Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 19 - 20 - 21
Thường Niên Năm B : Gioan (6, 24-69)
Từ Chúa Nhật 17 đến Chúa Nhật 21 thường niên, cộng đoàn phụng
vụ nghe Tin Mừng Gioan chương 6 nói về phép lạ Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều và mặc
khải chính Ngài là Bánh Hằng Sống nuôi muôn dân. Nghe điều này, đám đông đã
tranh luận sôi nổi, bực bội, công khai chống đối Ngài, và ngay các môn đệ cũng
cho là “chướng tai qúa”, nghe không vô (Ga 6,60) và trình thuật được kết thúc bằng
việc Phêrô tuyên xưng đức tin giữa bầu khí và khung cảnh của đám đông nghi
nan, bất bình và không tin Đức Giêsu là
Con Thiên Chúa, Bánh Bởi Trời.
Như thế, trọng tâm của trình thuật bánh
hằng sống của chương 6 Tin Mừng Gioan là Đức Giêsu mặc khải về mình : “ Chính tôi là bánh trường
sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ”,
nhưng không ai tin, như Ngài đã khẳng định : “Nhưng tôi bảo thật các ông: các
ông đã thấy tôi mà không tin” (Ga 6, 34-35):
1.
Con người sợ đói
:
Nỗi lo lớn nhất và dai dẳng bám chặt kiếp
người hơn cả là lo đói. Lo gì thì cũng có lúc, có thời, nhưng lo đói thì tuổi
nào cũng phải lo, thời nào cũng phải sợ, hoàn cảnh nào cũng phải đặt lên hàng đầu,
đẳng cấp, thứ bậc nào cũng phải dành ưu
tiên trên các ưu tiên. Có ai đã không cần ăn? Mấy ai được may mắn thoát khỏi nỗi
lo đói ?Bạn đừng nghĩ người giầu không lo đói. Không có đâu. Họ mới là người sợ đói. Vì sợ đói nên ngày đêm
lo tích trữ của cải để cả đời được no. Trẻ già cũng chung một nỗi lo: người trẻ
lo ăn để sống, người già lo ăn để khỏi chết đói, đến cả tử tội trước giờ thi
hành án cũng được ăn no, để khỏi chết
thành ma đói.
Lo ăn ám ảnh con người từng giây phút, vì
đói là cực hình, và nhìn người mình yêu thương quằn qụai trong cơn đói còn cay
đắng, xót xa ngàn lần hơn. Đói không chỉ làm khổ, mà còn làm nhục con người.
Không học, không thành công, không sự nghiệp, không nhan sắc, không gia thế,
không uy tín, không địa vị, tuy thua kém, thiệt thòi, nhưng không nhục nhã bằng
không cơm ăn, không lương thực hằng ngày. Người đói thì bao giờ cũng đói rét,
đói khát, đói rách, đói khổ, và có cái gì đáng sợ hơn trong đời người đã không
đi kèm với đói ?
Chính vì sợ đói, lo đói mà miếng ăn, của
ăn trở nên nhu cầu thiết yếu số một. Người ta đã chẳng ví von : “có thực mới vực
được đạo” đó sao ? Qủa thực, làm gì, theo ai, tính toán cơ đồ hoành tráng, huy
hoàng, hứa hẹn đến đâu thì cũng phải có ăn. Không bảo đảm được miếng cơm thì chẳng
có chuyện gì đáng nói; không đáp ứng được nhu cầu của bao tử thì đừng mơ bất cứ
chuyện nhỏ to nào, vì bụng đói thì mờ con mắt; bụng đói thì không còn gì vĩ đại
hơn, ý nghiã hơn, giá trị hơn, cao đẹp hơn nắm cơm, miếng bánh.
Cũng chính vì sợ đói, lo đói mà ai cũng lo
kiếm ăn, dự phòng của ăn cho tương lai, nên khi thiếu ăn, không có gì ăn, người
ta cũng sẽ đủ liều để mánh mung, ăn cắp, cướp giật, chiếm đoạt lương thực của
người khác.
Hôm ấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra
nhiều và mọi người được ăn no nê. Ý nghĩ
của đám đông hôm ấy là khỏi lo đói, lo ăn từ đây, vì như cha ông họ ngày xưa
trong sa mạc trên đường về Đất Hứa đã được Thiên Chúa nuôi bằng man -na từ trời,
nay có Đức Giêsu, họ nghĩ cũng sẽ được nuôi
bằng “bánh phép lạ” Ngài làm hằng ngày, nên xin với Đức Giêsu : “Thưa
Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6, 34). Cũng chính vì nghĩ
rằng đã nắm được nguồn lương thực rất an toàn là Đức Giêsu, Đấng sẽ làm phép lạ
hoá bánh nuôi họ ăn mãi mãi, nên đám đông đã rơi vào tình trạng bực bội, chống
đối, không tin.
2.
Đức Giêsu mời gọi mọi người tin ở Ngài:
“Việc
Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến”(Ga 6,29)
Khi nghe Đức Giêsu tuyên bố : “Chính tôi là
bánh trường sinh . Ai đến với tôi sẽ không hề phải đói”, đám đông đã vui mừng
khôn tả, vì tưởng không còn phải lo kiếm ăn và chẳng bao giờ sợ đói. Nhưng tình
hình ngày càng trở nên căng thẳng, khi Đức Giêsu đưa họ vào con đường đức tin, ở
đó, những gì họ nghĩ đã không là những gì Đức Giêsu đề nghị.
Tin vào Đức Giêsu là điều kiện tiên quyết để
nhận được hồng ân Thiên Chúa hứa ban. Những người đang hy vọng được ăn no mãi
mãi, và không bao giờ phải đói là những người
khao khát nhận được hồng ân không bao giờ phải đói nữa, như họ đã xin Đức
Giêsu cho họ thứ bánh trường sinh Ngài vừa nói (Ga 6, 34), nhưng họ không thể
tin Ngài là bánh trường sinh ấy (Ga 6,
36), không muốn tin Ngài là Đấng từ trời xuống để làm theo ý Đấng đã sai Ngài
là quy tụ tất cả những ai tin ở Ngài và cho họ sống muôn đời (Ga 6, 37- 40).
Đám đông người Do Thái hôm ấy, tuy đã được
ăn bánh no nê trước đó, đã không tin Đức Giêsu vì những điều Ngài nói rất khó
nghe, khó hiểu, nếu không nói là vô lý, bất khả thi. Họ chỉ muốn Ngài thực hiện
mãi một điều là cứ làm phép lạ hoá bánh
nuôi họ, bởi điều này không buộc họ phải tin, vì họ đã thấy có bánh hóa ra nhiều
thật, nhiều đến nỗi còn dư mười hai
thúng đầy (Ga 6,13). Họ cũng chỉ nhìn thấy ở Đức Giêsu một con người bình thường,
“ cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả “ (Ga 6, 42). Họ càng không hiểu và không
chấp nhận mối liên hệ mật thiết giữa Đức Giêsu, con người
mà họ cho là bình thường, con trai ông Giuse, quê ở Nadarét như mọi người bình
thường khác, với Thiên Chúa của Ápraham, Isa-ác và Giacóp, tổ tiên họ. Vì thế
mà lời Đức Giêsu qủa quyết: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, Đấng đã
sai tôi, không lôi kéo người ấy”( Ga 6, 44), và cũng chẳng có ai thấy Chúa Cha,
ngoài tôi, “Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến” (Ga 6, 46) đã làm họ thực sự choáng
và ghép Ngài vào tội lộng ngôn, phạm thượng. Và giọt nước đã tràn ly khi Đức
Giêsu nói với họ : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được
sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian
được sống” (Ga 6, 51), cũng như “ Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi , thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật
là của ăn, máu tôi thật là của uống ” (Ga 6,55)
Qủa thực, ăn thịt một người, và thân xác
của một người trở thành của ăn cho mọi người là điều không thể quan niệm được, nên ngay cả môn đệ của Đức Giêsu cũng phải ngao ngán thốt
lên: “Lời này chướng tai qúa ! Ai mà nghe nổi ? ” (Ga 6,60).
a.
Tin là ân sủng của Thánh Thần:
Vì mặc khải vượt qúa những gì thuộc tự
nhiên, nên đòi đến đức tin, một ân huệ Thiên Chúa ban, để con người có thể đón
nhận chân lý siêu nhiên thuộc về Thiên Chúa. Khi đề nghị đám đông tin, Đức
Giêsu mời gọi tất cả mọi người vượt qua ranh giới tự nhiên để đi vào vùng siêu
nhiên nhờ đức tin; vượt qua những gì thuộc
đối tượng của giác quan, và nhờ Thần Khí để đến với chính Ngài.
Như thế, đức tin không còn thuộc quyền con
người, tuy đòi sự cộng tác tích cực, và phần đóng góp của con người là sẵn sàng
đón nhận, nhưng tin trước hết và trên hết là hồng ân đến từ Thiên Chúa, như Đức
Giêsu đã nói với các môn đệ đang xầm xì
về những lời bị coi là chướng tai, qúa sốc của Ngài: “Điều đó, anh em lấy làm
chướng, không chấp nhận được ư ? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước
kia thì sao ? Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.. “ (Ga
6, 61-62). Và liền sau đó, Ngài nhấn mạnh : “Vì thế, Thầy bảo anh em: không ai
đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6, 65).
b.
Tin đòi con
người sẵn sàng vượt qua với Đức Giêsu:
Tin Mừng không che dấu tình hình căng thẳng
khi Đức Giêsu tuyên bố Ngài là bánh hằng sống,
và thịt, máu Ngài là của ăn nuôi sống mọi người. Sự căng thẳng ấy đã lên
đến tột đỉnh khi “ nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,
66).
“Không còn đi theo Người nữa”, vì những môn
đệ này đã dừng lại ở xác thịt, chứ không vượt qua để chạm đến Thần Khí (Ga 6,
53). “Không còn đi theo Người nữa”, vì của ăn cũng dừng chân ở những gì thấy được
như cơm bánh, rau củ qủa, cá thịt, nước mắm, nước tương, coca, bia bọt, mà không
vượt qua để chạm vào của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn. “Không còn đi
theo Người nữa”, vì nhu cầu ăn uống chỉ dừng ở sự sống hay hư mất, mà Đức Giêsu
gọi là “ chẳng có ích gì” (Ga 6, 63), mà không vượt qua để đạt đến sự sống đời
đời.
“Nhiều môn đệ đã không còn đi theo Người nữa”,
vì con đường Ngài mời gọi đòi vượt qua rất nhiều và rất nhiều thứ, nên một khi
không sẵn sàng vượt qua với Đức Giêsu, người môn đệ sẽ bỏ cuộc, chọn đứng lại ở
ranh giới những gì cảm nhận được bằng giác quan, mà không để đức tin hướng dẫn,
chỉ đạo. Tuy đức tin là hồng ân “nhưng không” từ Thiên Chúa, nhưng đức tin cần
được đón nhận bằng thái độ sẵn sàng vượt qua với Đức Giêsu của mỗi người. Không
có bước vượt qua với hy sinh từ bỏ những gì thấy được, nghe được, cảm được của
thân xác, người môn đệ khó có thể đi đến cùng đường với Đức Giêsu dưới ánh sáng
của hồng ân đức tin, bởi Lời Thiên Chúa thì hầu như luôn chướng tai, khó nghe,
khó đồng ý, đồng thuận, như nhiều môn đệ và hầu hết đám đông Do Thái hôm đó đã
tranh luận sôi nổi và không tin Ngài (Ga 6, 36. 52).
3.
Tin với đức tin của Phêrô đã tuyên xưng:
Trình thuật về Bánh Hằng Sống với nhiều
mâu thuẫn, đối kháng sôi nổi và từ chối tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến
để trở nên của ăn, của uống, ban sự sống đời đời cho muôn dân đã được kết bằng
lời tuyên xưng đức tin rất hùng hồn, cảm động, thánh thiện và đầy Thần Khí của
Phêrô, tông đồ trưởng của Nhóm Mười Hai, Tảng Đá trên đó Đức Giêsu đã xây Hội
Thánh của Ngài.
Phêrô đã không tự mình tuyên xưng đức
tin, nếu Đức Giêsu đã không nhắc nhở, mời
gọi bằng một câu hỏi rất xúc động, ân tình : “Còn anh em nữa, anh em cũng muốn
bỏ đi hay sao ? ” (Ga 6, 67). Nghe hỏi mà cay đắng, nghe hỏi mà ngậm ngùi, xót
xa. Cay đắng vì nhiều môn đệ đã bỏ đi; xót xa vì đám đông vừa mới được ăn no nê
hôm trước nay đang xầm xì thắc mắc, bực
dọc hạch hỏi, ngạo mạn trách móc, lạnh lùng quay gót,
nóng giận bỏ đi. Đám đông bỏ đi hầu hết, môn đệ bỏ đi cũng đã nhiều. Chỉ
còn nhóm Mười Hai ngơ ngác, hoang mang, chưa hoàn hồn. Các ông chưa kịp định thần
thì Đức Giêsu đã bất ngờ hỏi, làm các
ông them một phen lúng túng. Ông Phêrô vốn tính nóng nảy, nhanh nhẩu đáp: “
Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Thầy có những lời đem lại sự sống đời
đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng
Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
Ông đã không thay mặt anh em chọn ở lại với
Đức Giêsu vì ngoài Ngài không còn ai để chọn; cũng không tiếp tục đi theo Ngài,
vì hy vọng Ngài tiếp tục làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để các ông khỏi lo đói.
Nhưng Phêrô đã đại diện anh em qủa quyết lý do ở lại và tiếp tục đi theo Đức
Giêsu làm môn đệ Ngài:
a.
Vì tin Đức Giêsu có Lời ban sự sống:
Tuy lời Ngài có khó nghe, chướng tai, nhưng
ông tin đó là Lời ban sự sống vì là Lời của Thiên Chúa. Và vì là Lời của Thiên
Chúa nói với con người, Lời ấy không thể như lời con người nói với nhau, nhưng
là Lời chân lý, Lời thánh hóa, Lời bình an, Lời hạnh phúc, Lời tái sinh, Lời cứu
độ. Nhờ tin, Phêrô nhận ra sau những chướng
tai, khó nghe sự sống đời đời và hạnh phúc đích thực của Lời từ miệng Đức
Giêsu, nên ông cùng anh em tuyên xưng niềm yêu mến, tin tưởng nơi Đức Giêsu.
b.
Vì tin Đức
Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa:
Hầu hết những người có mặt hôm ấy, khi Đức
Giêsu tuyên bố Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ trời , và lương thực nuôi muôn
dân chính là máu thịt Ngài, đều đã không tin Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên
Chúa. Riêng Phêrô, ông đã cùng anh em “
tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên
Chúa thì chỉ có Thánh Thần mới cho ta biết được, nghiã là, không có ân sủng đức
tin chiếu rọi, chúng ta không thể nhận ra con người Giêsu, con bác thợ mộc
Giuse ở thôn làng Nadarét là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế
gian để cứu thế gian. Phêrô đã được Đức Giêsu chứng thực khi ông tuyên xưng đức
tin : “ Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân
đã mặc khải cho anh biết điều này, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”
đã cho anh biết (Mt 16,17). Vì thế, lời tuyên xưng của Phêrô mang một giá trị
tuyệt đối và là lời tuyên xưng đức tin của tất cả người Kitô hữu trung thành với
Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên tảng đá
Phêrô : “ Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng
đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”
(Mt 16,18).
Như thế, bước vượt qua mà Thiên Chúa đòi
hỏi ở mỗi người trên hành trình theo Chúa chính là Tin Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Tất cả hệ tại ở đức tin này, đức tin của Phêrô đã tuyên xưng, chứ không phải đức
tin nào khác, hay đức tin của ai khác đã tuyên xưng đâu đó. Với đức tin của
Phêrô đã tuyên xưng, chúng ta nhận ra Lời của Đức Giêsu là Lời ban sự sống đời
đời, Máu Thịt của Đức Giêsu là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, Tình yêu thương
xót của Đức Giêsu cứu chữa mọi vết thương và xóa bỏ mọi tội lỗi, bởi chính Ngài
đến từ Chúa Cha và hết thẩy những ai đến với Ngài đều được Chúa Cha lôi kéo và
ban ơn (Ga 6,44.65).
Xin cho mỗi người chúng ta biết đặt niềm
tin của mình trong đức tin đã tuyên xưng của Phêrô, người mà Đức Giêsu đã chọn
đứng đầu Hội Thánh, là đoàn thể những người tin và đi theo làm môn đệ Đức
Giêsu, vì chỉ trên tảng đá đức tin của Phêrô, chúng ta mới thực sự nhận ra Đức
Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng được sai đến trong thế
gian để cứu độ mọi người.
Cũng xin cho hết mọi người được yêu mến bí
tích Thánh Thể, là Mình Máu Đức Giêsu, lương thực ban sự sống đời đời, và nhờ
Thánh Thể, chúng ta được sống với Đức Giêsu và trở nên “đồng hình đồng dạng” với
Ngài, để được như trái tim nóng bỏng kết hiệp của thánh tông đồ Phaolô : “ Tôi
sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), là điểm
đến của hành trình đức tin .
Jorathe Nắng Tím