Để hiểu rõ hơn về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta cần hiểu tội tổ tông, hay tội của nguyên tổ truyền lại cho con cháu
là tội gì ?
Sách Sáng Thế đã trình thuật về cơn cám dỗ và sa ngã của ông bà
nguyên tổ trong chương 3,
và chúng ta có thể rút ra những điểm nhấn đặc biệt từ trình thuật này :
Thần dữ là ma qủy đã cực lực cám dỗ bà Evà làm
trái ý Thiên Chúa bằng đánh thẳng vào điểm yếu của bà , đó là tính nghi nan, ngờ vực.
Trước hết, ma qủy đã gieo hạt độc nghi ngờ vào tâm hồn Evà về khả năng nhận biết thánh ý Thiên Chúa, khi "nửa đùa nửa thật" hỏi bà: "Có
thật Thiên Chúa bảo : 'Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây
trong vườn không ?' .." (St
3,1). Hỏi như thế, ma qủy cố ý làm cho Evà không còn tin vào mình nữa, để rồi không tin
mình đã nhận lệnh truyền của Thiên Chúa một cách chính xác, rõ ràng là "không được ăn trái trên
cây ở giữa vườn" (St 3,3).
Và qủa thật, khi thấy Evà biểu lộ do dự, hoang mang, thần dữ đã dồn sức tấn công:
"Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông
bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà
sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác" (St
3,4-5). Cú thứ hai qúa độc, có sức mạnh chí tử, đánh gục lập tức Evà khi
" Bà liền hái trái cấm mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó cùng ăn" (St 3,7).
Cực độc vì ma qủy đã gieo được vào tim của Evà mối nghi ngờ thứ hai, ngàn lần quan trọng hơn mối nghi nan, ngờ vực thứ nhất về khả năng hiểu biết thánh ý
Thiên Chúa của mình, đó là nghi ngờ chính lòng tốt và tình yêu
của Thiên Chúa, nói đúng hơn là nghi ngờ chính Thiên
Chúa.
Nghi ngờ Thiên Chúa
không tốt với mình, khi tin vào bí mật vừa được ma qủy tiết lộ : "Ngày
nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra". Thế ra, từ lâu nay, Thiên Chúa bịt mắt mình, không
cho mình thấy "trời trăng mây nước" và muôn sự đẹp lạ lùng quanh
mình. Bịt mắt mình như thế, Thiên Chúa đã không chân thật và tốt lành, vì còn
giấu diếm rất nhiều sự, không cho mình
biết. Thế là Evà đâm nghi, nghi Thiên Chúa không tốt, không
thương yêu con người và tín nhiệm con người như Ngài nói: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta,
giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã
thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất " (St 1,26).
Và ma qủy đã thành công ngoài sức tưởng tượng, bởi chính hắn cũng chẳng bao giờ dám nghĩ có
ngày hai con người đầu tiên được Thiên Chúa sủng ái, và đặt vào vườn địa đàng (St 2,16) lại có thể "rớt đài"
nhanh chóng và dễ dàng như vậy.
Thực ra, khi đánh
vào tính nghi nan, ngờ vực của Evà, ma qủy đã nắm được một điểm yếu khác, vô cùng quan trọng và mang
tính quyết định ở ông bà nguyên tổ, đó là tính ganh tỵ.
Vì ganh tỵ , nên khi
nghe ma qủy thì thầm to nhỏ: "mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác" (St
3,5), ông bà đã lên cơn ghen tuông với "các vị thần", và bực bội vì mình không được biết "điều thiện điều ác" như
thần thánh. Lòng ghen tương, ganh tỵ đã thúc đẩy Evà muốn trở thành thần thánh ngay lập tức, muốn chớp nhoáng rời bỏ phận làm người, muốn khẩn trương ra khỏi điều kiện của loài người,mà ông bà
nghĩ là rất tối tăm, vì mắt không được mở ra như thần thánh. Cũng chính vì ghen tuông, ganh tỵ, Evà đã không
chịu thua các vị thần đang có "mắt mở lớn", và được biết nhiều điều, nhiều sự mà ông bà
không được biết. Và chính lúc sôi sục ghen tuông với thần thánh , Evà
đã bất mãn với chính Thiên Chúa và nghiễm nhiên quy tội cho Ngài đã
không mở mắt ông bà, như đã mở mắt các vị thần; không cho
ông bà biết điều thiện, điều ác như thần thánh, nhưng ngăn chặn, giấu diếm, hạn chế, cấm cản ông bà cách
bất công.
Ađam, tuy không
đóng vai chính, tích cực trong sa ngã này, nhưng khi chấp nhận ăn trái cấm Evà trao,
ông đã tỏ ra đồng tình với vợ mình, trong suy nghĩ và chọn lựa.
Thực vậy, nếu không bị thôi thúc bởi lòng ghen
tuông, không muốn thua ai, không muốn kém người, thì chưa chắc ông bà
nguyên tổ đã bị "nốc ao" nhanh chóng và dễ dàng như
trình thuật kể; nếu không ganh tỵ và muốn ngang bằng các vị thần, chắc chắn Evà đã không liều lĩnh hái trái Thiên Chúa cấm và cùng chồng ăn; nếu không vì
ghen tuông, kiêu căng, không muốn ai qua mặt mình, thì nhiều phần trăm ma qủy sẽ phải thất bại trong chiến dịch cám dỗ Ađam - Evà
trái lệnh Thiên Chúa.
Tiến trình và thực trạng của cơn cám dỗ đã nghiêng hẳn phần thắng về phiá ma qủy ngay từ giây phút đầu, ở đợt tấn công thứ nhất, vì nơi ông
bà nguyên tổ đã ngấm ngầm mầm mống ghen tuông, ganh ghét, và kiêu căng đã nằm chực sẵn ở cửa tâm hồn ông bà. Kiêu
căng là rễ, ghen tuông là thân cây, hận thù - bạo lực là cành, và
chết chóc, bất ổn là hoa trái.
Ông bà nguyên
tổ vì kiêu căng muốn biết hết mọi sự như thần thánh biết, đúng hơn là
như Thiên Chúa biết; vì ghen tuông , không muốn ai hơn mình,
kể cả thần thánh, nên đi đến chọn lựa mang tính bạo lực là chống cưỡng lệnh cấm của Thiên Chúa,
để nhận vào hậu qủa là bất an và sự chết.
Tiếp liền trình thuật Sa Ngã của nguyên tổ là câu chuyện Cain giết chết em mình, chỉ vì ganh ghét,
khi thấy lễ vật của Aben, em mình được Thiên Chúa khứng nhận, còn lễ dâng của mình thì
không. Không còn chịu đựng được lửa ghen tuông đốt cháy tâm can, Cain đã dụ em ra đồng và giết chết em (St
4,4-8).
Phần trình thuật đã làm nổi bật một cách kinh ngạc tội tổ tông, khi qủa quyết: bà Evà đã
sinh ra Cain và Aben, đồng thời đặt trọng tâm vào nguyên nhân của vụ việc sát nhân: do ghen tuông, ganh ghét.
Cain đã ganh
ghét em trai mình, chỉ vì thua kém
em; Aben đã bị chính tay anh trai mình hạ sát, chỉ vì bị Cain, anh
mình, ghen tuông. Nguyên nhân của tội ác giết người được coi là đầu tiên của lịch sử ơn cứu độ mà sách Sáng Thế kể lại là lòng ganh
ghét. Vì ganh ghét, anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ cũng đã không ngần ngại ra tay giết chết nhau. Thảm kịch của nhân loại bắt đầu từ lòng ganh ghét khởi đi từ thảm cảnh "huynh
đệ tương tàn" của hai con trai của ông bà
nguyên tổ, kéo dài mãi đến tận thế, như một thứ tội tổ tông, di truyền của nòi giống loài người.
Qủa thực, không ai
trong chúng ta dám tự phụ mình không ganh ghét, ghen tuông; trái lại, mầm mống của ganh ghét
luôn nằm ở cửa tâm hồn mỗi người, chờ cơ hội thuận tiện là nổi dậy, nổ tung. Chúng ta ganh ghét người khác rất dễ dàng, và hầu như tự động, vô thức, chỉ vì chúng ta
mang trong mình kiêu căng, như gien của ông bà nguyên tổ di truyền.
Mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chính là dịp chúng ta
nhìn lại yếu đuối di truyền của tất cả chúng ta, con cháu Evà đã vì kiêu căng mà nghi nan, ngờ vực; vì kiêu
căng mà ganh ghét; vì kiêu căng mà bất tuân lệnh Thiên Chúa.
Cũng với tâm tình mừng kính Mẹ Vô Nhiễm đó, chúng ta
tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, một người nữ cực kỳ khiêm nhu,
nhân hậu, không vấn vương ghen tuông, ganh ghét hận thù; một con người không biết tự mãn, tự phụ, tự cao, tự đắc là gì, bởi suốt đời chỉ nhận và sống đời nữ tỳ bé mọn, để trả lại cho thế giới loài người niềm hy vọng được cứu rỗi. Và Người Nữ mà Thiên Chúa
chọn có tên là MARIA đó đã không chỉ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà còn
"mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao... Người Nữ này đã sinh
được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn giắt muôn dân.
Con Bà được được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Ngài"
(Kh 12,1.5).
Xin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cho chúng
con học với Mẹ tinh thần của người tôi tớ trung tín chỉ biết khiêm tốn Xin Vâng và "làm những gì Ngài bảo" (Ga
2,5), như Mẹ hằng ân cần căn dặn chúng con
trên hành trình đi theo Đức Giêsu, con yêu qúy của Mẹ.
Jorathe Nắng Tím