Pages - Menu

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

TIỀN CỦA

(Luca 16,1 -13) : Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT  25 và 26 Thường Niên, Năm C
Khi dòng tộc, láng diềng còn nghèo, lại ở vào hoàn cảnh đất nước chiến tranh, thì nét đơn sơ, chân thành, tình nghiã, tương trợ nổi bật, và ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc vì được người khác yêu thương, tin tưởng, và vì thế cũng  một lòng tin tưởng, yêu thương mọi người. Gia đình, họ hàng, làng xóm ở thời ngô khoai, dưa cà tuy đạm bạc ấy nhưng luôn rộn rã, ăm ắp một niềm vui !
Gần nửa thế kỷ sau, vào những năm 2018,2019, khi chủ nghiã thực dụng bùng nổ với nền kinh tế tiêu thụ đạt đỉnh cao, xã hội không còn bình an nhưng thay vào đó là những cảnh thảm sát vì tham lam của cải và ma giáo, bất lương, tàn bạo : cháu cắt cổ bà để cướp đôi khoen vàng, con rể tương lai giết cả gia đình vợ sắp cưới vì những bất đồng vật chất, anh ruột sáng sớm vác dao lao vào giết gia đình em ruột chỉ vì tranh chấp rẻo đất cha mẹ để lại. Và còn vô số những cảnh tang thương, đẫm máu, chết chóc khác mà ngày ngày làm rùng mình, chấn động, hoang mang, hoảng lọan đám dân lành chỉ mong tìm lại ngày xưa quê mình yên ổn, ở đó dân mình hiền hậu, dễ thương.
Nguyên nhân đều do lòng tham vô đáy, được  ma mãnh, gian ngoa viết thành kịch bản lọc lừa và bạo lực đạo diễn thành thảm kịch đau thương. Kết qủa là người ta đã trở thành đồ tể, hoả ngục, ác qủy của nhau từ lúc nào không hay.
Đức Giêsu trong dụ ngôn người quản lý bất lương đã đưa ra một mẫu người gian tham, ma giáo có đẳng cấp, và không mấy lạ lẫm trong xã hội, thời đại chúng ta hôm nay :
Người phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mời gọi anh đến và bảo : Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa. Người quản lý liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ? Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô - liu’. Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhieèu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn gịa luá’. Anh ta bảo : ‘Bác cầm ấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’.. (Lc 16,1-7).
Để có thể sống, sau khi mất việc, người quản lý kia đã tìm cho mình một mánh lới tinh vi và chiêu trò gian lận, bớt xén của chủ theo kiểu của người phúc ta để giữ cho mình một số người ủng hộ, hầu bảo đảm đời sống bắt đầu bấp bênh. Với những người chỉ sống    tiền, và cuộc sống chỉ có ý nghiã khi nhu cầu vật chất được đáp ứng, thì anh quản lý bất lương kia là người khôn ngoan : anh được coi là khôn ngoan vì biết  lừa đảo ông chủ bằng  cho các con nợ  của chủ viết lại giấy nợ  với  số nợ đã được ma mãnh  cắt xén; anh được gọi là khôn ngoan, vì ma giáo chiếm đọat trắng trợn  một phần tiền không nhỏ của chủ mà chẳng để lại dấu vết, chứng cớ gì có thể tố cáo anh ta ; anh được tôn làm sư phụ khôn ngoan, vì vừa ăn cướp vừa nhân ái khi giảm tô, bớt nợ cho các con nợ ; anh được  con nợ suy tôn làm thần tượng khôn ngoan vì đã làm nhẹ đi gánh nợ nặng nề của họ bằng gian xảo, lừa dối ông chủ và lợi dụng con nợ với âm mưu chiếm đọat phần nợ tạm thời được tha; anh được tiếng là người khôn ngoan, vì biết tính toán khi dùng phương tiện bất chính là ký lại giấy nợ, để đạt mục tiêu bất công là chiếm đoạt một phần không nhỏ tiền cho vay của ông chủ, với ý hướng bất lương là lừa đảo, bịp bợm mưu lợi riêng.
Nếu ngưng lại ở đây, và chỉ dừng lại ở phạm trù luân lý thì Đức Giêsu đã không mở lời khen anh quản lý bất lương là người khôn ngoan, khi Ngài nói : Và ông chủ khen tên qủan gia bất lương đó đã hành động khôn khéo (Lc 16,8),  nhưng Đức Giêsu đã đặt chúng ta vào một phạm trù siêu nhiên hoàn toàn khác với ý nghĩ  về sự khôn ngoan của con người trước tiền bạc, khi đặt tiền bạc vào đúng vị trị với giá trị đích thực của nó : Vị thế và giá trị của một phương tiện.
Sở dĩ Đức Giêsu khen người quản lý bất lương kia khi nói : Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16,9), vì Ngài nhấn mạnh với chúng ta : tiền bạc chỉ là, mãi là phương tiện, và không bao giờ là cùng đích, cứu cánh, mục đích của đời con nguời. Vì là phương tiện, và lạị là phương tiện sẽ hư hao, phôi phai, tàn rụi, nên chúng ta không được bám víu vào tiền bạc như lẽ sống, nhưng chỉ được dùng nó thuần túy như phương tiện để thực hiện mục đích vĩnh cửu, đời đời. Ở đây, Đức Giêsu mở ra cho chúng ta mục đích đời đời là tình bạn Nước Trời với những người bạn của Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu hướng mục đích của cuộc sống chúng ta đến tha nhân, dắt chúng ta ra khỏi pháo đài tiền bạc khép kín để đến với người khác; cởi trói chúng ta khỏi xiềng xích của ích kỷ, tham lam vật chất để chan hoà yêu thương, chia sẻ với người khác. Khi đặt tiền bạc chỉ là phương tiện chóng qua, Đức Giêsu muốn chúng ta thoát khỏi ràng buộc của vật chất và kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của cải cho hạn phúc Nước Trời, được biểu hiện qua tình huynh đệ với những người bạn vĩnh cửu như Tin Mừng Luca đã  ghi lại.
Cũng khởi đi từ vật chất, từ những sinh hoạt liên quan đến của cải như lòng trung tín, Đức Giêsu hướng chúng ta đến lòng trung tín với  Lề Luật : Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tền Của bất chính, thì ai sẽ giao phó cho anh em của cải chân thật ? (Lc 16,10-11). Điều này muốn nói lên : ngay đối với những giá trị vật chất, tuy  nhất thời chóng qua, người ta cũng cần đến lòng trung tín, nói chi đến những giá trị siêu nhiên, đời đời, thì lòng trung tín còn cần thiết biết bao.
Điểm sau cùng Đức Giêsu nhắn nhủ, đó là sức cuốn hút mãnh liệt của tiền bạc, khi đặt tiền bạc như đối trọng có tầm cỡ với Thiên Chúa : Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ ny mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Lc 16, 13).
Khi gọi tiền bạc là ông chủ, hẳn Đức Giêsu muốn nói lên khuynh hướng tôn thờ tiền bạc, thần tượng của cải, sùng bái vật chất như vị thần, ông chủ của đời mình và cuộc sống chỉ còn là một cuộc đời nô lệ tiền bạc, và con người là đầy tớ mù quáng, trung thành của giá trị vật chất hay hư nát, chóng qua.
Tiền bạc không xấu bao lâu còn giữ  vị thế là phương tiện. Nó chỉ xấu và làm con người mất địa vị chủ nhân của mình, khi con người biến nó thành ông chủ của mình, để phải bất hạnh  vì ông chủ có bản chất khắc nghiệt, tàn nhẫn này. Đức Giêsu không lên án người giầu có, nhiều của cải, nhưng cảnh giác nguy cơ người giầu đánh mất chính mình khi tự biến mình thành nô lệ bất hạnh của tiền bạc. Trái lại, hãy khôn ngoan xử dụng tiền bạc là phương tiện với giá trị nhất thời, chóng qua, hay hư nát để mua lấy giá trị  đời đời, vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời   
Và chỉ khi nào tất cả chúng ta ý thức tiền bạc chỉ là phương tiện để thực hiện những mục đích cao đẹp phục vụ con người, làm vinh danh Thiên Chúa, thì xã hội mới không còn cảnh anh em cùng cha cùng mẹ thảm sát nhau vì những thước đất, cháu cưng xiết cổ bà nội, vì vài phân vàng, bạn bè truy sát nhau vì bất đồng vật chất.
Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận của cải như hồng ân, và xử dụng  tiền bạc như phương tiện để làm vinh danh Chúa bằng  quảng đại chia sẻ, và tận tâm phục vụ anh em, nhất là những anh chị em cơ cùng, tân khổ, bần hàn, thiếu thốn đang cần những giá trị vật chất tuy chóng qua, nhưng cần thiết từ bàn tay chúng ta để được sống xứng đáng là con người, và chúng ta được trở thành  bạn hữu đời đời, vĩnh cửu của họ trong Vương Quốc Nước Trời.
Jorathe Nắng Tím