Pages - Menu

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

KÝ ỨC ĐÊM GIÁNG SINH


Lại thêm một mùa Giáng Sinh nữa đến. Dù đã nhiều lần đón Giáng Sinh nhưng những ký ức về đêm Noël của tuổi thơ vẫn luôn sống động trong tôi như chuyện mới xẩy ra hôm qua.
  Gia đình tôi Phật giáo, nhưng có lẽ vì theo Tây học, nên mỗi năm ba má tôi vẫn mừng Noël như những gia đình Thiên Chúa giáo khác .
Dù không biết Chúa, dù là “ngoại đạo”, như cách những người công giáo vẫn gọi, nhưng gia đình tôi không đứng “ngoài” mà lại hoà vào “trong” niềm hân hoan của những người theo Chúa. Cũng cây thông, cũng hang đá và cũng tiệc mừng để chào đón Chúa giáng sinh.
  Ngày đó, mỗi năm Noël về Ba tôi luôn rộn ràng hân hoan trang hoàng cây thông với những gói quà nhỏ cùng những viên chocolat, những viên kẹo được gói cẩn thận trong giấy màu lung linh sặc sỡ, mà sau lễ anh em chúng tôi thường tranh nhau tháo mở để thưởng thức vị ngọt của kẹo và vui sướng với những món quà. Má tôi thì bận rộn cả ngày để chuẩn bị cho bữa “réveillon” với bánh sandwich phết patê gan cùng con gà nhồi thịt và ổ bánh kem không thể thiếu. Anh em chúng tôi thì chộn rộn quanh chân Ba để trang trí cây thông và ngắm nhìn hang đá, thỉnh thoảng lại chạy vào bếp để xem Má nấu nướng.
  Ngày nhỏ, nhìn vào hang đá tôi thấy Chúa Hài Đồng sao tội nghiệp và dễ thương quá. Tội nghiệp vì lẽ ra khi mới chào đời, em bé phải được bọc ấm, nằm êm như những em bé tôi thường gặp quanh tôi, nhưng ở đây “em bé Giêsu” lại phải nằm trơ trụi trên rơm cỏ nơi hang lừa. Dễ thương vì “em bé Giêsu “ không khóc mà vẫn tươi cười giơ hai tay như muốn ôm hết mọi người và chung quanh là những chú cừu bê hiền lành trông nom, gìn giữ.
  Và cũng chính cái hình ảnh dễ thương tội nghiệp của Chúa hài đồng nằm trong hang đá khiến tôi một lần về quê ngoại đã lẻn ra nhà kho sau vườn nằm thử trên rơm rạ, để xem cái cảm giác ấy như thế nào. Và tôi đã thấy thương và tội nghiệp cho “em bé Giêsu” nhiều hơn vì nằm trên rơm rạ chẳng dễ chịu tí nào lại thêm mùi ngai ngái khó ngửi của gia súc chung quanh nữa.
  Cái nhìn tuổi thơ của tôi về đêm Giáng Sinh ngày ấy chỉ đọng lại có thế: cây thông được trang hoàng rực rỡ, bữa tiệc đầm ấm, vui vầy cùng gia đình và “em bé Giêsu” dễ thương, tội nghiệp. Lúc nhỏ tôi không biết ý nghĩa của đêm Giáng Sinh cũng không hiểu gì về Thiên Chúa nhập thế, nhập thể, nhưng vẫn thấy Chúa rất gần gũi, dễ thương qua hình ảnh “em bé Giêsu” trong hang đá.
  Lớn dần với thời gian tôi học hiểu thêm nhiều điều và cũng theo thời gian tôi nằm lòng câu: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” mỗi lần Giáng Sinh về.
  Và tôi cũng hay tự hỏi liệu chúng ta đã đủ thiện tâm để được hưởng bình an của Chúa chưa? Hay đâu đó chúng ta vẫn còn mang tâm hẹp hòi, phân chia, đố kị? Bình an của Chúa không tuôn đổ cho riêng ai, nhưng sao chúng ta, những người theo Chúa, lại thích khoanh vùng, be bờ, đắp đập, không cho người khác đến với Chúa và không mang Chúa đến với mọi người?
  Với kinh nghiệm của chính bàn thân, tôi thấy đường đến với Chúa sao quá chông gai, khó khăn: khó khăn, chông gai không do Chúa, nhưng chông gai, khó khăn do con người, những người anh em của tôi.
  Năm ba mươi tuổi, tôi được gặp Chúa và đón nhận bí tích thánh tẩy. Chúa đã đến trong đời tôi thật dễ thương, nhưng xem ra để được hội nhập vào cộng đoàn của những người theo Chúa sao tôi thấy quá vất vả và nhiêu khê. Tôi còn nhớ, chỉ để xin được học giáo lý tân tòng thôi, tôi cũng đã gặp biết bao trở ngại với nhiều câu hỏi, thắc mắc dễ làm tổn thương.
  Nhiều bạn bè của tôi cũng gặp trở ngại khi xin làm phép hôn phối, vì những đòi hỏi khó khăn, nguyên tắc cứng nhắc, nhất là thái độ không luôn cởi mở, thân thiện của anh em “có đạo” chúng tôi.
  Ngay cả chuyện đám tang là chuyện cuối cùng của một đời người, tôi cũng cảm thấy nghẹn lòng khi chứng kiến một cảnh tượng không mấy bác ái. Số là có một người đàn ông nghèo kia qua đời, sau khi được rửa tội khẩn cấp bởi một chị trong hội Đạo Binh Đức Mẹ. Vì quá nghèo túng, không có quan tài để chôn, nên vị sư trụ trì ngôi chùa trong xóm đã giúp đỡ tang quyến áo quan cho người quá cố. Và cũng chỉ vì tấm áo quan được nhà chùa ủng hộ, mà một chức sắc trong Giáo xứ đã giật phăng tấm bảng ghi dòng chữ : “Cầu cho linh hồn Phêrô” đặt trên quan tài của người quá cố, vì cho rằng người này lung tung, phức tạp, linh tinh “Nhà Chúa - Nhà Chùa”.
  Tất cả những chuyện đáng tiếc, đáng buồn, đáng trách trên đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục, nếu chúng ta vẫn giữ cái tâm vị kỷ, không mở lòng với người khác; nếu chúng ta vẫn tự khoanh vùng với ý nghĩ: chỉ có mình mới là “thành phần được Chúa tuyển chọn”, còn người khác là “ngoại đạo”, tội lỗi, bất xứng; nếu chúng ta vẫn hẹp hòi không mang Chúa đến với người khác bằng yêu thương như Chúa dạy.
 Ước gì khi nhìn vào hang đá đêm Giáng Sinh, mỗi người chúng ta sẽ biết giang tay đón nhận hết mọi người bằng yêu thương, dung thứ như hình ảnh dễ thương của Chúa Hài Đồng và ước gì chúng ta biết đối xử với nhau bằng thiện tâm để ơn bình an của Chúa được tuôn đổ trên mọi người .

Mây Tím