Paris vào
thu và mùa thu Paris bao giờ cũng buồn : lá vàng đổ ngập đường, gió đêm se lạnh, và ông mặt trời lười
biếng, thức muộn. Trời buồn nên lòng người chùng xuống, không vui : không vui vì vào mùa sụt
sùi cảm cúm, chùng xuống vì thương nhớ người đã ra đi.
Nhà tôi gần
nghiã trang, từ cửa sổ căn phòng nhỏ trên lầu hai, tôi nhìn tường tận các ngôi
mộ cũ-mới im lìm thẳng hàng thẳng lối, nhiều ngôi mộ tiêu điều, hoang vắng không
thân nhân chăm sóc, bên cạnh những ngôi mộ được phủ kín bởi rừng hoa đủ loại.
Tưởng nhớ
người thân đã ra đi giữa nghiã trang toàn những người ngọai quốc xa lạ, nhưng
tôi không thấy xa lạ chút nào, trái lại, tôi thấy họ rất thân quen và thấy mình
gần gũi với họ.
Tôi không thấy
xa lạ người chết, dù người chết thuộc sắc dân, văn hoá, tôn giáo, trình độ hay
giai cấp nào đi nữa, bởi tôi biết sẽ cùng họ chia sẻ thân phận phải chết. Đa phần
vào đời trước tôi, một số ít sau tôi nhưng yểu mệnh vắn số, họ đã ra đi trước,
để trở về đất hay tan biến thành tro trong lò hoả thiêu. Biết mình cùng thân phận
phải chết, nên chân tôi vững chãi ghé thăm từng ngôi mộ và không còn thấy xa lạ,
lạc lõng giữa nghiã trang ngoại quốc này, với ý nghĩ về một ngày xa gần không biết,
tôi cũng sẽ nằm xuống im lìm thẳng hàng thẳng lối như họ đang nằm đây, hoặc sẽ
nhỏ bé, không cồng kềnh, khi chỉ còn là chút tro với mấy mẩu xương nhỏ như cọng
tăm được đặt đâu đó.
Chiều nay,
tôi không thấy xa lạ những người đã chết, vì tôi biết, khi chết, tôi cũng sẽ
như họ, nghiã là bất lực hoàn toàn khi sự sống quyết định rời bỏ thân xác ra
đi. Tôi sẽ bất lực vì không còn sức khỏe, bất lực vì hết sức đề kháng, bất lực
vì không thể vượt qua cơn bệnh, bất lực vì không còn ai có thể cứu tôi sống, bất
lực vì không còn giữ được hơi thở dù rất nhẹ, rất khẽ; bất lực vì không còn khả
thể kéo dài thêm sự sống, bất lực vì phương tiện cạn kiệt, bất lực vì thiện chí
phải chào thua, bất lực vì là đọan kết cuộc đời, khi ở vào cây số sau cùng của
hành trình đời người.
Tôi cũng không thấy xa lạ những người đã bỏ cuộc
ra đi trước tôi, bởi khi hấp hối, tôi cũng sẽ đau đớn, ngắc ngoải, lo âu, miệng
lưỡi cứng đơ, mắt nhắm nghiền muốn mở ra nhìn đời lần chót cũng không chắc được,
chân tay co quắp, hơi thở đứt đoạn, nặng nhọc cho đến khi toàn thân rũ liệt,
buông xuôi khi linh hồn ra khỏi xác.
Tôi càng
không thấy xa lạ họ, vì tôi sẽ làm người nhà bật khóc nức nở, bạn hữu rơi lệ tiếc
thương, kẻ thù vui mừng hớn hở, đối phương thở phào đắc chí và kẻ phản bội nhẹ
lòng như tháo được khối đá khỏi cổ. Ngày an táng, tôi cũng sẽ như họ phải nằm
im để nghe nhiều lời chia buồn thật giả : có người buồn nói lời chia buồn thật,
có người nói lời chia buồn nhưng lòng vui như trúng số. Bên cạnh là những bó
hoa cũng hư thực muôn mầu, bởi giữa rừng hoa phân ưu, thương tiếc sẽ không thiếu
những vòng hoa tím ngắt xót xa, dạt dào thương tiếc của những lòng dạ đang tưng
bừng mở hội.
Vâng, tôi
không còn thấy mình xa lạ với người chết, vì tôi chung một số phận “làm người
phải chết” với họ. Họ chết trước tôi, tôi biết họ chết thế nào, nên đến phiên
mình, hy vọng sẽ bớt lúng túng, ngờ nghệch, dù vẫn biết chẳng ai chết giống ai.
Từ lạ
thành quen, tôi thấy mình là láng giềng
quen thuộc của nhiều người đã ra đi, khi biết rằng sẽ chẳng còn mấy người nhớ đến
họ và đến lượt mình cũng thế thôi. Người đời chóng quên, không hẳn vì họ muốn
quên, cho bằng vì cuộc sống xô bồ, phải chạy đua với thời gian để tồn tại, nên
nhớ người đã khuất không còn là một nhu cầu, một đòi hỏi được quan tâm. Người
chết sẽ xa dần tim óc người sống, như tấm hình nhạt dần, phai dần, mờ dần với
thời gian.
Chiều nay,
trước khi rời nghiã trang, tôi ngồi bên tượng Chịu Nạn ở giữa nghiã trang và
ngước nhìn Đức Giêsu chịu đóng đinh. Hình ảnh Thiên Chúa ngoẹo cổ tức tưởi chết trên Thánh Giá làm tôi rùng
mình xúc động. Trong nỗi xúc động, tôi thấy Thiên Chúa thật gần gũi con người, và là niềm hy vọng của mọi người, khi Ngài chết như người có tội, chết như kẻ gian phi.
Thực vậy, người
ta có thể không giống nhau về nhiều mặt, nhiều phương diện, nhiều khiá cạnh
trong cuộc sống, nhưng tất cả đều giống nhau ở số phận phải chết, bởi ai cũng
phải chết. Đức Giêsu Thiên Chúa đã chết như con người, để không ai có thể nói
Thiên Chúa ở xa tít tắp, cao vút chín tầng trời, xa cách loài người, và chỉ làm
người dở dang, làm người nửa vời, làm người nửa kiếp.
Chết như
con người, Thiên Chúa đã gần gũi con người đến tận cùng, gần gũi từng người
trong thẳm sâu của thân phận người. Không chỉ gần gũi con người trong đời sống
làm người, Thiên Chúa còn gần con người trong chính số phận làm người phải chết
của mỗi người. Con người chết sao, Thiên Chúa chết vậy, chưa kể cái chết của Thiên
Chúa còn tức tưởi, tang thương, cô đơn, cô độc, hiu hắt, bẽ bàng, bi thảm, thê
lương, thiếu thốn, tầm thường gấp nhiều lần cái chết của đa số những người đã
chết .Tất nhiên, cũng không thiếu những người đã chết khổ hơn, chết đau đớn hơn,
chết vật vã hơn Đức Giêsu, nhưng ở ngôi vị Thiên Chúa, là Thiên Chúa toàn năng mà chết như tội nhân,
là Thiên Chúa Cứu Độ mà chết như người có tội, là Thiên Chúa tuyệt đối thánh
thiện mà chết như kẻ gian ác thì chắc chắn không có cái chết nào của con người
có thể so sánh!
Chiêm ngắm Đức
Giêsu Thiên Chúa chết như tội nhân trên Thánh Giá, tôi mới thấy Thiên Chúa gần
gũi, yêu thương người có tội. Dù vô tội và tuyệt đối thánh thiện, Thiên Chúa
làm người đã không chọn cái chết của người công chính ; chọn đám tang của vĩ
nhân, người hung ; chọn kiểu ra đi của siêu sao, nhà lãnh đạo đương thời, nhưng
chọn chết như một người có tội.
Ngài có
thể chết bình thường, không bi thảm máu me, không trần truồng ô nhục, không
khăn liệm, mộ phần ; nhưng để người có tội, là thành phần đáng khinh bỉ của tôn
giáo ; để tội nhân, là thành phần bị cuộc đời nguyền rủa, khước từ ; để phạm
nhân, là thành phần bị cơ chế xã hội lên án, trừng phạt có chỗ nương dựa, có
người cảm thông, có Đấng chở che, cứu độ, Thiên Chúa đã vui lòng chấp nhận chết
như người có tội, như tội nhân bị nguyền rủa, như phạm nhân đáng phải chết.
Chết như
người có tội, Thiên Chúa đã bầy tỏ đến tận cùng lòng thương xót của Ngài đối với
tội nhân. Đối với Thiên Chúa, tội lỗi đáng ghê tởm, nhưng tội nhân luôn luôn và
mãi mãi đáng thương, đáng yêu, cần được cứu độ.
Không những
chết như tội nhân để tội nhân không mất niềm hy vọng được yêu thương, cứu rỗi,
Đức Giêsu Thiên Chúa còn công khai bộc lộ lòng khao khát tìm kiếm tội nhân khi
xin Chúa Cha “tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Họ đây là
tất cả những người có tội. Ngài còn tha thứ và hứa Nước Trời ngay hôm nay cho
anh gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải Ngài (x. Lc 23, 43).
Qủa thực,
tôi không thể tìm được tương quan nào có thể gần gũi, thiết thân hơn giữa con
người và Thiên Chúa, khi ngước nhìn Thánh Giá và Thiên Chúa tự nguyện làm tội
nhân chết treo trên đó. Không Thiên Chúa nào đã yêu con người đến cùng như
Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô ; không thần linh nào có thể đi đến cùng tình yêu
dành cho con người đến nỗi bị coi là điên khùng như Thiên Chúa trong Đức Giêsu
Kitô, và trong giây phút chiêm ngắm hình hài Thiên Chúa chết thảm thương, tôi
khám phá ra lòng thương xót bao la vô cùng vô tận của Thiên Chúa là Tình Yêu
tuyệt đối, để xác tín rằng : trong tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa, không
tương đối nào của con người, kể cả tội lỗi có thể tồn tại, mà không tan biến
trong lòng xót thương.
Chiêm ngắm Đức
Giêsu chết như con người nghèo khó, bị bỏ rơi, tôi thấy Ngài gần gũi những con
người kém may mắn trong cuộc đời, nên từ nay có ai lớn tếng phán xét người này chết lành, người kia chết dữ, ông này
lên thiên đàng, bà kia xuống hoả ngục khi căn cứ vào cách chết, số người viếng
thăm, vòng hoa phân ưu, phúng điếu, tang lễ long trọng, linh đình và mức độ
hoành tráng của đám tang, chắc chắn tôi sẽ không quan tâm, vì có ai thánh thiện
bằng Thiên Chúa, và có ai đã chết tức tưởi, thê thảm, khốn nạn, nghèo nàn, lặng
lẽ như Thiên Chúa trên Núi Sọ ?
Chiêm ngắm
Đức Giêsu chết như người vô tội bị kết án oan uổng, bất công, tôi thấy Thiên
Chúa thật gần gũi với bao thân phận bị hàm oan, vu khống, và đến giờ chết cũng
không mấy người thấu hiểu, minh oan, trả lại danh dự, phục hồi nhân phẩm cho họ.
Họ chết như tội phạm, như kẻ thù của xã hội, như kẻ phá hoại cộng đồng ; họ chết
trong phẫn nộ của những kẻ tự nhận mình là người công chính ; chết nhục nhằn
trong mắng nhiếc, chửi rủa, khinh mạn của những kẻ được họ làm ơn, trong khi dưới
mắt Thiên Chúa, họ là ân nhân của nhân loại đã cống hiến cuộc đời để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Chiêm ngắm Đức
Giêsu chết như người tôi tớ trung tín, khiêm nhường, tôi thấy Thiên Chúa luôn gần
gũi những người bé mọn, không tiếng nói, không quyền lực, không ảnh hưởng,
không ô dù, không thế lực chống lưng. Và quả thực, Nước Trời thuộc về những người
bé mọn này, vì họ được Thiên Chúa trung tín đồng hành suốt cuộc đời, cho đến giờ
họ lâm chung.
Chiêm ngắm Đức
Giêsu chết như người “sống không nhà, chết không địa tang”, tôi thấy Thiên Chúa
gần gũi với những mảnh đời rách bươm, lang thang “đầu đường xó chợ”. Ngài ở với
họ trong cuộc đời cơ cực, và chết với họ trong “hoàn cảnh hậu sự” túng cực
không mồ mả, ma chay, cúng giỗ.
Trên đường
về từ nghiã trang chiều nay, tôi không còn thấy mình xa lạ với những người đã
chết, dù họ không là thân nhân, bạn hữu, hàng xóm láng giềng. Tôi gặp ở họ ở
nhiều mẫu số chung, trong đó có thân phận làm người phải chết. Không còn xa lạ
với họ, nhưng tôi không khỏi lo lắng về giờ chết của riêng tôi, vì biết ai cũng
phải chết một mình, một mình đi vào cõi vô cùng, không hề được biết trước.
Rất may,
tôi gặp được Thiên Chúa làm người chết treo trên Thánh Giá, và Thiên Chúa chết
như con người, chết cho con người ấy đã mang lại cho tôi niềm hy vọng được chết
cùng Ngài, vì Ngài đã tự nguyện chết cùng mọi người như tội nhân, như người hèn
mọn, yếu đuối, bị khinh miệt, bỏ rơi.
Có Thiên
Chúa cùng chết, tôi sẽ an tâm chết, vì biết Thiên Chúa đã chết thay thân phận tội
nhân của tôi, khi Ngài chết như người có tội. Có Thiên Chúa cùng hấp hối, tôi sẽ
bình an trút hơi thở cuối cùng, vì có lời cầu xin ơn tha tội của chính Thiên
Chúa : “Lậy Cha, xin tha cho họ !”. Có Thiên Chúa cùng chôn trong mồ, tôi sẽ
yên nghỉ trong niềm hy vọng được cùng Ngài sống lại, vì Ngài luôn xót thương phận
người yếu đuối, hèn mọn của tôi.
Mùa thu có Chúa
sẽ không còn là mùa thu buồn, với lá vàng lả chả rơi, như những con người nối
đuôi nhau đi về cõi chết vô vọng. Nhưng từ khi có Chúa là Tình Yêu Thương Xót,
muà thu cuộc đời chỉ còn những lá vàng đon đả, rộn ràng gọi nhau về cội, như đàn
con hối hả, ríu rít rủ nhau về nhà Cha rất nhân hậu và giầu sang.
Jorathe Nắng Tím