Pages - Menu

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH!

Tin Mừng Luca kể lại: “Trong vùng ấy, có mục đồng đóng ở ngoài trời và đêm khuya thức canh giữ đàn cừu. Thiên thần Chúa bỗng hiện đến bên họ và vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ, làm họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng thiên thần nói với họ: Đừng sợ! Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một niềm vui rất lớn, tức là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho các ngươi vị Cứu Tinh, là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trong thành của vua Đavít. Và đây là dấu chỉ cho các ngươi: các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,8-12).  
    Sứ điệp Giáng Sinh đã chính thức được loan báo khi thiên thần hiện đến với anh em mục đồng đang canh thức giữ đàn cừu giữa đêm khuya. Sứ điệp ấy được các thiên thần đặt tên là “tin rất vui mừng cho toàn dân”, và ngay lập tức, thiên thần mời các mục đồng lên đường đến gặp Đấng Cứu Thế vừa hạ sinh, vấn tã, nằm trong máng cỏ, giữa bầy chiên lừa.
     Sứ điệp Giáng Sinh ấy thật ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn vài dòng, không làm giật mình, thức giấc ai ngoài đám mục đồng nghèo thức đêm canh giữ chiên lừa; không làm bàng hoàng, thất kinh ai, vì có ai để ý đến chuyện Thiên Chúa sinh ra làm người như con người; không làm bận tâm, mất thời gian của ai, vì có ai quan tâm đến chuyện hoang đường, không thể xẩy ra: Đấng Cứu Thế sinh hạ nghèo hèn trong chuồng chiên lừa giữa đêm khuya hiu hắt. 
    Sứ điệp Giáng Sinh ấy được loan báo thật đơn sơ: văn phong đơn sơ, cách diễn tả đơn sơ, và đối tượng được loan báo là những người đơn sơ. Sứ điệp ấy cũng đã được đón nhận một cách đơn sơ khi các mục đồng rủ nhau đến chuồng chiên  tìm gặp hài nhi vấn tã, đơn sơ  nằm trong máng cỏ, mà không chút thắc mắc, nghi ngờ.
    Sứ điệp Giáng Sinh ấy thật êm đềm, nhẹ nhàng, không gò bó, áp đặt, lấn lướt, bằng cớ là không  người nào có mặt đêm ấy ở chuồng chiên đã lên tiếng tuyên truyền, biện bác, hay ồn ào lý giải, phân bua trước quang cảnh một hài nhi nằm trong máng cỏ, nhưng tất cả đều lặng thinh thờ lậy, an bình cung kính, rồi giữ kỹ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong long như Đức Maria, Mẹ Hài Nhi (Lc 2,19).
    Sứ điệp Giáng Sinh ấy thật gần gũi, vì ở giữa cuộc đời, gắn liền với con người, cho mọi người, bất phân tuổi tác, thành phần, thời điểm, nơi chốn. Ai cũng là đối tượng của sứ điệp, nhà nào cũng nhận được Tin Vui, tâm hồn nào cũng được vui mừng, rạo rực.
    Sứ điệp ấy là sứ điệp Thiên Chúa từ trời cao thăm thẳm tự nguyện xuống thế giới loài người để làm người như mọi người, vì yêu thương và để cứu độ con người. Trong suy tưởng và hiểu biết bình thường, Thiên Chúa không thể làm người, bởi Thiên Chúa và con người không thể có mặt trong cùng một hữu thể, do sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa là đấng chủ tạo, chí thánh và tuyệt đối, còn con người là thụ tạo yếu đuối, tội lụy, tương đối; Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, con người giới hạn, bất toàn, khiếm khuyết. Vì thế, ngay việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người đã là bất khả thi, nói chi đến chuyện Thiên Chúa tuyệt đối trong mọi sự và con người tương đối trong mọi sự hiện hữu trong cùng một hữu thể. Cũng vì khó có thể quan niệm, mà sứ điệp Thiên Chúa làm người không được nhiều người đón nhận, không được toàn thể nhân loại bỏ phiếu đồng tình ủng hộ. Nhưng trở thành một phi lý không thể chấp nhận đối với nhiều người, và bị coi là huyền thoại viển vông bởi số đông khác.
     Sứ điệp ấy là sứ điệp Thiên Chúa làm người để gánh tội, xóa tội, chuộc tội cho con người; để tẩy rửa tội lỗi và lấy đi hậu qủa bất hạnh là hình phạt phải chết của từng người, vì xót thương con người. Như thế, Thiên Chúa làm người ấy đã đến trong thế giới loài người và làm người không phải để được con người phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho hạnh phúc của con người.
     Sứ điệp ấy là sứ điệp giao hoà giữa Thiên Chúa với con người, giữa Trời cao và Đất thấp, giữa người này với người kia, để  bình an là hạnh phúc lớn nhất tràn ngập, phủ lấp tâm hồn mỗi người và toàn thể nhân loại, bởi Thiên Chúa dã dựng nên con ngườI để con người được hạnh phúc trong bình an viên mãn.
     Với sứ điệp Giáng Sinh, nhân loại từ nay bước vào một kỷ nguyên được cứu rỗi bởi Thiên Chúa làm người. Con người từ nay biết mình được Thiên Chúa yêu thương, yêu nên làm người để ở với, ở cùng; thương nên tự nguyện hiến mạng làm giá cứu chuộc, chấp nhận chết để con ngườI được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
    Với sứ điệp Giáng Sinh, con người từ nay có ánh sáng chân lý dẫn đi trên đường đời. Không ai sẽ phải lầm lạc trong đêm tối nếu ngước mắt dõi nhìn ánh sao Giáng Sinh luôn có mặt để chiếu sáng, soi đường.
     Cũng với sứ điệp Giáng Sinh, không ai là người không được thương xót, tha thứ,  cứu độ, bởi Thiên Chúa làm ngườI chỉ vì một mục đích duy nhất là tìm lại những gì đã mất, hồi sinh những ai đã chết trong tội lỗi, cho duy nhất một niềm vui lớn “giữa triều thần Thiên Chúa,  khi ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10), một ngườI con, một con người “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm được” (Lc 15,32).
     Vâng, Giáng Sinh về mang đến từng ngườI, từng nhà, từng cộng đoàn và toàn thể nhân loại sứ điệp bình an của Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa cứu độ. Vì sứ điệp Giáng Sinh không là sứ điệp của con người gửi con người, tác giả của sứ điệp không là con người với vóc dáng, tầm cỡ tư duy, suy tính của con người, nhưng là sứ điệp của Thiên Chúa gửi con người, nên khó nghe, khó đón nhận, vì khó hiểu, khó lý giải, khó nắm bắt, bởi tự thân sứ điệp ấy là Mầu Nhiệm.
    Trước sứ điệp mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong hình hài em bé yếu đuối, nằm trong máng cỏ, ở hang chiên cừu, giữa đêm khuya, cũng như mầu nhiệm của sứ điệp Cứu Độ với cây thánh giá sần sùi, nặng nề khó vác, và núi Sọ đẫm máu cực hình, rùng rợn chết chóc, không ai có thể hiểu và giải thích, bởi đây chính là Mầu Nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể noi gương Đức Maria, và thánh Giuse thờ lậy và chiêm ngắm trong thẳm sâu thinh lặng của tâm hồn. Cha mẹ của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người đã không huyênh hoang phát biểu gì, không huyên thuyên kể lể, tường thuật gì, nhưng chỉ say mê chiêm ngắm Hài Nhi trong thinh lặng, cung kính thờ lậy Hài Nhi trong thinh lặng, khiêm hạ đón nhận ơn bình an của Hài Nhi trong thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng, tâm hồn mới có thể đón nhận Mầu Nhiệm; chỉ với thinh lặng, Mầu nhiệm của sứ điệp từ Trời cao mới được hé mở; chỉ bằng thinh lặng, chúng ta mớI cảm nhận được ơn bình an của Thiên Chúa làm người ban tặng cho toàn thể nhân loại trong đêm Giáng Sinh.
     Cùng một tâm tình của người nghèo khó, bé mọn như Đức Maria và thánh Giuse, các mục đồng đã đón nhận sứ điệp Giáng Sinh, nói đúng hơn, đã đón nhận Thiên Chúa giáng sinh làm người với thái độ đơn sơ của người nghèo trước Mầu Nhiệm. Họ không cầu kỳ, thắc mắc, không biện bác, tranh luận, không e dè, tính toán hơn thiệt hay do dự, chần chừ, nhưng hiền lành, chất phác đi theo thiên thần đến gặp Thiên Chúa làm người  với niềm vui hồn nhiên, chân thành  của nếp sống nghèo vốn dĩ rất đơn sơ.
   Vâng Thiên Chúa làm người đã chỉ có thể được nhận ra bởi những đôi mắt hiền lành, nhân hậu, chân thành, chất phác như đôi mắt của cha mẹ Ngài và các mục đồng canh giữ cừu chiên giữa đêm khuya; Thiên Chúa làm người chỉ được đón nhận bởi những tấm lòng của người nghèo khó nhưng bàn tay luôn quảng đại, của người hèn mọn nhưng trái tim luôn cao thượng, của người bé nhỏ nhưng cuộc đời luôn là kỳ công tuyệt vời dưới mắt Thiên Chúa.
     Như thế, sứ điệp Giáng Sinh mang trọn vẹn Thiên Chúa đến cho con ngườI. Sứ điệp ấy không chỉ là Tin Vui lớn lao cho toàn dân, nhưng là Tất Cả trời đất, Tất Cả thần thánh, nhân loại, vũ trụ muôn loài, Tất Cả thời gian, không gian, Tất Cả những gì hiện hữu từ khai thiên lập địa cho đến tận thế, bởi là sứ điệp mang Thiên Chúa, sứ điệp của Mầu Nhiệm Thiên Chúa, sứ điệp của Tuyệt Đối, sứ điệp của Ánh Sáng Sự Thật, Sự Sống đời đời, Tình Yêu đến cùng và vĩnh cửu của một Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, vô tận.
    Và duy nhất một thái độ, một tâm tình Thiên Chúa đợi chờ ở chúng ta trong đêm Giáng Sinh, đó là đơn sơ, thinh lặng: đơn sơ đến gặp Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người như các mục đồng, và thinh lặng chiêm ngắm, thờ lạy như cha mẹ Ngài trong đêm Giáng Sinh.
    Xin Chúa cho tâm hồn chúng ta được cởi bỏ mọi phức tạp để đơn sơ đón nhận mầu nhiệm, và xa dần những huyên náo, ồn ào để thinh lặng chiêm ngắm và thờ lậy Mầu Nhiệm Thiên Chúa  là Tình Yêu Nhập Thể và Cứu Độ.
Jorathe Nắng Tím

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV Mùa Vọng, Năm C

   
Chúa nhật cuối cùng của  Mùa Vọng, không khí lên đường hân hoan, rộn rã gấp nhiều lần với hình ảnh người chăn chiên được ngôn sứ Mikha, cũng như thánh vịnh 79 làm nổi bật. Hình ảnh Đấng Cứu Thế đến như người chăn dắt đàn chiên mở ra một kỷ nguyên mới của Giao Ước Mới, Giao Ước được ký kết và thành hình không  do “hiến lễ, lễ toàn thiêu và lễ xá tội ... là những của lễ được dâng tiến như Luật truyền” (Dt 10,8), mà “Chúa không còn ưa thích”, nhưng là Thánh Ý Thiên Chúa Cha, như Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đến trong trần gian đã thân thưa với Cha Ngài : “Này con xin đến, để thực thi thánh ý Cha” (Dt 10,9). Cũng trong hào khí lên đường thực hiện Thánh Ý, Đức Maria và bà  chị họ Êlisabét là hai khuôn mặt quan trọng được Tin Mừng Luca long trọng giới thiệu.
    Qủa thực, chúng ta đang ở trên đường đi gặp Đấng Cứu Thế, và hôm nay Ngài đến với những kẻ đi tìm Ngài với dung mạo và tư thế người chăn chiên, Đấng chăn giắt dân Ngài.
     Cựu Ước đã báo trước nguồn gốc gia phả, và tư thế Mục Tử của Đấng Cứu Thế, như ngôn sứ Mikha đã công bố : “Phần ngươi, hỡi Belem Éphrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, nhưng từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một Mục Tử, Đấng chăn giắt Ítraen” (Mk 5,1). Bêlem là ngôi làng nhỏ bé mà hai thế kỷ trước Đức Giêsu, vua Đavít đã được sinh ra ở đây. Cũng như Đavít, Đức Giêsu sẽ là Mục Tử quy tụ, tập hợp các chiên nhà Ítraen và dẫn dắt chúng.
     Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Do Thái hôm nay, tuy không đặt rõ vai trò Mục Tử của Đức Giêsu, nhưng đề cao kỷ nguyên mới của Đấng Cứu Thế, Đấng đã đến để lập một Giao Ước Mới, bằng “bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,9-10). Qua những giòng này, thánh Tông Đồ đã nhấn mạnh sứ mệnh hiến thân vì đàn chiên của Mục Tử là Đức Giêsu, và làm nổi bật mục đích đến trong thế gian của Đức Giêsu là “hiến dâng chính mạng sống mình để đàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), như ý muốn của Chúa Cha (x. Dt 10,9).
    Tin Mừng Luca vẽ lên bức tranh “Lên Đường” tuyệt vời của Đức Maria đến thăm bà chị họ Êlisabét. Cả hai đều mang thai cách kỳ diệu : Êlisabét, tuy đã già rồi, không còn có thể thụ thai, thế mà “cũng cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay cũng dã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,36-37). Còn Đức Maria thì thụ thai ở tình trạng đồng trinh, như chính Mẹ đã tự nhận trước thiên sứ Gabriel : “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34), và  Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mà Mẹ cưu mang là do Chúa Thánh Thần, và quyền năng của Đấng Tối Cao rợp bóng trên Mẹ (x. Lc 1,35).
     Đức Maria, ngay sau ngày Truyền Tin, nghiã là ngay khi Đức Giêsu hiện diện trong cung lòng mình, “đã vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi họ Giuđa, vào nhà ông Dacaria, thăm bà Êlisabét” (Lc 1,39). Hình ảnh hăng hái lên đường, nôn nóng mong gặp bà chị họ đã già đang mang thai những tháng cuối cùng cực nhọc của Đức Maria là hình ảnh của Mục Tử nhân lành khấp khởi lên đường đến với đàn chiên, nóng lòng sốt ruột trên đường đi tìm mấy chú chiên con ham chơi lạc đàn. Mục tử nhân lành, yêu thương ấy chính là Đức Giêsu, Đấng đã bắt đầu sứ mệnh đi tìm, tập hợp, dẫn dắt, yêu thương, chăm sóc đàn chiên của mình ngay khi còn là bào thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, mẹ Ngài.   
    Sứ vụ Mục Tử của Đức Giêsu như thế đã không chỉ bắt đầu sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, nhưng bắt đầu từ trong bụng mẹ, và từ ngày cùng mẹ đến thăm gia đình Êlisabét, người đang mang thai Gioan, vị Tiền Hô tương lai của Ngài. Vì thế  chúng ta có thể nói: gia đình Dacaria - Êlisabét là đại diện của đoàn chiên Ítraen, và là hình ảnh của đoàn chiên Dân Chúa mà Đức Giêsu là Mục Tử, vị Mục Tử yêu thương trọn vẹn và đến cùng, trọn vẹn từ những ngày đầu nhập thể vào đời và đến cùng cho đến khi tất thở trên thánh giá. Không bỏ một giây phút, không lãng phí một khoảnh khắc thời gian của cuộc đời nhập thể làm người, Đức Giêsu đã muốn thực hiện tuyệt đối trọn vẹn thánh ý Chúa Cha, bằng chu toàn không sai sót, không sơ hở, nhưng quyết liệt và qủa cảm sứ vụ Mục Tử được Chúa Cha trao phó.
    Nếu chúng ta chăm chú chiêm ngắm dung mạo và đời sống Mục Tử của Đức Giêsu, chúng ta sẽ không thể bỏ qua hai điểm quan trong trong đời Ngài: khởi điểm là khi còn ở trong lòng mẹ đã cùng mẹ đến thăm gia đình Dacaria, Êlisabét, Gioan Tẩy Giả và đích điểm là tự mình vác thánh giá lên núi Sọ để hiến mạng sống làm của lễ đền tội cho đàn chiên.
      Ở khởi điểm Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng trong bụng mẹ, Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,41), và Dacaria chan chứa niềm vui, vì được Đức Giêsu, Mục Tử của Ítraen tìm đến thăm; ở đích điểm dưới chân thánh giá, toàn thể nhân loại là đoàn chiên Thiên Chúa hân hoan, sung sướng, vì không còn phải chết, nhưng “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ở đâu và bất cứ lúc nào, cho đến tận thế, Đức Giêsu Mục Tử luôn là nguồn sống, nguồn vui, nguồn hy vọng, nguồn Tình yêu, ơn An Bình cho tất cả những ai lên đường đi theo Ngài.
     Điểm độc đáo mà Tin Mừng Luca hôm nay đã cực tả là cuộc lên đường Đức Tin với Đức Giêsu của người Kitô hữu đầu tiên. Người Kitô hữu đầu tiên là người thứ nhất đã có Đức Giêsu Kitô trong đời mình, đã mang Đức Kitô trong trái tim mình, trong cung lòng mình. Người tín hữu đầy phước lạ, vượt trội không những mọi người nữ, mà cả loài người, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
      Đức Maria đã vội vã lên đường đến với người khác để giới thiệu Đức Giêsu đang hiện diện trong lòng Mẹ. Đây là sứ vụ của người Kitô hữu. Và sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ, sứ vụ loan báo Đức Giêsu Kitô và làm chứng về Ngài luôn đòi phải Lên Đường. Không có sứ vụ nào không đòi lên đường, đi ra khỏi nhà mình, đến với người khác. Không người nào được sai đi, mà có thể ở lì trong nhà, không cất bước lên đường thực thi sứ vụ. Và cũng chẳng có sứ vụ nào là sứ vụ  nằm ở nhà, tường cao cổng kín, cửa đóng then cài. Trái lại, đã nhận sứ vụ là nhận “ra đi”, mang sứ mệnh là mang “kiếp sống trên đường”. Cũng vậy, người Kitô hữu mang Đức Kitô không phải chỉ khư khư giữ  Đức Kitô cho riêng mình như giữ một của riêng, một báu vật phải dấu kỹ, không để lộ cho ai biết. Nhưng người Kitô hữu có Đức Kitô để loan báo, giới thiệu Đức Kitô cho mọi người, mang Đức Kitô đến với mọi người, để mọi người được hạnh phúc với Đức Kitô như chính họ đang hạnh phúc vì có Đức Kitô trong cuộc đời .
    Vì thế, sẽ không có người Kitô hữu, nếu không có Đức Giêsu Kitô; cũng như không có Đức Giêsu Kitô cửa quyền, hống hách ngồi đó cho thần dân hầu hạ, phục dịch, nhưng chỉ có Đức Giêsu Kitô Mục Tử chạnh lòng thương đàn chiên, biết từng con chiên, biết cả mùi chiên, gìn giữ, bảo vệ chiên để chiên không rơi vào tay kẻ trộm hoặc làm mồi cho sói dữ, nhưng lên đường chăn chiên đến “hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (x. Ga 10,1-15); chỉ có Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đôn đáo lên đường đi tìm “đồng cỏ xanh tươi”, cho đàn chiên nằm nghỉ; đi tìm “suối nước mát”, cho chiên uống thỏa thuê (x. Tv 22).
     Đức Giêsu là Mục Tử luôn trên đường chăn dắt chiên, nuôi nấng chiên, chăm sóc chiên, tìm kiếm chiên, nên Lên Đường là sứ vụ của Ngài, Lên Đường để sứ vụ của Ngài được hoàn thành, bởi Thiên Chúa đã đặt con người vào đời trong tình trạng lữ hành, bước tới, chứ không trong trạng thái đã xong, đã hoàn thành, vô cảm như những rôbốt. Chính vì thế, đức tin luôn bắt đầu bằng đôi chân, như Ápraham đã lên đường ngay khi được Thiên Chúa Giavê chọn làm tổ phụ : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng, nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1); Môsê đã lên đường khi được sai đi giải phóng dân (Xh 3,12.15); các ngôn sứ cũng lên đường khi được kêu gọi; các Tông Đồ “đã bỏ chài lưới mà đi theo Người”  (Mc 4,20); và tất cả mọi Kitô hữu, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đều được sai đi, được thúc đẩy Lên Đường với Đức Giêsu Mục Tử, và anh em mình, dưới ơn huệ  của Chúa Thánh Thần.
     Xin Chúa cho chúng ta ý thức sứ vụ lên đường loan báo Tin Mừng, và mỗi khi  “Loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại”, chúng ta nhớ đến  hình ảnh người Kitô hữu đầu tiên và đời đời diễm phúc là Đức Maria đã vội vã lên đường đem Đức Giêsu đến với gia đình người chị họ Êlisabét trong yêu thương chia sẻ, trong khiêm tốn phục vụ, trong đằm thắm tri ân; bởi  chính khi Lên Đường đến với người khác là lúc chúng ta thi hành sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại” một cách thiết thực, sống động, hữu hiệu và đẹp lòng Chúa, mưu ích cho anh em hơn tất cả. 
     Và như Mẹ Maria, noi gương Mẹ, chúng ta cũng hớn hở lên đường với Giáo Hội loan báo Tin Mừng Giáng Sinh : “Hôm nay Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, Mục Tử nhân lành của đoàn chiên nhân loại đã sinh ra và cư ngụ giữa loài người chúng ta”.   
Jorathe Nắng Tím