Sau nhiều phép lạ đã làm, Đức Giêsu đặt cho các môn đệ một câu hỏi hóc búa, nhưng then chốt , và là nền tảng,
trung tâm của Tin Mừng : “Anh em bảo Thầy là ai?”
Câu hỏi này tất nhiên đã là câu hỏi trong óc và trên môi miệng của tất cả
mọi người đã gặp Đức Giêsu hoặc đã nghe
nói về Ngài. Trước những việc Ngài làm, lời Ngài dậy, người ta bàn tán xôn xao
về Ngài ; người ta hỏi han về danh tính, lý lịch của Ngài ; người ta đoán già đoán
non tương lai của Ngài ; và không ít người đã đặt nghi vấn về Ngài. Bởi thế, khi nói về Ngài,
người ta đã không thống nhất một ý, nên
“có người bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả, kẻ bảo là Êlia, số khác bảo là một ngôn sứ
nào đó” (Mc 8,28). Riêng các môn đệ, khi được hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” Phêrô đã nhanh nhẩu thay anh em
trả lời : “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29).
Phêrô đã trả lời chính xác, đã nói đúng danh tính của Đức Giêsu: Đấng
Kitô, nghiã là xác tín căn cước đích thực của Thầy mình : Đấng Thiên Chúa sai đến
để cứu dân.
Nhưng Phêrô có hiểu đúng ý nghiã
của danh tính Đấng Kitô của Thầy mình,
hay cũng như những người Do Thái đương thời khao khát mong đợi một Đấng Kitô đầy
uy lực để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ?
Chắc chắn Phêrô đã hiểu không đầy
đủ ý nghĩa danh tính Đấng Kitô, nên Đức
Giêsu mới "bắt đầu dậy cho các ông
biết” Con Người là ai và phải chịu đau khổ thế nào (Mc 8,31), điều mà các môn đệ
không bao giờ dám và muốn nghĩ đến. Nhưng
sự thật còn bẽ bàng hơn, khi Phêrô tỏ ra chẳng hiểu gì về sứ mệnh và thông điệp
của Đấng Kitô, khi ông “kéo riêng Đức Giêsu ra và bắt đầu trách Người” (Mc
8,32), vì “Người đã dậy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị
các kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống
lại” (Mc 8,31). Và hậu qủa là ông đã bị Đức Giêsu quở trách : “Xatan ! Lui lại đằng sau Thầy ! Vì tư tưởng
của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc
8,33).
Chúng ta nhận thấy Đức Giêsu đã dứt khoát không muốn các môn đệ tiếp tục hiểu sai về sứ mệnh Đấng Kitô của Ngài,
và muốn chấm dứt giai đọan các môn đệ hiểu lơ mơ, mù mờ về sứ vụ Cứu Thế của Ngài,
và một cách trực tiếp, rõ ràng, Ngài cho các ông biết : Ngài sẽ phải chịu khổ hình
và chết, nhưng sẽ sống lại sau ba ngày.
Qủa thực, khi được mặc khải về cuộc thương khó sắp tới, hình ảnh Đấng
Kitô vốn có trong đầu óc các môn đệ từ
những ngày đầu, đã lập tức tan tành, vỡ
vụn, thay bằng những hình ảnh thất bại tang thương, khổ hình đẫm máu, và chết
chóc sầu thảm. Trước đe dọa của đau khổ
và sự chết, các ông đã đi từ bỡ ngỡ đến hoảng hốt, từ ngỡ ngàng đến hoang mang,
từ nghi ngờ đến lo sợ. Và hầu hết các ông đã
không còn muốn tin Thầy mình là Đấng Kitô, khi ước mơ Thầy sẽ giải phóng Ítraen, và nhóm môn đệ thân tín sẽ
được ngồi bên phải, bên trái Thầy trong vương quốc vinh quang hoàn toàn tan biến,
sụp đổ.
Ngày hôm nay, cũng như Phêrô xưa, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng
Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu độ nhân loại, nhưng chúng ta muốn một Đấng
Cứu Thế không biết đau khổ, một Hiến Chương Nước Trời không Thánh Giá, một tình
bạn với Đức Kitô không cần sám hối, trở về, và một lịch sử nhân loại không ơn cứu
độ. Chúng ta cũng mơ ước một Đấng Cứu Thế quyền năng và chỉ làm phép lạ ; đồng
thời người môn đệ đi theo Đức Kitô sẽ không theo một Thiên Chúa vác Thánh Giá và
chịu đóng đinh, nhưng theo một minh quân, một “Thiên Chúa các đạo binh” nghiền
nát quân thù dưới chân và lẫy lừng chiến công hiển hách.
Khi loan báo cuộc khổ hình và cái chết, Đức Giêsu không biện hộ cho đau
khổ, vì đau khổ không phải là điều Ngài tìm, nhưng điều làm vinh danh Thiên Chúa
chính là tình yêu, và với Đức Giêsu, cao điểm của đau khổ trùng hợp với tuyệt đỉnh của Tình yêu.Tình yêu
và đau khổ gặp nhau trên Thánh Giá. Tình
Yêu và Đau Khổ trùng phùng nơi Ngài. Tình Yêu và đau khổ là một mầu nhiệm, và mầu nhiệm này hệ tại ở
việc Thiên Chúa Cha đã cho phép đau khổ “hành hạ” chính Con Một yêu dấu của mình.
Là mầu nhiệm, đau khổ và cái chết đi qua cuộc sống con người, nhưng không
bao giờ chúng có thể làm phai nhạt hoặc
xóa bỏ tình yêu và niềm hy vọng, bởi Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ đã sống mầu nhiệm
đau khổ và chung phần thân phận phải chết với con người. Chính Đức Kitô, nhờ mầu
nhiệm khổ nạn và chết của Ngài sẽ làm sống lại những ai phải chết và làm hoan lạc
những ai phải khổ đau bằng sự phục sinh vinh quang của Ngài.
Như thế, sự sẵn sàng trước đau khổ và cái chết sẽ là thái độ phó thác của
tình yêu, nhờ tín thác vào Đức Kitô, Đấng biết giá trị cứu độ của đau khổ, và
luôn âu yếm nhìn chúng ta trong thử thách với đôi mắt của người cha yêu thương,
nhân hậu. Lòng tín thác ấy cho phép chúng ta bước đi bình an trong sức mạnh và ánh
sáng của Đức Kitô, để không ngần ngại mang lấy gánh nặng của khổ đau với một tình
yêu luôn hiện diện. Cũng với lòng tín thác, chúng ta không tưởng tượng hay vẽ
trước những khổ đau của ngày mai, nhưng
vui lòng đón nhận khi khổ đau hôm nay đến từ tay Thiên Chúa, như lời mời
gọi của Đức Kitô chịu đóng đinh đối với những người Ngài yêu, để họ được cùng
Ngài đi vào vinh quang qua đau khổ, đến sự sống qua sự chết, vào hạnh phúc đời đời qua hành trình thử thách trần gian.
Lậy Chúa, như thánh Tông đồ Phêrô, chúng con đã không hiểu sứ mệnh của Đức
Giêsu và nhiều lần, chúng con đã theo
Xatan ngăn cản sứ vụ cứu thế của Ngài, khi khước từ đau khổ như đường vào hạnh
phúc, chối bỏ Thánh Giá như đường dẫn đến sự sống, và phủ nhận Đức Giêsu chịu đóng
đinh là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Qùy dưới chân Thánh Giá, chúng con
xin Chúa ban Thánh Thần để chúng con chân nhận Thánh Giá là mầu nhiệm cứu độ của
Đức Kitô và suốt đời được ở lại với Đức
Kitô, Đấng đã chết và sống lại trong niềm vui bao la, sâu thẳm của mầu nhiệm Tình
Yêu và Thánh Giá.
Jorathe Nắng Tím
Các Bài đọc Chúa Nhật 24 TNB, Quý vị tham khảo tại đây : http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180911/43896