Vấn đề được đặt ra là con người
yều đuối có còn tự do ?
Câu chuyện tự do của con người
trước chọn lựa thiện -ác, tốt-xấu là nan đề làm đau đầu con người từ bao đời.
Có người cho rằng: con người không còn khả năng chọn lựa, do áp lực nặng nề của
tội lỗi. Người khác chủ trương: Thiên Chúa đã định trước mọi sự, mọi việc, mọi
nẻo đường vận mệnh đời đời của mỗi người, nên con người chẳng còn tự do nào
khác ngoài tự do trôi theo định mệnh đã được sắp sẵn: ai phải xuống hoả ngục
thì cứ thế mà xuống, đến giờ ấn định sẽ tự động rơi, không thể thay đổi được
“tiền định”. Một số khác lại cho rằng: vì quá yếu đuối, con người mất hẳn khả
năng chọn lựa, và ý chí tự do trở thành vô dụng.
Tóm lại, một số không nhỏ bị
ám ảnh bởi tình trạng mất ý chí chọn lựa và con người không còn tự do để trách
nhiệm trên đời sống của mình.
Thực ra, vấn đề tự do thường
được đặt ra thành đề tài bàn cãi sôi nổi, vì sự có mặt của sự dữ. Trước sự dữ,
con người phân vân lựa chọn, do dự cân nhắc, và yếu đuối căn bản của con người
là “điều tôi không muốn tôi lại làm, điều tôi muốn tôi lại không làm” thường chớp
cơ hội nhảy vào quấy nhiễu tạo nên khủng hoảng bất lợi. Yếu đuối căn bản này
còn được gọi dưới một tên khác: mâu thuẫn nội tại, là hậu qủa của tội nguyên tổ
khi con người không còn “toàn tâm toàn ý” hướng về sự thiện, sự lành. Khi ý chí
không còn dễ dàng và tự nhiên hướng về chọn lựa sự tốt lành, thì con người cảm
thấy bị giằng co, trì kéo, rạn nứt, căng thẳng trong chính mình. Tình trạng này
làm ta có cảm tưởng mình không có tự do, nên tìm cách đổ lỗi cho Thiên Chúa, và
quy trách Ngài là tác giả của sự dữ, hay ít ra đã làm ngơ, dung dưỡng cho sự dữ
thao túng, hoành hành, làm khổ con người.
Thiên Chúa không muốn sự dữ
có mặt trong đời con người. Đó là sự thật hiển nhiên, vì Thiên Chúa đã dựng nên
vũ trụ, muôn loài để phục vụ hạnh phúc của con người mà Ngài đặc biệt yêu
thương. Không cha mẹ nào sinh con ra với mục đích để con mình phải đau khổ, và
phải chết. Trái lại, khi người mẹ mới sinh con, hạnh phúc lớn nhất của bà là ước
mơ con mình sẽ hạnh phúc. Thiên Chúa cũng chỉ có một ước mơ : con người hạnh
phúc. Chính vì ước mơ hạnh phúc cho con người, mà Thiên Chúa đã trở nên con người
yếu đuối để lấy con người ra khỏi bất hạnh của yếu đuối do tội mang lại, và ban
lại hạnh phúc đích thực và nguyên thủy của con người: được đời đời sống hạnh phúc
với Thiên Chúa Tình Yêu.
Sự sa ngã của nguyên tổ làm con người
yếu đi nhiều mặt khi tội lỗi uà vào thế giới, và mở đường cho ma qủy đi vào quậy
phá, nhiễu nhương. Tuy thế, con người không mất tự do, vì tự do là hình ảnh
không bao giờ mai một của Thiên Chúa trong con người.
Nhờ tự do, con người chạm được Thiên
Chúa và đi vào cung lòng yêu thương của Ngài, bởi tự do xác nhận tình yêu của họ.
Tình yêu luôn đòi tự do, nên yêu mà không có tự do thì chưa được gọi là tình
yêu. Thiên Chúa cần tình con người dành cho Ngài, nên trân trọng và gìn giữ tự
do của con người, để tình ấy là tình người đích thực, tình người cao qúy, tình
người tuyệt vời, tình mà Thiên Chúa luôn khao khát, tìm kiếm.
Vì cùng lúc phải đối đầu sự thiện và
sự ác, điều tốt và điều xấu, nên tự do của chúng ta rất vất vả, vì phải chọn lựa.
Nhưng đã chọn lựa thì phải bỏ đi một bên, và chỉ có thể giữ lại một bên.Chọn lựa
phải từ bỏ, mà từ bỏ thì day dứt, đau lòng; từ bỏ thì quặn thắt, xót xa; từ bỏ
thì nghẹn ngào thương tiếc. Cảm nghiệm
chọn lựa là kinh nghiệm sống tình cảm tiếc nuối, nhớ thương, lưu luyến, đau khổ,
mà không ai đã không một lần trải qua. Nhưng làm người là làm hành trình lựa chọn
liên lỷ, và ngày nào không còn chọn lựa,
ngày đó đời người sẽ không còn lý do và ý nghiã sống.
Trong lựa chọn, tự do có mặt, vì phải
có tự do mới có lựa chọn, phải tự do mới chọn bên này, bỏ bên kia, theo người
này, xa người kia, làm việc này, không làm việc kia. Và giá trị của mỗi người
là chọn điều tốt, việc lành, chọn đúng đường phải đi, chọn đúng vị trí phải có
mặt trong cuộc đời; tắt một lời là chọn những gì Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời mình, bởi duy một
mình Thiên Chúa sẽ là Đấng đánh giá, chấm công và ban thưởng cho mỗi người
trong lựa chọn tự do của họ.
Bên cạnh tự do là yếu đuối. Yếu đuối
nên không chọn điều tốt như mình muốn, mà chọn điều xấu mình không muốn. Yếu đuối
như người thiếu nữ biết rõ yêu người đàn ông đã có gia đình là điều không nên,
nhưng không sao dừng được trước mời gọi ngon ngọt của trái cấm tình yêu; như người thanh niên biết
gian dâm là điều xấu, nhưng không sao cưỡng lại đòi hỏi của đam mê. Biết bao vị
thánh đã quằn quại sống những yếu đuối của con người có tội. Nhiều vị đã chia sẻ
chân thành và sâu sắc kinh nghiệm yếu đuối,
sa đoạ của mình để tất cả đều khiêm tốn nhận mình là phận người yếu đuối, kiếp
người yếu đuối, con người yếu đuối.
Hình ảnh Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc là hình ảnh yếu đuối của
mỗi người (Mt 4, 1-11).
Khởi đầu, ma qủy cám dỗ Đức Giêsu như
cám dỗ mọi người về của cải vât chất, vì biết con người cần vật chất không chỉ
để sống, mà còn để sống sung sướng “trên đầu trên cổ thiên hạ”, bởi có tiền bạc,
của cải thì sai phái ai cũng được, nói ai cũng phải nghe.
Ma qủy tiếp tục đem bả quyền lực để
cám dỗ Đức Giêsu, như cám dỗ mọi người háo hức tìm quyền lực, thu gom quyền lực,
củng cố quyền lực để trở thành toàn
năng, làm được hết mọi sự mình muốn. Quyền lực là cơn cám dỗ mãnh liệt nhất nơi
con người, vì có quyền lực là có tất cả, có quyền lực là thực hiện được mọi ước
mơ. Bao nhiêu người đã lao vào quyền lực, cắn xé nhau vì tranh giành quyền lực,
đốn hạ nhau vì cưỡng đoạt quyền lực, và
không mấy người đã thoát khỏi cám dỗ “tham quyền cố vị”.
Sau cùng là cơn cám dỗ danh vọng,
vinh quang, sắc đẹp, lợi lộc, phú qúy, tóm lại là tất cả những hào nhoáng, ăn
chơi, xa hoa, trụy lạc làm con người trở thành những ông thần, bà thánh, mà
không cần đến một Thiên Chúa nào khác, ngoài con người. Cám dỗ con người tôn thờ
con người, thần tượng xác thịt và phụng sự vinh quang thế gian là mánh lới ma qủy
dùng để truất phế Thiên Chúa chủ tạo khỏi các thụ tạo của Ngài. Cám dỗ con người ra khỏi
qũy đạo của Thiên Chúa là tôn vương con người, thần thánh con người, suy tôn
con người, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu thấp hèn của con người, dưới chiêu bài
mưu cầu hạnh phúc cho con người là kế sách
rất tinh vi, hiểm độc, và hữu hiệu của ma qủy.
Như Đức Giêsu, con người không ngừng
bị cám dỗ bởi thần dữ. Khi chấp nhận thân phận yếu đuối của con người, Đức
Giêsu -Thiên Chúa đã không nề hà chịu ma qủy thử thách, cám dỗ. Sự kiện để bị
cám dỗ nói lên sự nhẫn nại của Thiên Chúa, và khẳng định:
1.
Dù cám dỗ mang hình dạng nào, dáng dấp nào, kiểu cách nào,
hình thức nào, thì cũng quy về một mục đích:
biến con người trở nên kiêu căng, ngạo mạn trước Thiên Chúa.
Người nghèo khó thì cậy trông, kẻ yếu
hèn thì hy vọng, nhưng người giầu, quyền qúy, kẻ có quyền lực mấy ai hy vọng ở
Chúa, và cậy trông nơi Ngài ? Chẳng thế mà trong kinh Tạ Ơn - Magnificat, Đức
Maria đã thốt lên : “Chúa đã ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo, và để người giầu có trở về tay không . Chúa hạ người
quyền thế xuống khỏi vị cao, và nâng người hèn mọn lên” (Lc 1, 51-52).
Lịch sử “sa ngã” của cả thiên thần,
và loài người đếu viết bằng những giòng chữ kiêu căng, ngạo mạn. Lucifer, tổng
lãnh thiên thần đã kiêu căng “muốn bằng Thiên Chúa”, Ađam, Evà kiêu căng muốn
biết mọi sự Thiên Chúa biết. Lucifer
kiêu căng đã sai bè lũ kiêu căng cám dỗ ông bà nguyên tổ kiêu căng, ngạo mạn,
chống lại lệnh Thiên Chúa, như y đã kéo vây cánh nổi loạn, chống lại Ngài.
Tất cả mọi tội đều đưa đến kiêu căng
chống lại Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có khiêm tốn nhận mình yếu đuối, con người mới
tránh khỏi cạm bẫy của thần dữ kiêu căng.
2. Con người luôn bị thử thách,
nhưng không bao giờ bị đánh gục.
Thử thách không thiếu, và ma qủy đảo
quanh không ngừng, nhưng chúng không có quyền gì trên con người, ngoài quyền
cám dỗ, dụ khị, mua chuộc, tán tỉnh, lừa gạt con người. Chúng là chuyên viên của
Gian Dối và Hận Thù. Có mặt ở đâu, chúng gieo dối trá, ghen ghét, chia rẽ ở đó.
Ở chúng chỉ có gian manh, xảo trá, lừa đảo, thù đọan, oán ghét, căm phẫn, thù hận,
xáo trộn, và chết chóc. Sức mạnh của chúng hệ tại khéo léo lừa đảo, ngon ngọt dụ
dỗ để con người bỏ Thiên Chúa nhập băng Kiêu Căng chống lại Thiên Chúa là Tình Yêu, Sự Thật, Sự
Sống, Bình An. Tuy thế, chúng bó tay trước tự do của con người và cúi mặt lẩn
trốn khi con người chọn Thiên Chúa và khiêm tốn tín thác nơi Ngài.
Hình ảnh gian ác của ma qủy hay ám ảnh
và làm chúng ta sợ, nhưng tin vào Lơi Hứa, dựa vào ơn Chúa, chúng ta không sợ
gì chúng, bằng cảnh giác mưu thâm chước độc của chúng, và lật tẩy bộ mặt “giả
nhân giả nghiã” đáng kinh tởm của chúng. Để làm được việc này, nghiã là để
không xập bẫy cám dỗ của ma qủy, chúng ta được Đức Giêsu chỉ dậy phải: Khiêm tốn
cậy trông vào sức mạnh của Danh Chúa, và Lời Chúa, như Giáo Hội hằng kêu cầu
Danh Chúa, và loan báo, sống Lời Chúa. Đức Giêsu đã lấy Lời Thiên Chúa để xua
đuổi ma qủy. Chúng đã phải bỏ đi, khi nghe Ngài nghiêm khắc nhắc chúng Lời của
Thiên Chúa :
“Ngươì ta không chỉ sống nhờ cơm
bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), “Thiên Chúa
sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi
vấp chân vào đá” (Mt 4,6),”Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Thiên Chúa của
ngươi” (Mt 4,7), “Ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải
thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).
3. Thử thách, cám dỗ không làm mất tự do lựa chọn
thiện - ác, tốt - xấu của con người.
Như con người bị cám dỗ, Đức Giêsu đã
tự do quyết định bám víu vào Lời Thiên Chúa bằng tuyên xưng Lời hằng sống, Lời
ban sức mạnh, Lời xua đuồi ác thần, Lời đem lại bình an, và tự do của Ngài đã
chọn Thiên Chúa, chọn đường ngay nẻo
chính cho Thiên Chúa toàn thắng, và ma qủy ê chề thất bại “phải bỏ Ngài mà đi”
(Mt 4,11). Xác tín tự do của con người không suy xuyển trước cám dỗ của qủy dữ,
chúng ta cũng chân nhận sức mạnh của Lời Thiên Chúa nâng đỡ ý chí của chúng ta
trong mọi chọn lựa, vì ơn Chúa luôn đủ cho ta.
Tóm lại, tự do và yếu đuối là hai thực
tại của con người. Yếu đuối nhưng tự do, yếu đuối nhưng trọn vẹn tự do, tròn đầy
tự do, yếu đuối nhưng tự do đến cùng. Nhờ tự do và yếu đuối mà con người cao cả.
Nhờ yếu đuối và tự do, mà con người không cùng tầm với bất cứ tạo vật nào khác.
Khi nhận mình là thụ tạo yếu đuối, con người sửng sốt thấy mình luôn có tự do,
bởi chính trong yếu đuối, tự do của con người bừng sáng, vì đó là lúc nhân vị,
và phẩm giá của con người được đặc biệt đề cao, trân trọng.
Đứa con hoang đàng trong Tin Mừng có
nhiều yếu đuối: yếu đuối tiền bạc khi đòi cha chia của cải, gia tài; yếu đuối
xác thịt khi tiêu tán tài sản vì gái gú; yếu đuối danh vọng, quyền lực khi tung
tiền mua đàn em, kết nạp chiến hữu, quy tụ lính lác. Anh yếu đuối, nhưng không
mất tự do, bằng chứng là cha đã tuyệt đối tôn trọng quyền tự do “bỏ nhà đi
hoang hay ở nhà phụng dưỡng cha già” của
anh. Nhiều yếu đuối, nhưng anh không mất tự do, vì lúc nào anh cũng có thể nói “có hay không, đồng ý hay không đồng
ý, thuận hay nghịch”. Anh tự do nói “không” với cha và bỏ nhà đi; anh tự do nói
“có” với bạn bè, gái gú khi ăn chơi, phung phá tài sản; anh tự do bỏ lại sau
lưng đời giang hồ, phóng đãng để trở về mái nhà xưa có cha già trông ngóng. Anh
luôn luôn tự do, dù rất yếu đuối. Anh mang
trách nhiệm đời mình, dù cám dỗ theo anh từng bước. Anh mang yếu đuối và tự do.
Yếu đuối là người và tự do cũng là người. Yếu đuối thuộc về người, và tự do
cũng thuộc về người… Cả hai cùng ghé vai nâng cao con người !
Như đứa con hoang đàng yếu đuối, nhưng
tự do, mỗi người đều có những yếu đuối riêng có thể rất khác nhau: người yếu đuối
vì tình, người yêu đuối vì tiền, người khác yếu đuối vì quyền, vỉ danh, vì lợi
thú; nhưng mọi người giống nhau ở tự do:
cùng có tự do, luôn có tự do, và tự do được Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng.
Tuyệt đối tôn trọng như người cha đã
tôn trọng chọn lựa bỏ nhà đi hoang của con trai thứ, dù ông biết: thế nào rồi
con ông cũng sẽ khổ khi xa ông. Biết con sẽ khổ, nhưng ông không thể ngăn cản
bước chân giang hồ, hoang đàng, phóng đãng của con, bởi con ông là đứa con của
tự do, được ông sinh ra làm người tự do, và ông chỉ hạnh phúc khi con ông tự
do, hạnh phúc. Biết bỏ nhà đi hoang là lao mình vào một trời rủi ro, một đời
giông bão, nhưng vì con ông có tự do, nên ông nuốt lệ, ngậm ngùi nhìn bước chân
con lang bạt.
Thiên Chúa là người cha nhân từ,
nhưng tuyệt đối tôn trọng tự do của con mình. Dựng nên con người tự do, Ngài
không thể làm gì khác hơn là tôn trọng tuyệt đối tự do ấy. Không lệ thuộc thời
gian, nên Ngài thấy tất cả quá khứ, tương lai của mỗi người như thấy một hiện tại
toàn diện, toàn phần, đầy đủ. Thiên Chúa thấy trước những gì xẩy ra cho mỗi người, vận mệnh tương lai của mỗi người,
nhưng cái biết hoàn toàn và trọn vẹn về đời mỗi người đó không can dự gì đến tự
do hành động của mỗi người, và chúng ta không thể quy trách Thiên Chúa : “Biết con người sẽ sa đọa mà không làm gì”,
như người cha biết con trai mình sẽ khánh kiệt, khổ sở, nhục nhằn khi không còn tiền,
nhưng vẫn không cấm đoán, tìm cách ngăn cản bước chân con đi hoang. Thái độ tôn
trọng tuyệt đối tự do đó đối với ông là cách ông tỏ tình thương con, và trân trọng
nhân vị, nhân phẩm, và giá trị cuộc đời của con ông. Có người trách ông yếu đuối,
bởi không dám cấm đoán, ngăn cản không cho cậu đi, nhưng riêng ông, ông hiểu:
ông không thể yêu con mà lấy đi tự do của cậu, cũng như không thể là cha, nếu
sinh ra những đứa con “nô lệ”, không tự do.