Sau những tháng ngày
xôn xao, huyên náo, ồn ào với phong trào lòng Chúa thương xót, cộng đồng mạng lại
khởi động ồn ào, huyên náo, xôn xao với một phong trào rất mới lạ, đó là phong
trào “giải thích” lòng Chúa thương xót. Quan sát phong
trào này, người ta nhận thấy hiện tượng giải thích lòng Chúa thương xót đã
không theo một quy tắc, tiêu chuẩn nào có giá trị, mà hầu như đều theo cảm tính
cá nhân và quan điểm, chọn lựa của phe nhóm. Nhiều người đưa ra nhiều nội dung
giải thích lạ đến đáng ngại, và hậu qủa là nhiều người “bé nhỏ, hèn mọn” chập chững đi tìm Thiên Chúa của lòng thương xót lại một phen
hoang mang, mất hướng.
Người viết chỉ dám mạo
muội chia sẻ chút suy tư.
Khi đề nghị cùng bạn đi
tìm nội dung đích thực của giải thích đúng nhất, người viết không thể dựa vào bất
cứ giải thích nào về lòng thương xót, ngoài giải thích của Tin Mừng, cũng như
không thể quy chiếu vào bất cứ nội dung
lòng thương xót nào, ngoài nội dung của Lời Đức Giêsu nói với nhân loại về lòng
thương xót của Thiên Chúa, Cha Ngài, vì chỉ một mình Ngài, Thiên Chúa làm người,
là dung mạo đích thực của Chúa Cha, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, mới định
nghiã và cắt nghiã chính xác thế nào là lòng thương xót, như mặc khải về chính
mình.
Trước hết, để tránh mất
thời giờ và công sức đi loanh quanh tra cứu, tìm tòi, tham chiếu đó đây, chúng
ta được Giáo Hội mời gọi tìm về Tin Mừng Luca, ở đó, thánh sử đã dành hẳn
chương 15 mang tựa đề : “Ba
dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Chương 15 của Tin Mừng
Luca với ba dụ ngôn về lòng thương xót do chính Đức Giêsu nói với nhiều người,
trong đó có “các người thu
thuế và các người tội lỗi đến nghe Người giảng” (Lc 15,1), “những người Pharisêu, và các kinh sư đang xầm xì với nhau” về chuyện Ngài “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống
với chúng” (Lc 15,2-3). Như
thế, thính giả nghe Đức Giêsu nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hôm đó gồm
hai thành phần đối nghịch : một bên là những người tội lỗi tìm đến lòng
thương xót vì biết mình cần được Thiên Chúa xót thương ; bên kia là những
chức sắc cho mình là đạo đức, thánh thiện, hoàn hảo, không cần đến lòng thương
xót đang xầm xì công kích lòng thương xót và thái độ tôn trọng, gần gũi, chân
tình của Đức Giêsu dành cho những người bị họ coi là phường gian ác, tội lỗi.
Dụ ngôn thứ nhất, Đức
Giêsu cực tả lòng xót thương của Thiên Chúa khi Ngài là chủ chăn đích thân hối
hả “đi tìm cho kỳ được” con chiên đi lạc, mà bỏ chín
mươi chín con “ngoan ngoãn” ở lại, và khi tìm được con chiên
lạc, Ngài vui mừng âu yếm vác lên vai, lại
hứng khởi mời mọi người : “Xin
chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15,6).
Dụ ngôn thứ hai cũng
tương tự : người đàn bà có mười đồng quan, chẳng may đánh mất một đồng “đã thắp đèn, quét nhà, moi móc
tìm cho kỳ được” (Lc 15,8),
và khi tìm được, bà cũng xin mọi người chung vui với bà.
Trong cả hai dụ ngôn,
con chiên và đồng quan đều bị lạc, bị mất, nhưng chiên lạc không tìm đường về,
và đồng quan thì tất nhiên rớt đâu phải nằm yên đó, bởi không có chân, có cánh.
Duy chỉ người chăn chiên mất chiên, người phụ nữ mất tiền đã hối hả lên đường, vội vàng moi móc mọi ngõ ngách
trong nhà để “tìm cho kỳ được” chiên đi lạc, đồng quan rơi mất.
Đối tượng của lòng
thương xót ở đây xem ra có vẻ thụ động, chỉ chủ thể của lòng thương xót là
Thiên Chúa mới hoạt động, chủ động đi tìm. Tuy thế, khi tìm được con chiên đi lạc
“thụ động” không biết đường về, đồng quan
bị rớt mất nằm yên một chỗ, Đức Giêsu vẫn công bố một tin mừng vô cùng lớn lao :
“trên trời, ai nấy đều vui
mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7.10).
Như thế, ngay cả khi đối
tượng của lòng thương xót chưa ý thức đủ sự cần thiết phải được Thiên Chúa
thương xót cứu vớt, thì Thiên Chúa vẫn chủ động lên đường đi tìm họ, vì một lý
do duy nhất, như chính Đức Giêsu đã khẳng định : “vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất
đó” (Lc 15,6).
“Con chiên của
tôi” nghe dễ thương, trìu mến,
thiết tha ân tình, thổn thức, chạnh lòng làm sao ! “Con chiên của tôi” là hạnh phúc của Thiên Chúa khi nói đến con người,
là niềm vui của Đấng Chủ Tạo khi nhớ về thụ tạo yêu dấu nhất do chính tình yêu
mình tạo dựng. “Con chiên của
tôi” cũng là niềm an ủi vô
giá của con người, đảm bảo chắc chắn ơn cứu độ cho người tội lỗi, vì biết mình
là con yêu của Thiên Chúa, được Thiên Chúa nhận và gọi là “con chiên của tôi”.
Vì là của tôi, nên tôi
yêu thương, dấu ái ; vì là của tôi, nên tôi không chịu để mất, đi lạc ;
vì là của tôi, nên tôi không muốn rời xa ; vì là của tôi, nên tôi chỉ muốn
thông ban hạnh phúc ngập tràn. Và đó chính là đặc tính vô biên, vô điều kiện của
lòng thương xót Chúa dành cho con người : đích thân đi tìm và đến với người
tội lỗi trước, như Đức Giêsu, “Thiên
Chúa làm người” đã đích
thân đi tìm và đến với nhân lọai trước khi nhân loại nhận biết Ngài là Đấng Cứu
Độ, như Tin Mừng Gioan đã xác tín : “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi
người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không
nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9-11). Và cho dù chưa nhận
biết, Thiên Chúa vẫn yêu thương, và mở lối cho ơn cứu độ, vì với Thiên Chúa, mỗi
con người đều là “con chiên
của tôi, con chiên bị mất đó”
(Lc 15,6).
Nhưng với dụ ngôn thứ
ba, dụ ngôn “người cha nhân
hậu”, chúng ta thấy có nhiều
điểm khác với hai dụ ngôn trên, và nhờ những điểm khác này, chúng ta hiểu sâu
sa hơn thế nào là lòng thương xót của Thiên Chúa :
1.
Khởi
điểm hành trình trở về của người con thứ hoang đàng là cảnh túng thiếu vật chất,
và cơn đói của thân xác (Lc 15, 14-20)
Chúng ta đều biết, người
cha có hai con trai. Cả hai đang sống hạnh phúc trong yêu thương và sung túc của
Cha, thì bỗng dưng người con thứ xin cha chia gia tài và bỏ nhà đi hoang. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch
tiền, thì xẩy ra trong vùng ấy một ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu
lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người
này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đồ ăn của heo mà nhét cho đầy
bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao
nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta “ở đây lại chết đói” (Lc 15, 14-17).
Như thế, anh chàng “phá gia chi tử” kia đã vì đói mà có ý định trở
về nhà cha, vì sợ chết đói mà phải đứng lên trở về tổ ấm an toàn. Anh hoảng sợ
vì đói de dọa sự sống của anh ; anh bàng hoàng vì đói dữ dội tấn công, ào
ào xông tới như muốn lập tức nghiền nát, ăn tươi nuốt sống anh. Trước đây, anh
không biết đói là gì, vì có bao giờ lâm cảnh túng thiếu để biết những cơn đau của
ruột gan khi đói, để cảm nhận những quặn thắt của bao tử trống rỗng, để trải
nghiệm cảnh chân tay run lẩy bẩy, đứng ngồi không vững, mắt cay sè, đầu óc
chóang váng. Hôm nay biết đói, nên anh hiểu : đói là thiếu thốn vật chất,
là khốn khổ của thân xác, là cơn đau khủng khiếp và nhục nhằn không thể tả của
con người. Hôm nay đói, anh nhận ra : đói là hình ảnh của nhu cầu thân xác không được
đáp ứng ; đói sinh bệnh tật ; đói làm thân xác yếu nhược, tiều tụy ;
đói làm suy sụp tinh thần, làm tiêu tan ý chí tiến thủ ; đói làm lu mờ
lương tâm, làm người ta dễ mất nhân cách ; đói đẩy con người đến trộm cắp,
lừa đảo, ăn gian nói dối. Nói chung, đói là tai hoạ của thân xác, là tình trạng
khốn nạn của một con người không có điều kiện vật chất để sống như con người phải
sống. Và anh rụng rời sợ hãi cái khốn nạn tột cùng của con người phải chết vì
đói.
Cũng chính vì rụng rời
sợ hãi cái đói của thân xác đang đe doạ sự sống, mà anh đã quyết định lên đường
trở về với cha mình. Hình ảnh hồi tâm và quyết định trở về từ khi lâm cảnh túng
thiếu, phải đi ở đợ của người con thứ hoang đàng đã nói lên một sự thật rất thật,
đó là không thiếu những người tội lỗi đã trở về với Thiên Chúa của lòng thương
xót “do bởi” và “khởi đi từ”
một tình cảnh đáng thương của thân xác như bệnh tật, nghèo túng, bị mất việc, vợ
con nheo nhóc bữa đói bữa no, bị chủ nợ săn lùng đêm ngày, bị bồ đá, vợ bỏ, bị
xã hội dồn vào đường cùng, ngõ bí…, và từ đó, họ đã gặp được Thiên Chúa của
lòng xót thương ra đón họ ở đầu ngõ, trên đường họ trở về, để không chỉ cho họ
được ăn no, được mặc áo mới, được đeo nhẫn đẹp, được thơm tho, duyên dáng, mà
còn cho họ khám phá ra tình cha nhân hậu
của Thiên Chúa và hạnh phúc được làm con Thiên Chúa của họ, như người con hoang
đàng đã nhận ra địa vị làm con vô cùng cao qúy của mình khi anh thưa với
cha : “Thưa cha, con
thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” (Lc 15,21). Nhưng anh đã lầm,
vì chưa bao giờ cha có ý lấy đi địa vị làm con của anh, dù anh đã làm đủ chuyện
tồi tệ, xấu xa. Và hơn những gì anh mường tượng trước khi trở về, khi “anh còn ở đàng xa, thì người cha
đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20)
Cũng như người con thứ,
rất nhiều người đã trở về từ hoàn cảnh thê lương, bết bát, ở đó không còn ai
thông cảm, sẻ chia, không còn người thân, bạn bè nâng đỡ, an ủi đã chợt nhớ ra
mình còn một nơi nương tựa, một chỗ náu thân, một tình yêu trung tín đến cùng,
một Thiên Chúa là Cha nhân hậu và quyền năng vô cùng luôn thương nhớ và chờ đón
bước chân con trở về với tình cha bao dung, thương xót.
Vì thế, chúng ta hãy biết
từ tâm để đặt mình vào cơn đau bàng hoàng, khủng khiếp của người cha trẻ, của người mẹ mới sinh con đầu lòng, của chàng sinh viên vừa
tốt nghiệp trước tin sét đánh “ung
thư giai đọan cuối” ;
hãy nhân hậu để hiểu hơn những đau đớn kinh hoàng của thân xác sau những cơn ho
cháy phổi, những sáng sớm “xất
bất xang bang” chạy tiền “tạm ứng” cho bệnh viện để cứu đứa con tám tuổi bị tai nạn
giao thông trên đường đi học, những té ngã, ngất xỉu vì bất lực trước cái chết
gần kề của đứa con duy nhất trong cơn bạo bệnh ; hãy tập biết chạnh lòng
thương cảm nỗi nhục bẽ bàng khi người mẹ góa bụa nghèo khó bị chủ nợ cầm cây rượt
đánh giữa chợ, để đừng bắt ai phải đến với Thiên Chúa của lòng thương xót với một
“lý trí tượng đồng”, trong một thân xác vô cảm để
chỉ xin Chúa một điều duy nhất là “vác
thánh giá cho nên”, mà
không được khóc lóc van xin Ngài chữa lành bệnh tật, không được sấp mình năn nỉ
xin Ngài cứu sống, không được thút thít khẩn khoản Ngài ban cho một bàn tay ân
nhân giúp đỡ, bởi ngoài Thiên Chúa, trong cơn khốn quẫn đe doạ sự sống của thân
xác, họ biết chạy đến ai có thể cứu họ, biết tìm ai thắp sáng ngọn nến hy vọng
được cứu sống ?
Nếu người con hoang đàng
đã vì sắp chết đói mà trở về, và đã nhận ra tình xót thương vô bờ bến của cha
mình, khi thấy cha chạy ra “ôm
cổ anh mà hôn lấy hôn để”,
thì rất nhiều người trong chúng ta cũng chỉ nhận ra tình thương và lòng bao
dung, nhân hậu của Thiên Chúa, sau khi đã chạy đến nài xin Ngài chữa bệnh thân
xác, và khẩn khoản Ngài cứu khỏi những hoàn cảnh bế tắc, éo le, nghiệt ngã của
đời thường. Nếu vì khốn cùng, khốn quẫn, khốn nạn phần xác mà
ta chạy đến với lòng thương xót, thì cũng từ bước đầu với lời cầu
xin các ơn phần xác này, Thiên Chúa sẽ cho ta nhận ra ơn làm con cái Ngài, là hạnh
phúc thiêng liêng, đích thực của đời chúng ta, như bao nhiêu người trong Tin Mừng
đã nhận ra ơn làm con Thiên Chúa sau khi đã được Đức Giêsu chữa các bệnh tật
trên thân xác. Đàng khác, chúng ta làm người có hồn có xác, như Đức Giêsu xuống
thế làm người có xác có hồn, nên ngượng
ngùng, ngần ngại xin Chúa ban ơn phần xác, hay khó chịu khi thấy người khác chạy
đến lòng thương xót để xin ơn chữa lành bệnh tật phần xác thiết tưởng là điều
không hợp lý chút nào ; chưa kể Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Ngài với
tất cả thiếu thốn của con người toàn diện, toàn phần ; như con thơ đến với
mẹ hiền, như tội nhân với linh hồn loang lổ và thân xác te tua đến với Đấng Cứu
Độ, nên chẳng có gì được coi là cấm kỵ, chẳng có yếu đuối, tật nguyền hồn xác nào bị coi là không được phép thân
thưa, hoặc cấm không được nài xin Ngài thi ân giáng phúc, băng bó, chữa lành.
Thực vậy, có ở vào hoàn
cảnh khốn khó, khốn khổ, bị mọi người khinh bỉ, xa lánh của người bị phong hủi,
chúng ta mới thông cảm sự liều lĩnh khi anh bất chấp đám đông chạy lại sấp mình
dưới chân Đức Giêsu mà nài xin : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12) ; có thương cảm
cảnh tù túng, và mặc cảm lệ thuộc, làm phiền mọi người của người bị bại liệt
lâu năm nằm trên giường, chúng ta mới hiểu tại sao người nhà của anh vì thương
anh đã dám liều dỡ ngói trên mái nhà để “thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt
Đức Giêsu” (Lc 5,21) để được
Ngài cứu chữa, vì qúa đông người, không tìm được lối đem người ấy vào ; có
bị ung thư, viêm gan, sưng phổi, đái tháo đường, huyết áp cao, tay chân run rẩy,
nhồi máu cơ tim, nhiễm HIV, chúng ta mới hiểu niềm hy vọng của những người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh, mặc dù mặt trời đã
lặn, mà vẫn nườm nượp tìm đến Đức Giêsu để xin Ngài đặt tay chữa lành (x.
Lc 4,40), và mới lý giải được hiện tượng “đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được Người
chữa bệnh” (Lc 515) ;
có mắc bệnh nan y lâu năm, đi đủ thầy, chạy đủ thuốc mà vẫn không thuyên giảm
như người đàn bà bị băng huyết suốt mười hai năm và không ai có thể chữa được,
chúng ta mới hiểu được lòng tin đơn sơ nhưng sắt đá của bà, khi “bà tiến về phiá sau Đức Giêsu và
sờ vào tua áo của Ngài”. Bà
tưởng không ai biết, nhưng chính Đức Giêsu phát hiện có người đã sờ vào áo Ngài
với niềm tin rất mạnh, khi Ngài nói : “Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực
tự nơi Thầy phát ra” (Lc
8,46), và bà đã được chữa lành với lời khen của Đấng đã thương xót chữa
bà khỏi bệnh: “Lòng
tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an” (Lc 8,48) ; có ở vào hoàn cảnh của người cha chỉ
có một đứa con duy nhất, thế mà cháu lại bị kinh phong, bị ma qủy nhập vào hành
hạ, vật lên vật xuống, đến nhừ tử, sùi cả bọt mép (x. Lc 9, 38-39), chúng ta mới
cảm được nỗi lòng của người cha bất chấp đám đông len lỏi đến trước mặt Đức
Giêsu và thảng thốt kêu lên : “Lạy Thầy, tôi xin Thầy đoái nhìn
đứa con trai tôi, vì tôi chỉ có một mình cháu” (Lc 9,38).
Vì thế, chúng ta không
nên lên án những người đến xin Chúa ơn chữa lành bệnh thân xác là những người mê
tín, không có đức tin, không hiểu lòng thương xót, hoặc làm sai lạc lòng thương
xót Chúa. Chúng ta cũng đừng quên, ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ kể ra một danh
sách những khốn nạn, khốn khổ trên thân xác của con người như “đói khát, trần truồng, đau yếu,
ngồi tù …” và hỏi mỗi người
chúng ta về những gì chúng ta đã làm cho những người anh em mang những vết thương đau đớn trên thân xác
này (x. Mt 25,31-46). Và một điều rất quan trọng là tất cả những người nhận
được ơn chữa lành phần xác đều đã nhận ra Đức Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai, Con
Thiên Chúa, và qua ơn chữa lành bệnh tật phần xác, “mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa” (Lc 9,43), và “tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 13,13).
2.
Đích
tới của hành trình trở về là nhận ra Cha mình giầu có, nhân hậu, bao la lòng thương xót (Lc 15, 20-24) :
Hành trình sống lòng
thương xót của Thiên Chúa phải hướng chúng ta đến mục tiêu : nhận ra Thiên
Chúa là Cha nhân hậu, giầu lòng thương xót. Đây là điều chúng ta không được sao
nhãng, bỏ quên.
Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, người con thứ đã không nhận ra
mình có một người cha nhân hậu, nên đã cảm thấy mái ấm là nhà tù, nhà cha là địa
ngục, tình cha là xiềng xích trói buộc. Vì thế, anh đã đòi chia gia tài và bỏ
cha, bỏ nhà đi hoang. Bởi không nhận ra cha mình là người cha tuyệt vời và
tháng ngày ở bên cha, trong nhà cha, dưới bóng cha là hạnh phúc vô cùng lớn,
nên anh đã lạnh lùng yêu cầu cha chia của, và ngang nhiên bỏ nhà đi (Lc
15,11-13). Rồi suốt năm tháng đi hoang, anh đã không một lần nghĩ đến cha, cho
đến khi túng quẫn, thiếu thốn cùng cực, phải ở đợ nhục nhã, và đói rã họng, đến
cám heo mà không được ăn no, anh mới nảy sinh ý định trở về để khỏi chết đói.
Anh trở về hoàn toàn không vì nhớ thương
cha già ở quê nhà vò võ ra đầu làng mỗi chiều ngóng tin anh, nhưng trở về để được
ăn no như “những người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa” (Lc 15,17), và chỉ khi thấy cha
già tiều tụy, mắt ngấn lệ vui mừng vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24), đã “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh và hôn lấy hôn để” khi
anh còn ở đằng xa (Lc 15,20), thì người
con thứ hoang đàng mới chợt tỉnh cơn mê “hoang đàng, bất hiếu”,
mà nhận ra mình là con của một người cha rất bao dung, nhân hậu, và khám phá ra
hạnh phúc được làm con của người cha “trên cả tuyệt vời”
này.
Anh con trai thứ đã đứng
lên từ khởi điểm của thiếu thốn vật chất, đã lên đường trở về từ khốn nạn của một thân xác đói rách, tiều tụy,
bệ rạc, và đã đạt được mục tiêu của đường về là nhận ra mình là người con được
thương xót, thứ tha, được phục hồi quyền làm con, được chung phần gia nghiệp và
hạnh phúc của cha khi được cha ôm chặt và “hôn lấy hôn để”. Như thế, anh đã thành công vì đã nhận ra tình cha bao la, ơn
cha hải hà, và hạnh phúc tuyệt vời được làm con cha, và từ nay mãi mãi ở trong
nhà cha.
Người con trai lớn, tuy
không hoang đàng, nghiã là được tiếng rất ngoan và hiếu thảo, vì luôn ở bên
cha, trong nhà cha, phụng dưỡng cha, nhưng có một điều rất lạ, mà không ai ngờ,
đó là anh cũng như em trai, không nhận ra cha mình là người cha nhân hậu, cũng
không cảm thấy hạnh phúc được làm con của cha. Bằng chứng là không rời cha một
bước, không vắng cha một ngày, nhưng anh không biết tất cả những gì cha anh có
là anh có, vì “tất cả những
gì của cha đều là của con”
(Lc 15, 31), như cha anh nói với anh, khi anh giận dỗi, tị nạnh : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời
con hầu hạ cha,và chẳng khi nào trái lệnh,
thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.
Còn thằng con trai của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm,
nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !” (Lc 15,29-30).
Thế ra ở với cha bấy
lâu, mà anh con trai cả vẫn không nhận ra cha mình nhân hậu ; sống sung
túc trong cơ nghiệp có người ăn kẻ làm của cha, mà anh vẫn chưa nhận ra sự giầu có, và lòng quảng đại của cha ;
toàn quyền trên của cải trong nhà cha, mà anh vẫn tưởng mình bị o ép, xử tệ, hà
hiếp bất công. Tóm lại, anh không thiếu ăn thiếu mặc như người em trai khi lâm cảnh
túng thiếu, nhưng anh thiếu điều rất
quan trọng, thiếu đòi hỏi quan trọng nhất để được hạnh phúc, đó là nhận ra cha
mình nhân hậu và hạnh phúc được làm con của cha. Sở dĩ anh tị nạnh, bực tức, giận
dỗi bỏ ra ngoài, không thèm dự tiệc mừng “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32), như cha nói với anh
bằng niềm vui vỡ toang trong trái tim đang mở hội của ông, là vì anh không nhận
ra địa vị và vinh dự làm con của cha mình, một người cha tuyệt vời nhân hậu, giầu
lòng thương xót con cái mình và càng không nhận ra người em tưởng đã chết nay sống
lại, tưởng đã mất nay lại tìm thấy đích thực là em mình. Tính ích kỷ, lòng ganh
ghét, ghen tuông đã đào hầm hồ, đặt chướng ngại trên đường về để đường về gặp gỡ
cha và em của anh con cả mỗi ngày một xa hơn, và diệu vợi, trắc trở.
Cuối cùng, cả hai anh em đều giống nhau vì không ai
đã nhận ra cha mình tuyệt vời nhân hậu và hạnh phúc được làm con cha. Nếu người
em đã bỏ phí thời gian ở bên cha, và bỏ nhà đi hoang vì không nhận ra cha mình
nhân hậu, thì người anh cũng bỏ phí những năm tháng ở bên cha, ngay trong nhà cha, được tình cha bao phủ đêm ngày, được ơn
cha gìn giữ an toàn, không mảy may nguy hiểm, không một ngày đói rách, mà không
hề biết cha mình bao dung, nhân hậu, quảng
đại, giầu có. Bi kịch của cả hai anh em là không biết gì về cha mình, không nhận
ra cha mình, không nhận ra mình là con cha, nên cả hai đều chung nỗi bất hạnh,
vì không đạt tới mục tiêu cuối cùng của hành trình đời người : nhận ra
Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu và chúng ta là con cái được thương xót của Ngài. Cũng may là cả hai
đã được lòng thương xót của Cha mở mắt ở cuối hành trình !
Như thế, lòng thương xót chỉ được giải thích trong hướng nhìn của Đức Giêsu khi Ngài mặc khải cho người con thứ hoang đàng dung mạo thương xót của Cha, và hạnh phúc được làm con Cha, khi anh trở về xin được Cha chữa lành vết thương thân xác ; cũng như đánh thức người con cả, tuy được tiếng là con ngoan vì không đi hoang, phung phá, nhưng trái tim anh hoang vắng, vì đã không ấp ủ ơn cha hải hà ; trái tim anh lạnh lùng, vì không ăm ắp hình bóng cha yêu thương, nhân hậu ; trái tim anh ích kỷ chai đá, vì thiếu nồng nàn, rạo rực tình cha bao dung, thương xót, và tình huynh đệ của con cái cùng một cha.
Như thế, lòng thương xót chỉ được giải thích trong hướng nhìn của Đức Giêsu khi Ngài mặc khải cho người con thứ hoang đàng dung mạo thương xót của Cha, và hạnh phúc được làm con Cha, khi anh trở về xin được Cha chữa lành vết thương thân xác ; cũng như đánh thức người con cả, tuy được tiếng là con ngoan vì không đi hoang, phung phá, nhưng trái tim anh hoang vắng, vì đã không ấp ủ ơn cha hải hà ; trái tim anh lạnh lùng, vì không ăm ắp hình bóng cha yêu thương, nhân hậu ; trái tim anh ích kỷ chai đá, vì thiếu nồng nàn, rạo rực tình cha bao dung, thương xót, và tình huynh đệ của con cái cùng một cha.
Để khép lại chia sẻ, chúng ta có thể nói : bất
cứ giải thích nào về lòng thương xót Chúa không nhắm đến con người toàn diện,
mà đòi “phân thây xẻ hồn” con người hầu biện minh cho
quan điểm thuần lý trí nào đó sẽ vấp phải duy nhất tính của con người là hữu thể
gồm hồn và xác, như Đức Giêsu Thiên Chúa làm người có xác và hồn. Lòng thương
xót Chúa còn phải được hiểu là chính Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu
thương xót, như thánh Gioan đã khẳng định (x. 1 Ga 4,8), nên không thể hiểu
lòng thương xót như một phụ thể của Thiên Chúa, để có thể tách rời khỏi Thiên
Chúa khi cần. Sau cùng, và cũng là điều rất quan trọng, đó là tất cả mọi người
đều bơi lội suốt đời mình trong đại dương thương xót bao la của Thiên Chúa, Cha
chúng ta, ngay cả khi chúng ta ngỗ nghịch, phản bội, tự ý bỏ Chúa như người con
thứ. Tuy cuộc đời anh có nhiều giai đọan được đánh dấu bằng nhiều thái độ khác
nhau đối với Cha, nhưng tình Cha vẫn không đổi dời, ơn Cha vẫn không giảm bớt ;
trái lại, tình ấy vẫn tràn đầy thương xót, ơn ấy vẫn đời đời bao phủ, vì Cha là Thiên Chúa trung tín và vô
cùng khoan dung, nhân hậu. Với người anh
cả cũng vậy, tuy ở bên Cha, nhưng lòng xa lắc xa lơ. Anh tưởng mình có hiếu và
yêu Cha lắm, nhưng rốt cuộc, cũng không hơn gì người em hoang đàng bất hiếu, bỏ
nhà đi hoang. Nhưng dù thế nào thì Cha cũng vẫn yêu anh trọn vẹn, khi qủa quyết :
“Tất cả những gì của cha đều
là của con” (Lc 15,31).
Xin cho chúng con hiểu :
đường đến với lòng thương xót chính là đường đến với Chúa, đường vào trái tim Chúa, để “Chúa ở đâu, thì con xin được ở đó với Chúa” (x. Ga17,24), để “tất cả những gì của Cha đều là của
con” (Lc 15,31), để “không sự gì có thể tách chúng
con ra khỏi tình yêu Chúa”
(x. Rm 8,39), và để “con sống
nhưng không phải con sống, mà chính Chúa sống trong con” (Gl 2,20), bởi chỉ khi đứng dậy, lên đường về với
lòng thương xót, trở về với Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương như người
con thứ, và cũng như người anh cả chợt nhận ra mình còn xa Cha lắm để cũng hồi tâm và lên đường trở về với Cha dù ở
ngay bên Cha, chúng ta mới hiểu được bao
la của tình Chúa thương xót, và hạnh phúc được Thiên Chúa mời gọi làm con yêu dấu của Ngài.
Vâng, chỉ duy nhất một
con đường dẫn chúng ta đến gặp Chúa, “Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” là con đường trở về : trở
về với lòng mình để nhận ra mình còn xa Chúa, trở về với anh em để thấy mình
cũng cần được xót thương như anh em đang cần được thương xót. Chính trên con đường
Trở Về này, Thiên Chúa từ đằng xa sẽ thấy chúng ta như người cha nhân hậu đã thấy
con trai mình khi “anh ta
còn ở đằng xa. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để”. Và như người con trên đường trở
về đã mạnh dạn thú tội : “Thưa
Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”, chúng ta sẽ nhận được hạnh
phúc bất ngờ khi Thiên Chúa trả lại cho
chúng ta tất cả những gì chúng ta đã tự đánh mất, khi Ngài cho gia nhân đem áo
đẹp nhất, nhẫn qúy nhất, dép sang nhất trang điểm cho ta, và mở tiệc ăn mừng vì
chúng ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy, nhờ lòng thương
xót bao la vô cùng của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng không chịu mất một người
con nào, nhưng “đi tìm cho
kỳ được” (Lc 15, 4.8).
Jorathe Nắng Tím