Suy Niệm Tin Mừng : Luca (11, 42 - 46)
Tin Mừng
ngày thứ Tư 17 tháng 10 năm 2018 cũng là “Ngày Thế Giới Chống Nghèo Đói”, “Đức
Giêsu khiển trách các người Pharisêu và các nhà thông luật : Khốn cho các người,
hỡi các người Pharisêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và
đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều
này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. Khốn cho các người, hỡi các
người Pharisêu ! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người
ta chào hỏi ở nơi công cộng. Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có
gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay”.
“Một trong số
các nhà thông luật lên tiếng: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng
tôi nữa!” Đức Giêsu nói : “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật !
Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính
các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,42-46).
Hai đối tượng
bị Đức Giêsu chiếu tướng hôm nay là các người
Pharisêu và các luật sĩ trong Đạo Do Thái. Các ông Pharisêu thì bị chỉ
trích vì không công bình và thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa. Các thầy thông luật
thì bị chê trách là chất gánh nặng trên vai người khác, còn mình thì ung dung,
nhẹ nhõm, vô tư.
Đức Giêsu
đã can đảm vạch trần sự bất công trong xã hội lúc bấy giờ, sự bất công phần lớn
phát sinh từ những lạm dụng của giai cấp lãnh đạo tôn giáo trong một xã hội mà
tôn giáo hoàn toàn chi phối. Khi lên tiếng chỉ trích giai cấp lãnh đạo tôn
giáo, Đức Giêsu đã chạm phải một thế lực cực kỳ bền vững và nguy hiểm : bền vững
vì từ bao đời người ta vẫn giữ những lề lối mang đến những bất công nhưng luôn
được coi như bất di bất dịch ; nguy hiểm vì một mình Ngài phải đương đầu, chịu
trận trước cả một cơ chế, tổ chức khổng lồ, đầy quyền lực, chẳng khác nào “trứng
chọi đá”. Bằng chứng là một thầy thông luật đã lập tức cảnh cáo Đức Giêsu với một
giọng điệu rất đe doạ : “Ông nói như vậy là làm nhục cả chúng tôi nữa” (Lc
11,45).
Qủa thực,
tuy không đi vào chi tiết hậu qủa của bất công, nhưng Đức Giêsu đã vẽ lên bức
tranh sinh động của xã hội tôn giáo thời Ngài : có một giai cấp thống trị ăn
không ngồi rồi và thụ hưởng kết qủa mồ hôi nước mắt của đám dân nghèo, vô danh ;
có một thiểu số chỉ phe phẩy ra vẻ người quan trọng để vinh thân phì gia, lợi dụng
lòng tốt, hoặc sự ngu dốt của đa số quần chúng ; có một số ít không làm gì,
không “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, nhưng hưởng hết lợi nhuận của đám đông. Tóm lại,
có một xã hội rất bất công, ở đó, một thiểu số đã chất trên vai đa số những
gánh nặng không thể gánh nổi, còn nhóm người ít ỏi ấy dù một ngón tay cũng
không động vào.
Xã hội ngày
xưa thế nào thì xã hội ngày nay cũng thế, nếu có khác thì khác về kỹ thuật bóc
lột, kỹ năng khai thác bất công. Cũng thế, nếu ở thời Đức Giêsu, những người thống
trị đã gây ra bất công mà hậu qủa là nhiều người đã vì họ rơi vào cảnh vất vả
mà không đủ ăn, nhọc nhằn mà không đủ mặc, cơ cực mà không đủ sống, thì hôm
nay, không ít người đã phải mang phận nghèo, chịu cảnh khổ, sống đời lầm than,
“khố rách áo ôm”, “sống vô gia cư, chết không địa táng” cũng vì vô số bất công
do một số ít người trục lợi bất công. Thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc phải làm chúng ta bàng hoàng khi 90% sản lượng thế giới nằm trong tay 7% là những
người giầu. Vì thế, sẽ chẳng bao giờ hết người nghèo, và đến tận thế, người
nghèo khổ vẫn nhan nhản, đầy dẫy chung quanh ta, bởi bao giờ bất công không
còn, bao giờ con người không còn bất công chất trên vai người khác những gánh nặng
không thể gánh được, còn mình thì ung dung, tự tại, hưởng thụ thì thế giới mới
hết người nghèo, thế giới mới bỏ được “Ngày Thế Giới Chống Nghèo Đói”.
Vâng, bất
công là nguyên nhân gây ra nghèo đói, nhưng nguyên nhân gây ra bất công lại chính là thiếu lòng yêu mến
Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khiển trách những người Pharisêu : “xao lãng lẽ
công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42), bởi thiếu lòng yêu mến Thiên
Chúa, con người sẽ chỉ yêu chính mình, và khi chỉ yêu chính mình, không ai sẽ
không tìm đáp ứng mọi nhu cầu của mình, thoả mãn mọi đòi hỏi của mình, và để thực
hiện điều này, người ta không thể tránh khỏi tham vọng bất chính là thống trị kẻ
khác, áp đặt bất công trên người khác. Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa, người ta
sẽ không còn đích tới nào khác ngoài “cái tôi”, không còn đối tượng nào lớn hơn
“cái tôi”, cũng không còn lý tưởng nào khác ngoài “cái tôi”. Và từ “cái tôi”, đủ
thứ tội sẽ phát sinh, mà một trong tội lớn thường phạm để thoả mãn “cái tôi”, chính
là biến người khác thành phương tiện phục vụ mình, bắt tha nhân làm nô lệ của
mình, và trong mọi trường hợp, người ta đều bất công với anh em mình. Thiếu
lòng yêu mến Thiên Chúa, người ta sẽ không tránh khỏi bất công, vì khi đó lãnh
đạo sẽ không còn là lãnh đạo phục vụ, nhưng lãnh đạo biến thành thống trị để được
phục vụ, bởi trong bất cứ một tổ chức xã hội đạo, đời nào đều phải có người
lãnh đạo và người được lãnh đạo, có giai cấp lãnh đạo và hàng ngũ những người
được lãnh đạo. Chính vì phải có lãnh đạo, mà người lãnh đạo khi không có tình
yêu Thiên Chúa để có thể yêu thương và
phục vụ những người thuộc quyền lãnh đạo của mình, sẽ mau chóng biến thành lãnh
chúa thống trị hà khắc vì thiếu yêu thương, và biến thái thành bạo chúa bóc lột
bất công vì thiếu quên mình phục vụ.
Trong “Ngày
Thế Giới Chống Nghèo Đói”, chúng ta hồi tưởng những bất công chúng ta đã áp đặt cách này cách khác trên anh em, và xin Chúa
cho chúng ta hiểu thấu đáo mức độ trầm trọng của bất công, bởi túng bấn của anh
em đang tố cáo những bất công của chúng ta ; nỗi nhục nhằn vì nghèo của anh em
đang lên án trái tim vô cảm, băng giá, không yêu mến Thiên Chúa của chúng ta ;
tháng ngày vất vưởng, trôi giạt vì đói của anh em đang lật tẩy nếp sống giả
hình, ích kỷ, hưởng thụ của chúng ta ; thân phận làm người ăn xin vì đói giữa
thế giới ăn nhậu phung phí đang đặt chúng ta trước câu hỏi mang tính vận mệnh :
Anh em nghèo đói của ngươi đâu ? Tương tự câu hỏi mà Thiên Chúa Giavê đã đặt ra
với Cain sau khi Cain giết chết Abel: “Em
ngươi đâu ?” (St 4,9).
Jorathe Nắng
Tím