Để
nhớ cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và bạn Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang
Trong vòng năm ngày, tôi nhận hai tin buồn: thầy tôi, cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh, bút hiệu Mỹ Sơn, tác
giả bộ lễ Cầu Hồn bất hủ qua đời vào bốn giờ ba mươi sáng ngày mùng bảy, anh
Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang, nhà văn, tác giả nhiều bài viết nổi tiếng
trên các mạng truyền thông công giáo trong và ngoài nước chết lúc bốn giờ ba mươi
chiều ngày mười hai tháng Ba, giữa Mùa Chay năm 2012. Một người là thầy, một
người là bạn cùng lớp. Tôi gắn bó tình cảm với cả hai nên suốt đêm đã không ngủ,
chập chờn trong lời kinh đêm bóng hình hai người vừa ra đi về bên kia thế giới,
thế giới của người chết.
Làm người, ai cũng sợ chết và người
chết thường làm hoảng sợ. Hoảng sợ vì chết là chia lìa, cách biệt: lìa bỏ sự sống,
cách ly người sống, biệt lập khỏi cuộc đời. Người chết phải để riêng một nơi chờ
đặt trong quan tài rồi đem chôn trong nghĩa địa hoặc thiêu đốt thành tro rắc
trên cỏ hay gửi vào nhà thờ, chùa chiền. Người chết mất hút vào thế giới vô
hình và người ta chỉ còn thấy họ qua hình ảnh xưa. Người chết không nói, không
ăn, không cử động, không sinh hoạt. Họ bất động vì chỉ còn là một xác chết
không hồn. Từ người xuống làm xác chết, ai nghe mà không sợ? Từ người xuống làm
thây ma, ai nghe mà không hoảng? Nhìn người chết nằm cứng đơ trong quan tài lạnh,
ai thấy mà không rụng rời, ai sờ vào mà không nổi da gà, buốt sương sống? Chết
tự nó làm sợ nên mấy ai đã dám huyênh hoang mình không sợ chết?
Chết
cũng là một đe doạ, vì chết làm gián đoạn mọi công trình, dang dở mọi dự án, bế
tắc mọi ý đồ, triệt tiêu mọi ước mơ. Chết làm hỏng hết tính toán, phá vỡ hết hợp
đồng, hủy bỏ hết liên đới nên nghe chết, ai cũng phải chuồn êm, ba chân bốn cẳng
lỉnh đi nơi khác. Chết còn đe dọa khủng khiếp khi dẫn người chết vào một thế giới
không biết trước, chưa hề có kinh nghiệm.
Chính vì thế, sợ chết là điều rất
tự nhiên của con người phải chết và chính nỗi sợ này làm con người khác xa con
vật.
Hai người thân của tôi chắc chắn họ cũng không thoát khỏi
nỗi sợ này trước giờ chết. Họ đâu có thể hơn được Đức Kitô, bởi Ngài cũng sợ
toát môi hôi máu trong vườn cây Dầu khi nghĩ đến giờ chết sắp đến. Nhưng bên cạnh
điểm chung “sợ chết” ấy, tôi thấy họ còn giống nhau ở nhiều điểm:
1. Cả hai đã một thời ở với nhau trong chủng viện: một người
là thầy, một người là trò. Chủng viện là mái ấm gia đình thiêng liêng đã dệt
nên mối tình thiêng liêng Thầy - Trò, cũng như tình bạn Khai Phá mà chúng tôi
trân quý suốt cuộc đời. Mấy tháng trước khi về Việt Nam ghé thăm Quang, anh hỏi
thăm cha giáo Giuse Sinh và nhờ tôi chuyển lời kính thăm Ngài đang nằm trong bệnh
viện vì đủ thứ bệnh. Một tháng trước khi mất, cha Sinh cũng nhắn tôi chuyển lời
thăm Quang đang èo uột chờ chết vì ung thư đã phá nát cơ thể. Tôi nhận ra cả
hai tuy cùng sắp chết nhưng nhớ đến nhau và quan tâm đến khổ đau, bệnh tật của
nhau. Đó là nét đẹp của tình nghĩa Thầy - Trò.
2. Cả hai đã nằm bệnh lâu ngày: Cha Sinh thì hai lá phổi đã
thủng nát như hai tấm lưới. Từ ngày qua Pháp sau những năm tháng tù đầy, cha đã
mất sức vì bệnh phổi ngày càng trầm trọng. Những ngày cuối đời, cha chỉ thoi
thóp thở nhờ bình dưỡng khí. Phần anh Quang, sau cơn tai biến mạch máu não, phải
chống gậy lết từng bước đã gánh thêm căn bệnh ung thư ác ôn. Anh đã cố kéo cuộc
sống dài thêm được mười tháng nhờ sự giúp đỡ thuốc men của một ân nhân ở xa. Những
ngày cuối, anh cũng như cha Sinh thoi thóp chờ Chúa gọi.
3.
Cả
hai đã rất sẵn sàng: Cha Sinh thì viết “Tự Thuật” kể lại đời Linh Mục thăng trầm
với đủ thứ sóng gió tình cảm, tình đời trong tâm tình cảm tạ hồng ân và những lời
trăn trối dễ thương, cảm động; đồng thời dọn sẵn thánh lễ an táng cho mình bằng
in lại bộ lễ cầu hồn và thêm một sáng tác mới để hát trước khi hạ huyệt: “Cùng
Mẹ con đi gặp Chúa”. Tôi đã lo liệu để bộ lễ cầu hồn do Ngài sáng tác được hát
trọn vẹn trong thánh lễ an táng do Đức cha Jean Christophe Lagleize, Giám Mục
giáo phận Valence nơi Ngài phục vụ chủ tế. Cả bài hát mới cũng được gấp rút tập
cho cộng đoàn và được hát lớn trên đường tiễn Ngài ra mộ phần. Còn anh Quang
thì hỏi anh Nhâm, anh Quý, anh Tiếu và bạn bè đến thăm: “Sao lâu quá Chúa chưa
gọi mình?” và làm nhiều bài thơ ca tụng tình Chúa bao la, tình bạn Khai Phá,
tình nghĩa Long Xuyên, tình yêu đất nước, đồng bào như một trối trăn, gửi gắm.
Qua
những chuẩn bị vừa kể, cả hai đã rất sẵn sàng “Xin Vâng” trước Tiếng Gọi và đằm
thắm đợi chờ lên đường với niềm tin yêu phó thác tuyệt đối. Cả hai đã đặt mình
trước ngưỡng cửa đời sau vì biết “là người, có ai thoát được lưới tử thần” (Tv
88,49) và ký thác chuyến đi đời đời trong tình Chúa xót thương.
Cha giáo Sinh cũng như anh Hoàng
Quang đều nói nhiều, viết nhiều về lòng thương xót Chúa. Có lẽ, trước những bất
toàn của quá khứ, bất lực của hiện tại và bất ổn của tương lai, cả hai cũng đã
run sợ khi nghĩ đến giờ phút phải lên đường, ra đi gặp Chúa. Cuốn phim cuộc đời
với thiếu sót, lầm lỗi ít nhiều cũng làm cả hai Thầy - Trò nao núng, phân vân,
không biết sẽ phải trả lời thế nào, chống chế làm sao trước toà Chúa. Và chắc
chắn cả hai đã không tránh được những giờ sợ hãi, những đêm mất ngủ chong mắt
nhìn lại đời mình với những vết xám, chấm đen lem luốc, mờ đục. Chắc chắn cả
hai cũng ít nhiều tiếc nuối đã không sống trọn vẹn, sống hết tình, hết mình những
tháng ngày còn đi được, còn nói được, còn làm được, còn phục vụ được. Nhưng có
một điều chắc nhất, đó là cả hai đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp, lẽ sống và
suốt đời đã yêu mến, phụng thờ Ngài.
Chính vì chọn Chúa làm gia nghiệp,
cha Sinh đã đi tu và sống đời Linh Mục đến chết, dù hành trình đời Linh Mục của
ngài đã có lúc buốt giá đau thương tưởng như phải bỏ cuộc. Chính vì chọn Chúa
làm lẽ sống mà anh Quang đã một đời tận tụy phục vụ cộng đoàn và nỗ lực vun trồng
ơn gọi đi tu nơi các học sinh, sinh viên anh dạy dỗ hay quen biết. Cả hai đã sống
đời có Chúa Kitô và cuộc sống của hai người đã làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu.
Chính Thiên Chúa Tình yêu đã ban cho cha Sinh một trái tim quảng đại để tha thứ
cho những người đã lên gặp Giám Mục tố cáo, bôi nhọ Ngài và đẩy Ngài vào một
tình huống vô cùng phức tạp, khó khăn những năm đầu ở đất Pháp: bị Bề Trên bỏ
rơi, bị Bề Ngang lãnh đạm, bị Bề Dưới coi thường. Không có Thiên Chúa Tình yêu
nâng đỡ, ủi an, cha Sinh đã không thể vượt qua nỗi cô đơn khủng khiếp và cay đắng
bẽ bàng của thân phận một Linh Mục tỵ nạn, đơn độc, ốm đau với đời tư bị té
tát. Anh Quang cũng đã từng tơi tả vì trăm nỗi tai ương. Nếu không có Chúa là lẽ
sống, chắc anh đã buông xuôi, thả nổi cuộc sống từ rất lâu. Chọn Đức Kitô làm
gia nghiệp đời đời, cha Sinh đã đi vào cõi đời đời với Đức Kitô để đời đời được
ở với Ngài. Chọn Đức Kitô là lẽ sống, anh Quang đã bước vào sự sống đời đời với
Ngài để được sống mãi bên Ngài. Cả hai đã một đời phụng thờ, yêu mến Chúa để
bây giờ cả hai được đời đời ca tụng lòng xót thương và trung tín của Ngài.
Vì
bám víu vào tình Chúa xót thương, cha Sinh đã nhẹ nhàng trút hơi: bốn giờ sáng,
y tá còn kiểm tra ống thở, bốn giờ ba mươi trở lại, cô phát hiện ngài không còn
thở nữa. Email của anh Nghiệp ngày 13 viết về phút cuối của Quang: “Theo lời
tang quyến, Quang ra đi nhẹ nhàng thanh thản, trút linh hồn chỉ bằng hơi thở nhẹ,
mảnh hồn lữ thứ ấy giờ đây đã về nhà Cha vĩnh cửu”. Cả hai đã nhẹ nhàng, thanh
thản, an bình ra đi theo Tiếng Gọi. Cả hai đã ngoan ngoãn nắm tay Đức Kitô vào
cõi hằng sống. Cả hai đã hiền lành bám gót Đức Mẹ vào Thiên Đàng, vì cả hai đã
hết lòng phó thác, tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.
Mùa Chay năm nay, tôi tiễn hai người
thân về với Chúa. Thoáng nhìn, cả hai đều là những con người bình thường, rất
bình thường: một linh mục bình thường với nếp sống giản dị, đơn sơ, một người
Thầy khiêm tốn, đôn hậu, cảm thông, một người Việt Nam hiền hoà, vui tính, cởi
mở giữa xã hội tây. Bên cạnh một linh mục bình thường là một giáo dân bình thường
với tận tụy, âm thầm bên đám học trò nghèo, với ân cần, thân thiện bên bà con,
lối xóm, với nồng nàn tình nghĩa cho bạn hữu gần xa. Nhưng nhìn kỹ hơn, tôi
khám phá nơi họ những nét phi thường: một trái tim phi thường để có thể tha thứ
và quên đi, một tấm lòng phi thường để luôn hiền hậu, khiêm nhường, một tâm hồn
phi thường để vui vẻ chấp nhận tất cả những vô thường, tầm thường, bất thường,
dị thường của người đời và cuộc đời. Cả hai đã say mê cuộc đời bình thường, gắn
bó với phận làm người bình thường như chuẩn bị của trái tim luôn sẵn sàng rộng mở
đón rước Đấng sẽ làm những việc phi thường trên những “bình thường, bé nhỏ”. Nếp
sống và thái độ đợi chờ sẵn sàng của cả hai Thầy - Trò đã không khác thái độ và
nếp sống của cụ già công chính và đạo đức Simêon. Ông được Thánh Thần cho biết:
mình sẽ xem thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết, nên khi được ẵm Con trẻ Giêsu
trong tay, ông đã ngước mắt, xúc động tạ ơn: “Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ
Chúa ra đi bình an như lời Chúa đã hứa, vì mắt tôi đã nhìn thấy Đấng Cứu Độ,
Ngài là ánh sáng soi chiếu khắp muôn dân” (Lc 2,26-32).
Xin
cho hai tôi tớ Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang của
Chúa cũng được an nghỉ và được ánh sáng Chúa chiếu soi.
Paris
13/3/2012