Kinh
thánh cho chúng ta biết về các thiên thần là thụ tạo thiêng liêng được dựng nên
để hầu cận, phụng sự Thiên Chúa. Các vị còn là sứ giả của Thiên Chúa để “đến với
và nói với” con người ý muốn, lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngoài ra còn là nhịp
cầu hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, giữa Trời và Đất, khi chu toàn sứ
mệnh “đồng hành, bảo trợ” loài người được Thiên Chúa trao phó.
Chỉ
nội trong sách Sáng Thế của Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã mặc khải khá rõ sự hiện
diện và sứ vụ của các thiên thần : các vị được Thiên Chúa đặt canh
giữ cây trường sinh, trong vườn địa đàng, “với lưỡi gươm sáng loé”, sau khi con
người bị trục xuất ra khỏi vườn, vì đã ăn trái cây Thiên Chúa cấm (x. St
3,24) ; sứ thần của Đức Chúa hiện ra với Haga, nữ tỳ của Sarai, vợ ông Ápraham,
lúc nàng đang ở “gần một suối nước trong sa mạc” trên đường đi trốn Sarai, vì nàng
đã có thai với Ápraham, chồng của bà chủ mình (x. St 16,7) ; ba thiên thần
được Thiên Chúa sai đến gặp Ápraham dưới hình dạng những người khách để báo tin
vui : Sarai, vợ ông đã già nua nay “sẽ có một con trai” (x. St
18,1-15) ; và ấn tượng nhất là khi Ápraham đang “đưa tay ra cầm dao để sát
tế con mình” (St 22,10), thì “sứ thần của
Đức Chúa từ trời gọi ông : Ápraham ! Ápraham !” Ông thưa : “Dạ,
con đây !” Người nói : “Đừng giơ tay hại đứqa trẻ, đừng làm gì nó !
Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa…” (St 22,11-12).
Bên
cạnh sách Sáng Thế, có sách Tôbia kể về biến cố tổng lãnh thiên thần Raphaen đến
chữa bệnh cho gia đình ông Tôbia (x. Tb 12), cũng như sách Đanien, với sụ kiện
giải thích thị kiến cho Đanien của tổng lãnh thiên thần Gabrien (x. Đn
8,15-16).
Trong
Tân Ước, các thiên thần đã có mặt từ buổi đầu truyền tin “Ngôi Hai nhập thể”
khi “Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét gặp
một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít.
Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27), và trong đêm giáng sinh : các thiên
thần đã loan Tin Vui cho các mục đồng và hợp xướng ngợi khen : “Vinh danh
Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (x. Lc 2,8-14). Và
xuyên suốt cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, các thiên thần luôn có mặt để phục
vụ Ngài như trong hoang điạ, ở đó Ngài chịu ma qủy cám dỗ (x. Mt 4,11) ;
hoặc “đến tăng sức cho Người” trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt, lúc Ngài “xao
xuyến, bồi hồi” và “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,
43-44), rồi buổi sáng Phục Sinh, cũng chính các thiên thần đã loan báo Tin Mừng
“Chúa đã sống lại” cho các phụ nữ ra thăm mộ ngay từ tảng sáng (x. Lc 24,1-7).
Tóm
lại, các thiên thần là thụ tạo thiêng liêng nhưng có thể mang lấy hình hài con
người khi thi hành sứ mệnh đến gặp gỡ con người theo lệnh của Thiên Chúa (x. Lc
24,4 ; Cv 1,10). Đối với Thiên Chúa, các thiên thần có nhiệm vụ hầu cận,
phụng sự, và chuyển lệnh của Ngài đến loài người. Nói cách khác, ngoài sứ vụ thờ
phượng, các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Riêng với con người, các
thiên thần được Thiên Chúa trao những sứ vụ sau :
·
Sứ vụ cảnh giác, giải
thoát con người khỏi những nguy hiểm, bế tắc :
Sách
Công Vụ các Tông Đồ kể lại : “Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử,
ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục
lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực
cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo :
Đứng dậy mau đi !” Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ nói tiếp :
“Thắt lưng lại và xỏ dép vào !” Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo :
“Khoác áo choàng vào và đi theo tôi !” Ông liền theo ra, mà không biết việc
thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mnìh thấy một thị kiến. Qua vọng
canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cổng sắt thông
ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường
phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. Lúc ấy Phêrô mới hoàn hồn và nói :
“Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu
tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải
chịu” (Cv 12,6-11).
·
Sứ vụ giúp đỡ, an ủi
con người :
Sách
Các Vua kể lại chuyện ông Êlia trên đường lên núi Khôrép. Sau một ngày đường
trong sa mạc. Mệt nhọc và nản chí, ông đến ngồi dưới gốc cây kim tước. Ông xin
cho được chết và nói : “Lậy Đức Chúa, đủ rồi ! Bây giờ xin Chúa lấy mạng
sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Rồi ông nằm dưới gốc cây kim
tước đó mà thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói :
“Dậy mà ăn !” Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phiá đầu ông có một miếng bánh nướng
trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, trồi lại nằm xuống.
Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói : “Dậy mà
ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa”. Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương
thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrép, là núi của
Thiên Chúa. (1V19,4-8).
·
Sứ vụ khuyến khích,
nâng đỡ tinh thần, củng cố niềm tin :
Câu
chuyện thiên thần hiện ra với tông đồ dân ngoại trong cơn nguy hiểm gặp bão và đắm
tầu được Phaolô kể lại “Thật vậy, đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là
Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo : Này ông
Phaolô, đừng sợ ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xêda ; vì thương ông,
Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tầu với ông được sống” (Cv 27,24). Và
Phaolô đã nói với các bạn cùng tầu đang lo lắng, hốt hoảng : “Vì thế, thưa
các bạn, hãy can đảm lên ! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa : sự việc sẽ
xẩy ra đúng như lời đã phán với tôi” (Cv 27,25).
Cũng
như trong Tin Mừng Mátthêu, khi thánh Giuse thấy Đức Mẹ có thai thì nghi nan, “mới
định tâm bỏ đi cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kià sứ thần Chúa
hiện đến báo mộng cho ông rằng : Này ông Giuse, con cháu vua Đavít, đừng
ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh
Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người
sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,19-21).
·
Sứ vụ quy tụ, dẫn dắt
con người về với Thiên Chúa :
Các
thiên thần không chỉ đồng hành với con người để chỉ bảo, hướng dẫn, che chở, an
ủi, cứu chữa, mà còn dẫn dắt, quy tụ con người về với Thiên Chúa như Tin Mừng Mátthêu
khẳng định : “Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp
những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời
kia” (Mt 24,31).
Thực
vậy, sự hiệp thông trong Thiên Chúa của
Giáo Hội vinh thắng, và Giáo Hội chiến đấu, cũng như với Giáo Hội thanh luyện được
thực hiện một cách sống động và mầu nhiệm qua sự hiện diện và sứ vụ của các thiên
thần trong thế giới loài người. Các vị hiệp thông với Giáo Hội ở trần thế khi
chu toàn sứ vụ đồng hành, hướng dẫn, nâng đỡ chúng ta sống như Thiên Chúa muốn ;
các vị chuyển đến chúng ta lệnh truyền, ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời dâng lên
Thiên Chúa lời nguyện cầu, lễ tế hy sinh cuộc đời của chúng ta. Do đó, các vị
chia sẻ tất cả với chúng ta, kể cả thông điệp của Tin Mừng, như thánh tông đồ
Phêrô đã qủa quyết : “Đó là thông điệp mà nay các người rao giảng Tin Mừng
đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ
trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy”
(1 P 1,12), để rồi phần rỗi của chúng ta trở nên niềm vui lớn của các vị, như Đức Giêsu đã khẳng
định : “Giữa triều thần thiên quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi
ăn năn sám hối” (Lc 15,10)
Mừng
kính các Thiên Thần Hộ Thủ, mỗi người chúng ta đều có lý do và vinh dự để tạ ơn
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các “thiên thần hộ thủ” đồng hành để bảo vệ chúng ta trên đường
đời lữ thứ nhiều thách đố, nguy hiểm. Ước gì chúng ta không bao giờ lãng quên :
dù những cây số đường đời có khó khăn, nguy hiểm, cám dỗ bủa vây, cạm bẫy kẻ thù
giăng mắc tinh vi, dầy đặc đến đâu, thiên thần hộ thủ của mỗi người vẫn luôn có
mặt để yêu thương, hướng dẫn, giải cứu, gìn giữ, bảo vệ, đỡ nâng Và đến ngày
sau hết, chính thiên thần hộ thủ sẽ hân hoan dẫn chúng ta đến trước Thiên Nhan để
giới thiệu với Thiên Chúa, Đấng chúng ta đã suốt đời yêu mến, phụng thờ: “Đây là
người tôi tớ tài giỏi và trung thành. Người đáng được hưởng niềm vui của chủ mình”
(Mt 25,21).
Jorathe Nắng Tím