Pages - Menu

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

MÙA CHAY Cầu Nguyện


    Chúa muốn con cầu nguyện, vì khi cầu nguyện con bắt được liên lạc với Chúa, lọt vào vùng phủ sóng của Chúa, trực tiếp “on line”, nhắn tin, Face time, Facebook, Zalo với Chúa. Chúa muốn con sống đời cầu nguyện, để con với Chúa cận kề, để con được đồng hình đồng dạng và hiệp nhất nên một với Chúa. Cầu nguyện còn cho con nghe được tiếng Chúa nhắn nhủ, dậy bảo, và Chúa nghe được tiếng con thân thưa, kêu cầu.

    Như thế, cầu nguyện là Chúa và ta gặp gỡ, kết nối, giao lưu, hoà nhập với nhau, tức con gặp Cha, hai tâm hồn yêu nhau giao lưu, hiệp thông, đồng tình, đồng cảm, Thiên Chúa toàn năng giầu lòng thương xót kết nối với con người giới hạn, bất toàn, cần được xót thương, Đấng Chủ Tạo hạ mình để thụ tạo được hoà nhập trong Tuyệt Đối, Vô Cùng.
    Đức Giêsu đã liên lỉ cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện nhiều đến độ các tông đồ đã phải tự ý xin Ngài dạy các ông cầu nguyện (Lc 11, 1), vì các ông thấy không thể đi theo và ở với Ngài, nếu không cầu nguyện. Cầu nguyện vì thế phải trở thành lẽ sống, sức sống, chính đời sống, nói cách khác, đời của người môn đệ Đức Giêsu là đời cầu nguyện. Đây vừa là định nghĩa vừa là đòi hỏi không thể thiếu ở tâm hồn người muốn đi theo và thuộc về Đức Giêsu.
    Khi dạy các tông đồ cầu nguyện (Lc 11, 2 - 4), Đức Giêsu đã dậy các ông nội dung của cầu nguyện. Nội dung ấy gồm có:
    1/ “Tất cả mọi chúc tụng, vinh quang, danh dự đều quy về một mình Thiên Chúa là Cha toàn năng” (Lc 11, 4).
   Điều đó có nghĩa ta không cầu nguyện cho vinh quang của ta, không xin Chúa cho danh tiếng ta được mọi người biết đến và ngưỡng mộ, không nài xin Chúa cho quyền lực của ta vững mạnh hơn, lãnh địa của ta rộng lớn hơn, ảnh hưởng của ta bao trùm, phủ kín thiên hạ hơn, bởi một lý do duy nhất : mọi người được sinh vào đời bởi tình yêu của một Thiên Chúa là Cha, và người Cha Thiên Chúa đáng được con cái mình yêu mến, tôn thờ và phụng sự. Vì chung một Cha, nên mọi người là anh chị em của nhau, và một khi đã là anh chị em, không ai có quyền thống trị ai, càng không được phép bắt người khác sùng bái, chúc tụng, phục dịch, tôn vinh mình.
   Do đó, cầu nguyện cho vinh quang của mình là kiêu căng dành quyền được vinh quang của Thiên Chúa ; cầu nguyện cho thế lực thống trị của mình là ngạo mạn tước đoạt quyền được phụng thờ của Thiên Chúa, và việc chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa càng “chính đáng, công bình và mang lại lợi ích cho phần rỗi chúng ta” bao nhiêu, thì việc tự tìm vinh quang mình, tự xây ngai vàng cho mình càng lố bịch, điên rồ, bất công và nguy hại cho phần rỗi của chúng ta bấy nhiêu.

   2/ Khi chân nhận chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng chí Thánh, là Cha toàn năng mà mọi vinh dự và vinh quang phải quy hướng về, chúng ta cũng nhận ra thân phận thụ tạo có giới hạn, yếu đuối, mong manh, vô thường của mình để khiêm tốn cầu xin với Đấng là nguồn của mọi sự thánh thiện, nguồn của mọi hồng ân, nguồn của mọi hạnh phúc, hoan lạc làm đầy những lổ hổng thiếu thốn phần hồn, phần xác của ta.
   Vì biết mình thiếu thốn, chúng ta xin Chúa ban “hằng ngày dùng đủ” (Lc 11, 3) : đủ ăn, đủ mặc, đủ chỗ ở, đủ việc làm để nuôi mình và gia đình, đủ sức khỏe thể xác, đủ nghị lực tinh thần, đủ đạo đức, đủ nhiệt huyết, đủ tình thân, đủ nghĩa khí, đủ những đức tính cần thiết như khôn ngoan, tiết độ để sống tốt, sống đẹp, sống nhân ái, thánh thiện.
    Xin Chúa cho “hằng ngày dùng đủ” để không rơi vào cạm bẫy của tội ác chỉ vì túng bấn, sa lầy trong bạo lực chỉ vì nghèo khổ, rớt xuống vực thẳm dối trá, lưu manh chỉ vì bế tắc, không còn đường sống. Nhiều người vô tội đã trở thành “vô số tội” chỉ vì đã không may mắn mắc phải cái tội nghèo, nguyên nhân của nhiều tội khác.
    Nhận ra phận làm con bé bỏng, phận làm anh chị em thân thương trong gia đình Thiên Chúa, chúng ta khó có thể cầu nguyện với thái độ kiêu căng của người biệt phái mà thánh Luca đã mô tả : Người biệt phái đứng thẳng và cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm bực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 11-13).
   Trái lại, vì biết mình đáng thương, và luôn được Thiên Chúa và anh chi em mình xót thương, chúng ta sẽ không ngại cúi mình đấm ngực xin ơn tha thứ khi cầu nguyện, khiêm tốn, kín đáo, âm thầm cầu nguyện cùng Cha trên trời, Đấng biết mọi sự tận đáy sâu tâm hồn mỗi người (Mt 6, 6). Vì biết mình tội nhiều hơn phúc, công đức nhẹ hơn lỗi lầm, nên ta sẽ không xấu hổ sấp mình tha thiết nài xin như người đàn bà ngoài đạo đã khẩn khoản Đức Giêsu mà Tin Mừng đã tường thuật một cách sống động và xúc động : “Các môn đệ lại gần xin với Đức Giê su rằng : Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi !”. Người đáp : “Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Itraen mà thôi”. Bà ấy bái lậy mà thưa Người rằng : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” . Người đáp : “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn bánh trên bàn chủ rớt xuống”. Bấy giờ, Đức Giêsu đáp : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao, thì sẽ được như vậy”. Từ giờ đó, “con gái bà được khỏi” (Mt 15, 23 - 28).
   3/ Nội dung sau cùng Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện, đó là cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù của mình (Lc 11, 4).
   Cao điểm của Đức ái Kitô giáo là yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù. Khi dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện việc tha thứ đó bằng cầu nguyện cho kẻ thù được Thiên Chúa tha thứ, như chúng ta đang cầu xin ơn tha thứ cho chính mình. Thực ra, chúng ta có xứng đáng gì để tha thứ cho người khác, dù họ đã ít nhiều xúc phạm, làm tổn thương ta.
Nếu đã nhận mình cũng đáng trách, đáng ghét, đáng lên án và đáng thương , vì cũng đã “làm nhiều điều gian ác trước Thiên Nhan”, và cũng đã gây không ít bất công cho người khác như kẻ thù đã gây cho ta, thì thái độ kênh kiệu với não trạng và ảo tưởng “bàn tay sạch của người thánh thiện, công chính” tưởng sẽ khó có thể được ta nhận về cho mình.
   Vì thế, khi cầu nguyện với tâm tình của người con hoang đàng đã trót dại “lỗi phạm với Trời và với Cha” (Lc 15, 18), như trong Tin Mừng Luca mô tả, chúng ta sẽ chỉ dám cầu xin với Thiên Chúa ơn tha thứ cho kẻ thù, mà không dám vênh váo, huyênh hoang vơ vào cho mình quyền tha thứ, để trân tráo, kiêu căng “chỉ tay năm ngón” tha cho người này, tha cho người nọ, vì thực chất, ta cũng tội lỗi như họ, trái tim ta cũng chất chứa đủ “mưu thâm chước độc”, cõi lòng ta cũng bừa bộn, nhơ nhớp, bàn tay ta cũng nhầy nhụa bạo lực, bất chính như kẻ thù, có khi còn ghê gớm, kinh tởm hơn cả kẻ thù bị ta coi là tồi tệ, xấu xa nhất.
   Do đó, chìa khoá để mở cửa lòng xót thương của Thiên Chúa, mở kho tàng ơn phúc của Nước Trời chính là việc cầu nguyện cho kẻ thù. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã khẳng định : người đầy tớ kia mắc nợ ông chủ mười ngàn yến vàng. Vì không có gì để trả đã được ông chủ tha hết, nhưng ngay sau khi được tha hết nợ, anh ta đã không tha cho người bạn chỉ nợ anh một trăm quan tiền, món nợ quá nhỏ bé so với số nợ kếch sù anh vừa được ông chủ tha hết cho. Vì thế, không những không được tha nợ, người đầy tớ không có lòng thương xót ấy còn bị ông chủ tống vào ngục tối, vì ác độc đã “không thương xót đồng bạn, như đã được ông chủ thương xót” (x. Mt 18, 23 - 35).
   Và nếu việc cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù làm chạnh lòng Thiên Chúa, bắt trúng nhịp đập trái tim thương xót, bao dung của Ngài, thì việc cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù ấy cũng tránh cho ta khỏi mọi cám dỗ và sự dữ, bởi cám dỗ nặng nề nhất chính là ganh ghét, và sự dữ tàn phá kinh khủng nhất cũng là ganh ghét.
   Người biết và dám tha thiết khẩn nài ơn tha thứ cho kẻ làm khổ mình, biết và dám ước mong điều tốt lành cho kẻ vu oan, giáng họa cho mình, biết và dám hy sinh cho hạnh phúc của kẻ không yêu thương nhưng cố tình gây khó khăn, thiệt hại cho mình sẽ khó rơi vào cám dỗ của lòng ganh ghét và tránh được rất nhiều sự dữ, vì hầu hết các sự dữ đều phát sinh từ lòng ganh ghét. Cain, con trai đầu lòng của ông bà nguyên tổ Ađam – Evà đã chẳng giết em trai minh là Abel chỉ vỉ ganh ghét đó sao ? Và cơn cám dỗ đầu tiên, tội đầu tiên, sự dữ đầu tiên sau tội nguyên tổ đã là lòng ganh ghét (St 4, 1 - 8).
   4/ Một điều quan trọng sau cùng cần biết khi cầu nguyện là biết Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, vì Thiên Chúa là Cha của mọi người, bất luận người đó là ai, xấu tốt thế nào.
   Chính vì yêu thương hết mọi người, mà Thiên Chúa muốn hết mọi người giao lưu, liên lạc, hiệp thông với Ngài trong tình yêu. Thiên Chúa yêu mọi người, và muốn chúng ta yêu như Ngài, khi dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù ; Chúa muốn tất cả “không sa chước cám dỗ”, tức không rơi vào tình trạng ganh ghét; Chúa muốn tất cả thoát mọi sự dữ, là trái đắng của hận thù, bạo lực, hệ quả tất yếu của lòng ganh ghét.
   Xác tín Thiên Chúa yêu thương mọi người và mời gọi mọi người cầu nguyện với Ngài và như Ngài, bất kể họ là ai, trong đạo hay ngoài đạo, thánh thiện hay tội lỗi, chúng ta sẽ không cầu nguyện cho người khác với ý nghĩ ích kỷ, phân cách:
Thiên Chúa chỉ yêu ta, và ta cầu xin Thiên Chúa thương yêu họ, mà quên rằng Thiên Chúa yêu tất cả chúng ta trước khi chúng ta biết và yêu mến Ngài, đồng thời Ngài yêu mọi người như yêu ta, và xót xa hơn ta gấp bội, khi một con người là hình ảnh Ngài, là con đã được cứu chuộc bằng giá máu của Ngài phải hư đi, xa khỏi vòng tay yêu thương đời đời của Ngài.
    Tóm lại, để lời cầu của chúng ta đẹp lòng Chúa, để Thánh Ý được thể hiện trong việc cầu nguyện, chúng ta không thể ra ngoài kinh nguyện của chính Đức Giêsu. “Của chính Đức Giêsu”, vì đó là kinh nguyện của chính Ngài dâng lên Chúa Cha ; là chính khắc khoải, mơ ước, chương trình của Ngài. Ngài muốn chúng ta cầu nguyện với Ngài, và như Ngài, vì Ngài biết chỉ một mình Ngài mới thực là “Con yêu dấu của Chúa Cha và đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng”  (Mt 3, 17).
   Mùa chay là mùa tăng tốc cầu nguyện, mùa hối hả, hăng say đi tìm gặp gỡ, kết hiệp với Thiên Chúa và anh em, cũng là mùa trở về với tâm hồn để học cầu nguyện với Đức Giêsu, học nội dung của cầu nguyện, học thái độ, cung cách cầu nguyện, học tinh thần cầu nguyện để cầu nguyện trở thành niềm vui khôn tả của người mang trong cuộc đời, có trong cuộc sống Đức Giêsu, nguồn Tình Yêu và Ơn Phúc.
   Jorathe Nắng Tím