Buổi đầu của Giáo Hội, các tông đồ
đã gặp nhiều lấn cấn, đặc biệt những lấn cấn trong việc đón nhận các tín hữu. Cụ
thể là việc cắt bì như Công Vụ các Tông Đồ đã ghi lại vấn nạn được công khai bàn
cãi : “Có những
người thuộc phái Pharisiêu đã trở thành tín hữu”,
bấy giờ đứng ra nói rằng : “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê. Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này” (Cv 15,5-6). Phêrô, Tông Đồ trưởng đã tranh đấu và mở
rộng đường cho dân ngoại bằng nói lên ý định mầu nhiệm cứu độ tất cả mọi người của Thiên Chúa qua diễn từ tại
Giêrusalem : “Thưa
anh em, như anh em biết :
ngay từ đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe Tin Mừng từ miệng tôi và tin
theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt
mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp
nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa
chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ,
sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta
đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách
như họ” (Cv 15, 7-11).
Thực vậy, ngay từ những ngày đầu
mới khai sinh, Hội Thánh đã phải đương đầu với một lực lượng bảo thủ, truyền thống qúa khích muốn biến Hội Thánh
thành một pháo đài tôn giáo, nghiã
là co cụm, khép kín, đóng chặt bằng thanh lọc hàng ngũ, tuyển chọn thành phần ưu tú và loại trừ thành phần bất hảo,
lôm côm. Họ chủ trương xây dựng Hội Thánh thành thương hiệu số một, mà chỉ những người có đẳng cấp, số má, thứ
hạng mới được thu nhận, kết nạp.
Khuynh hướng và chủ trương khép kín, loại trừ đã gây khó khăn cho Hội Thánh buổi ban đầu ấy cũng vẫn tiếp tục
gây phiền phức cho Hội Thánh hôm nay trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi người ở ngoại biên, bên ngoài Giáo
Hội. Khuynh hướng xây pháo đài và
chủ trương khép kín, loại trừ này có những đặc điểm :
1. Nhìn Giáo Hội như một tổ chức, cơ cấu trần thế hoàn hảo :
Giáo Hội dưới mắt họ thuần túy là
một tổ chức hoàn hảo, một cơ cấu vượt trổi, một cơ chế kiện toàn đến mức không thể có sai sót. Ước mơ xây dựng một Giáo
Hội với phẩm trật chặt chẽ, kỷ
luật nghiêm minh, một Giáo Hội pháo đài vững chắc với lực lượng phòng thủ vững mạnh, thừa sức tự lập, tự cường. Vì qúa
chú trọng tổ chức, cơ cấu, Giáo Hội thu mình nhỏ dần, khép mình bé dần, co mình yếu dần vì mất dần bản chất đích
thực là truyền giáo, trong khi sứ
mệnh của Giáo Hội là đến với muôn dân, mở ra cho toàn thể nhân loại, lớn lên và
trải rộng đến tận cùng thời gian
và tận cùng mọi ngõ ngách. Vì chỉ
chú tâm xây dựng Giáo Hội như một tổ chức có thương hiệu, một cơ chế trần tục hoàn hảo, những người này đã vô tình sở
hữu Giáo Hội và quên hẳn Giáo Hội không phải của họ, nhưng là Giáo Hội của Đức Giêsu : nhà của nhân loại,
nơi hẹn hò của Thiên Chúa với mọi người, không trừ ai ; cây xanh vĩ đại cho toàn thể chim trời đến đậu. Và vì
nghĩ rằng Giáo Hội thuộc về mình, nên họ
tìm mọi cách tổ chức sao cho hoàn hảo, điều hành sao cho hoàn mỹ, vì thế sẽ có người được nhận và sẽ
có nhiều người bị khai trừ, từ chối, bởi tiêu chuẩn thâu nạp sẽ cao, kỷ luật nội bộ sẽ chặt chẽ và các biện pháp chế
tài, trừng phạt cũng theo đó mà hà
khắc, với duy nhất mục đích đánh bóng thương hiệu, bởi khi căn tính loan báo
Tin Mừng cho “mọi người, mọi nơi, mọi thời” mất, thì Giáo Hội không còn
là Giáo Hội của Đức Giêsu, nhưng
biến thái thành một Hội như trăm ngàn hiệp hội, đoàn thể trần thế khác.
2. Phủ nhận vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội :
Ngày Lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh
Hội Thánh khi Chúa Thánh Thần “dưới
hình lưỡi lữa tản ra đậu xuống
từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,3). Và ngay sau đó, Phêrô đã rửa tội cho những người trở lại đầu tiên,
sau khi tuyên bố : “Anh
em hãy sám hối và mỗi người hãy
chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh
Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những ai ở xa,
tất cả những người mà Chúa là
Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi”
(Cv 2,38-39).
Như thế, Giáo Hội được khai sinh
bởi Thánh Thần, và Thánh Thần là ân huệ của người được gia nhập Giáo Hội. Chính Thánh Thần là Đấng thực hiện Lời
Hứa của Thiên Chúa với tất cả
những ai còn ở xa, nhưng được Thiên Chúa kêu gọi vào Hội Thánh của Ngài. Việc
gia nhập Giáo Hội từ nay không còn
là việc hay ý muốn của một người, hay một tập thể, tổ chức trần thế, nhưng là ý muốn của
Thiên Chúa và việc làm của Thánh Thần. Do đó, loại trừ Thánh Thần khỏi Giáo Hội là hủy bỏ Giáo Hội, tiêu diệt Giáo
Hội, xóa tên Giáo Hội. Nguy cơ của
chúng ta là dựa vào tổ chức trần thế của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội để giết chết Thánh Thần, mà hậu qủa sẽ vô cùng
tai hại, khi Giáo Hội không còn sự sống thần linh là Chúa Thánh Thần.
Ở những bước chân của ngày đầu
truyền giáo, Tông Đồ Phêrô đã có lúc phân vân, do dự không biết Hội Thánh mới của Đức Giêsu sẽ quy tụ những ai,
gồm những thành phần nào? Do Thái cắt bì? Ngoại giáo không
cắt bì? Hy Lạp? Rôma? Dân nhập cư hay bản địa?
Câu chuyện viên đại đội trưởng
quân đội Rôma tên Cornêliô được thị kiến rõ ràng một thiên sứ vào nhà ông mà nói : “Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông
đã thấu toà Thiên Chúa, khiến
Người nhớ đến ông. Vậy bây giờ ông hãy sai người đi Giaphô mời một người tên là Simôn cũng gọi là Phêrô”. Nghe vậy, vị đại đội
trưởng đã cho người đi tìm Phêrô ở
Giaphô và mời Phêrô đến nhà mình (x. Cv10, 1-8). Ngay hôm sau, khi những người được vị đại đội trưởng Cornêliô sai đi
gặp Phêrô còn đang trên đường đến Giaphô, thì vào giờ thứ sáu, Tông Đồ Phêrô cũng nhận được thị kiến khi ông đang
cầu nguyện. Ông xuất thần và thấy “trời mở ra và một vật gì sà
xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất”. Trong đó có mọi
giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có
tiếng phán bảo ông : “Phêrô,
đứng dậy làm thịt mà ăn!”.
Ông Phêrô thưa : “Lậy Chúa, không thể được, vì
không bao giờ con ăn những gì ô uế và không
thanh sạch”. Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ
hai : “Những gì
Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh
sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế”. Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức
vật ấy được đưa lên trời” (Cv 10,11-16).
Thị kiến đã cho Phêrô hiểu Thiên
Chúa muốn tất cả mọi người, mọi dân tộc, không phân biệt tiếng nói, văn hoá, chính kiến được nhận ơn cứu độ, nghiã
là được gia nhập hàng ngũ những
người đi theo Đức Giêsu và sứ mệnh của ông cũng như của các Tông Đồ là tìm kiếm hết, đón nhận hết, yêu thương hết,
chăn dắt hết như Thiên Chúa bảo ông : giết hết đi mà ăn, không phân biệt, không loại trừ, không tuyển lọc,
dù là rắn rết, động vật bốn chân
hay mọi thứ chim trời. Và thị kiến
ấy đã được hiện thực bằng việc ba người của vị đại đội trưởng Conêliô đến trước cổng nhà ông Simôn chờ gặp Tông Đồ
Phêrô. Đến lúc này, Phêrô vẫn còn
phân vân, nhưng Thần Khí bảo ông : “Đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính Ta đã sai họ đến” (Cv 10,19-20). Hôm sau Tông
Đồ Phêrô lên đường với họ... Vừa
vào nhà vị đại đội trưởng Cornêliô, thấy có đông người tụ họp ở đó, Phêrô nói với họ : “Quý vị thưà biết : giao
du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do Thái. Nhưng
tôi thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch. Vì thế khi được
mời, tôi đã đến mà không hề chống cãi” (Cv 10,28- 29).
Phần Cornêliô, ông thưa với Tông Đồ Phêrô rằng : “Ông đã có lòng tốt đến đây. Vậy
bây giờ tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả
những gì Thiên Chúa đã truyền cho
ông” (Cv 10,33).
Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa
tính cách công giáo của Giáo Hội Đức Giêsu, một Giáo Hội không bị bất cứ ranh giới nào khoanh vùng, không bị bất cứ
một quyền lực nào khống chế, bởi
Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Giêsu được sinh động và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
Chân lý này là nền tảng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của nhà truyền giáo ;
là phương hướng cho thuyền ra khơi
lưới cá người ; là động lực cho hồn Tông Đồ trên đường kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Ý
thức được điều này, nhà truyền giáo sẽ không để những gì không thuộc về Thánh Thần khuynh đảo công cuộc truyền
giáo, và làm mất đi nhiệt huyết ra
khơi của người môn đệ Đức Giêsu. Để được như vậy, người môn đệ sẽ :
a. Lên
đường truyền giáo với lòng tôn trọng tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, văn hoá, chính kiến, tôn
giáo.., vì tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi ; vì “Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế, không
thanh sạch” (Cv 10, 28). Sứ mệnh của người môn đệ
là đến với mọi người để loan báo Tin
Mừng bằng yêu thương, phục vụ, và lòng tôn trọng người khác là điều kiện không thể thiếu trong việc loan báo Tin
Mừng này. Trong thực tế truyền giáo đã có
nhiều thất bại, vì đã có nhiều người không được chúng ta tôn trọng khi
chúng ta loan báo Tin Mừng cho họ,
bởi Tin Mừng thứ nhất và quan trọng nhất cho họ, chính là họ được Thiên Chúa yêu thương và được
chúng ta qúy mến, tôn trọng. Bỏ quên thông
điệp vui mừng này, chúng ta không thể giới thiệu Đức Giêsu và Giáo Hội
của Ngài cho ai.
b. Ra Khơi
lưới cá người với niềm xác tín chính Thiên Chúa chuẩn bị tâm hồn những người sắp được nghe Tin Mừng, như
Cornêliô và những người nhà ông đã được Thánh
Thần báo trước và thúc đẩy đi đón Phêrô về tận nhà để rao giảng. Vì thế, ngư phủ "lưới cá người" không
dựa vào tài "tang bang tế thế" của mình trong việc truyền giáo, nhưng luôn dựa vào Chúa
Thánh Thần, Đấng mở lòng, đổi mới tâm hồn và tràn đầy ơn sủng cho những người đón nhận Tin Mừng của Đức
Giêsu.
c. Dấn thân
phục vụ Tin Mừng với niềm vui của Tin Mừng. Người môn đệ không thể loan báo Tin Mừng với bộ mặt đưa đám,
càng không thể chuyển tải thông điệp bình an với thái độ bất an, thiếu tin tưởng. Phục vụ Tin Mừng, vì thế,
đòi nhà truyền giáo ở rong
niềm vui của người được sai đi loan báo Tin Vui, vì Tin Mừng được loan báo luôn luôn và mãi mãi là tin rất vui rất
mừng, tin nhân loại được thương xót, cứu độ, và niềm vui Tin Mừng ấy sẽ làm mừng vui cả người đón nhận cũng như
người rao giảng. Được gọi Ra Khơi với Đức Giêsu, chúng
ta hãy Ra Khơi với trái tim quảng đại. Quảng đại như đại dương bao la, quảng đại như trời xanh vời vợi, qủang đại như
tâm hồn ngư phủ Nước Trời :
giết hết mà ăn những gì lưới được, mà không kỳ thị ruồng rẫy, không thanh lọc, loại trừ, nhưng thương yêu hết, đón nhận hết.
Được gọi Ra Khơi với Đức Giêsu,
chúng ta hãy tung lưới với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần bảo chúng ta tung lưới bên này, thả lưới bên
kia và chính Thánh Thần cho giòng
nước tụ họp cá lại, cho mẻ lưới của chúng ta đầy ắp. Được gọi Ra Khơi với Đức Giêsu,
chúng ta hãy lướt sóng với niềm vui loan báo Tin Mừng. Hãy để tim mình
luôn "hớn hở vui mừng trong Đấng Cứu Độ". Hãy để tình mình luôn rạo
rực xôn xao “ vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
bao điều kỳ diệu, cao cả”.
Hãy để đôi tay mình không bao giờ
khép lại, hay buông xuôi không thả lưới, “vì Chúa đã thương đến phận tôi tớ thấp hèn”
và bao phủ đời ta bằng Hồng Ân.
Jorathe Nắng Tím