Cầu nguyện là giây liên
lạc cần thiết và qúy giá, là trao đổi thân thương, là gặp gỡ tình nghiã giữa
Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Chúa và tâm hồn mỗi người. Không thể có tôn
giáo nếu không có cầu nguyện, nếu hiểu tôn giáo là sự kết nối giữa Thượng Đế và
con người.
Vì thế, khi thấy ông Gioan Tẩy Giả dậy các
môn đệ của ông cầu nguyện, một người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu đã xin Ngài
dạy họ cầu nguyện. Và Đức Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha mà chúng ta cùng Giáo
Hội cầu nguyện hằng ngày (x. Lc 11,1-4).
Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm C đã
không dừng lại ở Kinh Lạy Cha là kinh nguyện chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ
của Ngài, mà còn đi xa hơn với xác tín : “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ
thì sẽ mở cho” (Lc 11,9), vì
“nếu anh em vốn là những kẻ
xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không
ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?” (Lc 11,13).
Vâng, chúng ta có nền tảng đức tin để tin điều
Đức Giêsu hứa : “Ai
xin thì sẽ được”, bởi chúng
ta không xin gì ngoài xin cho “Danh
Thiên Chúa, Cha chúng ta là Đấng giầu lòng thương xót được cả sáng” khi toàn thể nhân loại được thương
xót cứu độ ; chúng ta không xin gì ngoài Nước Thiên Chúa là Nước dành cho
những ai được Thiên Chúa thương xót, vì có lòng thương xót anh em mình, như dụ
ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không
biết thương xót”, và quang
cảnh ngày chung thẩm trong Tin Mừng Mátthêu 18,23-35 và 25,31-46 ; chúng
ta không xin gì khác hơn ngoài Ý Thiên Chúa là “mọi người được cứu độ” được “thực
hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Vì thế, lời cầu xin chủa chúng ta không chỉ
làm đẹp lòng Chúa Cha vì chúng ta xin đúng ý Chúa, xin như Chúa muốn, xin vì yêu
mến, tôn vinh, phụng sự Chúa, nhưng hơn tất cả, vì đó là lời cầu xin của chính Đức
Giêsu, Con Một yêu qúy của Thiên Chúa Cha.
Bên cạnh lời cầu xin cho Danh, Triều Đại,
Thánh Ý của Thiên Chúa giầu Lòng Thương Xót được hiển trị, cả sáng, thực hiện,
chúng ta còn được Đức Giêsu dạy xin cho chính mình, là những kẻ luôn cần lòng
thương xót của Chúa và anh em, đồng thời được mời gọi sống lòng xót thương đối
với mọi người, nhất là những người bé mọn, nghèo hèn.
Chúng ta xin lương thực nuôi thân xác và
linh hồn. Lương thực này chính là ơn phúc từ lòng thương xót Chúa, bởi nếu Chúa
không xót thương, làm sao chúng ta được bình an tâm hồn, và no đủ thân xác ?
Chúng ta xin ơn tha tội, vì tất cả tội lỗi đều là hành vi làm tổn thương tình yêu
Thiên Chúa, và ngăn cản, phá hoại lòng thương xót đối với tha nhân. Chúng ta
xin Chúa gìn giữ khỏi mọi cám dỗ, và tất cả cám đỗ đều nhắm lôi kéo chúng ta ra
khỏi Tình yêu, khước từ lòng thương xót, khoá chặt cửa tâm hồn, đóng kín đường
vào trái tim để vô cảm trước đau khổ,
thiếu thốn, khốn cùng của người khác. Và sau cùng, chúng ta xin Thiên Chúa tránh
cho chúng ta những sự dữ trên đường đời, và những sự dữ đó chính là trái đắng của
ganh ghét, hận thù, bạo lực do ta gây ra cho người khác, hoặc do người khác
mang lại cho ta.
Tóm lại, cầu nguyện với Đức Giêsu và bằng
lời kinh của Đức Giêsu dậy, chúng ta nắm chắc sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì tất
cả lời cầu xin đều quy hướng về Lòng Thương Xót của Ngài, tất cả ý nguyện đều là
khát vọng tìm kiếm Lòng Thương Xót cho mình và mọi người, tất cả niềm hy vọng của
lời cầu xin đều hướng về hạnh phúc của hết mọi người được Thiên Chúa thương xót,
và đang học biết xót thương anh em mình.
Lạy Đức Giêsu, xin dạy chúng con yêu mến
cầu nguyện, vì chỉ với cầu nguyện, chúng con mới biết Chúa là Thiên Chúa của Lòng
Thương Xót, và chúng con luôn cần tình Chúa xót thương, để đời chúng con trở nên
lời kinh “Xin Chúa thương xót” liên lỷ, bất tận, như những nấc
thang đưa chúng con lên Trời, vào vương quốc Chúa dành cho những người có lòng
xót thương như Chúa.
Jorathe Nắng Tím