Pages - Menu

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

NGUY CƠ THIÊU LÒNG THƯƠNG XÓT

https://www.youtube.com/watch?v=e6ALnFgqNSc
                                        
    Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu và Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài xót thương ; nếu  Kitô giáo là Đạo của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trong thế giới vì thương xót con người và lấy chính mạng sống để cứu độ con người vì xót thương ; nếu  tất cả các giới răn mà người Kitô hữu phải tuân giữ  được gồm tóm vào  một đòi hỏi duy nhất với hai mặt là yêu mến Thiên Chúa và thương xót đồng loại (Mt 22,37-40); nếu con đường Đức Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những ai muốn theo Ngài là đường Yêu Thuơng : yêu thương đến cùng, yêu thương đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu (Ga 15,13) ; nếu hiến chương Nước Trời được dành cho những người phải khóc vì xót thương người khác, phải buồn sầu vì xót xa nỗi đau thân phận người khác, phải chịu phiền toái, vất vả, nhục nhã, vu khống, truy lùng, bách hại vì mưu tìm hoà bình, công chính và hạnh phúc cho đời người khác (Mt 5, 1-12); nếu  số phận đời sau của mỗi người theo như Đức Tin Kitô giáo dậy sẽ tùy thuộc lòng thương xót mà mình đã thực hiện hay bỏ qua khi còn sống ( Mt 25, 31-46); nếu chỉ thực sự là người có Đạo khi lấy yêu thương là dấu chỉ và huy hiệu “độc nhất vô nhị”  của người Kitô hữu (Ga 13,35),  thì thiếu lòng thương xót, trống vắng yêu thương sẽ là một nguy cơ lầm đường lạc hướng, một tai hoạ khủng khiếp, một thất bại ê chề, một mất mát  thảm thương đối với người có Đạo. Do đó, thiếu lòng thương xót, đời người Kitô hữu  sẽ không còn lẽ sống, mục đích, ý nghiã và động lực để yêu mến Chúa và phụng sự Chúa trong mọi người. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không do dự đặt tên cho tình trạng “thiếu lòng thương xót nơi người có Đạo” là  nguy cơ  trầm trọng, bên cạnh nguy cơ say mê tiền của, mà người viết đã chia sẻ với các bạn tuần trước.
     Thực ra, thiếu lòng thuơng xót không chỉ là nguy cơ đối với người có Đạo hay khép kín trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng bất cứ ai không có lòng thương xót tha nhân đều mang lại hậu qủa tiêu cực cho xã hội loài người, bởi thương xót người khác là đòi hỏi tự  nhiên của luật tự nhiên.  Lương tâm  mỗi người luôn nhắc bảo, canh chừng, thôi thúc lòng thương xót được gọi chung dưới những tên như  “nhân ái, tình người, nhân đạo, lòng tốt”.

1.    Ý Nghiã Của Lòng Thương Xót
    Để hiểu hơn ý nghiã của lòng thương xót,  chúng ta cùng nhau phân tích từ “Thương Xót” của tiếng latinh MISERICORDIA  được làm thành từ Miseria là “cơ cùng, khốn nạn” và Cordia có nghiã “ở trong trái tim”. Theo ý nghiã đích thực của nguyên ngữ  latinh, Misericordia - Thương Xót  không thể hiểu là  thương hại, vì thương xót không là hành động bố thí tình cảm, cũng không là thái độ tự mãn phân phát yêu thương của người trên cho người dưới,  thí ban chút tình của ông chủ cho đầy tớ như  những mảnh  vụn từ chiếc bánh  tình người nhạt  nhẽo từ tay người lớn trên cao ném xuống cho người thấp cổ bé miệng đang ngắc ngoải chờ chết tận vực sâu đói khổ, nhưng thương xót là cúi xuống, qùy xuống, hạ  thấp mình xuống ngang người  ta xót thương để có thể vực họ lên, đỡ họ dậy, băng bó vết thương loang máu trên thân xác nhừ nát vì roi đòn của họ. Thương xót  là mang lấy tất cả sự thật của thân phận đôi khi rất bẽ bàng, kinh tởm của người đang cần được xót thương;  là đón nhận trọn niềm đau nỗi khổ, vất vả nhọc nhằn, thất bại tang thương, yếu đuối tội lụy của người mình thương xót trong riêng tư  thầm kín, nhưng vô vàn lắng đọng, thiết tha của trái tim mình. Thương xót ai như thế là gánh trên vai mình, mang trong tim mình, gắn vào cuộc đời mình những bất hạnh, khốn nạn của người mình xót thương. Và  thương xót ai chính là ngày đêm  thao thức, băn khoăn, lo lắng, ước mơ và  miệt mài hết mình tìm kiếm hạnh phúc cho người mình  thương xót. Vì thế, lòng thương xót luôn làm người xót thương nặng lòng, nặng vai, nặng đầu, nặng gánh bởi “gánh đời” của người được thương xót chẳng mấy khi không trĩu nặng.
2.    Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
a.    Yêu đến cùng
      Đức Giêsu được thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu lần đầu tiên với đám đông : “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” ( Ga 1,29). Và Con Chiên gánh tội đó đã không chỉ gánh mà còn hiến mạng sống mình trên thánh giá để làm chứng lòng xót thương vô bờ bến và tình yêu đến cùng của Thiên Chúa  (Ga 13,1). “Đến cùng”  không chỉ được hiểu là tận cùng của thời gian, mà còn phải hiểu là “vô điều kiện”. Đức Giêsu đã yêu thương đến giây phút cuối cùng và xót thương vô điều kiện:
 “Yêu đến cùng” môn đệ Phêrô nên đã đợi chờ để  âu yếm ngước nhìn người môn đệ nhiệt tình, nóng nẩy ở đường cùng phản bội (Lc 22,61); yêu đến cùng Tôma, nên đã trở lại để ban bình an cho ông ở đường cùng  cứng cỏi, chai đá (Ga 20, 27); yêu đến cùng người đàn bà bị bắt qủa tang đang ngoại tình để cứu bà một “bàn thua trông thấy” ở đường cùng sự sống ( Ga 8,1-11); yêu đến cùng người phụ nữ trắc nết, lăng loàn để đổi mới chị với bình an đích thực của Thiên Chúa ở đường cùng vong thân (Lc 7,36-47) ; yêu đến cùng đứa con hoang đàng “phá gia chi tử” để trả lại cho chàng nghịch tử quyền làm con đã mất ở đường cùng vong ân bội nghiã (Lc 15,11-32); yêu đến cùng Dakêu để đem ơn cứu độ cho gia đình ông ở cuối  đường bất chính (Lc 19,1-10); yêu đến cùng hai môn đệ trên đường Emmau để đem lại cho họ hy vọng ở đường cùng tuyệt vọng (Lc 24,13-35); yêu đến cùng những người qùe quặt, đui mù, câm điếc, bị qủy ám để ban lại cho họ sức khỏe và niềm vui ở đường cùng bất hạnh (Mt 4, 23-24); yêu đến cùng những người nghèo khổ bị bỏ rơi, kỳ thị để họ được ủi an ở đường cùng bạc phước; yêu đến cùng những người ngoại đạo để họ nhận ra dung mạo dễ thương, xót thương của Thiên Chúa ở cuối đường chân lý (Mt 8, 5-13; Ga 4,7-25);  yêu đến cùng những người ngoại quốc để họ thấy mình không còn là người xa lạ trong gia đình của Thiên Chúa; yêu đến cùng người tử tội cùng bị đóng đinh bên phải để Nước Trời mở toang cho anh ở đường cùng hình phạt (Lc 28,39-43); yêu đến cùng người bạn Ladarô và gọi anh ra khỏi mộ phần lạnh lùng, tăm tối ở đường cùng hủy diệt (Ga 11,17-44); yêu đến cùng cả những người vô ơn, đả đảo, lên án, tra tấn, đóng đinh mình bằng chạy tội cho họ với “lý do trắng án” : “Lậy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24), ở đường cùng  bạo lực phi nhân.

b.    Tình yêu của mẹ hiền
   Đức Giêsu đã yêu thương đến cùng bằng một trái tim mang hết những thiếu sót, yếu đuối, tật bệnh,  thất vọng, khổ đau, buồn chán, lỗi lầm, tội lụy của mỗi người chúng ta. Trái tim của Ngài là trái tim của người mẹ chỉ được dựng nên để yêu thương,  một tình yêu  hiện diện, quan tâm, trìu mến, nhẫn nại, vô điều kiện, nhưng không và đến cùng. Ngôn sứ Isaia đã diễn tả tình yêu ấy như sau:
   “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã  ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,14-16). “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,12-13).
       Như thế, lòng thương xót thực sự là căn tính của người Kitô hữu, người có Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vì Đức Kitô là dung mạo của Chúa Cha giầu lòng thuơng xót, là hiện thân của Thiên Chúa là Tình Yêu Xót thương, và nhất là căn tính của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô  chính là Tình Yêu, như thánh  Tông Đồ Gioan đã định nghiã : “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).
     Chúng ta phải xác tín căn tính Tình yêu nơi Thiên Chúa, nếu không chúng ta sẽ lẫn lộn giữa căn tính Tình Yêu và những đặc tính khác của Thiên Chúa  như công bình, toàn năng, thông biết mọi sự, thưởng phạt  công minh...Tuy là đặc tính, nhưng bên cạnh căn tính, đặc tính vẫn  phụ thuộc và thứ yếu. Căn tính không thể thay đổi, và luôn giữ vai trò tất yếu, chính yếu, nên Thiên Chúa không thể là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có những phụ tính như công bằng, chính trực, thông biết vô cùng, toàn năng vô song, nhưng Thiên Chúa không là  những phụ tính đó, Ngài chỉ là Tình Yêu. Curng vì căn tính của Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Thiên Chúa hoá giải tất cả những gì nại đến công bằng, thưởng phạt, nghiêm minh trong tình yêu và với tình yêu. Nhờ thế mà tội nhân được thương xót, phạm nhân được tha bổng, hối nhân được thứ tha, ác nhân nhận được ơn đổi mới, trở về.   
     Tóm lại, không thể là Kitô hữu nếu không có Đức Kitô trong đời, và không thể có Đức Kitô nếu thiếu lòng thương xót. Muốn có Đức Kitô, người Kitô hữu phải có lòng thương xót; muốn có Đức Kitô đồng hành, phải đi với Ngài trên đường yêu  thương; nếu muốn Đức Giêsu ở cùng, nơi đó phải có lòng thương mến, cảm thông, bởi “đâu có tình yêu  và bác ái, ở đó có Thiên Chúa - Ubi Caritas et Amor , Deus ibi est”. Trái ngược lại, nơi nào không có tình yêu, trái tim nào thiếu lòng thương xót, gia đình nào phủ nhận tình nghiã, cộng đoàn nào chối từ bác ái huynh đệ thì Thiên Chúa không hiện diện, và  cạn kiệt  ân sủng là sức sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chân lý này không thể hiểu vu vơ theo kiểu “đánh lận con đen”, hay mập mờ ngụy biện, hầu ngụy trang một nghịch lý mâu thuẫn tận gốc rễ, khi nghĩ rằng không yêu thương thì Thiên Chúa vẫn hiện diện.       
    Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát với chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu, và Thiên Chúa không thể là gì khác hơn ngoài là Tình Yêu, nghiã là có yêu thương mới có Thiên Chúa, nơi nào yêu thương có mặt, nơi đó Thiên Chúa  mới ngự trị và hành động, đồng nghiã với ở đâu không có yêu thương, ở đó vắng bóng Thiên Chúa. Phải rất thận trọng dành “ưu tiên một” cho tình yêu trong tất cả mọi lựa chọn, vì chọn tình yêu là chọn Thiên Chúa; phải can đảm dành chỗ cao nhất cho Lòng Thương Xót, vì thương xót là yếu tính của Thiên Chúa, nên khi  thương xót ai, ta chạm vào trái tim Thiên Chúa và làm Thiên Chúa chạnh lòng. Sở dĩ phải thận trọng và can đảm trong chọn lựa và hành động theo đức ái, vì đức ái cao trọng hơn tất cả,  nếu muốn không lạc hướng vì rất nhiều cám dỗ đủ loại, kể cả những cám dỗ  nhân danh lề luật của Thiên Chúa mà  xúc phạm đến Thiên Chúa là Tình Yêu; nhân danh cơ cấu hoàn hảo, kỷ cương, trật tự mà vô tình làm tổn thương Lòng Thương Xót là chính Thiên Chúa, nhân danh  thành qủa truyền giáo, lễ nghi  hoành tráng, linh đình, sinh hoạt sôi nổi, vượt trội mà chống lại Tình Yêu là chính Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót và các thuộc tính khác của Ngài phải được chúng ta phân định rất rõ ràng, để hành trình đi theo Đức Kitô của người Kitô hữu không bị lạc hướng.

3.    Sống Lòng Thương Xót
a.    Biết mình luôn cần được  thương xót
     Để sống lòng thương xót như Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, chúng ta cần biết mình luôn cần lòng thương xót. Biết mình cần lòng thương xót vì chúng ta là kẻ có tội cần được thứ tha, hoà giải, cứu sống. Biết mình cần lòng thương xót là nền tảng của mọi sinh hoạt xót thương, bởi khi biết mình cần được thương xót, chúng ta chân nhận chính Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót ta. Tin Mừng Mátthêu đã  mô tả người đầy tớ bị xiết nợ  biết mình cần lòng thương xót,  đã nài xin và được tha hết nợ :
  Người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả nên tôn chủ ra lệnh bán y và tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ sấp mình xuống bái lậy: Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ (Mt 18, 24-27).
 b.    Biết người khác cũng luôn cần đựơc xót thương
     Biết mình cần được thương xót chưa đủ, chúng ta còn phải biết người  khác cũng cần đến lòng thương xót của chính chúng ta. Tất nhiên Thiên Chúa luôn xót thương họ như xót thương ta, nhưng để thương xót con người, Thiên Chúa cần đến lòng thương xót của chính con người dành cho nhau. Ngài cần bàn tay chia sẻ, nâng đỡ, xây dựng của con người để biểu lộ tình yêu mẫu tử của Ngài trên con người, như đã cho con người được cộng tác vào công trình sáng tạo những con người mới của Ngài. Cũng Tin Mừng Mátthêu  cho ta thấy thái độ vô cùng gian ác, vô ơn, vô cảm của người đầy tớ vừa nhận ơn thương xót xoá nợ của ông chủ đã cố tình tham lam, ngoan cố ích kỷ, trâng tráo bạo lực khi xóa khỏi tim óc  mình “cái biết về nhu cầu được xót thương” nơi người khác. Tin Mừng đã ghi lại tỉ mỉ cảnh tượng hãi hùng của người đầy tớ gian ác vừa được xót thương xóa hết nợ đã vội bỏ quên, khước từ bổn phận thương xót người bạn đáng thương đang mắc nợ mình:
    Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho ta” ! Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bầy với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?”  Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 1828-35).
      Tóm lại, thiếu lòng xót thương, chúng ta không thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” là đòi hỏi liên lỷ của Đức Giêsu đối với những ai muốn đi theo Ngài.  Chỉ với lòng thương xót anh em mình, chúng ta mới có thể nói được như thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
   Thiếu lòng thương xót, tim chúng ta không đập chung nhịp  của trái tim Thiên Chúa, nên sẽ không thể gặp gỡ, kết hiệp với Ngài, vì Ngài chỉ ở trong những tâm hồn có lòng thương xót và nơi nào có bác ái, huynh đệ. Thiếu lòng thương xót, chúng ta càng không có thể thứ tha cho ai, kể cả cho mình, vì thứ tha là hành động phi thường mà chỉ những ai có trái tim của Thiên Chúa mới thực hiện được. Sở dĩ thứ tha đòi tình yêu của Thiên Chúa mới thực hiện được, vì trái tim tự nhiên của con người  bình thường chỉ thương ai thương mình, yêu ai yêu mình, tử tế với ai biết điều với mình, ơn nghiã với ai cư xử tốt đẹp với mình,  nhưng không thể thương kẻ ghét mình, yêu người  hãm hại mình, làm ơn cho người hàm oan, vu khống mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, gây khốn khó cho mình, và tha thứ cho những ai xúc phạm, làm tổn thương, gây đau khổ cho mình. Không có trái tim thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ gục ngã, tuyệt vọng trước những bất công, vô ơn, bội nghiã và đòn thù thiên hạ giáng trên chúng ta, mặc dù chúng ta đã hết mình, hết tình yêu thương, giúp đỡ, bênh vực, che chở, xây dựng họ (x. Mt 5, 38- 42;18,21;Lc 6,36-37)
    Thật vậy, thiếu lòng thương xót của trái tim Thiên Chúa, chúng ta sẽ bó tay chào thua trước mãnh lực khủng khiếp của ma qủy biểu hiện qua cõi lòng ganh ghét, ghen tuông, qua miệng lưỡi điêu ngoa, dối trá, qua bàn tay bạo lực, bất công, tàn phá, hủy diệt của những người thiếu lòng thương xót chấp nhận đầu quân làm cánh tay nối dài của  thần dữ Satan.
     Nhiều người thắc mắc: tại sao thế giới bất an, gia đình bất ổn, và tâm hồn con người  ngày càng trở nên kiêu căng, chai đá, bất trị ? Và người ta đã nhận được nhiều nghiên cứu, phân tích, lý giải từ các chính trị gia, chuyên viên kinh tế, nhà xã hội học đến cả chuyên gia tâm lý, nhưng không một giải đáp nào được coi là thỏa đáng, hữu hiệu.
     Đứng trước những bế tắc liên quan đến vận mệnh và hạnh phúc của nhân loại, nếu chúng ta nhận mình là môn đệ của Đức Giêsu, thuộc về Đức Giêsu, yêu mến và muốn nên giống Đức Giêsu, chúng ta sẽ không thể cho phép mình dửng dưng, an thân tự tại, nhưng phải cùng Đức Giêsu lên đường loan báo Tin Mừng Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót cho thế giới hôm nay, vì chỉ một mình Thiên Chúa là Tình Yêu mới có thể hoá giải những mâu thuẫn, đố kỵ, tị hiềm, thù hận do lòng ganh ghét của con người; chỉ tình yêu thương xót của Thiên Chúa mới hàn gắn những đổ vỡ trong cuộc sống, chữa lành các vết thương do bạo lực gây ra  trong sinh hoạt; chỉ duy nhất trái tim đầy xót thương của Thiên Chúa là Tình Yêu mới hồi sinh được thế giới đang chết dần trong làn khí độc khước từ, phủ nhận  nhau. Chắc chắn khi lên đường để thương xót với Đức Giêsu, chúng ta sẽ bị phê bình, chỉ trích, hiểu lầm, cô lập, đàn áp, bởi lẽ ma qủy luôn tìm cách ngăn trở chúng ta thương xót như Thiên Chúa và xúi giục, thúc đẩy, bầy mưu - hiến kế cho chính anh em chúng ta chống lại chúng ta. Anh em chúng ta có thể vin vào nhiều lý do, dựa trên nhiều khuyết điểm, thiếu sót, mà vì hết lòng thương xót chúng ta đã không thể tránh được, khi phải ưu tiên cho lòng thương xót và đặt lòng thương xót là giá trị cao nhất của mọi lựa chọn. Câu chuyện Đức Giêsu bị các người Pharisiêu, luật sĩ Do Thái trách móc khi Ngài vì chạnh lòng thương xót đã chữa ngươi bị bại tay trong ngày Sabát là ngày mà Luật Môsê cấm không được làm việc.Thánh sử Mátthêu đã kể lại :
     Đức Giêsu đi vào  hội đường , “ở đó có người bị bại liệt một tay. Người ta hỏi Đức Giêsu rằng: Có được phép chữa bệnhh ngày Sabát không?”  Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại khôg nắm lấy nó và kéo lên sao ? Mà con người thì qúy hơn chiên biết mấy ! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều lành”. Rồi Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra ! Người ấy giơ tay ra và liền trở lại bình thường lành mạnh như tay kia”. Ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu (Mt 11, 9-14).
      Họ muốn giết Đức Giêsu vì Ngài đã đặt lòng thương xót trên Lề Luật;  muốn tiêu diệt Đức Giêsu, vì Ngài đã chọn thương xót như “đệ nhất ưu tiên” trong tất cả mọi lựa chọn. Qủa thực, việc làm và lựa chọn thương xót của Đức Giêsu đã  làm xáo trộn toàn thể bộ máy tôn giáo, đồng thời  làm sụp đổ pháo đài quyền lực và lợi nhuận tôn giáo mà họ đang nắm giữ. 
     Như Đức Giêsu, người môn đệ sống lòng thương xót cũng sẽ chịu chung số phận, khi chọn lựa của họ không phù hợp với “chọn lựa vị luật” của những Luật sĩ, không trùng khớp với “ưu tiên cơ cấu hoàn hảo” của ban tổ chức - điều hành, không đồng giọng với “chủ trương hiếu thắng, thành qủa”, chỉ được chứ không mất, chỉ thành công chứ không thất bại của  phần đông những người lãnh đạo.
   Số phận ấy cho đến tận thế cũng không khá hơn cho những người thuộc về Đức Giêsu, nhưng số phận ấy luôn là số phận được Thiên Chúa chúc phúc,  bởi  họ đã xót thương anh em đồng loại nên mới phải khóc lóc; xót xa thân phận người khác mới phải buồn sầu; khát khao mưu tìm công bình cho người bị đàn áp, oan sai, bóc lột mới khổ đau;  tranh đấu hết mình cho  hoà bình, hạnh phúc của mọi người mới bị vu khống, hiểu lầm oan uổng; nhiệt tình làm chứng cho sự thật mới bị nghi ngờ, truy lùng, bắt bớ ; và hết mình xả thân vì  Đức Giêsu khi triệt để sống lòng thương xót  mới phải  thiệt thân, đổ máu, mất mạng (x. Mt 5,1-11).  
    Vâng, Đức Giêsu đã làm người để nói với con người Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài đến để thương xót, cứu độ con người, đồng thời muốn mọi người trở nên giống Ngài như con cái giống cha mẹ trong tình yêu, thương xót vì Ngài biết chỉ  một mình Ngài là Tình Yêu đích thực mới ban sự sống và hạnh phúc đích thực; chỉ một mình Ngài là lòng Thương Xót mới cứu độ nhân loại và đem niềm vui  cho thế giới không hạnh phúc vì bất công, gian ác, bạo lực không ngừng đe doạ ; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa chậm bất bình và rất khoan dung mới thứ tha, xoá tội và ban ơn bình an thật cho mọi tâm hồn. Thiếu Tình Yêu là Thiên Chúa, khước từ Thiên Chúa là Tình Yêu, cũng như phủ nhận lòng Thương Xót là căn tính của người Kitô hữu, hay vứt bỏ Tình Yêu là huy hiệu của người có Đạo, chúng ta sẽ biến thái từ chứng nhân thành phản chứng, từ Kitô hữu thành “Phản-Kitô”, và mãi mãi người khác sẽ là địa ngục, thế giới là địa ngục, hiện tại là địa ngục, tương lai là điạ ngục, vì địa ngục đơn thuần là tình trạng không có tình yêu, không còn thương xót và  hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa.
     Thiên Chúa là Đấng Chủ Tạo. Ngài dựng nên chúng ta cho Ngài, nên không lý do gì chúng ta không cố gắng trở nên giống Ngài như Ngài đã căn dặn : “Chúng con hãy nên thánh như Cha chúng con trên Trời là Đấng thánh”. Thánh ở Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Ngài, bởi Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài xót thương.
    Chia sẻ lo âu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước nguy cơ thiếu lòng thương xót đang khuynh đảo thế giới và làm tổn thương Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội, chúng ta cầu xin  ơn đổi mới trái tim  chúng ta và  tất cả mọi Kitô hữu, để Vương Quốc  của Thiên Chúa  Tình Yêu, Nước Trời của  Thiên Chúa giầu lòng Thương Xót trị đến trong các tâm hồn và thế giới hôm nay đang có nguy cơ tự hủy diệt vì thiếu lòng thương xót.
Jorathe Nắng Tím