https://www.youtube.com/watch?v=c7jN-M-kb-g
Chết là một ám ảnh cũng có tuổi tác như con người, nhưng khác con người, ám ảnh chết càng lớn, càng có tuổi lại càng mạnh và càng làm con người sợ. Trước tuổi năm mươi, tôi ít nghĩ về sự chết, nhưng sau cái tuổi “tri thiên mệnh” ấy, tôi thấy sự chết cứ như quanh quẩn, vờ vĩnh muốn làm quen, lại gần… kể cả trong giấc ngủ bắt đầu đứt quãng của tuổi sắp về hưu.
Chết là một ám ảnh cũng có tuổi tác như con người, nhưng khác con người, ám ảnh chết càng lớn, càng có tuổi lại càng mạnh và càng làm con người sợ. Trước tuổi năm mươi, tôi ít nghĩ về sự chết, nhưng sau cái tuổi “tri thiên mệnh” ấy, tôi thấy sự chết cứ như quanh quẩn, vờ vĩnh muốn làm quen, lại gần… kể cả trong giấc ngủ bắt đầu đứt quãng của tuổi sắp về hưu.
Chết ám ảnh con người, vì chết là
một thực tại không thể tránh. Chết làm con người sợ, vì chết là một ẩn số không
ai tự mình hay nhờ người khác giải được. Chết vào đời cùng sự sống, nên khi
chào đời cũng là lúc ý thức về một ngày lìa đời được ươm mầm. Chết có sẵn,
không cần phải kiếm tìm. Chết có mặt, không cần điểm danh. Chết sẵn sàng, không
cần mời gọi. Chết biết những gì phải làm, không cần nhắc nhở. Chết biết mình là
ai, không cần được giới thiệu. Chết bí mật từ lý lịch đến hành vi, thái độ. Chết
lạnh lùng, lãnh đạm không cho ai quen và chết đơn độc, kiêu hãnh không muốn ai
kết bạn.
Sợ chết như một tai hoạ, vì chết
quả là tai hoạ lớn nhất cuộc đời. Thua lỗ, khánh kiệt còn tìm cách gượng dậy, mất
sự nghiệp, mất người yêu còn cơ hội kiếm người yêu, sự nghiệp khác; nhưng chết
đến lấy đi sự sống thì coi như tàn đời, toi đời, hết đời mà đời tàn thì chẳng
còn gì gỡ gạc cho đời tươi, đời hết thì chẳng hòng chi kiếm lại đời.
Chết
kinh hoàng, chết đe doạ nên nghĩ đến chết là nghĩ đến ngày cùng, đường cùng và
tất cả dừng ở điểm cuối cùng đáng sợ, sầu thảm, thê lương: giờ chết. Vì thế, một
số đông không dám nghĩ đến sự chết, không phải vì anh hùng, can đảm, nhưng vì
quá sợ chết.
Chết day dứt tâm can, cào cấu suy
tư người sống và biến thành nỗi lo khôn nguôi, thường xuyên, bám chặt cuộc đời.
Vì thế, có người lo chuẩn bị chu đáo hậu sự cho mình như tự giải thoát khỏi nỗi
lo định mệnh và ám ảnh sẽ phải chết hơn là một đối đầu quả cảm.
Không người nào đã không một lần
thấy trong đời mình người chết và cảnh buồn của đám tang. Thấy người khác chết
và nghĩ đến sự chết của mình… Nghĩ thế thôi chứ không mường tượng được mình sẽ
chết thế nào, ở đâu và ai sẽ tiễn mình ra mộ phần.
Tuần Thánh kết thúc bằng cái chết
của Đức Kitô, cái chết của một con người trăm phần trăm, cái chết rất người vì
xuống được tận cùng thẳm sâu khốn quẫn của thân phận người, cái chết của một
Thiên Chúa đã toàn năng trong sáng kiến chết thảm, chết nghèo, chết cô đơn, chết
nhục nhã, chết trong tình trạng thất sủng, thất thế, thất bại của con người
cùng khốn nhất trong con cái loài người, nhưng đồng thời cũng là cái chết rất đẹp
của con người biết mình là con Thiên Chúa qua thái độ tự nguyện và phó thác tuyệt
đối cái chết đời mình trong Tình Yêu.
1.
Đức
Kitô đã chết cái chết của người nghèo. Không những chết nghèo, Ngài còn chết
khát, chết đói trên Thánh Giá khi thều thào: “Ta khát” (Ga 19,28). Người nghèo
thường chết đói vì sống còn chưa có ăn, nói gì chết; khi sống còn thất thường bữa
đói bữa no, bữa đực bữa cái nói chi lúc sắp lìa đời. Đức Kitô sống khó nghèo,
nên chết cũng nghèo khó: nghèo nên không áo quần tươm tất; nghèo nên gia đình
phải mượn người này, nhờ người kia từ khăn liệm đến mồ chôn. Cũng vì nghèo, nên
đám tang đơn sơ, không linh đình kèn trống, không vòng hoa phúng điếu, không điếu
văn tiếc thương, không trướng lộng ghi nhớ công trạng. Chết nghèo nên chỉ có Mẹ
và vài người thân lặng lẽ tiễn đưa. Ngài đã chết nghèo trong cảnh nghèo của người
nghèo nhất…
2. Đức Kitô đã chết cái chết thảm.
Nhìn xác người lính chết trận, người bị tai nạn xe, người bị đâm chém, ta tội
nghiệp họ vì chết thảm thương, chết không nguyên hình, chết không toàn thây.
Cái chết thảm gây xúc động mạnh và hình ảnh người chết tạo ấn tượng sâu sắc,
khó phai. Treo lâu giờ trên Thánh Giá, thân xác Đức Kitô không còn một phần nhỏ
lành lặn: “mặt mày tan nát chẳng ra người”, chân tay, cạnh sườn bị đâm thủng,
nát bươm thương tích, bầm tím khắp người. Ai nhìn cũng phải sợ hãi quay đi. Ai
thấy cũng phải thất kinh, sững sờ (Is 52,14-15).
Người ta sợ chết đường chết chợ,
chết bụi chết bờ, vì coi đó là vô phúc, bất hạnh. Nhưng Đức Kitô không chỉ “vô
phúc, bất hạnh” chết không nhà không cửa mà còn chết treo trần truồng trên đỉnh
đồi, nơi thi hành án tử hình, trước mắt mọi người. Chết bờ bụi dẫu sao cũng còn
đỡ vô phúc hơn chết đóng đinh như tội phạm nguy hiểm. Tính cách thảm thương đã
lên đến tột đỉnh trong cái chết của Con Thiên Chúa và vực thẳm giữa vinh quang
Thiên Chúa và ô nhục tội phạm đã vời vợi, ngun ngút, vượt sức tưởng tượng của
con người.
3. Đức Kitô chết cái chết cô đơn, nhục nhã. Vẫn biết chết là
chết một mình, đơn độc, vì có ai đi theo ai ở giờ chết, có ai muốn theo ai vào
cõi chết, có ai dám cùng ai chết bao giờ. Tuy nhiên, chết mà được người thân
quây quần, âu yếm, an ủi vẫn thấy yên dạ, ấm lòng và “dễ” chết hơn. Đức Kitô cô
đơn khi Chúa Cha hoàn toàn im lặng, cái im lặng làm se dạ thắt lòng người con hấp
hối: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”
Ngài cũng chết trong tình trạng thất
thế vì chương trình cứu thế không được ai ủng hộ ở giờ chót, trái lại hầu như tất
cả đều bỏ rơi Ngài. Ngài chết giữa những thất bại: thất bại trong việc đào tạo
nhóm tông đồ là những cán bộ nòng cốt, rường cột khi người thì phản bội, kẻ bỏ
trốn; thất bại trong đường lối ngoại giao với thế quyền, thần quyền, khi cả toà
đời, toà đạo cùng kết tội, lên án. Ngài chết trong hoàn cảnh xem như bị thất sủng
không những từ Chúa Cha mà còn từ phía những người đã chịu ơn, hâm mộ. Những
người không nắm vững câu chuyện thì bảo nhau: ông này sinh ra lầm thời nên thất
bại vì thất sách. Những người thân quen thì ngậm ngùi trách: tại Ngài làm việc
thất cách nên mới ra nông nỗi. Ai cũng có lý để lý giải cái chết nhục nhã, tang
thương của Đức Kitô theo ý họ… và chỉ một mình Ngài biết giá trị của cái chết
cô đơn, nhục nhã.
4.
Đức
Kitô chết cái chết tự nguyện. Cái chết của Đức Kitô rất nghèo, bi thảm và nhục
nhã, cô đơn, nhưng Ngài đã tự nguyện chấp nhận cái chết buồn ấy. Ngài biết trước
tình huống sẽ dẫn đến án tử hình và lòng căm phẫn, ngoan cố, cứng lòng trước sự
thật của giai cấp lãnh đạo tôn giáo sẽ không để Ngài yên. Cái chết sừng sững
trước mặt Ngài và ngày càng lớn, áp đảo, đe doạ. Là con người, Ngài cũng sợ chết
và xin Chúa Cha tránh cho Ngài khỏi chết, nhưng khi bình tâm trước đòi hỏi của
sứ mạng, Ngài an bình tự nguyện nộp mình, chịu chết để thánhĐấng đã sai Ngài được
trọn vẹn: “Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con” (Mc 14,36). Cái chết không
còn thế thượng phong và mất uy lực trên Ngài khi Ngài không còn sợ chết, khi
tinh thần vâng phục và ý chí muốn làm vui lòng Chúa Cha trở nên mãnh liệt. Ngài
chỉ còn duy nhất một ước muốn là làm theo ý Cha Ngài, nên dù có chết, ước muốn ấy
cũng phải được thực hiện. Chết đã thực sự “hết thời, hết ép phê” ở Ngài, vì
tình Ngài dành cho Chúa Cha và cho sứ mạng cứu độ nhân loại vượt xa tất cả và lớn
hơn tất cả, kể cả sự chết.
5.
Đức Kitô chết vì người khác. Chết vì người
khác khi nghĩ đến tha thứ cho những người hành hạ, lên án, xử tử mình: “Lạy
Cha, xin tha cho họ, bởi họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Giết một người
với kế hoạch lâu dài, tính toán từng chi tiết mà bảo không biết thì quả là cố
tình bao che, chạy chữa. Vì người khác nên Ngài lo lắng tương lai cô quả của Mẹ
và ngày mai bấp bênh của môn đệ mình yêu khi trối Gioan cho Đức Mẹ và nhờ Gioan
phụng dưỡng Mẹ mình (Ga 19,26-27). Cái chết của Đấng Cứu Độ nên là cái chết
hoàn toàn vì người khác, vì nhân loại. Nhờ cái chết của “Đấng đã vâng lời cho đến
chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8), nhân loại được rửa sạch mọi tội lỗi và
chuộc lại ơn làm con Thiên Chúa cho hạnh phúc đời đời của mình.
6. Đức Kitô đã chết cái chết hy vọng khi hứa hạnh phúc Nước
Trời cho người tội phạm cùng chịu đóng đinh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng
Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43). Ông đại diện nhân loại được Đức Kitô hứa ban hạnh
phúc Nước Trời nhờ ơn cứu độ từ sự chết của Ngài. Cái chết của Đức Kitô đã mang
hy vọng cứu rỗi cho con người vì nhờ cái chết của Ngài mà con người được giao
hoà cùng Thiên Chúa.
7. Đức Kitô chết cái chết của người con khi tuyệt
đối phó thác vào cha mình, dù không một vệt sáng yêu thương, một tia hy vọng giữa
đường hầm tăm tối: “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc
23,46). Là con Thiên Chúa, Ngài đã ký thác trọn đời trong tay Cha để sống cũng
như chết, Ngài luôn được ở với Cha, ở trong Cha và không một sức mạnh nào, kể cả
sự chết có thể tách con khỏi cha. Chết trong tay Cha là niềm vui của con. Chết
với lòng trung thành vâng phục Cha là hạnh phúc của con. Chết trong tình yêu
Cha là ước mong của con. Đức Kitô là người con có phúc được chết trong tay Cha
mình và giờ chết đã là giờ Ngài hoàn thành tốt đẹp sứ mạng được Chúa Cha trao
phó (Ga 19,30).
Lạy Đức Kitô chịu chết trên Thánh
Giá, nếu Chúa không chết, con sẽ mãi mãi sợ chết vì tưởng chết là hết, chết là
diệt vong, chết là tàn lụi. Nếu Chúa không chết, con sẽ mãi trốn tránh, không
dám nhìn thẳng sự chết, đối diện sự chết vì nghĩ chết là tận cùng số kiếp, về với
cát bụi hư không. Nếu Chúa không chết, con kinh hãi lắm giờ chết, vì phải một
mình đi vào cõi hư vô, tuyệt vọng. Nếu Chúa không chết, con sẽ chẳng mất công
chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sau cùng vào cõi chết, vì cõi chết có gì hiện
hữu để chờ để mong, để chuẩn bị.
Nhưng
vì con và cho con, Chúa đã chết để con biết: nếu con sống cũng là sống cho Chúa
và chết cũng là chết cho Chúa; để con biết: Chúa có mặt và cùng đi với con vào
đời sau; để con biết Chúa không bỏ ai tín thác ở Chúa trong giờ lâm tử; để con
biết lòng xót thương Chúa theo con đến giây phút cuối đời; để con biết Chúa chết
cho hạnh phúc đời đời của con; để con biết “trong tay Chúa, con phó thác linh hồn
con”; và để con biết: dù phải chết nghèo, chết nhục, chết thảm, chết cô đơn,
nhưng nếu được chết trong tình yêu và lòng vâng phục thánh ý Chúa, con sẽ vô
cùng mãn nguyện, vì Chúa ơi, được chết với Chúa, con chắc chắn sẽ được sống với
Chúa muôn đời (2Tm 2,11).