Nhà thờ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của xứ đạo, là trái tim của cộng đoàn, là bộ mặt của dân xứ, là
biểu hiệu của tình hiệp nhất mọi người, là dấu ấn nhiệm kỳ cha sở, là niềm tự
hào của ban Hành Giáo, là kiến trúc có một không hai mang nét văn hoá dân tộc,
là kỳ quan ở châu Á, Việt Nam và còn là nhiều thứ khác kể ra không xiết tùy mục
tiêu và cái nhìn của mỗi người… Nhưng điều quan trọng là nhà thờ không thể thiếu
cho xứ đạo và nỗi lo hàng đầu cũng như nhức nhối hàng ngày của cha sở, cha phó,
quý ban hành giáo là thấy nhà thờ xứ đạo chưa có, hay xuống cấp trầm trọng: dột
nát, xiêu vẹo, gió thổi bên này, mưa tạt bên kia. Rất may, nếu đền thờ
Giêrusalem đã phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, nhà thờ ở Việt Nam, nếu
có sẵn tiền, chỉ cần ba tháng là lên mái, sáu tháng là khánh thành. Nhanh nhất
thế giới!
Đền thờ Giêrusalem trang trọng, đồ
sộ, xây dựng công phu như thế mà Đức Kitô hôm nay lại đòi phá đi (Ga 2,19). Người
Do Thái coi đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự và ở đâu, đi đâu cũng hướng về
Giêrusalem, ở đó có đền thờ Thiên Chúa. Tuyên bố “phá đền thờ rồi tự mình sẽ xây
lại trong ba ngày” chắc chắn Đức Giêsu đã làm phẫn nộ nhiều người và ngày càng
lọt vào tầm ngắm của các lãnh đạo tôn giáo và họ quyết định phải diệt Ngài.
Tin
Mừng chúa nhật thứ ba Mùa Chay kể chuyện Đức Kitô vào đền thờ. Ngài thấy “nào
là những người buôn bán chiên bò, bồ câu, nào là những người đổi tiền bạc đang
huyên náo, nhố nhăng biến nơi thờ phượng trang nghiêm thành nơi buôn bán (Ga
2,14). Và Ngài đã nổi nóng, lấy roi xua đuổi họ cùng chiên bò ra khỏi đền thờ,
ném tiền bạc của họ xuống đất và lật đổ các bàn ghế của họ” (Ga 2,15). Lòng yêu
mến nhà Chúa đã thôi thúc Đức Kitô hành động và làm sôi sục cơn giận trong
Ngài: Ngài giận con người đã coi thường, xúc phạm, làm ô uế nhà Chúa. Ngài giận
con người đã lấy nhà Chúa làm nơi trao đổi thương mại và để tiền bạc trở thành
Thiên Chúa trong đền thờ. Ngài giận vì đền thờ đang bị biến chất thành nơi làm
tiền và tiền bạc đang chiếm đoạt chỗ của Thiên Chúa. Đền thờ được xây dựng với
mục đích thờ phượng và là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng nay con người muốn chuyển đổi
mục đích, vì thấy Thiên Chúa không quan trọng bằng tiền bạc, không giải quyết
cho họ những vấn đề mới của kinh tế thị trường, không đem lại những gì họ mong
đợi. Chuyển đổi mục đích của đền thờ, con người đã phế bỏ Thiên Chúa khỏi đền
thờ của Ngài và xúc phạm nặng nề danh dự Thiên Chúa của Ngài. Đức Giêsu đã nổi
nóng, cơn nóng của người con thấy cha mình bị xúc phạm trầm trọng, cơn nóng của
tình yêu khi chứng kiến những phản bội trắng trợn, cơn giận của Thiên Chúa khi
tận mắt chứng kiến con người ngạo mạn đến độ dám biến thánh đường thờ phượng
thành thương trường trao đổi tiền nong, hàng hoá. Nhưng có lẽ chuyện làm Ngài
đau lòng nhất là chủ trương đóng cửa nhà Chúa đối với người ngoài đạo.
Như
ta đã biết, đền thờ Giêrusalem được xây để đón Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng sẽ
quy tụ mọi dân nước thành một dân tộc thánh; vì thế khi được xây, đền thờ đã
chuẩn bị sẵn khu dành cho những người ngoài Israel. Thứ tự kiến trúc rất rõ rệt:
tận trong cùng là khu cực thánh để “hòm bia Giao Ước”, nơi đó chỉ có thầy thượng
tế mới được vào tế lễ mỗi năm một lần; tiếp theo là khu thánh dành cho các tư tế
với bàn thờ tế lễ, rồi đến khu dành cho đàn ông, sau đó là khu đàn bà và ngoài
cùng là khu dành cho người ngoại giáo. Khu này rất rộng, ước chừng năm trăm mét
chiều dài và một trăm năm mươi mét chiều rộng. Chính khu này đã bị biến thành
chợ buôn bán chiên lừa, chim câu và các thứ hàng hoá khác dùng cho việc tế tự.
Chiếm đất của người ngoại giáo trong nhà Thiên Chúa nói lên tâm địa hẹp hòi,
ích kỷ, co cụm và chủ trương “Đạo pháo đài, Đạo ấp chiến lược” của những người
có trách nhiệm trong đạo Do Thái. Điều này đi ngược với Hiến Pháp Nước Trời của
Đấng Cứu Thế, Đấng đến với muôn dân và quy tụ toàn thể nhân loại vì vương quốc
của Ngài sẽ vượt ra khỏi ranh giới Israel và bao trùm mọi thời, mọi nơi.
Nhà thờ của xứ đạo chúng ta rất có
thể cũng rơi vào tình trạng chuyển đổi này mà ta không biết: tiền bạc và pháo
đài.
Ta không biết vì buôn bán bây giờ
tinh tế, nhanh chóng và dễ dàng hơn xưa nhiều. Người ta có thể trao đổi bằng
ngân phiếu vừa nhẹ vừa gọn, bằng phong bì dúi tay vừa nhanh vừa chính xác, dịch
vụ chuyển tiền qua mạng vừa an toàn vừa kín đáo… Những người Do Thái khi khởi
công xây đền thờ, họ cũng đã chọn đúng mục đích và tâm hồn mọi người đều chung
niềm vui, háo hức xây đền thánh Chúa ngự; nhưng mục đích thánh thiện ban đầu bị
bẻ cong, trệch sang hướng thương mại, tâm hồn náo nức, sốt sắng việc nhà Chúa bị
thoái hoá biến thành tâm hồn tiền bạc. Nhà thờ ta xây tưởng chỉ để cho Chúa, vì
Chúa, ai ngờ ta đang xây tháp Babel vì mình, cho mình. Nhà thờ ta xây tưởng là
công trình của bác ái, hiệp nhất, ai ngờ là dịch vụ làm giàu danh tiếng cá
nhân, vinh dự đoàn thể, thoả mãn tự ái cục bộ, địa phương. Nhà thờ ta tưởng là
nhà Thiên Chúa, nơi con cái quây quần vui vẻ, hạnh phúc, ai ngờ bị chiếm đoạt,
sang tên làm nhà riêng của một nhóm, đất dụng võ của quyền lực trần tục, diễn
đàn củng cố ảnh hưởng phe nhóm, toà án mắng nhiếc, lên án phe đối lập… Nhà thờ
vô phúc, vô tình đã biến thành tháp Babel thiếu Thiên Chúa, vắng con người vì
không có tình yêu thương.
Sách Sáng Thế kể câu chuyện tháp
Babel: Sau trận đại hồng thủy, con cái của Noe sinh sôi nảy nở, nhưng tất cả vẫn
nói chung một ngôn ngữ. “Xảy ra là họ tìm thấy một cánh đồng ở đất Sinêa và họ
định cư ở đó. Họ nói với nhau: “Nào chúng ta hãy đúc gạch và nung lò!” Gạch họ
lấy làm đá và lịch thanh làm hồ. Và nói: “Nào chúng ta xây thành quách để ở và
xây tháp cao thấu trời. Chúng ta sẽ làm rạng danh chúng ta để không bị phân tán
ra khắp mặt đất” (St 11,1-4).
Trình
thuật viết rất rõ: tháp Babel không được xây bằng đá, nhưng bằng gạch nung,
không được trát bằng ximăng, nhưng bằng chất dán gạch là hồ lịch thanh. Trong
Kinh Thánh, ximăng là biểu tượng của bác ái và đá biểu tượng của những khác biệt.
Ở đây, người ta không dùng ximăng bác ái làm hồ, không dùng đá đa dạng, khác
nhau để xây tháp, nhưng dùng lịch thanh là chất dán có sẵn, không phải pha và gạch
nung đồng bộ.
Tính đồng bộ của gạch nói lên tính
độc tài, độc điệu, độc quyền. Người ta không chấp nhận những khác biệt; nghĩa
là chỉ tìm những gì đồng bộ, nhất loạt, giống nhau và loại trừ những người
“khác”: chỉ đồng hương, đồng khói, đồng đạo là người của ta, còn những người
khác xứ, khác họ, khác làng, khác xóm, khác địa phận, khác tiếng nói, khác chủng
tộc, khác ý kiến, khác quan điểm, nhất là khác Đạo, ngoài Đạo đều không thuộc về
ta và không được tham gia, dự phần với ta; chỉ những ai mặc đồng phục mới được
vào nhà, còn những người ăn mặc tự do phải đứng ngoài. Không chấp nhận những
người không như ta, không giống ta, tháp Babel đã chỉ dành cho mình: người của
mình, người giống mình, người theo mình; bằng chứng là những người chủ trương
xây tháp đã khẳng định: “Chúng ta xây tháp để làm vinh danh chúng ta” (St
11,4). Vinh danh mình là mục tiêu của công trình xây tháp trong khi tháp phải
tìm vinh danh Thiên Chúa. Vinh danh mình là kỳ công con người cố gắng, trong
khi vinh danh Thiên Chúa mới thật sự là điều họ phải thao thức, thực hiện. Vì
tìm mình, họ sẽ gặp mình khi Thiên Chúa tránh mặt và khi gặp mình, họ sẽ chẳng
còn nhận ra mình, nhận ra nhau vì bỏ Thiên Chúa ra ngoài, họ đã không còn hiểu
nhau dù trước đó họ nói cùng ngôn ngữ (St 11,7). Tháp Babel phải bỏ dở dang và
họ tự phân tán mỗi người một phương.
Như thế, con người chỉ hiểu được
mình, hiểu được nhau khi có Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu gắn bó họ.
Như ximăng bác ái gắn chặt những viên đá, hòn đá, khối đá không cùng kích thước,
trọng lượng, hình thể với nhau; Đức ái kết chặt những cục đá tâm hồn muôn hình
muôn dạng làm nên một đền thờ kiên cố, thánh thiện. Tình yêu nối kết, hợp nhất
mọi người của mọi chủng tộc, màu da, tiếng nói, trình độ, hoàn cảnh, chính kiến.
Thiếu đức yêu thương như ximăng, tất cả mọi công trình sẽ sụp đổ hoặc bỏ dở
dang như tháp Babel vì gạch nung đứng xa nhau, đối kháng nhau, không hiểu nhau.
Nhà thờ chúng ta xây, nếu không
dùng ximăng bác ái làm hồ, không chấp nhận những viên đá khác biệt đứng cạnh
nhau, ở với nhau trước sau cũng sẽ trở thành tháp Babel kiêu căng, ganh ghét.
Thiếu bác ái, nhà thờ sẽ trở thành hang trộm cướp với tham ô, lũng đoạn, buôn
thần bán thánh. Thiếu yêu thương, nhà thờ sẽ biến thành chốn khoe của, khoe
danh, trưng bầy tước vị, trình diễn thời trang, biểu dương quyền lực. Thiếu đức
ái, nhà thờ sẽ trở thành sân khấu với đủ thứ kịch bản vô duyên, lố lăng, diễn
viên hợm hĩnh, ngạo mạn, coi thường người khác, phỉ báng đồng đạo. Thiếu bác
ái, nhà thờ sẽ là nơi hoạnh hoẹ, chỉ trích, đe dọa, vu khống, khủng bố nhau.
Thiếu yêu thương, nhà thờ sẽ là nơi chỉ còn thiên chúa tiền bạc, thiên chúa quyền
lực, thiên chúa danh vọng, thiên chúa ác ôn, thiên chúa chảnh chọe.
Sở
dĩ nhà thờ dễ biến thành hang trộm cướp, sân khấu nhố nhăng và toà án khủng bố
mà không bị phát hiện, chống đối là vì nhà thờ được che bằng lớp sơn nhà Chúa,
được ngụy trang bằng tượng Chúa to đùng, được che chống bằng uy quyền Chúa rất
oai phong, lẫm liệt, được che đậy bằng vinh danh Chúa rất cao sang và được bảo
vệ bằng nhan thánh Chúa rất huy hoàng, tráng lệ. Ai dám tự tiện phong toả, kiểm
tra nhà thờ? Ai dám xâm phạm nơi thánh? Chính vì thế, đám trộm cướp, buôn lậu
gian tham mới tìm cho được nhà thờ để núp bóng, làm ăn an toàn.
Nói như thế không có nghĩa người
viết phủ nhận ý ngay lành, công sức và tình yêu của những người suốt đời thiết
tha với nhà Chúa, hao mòn vì lo xây dựng nơi thờ phượng, vất vả ngược xuôi tìm
kiếm phương tiện để trùng tu nhà thờ để phục vụ đời sống thiêng liêng của xứ đạo.
Người viết chỉ nêu lên nguy cơ có thể xảy ra, nếu những tâm tình và công trình
thánh thiện vừa kể không xây dựng trên nền tảng bác ái, điều kiện không thể thiếu
để nhà thờ xứng đáng là nhà của Thiên Chúa tình yêu. Đức Ái rất quan trọng,
nhưng cũng rất mong manh, mỏng dòn, cần được thận trọng gìn giữ, phát huy. Chỉ
một chút lửa kiêu căng muốn tháp chuông xứ mình phải cao hơn tháp chuông xứ bên
cạnh, chỉ một tia lửa khoe tài điều quân khiển tướng, chỉ một đốm lửa háo danh
muốn ghi dấu ngàn năm “triều đại “ cha xứ, chỉ một tàn lửa tự mãn “ta muốn là
được” đã đủ đốt cháy nhà thờ với bao công sức xây dựng, như Giêrusalem đã hoang
tàn, sụp đổ đưới chân quân thù. Quân thù đe doạ hôm nay không phải
Nabucodonosor đã tàn phá đền thờ ngày xưa, nhưng là tham vọng, háo danh, say mê
quyền lực. Những tia lửa tham vọng, đốm lửa háo danh, tàn lửa quyền lực sẽ phá
nát tình huynh đệ, tình cha con, tình đồng đạo, tình những người con cùng một
Cha trên trời và biến nhà Chúa thành hang trộm cướp, ổ mánh mung, lừa đảo như Đức
Kitô đã quát mắng những người buôn bán chiên bò đang làm ô uế đền thờ (Ga
2,16).
Thách
thức “sẽ xây lại đền thờ trong ba ngày”, Đức Kitô muốn nói đền thờ sẽ là chính
thân xác phục sinh của Ngài. Chính Ngài mới là đền thờ xứng đáng, nơi Thiên
Chúa Cha ngự. Từ nay, đền thờ không còn là công trình làm bằng gạch đá, nhưng
là dân Chúa thấm nhuần bác ái, yêu thuơng luôn đón nhận sự hiện diện của Đức
Kitô mà sự sống lại của Ngài đã mạc khải sức mạnh cứu rỗi của ơn sủng. Giáo Hội
là đền thờ Thiên Chúa khi sống mầu nhiệm “thân thể” Đức Kitô. Dân Chúa là nhà
thờ khi tuyên xưng sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nhà thờ giáo xứ, nhà thờ
giáo họ là dân chúa sống động với sự hiện diện của tình yêu Đức Kitô và tình
bác ái huynh đệ của mọi người, vì “nơi nào có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa”.
Nhà thờ hôm nay phải được tiếp tục xây bằng những viên đá sống động yêu thương
và trét bằng ximăng bác ái, huynh đệ. Thiên Chúa khao khát ở với con người, ở
trong nhà thờ của xứ đạo. Để được như vậy, Ngài tha thiết xin ta xây dựng mỗi
ngày nhà thờ của Ngài ngay trong trái tim ta, bởi nhà thờ không Tình yêu là nhà
thờ không có Chúa và nhà thờ đẹp nhất, nguy nga, tráng lệ nhất, nhà thờ có tháp
chuông cao tới trời, nhà thờ có Chúa ngự, có anh em quây quần, xum họp là nhà
thờ được xây bằng những hòn đá yêu thương, trét bằng ximăng bác ái sống động.