xót toàn năng nên sẽ
làm được mọi sự, biến đổi được mọi người, hoàn chỉnh được mọi công trình, thực
hiện được mọi uớc mơ ; bởi “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Chính vì làm được tất cả mà Thiên Chúa
giầu lòng xót thương chữa lành, cứu độ được tất cả. Chính vì là Thiên Chúa toàn
năng mà ơn thương xót của Ngài trở nên bảo
đảm hữu hiệu cho mọi cuộc đời, mọi tâm hồn
chạy đến với Ngài. Trong trái tim của Thiên Chúa toàn năng có tình xót thương
toàn năng sẽ biến đổi mọi sự, mọi người,
mọi cảnh huống, mọi tình trạng nên tốt hơn, thánh thiện hơn, an bình và hạnh
phúc (2Tm 1,2 ; Tv 30,8).
Hỡi
những bà mẹ giầu lòng thương xót !
Các bà là hiện thân của Thiên Chúa giầu lòng xót
thương, các bà được chọn làm sứ giả của lòng thương xót, được sai đi làm chứng
lòng thương xót, được Thiên Chúa yêu thương và thương xót đặc biệt để các bà hiểu
hơn mọi người, cảm nghiệm hơn mọi người giá trị và hạnh phúc của lòng xót
thương. Hơn ai hết, trái tim các bà đầy tràn tình yêu thương xót, tâm hồn các
bà là giây đàn rất căng, bén nhậy với lòng thương xót. Trên mọi thụ tạo, các bà
mang tình thương xót để nhân loại tiếp tục được
âu yếm, cưng chiều, che chở, thứ tha. Các bà không thể thiếu cho nhân loại,
không chỉ vì nhu cầu nòi giống, nhưng còn vì nhu cầu được yêu thương. Vắng các
bà, thiếu trái tim đầy xót thương và chỉ biết xót thương của các bà, ai sẽ cho
nhân loại hạnh phúc được nhõng nhẽo với
vợ, niềm vui được mẹ âu yếm sớm hôm, vỗ về khi đau ốm, ủi an lúc sầu buồn, đỡ
nâng khi thất vọng ? Ai sẽ cho nhân loại bàn tay đỡ dậy khi vấp ngã, ánh mắt
thông cảm lúc cô đơn, nụ hôn trợ lực khi cuộc đời đổ vỡ ?
Đành rằng
tình thương xót của mẹ nhiều khi như
hoàn toàn bất lực trước quyết định sai trái, nếp sống sa đoạ, chọn lựa bừa bãi,
ngang ngược và đường sống không tương lai của con ; đành rằng qũy thời
gian sống của mẹ có hạn mà đường về của
con thì vời vợi, ngút ngàn, tít tắp sau cả ngày mẹ chết ; đành rằng nước mắt
mẹ tuy độ mặn cao nhưng không đủ làm mắt
con sáng , xua đuổi bóng tối lầm lạc trong tâm hồn con ; đành rằng tay mẹ vẫn luôn giang rộng,
nhưng con lớn, không còn chịu ở trong vòng tay che chở, giữ gìn an toàn của mẹ ;
đành rằng chân mẹ tuy cố lết nhưng bóng con cứ ẩn rồi hiện, thấp thoáng xa xôi
trên đường vạn dặm, muôn lối mà đường đời mẹ thì đã ở những cây số cuối
cùng ; đành rằng hy vọng của mẹ không bao giờ tắt nhưng mỗi lần bóng mây
giăng, cơn giông tới, hy vọng lại ngả nghiêng, mờ nhạt , nhưng trăm phần
trăm mẹ không đơn độc xót thương, không
một mình thương xót ; trái lại, mẹ
thương xót với tình thương xót của Thiên Chúa, đợi chờ với tình xót thương nhẫn
nại của Thiên Chúa, hy vọng với trái tim hy vọng của Thiên Chúa, khắc khoải, xót xa với tấm lòng nhân hậu bao
la của Thiên Chúa và trong ước mơ ngày con trở về, đời con được hạnh phúc , mẹ
mang trong tim ơn Bình An của Thiên Chúa. Nhờ thế, mẹ sẽ từng bước, từng ngày dọn đường tương lai cho
con với niềm tin yêu, ký thác tuyệt đối ở tình Chúa xót thương, Đấng đã muốn
dùng mẹ và cùng mẹ thương xót con người.
Người mẹ cần
gắn bó trái tim xót thương con mình vào trái tim thương xót của Chúa, cần tháp
nhập tình yêu con mình vào qủa tim nhân hậu, bao dung của Chúa để niềm hy vọng đôi
lúc chập chờn muốn tắt của người mẹ sẽ như hạt cát, giọt nước bé nhỏ, mong manh hoà tan trong đại dương bao la hy vọng của
Thiên Chúa, để trở nên niềm hy vọng cứu độ, niềm hy vọng xót thương trong Thiên Chúa toàn năng, Đấng sẽ
xót thương tấm lòng giầu xót thương của tình mẹ và ra tay cứu độ, ban an bình,
hạnh phúc cho những người mà tình mẹ xót
thương nguyện cầu.
Thánh nữ
Monica là một người mẹ giầu lòng xót thương đã nổi trôi, vất vả bao nhiêu năm với
Augustinô, đứa con hoang đàng, trụy lạc. Người mẹ Monica đã không lên án, ruồng
rẫy, từ bỏ con, nhưng bám gót con bằng những bước chân xót thương hy vọng. Những hy sinh âm thầm và đời
cầu nguyện thiết tha đã biến Augustinô từ một chàng “playboy” thứ dữ, một con
ngưòi cứng cỏi, ngạo mạn, kiêu căng thành một Giám Mục thánh thiện, một nhà thần
học sáng giá, một tiến sĩ Hội thánh, một đại thánh của Tình Yêu.
Thực vậy, người mẹ hy vọng sẽ cho con niềm hy vọng và
nhờ niềm hy vọng của mẹ, hạt giống cứu rỗi
sẽ nẩy mầm trong tim con. Người mẹ thương xót sẽ làm chạnh lòng con vì tình mẹ
xót thương và từ lòng mẹ thương xót, mầm ơn đổi mới sẽ nẩy chồi. Người mẹ biết
đặt qủa tim xót thương của mình vào trái tim thương xót của Chúa sẽ nhận được sức
mạnh toàn năng của Thánh Thần, đấng sẽ làm mới bộ mặt trái đất như sẽ làm mới
trái tim, cuộc đời những người con đang cần tình mẹ xót thương, lòng Chúa
thương xót.
J. Nắng Tím