Đường đời chỉ có một, nhưng nhiều tuyến khác nhau trải trên nhiều cây số dài: có tuyến thênh thang,
tráng nhựa cho xe cuộc đời phóng bon bon, nhưng cũng có tuyến gập ghềnh đầy hố
bom, ổ bò; có tuyến sương mù dày đặc, hiểm trở cheo leo, có tuyến xa lộ thẳng
băng, thoải mái, an toàn. Đường đời có khúc quanh, khúc thẳng, khúc ngang, khúc
rẽ khiến lữ khách có vui có buồn, có nhục có vinh, có lên có xuống, có lúc bạn
đồng hành nườm nượp, có khi thui thủi chiếc bóng đơn côi và đường đời mỗi người
dài ngắn như cuộc đời có sinh có tử, có khởi có kết. Cái khác ở mỗi tuyến đường
đời, nét đặc biệt của mỗi cây số đường đời là sự có mặt của người khác: đường
vui dễ có bạn đồng hành, nhưng đường buồn thường cô quạnh, hắt hiu.
Đường đời Đức Kitô bước vào những
cây số cuối cùng, trên tuyến về đoạn kết, với nhiều nhân vật mới xuất hiện như
Caipha, Philatô, Hêrôđê, Simon người thành Kyrênê, Giuse Arimathê, hai tội phạm
cùng chịu án đóng đinh, đội lý hình, đám đông hiếu kỳ… nhưng có nhiều người
thân quen vắng mặt như các ông Anrê, Giacôbê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu,
Tôma, Tađêô...
Quan
sát kỹ những khuôn mặt thân quen trên đường Thánh Giá, người ta thấy phía các
ông vắng mặt nhiều hơn phía các bà.
Nếu kể hết những người đàn ông
thân quen đã có mặt với Đức Kitô lúc này thì phải kể Phêrô, Giuđa, Gioan, nhưng
ngoại trừ Gioan có mặt như người bạn, người môn đệ, còn hai ông kia đã hiện diện
như hai người phản bội.
Phía các bà, ngoài mấy cô gái giúp
việc trong dinh Thượng tế Caipha đã cắc cớ, hạch hỏi Phêrô: “Cả anh nữa, hình
như anh cũng là môn đệ của Giêsu?” Miệng lưỡi “bắt nọn, dò thám, tra hỏi” đầy
quyền lực và khôn khéo bắt chẹt của đàn bà đã làm Phêrô sợ hãi, quýnh quáng bai
bải chối Thầy: “Cô nói gì kỳ vậy, tôi chẳng hề quen biết người này” (Ga 18,17).
Kế đến là phu nhân quan tổng trấn Philatô. Bà kín đáo nhắc chồng: “Đừng can thiệp
vào việc người công chính này, vì hôm nay tôi thấy trong người xốn xang, bất ổn
vì một giấc chiêm bao về người đó” (Mt 27,19). Trực giác của đàn bà đã ngăn cản
hành động sai lầm của đàn ông. Rất tiếc, Philatô đã không nghe những cảnh giác,
nhắc nhở của vợ, vì mị dân và sợ mất chức.
Còn lại là “những người phụ nữ
thành Giêrusalem đi theo đấm ngực, khóc thương Chúa” (Mt 23,27); dưới chân thập
giá thì có “Maria, mẹ Đức Giêsu” (Ga 19,25), “bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ
hai ông Giacôbê và Giuse và bà Giêbêđê” (Mt 27,56); táng xác Đức Giêsu thì cũng
là Maria, mẹ Ngài và hai bà Maria Mađalêna và Maria, mẹ hai ông Giuse và Giacôbê
(Mc 15,47). Sáng sớm ngày “thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời chưa mọc thì bà
Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê” cùng mang thuốc thơm ra thăm mộ
Đức Kitô (Mc 16,1-2) và Mađalêna đã từ mộ trống chạy về báo tin Phục Sinh cho
các môn đệ còn đang lẩn trốn vì sợ người Do Thái lùng bắt (Ga 20,18).
Các
bà đã đi theo và ở lại với Đức Kitô cho đến cây số cuối cùng của đường Thánh
Giá vất vả, tang thương. Khuôn mặt phụ nữ chiếm trọn không gian đẫm máu và nước
mắt từ phút đầu bị bắt đến đỉnh đồi Canvê thê thảm và mộ phần tăm tối. Bóng
dáng đàn bà đã bám chặt từng phút của thời gian chịu nạn. Bàn tay non nớt của
phái yếu đã giải quyết hậu sự của đại sự cứu chuộc. Đôi chân mềm, thon nhỏ của
phái đẹp đã đạp trên gai góc, đá sỏi của đoạn đường đầy thử thách kinh hoàng.
Các bà đã cương quyết hơn phái mạnh, đã can đảm hơn nòi giống anh hùng, đã lì lợm
hơn các “đấng mày râu”, nhất là đã hết tình, trọn tình cho người mình yêu.
Các bà đã hết tình với Đức Kitô vì
đã yêu bằng một tình yêu chân thực. Khi yêu ai, ta bị hút bởi người ấy khi sẵn
sàng ra khỏi mình để hướng về người ấy; đồng thời mở tâm hồn, thân xác để đón
nhận người ta yêu. Chính vì mở ra để đón nhận, mở ra để hướng tới mà khi yêu,
trái tim ta trở nên dễ đau, dễ vỡ, dễ khổ, dễ buồn vì từ đây ta mang người khác
với tất cả cuộc đời của họ, mang người ta yêu với buồn vui, thành công, thất bại
của họ.
Nhận
hết về mình, đón hết cho mình, mang trọn trong mình, nên người yêu khổ thì ta
đau, người yêu khóc thì ta rơi lệ, người yêu nhục thì ta tủi, người yêu thất bại
thì ta xót xa, người yêu buồn thì ta sầu héo. Đời ta mang đời người ấy vì ta
yêu chính con người và cuộc đời họ. Điều gì xúc phạm đến con người họ là xúc phạm
đến ta. Và ta có thể hy sinh tất cả, trở nên mọi sự để yêu thương, che chở, cứu
chữa, nâng đỡ, bảo vệ người ta yêu.
Tình yêu chân thực, vì nhắm thẳng
con người nên không là tình chỉ yêu khi có lợi, yêu người khác vì yêu mình, yêu
người khác vì tình của họ thoả mãn những đòi hỏi vật chất, tinh thần của ta.
Yêu chân thực vì thế sẽ không độc quyền, độc tài, độc đoán, kể cả độc ác, vì
yêu là yêu chính đối tượng, yêu con người đối tượng, yêu vì hạnh phúc của đối
tượng hơn là yêu những gì đối tượng làm cho ta.
Tình yêu này sẽ không đưa đến giận
dữ, hận thù, vì sẽ không rơi vào tình trạng: khi tình có lợi thì vui, khi tình
bất lợi thì buồn, khi đánh mất tình thì chán nản, thất vọng. Lợi ích thu nhặt
trong tình yêu không phải là điều tình yêu tìm kiếm, nhưng con người được yêu mới
thực là đối tượng của tình yêu. Yêu chính con người nên tình vượt trên những
tính toán thực dụng, những tình cảm lúc có lúc không, ngay cả lý tưởng bám trên
con người ấy, bởi lý tưởng có thể mất trong khi con người vẫn còn. Tình yêu
chân thực không nhắm lợi nhuận hay thành quả, được việc, nên khi người yêu
không còn gì, mất tất cả, hay bất lực, tàn phế, ta vẫn yêu được họ, vì con người
họ mới chính là đối tượng của tình yêu. Lấy lợi ích, thành quả, ngay cả những
điều tốt lành người yêu có thể mang lại làm đối tượng của tình yêu, ta đã vô
tình dọn đường đến nghĩa địa cho tình yêu, bởi sẽ có lúc tình yêu chết đứng giữa
trời khi người yêu không còn có lợi, không thể mang lại thành công, thành quả,
thành tích. Đó là sự khác biệt giữa buổi sáng Đức Kitô làm phép lạ cho năm chiếc
bánh và hai con cá hoá thành nhiều với đông đủ các tông đồ (Mc 6,38) và buổi
chiều thứ sáu tuần thánh chịu đóng đinh trên Thánh Giá với duy nhất một mình
môn đệ Gioan (Ga 19,26).
Hướng
đến duy nhất con người Đức Kitô như đối tượng của tình yêu, các bà đã có mặt
chia sẻ, lo liệu cho người mình yêu dù người mình yêu đã chết, chẳng còn gì để
cho, chẳng còn chi để mơ ước, hy vọng. Yêu trọn vẹn con người Đức Kitô, các bà
đã đặt trọng tâm tình mình vào một mình Đức Kitô, nên ngay khi Ngài một mình thất
thế, thất bại, một mình vác thập giá, một mình chịu đóng đinh, một mình chết tức
tưởi, một mình trong mộ phần lạnh lẽo, các bà vẫn hết tình, trọn tình vì chỉ một
mình Ngài, duy một mình Ngài là Đấng các bà yêu thương.
Tình yêu chân thực đã làm trái tim
các bà nhạy cảm trước đau khổ của Đức Kitô và hiểu được nỗi niềm của Ngài. Tình
yêu làm cho khả năng đón nhận nơi các bà nhạy bén, tinh tế để nhận ra tín hiệu
của Lời và Tình Yêu từ trái tim Ngài. Tình yêu cho các bà lòng xót thương trước
nhục nhằn, khó nhọc, cô đơn của người tử tội đang lê những bước vất vả dưới sức
nặng của thập giá. Tình yêu cho các bà nghị lực để nhẫn nại chịu đựng và can đảm
lăn xả, liều thân vì Đức Kitô. Tình yêu đã không còn làm các bà sợ bị chụp mũ,
theo dõi, truy lùng, bắt bớ như các tông đồ đã sợ và đồng loạt bỏ trốn. Tình
yêu đã không làm các bà tiếc công tiếc của, tiếc giờ ở lại đến cùng dù biết rằng
theo Ngài, ở lại với Ngài lúc này là chọn lựa bất lợi, “mang hại vào thân”.
Tình yêu chân thực đốt cháy tâm can, thúc giục các bà cáng đáng những việc rất
khó, đi vào những nơi rất khó, nói lên những lời rất khó mà nhiều người khác
không làm được sợ bị phiền phức, liên lụy. Và tình chỉ hướng về con người mình
yêu đã dẫn các bà đến hoa trái của tình yêu là cho đi chính mình.
Cho
đi chính mình vì người mình yêu là cao điểm của tình yêu khi chủ thể vượt qua
hàng rào những ham muốn của ích kỷ, vượt thoát “cái tôi” trung tâm. Khuynh hướng
ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ, o bế “cái tôi” luôn có mặt và tác yêu tác quái
trong tâm hồn mỗi người. Triết học gọi là “vị kỷ”, một khuynh hướng tiềm tàng
làm con người rất khó ra khỏi quỹ đạo “cái tôi” để đến với người khác, càng khó
khi phải cho đi và rất khó khi phải hiến thân, hiến mình. Thần học xếp những
rào cản này vào hàng hậu quả của tội nguyên tổ. Để vớt vát, người ta sắp xếp một
công ước tạm, đó là: tôi hiến thân cho anh, nhưng tôi muốn anh cũng phải hiến
thân cho tôi, để tôi không thua lỗ. Xét trên bình diện thực tế nhân loại, tình
“có đi có lại” mới bền, mới toại lòng nhau, nhưng xét cho cùng, tình yêu kiểu
“bánh ít đi, bánh quy lại” cũng chỉ là tình bị ích kỷ giới hạn, kiểm soát: tôi
yêu người khác vì chính tôi, hơn là yêu người khác vì họ. Ích kỷ đã chiếm cứ mảnh
đất trái tim, đòi hỏi quyền kiểm soát và giới hạn món quà dành cho tha nhân khi
ra lệnh cho trái tim không được quên phần mình.
Tình các bà dành cho Đức Kitô hôm nay trên những cây số
sau cùng của đời Ngài là tình yêu các bà đã học ở Ngài. Các bà đã nhạy bén nhận
ra tình của Đức Kitô trong suốt năm tháng truyền giáo là một tình yêu hoàn toàn
quên mình, một tình yêu trọn vẹn cho đi, một tình yêu toàn phần dâng hiến. Đức
Kitô đã không giữ lại cho mình bất cứ một mối lợi hay đòi quyền sở hữu trên bất
cứ một thứ gì, một người nào khi yêu thương. Tình của Ngài tinh ròng, trong
sáng, vuông vức, tròn trĩnh; có nghĩa là không sứt mẻ, mờ tối vì ích kỷ, vì
“cái tôi”. Cảm phục và cảm mến tình yêu vô vị lợi, tình yêu cho đi không cần hồi
đáp, tình chấp nhận trao dâng một chiều của Đức Kitô, các bà đã học yêu như
Ngài và đang áp dụng bài học yêu chân thực, yêu hết tình, hết mình khi ở với
Ngài dưới chân thập tự, bên mộ phần ảm đạm, buổi sáng sớm phục sinh.
Sự có mặt của các bà làm nổi bật sự
vắng mặt của các ông. Không phải vô cảm hay vô ơn mà đồng loạt vắng mặt, nhưng
vì các ông đã dành cho trí thông minh một chỗ đứng ưu tiên trên tình yêu. Con rắn,
hình ảnh của Lucifer, trong vườn địa đàng đã thành công lôi kéo Ađam và Evà
kiêu ngạo khi khôn khéo đưa đẩy ông bà đi theo đòi hỏi của trí thông minh, thay
vì chấp nhận đòi hỏi của tình yêu. Thiên Chúa muốn hai ông bà ở trong tình yêu
khi vâng phục lời căn dặn yêu thương của Ngài: “Đừng ăn quả của cây này”. Khi
căn dặn như vậy, Ngài muốn giữ ông bà trong hạnh phúc của bí mật tình yêu, bí mật
mà bất cứ một mối tình nào, người tình nào cũng trân quý như một quà tặng mầu
nhiệm cho nhau. Bí mật giữa hai người yêu nhau, bí mật giữa tình nhân, bí mật của
vợ chồng là bí mật tuyệt vời, bí mật cao đẹp và quý báu mà bất cứ ai cũng không
được phép tìm biết; bởi khi bí mật ấy bị lộ tẩy, bị té tát trước công chúng, bị
phanh phui trước mọi người thì tình của họ không thể tồn tại, vì bí mật chính
là sức sống của tình yêu. Trong tình yêu giữa hai người, khi không còn bí mật, người
ta hết yêu nhau và không còn hiểu tình yêu là gì nữa bởi bí mật trong tình yêu
nối kết hai người yêu nhau, làm nên sức mạnh của tình yêu để họ có thể tiếp tục
đồng hành trên đường tình muôn lối.
Đặt
ông bà nguyên tổ trong trạng thái và bầu khí tình yêu trọn vẹn với Ngài, Thiên
Chúa có với ông bà một bí mật, bí mật đó là lòng vâng phục. Vâng phục trong
tình yêu không phải “vong thân, đánh mất mình” như khi miễn cưỡng vâng lời một
quyền bính độc tài, độc đoán. Trái lại, vâng phục trong tình yêu là hợp tác
chân thành với một người lớn hơn mình, có quyền trên mình để đem lại hạnh phúc
cho mình. Vâng phục như thế là vui vẻ tự nguyện lệ thuộc vào một người lớn hơn
để được hạnh phúc, vì trong vâng phục ấy, người lớn hơn yêu thương, kết hợp và
đem lại tự do cho người bé nhỏ vâng phục mình. Vâng phục trong tình yêu luôn dắt
đến hiệp nhất và tự do, vì mục đích của vâng phục là làm triển nở nhân vị và đời
sống của người vâng phục, đồng thời đem lại hạnh phúc tối đa cho họ, như Thiên
Chúa đã muốn ông bà nguyên tổ vâng phục là để ông bà được tự do, hiệp nhất và hạnh
phúc trong Ngài. Thần dữ không muốn ông bà tự do, hạnh phúc đã tìm cách phá hủy
lòng vâng phục bằng thúc đẩy ông bà bất tuân, từ chối vâng phục. Ma quỷ đã dụ
ông bà ra khỏi bầu khí yêu thương để rơi vào vùng lý luận khi xúi ông bà đừng
thèm lệ thuộc Thiên Chúa, nhưng hãy tự mở trí khôn, dùng trí thông minh của
mình để biết như Thiên Chúa biết, hiểu như Thiên Chúa hiểu, nghĩa là trở nên bằng
Thiên Chúa khi tự phá hủy bí mật tình yêu giữa Ngài và ông bà.
Đặt
trí thông minh và lý luận trên tình yêu, con người dễ rơi vào tình trạng xóa bỏ
mọi bí mật và muốn biết hết mọi sự, muốn mọi sự được chứng minh, kiểm nghiệm.
Nhưng chính khi đòi bằng Thiên Chúa vì mình thông minh, con người đã tự nghiền
nát chính mình vì lúc ấy con người thực sự vong thân, mất tự do khi lệ thuộc ma
quỷ vốn thấp kém hơn con người và chỉ tìm vinh quang cho nó, thay vì mưu tìm tự
do, hạnh phúc cho con người.
Con trai thường giống mẹ, nghe mẹ
hơn bố, như đàn ông giống mẹ Evà khi suy nghĩ mông lung, bâng khuâng thắc mắc
và muốn tò mò tìm biết: Tại sao có cây biết lành biết dữ? Tại sao Thiên Chúa dặn
dò không được ăn? Tại sao và tại sao? Cũng vì những “Tại sao?” đầy óc, đầy đầu
mà các ông đã không yêu thương và trung thành được như các bà, vì không tôn trọng
bí mật của tình yêu. Các ông môn đệ của Đức Kitô đã thắc mắc, để rồi phân vân,
nghi ngờ sứ mệnh và vai trò Cứu Thế của Thầy. Các ông đã dùng đầu óc thông
minh, vận dụng khả năng lý luận trí thức để đặt lại vấn đề đi theo Thầy của
mình. Các ông đã vặn ép trí khôn để rồi xếp Thầy mình vào hàng những người mang
nhiều ảo tưởng. Chính vì ra khỏi những bí mật tình yêu giữa Thầy trò, những ân
cần căn dặn riêng tư trong bữa cuối, những bí mật về con người - Thiên Chúa của
Thầy mà các ông đã bỏ rơi Thầy mình ở những cây số chông gai, thử thách cuối đời.
Thông minh nhân loại đã hướng dẫn lý luận con người của các ông để không một mầu
nhiệm tình yêu nào giữa các ông và Đức Kitô còn cơ may tồn tại. Kết quả là các
ông đã cư xử với Ngài tệ hơn nhiều người khác không quen biết Ngài.
Các
bà thì ngược lại: tình yêu lúc nào cũng ưu tiên, nên yêu không cần suy nghĩ,
thương không cần lý luận. Các bà cần và sống cho những bí mật của tình yêu vì
trái tim các bà là nơi gìn giữ, bảo tồn bí mật. Bí mật của tình yêu với Đức
Kitô nơi các bà là tình cho đi không tính toán của Ngài. Chỉ một điều ấy thôi
đã tạo ấn tượng lớn, sâu sắc trong tim các bà và trái tim đã nhạy bén hiểu được
chính xác sứ điệp của tình yêu ấy. Chỉ một lần được ngồi dưới chân, được tha thứ,
được an ủi, được nâng đỡ đã đủ làm con tim các bà suốt đời lưu giữ bí mật tình
yêu của Đức Kitô và sự thông minh của tình yêu, không như trí thông minh lý luận
của nam giới, đã cho các bà trực giác, linh cảm đại sự của Ngài còn tiếp nối
sau buổi chiều tử nạn.
Bí mật của tình yêu thì chỉ tình
yêu mới có khả năng giải mã. Lấy thông minh, lý luận mà giải mã bí mật tình yêu
là giết chết tình yêu, vì tình yêu không chịu bị mổ xẻ, phanh thây nhưng đòi
toàn phần, toàn diện, toàn thân. Với toàn thân hy sinh, toàn diện cộng tác,
toàn phần trao tặng, các bà đã hoàn toàn cho Đức Kitô và vì Ngài, ngoài ra
không nhắm bất cứ một phúc lợi, vinh dự nào cho mình.
Những ngày chịu nạn, Đức Kitô đã bị
phần đông các ông bỏ rơi. Cũng may còn có các bà; nếu không thì thật là tội
nghiệp!
Đàn
ông thường ỷ mình thông minh, nhưng chưa chắc thông minh của trí khôn đã nắm bắt
được những thực tại mầu nhiệm của tâm hồn. Đàn ông cậy mình suy nghĩ chín chắn
nhưng chưa chắc đã qua mặt được trực giác, linh cảm của đàn bà. Đàn bà bé nhỏ
hay bị đàn ông ăn hiếp và chê là “cạn suy, chậm hiểu”, nhưng suy hiểu của trí
khôn chưa chắc thấu đạt những lý lẽ bí mật của trái tim. Đức Kitô đã có lần đặt
tình yêu đơn sơ của những người bé nhỏ lên trên trí thông minh của những người
khoa bảng và tạ ơn Chúa Cha đã “không cho những người khôn ngoan, thông thái biết
những mầu nhiệm, mà chỉ tỏ cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Tình yêu thì
luôn bé nhỏ như phận nữ luôn bé bỏng, mong manh; nhưng chính trong mong manh,
bé nhỏ Thiên Chúa đã gửi gắm những bí mật tình
yêu của Ngài cho nhân loại.
Xin cho các bà mẹ, các bà chị, các
cô em của chúng tôi luôn sống chân thực với tình yêu của mình để như Đức Maria
luôn giữ kín mầu nhiệm tình yêu ấy trong lòng (Lc 2,51) và như Mađalêna loan
báo Tin Mừng Sống Lại với trái tim tràn ngập mầu nhiệm tình yêu (Ga 20,18).