Tuy
gọi là “chủ nghiã giáo sĩ trị”,
nhưng tình trạng “giáo sĩ cai trị”
không nên được hiểu như người ta thường hiểu về các chủ nghiã khác như chủ
nghiã tư bản, chủ nghiã cộng sản, chủ nghiã hiện sinh, chủ nghiã vô thần, chủ
nghiã duy vật, chủ nghiã duy lý, chủ nghiã duy nghiệm …, vì một lý do rất đơn giản : “giáo
sĩ trị” không là một chủ nghiã, vì không
ai chủ trương một giáo hội bị thống trị, không ai tìm đến một tôn giáo có đường
lối áp bức, khống chế, hà khắc cai trị, và càng không ủng hộ một cơ chế giáo sĩ
“ăn trên ngồi trước”,
tàn ác bóc lột, nham hiểm lạm dụng, ma mãnh trục lợi, thủ đọan độc quyền, độc
tài, độc trị. Trái lại, tôn giáo luôn mang tính khai phóng, giải thoát, và sứ vụ
duy nhất của Giáo Hội của Đức Giêsu là tìm kiếm, mời gọi, băng bó, chữa lành, cứu
độ tất cả mọi người, không loại bỏ, khai trừ ai.
Vì thế,
giáo sĩ trị chỉ được coi là tình trạng thoái hoá, hiện tượng xuống cấp, sự kiện
biến thái tiêu cực nơi hàng giáo sĩ, mà không bao giờ được coi là một chủ thuyết,
hay chủ trương với chủ đích biến “con chiên”
thành đám nô lệ ngu si, đần độn, biến giáo dân thành đám nô bộc đầy mặc cảm và sợ
hãi trước “cơ chế thần quyền”,
để giáo sĩ tha hồ thao túng, bóc lột, lạm dụng cho tư lợi, ý riêng, khao khát
quyền lực và cuộc sống hưởng thụ, tha hoá của mình.
Và để dễ dàng nhận ra mấu chốt của vấn đề,
thiết tưởng chúng ta cần nhìn vào hiện tượng này ở Việt Nam, khi so sánh với
các nước khác trên thế giới.
Thực ra, giáo dân Việt Nam có một lòng yêu
mến, kính trọng và tín nhiệm hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ rất đặc biệt và
đáng tuyên dương. Truyền thống qúy giá này chúng ta phải biết trân trọng và giữ
gìn, vì là nét đẹp của dân tộc cũng như của giáo hội Việt Nam, bởi từ buổi đầu
khi Tin Mừng được rao giảng trên đất nước cho đến hôm nay, giáo dân luôn biết
đánh giá những hy sinh lớn lao của hàng giáo sĩ, tu sĩ trong công cuộc truyền
giáo và xây dựng Giáo Hội. Tinh thần dấn thân, và nhiệt huyết của linh mục, tu
sĩ dành cho giáo dân, giáo xứ, giáo họ,
giáo điểm là một sự thật không ai có thể chối cãi. Ngoài sinh hoạt mục vụ thuần
túy, còn bao nhiêu công trình an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá… khác góp
phần nâng cao đời sống, đề cao giá trị con người mà hàng giáo sĩ, tu sĩ Việt
Nam đã, đang và mãi mãi cống hiến cho dân tộc.
Chính vì thế, khi viết bài này, mục
tiêu chính của người viết là làm nổi bật công lao khó nhọc và tinh thần hy sinh
không tính toán của phần đông giáo sĩ, tu sĩ nam nữ Việt Nam, bằng nêu ra thực
chất của chủ nghiã giáo sĩ trị mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang sôi sục
tấn công quyết liệt. Bởi khi làm rõ thực chất “giáo
sĩ trị”, người tín hữu Việt Nam chúng ta sẽ
không bị đầu độc, và bị lôi cuốn vào cao trào “bài
giáo sĩ”, là phương tiện rất lợi hại ma qủy
đang dùng để chia rẽ nội bộ và làm suy yếu công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Và không gì chắc chắn, đúng đắn và chính
xác hơn khi tìm hiểu bản chất của “giáo sĩ trị”
bằng chiêm ngắm và lắng nghe chính Đức Giêsu, Đấng đã chọn các Tông Đồ là các
Giám Mục và từ các ngài, hàng giáo sĩ được thiết lập trong Giáo Hội :
1. Đức
Giêsu đã trao quyển “chăn dắt, chăm sóc”
Giáo Hội của Ngài cho các thánh Tông Đồ :
Thánh Tông Đồ Gioan đã tường thuật quang cảnh
vô cùng trang trọng và cảm động khi Đức Giêsu
trao quyền quản trị Giáo Hội cho Phêrô và các tông đồ sau khi sống lại: “Khi
các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô : Này anh Simôn, con ông
Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?”
Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến
Thầy”. Đức Giêsu nói với ông : “Hãy
chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi : “Này
anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?”.
Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến
Thầy”. Người nói : “Hãy
chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba : “Này
anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?”
Ông Phêrô buồn, vì Người hỏi đến ba lần : “Anh
có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa
Thầy, Thầy biết rõ mọi sự : Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Đức Giêsu bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”
(Ga 21,15-17).
Đức Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần với nội dung
duy nhất : “Anh có yêu mến Thầy không ?”,
đến nỗi Phêrô phải cáu lên, vì nghĩ Thầy đã không tin mình yêu mến Thầy hết
lòng, dù mình đã yếu đuối chối Thầy ba lần mấy hôm trước đây, khi Thầy đang bị
tra tấn trong dinh thượng tế Caipha (x. Ga 18,12-27).
Hỏi Phêrô về tình yêu dành cho mình, trước
khi trao trọng trách “chăm sóc”
đàn chiên, tức Giáo Hội, Đức Giêsu đã muốn
Phêrô và các Tông Đồ, môn đệ có mặt hiểu rằng : chỉ một điều kiện, một đòi
hỏi duy nhất để làm Tông Đồ, làm môn đệ chăm nom, săn sóc, dẫn dắt đàn chiên của
Ngài là phải yêu mến Ngài, yêu mến thật tình, yêu với lòng thương xót như Ngài
đã thương xót và hiến mạng vì đàn chiên của Ngài ; thương với tình thương
bao la, sâu sắc, nồng nàn và liều lĩnh đến độ sẵn sàng chết vì người mình yêu, chết
cho chiên “được sống và sống dồi dào”
(Ga 10,10), thì Đức Giêsu mới dám trao phó sứ mệnh chăm sóc đàn chiên yêu qúy của
Ngài cho các ông. Đức Giêsu đã không trắc nghiệm tài quản trị, tính cương nghị,
khả năng “tang bang tế thế”
của các Tông Đồ trước khi trao trọng trách, nhưng chỉ đặt lại duy nhất một vấn
đề, đó là tình yêu các ông dành cho Ngài. Bởi có yêu Ngài nhiều, có yêu Ngài
tha thiết, các ông mới yêu được đàn chiên “không
luôn dễ thương, dễ yêu” của Ngài, vì sẽ có nhiều con chiên
hậu đậu vì thiếu học, thô kệch vì nghèo đói, quê muà vì quanh năm “chân
lấm tay bùn”, “bán
mặt cho đất, bán lưng cho trời” ; vì sẽ có nhiều
con chiên bướng bỉnh vì khổ từ tấm bé, ngang ngược vì bị lạm dụng, đối xử bất
công ngay khi còn thơ dại ; vì sẽ có nhiều con chiên ghẻ lở, mụn nhọt đầy
mình, vì thiếu dinh dưỡng, ăn ở lại thiếu vệ sinh ; vì sẽ có những con
chiên nói năng không dễ nghe, ăn mặc không dễ nhìn, cư xử không lễ phép, lịch
thiệp chỉ vì sinh ra thiếu cha, thiếu mẹ, ông bà nội ngoại lại nghèo khổ, nên bị
bỏ rơi “đầu đường xó chợ” ;
vì sẽ có những con chiên không khéo léo làm vui lòng chủ chiên, không thông
minh đủ để đoán đúng ý chủ chiên mà chiều chuộng, không thích bợ đỡ, xu ninh
nên hay làm chủ chiên phật lòng. Ôi thôi, tuy là chung đàn, nhưng sẽ có đủ thứ
chiên, đủ cỡ chiên, đủ mầu chiên, đủ mùi chiên, đủ tiếng chiên nói, chiên la,
chiên cười, chiên khóc chói tái, nhức óc …
Đặt câu hỏi về tình yêu dành cho mình, Đức
Giêsu nhấn mạnh yếu tố duy nhất để trở thành mục tử chăm sóc đàn chiên của Ngài
là phải biết yêu thương : yêu Ngài và thương đàn chiên Ngài gửi gắm trông
nom.
Một
điểm đáng lưu ý khác, đó là Đức Giêsu đã không dùng động từ qủan trị hay cai trị
khi giao phó cho các Tông Đồ đàn chiên của Ngài, nhưng chỉ dùng động từ :
chăm sóc, chăn dắt, bởi cai trị dành cho lãnh tụ, quản trị dành cho lãnh đạo,
người quản lý, nhưng “chăn dắt dành cho mục tử, chăm sóc
dành cho mẹ cha”. Nếu trao đàn chiên, tức Giáo Hội
cho các tông đồ để cai trị, chắc chắn Đức Giêsu đã không hỏi Phêrô đến ba lần về
tình yêu ông dành cho Ngài, bởi quản trị, cai trị cần tài năng, chứ không cần
nhiều tình yêu đến thế ; nếu chỉ muốn các Tông Đồ là những người quản lý,
quản trị Giáo Hội một cách “ngon lành với thống kê,
số liệu chính xác, tổ chức nhịp nhàng, cơ chế hoàn hảo”,
thì Đức Giêsu đã chẳng trao quyền cho các Tông Đồ trong bầu khí nồng nàn, ấp áp
tình yêu như vậy.
Tóm lại, khi hỏi tông đồ trưởng Phêrô đến
ba lần về tình yêu, và chỉ dùng những động từ xứng hợp với cha mẹ yêu thương,
và mục từ nhân lành là “chăm sóc, chăn dắt”,
Đức Giêsu đã không muốn các Tông Đồ thay mặt Ngài cai trị Giáo Hội như những
lãnh tụ, nhà lãnh đạo, người quản lý, chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng như cha
mẹ và như mục tử tràn đầy tình yêu, và lòng thương xót như chính Ngài.
2. Đức
Giêsu nhiều lần đã từ chối trở thành lãnh tụ, nhà lãnh đạo để cai trị, thống trị :
Tin
Mừng Gioan kể lại : sau phép lạ cho bánh và cá hoá nhiều với “năm
chiếc bánh và hai con cá” (Ga 6,9) và dân chúng
được ăn thoả thuê, “Đức
Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt,
đi lên núi một mình” (Ga 6,15).
“Lánh mặt, đi lên núi một
mình”, vì Ngài không muốn làm lãnh tụ
như hầu hết người Do Thái lúc bấy giờ muốn Ngài phải làm để đứng lên lãnh đạo
cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma đang đè nặng trên
Israel, mặc dù vương quốc của Ngài đã được loan báo là sắp đến (x. Mt 3,2), và
đã rất gần ; mặc dù Ngài đã mặc nhiên chấp nhận lời tuyên xưng của
Nathanaen : “Thầy là vua Ítraen”
(Ga 1,49) ; mặc dù Ngài sẽ công bố : “Chính
ngài nói đó” trước mặt Philatô khi ông này
hỏi Ngài : “Ông là vua dân Do Thái sao ?”
(Mt 27,11) ; mặc dù Ngài xác nhận với các môn đệ : “Thầy
đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất”
(Mt 28,18).
“Lánh mặt, lên núi một
mình”, vì Đức Giêsu không đến trong thế
giới, đến với mọi người như một nhà lãnh đạo tài ba, một lãnh tụ quyền lực, một
con người “kinh bang tế thế”,
nhưng Ngài khẳng định : Ngài đến như lương y, vì “người
khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”
(Lc 5,31) ; đến như Đấng tha tội : “Tôi
không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”
(Lc 5,32) ; đến như người cha luôn ban cho con cái những của tốt lành (x.
Lc 11,9-13).
“Lánh mặt, lên núi một
mình”, Đức Giêsu không muốn là vua, là
lãnh tụ, vì vua, lãnh tụ thì cửa quyền, xa cách, nhưng muốn là người cha nhân hậu
để gần gũi, xót thương, nâng dậy, băng
bó, chữa lành con mình trót dại yếu đuối, lầm lỡ sa chân, dại dột hoang đàng,
như chính Ngài đã mô tả trong dụ ngôn người cha nhân hậu của Tin Mừng Luca (15,11-32).
“Lánh mặt, lên núi một
mình”, Đức Giêsu đã muốn một lần nữa qủa
quyết đường lối và ý muốn trở nên “tôi tớ của các tôi tớ”
để phục vụ mọi người : “Ai muốn làm lớn giữa
anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải
làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”
(Mt 20,26-28).
“Lánh mặt, lên núi một
mình”, Đức Giêsu đã cho các môn đệ của
Ngài một mẫu gương xóa mình như khi được
tung hô, tán tụng trên đường vào thành Giêrusalem, Ngài đã khiêm tốn ngồi trên
lưng một chú lừa con, bé bỏng, để các thiếu nữ Xion đừng sợ, vì Đức Vua của
ngươi ngự đến rất hiền lành, nhân hậu trên lưng lừa con, không cao sang, hoành
tráng, kiêu kỳ (x. Ga 12,12-15).
“Lánh
mặt, lên núi một mình”, Đức Giêsu đã công khai từ chối mô
hình người lãnh đạo trần gian, lãnh tụ
trần thế khi thẳng thắn nói với các môn đệ của Ngài : “Anh
em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn
thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy”
(Mt 20,25-26).
Tóm lại, Đức Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội
với phẩm trật là hàng giáo phẩm, tức các Giám Mục, và hàng giáo sĩ tức các Linh
Mục, Phó Tế đã từ chối cho chính mình danh dự và vai trò lãnh tụ, và đương
nhiên không muốn các Giám Mục, Linh Mục, Phó tế của Ngài trở thành những lãnh tụ
theo mô hình lãnh tụ của đời thường, nhà lãnh đạo theo kiểu lãnh đạo của trần
thế.
3.
Hiện
Tượng “Giáo Sĩ trị” theo Đức Giêsu :
Thực ra, hiện tượng Giáo Sĩ trị đã có từ thời
Đức Giêsu, và các giáo sĩ của hiện tượng này đã làm ngứa mắt Đức Giêsu và Ngài
đã nặng lời lên án các ông. Vì thế, không cần phải tìm kiếm xa xôi, nghiên cứu
tài liệu này, thống kê kia, mới biết thế nào là thực chất của Giáo Sĩ trị,
nhưng chỉ cần tìm về Tin Mừng Mátthêu chương 23, chúng ta sẽ thấy tường tận con
người đích thực của cái gọi là “chủ nghiã Giáo Sĩ trị”
mà ngày càng làm dân tình chán ngán, làm dân chúng chạy xa, làm giáo dân lo ngại.
a. Giáo
sĩ trị gồm những giáo sĩ kiêu căng tự cho mình quyền “bất
khả xâm phạm” :
Vì dựa vào “thần
quyền”, nghiã là quyền của Thiên Chúa,
nên khi một giáo sĩ dựa vào thần quyền mình đã lãnh nhận để thay vì phục vụ người
khác lại bắt người khác phục vụ mình, thay vì hy sinh vì đoàn chiên lại bắt đoàn
chiên phải hy sinh vì mình, thay vì hiến mạng sống vì con dân lại thí mạng con dân
để giữ an toàn sinh mạng mình thì nghiễm nhiên tự cho mình cái quyền bất khả
xâm phạm, “vì ngồi trên toà ông Môsê mà giảng
dậy” như các Kinh Sư và Pharisêu đã bị
Đức Giêsu trách mắng. Ảo tưởng là “người của Thiên Chúa”,
được Thiên Chúa trao quyền từ Trời cao, mà không lệ thuộc, cũng không can dự gì
đến người trần thế sẽ rất dễ đưa giáo sĩ sẵn có máu lãnh tụ rơi vào tình trạng ảo
tưởng mình là vua, là quan, là thầy dậy với quyền bất khả xâm phạm.
Bất khả xâm phạm khi cho mình là người được
thần quyền tuyệt đối che chở, bảo kê ; bất khả xâm phạm khi coi mình có
toàn quyền vì thần quyền được coi là quyền bao phủ trên trời dưới đất. Chính vì
ảo tưởng bất khả xâm phạm, mà giáo sĩ thuộc khuynh hướng Giáo Sĩ trị mới đi vào
tình trạng bất nhất : “họ nói mà không
làm” (Mt 23,3), không làm điều mình
nói, không giữ điều mình hứa, không thực hiện điều mình dậy người khác phải thực
hiện, không tuân giữ điều mình buộc người khác phải tuân giữ.
Nhưng được như thế cũng đã là khá, bởi nếu
như thế thì chỉ cần làm như Đức Giêsu chỉ dậy, đó là : “Tất
cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng làm
theo.” (Mt 23,3), nhưng trong thực tế,
người theo “chủ nghiã Giáo Sĩ trị”
sẽ không dừng ở đó, mà nói huyên thuyên theo ý mình ; nói bạt mạng mà
không sợ mình “nói hoảng nói tiều” ;
nói linh tinh mà không sợ mình nói sai, nói bậy ; nói ngang ngược mà không
ngại làm tổn thương, đau khổ người khác, chỉ vì lầm tưởng mình là chân lý, mình
“đang cầm trong tay vương trượng, quyền
hành của Thiên Chúa”, khi ảo tưởng bất khả xâm phạm lấn
chiếm toàn thể tư duy, thái độ sống. Và dấu hiệu của một giáo sĩ biến chất thành “giáo
sĩ trị” chính là ảo tưởng : giáo sĩ
là người bất khả xâm phạm.
Và vì bất khả xâm phạm, nên khi có ai
phê phán, nhắc bảo, sửa sai, góp ý thì đùng đùng nổi sùng, hùng hổ phản công kẻ
đã dám to gan đụng chạm đến mình, để rồi thái độ khiêm tốn lắng nghe, bình tĩnh
đón nhận ý kiến xây dựng của người khác, nhất là của cấp dưới, giáo dân là một
điều hầu như bất khả thi, nếu không muốn nói là bị coi như những xúc phạm nghiêm
trọng, những “phạm thánh”
khó gột rửa, tẩy xoá đối với những thành phần thuộc khối “giáo
sĩ trị” này.
Chính vì tự cho mình quyền bất khả xâm
phạm, nên giáo sĩ rơi vào vũng lầy “giáo sĩ trị”
sẽ không chỉ “ngôn - hành bất nhất”,
mà còn có những hành động bất nhân, khi
luôn cho mình đúng vì nắm giữ thần quyền, luôn cho mình thánh thiện, vì thuộc
hàng ngũ được thánh hiến, luôn cho mình dầy công trạng với nhân loại, vì đã bỏ
mọi thú vui trần tục vì Giáo Hội và mọi người. Chính ảo tưởng là ân nhân vĩ đại
của nhân loại, thuộc hàng ngũ khanh tướng cao siêu, mà “giáo
sĩ biến chất” tự cho phép mình “làm
mưa làm gió” trên giáo dân, cho mình cái quyền
bất nhân là “bó những gánh nặng mà chất lên vai
người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”
(Mt 23,4).
Cũng từ ảo tưởng “bất
khả xâm phạm”, “giáo
sĩ trị” thoái hoá thành kẻ kiêu căng, khoe
khoang, ngạo mạn, và mức độ ảo tưởng càng cao, thì thái độ sống càng hợm hĩnh,
lố bịch như đám kinh sư bị Đức Giêsu nghiêm khắc khiển trách : “Họ
làm mọi việc cốt để thiên hạ thấy. Qủa vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu
trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nlơi công cộng và đuợc thiên
hạ gọi là “ráp-bi”
(Mt 23,5-7).
b. “Giáo
Sĩ trị” quy tụ những giáo sĩ kiêu ngạo tự cho
mình cái quyền bất khả ngộ :
Quyền bất khả ngộ là quyền dành cho
Thiên Chúa, vì chỉ một mình Ngài là Chân Lý tuyệt đối, Sự Thật toàn diện, toàn
phần, còn loài người chúng ta, vì là hữu thể bất toàn, nên không là Chân Lý,
không nắm toàn diện sự thật, bởi lệ thuộc rất nhiều giới hạn. Chỉ riêng Đức
Thánh Cha có quyền này, khi ngài công bố một điều gì thuộc phạm vi “luân
lý và tín lý” trong tư cách đại diện Đức Giêsu.
Thế mà những giáo sĩ trong hàng ngũ “giáo sĩ trị”
thì lại tự cho mình cái quyền vô cùng hiếm hoi ở loài người, khi tự nhận mình
là “thầy dậy bất khả ngộ”
trên bất cứ điều gì họ phán, kể cả những điều sai trái, nguy hại đến sự sống và
hạnh phúc của người khác.
Khi khiển trách đám kinh sư và Pharisêu “thích
được thiên hạ gọi là ráp-bi”, nghiã là thầy, Đức Giêsu
muốn lật tẩy ảo tưởng bất khả ngộ mà họ tự gán cho mình. Vì cho mình bất khả ngộ,
các “giáo sĩ trị”
trong đạo Do Thái đã ngang nhiên coi mình là chân lý, và mọi người đều sai, sai
nên không có quyền ý kiến, sai nên không được trình bầy, sai nên không được mở
miệng minh oan, tự bào chữa. Tự coi mình là chân lý, có quyền bất khả ngộ, “giáo
sĩ trị” tự cất bổng mình lên cao ngang
hàng thần thánh, có khi ngang hàng Thiên Chúa. Họ quên một điều rất quan trọng mà
Đức Giêsu nghiêm nghị nhắc bảo : “Anh em chỉ có một Thầy
… Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời ... Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là
Đức Kitô” (Mt 23,8-10).
Từ ảo tưởng là thầy dạy bất khả ngộ, “giáo
sĩ trị” coi mọi người là ngu si, dốt nát,
kém cỏi, đần độn và thẳng mặt khinh khi, thẳng tay đàn áp. Khi nêu lên thân phận
những bà goá bị đám kinh sư “giáo sĩ trị”
nuốt sạch tài sản (x. Mt 23,14), Đức Giêsu muốn làm rõ hình ảnh những giáo dân
nghèo khó, đơn sơ, hồn nhiên, đạo đức đã bị
kinh sư đường mật dụ dỗ, nhưng đồng thời cũng hay sợ hãi trước những hù
dọa, đe nẹt của đám “giáo sĩ trị”
rất ma le, khôn khéo “vừa đánh vừa xoa, vừa đe vừa dỗ”
này.
Qủa thực, hai cám dỗ nặng nề ở “giáo
sĩ trị” là tự cho mình bất khả xâm phạm,
và bất khả ngộ vì “ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dậy”
(Mt 23,2). “Ngồi trên toà ông Môsê”
là ngồi trên toà cao nhất, thánh thiện nhất, uy quyền nhất, vì Môsê là người của
Thiên Chúa chọn để cứu dân khỏi ách thống trị của Ai Cập ; là nhà lập pháp của
Israel, nên từ toà Môsê mà phán thì tất cả đều phải là chân lý tuyệt đối, và
người ngự toà này để phán ra chân lý tất nhiên cũng phải có đặc quyền bất khả
xâm phạm. Từ hai đặc quyền bất khả xâm phạm và bất khả ngộ tự nhận riêng cho mình, hiện tượng “giáo
sĩ trị” sẽ bùng nổ dữ dội và lan tràn
nhanh chóng với rất nhiều lạm dụng mà Đức Giêsu đã không ngần ngại cho là tội
ác khi máu người khác đã đổ “giữa đền thánh và đền
thờ” (Mt 23,35), và nặng lời lên án họ :
“Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia ! Các
người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ?”
(Mt 23,33).
Hai cám dỗ nặng nề trên, tuy không được
nhắc tới nhiều, vì chúng rất khôn khéo giấu mình, ẩn thân, che đậy dưới nhiều vỏ
bọc, nhưng đích thực là nguyên nhân của mọi tệ đoan, lạm dụng trong hàng ngũ “giáo
sĩ trị”. Chính chúng mới là “hai mối tội đầu”,
và “hai chân đứng vững chắc”
cho gian ác tồn tại, khi cậy mình bất khả xâm phạm để tham lạm bất chính, trấn
lột bất công, và bất nhân trong cư xử ; cậy mình bất khả ngộ nên coi thường
thiên hạ, phủ nhận lẽ phải, tiêu diệt chứng nhân, người công chính, đàn áp thứ
dân “thấp cổ bé miệng”
dại khờ, ngây thơ.
Nhận diện hai cạm bẫy này, giáo sĩ sẽ tránh
được những bước chân mang nhiều rủi ro, nguy hiểm đưa đến tình trạng thoái hoá
thành giáo sĩ trị, đánh mất lý tưởng cao đẹp của đời tận hiến, và giá trị, ý
nghiã thánh thiêng của sứ vụ Mục Tử chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên.
c. “Giáo
Sĩ trị” bất khả tín :
Người
kiêu căng tự cho mình quyền bất khả xâm phạm, cũng như người kiêu ngạo đòi sở hữu
quyền bất khả ngộ sẽ không thể là người lương thiện, đáng tin, vì một lẽ đơn giản :
tự bản chất họ đầy bất toàn, và chính họ nhận ra những bất toàn đó, nhưng cố
tình đóng kịch, che đậy để giữ ghế.
Biết rõ mình bất toàn, và người khác cũng
nói cho họ biết những bất toàn của họ, nhưng vì kiêu căng, phải khư khư chống
chế, vì kiêu ngạo, phải “mồm loa mép dải”
tự biện hộ mình hoàn hảo, nên tất yếu người kiêu căng, kẻ kiêu ngạo phải thuộc dạng “giả
hình, giả dạng, giả dối, giả nhân giả nghiã”
mới giữ được chỗ đứng kiêu ngạo bất khả xâm phạm, và kéo dài được thời vận kiêu
căng bất khả ngộ của họ.
Như thế, kiêu căng và giả hình luôn đi song
đôi, vì người thành thật thì khiểm tốn, khiêm tốn vì nhận ra sự thật bất toàn của
mình một cách lương thiện, chân thành. Có nhìn ra thiếu sót, tội lỗi của mình
cách chân thật, người ta mới khiêm nhường nhận mình là người bất toàn, còn nhiều
khuyết điểm, yếu đuối. Vì thế, kẻ kiêu căng càng tự coi mình là bất khả xâm phạm,
bất khả ngộ, họ càng giả hình, trí trá, đội lốt để đến một lúc, người ta sẽ
khám phá sự thật và đánh giá họ là “bất khả tín, không đáng
tin cậy”.
Vì bất khả tín, họ trở thành người giả
hình, hay ngược lại, vì giả hình họ trở thành kẻ bất khả tín, hậu qủa của kiêu
căng, tự coi mình là số một trong khi mình chưa là số mười ; tự xếp mình
vào hàng lãnh tụ, trong khi mình “vô tài, bất tướng” ;
tự nâng mình lên hàng khanh tướng, trong khi mình chỉ là kẻ “thánh
tướng, hoang tưởng”.
Khi lên án những kinh sư và Pharisêu mang
não trạng “giáo sĩ trị”,
Đức Giêsu đã gọi họ là những kẻ giả hình : chiếm đọat tài sản của bà goá
nghèo, cô thế, mà “làm bộ đọc kinh lâu giờ”
(Mt 23,14) ; chi li trong chuyện “nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ
những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”
(Mt 23,23) ; “chén điã bên ngoài thì rửa rất sạch,
nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”
(Mt 23,25) ; mồ mả thì tô vôi, “bên
ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”
(Mt 23,27). Thật đáng sợ khi nghe những lời lên án đanh thép từ miệng Đức Giêsu
trước các kinh sư, Pharisêu kiêu căng, giả hình này !
Đây là hậu qủa tai hại mà “giáo
sĩ trị” sẽ phải chuốc vào thân, khi giáo
dân một ngày nào đó khám phá sự khác biệt “một
trời một vực” giữa những trang y phục, mũ mão,
dáng dấp uy nghi bên ngoài và đời sống thực, con người thực, nếp sống trần trụi,
“nguyên con”,
không còn có thể che đậy của họ. Những khác biệt khó có thể hiểu nổi sẽ làm chết đứng người tín hữu, khi
thần tượng được coi là thánh thiêng của họ bất ngờ sụp đổ ; tình trạng không
phù hợp giữa những lời dậy dỗ nghiêm nghị, không sai sót một dấu phẩy của Lề Luật
và nếp sống xa hoa, sa đọa, sa đà bằng những phương tiện vật chất thu gom cách
bất chính của người khác nơi “giáo sĩ biến chất”
sẽ làm đau điếng những người đã một thời “sùng bái”,
kính sợ họ. Và tất nhiên, những giáo sĩ rơi vào hiện tượng này sẽ trở thành những
kẻ không đáng tin cậy, những người “bất khả tín”,
là hình phạt tinh thần nặng nề đối với những con người có mặt trong đời để người
khác tín thác, tin tưởng, trao gửi tâm sự , gửi gắm bí mật cuộc đời nhiều oan
khiên, tội lụy, và đợi chờ ở họ lời cầu bầu thứ tha.
4. Dung
mạo đích thực Đức Giêsu chờ đợi ở hàng giáo sĩ :
Như đã trình bày ở trên : Đức Giêsu
không đào tạo các Tông đồ và môn đệ của Ngài thành những lãnh tụ, vì Ngài biết :
đã là lãnh tụ tức phải thống trị, là
lãnh đạo thì phải cai trị, mà đã thống trị, cai trị thì rất khó tránh khỏi hống
hách, quan quyền, hung hăng, ngạo mạn, tự đắc, rồi từ đó đi vào lãnh địa của độc
tài, độc đoán, độc ác, bởi quyền lực là cám dỗ khủng khiếp hơn tất cả các cám dỗ
khác.
Khi từ chối được dân chúng tôn làm vua, làm
lãnh tụ, cũng như khi khuyến cáo các tông đồ nguy cơ của kẻ quyền thế là bắt
người khác phục vụ mình, là “ngồi trên đầu trên cổ”
người khác, nhất là khi thẳng thừng vạch mặt những kinh sư, đại diện cho hàng
ngũ “Giáo Sĩ trị”,
Đức Giêsu đã cương quyết từ chối mô hình đào tạo hàng giáo sĩ trở thành những
ông quan, những kẻ làm đầu thiên hạ, những khanh tướng, những giáo sĩ được truyền
chức để thống trị, và loại bỏ khỏi những người được tuyển chọn làm giáo sĩ này
não trạng lãnh tụ, lãnh đạo, nhà quản trị tài ba, quyền thế. Trái lại, Đức
Giêsu đã kêu gọi và huấn luyện các tông đồ, môn đệ của Ngài thành những Mục Tử
nhân lành chăn dắt và chăm sóc đàn chiên là Giáo Hội của Ngài :
a. Đức Giêsu nhận mình là Mục Tử nhân
lành và giáo sĩ cũng phải trở nên Mục Tử nhân lành giống như Ngài :
Chưa bao giờ Đức Giêsu nhận mình là lãnh tụ,
nhưng chỉ nhận mình là Mục Tử nhân lành : “Tôi
chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11). Và người
được Đức Giêsu tuyển chọn cũng phải trở nên “đồng
hình đồng dạng” với Ngài, tức trở nên như Ngài là Mục
Tử nhân lành.
Trong bữa tiệc ly, trước khi lên đường chịu
tử nạn, Đức Giêsu đã trăn trối cho các môn đệ thân thương của Ngài nhiều
điều như : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương anh em” (Ga 13,34) ; “Người
ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em thương yêu nhau”
(Ga 13,35) ; “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì
Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó với
Thầy.” (Ga 14,3) ; “Hãy
ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em”
(Ga 15,4) ; “Không có tình thương nào cao cả hơn
tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu
của Thầy …Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ
làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi
Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,13-15).
Tất cả những lời ân tình xuất phát từ trái
tim đầy tình yêu của Đức Giêsu đã nói lên Ngài yêu thương các môn đệ, tức các giáo
sĩ của Ngài đến mức nào : Ngài khẳng định yêu các vị rất nhiều, yêu đến hy
sinh mạng sống ; qủa quyết các vị là bạn hữu thân tín ; biểu lộ ý muốn
các vị ở với Ngài, và trong Ngài. Những lời ân tình đó cũng nói lên đòi hỏi các
vị phải nên giống Ngài trong mọi sự, từ ước mơ, thao thức đến chọn lựa, việc
làm, bởi bạn hữu thì biết hết việc của nhau và nói cho nhau nghe hết những gì
thầm kín, bí mật, vì tình yêu giữa bạn hữu thì cao cả đến độ sẵn sàng hy sinh
ngay cả mạng sống cho bạn hữu của mình.
Vì thế, sẽ không có lý do giáo sĩ của Đức
Giêsu lại không giống Đức Giêsu, Đấng đã tuyển chọn và truyền chức cho mình. Chẳng
thế mà giáo sĩ được gọi là Đức Kitô khác : Alter Christus, nghiã là nên giống
Đức Giêsu trong mọi sự, chứ không khác Đức Giêsu quá nhiều và qúa xa. Và điều Đức
Giêsu đòi các vị phải nên giống Ngài khi được chọn vào hàng giáo sĩ chính là trở
nên Mục Tử nhân lành như Ngài.
b. Những
đòi hỏi ở Mục Tử nhân lành :
Đức Giêsu vẽ thật rõ nét chân dung Mục Tử
nhân lành mà Ngài là, và các giáo sĩ của Ngài phải trở nên : “Tôi
chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh,
nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên, và làm cho chiên
tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không biết gì đến chiên. Tôi chính là Mục
Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha
biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy
sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11-15).
Trước
hết, Đức Giêsu loại bỏ ngay mẫu người chăn thuê, vì đây là cám dỗ nguy hiểm nhất
ở người được gọi trở thành Mục Tử nhân lành. Tại sao là cám dỗ nguy hiểm ?
Thưa vì làm kẻ chăn thuê sẽ không vất vả
như làm Mục Tử chân chính, nhân lành, vì không phải mất công, mất giờ để biết
rõ từng con chiên ; không cần phải lo lắng bảo vệ chiên khi sói dữ tấn
công ; không nặng lòng, xót xa khi chiên bị sói vồ, ăn thịt ; không
phải trăn trở khi chiên đau, chiên bệnh ; không mất ăn, mất ngủ khi chiên
lơ đãng lạc đàn ; không phải tất tưởi “chạy
đôn chạy đáo” đi tìm đồng cỏ xanh, suối nước
trong cho chiên no đủ và nghỉ ngơi ; không phải vất vả thức khuya dậy sớm
coi chừng kẻ trộm lẻn vào chuồng “ăn
trộm, giết hại” chiên (x. Ga 10,7-10) ; nhất
là không phải liều mất mạng sống của mình vì đoàn chiên. Chính vì không vất vả mà
lại có ăn ; không hy sinh mà lại có tiếng ; không thiệt thòi, mất mát
mà lại có chỗ đứng hàng đầu, chỗ ngồi phiá trước ; không đóng góp, trao tặng mà lại phủ phê, dư dật nhờ uy thế, bổng lộc ;
không “máu đổ, đầu rơi”,
mà cứ phây phây làm lãnh đạo, lãnh chúa, nên chỗ đứng của kẻ chăn thuê trở nên
hấp dẫn, lôi cuốn những người được chọn làm mục tử.
Đức Giêsu biết sẽ có những kẻ chăn thuê lọt
vào hàng ngũ mục tử, nên đã cảnh báo rất rõ ràng chân tướng của kẻ chăn thuê rất
nguy hiểm này. Và Ngài cho chúng ta “chià khoá”
để nhận diện kẻ chăn thuê đã lọt vào chuồng chiên, và nhận ra ai là Mục Tử nhân
lành. Chià khóa đó là: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của
tôi biết tôi” (Ga 10,14).
Biết chiên mình chăn dắt là điều kiện tối
quan trọng của Mục Tử chân chính và nhân lành, bởi không gì tai hại và vô trách
nhiệm hơn khi Mục Tử có nhiệm vụ chăn dắt, và
chăm sóc chiên lại không biết rõ chiên mình chăn dắt, chăm nom. Đức
Giêsu đã lấy tiêu chuẩn “biết chiên”
để phân loại kẻ chăn chiên thuê và Mục Tử đích thực, xứng đáng như lòng Chúa
mong ước, vì có biết mới yêu thương ; có biết mới thấu hiểu, cảm
thương ; có biết mới chữa đúng bệnh, mới băng bó đúng vết thương ; có
biết mới nghe đuợc tiếng chiên thở than, thì thầm, thỏ thẻ, rên rỉ ; có biết
mới giải toả ẩn ức, mặc cảm chôn sâu tận đáy lòng chiên ; có biết mới cứu
chiên khỏi hiểm nguy, gian truân, sóng gió và có biết mới “cho
chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Đức Giêsu đặt nặng đòi hỏi phải biết
chiên, nhưng Ngài không dừng lại ở “cái
biết bình thường”, biết ở tầm vóc, mức độ nhân loại,
nhưng nâng cái “biết chiên”
của Mục Tử lên ngang tầm cái biết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha : “Tôi
biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết
Chúa Cha” (Ga 10,14-15). Chính vì biết chiên
trở nên biết Chúa Cha, mà Mục Tử đã có thể sẵn sàng “hy
sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).
Để kết luận, chúng ta không thể chối cãi Đức
Giêsu đã lên án những giáo sĩ thuộc hàng ngũ “giáo
sĩ trị”, vì họ phản bội lời thề phục vụ
đoàn chiên với tấm lòng yêu thương dạt dào và hy sinh đến sẵn sàng mất mạng sống
vì đoàn chiên, khi lãnh nhận hồng ân và trách nhiệm Mục Tử và trở nên Mục Tử nhân
lành như Đức Giêsu. Chúng ta cũng không nghi ngờ gì về những tai hoạ mà “chủ
nghiã giáo sĩ trị” mang lại cho dân Chúa. “Chủ
nghiã” này không những phá hoại nội bộ Giáo
Hội mà còn đóng mọi con đường dẫn muôn dân đến gặp gỡ Đức Giêsu trong Giáo Hội
của Ngài. Chúng ta cũng xác tín mẫu gương Mục Tử nhân lành trong Tin Mừng
Gioan, chương 10 là chân dung đích thực và xứng đáng của hàng giáo sĩ mà Đức
Giêsu mong đợi cho Giáo Hội của Ngài. Qua mẫu gương Mục Tử nhân lành là Đức
Giêsu, hàng giáo sĩ sẽ không mất hướng, không mất lửa, không lạc mất từng bước
chân, dấu chân Mục Tử của Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành đã đến, và “tự
ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), “để
cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Các nước Âu -Mỹ với phong trào giải
phóng con người ngày càng dâng cao đã không ngừng đưa vấn đề “Giáo
Sĩ trị” ra bàn cãi, tranh luận và cả đàm
tiếu, diễu cợt, với ý hướng xây dựng thì ít, nhưng đả phá, bài bác, bôi nhọ
Giáo Hội thì nhiều. Việt Nam chúng ta không ở vào tình trạng này, nhưng điều đó
không có nghiã là sẽ không bao giờ xẩy ra. Sự khôn ngoan luôn đòi phải tiên liệu :
tiên liệu để tránh cho Giáo Hội hiện tượng “Giáo
Sĩ trị” có thể xẩy ra. Nhưng để tiên liệu
thì phải biết rõ thực chất của hiện tượng, bởi có biết mới tiên liệu được, có
biết đúng mới tiên liệu đúng, nên việc người tín hữu được biết trước, biết rõ để
phòng ngừa, ngăn chặn thiết tưởng là điều cần thiết và nên khuyến khích, mà
không nên hiểu một cách tiêu cực như việc “vạch
áo cho người xem lưng”, hay thách thức, khiêu khích hàng
giáo sĩ.
Xin Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành thương
gìn giữ các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế trong Giáo Hội, để các vị không rơi vào
cám dỗ của “Giáo Sĩ trị”,
bằng yêu thương chiên, hiểu biết chiên, ở với chiên, có được mùi chiên để chăn
dắt và chăm sóc chiên với trái tim đầy thương xót biết “tha
thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”
(1 Cr 13,7), nhất là hy sinh tất cả, kể cả “mạng
sống mình cho đoàn chiên” như Đức Giêsu, vị Mục
Tử tối cao và tuyệt đối nhân lành (Ga 10,15).
Jorathe Nắng
Tím