SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU
Điều Tin Mừng làm chúng ta bất ngờ hôm nay
chính là Đức Giêsu đã công bố sứ mạng cứu thế của Ngài trong hội đường ở
Nadaret, quê hương Ngài, để cũng từ quê hương không “là chùm khế ngọt” này,
Ngài bị đồng hương “lôi ra khỏi thành...kéo lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống
vực thẳm” (Lc 4, 29).
Tin Mừng làm nổi bật ba điểm trong sứ mạng của Đức Giêsu:
1/ Ngài được quyền năng Thần
Khí thúc đẩy (Lc 4, 14):
Đức Giêsu đã đến
trong thế gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Ngài không tự mình mà đến, nhưng
được sai đến bởi Thiên Chúa là Tình Yêu để yêu thương nhân loại đến cùng. Vì
thế, sứ mạng cứu thế của Ngài cũng đã được hướng dẫn, thúc đẩy bởi Thánh Thần
Là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói cách khác, sứ mạng cứu thế của Đức
Giêsu là công trình chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa với sự cộng tác tích cực
của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
2/ Đối tượng của sứ mạng là
con người toàn diện:
Khi khẳng định: “Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21), sau khi đã công
bố lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong
tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho
kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự
do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19), Đức
Giê su đã cho cử tọa thấy rõ sứ mạng của Ngài là con người toàn diện, nghĩa là
không chỉ con người siêu nhiên, nhưng còn là con người tự nhiên; không chỉ phần
hồn của con người, mà còn phần xác của con người nữa.
Ngài giải phóng những người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, bị người đời khinh khi;
giải phóng người mù loà vì đôi mắt thân xác không còn; giải phóng tù nhân mà
xác thân bị tra tấn, hành hạ, gông cùm; và những ai bị áp bức mà dấu tủi nhục
còn hằn sâu trên thân thể được Ngài trả lại tự do.
Sứ mạng ấy nhắm con
người toàn diện, vì con người gồm xác và hồn, nên không thể tách hồn khỏi xác.
Thánh Giacôbê đã quảng diễn: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có Đức Tin mà
không hành động theo Đức Tin, thì có ích lợi gì? Đức Tin có thể cứu người ấy
được chăng ? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không
đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : Hãy đi bình an,
mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang
cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2, 14-16). Sứ mạng loan báo Tin Mừng vì thế
cũng không thể bỏ quên nhu cầu của thân xác con người.
Thánh Phaolô trong bài
đọc thứ hai đã nói về thân xác. Thánh nhân là người nói về thân xác nhiều nhất,
91 lần. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, ngài nhấn mạnh phẩm giá của thân xác
con người, vì “thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa,
vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6, 14), và “thân xác chúng ta chính là phần
thân thể của Đức Kitô” (1 Cr 6, 15). Ngài còn quả quyết : “ví như thân thể
người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể
tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy ... và chúng ta đều
đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,
12-13).
3/ Sứ mạng của Đức Giêsu đã
được các ngôn sứ loan báo:
Khi trích lời ngôn sứ
Isaia, Đức Giêsu đã nói lên vai trò của Cựu ước và sự gắn bó với truyền thống
Itraen của Ngài, đồng thời cũng cho những người đang nghe Ngài biết : Chính Ngài
là Đấng được xức dầu tấn phong và được Thiên Chúa sai đến để giải phóng nhân
loại. Lời ngôn sứ lúc này là bảo chứng đáng tin cậy đối với cộng đoàn đang lắng
nghe Ngài về sứ mạng cứu thế của Ngài.
Công bố sứ mạng cứu
thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Ngài và cùng Ngài thực hiện sứ vụ yêu
thương, phục vụ anh em mình.
Jorathe Nắng Tím