Kiếp người và đời làm người vốn nhiêu
khê, phức tạp, có khi còn thê lương, khốn khổ đối với những phận đời không may mắn. Trong thử thách, sóng
gió, quẫn bách của cuộc đời, khi không còn biết bám víu vào ai, cậy dựa nơi nào
thì người ta thường chạy đến Đấng thiêng liêng, với hy vọng được cứu chữa, giải
thoát.
Vì thế, trong tâm thức tôn giáo, thiên
chúa, thượng đế, đấng chí tôn phải là đấng toàn năng, có quyền trên tất cả, làm
được mọi sự, giải quyết được mọi nhu cầu của con người. Và tín đồ của bất cứ tôn
giáo nào cũng có cùng một điểm chung là khó chấp nhận thiên chúa của mình yếu hơn
thiên chúa của người khác, thượng đế của đạo mình đuối hơn thượng đế của giáo
phái láng giềng, đấng mình tôn thờ, cầu khẩn
thấp cơ hơn đấng trên bàn thờ của nhà hàng xóm. Đã xẩy ra nhiểu cuộc chiến tranh tôn giáo ác liệt, đẫm máu
trong lịch sử nhân loại, mà nguyên nhân là sự so sánh hơn thua, cao thấp giữa
thiên chúa của đạo này với đấng chí tôn
của đạo kia.
Thế mà Thiên Chúa của Kitô giáo lại là
một Thiên Chúa rất yếu đuối khi nhập thế,
nhập thể làm người yếu đuối. Duới hình hài em bé lúc sinh ta, rồi tội nhân chịu
đóng đinh chết tức tưởi, Đức Giêsu -Thiên
Chúa của chúng ta, Thiên Chúa mà Phêrô đã tuyên xưng (Mc 8,27-29), Thiên Chúa mà từ các tông đồ đến
chúng ta và tiếp nối mãi đến tận thế không ngừng được rao giảng, làm chứng rất
khó được nhận ra. Khó nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa vì :
1. Sự khôn ngoan của con người
khác sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong yếu đuối
của Đức Giêsu
Dựa vào khôn ngoan của con người, cũng
như luận lý của nhân loại thì Đức Giêsu không thể là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa
gì mà yếu qúa, nghèo qúa, bé nhỏ qúa, bất lực qúa, bình thường quá, đơn sơ đến
không ngờ, giản dị đến không thể tưởng :
Không nhỏ là gì khi sinh ra làm em bé,
nên chẳng ai biết mà đến thờ lậy, ngoài ba đạo sĩ từ phương xa được ngôi sao lạ
dẫn đường (Mt 2,1-1-12) và đám chăn cừu nghèo được thiên thần báo tin. (Lc 2,1-20).
Không yếu là gì khi phải chạy trốn Hêrôđê làm người "tỵ nạn chính trị" bên
Ai Cập (Mt 2,13-18). Không bình thường là
gì khi ẩn dật ba mươi năm ở thôn nghèo Nadarét với cha mẹ sống nghề đóng ghế, đóng
bàn (Mt 2,19-23). Không lang bạt như người không nhà cửa là gì khi dong duổi đó
đây cùng một nhóm môn đệ loan báo Tin Mừng. Không lang bang là gì khi gần gũi,
thân mật với đám dân nghèo, người tội lỗi, kẻ tật bệnh bị đời khinh chê, nguyền
rủa, xa lánh, cô lập (Mt 9,11). Không thất bại là gì khi bị môn đệ Giuđa đem bán,
Phêrô chối bỏ. Không nhục nhằn là gì khi một mình vác thập giá, bị đóng đinh trần
truồng. Không hết thời là gì khi khát cháy cổ mà không ai cho uống, không mất số, mất cửa mà đến cha mình còn thinh lặng
bỏ rơi (Mt 27).
Thật không còn con người nào yếu đuối
hơn con người của Đức Giêsu, không thân phận người nào hẩm hiu hơn thân phận
người của Đức Giêsu, không cuộc đời nào trôi nổi, long đong, bấp bênh hơn cuộc
đời làm người của Đức Giêsu. Ba mươi ba năm đâu phải nhiều, so với tuổi đời của bao người khác, nhưng
vất vả, cơ cực, cay đắng, phũ phàng, tệ bạc đời Đức Giêsu thì chồng chất gấp
nhiều lần đời người khác.
Chính vì thế, không mấy ngưới đã nhận
ra Đức Giêsu là Thiên Chúa. vì Thiên Chúa đã chọn yếu đuối để làm người, chọn
thập giá để cứu độ. Chọn lựa của Thiên Chúa thật sốc với con người, bởi nếu có
quyền chọn, con người sẽ không chọn yếu đuối cho thiên chúa của mình ; nếu
được quyền góp ý, con người sẽ ngăn cản thiên chúa của mình cứu độ bằng khổ hình,
tử nạn; nếu được quyền tư vấn, con người sẽ khuyên thiên chúa của mình chọn trực thăng, xa lộ, xe
Lexus, Mercedes để đến với nhân loại, thay vì
lết từng bước nặng nề trên đường thánh giá ; nếu được quyền đề nghị,
con người đã đề nghị thiên chúa của mình sai đoàn quân thiên thần từ trời "xử đẹp" đám Biệt Phái, Luật Sĩ và tất cả những người Do Thái đã âm
mưu, tiếp tay giết thiên chúa của mình ; nếu có quyền biểu quyết, toàn thể
người có đạo chắc chắn sẽ giơ tay, la ó chống lại chương trình cứu độ bê bết máu,
nước mắt, và mồ hôi của Đức Giêsu ; nếu có quyền bỏ phiếu, đại đa số cử
tri "đạo gốc, đạo giòng" sẽ bỏ phiếu trắng không ủng hộ phương án "dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ" ; nếu có quyền lên
tiếng, không ít người trong chúng ta sẽ xin Đức Giêsu nên suy nghĩ lại, và thay
đổi đường lối cứu thế, như Phêrô đã ngỏ lời can ngăn ; nếu có quyền thay đổi
tình thế, chắc chắn chúng ta sẽ lập trình đời làm người của thiên chúa chúng ta
cách rất huy hoàng, hoành tráng làm lé mắt thiên hạ, làm mê mẩn người ngoại đạo,
làm cạch mặt tín đồ các tôn giáo khác.
Con người đương thời với Đức Giêsu cũng đã can ngăn, chống
đối một Thiên Chúa yếu đuối, thua cuộc,
như Phêrô đã can ngăn, và như đám đông đã chống đối ; cũng đã lên tiếng kiến nghị không đồng tính với đường lối "yếu đuối" của Đức Giêsu khi thấy Ngài hiền lành, khiêm nhường, nhẹ
nhàng với người tội lỗi, và hay chạnh lòng
trước yếu đuối, khổ đau của những người bé nhỏ, bị bỏ rơi. Những người đương thời này cũng đã thẳng thừng
bác bỏ đường lối cứu thế của Đức Giêsu,
vì Thiên Chúa của Ngài đã không theo mẫu mã, "đơn đặt hàng" của họ,
cũng không đi theo quy trình, ước tính, nhu cầu, đòi hỏi của tôn giáo, dân tộc họ. Sự yếu đuối của Đức
Giêsu vì thế đã trở nên "cớ vấp phạm cho nhiều người" như ông già đạo đức
Simêon đã tiên báo về Ngài (Lc 2,34).
Thánh Phaolô đã đối đầu với nhiều người
khi rao giảng Đức Giêsu yếu đuối, chịu đóng đinh, và ngài cũng bị ném đá, đánh đòn,
tù ngục vì làm người ta sốc nặng khi loan truyền Chúa chịu chết. Loan truyền
Thiên Chúa chịu chết là một điều không thể tưởng tượng đối với người không có đức tin, là một xỉ nhục,
trò đuà đối với bậc khoa bảng, học thức, là ngón phù phép làm mê hoặc ngưởi nhẹ
dạ. Đó là bản án cho đến hôm nay người ta vẫn dùng để công kích Đức Giêsu - Thiên
Chúa làm người trong thân phận con người yếu đuối.
Một lần nữa, chúng ta không lạ gì khi
nhiều người bị sốc vì mầu nhiệm thập giá, hay nói cách khác, nổi điên nổi khùng
vì mầu nhiệm yếu đuối của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Không chỉ những người chưa là Kitô hữu
bị sốc, mà cả những người đã theo Đức Giêsu lâu năm, lâu đời cũng khó tránh được
tình trạng thất thần này như hai môn đệ trên đường Emmau, hay như Tôma, người môn
đệ từ giờ đầu đã đòi thọc ngón tay vào dấu
đinh, và bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy mới tin Thầy mình là Thiên Chúa
(Ga 20, 24-29).
Như thế, để nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa,
chúng ta phải cởi bỏ cái nhìn nhân loại, luận lý nhân loại, khôn ngoan nhân loại để đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Mầu
nhiệm ấy là thánh ý Thiên Chúa muốn dùng chính yếu đuối của « con người yếu
đuối » để cứu sống , giải thoát, làm cho con người trở nên mạnh mẽ trong ơn
Ngài ; thánh ý ấy muốn mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải qua, và trong chính yếu đuối của
con người, để con người không thể không tin rằng sức mạnh cứu độ, nguồn ơn
cứu độ, hạnh phúc được sống đời đời mà con người nhận được là ở Thiên Chúa, do
Thiên Chúa, từ Thiên Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới nâng dậy được con người yếu
đuối, chỉ ơn Ngài mới vực dậy được những
yếu đuối của phận người bằng Tình Yêu tuyệt đối, đời đời của Đấng là Tình Yêu đã
tự nguyện trở nên yếu đuối giữa loài người yếu đuối.
2. Khó nhận ra Đức Giêsu là
Thiên Chúa vì Ngài tự đồng hoá mình với những người yếu đuối.
Trình thuật ngày chung thẩm trong Tin
Mừng Mátthêu (Mt 25,31- 46) là một bức tranh cực tả sự yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu,
ở đó, Thiên Chúa đã xuống thấp tận cùng, và tự đồng hoá mình với những người hèn
hạ nhất, tự nhận mình là người yếu đuối nhất : tù đầy, bệnh tật, đói khát,
trần truồng, bị bạc đãi, khinh miệt, khai trừ…Thiên Chúa không còn giữ lại bất
cứ một hình ảnh huy hoàng, tuyệt vời nào của Thiên Chúa, nhưng mang lấy hình hài
của những con người xấu số, kém may mắn, thất bại. Tự chọn thân phận kém cỏi nhất,
phận số hẩm hiu nhất, hoàn cảnh bê bết nhất, Đức Giêsu đã không dễ được người đời
nhận ra, vì dung mạo, dáng dấp qúa tầm thường, qúa bết bát là những dung mạo, dáng
dấp, hình hài không ai muốn nhận cho mình, cũng không muốn thân quen, giao lưu, liên hệ, vì chẳng được ích gì, có chăng
chỉ là phiền toái, rắc rối, thiệt thòi.
Đó là lý do cả những người lành và
người dữ, những người được chúc phúc cũng như bị nguyền ruả đều đã không nhận
ra Thiên Chúa trong người đói khát, trần truồng, tù đầy, bệnh hoạn khi còn sống.
Cả hai bên trái, bên phải của Thiên Chúa đều thưa lại với Ngài : "Lậy
Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ;
có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ?
Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?" (Mt 25,37-39 ).
Không nhận ra Thiên Chúa vì ai biết
được Thiên Chúa đã tự đồng hoá mình với đám nghèo hèn, "khố rách áo ôm",
hết ngồi tù lại vào khám quanh năm ? Không nhận ra Thiên Chúa, vì ai dám
tin Thiên Chúa "là" những người bệnh Siđa, ung thư, bại liệt, mất
trí, què quặt, mù loà ? Không nhận ra Thiên Chúa, vì ai bảo Thiên Chúa "là" đám du thử du thực, không nhà cửa, quê quán, việc làm ?
Không nhận ra Thiên Chúa, vì làm sao có thể tưởng tượng được : Thiên Chúa "là" người bán vé số bò lê bò càng trên đường vì tật nguyền, là em
bé nhem nhuốc đang ngấu nghiến củ khoai, là người mẹ "ăn xin" ẵm
con nhỏ dưới cái nắng cháy da cháy thịt của buổi trưa Sàigòn?
Không dễ nhìn, không dễ thấy, không dễ
nhận diện, vì người nghèo có mấy ai dễ nhìn bởi có bao giờ được tươm tất sạch sẽ ? Người tù có ai dễ thấy, vì tường nhà tù cao,
cổng nhà tù kín. Người đói rét, trần truồng, đau bệnh có ai dễ được nhận diện,
vì hình hài tiều tụy, kinh sợ, đâu còn tươi trẻ, xinh đẹp, khả ái, phương phi.
Đó là mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa
trong Đức Giêsu, khi trở nên con người yếu đuối, bằng lột bỏ tất cả những gì
thuộc về Thiên Chúa của mình. Nhập thể không chỉ là hành vi xuống thế, mà còn là
hành động tự lột bỏ, tự tháo gỡ, tự bôi xóa, tự làm cho mình nên trống rỗng, không
còn gì. Chính mầu nhiệm này làm nên Kitô giáo, và cốt lõi của đạo công giáo là sống
mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong tận cùng yếu đuối của con người, bằng hiện
diện yêu thương, và phục vụ giữa những người bé nhỏ, yếu đuối nhất trong anh
em. Thiên Chúa đã tự đồng hoá mình với những anh em bé nhỏ, yếu đuối, xấu số nhất,
nên sẽ không còn không gian phân cách, lằn ranh phân ly, bảng hiệu phân biệt giữa
Thiên Chúa và những con người yếu đuối, hèn mọn, bị bỏ rơi, bởi : "Mỗi
lần các ngươi làm bất cứ việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
Tóm lại, yếu đuối là chọn lựa của Thiên
Chúa, làm con người yếu đuối là phương án cứu thế, biến thân thành người yếu đuối
là đường lối cứu độ. Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người đã không hành xử như thông
lệ cuộc đời, theo thói đời quen thuộc, nhưng vượt xa tầm hiểu biết, suy đoán của
con người. Vì thế, con người chỉ có thể gặp được Thiên Chúa khi đi vào chính mầu
nhiệm của Ngài, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người yếu đuối giữa những con người yếu đuối, tội lụy.
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp!