Tin Mừng Luca kể lại: “Trong vùng ấy, có mục đồng đóng
ở ngoài trời và đêm khuya thức canh giữ đàn cừu. Thiên thần Chúa bỗng hiện đến
bên họ và vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ, làm họ kinh khiếp hãi hùng.
Nhưng thiên thần nói với họ: Đừng sợ! Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một
niềm vui rất lớn, tức là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho các
ngươi vị Cứu Tinh, là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trong thành của vua Đavít. Và
đây là dấu chỉ cho các ngươi: các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, được
đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,8-12).
Sứ điệp
Giáng Sinh đã chính thức được loan báo khi thiên thần hiện đến với anh em mục đồng
đang canh thức giữ đàn cừu giữa đêm khuya. Sứ điệp ấy được các thiên thần đặt
tên là “tin rất vui mừng cho toàn dân”, và ngay lập tức, thiên thần mời các mục
đồng lên đường đến gặp Đấng Cứu Thế vừa hạ sinh, vấn tã, nằm trong máng cỏ, giữa
bầy chiên lừa.
Sứ điệp
Giáng Sinh ấy thật ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn vài dòng, không làm giật mình, thức giấc
ai ngoài đám mục đồng nghèo thức đêm canh giữ chiên lừa; không làm bàng hoàng,
thất kinh ai, vì có ai để ý đến chuyện Thiên Chúa sinh ra làm người như con người;
không làm bận tâm, mất thời gian của ai, vì có ai quan tâm đến chuyện hoang đường,
không thể xẩy ra: Đấng Cứu Thế sinh hạ nghèo hèn trong chuồng chiên lừa giữa
đêm khuya hiu hắt.
Sứ điệp
Giáng Sinh ấy được loan báo thật đơn sơ: văn phong đơn sơ, cách diễn tả đơn sơ,
và đối tượng được loan báo là những người đơn sơ. Sứ điệp ấy cũng đã được đón
nhận một cách đơn sơ khi các mục đồng rủ nhau đến chuồng chiên tìm gặp hài nhi vấn tã, đơn sơ nằm trong máng cỏ, mà không chút thắc mắc,
nghi ngờ.
Sứ điệp
Giáng Sinh ấy thật êm đềm, nhẹ nhàng, không gò bó, áp đặt, lấn lướt, bằng cớ là
không người nào có mặt đêm ấy ở chuồng
chiên đã lên tiếng tuyên truyền, biện bác, hay ồn ào lý giải, phân bua trước
quang cảnh một hài nhi nằm trong máng cỏ, nhưng tất cả đều lặng thinh thờ lậy,
an bình cung kính, rồi giữ kỹ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong long như Đức
Maria, Mẹ Hài Nhi (Lc 2,19).
Sứ điệp
Giáng Sinh ấy thật gần gũi, vì ở giữa cuộc đời, gắn liền với con người, cho mọi
người, bất phân tuổi tác, thành phần, thời điểm, nơi chốn. Ai cũng là đối tượng
của sứ điệp, nhà nào cũng nhận được Tin Vui, tâm hồn nào cũng được vui mừng, rạo
rực.
Sứ điệp ấy
là sứ điệp Thiên Chúa từ trời cao thăm thẳm tự nguyện xuống thế giới loài người
để làm người như mọi người, vì yêu thương và để cứu độ con người. Trong suy tưởng
và hiểu biết bình thường, Thiên Chúa không thể làm người, bởi Thiên Chúa và con
người không thể có mặt trong cùng một hữu thể, do sự khác biệt giữa Thiên Chúa
và con người. Thiên Chúa là đấng chủ tạo, chí thánh và tuyệt đối, còn con người
là thụ tạo yếu đuối, tội lụy, tương đối; Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn
mỹ, con người giới hạn, bất toàn, khiếm khuyết. Vì thế, ngay việc gặp gỡ giữa
Thiên Chúa và con người đã là bất khả thi, nói chi đến chuyện Thiên Chúa tuyệt
đối trong mọi sự và con người tương đối trong mọi sự hiện hữu trong cùng một hữu
thể. Cũng vì khó có thể quan niệm, mà sứ điệp Thiên Chúa làm người không được
nhiều người đón nhận, không được toàn thể nhân loại bỏ phiếu đồng tình ủng hộ.
Nhưng trở thành một phi lý không thể chấp nhận đối với nhiều người, và bị coi
là huyền thoại viển vông bởi số đông khác.
Sứ điệp ấy
là sứ điệp Thiên Chúa làm người để gánh tội, xóa tội, chuộc tội cho con người;
để tẩy rửa tội lỗi và lấy đi hậu qủa bất hạnh là hình phạt phải chết của từng
người, vì xót thương con người. Như thế, Thiên Chúa làm người ấy đã đến trong
thế giới loài người và làm người không phải để được con người phục vụ, nhưng để
phục vụ và hiến mạng sống cho hạnh phúc của con người.
Sứ điệp ấy
là sứ điệp giao hoà giữa Thiên Chúa với con người, giữa Trời cao và Đất thấp,
giữa người này với người kia, để bình an
là hạnh phúc lớn nhất tràn ngập, phủ lấp tâm hồn mỗi người và toàn thể nhân loại,
bởi Thiên Chúa dã dựng nên con ngườI để con người được hạnh phúc trong bình an
viên mãn.
Với sứ điệp
Giáng Sinh, nhân loại từ nay bước vào một kỷ nguyên được cứu rỗi bởi Thiên Chúa
làm người. Con người từ nay biết mình được Thiên Chúa yêu thương, yêu nên làm
người để ở với, ở cùng; thương nên tự nguyện hiến mạng làm giá cứu chuộc, chấp
nhận chết để con ngườI được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Với sứ điệp
Giáng Sinh, con người từ nay có ánh sáng chân lý dẫn đi trên đường đời. Không
ai sẽ phải lầm lạc trong đêm tối nếu ngước mắt dõi nhìn ánh sao Giáng Sinh luôn
có mặt để chiếu sáng, soi đường.
Cũng với sứ
điệp Giáng Sinh, không ai là người không được thương xót, tha thứ, cứu độ, bởi Thiên Chúa làm ngườI chỉ vì một mục
đích duy nhất là tìm lại những gì đã mất, hồi sinh những ai đã chết trong tội lỗi,
cho duy nhất một niềm vui lớn “giữa triều thần Thiên Chúa, khi ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi
ăn năn sám hối” (Lc 15,10), một ngườI con, một con người “đã chết mà nay lại sống,
đã mất mà nay lại tìm được” (Lc 15,32).
Vâng, Giáng
Sinh về mang đến từng ngườI, từng nhà, từng cộng đoàn và toàn thể nhân loại sứ
điệp bình an của Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa cứu độ. Vì sứ điệp Giáng Sinh
không là sứ điệp của con người gửi con người, tác giả của sứ điệp không là con
người với vóc dáng, tầm cỡ tư duy, suy tính của con người, nhưng là sứ điệp của
Thiên Chúa gửi con người, nên khó nghe, khó đón nhận, vì khó hiểu, khó lý giải,
khó nắm bắt, bởi tự thân sứ điệp ấy là Mầu Nhiệm.
Trước sứ điệp
mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong hình hài em bé yếu đuối, nằm trong máng cỏ,
ở hang chiên cừu, giữa đêm khuya, cũng như mầu nhiệm của sứ điệp Cứu Độ với cây
thánh giá sần sùi, nặng nề khó vác, và núi Sọ đẫm máu cực hình, rùng rợn chết
chóc, không ai có thể hiểu và giải thích, bởi đây chính là Mầu Nhiệm Thiên
Chúa, mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể noi gương Đức Maria, và thánh Giuse thờ
lậy và chiêm ngắm trong thẳm sâu thinh lặng của tâm hồn. Cha mẹ của Đức Giêsu
Kitô, Thiên Chúa làm người đã không huyênh hoang phát biểu gì, không huyên
thuyên kể lể, tường thuật gì, nhưng chỉ say mê chiêm ngắm Hài Nhi trong thinh lặng,
cung kính thờ lậy Hài Nhi trong thinh lặng, khiêm hạ đón nhận ơn bình an của
Hài Nhi trong thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng, tâm hồn mới có thể đón nhận Mầu
Nhiệm; chỉ với thinh lặng, Mầu nhiệm của sứ điệp từ Trời cao mới được hé mở; chỉ
bằng thinh lặng, chúng ta mớI cảm nhận được ơn bình an của Thiên Chúa làm người
ban tặng cho toàn thể nhân loại trong đêm Giáng Sinh.
Cùng một
tâm tình của người nghèo khó, bé mọn như Đức Maria và thánh Giuse, các mục đồng
đã đón nhận sứ điệp Giáng Sinh, nói đúng hơn, đã đón nhận Thiên Chúa giáng sinh
làm người với thái độ đơn sơ của người nghèo trước Mầu Nhiệm. Họ không cầu kỳ,
thắc mắc, không biện bác, tranh luận, không e dè, tính toán hơn thiệt hay do dự,
chần chừ, nhưng hiền lành, chất phác đi theo thiên thần đến gặp Thiên Chúa làm
người với niềm vui hồn nhiên, chân
thành của nếp sống nghèo vốn dĩ rất đơn
sơ.
Vâng Thiên
Chúa làm người đã chỉ có thể được nhận ra bởi những đôi mắt hiền lành, nhân hậu,
chân thành, chất phác như đôi mắt của cha mẹ Ngài và các mục đồng canh giữ cừu
chiên giữa đêm khuya; Thiên Chúa làm người chỉ được đón nhận bởi những tấm lòng
của người nghèo khó nhưng bàn tay luôn quảng đại, của người hèn mọn nhưng trái
tim luôn cao thượng, của người bé nhỏ nhưng cuộc đời luôn là kỳ công tuyệt vời dưới mắt Thiên Chúa.
Như thế, sứ
điệp Giáng Sinh mang trọn vẹn Thiên Chúa đến cho con ngườI. Sứ điệp ấy không chỉ
là Tin Vui lớn lao cho toàn dân, nhưng là Tất Cả trời đất, Tất Cả thần thánh,
nhân loại, vũ trụ muôn loài, Tất Cả thời gian, không gian, Tất Cả những gì hiện
hữu từ khai thiên lập địa cho đến tận thế, bởi là sứ điệp mang Thiên Chúa, sứ
điệp của Mầu Nhiệm Thiên Chúa, sứ điệp của Tuyệt Đối, sứ điệp của Ánh Sáng Sự
Thật, Sự Sống đời đời, Tình Yêu đến cùng và vĩnh cửu của một Thiên Chúa yêu
thương con người vô cùng, vô tận.
Và duy nhất
một thái độ, một tâm tình Thiên Chúa đợi chờ ở chúng ta trong đêm Giáng Sinh,
đó là đơn sơ, thinh lặng: đơn sơ đến gặp Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người
như các mục đồng, và thinh lặng chiêm ngắm, thờ lạy như cha mẹ Ngài trong đêm
Giáng Sinh.
Xin Chúa cho
tâm hồn chúng ta được cởi bỏ mọi phức tạp để đơn sơ đón nhận mầu nhiệm, và xa dần
những huyên náo, ồn ào để thinh lặng chiêm ngắm và thờ lậy Mầu Nhiệm Thiên
Chúa là Tình Yêu Nhập Thể và Cứu Độ.
Jorathe Nắng Tím