https://www.youtube.com/watch?v=UlfnlqhWjT4
Làm Vua thì phải độc quyền, độc tài, độc đoán, vì hiền lành, nhu mì, đơn sơ sẽ dễ bị các quan qua mặt, ăn hiếp, lộng hành, truất phế, chiếm ngôi. Vua là số một, là thiên tử cai trị dân, nên vua phải độc ác cho dân khiếp, phải xa cách cho dân kính, phải nghiêm khắc, tàn nhẫn cho dân sợ. Lịch sử nhân loại nhiều bạo chúa hơn hiền vương, nhiều vua sa đoạ, trác táng, lợi dụng dân hơn minh quân thương dân, quên mình. Vì thế, nói đến vua, người ta ít nghĩ đến đức độ, đặc biệt không bao giờ dám mơ có vua nhân hậu, hiền lành. Ấy thế mà Đức Kitô đã vào thành thánh trong cung cách của một vị vua khiêm nhường, hiền hậu, nhân từ ngồi trên lưng chú lừa con ngây thơ, bé bỏng (Lc 19,35-38).
Làm Vua thì phải độc quyền, độc tài, độc đoán, vì hiền lành, nhu mì, đơn sơ sẽ dễ bị các quan qua mặt, ăn hiếp, lộng hành, truất phế, chiếm ngôi. Vua là số một, là thiên tử cai trị dân, nên vua phải độc ác cho dân khiếp, phải xa cách cho dân kính, phải nghiêm khắc, tàn nhẫn cho dân sợ. Lịch sử nhân loại nhiều bạo chúa hơn hiền vương, nhiều vua sa đoạ, trác táng, lợi dụng dân hơn minh quân thương dân, quên mình. Vì thế, nói đến vua, người ta ít nghĩ đến đức độ, đặc biệt không bao giờ dám mơ có vua nhân hậu, hiền lành. Ấy thế mà Đức Kitô đã vào thành thánh trong cung cách của một vị vua khiêm nhường, hiền hậu, nhân từ ngồi trên lưng chú lừa con ngây thơ, bé bỏng (Lc 19,35-38).
Chúa Nhật lễ lá với màu đỏ vương
triều chói lọi, hoành tráng, với cộng đoàn rạng rỡ tay cầm cành lá, miệng không
ngừng hoan hô: “Đức Kitô, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mc 11,9-10). Ai dám nhân
danh Chúa mà đến, nếu không phải là Con Thiên Chúa, người được Thiên Chúa ủy
quyền, sai đi?
Đức
Kitô đã đến như Thiên Tử, như Con Trời, vì đích thực Ngài là Con Thiên Chúa,
Vua Nước Trời. Ngài đến như vua, vì Ngài là vua, nhưng không như vua thế gian với
“cung tần mỹ nữ, dinh thự lâu đài, tiền hô hậu ủng”, cũng không oai nghi lẫm liệt,
cao sang quyền quý, nhưng “Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa, Đức Vua của ngươi đang đến
với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa con” (Mt 21,5).
Đức Kitô là vua, như Ngài khẳng định
trước mặt quan tổng trấn Philatô: “Đúng như quan nói, tôi là vua” (Ga 18,37).
Ngài không chỉ làm vua hiền hậu mấy phút trên lưng lừa vào Giêrusalem, nhưng đã
làm vua từ máng cỏ Bêlem khi các Thiên Thần mừng hát, vinh danh, mục đồng thờ lạy,
đạo sĩ phương xa bái yết (Lc 2,8-14). Thiên Chúa làm người đã chọn làm vua
trong cung điện “ngàn sao”: hang lừa, máng cỏ (Lc 2,7). Ngày xuất đầu lộ diện gặp
gỡ dân chúng, rao giảng Tin Mừng chính ra phải hoành tráng khai trương bằng diễn
văn nảy lửa, tuyên ngôn hùng hồn, đệ tử xúm xít bu quanh cho thiên hạ nể, cho nổi
đình đám, xứng ngôi Thiên Tử, đàng này Ngài khiêm hạ, âm thầm, đằm thắm đến xin
Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình như bao người có tội khác. Danh phận Thiên Chúa,
ngôi vị đại vương không mảy may dính trên lưng con chiên hiền lành mà Gioan Tẩy
Giả đã dùng hình ảnh để giới thiệu Đức Kitô với đám đông: “Đây là chiên Thiên
Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Có đời nào vua xuống cho thần dân đổ
nước xóa tội? Có ở đâu thấy vua chịu làm vật tế thần gánh tội và chết cho dân?
Hiếm vô cùng hay chẳng bao giờ có, ngoài vua Giêsu vô cùng nhân hậu, khiêm nhường.
Ở vị vua nhân hậu này, thần dân bắt gặp ba đặc tính nổi bật:
Ngài có cha mẹ nghèo, nếp sống
nghèo: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Thầy không có cả chỗ gối đầu”
(Lc 9,58). Người nghèo dù sao cũng cố dựng cho mình túp lều tránh nắng che mưa,
còn Đức Kitô chẳng giữ cho mình một mét đất để cắm dùi: sinh trong hang bò lừa,
sống lang thang đó đây, chết mượn mồ thiên hạ (Mt 28,57). Khó có ai nghèo hơn
ông vua Trời Đất này và cũng khó kiếm được ai thương người nghèo, kẻ cô thân,
người thất thế hơn Ngài.
Đức Kitô rất thương người nghèo và
bênh đỡ họ. Ngài gọi họ là những người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,4) và hứa
thiên đàng là của họ (Mt 5,3). Ngài công khai nâng cao người hèn mọn, bé nhỏ
trước mặt các ông lớn trong đám lãnh đạo tôn giáo: “Lạy Cha, con ngợi khen Cha,
vì Cha đã giấu những sự này và không cho người khôn ngoan, thông thái biết và
chỉ tỏ ra cho những người bé nhỏ, hèn mọn” (Lc 10,21). Người nghèo, kẻ hèn, đám
dân thấp cổ bé miệng là bạn thân của Ngài và Ngài yêu họ đặc biệt.
2. Khiêm hạ - Nhẫn nhục
Là vua, nhưng trên hết, Ngài là
“người tôi tớ trung thành và đau khổ của Thiên Chúa Giavê”. Hình ảnh người tôi
tớ đau khổ đã được ngôn sứ Isaia và thánh vịnh 21 cực tả: “Tôi đã đưa lưng cho
người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu và không che mặt khi bị mắng nhiếc,
phỉ nhổ” (42,1-9; 49,1-6; Is 50,6) “Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ
buông lời mỉa mai” (Tv 21,8). Riêng thánh Phaolô đã như xuất thần khi suy niệm
về sự khiêm hạ thẳm sâu vô cùng và vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô - Thiên
Chúa: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nghĩ phải duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời
cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
Như thế, vinh quang của Đức Kitô,
vua các vua hệ tại ở lòng khiêm hạ, vâng lời Chúa Cha, chứ không ở vinh quang
riêng, quyền lực riêng, tôn ý riêng của Ngài. Sức mạnh của Ngài là thánh ý Chúa
Cha và hạnh phúc của Ngài là “thánh ý Cha Ngài được trọn vẹn”. Thánh ý ấy đã
đưa dẫn Đức Kitô đến thân phận tôi tớ đau khổ, đã đặt Ngài trên đường Thánh
Giá, đã treo Ngài lên thập tự chiều Canvê và đã vùi kín Ngài trong chết chóc mộ
phần tối thứ sáu. Thánh ý ấy quả là đòi hỏi quá cao, quá gắt gao, quá cam go,
quá khó khăn và quá thương tâm đến nỗi sức người có hạn nơi “nhân tính” của Đức
Kitô đã phải ngao ngán, sợ hãi thốt lên: “Lạy Cha, xin cất chén đắng cho con”
(Mc 14,36).
Nhưng đó là sứ mệnh của vua Giêsu,
sứ mệnh chết cho dân để chuộc tội cho dân và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và
ban tặng danh hiệu trổi vượt hơn hết mọi danh hiệu để khi vừa nghe danh thánh
Giêsu “các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run”
và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa, là Vua” (Pl
2,10-11).
Hiền hậu và nhân từ là huy hiệu của
vua Giêsu. Hiền hậu và nhân từ là nhãn hiệu có công chứng của công dân Nước Trời.
Đức Kitô hiền hậu đến độ các tông đồ phải phát cáu vì thấy Ngài chẳng nóng nảy
gì khi dân làng thuộc vùng Samaria đã không đón tiếp Ngài. Các ông đề nghị một
cuộc thanh trừng “ngợp trời khói lửa” bằng xin lửa trời đổ xuống đốt rụi, thiêu
hủy họ. Ngài trách các ông đã không đủ từ tâm và nhắc các ông: Ngài đến không
phải để tiêu diệt, nhưng để cứu sống loài người (Lc 9,53-56).
Suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô
đã cư xử nhân từ, hiền hậu với tất cả mọi người: với người đàn bà nhiều chồng xứ
Samaria (Lc 4,6-21), với người đàn bà thống hối (Lc 7,36-49), với bà goá thành
Naim có con trai chết (Lc 7,11-15), với gia đình Mátta, Maria, Lazarô (Lc
10,38-42), với người đau ốm bệnh tật (Lc 8,40-48), với người bị quỷ ám (Lc
9,37-43), với ông sĩ quan (Lc 7,1-10), với anh phạm nhân cùng bị đóng đinh, với
các môn đệ (Ga 15), với mẹ Ngài. Với ai Ngài cũng nhân hậu, hiền từ, ngay cả với
các ông Biệt Phái, Luật Sĩ ngoan cố, cứng lòng, giả hình, gian ác. Tuy thẳng mặt,
thẳng tay, thẳng thừng trách mắng gương mù gương xấu của các ông (Mt 23), nhưng
Ngài vẫn thương các ông và không cho các môn đệ phán xét, lên án, hận thù (Mt
5, 21-26).
Vị vua nghèo, bé nhỏ, khiêm hạ,
vâng lời, nhân từ, hiền lành đã thiết lập vương quốc của mình khi loan báo “Nước
Trời đã gần và ở giữa anh em” (Mc 1,4; Lc 3,3; Ga 1,19-23). Như vương quốc thế
gian phải có lãnh thổ, dân tộc, hiến pháp. Nước của Đức Kitô, vua nhân hậu, hiền
lành cũng gồm đủ ba yếu tố trên.
Đất nước của Đức Kitô là trái tim, là tình yêu trong tâm
hồn mỗi người. Đất nước Ngài không thuộc về thế gian như Ngài đã trả lời quan tổng
trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu Nước tôi thuộc về thế
gian thì quân đội của tôi sẽ chiến đấu, không để cho tôi bị nộp cho người Do
Thái. Nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian” (Ga 18,36). Chính vì không thuộc
về thế gian, nên đất nước ấy không bị khoanh vùng, giới hạn bởi lằn ranh biên
giới. Đất nước ấy là tâm hồn mỗi người nên bao la đến tận cùng trái đất, vượt
thời gian, không gian, không giới hạn ở ngôn ngữ, sắc tộc, chính trị, văn hoá.
Đất nước thiêng liêng nhưng cụ thể, sống động thiết thực trong đời sống con người.
Đất nước ấy vô hình nhưng có mặt trên từng cây số của hành trình nhân loại. Đất
nước ấy thuộc trời cao, nhưng bám chặt con người có chân đạp đất. Lãnh thổ của
vương quốc Đức Kitô là mảnh đất tâm hồn mỗi người được hạt giống yêu thương nảy
mầm, lớn lên, đơm hoa kết trái (Lc 8,4-10). Đất nước của Đức Kitô là vườn nho tấm
lòng ngọt yêu thương, nồng nàn tình nghĩa. Đất nước của Đức Kitô là men trong bột
đời sống (Mt 13,33-35), là hạt cải trên ruộng cuộc đời (Mt 13,31-32), là ngọc
quý giấu sâu trên giải đất lòng (Mt 13,44). Cả thân xác mỗi người là lãnh thổ,
cung điện, đền thờ của Thiên Chúa, vua Nước Trời (1Cr 3,16-17).
Đất nước ấy cũng lành như vị vua
nhân lành và đất lành đã đón chim đàn về đậu, gọi chim trời về làm tổ, quây quần
yên vui. Đất lành của Đức Kitô Vua là nơináu thân an toàn cho tất cả mọi tâm hồn
sầu thương, đau khổ, tội lỗi. Trên đất lành, Đức Kitô nhân lành sẽ chữa lành tất
cả mọi vết thương trên con người và thánh hoá mọi tâm hồn trước đó đã chưa lành
thánh. Đất nước an lành của Đức Kitô hiền lành và khiêm hạ là ước mơ hạnh phúc
an bình của mọi tấm lòng thiện chí muốn làm công dân Nước Trời.
Dân tộc của nước Đức Kitô là dân tộc thánh
Dân tộc của nước Đức Kitô là dân tộc thánh
Thánh vì được thánh hoá bởi chính
máu Đức Kitô (Dt 13,2). Dân tộc thánh được Thiên Chúa thánh thiện kêu gọi, tuyển
chọn, yêu thương, hướng dẫn, phù trì, che chở như Israel đã được Thiên Chúa
Giavê nâng niu, chiều chuộng. Nhưng vượt xa Israel, dân tộc của Đức Kitô gồm tất
cả mọi người, không chỉ hạn hẹp cho Israel mà bao gồm cả chiên lạc nhà Israel
(Mt 15,24) và các dân ngoại (Mt 10,6; Rm 3,29), nghĩa là hết những ai được Đức
Kitô thánh hoá và kêu gọi nên giống Ngài (1Cr 2). Đức Tin nơi Đức Kitô chịu
đóng đinh là thẻ căn cước, quốc tịch công dân Nước Trời (2Tm 3,15). Đức Tin nơi
Đức Kitô không những cho quyền công dân mà còn bảo đảm quyền lợi làm dân là được
ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời (Mc 16,16; Ga 3,15-18). Thánh Phaolô đã nhấn mạnh
trong thư Rôma: “Bây giờ sự công chính của Thiên Chúa đã biểu lộ ra mà không cần
có Lề Luật… Đó là sự công chính mà Thiên Chúa ban cho bất cứ ai tin vào Đức
Giêsu Kitô. Không có sự phân biệt nào, vì mọi người đã phạm tội và mất ơn nghĩa
với Thiên Chúa. Mọi người sẽ được nên công chính một cách nhưng không bởi ơn
Chúa và bởi ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Ngài
làm Đấng Cứu Chuộc và Ngài đã đổ máu ra để đền tội. Ai tin thì được tha tội…”
(Rm 3,21-25). Và để được tha tội, nên người công chính, công dân của Nước Trời,
điều kiện duy nhất là tin vào Đức Kitô, Đấng đã chết để chuộc tội cho nhân loại.
Như
thế, làm công dân Nước Trời là tin vào Đức Kitô và con dân của Ngài tất nhiên
là hết thảy những ai nhận Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và đi theo Ngài. Ngài
biết dân Ngài vì thấu suốt tâm hồn mỗi người. Ngài biết ai tin Ngài vì chính
Ngài kêu gọi họ. Là vua nhân hậu, Đức Kitô chăn dắt dân Ngài như chúa chiên
lành dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh, đến bờ suối mát để chiên được ăn uống thỏa
thuê, an bình, hạnh phúc (Tv 22,1-3).
Hiến Pháp Nước Trời là Tình yêu
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết
linh hồn, hết sức, hết trí khôn và yêu anh em như yêu chính mình” (Mc
12,30-31). Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một và trong tình yêu ấy,
ta gặp được chính mình, nghĩa là “mình” cũng được yêu. Đức Kitô đã chẳng bảo:
Hãy yêu anh em như yêu chính mình?
Hiến Pháp Tình yêu lấy tình yêu
làm lề luật, nên ai không yêu mến, người ấy không giữ luật Thiên Chúa. Hiến
Pháp ấy lấy tình yêu làm nguyên tắc sống, tiêu chuẩn chọn lựa, đường lối sinh
hoạt, phong cách giao tiếp, cư xử. Hiến pháp tình yêu còn là thước đo khi xét xử:
Ai yêu nhiều thì được tha nhiều. Ai không yêu thì bị luận phạt (Mt 25,31-46).
Tình yêu là tất cả trong vương quốc
Đức Kitô, một vương quốc gồm những công dân của Tình Yêu và người ta nhận ra họ
qua duy nhất dấu chỉ “Yêu thương”. Tình yêu sẽ điều phối mọi việc, giải quyết mọi
chuyện, liên kết mọi người, vì Tình Yêu “nhẫn nại, nhân từ, không ghen tị,
không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tham lam, không tìm tư lợi, không giận
dữ, không mưu mô gian ác, không vui trước bất công, chỉ vui với sự thật. Tình
yêu tha thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự. Và tình yêu
không bao giờ tàn phai…” (1Cr 13,4-8).
Đức
Kitô còn ban bố “Bát Phúc” như hiến chương Nước Trời Tình Yêu khi hứa phần thưởng
cho tất cả những ai bé nhỏ, khiêm nhường, đơn sơ, trong sạch, nghèo khó trong
tình yêu, khóc lóc, sầu buồn cho Tình yêu, bị bạc đãi, bách hại vì tình yêu, hy
sinh tận tụy xây dựng, hàn gắn Tình yêu. Ngài chúc phúc và hứa ban Nước Trời
làm gia nghiệp, hứa cho vương quốc làm gia sản, hứa cho chính mình Ngài là Tình
Cha thương xót cho những ai chọn Yêu Thương làm lẽ sống, lấy Yêu Thương làm
chính đạo (Mt 5,3-12).
Nhiều người xin nhập tịch Nước Trời,
nhưng chưa biết rõ Nước Trời là gì và vị vua của vương quốc ấy là ai, tính nết
thế nào, đường lối trị dân ra sao… Khi gia nhập Giáo Hội, ta đã nhập tịch vương
quốc của Đức Kitô và nhận thẻ căn cước “công dân Nước Trời, người mang Đức
Kitô”. Danh xưng đã chính xác trên giấy tờ, còn chứng nhân trong đời sống? Liệu
ta có để người ngoài nhận xét: “Ối giời, bọn họ chỉ là những công dân trên giấy”
như những ông tây, bà đầm giấy da vàng, mũi tẹt, cơm vẫn rưới nước mắm, rau vẫn
chấm mắm tôm và chẳng biết gì đến lịch sử, văn hoá, vận mệnh, tiền đồ của nước
“đại Pháp”. Người ta gọi họ là “tây giấy, đầm giấy” vì thái độ thờ ơ, bàng
quan, hờ hững, vô trách nhiệm của họ đối với quốc gia, dân tộc mà họ đã tự nguyện
nhập tịch. Họ như những người tín hữu “hữu danh vô thực”, tuy mang danh Kitô hữu,
nhưng chẳng biết Đức Kitô là ai; tuy ở trong Nước Đức Kitô nhưng chưa một lần
thắc mắc Nước ấy ở đâu, luật lệ Nước ấy thế nào và tại sao nhập tịch vào Nước ấy?
Tuần
Thánh với Đức Kitô, ta sẽ học với Ngài về vương quốc khiêm nhường, dịu dàng,
yêu thương và ở với Ngài là vua nhân hậu để căn cước tính “người có Chúa Kitô -
Công dân Nước Trời” của ta sẽ không còn là chữ nghĩa lạnh lùng trên văn bản,
nhưng trở thành nền tảng sống động cho những bước chân ngập tràn yêu thương
trên hành trình đời sống.
Một Giêrusalem mới đã được xây và
nhân loại cứ theo dấu chân Thánh Giá tiến vào. Đừng sợ Thánh Giá, vì đó là con
đường nhân loại phải đi qua để đến sự sống viên mãn. Đừng sợ, nhưng hãy mở bung
cửa to cửa nhỏ của tâm hồn cho Đức Kitô tiến vào như cửa thánh đô đã cất cao
đón bước chân vua nhân hậu. Đừng sợ, nhưng hãy mở to mắt để nhìn Đức Kitô hiền
lành trên lưng lừa và khiêm hạ trên Thánh Giá. Đừng sợ nhưng hãy gióng tai nghe
tiếng hoan hô chúc tụng ngày lễ lá và lời mắng nhiếc, đả đảo đường lên núi Sọ
và đừng sợ nhưng hãy quỳ gối, cúi đầu thờ lạy thân xác Thiên Chúa tơi tả, trần
truồng chiều thứ sáu tuần thánh… bởi trong thinh lặng mầu nhiệm, Tình yêu sẽ
lên tiếng.