https://www.youtube.com/watch?v=HFOT0DL3cmQ
Sinh hoạt xã hội cũng như sinh hoạt riêng của mỗi cá nhân giống nhau ở chỗ có nhiều mặt, nhiều phía: phía trước - phía sau, mặt chìm - mặt nổi. Có người chẳng nổi nang xuất hiện bao giờ, nhưng lại nắm trọng trách quyết định hoặc ảnh hưởng lớn trong đường lối, kế hoạch chung của cộng đồng; có người suốt đời chìm sâu, thầm lặng nhưng là cố vấn khôn ngoan luôn được bạn bè hội ý; có người sinh ra để “đứng mũi chịu sào” phía trước, nhưng cũng có người chỉ ở phía sau kín đáo chuẩn bị, âm thầm sắp xếp, lặng lẽ thực hiện. Cách chung thì người ta chỉ biết những bộ mặt nổi, ở phía trước, còn những hình bóng chìm, phía sau thường mãi là bóng nhạt, hình mờ luôn rơi vào “không tên, không biết”.
Sinh hoạt xã hội cũng như sinh hoạt riêng của mỗi cá nhân giống nhau ở chỗ có nhiều mặt, nhiều phía: phía trước - phía sau, mặt chìm - mặt nổi. Có người chẳng nổi nang xuất hiện bao giờ, nhưng lại nắm trọng trách quyết định hoặc ảnh hưởng lớn trong đường lối, kế hoạch chung của cộng đồng; có người suốt đời chìm sâu, thầm lặng nhưng là cố vấn khôn ngoan luôn được bạn bè hội ý; có người sinh ra để “đứng mũi chịu sào” phía trước, nhưng cũng có người chỉ ở phía sau kín đáo chuẩn bị, âm thầm sắp xếp, lặng lẽ thực hiện. Cách chung thì người ta chỉ biết những bộ mặt nổi, ở phía trước, còn những hình bóng chìm, phía sau thường mãi là bóng nhạt, hình mờ luôn rơi vào “không tên, không biết”.
Chung quanh cuộc đời Đức Kitô có rất
nhiều khuôn mặt chìm nổi, xa gần, phía trước phía sau. Những nhân vật nổi được
nhắc đến nhiều như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Maria Mađalêna, Đức Maria, mẹ
Ngài, bên cạnh đám đông thầm lặng, phía sau gồm những người đi theo nghe Ngài
giảng, những phụ nữ đạo đức, những đại gia rộng rãi, quảng đại, những thanh
niên, thiếu nhi, những người đau bệnh, những binh lính trong quân đội Rôma, những
người Do Thái trong hàng ngũ Pharisiêu, trong tổ chức ái quốc Zêlốt… Đặc biệt
trong những ngày khổ nạn, có nhiều bộ mặt rất nổi như môn đệ Giuđa, tổng trấn
Philatô, thầy thượng phẩm Caipha, ông Simon người làng Kyrênê và nhiều người nổi
khác… Ở giai đoạn lo liệu “hậu sự” cho Đức Kitô, xuất hiện hai nhân vật, tuy được
nêu tên nhưng thuộc thành phần những người “giữ mặt chìm, ở phía sau”. Nhân
thân của hai ông đặc biệt và có những đóng góp đặc biệt vào cuộc đời Đức Kitô.
Đó là các ông Nicôđêmô và Giuse người thành Arimathê.
Ông
Nicôđêmô “thuộc phái Pharisiêu và là một thân hào nhân sĩ Do Thái” (Ga 3,1).
Pharisiêu là nhóm trí thức, thông luật, có uy tín trong dân và chủ trương tuân
giữ nhiệm nhặt lề luật Môsê. Nhiều người trong nhóm đã bị Đức Kitô nặng lời khiển
trách vì cung cách trịch thượng, kiêu căng, giả hình, thiếu bác ái, từ tâm (Mt
23). Nhóm này rất căm giận Đức Kitô và tích cực trong việc thực hiện âm mưu giết
Ngài. Tuy thuộc phe đối lập chống Đức Kitô, nhưng Nicôđêmô vẫn thỉnh thoảng tìm
gặp Đức Kitô ban đêm để trao đổi, đàm đạo (Ga 3,2). Có lần vì bênh vực Đức Kitô
giữa buổi họp, ông đã bị các bạn Pharisiêu kịch liệt phản đối, đe doạ (Ga
7,50-52). Buổi chiều hạ xác Đức Kitô xuống khỏi Thánh Giá, “ông Nicôđimô cũng tới,
mang theo độ một trăm cân mộc dược và trộn với trầm hương... rồi liệm xác Đức
Kitô trong khăn như tục lệ của người Do Thái” (Ga 19,39-40).
Còn “ông Giuse là một nhân viên
trong Hội Đồng Kỳ Mục của người Do Thái”. Hội Đồng Kỳ Mục là cơ quan điều hành
mọi sinh hoạt đạo đời của người Do
Thái
ở Giêrusalem. “Ông là người ngay thẳng, công chính. Ông không tán thành quyết định
và hành động của các thành viên khác trong Hội Đồng” (Lc 23,50-51). Ông là môn
đệ Đức Kitô, nhưng là môn đệ bí mật, kín đáo, ẩn danh, không muốn cho ai biết.
Ông theo Đức Kitô nhưng theo ở phía sau, mặt chìm, trong bóng tối. “Ông đã đến
xin tổng trấn Philatô cho tháo xác Đức Kitô xuống” (Ga 19,38) và chôn cất Ngài
trong phần mộ còn mới của ông (Mt 27,59).
Hai ông thuộc thành phần kính trọng,
ủng hộ, giúp đỡ Đức Kitô nhưng đứng phía sau và ở trong bóng tối. Hai ông đại
diện cho số không nhỏ những người theo Đức Kitô ở đàng xa, không ra mặt, không
mở lời, không gia nhập Giáo Hội, cũng không nhận mình là người có đạo. Tâm hồn
hai ông và những người bí mật theo Chúa có những nét đẹp của lương tâm trong
sáng, công chính, lương thiện và nét dễ thương của cuộc sống từ tâm, bác ái.
1.
Các
ông có một lương tâm trong sáng, nên thấy rõ sự thật và con người thật của Đức
Kitô. Sự thật và con người thật của Đức Kitô vào thời điểm đó đã bị phủ nhận,
bóp méo, thay hình đổi dạng bởi Hội Đồng Kỳ Mục và nhóm Biệt Phái mà các ông là
thành viên có thế giá. Đức Kitô đã bị chụp mũ, vu oan trắng trợn bởi các đồng
nghiệp và các ông bị đặt trước tình trạng giằng co giữa sự thật không được tôn
trọng, con người thật không được nhận diện đúng đắn và áp lực, lợi ích của phe
nhóm. Các ông biết, người ta đã ngụy tạo, cắt xén, tô vẽ con người Giêsu thành
một tên tội phạm nguy hiểm cho trật tự chung, tương lai xứ sở và lề luật Môsê
vì thành kiến, vì lợi ích cá nhân, ảnh hưởng phe nhóm, nhất là vì ghen ghét, hận
thù. Chỉ có hai ông, một người trong Hội Đồng, một người là thành viên nhóm Biệt
Phái đã không tán thành những âm mưu đen tối, bất chấp sự thật của phe nhóm
mình. Lương tâm trong sáng đã cho các ông nhận ra sự thật về Đức Kitô và sự thật
đã kéo các ông đến với Ngài.
Với
lương tâm trong sáng, Nicôđêmô đã nhận ra Đức Kitô là người công chính và tính
xác thực của những phép lạ Ngài làm, nên đã kín đáo đến gặp Ngài ban đêm và gọi
Ngài là Tôn Sư, Đấng Thiên Chúa sai đến và câu chuyện giữa hai người đã rất
phong phú, sống động, thân tình (Ga 3,1-21).
2. Các ông là những người ngay chính, lương thiện nên đã đi
vào đối thoại với Đức Kitô một cách cởi mở, chân thành khi tôn trọng sự thật và
với thái độ tương kính. Người ta không đối thoại với nhau được phần lớn là vì
thiếu lương thiện. Không lương thiện, người ta sẽ “ăn gian, nói dối” khi tranh
luận vì sự thật không là mục tiêu phải đạt, sẽ “cả vú lấp miệng em” vì luật rừng
của “kẻ mạnh” được lấy làm luật chơi và thói “lấy thịt đè người” được dùng như
kỹ thuật dành lợi thế. Chiến thắng sẽ không là sự thật nhưng là kẻ mạnh, người
quyền thế và thất bại thấy trước sẽ dành cho kẻ yếu, người thấp cổ bé miệng
“không tiếng nói”, không thế lực.
Phải lương thiện như các ông mới
dám lên tiếng như Nicôđêmô trước mọi người trong buổi họp, giữa lúc tuyệt đại
đa số đồng lòng quyết định phải giết Đức Kitô: “Lề luật của chúng ta không cho
phép kết án ai khi chưa tra hỏi người ấy trước và khi chưa biết rõ việc người ấy
làm” (Ga 7,51). Lương thiện cũng giúp các ông can đảm, không sợ hãi nhưng chấp
nhận bị phản đối, cô lập khi bênh vực người vô tội, bị hàm oan (Ga 7,52). Và
lương thiện đã lôi cuốn các ông lại gần Đức Kitô, con người công chính đang bị
vu vạ, cáo gian.
3.
Các
ông có từ tâm, bác ái khi dùng uy tín của mình đến gặp Philatô và xin tháo xác
Đức Kitô. Nếu không có hai ông là những người có thế giá chưa chắc gì xác Đức
Kitô đã được trao trả sớm ngay chiều thứ sáu để tẩm liệm xứng đáng, vì người ta
có thể để xác tội phạm trên thập giá qua lễ mới cho tháo xuống, đem chôn. Lòng
tốt đã thúc đẩy hai ông hăng say, nhiệt tình lo liệu xin lấy xác và chôn cất Đức
Kitô: hai ông đã đem đến vải mới, mộc dược, dầu thơm để liệm xác và ông Giuse
đã hiến luôn phần mộ của mình cho Đức Kitô an nghỉ (Lc 23,50-53; Ga 19,38-42).
Lòng tốt không tính toán, tìm lợi, tìm danh nhưng thầm lặng, kín đáo, nhẹ nhàng
của hai ông đã giải quyết nhanh chóng và hữu hiệu “hậu sự” của Đức Kitô và đỡ
cho Đức Mẹ cũng như tang gia nghèo một gánh nặng lớn. Thực ra, Đức Kitô bây giờ
chỉ còn là một xác chết rách bươm, tím bầm thương tích, có gì để nịnh hót, chạy
chọt, còn gì để bợ đỡ, xin xỏ. Lòng tốt ở hai ông lúc này mới tinh tuyền, thuần
khiết làm sao, vì không dính bén một sợi chỉ đợi chờ, một đường tơ kiếm chác,
ngoài từ tâm, bác ái đối với một con người đã chết, một con người thất thế, hết
thời. Thương yêu, giúp đỡ lúc này mới khó, mới tuyệt, vì chỉ duy lòng tốt mới đủ
kiên nhẫn ở lại đồng cảm và duy nhất từ tâm mới đủ khả năng có mặt sẻ chia.
Bên
cạnh hai ông, có rất nhiều người cùng đi chung tuyến đường kín đáo, bí mật đến
gặp Đức Kitô. Họ là những người thiện tâm với lương tâm trong sáng chân nhận sự
thật, với lương thiện cởi mở đón nhận sự thật và với bác ái từ tâm yêu thương,
bênh đỡ nạn nhân của sự thật. Có thể họ bị coi là những người hèn nhát, không
dám công khai chọn một chiến tuyến, một con đường, một lãnh tụ; có thể họ bị
chê là những người đi hai hàng, thờ hai chúa, làm tôi hai chủ; có thể họ bị
khinh là đám thời cơ chủ nghĩa, đón gió, chờ thời; có thể họ bị miệt thị là những
tay “ăng ten”, tên nội gián, kẻ nội thù; có thể họ bị người quen cô lập, xếp
vào thành phần không dứt khoát, cuốn theo chiều gió, lừng khừng; và có thể họ bị
ngăn cản, cấm đoán đến gặp Đức Kitô vì bị kết án là phường lưu manh, vô đạo…
Nhưng có lẽ, không ai biết họ hơn
Đức Kitô vì ban đêm họ đã đến gặp Ngài; không ai hiểu họ hơn Đức Kitô vì lợi dụng
đêm hôm, họ đã ngồi hàng giờ tâm sự, đàm đạo, học hỏi với Ngài; không ai quý họ
hơn Đức Kitô vì họ đã vất vả thu xếp đến gặp Ngài trước những con mắt cú vọ
rình mò và miệng đời ác độc; không ai thương họ hơn Đức Kitô vì hoàn cảnh tế nhị
đã chưa cho phép họ đến với Ngài giữa thanh thiên bạch nhật, công khai, phía
trước, hàng đầu.
Tuy đứng xa, nhưng có thể họ thấy
rõ Đức Kitô hơn người đứng gần, vì mắt họ trong sáng. Tuy bí mật, kín đáo nhưng
có thể tình nghĩa giữa Đức Kitô với họ thắm thiết, đậm đà, thân mật hơn người xắng
xít, năng nổ, ồn ào nhưng nông cạn, hời hợt. Tuy không mang huy hiệu trên cầu
vai, túi áo như những thành viên chính thức của hội đoàn, Giáo Hội, nhưng tâm hồn
họ có thể đã đầy ắp Đức Kitô.
Thiên Chúa đến với con người qua
những sáng kiến “cao thấu tầng trời, sâu tận vực thẳm” và mở ra hàng ngàn ngàn
triệu những con đường dẫn con người đến với Ngài. Vì thế, không ai có quyền
ngăn cản Đức Kitô mở lối, không ai có quyền kiểm soát đường bay của gió, không
ai có quyền đóng khung, quy định hoạt động của Thánh Thần và Thiên Chúa tự do đến
với mọi người trong tình trạng, cảnh huống, điều kiện riêng của họ. Ở trong
Chúa, có tất cả những gì đẹp nơi con người, những gì tốt nơi con người, những
gì thật nơi con người để tất cả những người thiện tâm khao khát Chân Thiện Mỹ sẽ
gặp được Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, ước vọng tối hảo của con người.
Hai ông Nicôđêmô và Giuse Arimathê
không những đã gặp, đàm đạo với Đức Kitô mà còn được hạnh phúc nhận xác, rồi tẩm
liệm, chôn cất Ngài. Ai dám nghĩ hai ông đã không được Đức Kitô thương và ai
dám điểm mặt các ông là những tên hoạt đầu, đón gió, chờ thời, hai hàng, ngoại
đạo?
Chắc chắn Tuần Thánh năm nay, ở
đàng xa, phía sau nhà thờ, trong đêm khuya thanh vắng đang có rất nhiều bước
chân rất nhẹ, rất êm tìm đến gặp gỡ Đức Kitô. Đó là những bước chân dễ thương,
từ tâm, lương thiện, vững vàng, can đảm nhờ tâm hồn trong sáng, những bước
chân, tuy âm thầm, dè dặt, bí mật, không để lại dấu vết nhưng sẽ đi đến tận
cùng đường Thánh Giá của Đức Kitô.